Người Khắc Bia Mộ

Thúy Minh mở nắp bút máy, viết vào quyển bút ký:
“Mùa thu, năm 1970”
Rồi Minh không biết phải viết gì thêm. Và nghĩ như thế quá đủ cho Minh rồi. Cũng như ngày nào Minh chỉ đề: “Tết Mậu Thân, 1968”- mà đến nay vẫn không quên những hình ảnh hãi hùng. Không cần phải viết dài dòng. Một chữ, hai chữ, gói trọn một quãng nhỏ trong đời sống. Hai năm rưỡi trôi qua, Minh đã sống không một niềm vui. Những nụ cười chỉ là gượng gạo. Những tin tưởng chỉ là tạm bợ. Thiếu một mái gia đình. Thiếu cả những yêu thương. Cuộc sống không sắp đặt trước mà bỗng thu nhỏ lại, gọn và khô.Nhưng đột nhiên, “mùa thu năm 1970” đã đến, hình như làm cho khoảng đời khô gọn ấy có một chút xao động. Một làn gió thoảng qua không gian yên lặng. Một cọng cỏ ngã xuống mặt hồ yên. Tâm hồn Minh cũng như đang lao chao. Vì một sự gặp gỡ. Vì Đỗ. Vì sự hiện diện của Đỗ trong xóm nhà lặng lẽ này.
Đỗ đã hiện ra sau cánh rào, mà Minh ngỡ là một ông lính xa lạ, không phải người “thầy” mà Minh đang tìm kiếm. Đỗ đã đứng dưới ánh trăng –đêm mười hai- mờ dịu, cho Minh những điều ngạc nhiên. Đỗ hiện diện ở nhà cậu Phương. Và chính tay Minh đã băng bó cho người. Hôm đối diện với vết thương trên tay Đỗ, Minh đã rất xót xa. Vì Minh biết rằng những đổi thay, những tai biến không phải chỉ riêng đến ình, mà đến với bất cứ ai. Mỗi cá nhân khó lòng sống yên với đời sống bình lặng mà mình mong muốn. Và sự sống, sự chết của mình gắn liền với vận mạng của quê hương. Đối diện với một người lính mang thương tích, là đã thấy rõ ràng sự “gắn liền” đó.
Và Đỗ đã hiện diện bên cạnh Minh, trong đám trẻ nhỏ rước đèn tháng tám. Đỗ oai dũng tươi sáng bên chiếc đèn thô sơ độc đáo. Đỗ cũng hiền hòa dịu dàng khi thắp cho Minh ngọn đèn và khi Đỗ gọi “Thúy Minh”. Chưa có ai gọi Minh bằng giọng như vậy. Có tiếng gọi ngọt ngào của mẹ cha ngày thân ái cũ, nhưng là với một sự thương yêu khác, không so sánh được. Minh không biết phải phân tích ra sao. Tìm hiểu ý nghĩa của một tiếng gọi lại khó khăn hơn cả giải một bài tính Vật Lý. Việc làm tính Vật Lý đối với Minh bây giờ không còn khó nữa. Minh đã được nhiều điểm khi làm bài tập. Minh không còn tức phát khóc trong lớp học. Nhờ Đỗ. Minh đã đến nhà Đỗ nhờ dạy thêm. Bác Liêu cũng vui vẻ khi thấy Minh đến nhà. Đối với bác, sự hiện diện đó làm cho căn nhà của bác đỡ khô khan.
Chiều nay, bỗng nhiên Minh thấy cần phải ghi một điều gì vào quyển bút ký đã từ lâu Minh cất kỹ vì sợ phải gợi lại những nỗi buồn. “Mùa thu…”, một cô bé mười bảy tuổi cảm thấy đời sống linh hoạt lên một chút. Một niềm vui nhè nhẹ mà lâu bền. Và cần phải đón nhận, như nhận một viên kẹo ngọt. Cần phải ấp ủ, như ấp ủ một quyển vở mới. Cần phải giấu kín, như giấu kín những dòng bút ký. Minh cảm thấy Đỗ hiện diện trong khắp các sinh hoạt của Minh. Đỗ khuyến khích, an ủi Minh. Đỗ tuy xa, nhưng hầu như lúc nào cũng ở trước mặt Minh. Ánh mắt Đỗ sáng ngời. Vầng trán Đỗ rộng rãi. Giọng nói Đỗ ấm cúng. Tâm tính Đỗ thành thật, bao dung. Có phải niềm vui chợt đến này là sự đền bù cho Minh đã bao ngày mất bóng hạnh phúc của mẹ cha?
Minh gấp sách lại, đứng lên. Minh đã nghĩ ngợi bâng quơ hơi nhiều. Minh tự hỏi như thế có nên hay không? Từ hồi còn bé đến nay chưa bao giờ Minh nghĩ riêng về một người, chưa từng suy tư về một hình bóng. Đôi lúc Minh thắc mắc không hiểu Minh có quá khô khan như bạn bè thường chê? Vì chúng bạn, phần đông ở lứa tuổi học lớp Mười, Mười Một, đứa nào cũng đã bận lòng đến “chuyện tình cảm”. Hình như chúng nó cũng ít che giấu với nhau, nên trong những câu chuyện chúng nó thường kể cho nhau nghe về những người bạn trai. Minh thì không vậy. Minh ít tham dự vào những đề tài đó. Minh không khó tính. Minh cũng không kiêu hãnh hay mặc cảm. Nhưng chỉ là vì Minh chưa cảm thấy có ai để cho Minh bận tâm đến. Chưa có ai khiến cho Minh xúc động. Thế mà nay, Đỗ, anh đã đến, như cơn gió làm tắt ngọn đèn cầy. Nhẹ nhàng quá. Anh đã làm Minh hơi mất thăng bằng. Nhưng cũng chính sự có mặt của anh giúp Minh thấy sự vui vẻ hăng hái trong việc học hành, trong sinh hoạt thường nhật. Phải cảm ơn anh, một người tình cờ và thân mến.
Minh đến trước gương, tự nhiên muốn soi mình trong ấy. Một cô bé đã lớn, tóc dài xõa trên vai, mắt trong sáng và bờ môi tươi tắn. Mình đấy phải không? Minh nhoẻn miệng cười với chính mình, ngay đúng lúc trong gương xuất hiện bóng của Liên Nga.
- Thúy Minh !
Minh bàng hoàng. Không phải tiếng gọi của Đỗ, mà của Liên Nga. Nga đến với quyển sách dày cộp trên tay.
- Minh làm gì đó?
Chưa để Minh trả lời, Nga hóm hỉnh:
- Á à…hôm nay lại soi gương nữa hở? Sắp đi đâu sao cô nương?
Minh lườm bạn:
- Chiều rồi mà đi đâu? Tao mới nấu cơm xong, định học bài đây. Nga đến chi vậy?
- Hỏi mày đã làm toán xong chưa? Tao bí…
- Bài thầy Hùng hả ?
- Ừ
- Làm xong rồi.
Liên Nga trố mắt:

- Khó quá mà mày làm ra rồi sao?Chỉ cho tao với.
Minh sung sướng đem vở Toán ra khoe bạn. Liên Nga xem từng dòng chứng minh, rồi tự cốc vào đầu, nói:
- Vậy mà mình nghĩ hoài không ra. Ngu nhỉ! Minh lúc này “chì” ghê hen.
- “Chì” gì đâu? Chịu khó suy nghĩ một chút.
- Tao nghĩ nát cả óc ra chứ bộ.
Minh cười thú vị. Liên Nga nói:
- Cho tao mượn vở nghen. Tao phải đem về nhà “nghiên kíu” cách suy luận của mày mới được. Còn bây giờ, rảnh không?
- Chi vậy?
- Đi mua vải với tao.
Minh ngần ngừ vài giây, rồi lắc đầu nói:
- Tao còn trông nồi cơm, và tắm ấy đứa em nữa.
Liên Nga xịu mặt:
- Gì mà bận dữ vậy? Làm vừa thôi, làm quá thành cô bé lọ lem đó.
Minh suỵt bạn:
- Nói mợ Phương nghe mợ giận đấy. Mày làm như cậu mợ tao ác lắm vậy. Tao giúp đỡ cậu mợ tao, có gì đâu. Tao chẳng nghĩ gì hết.
Liên Nga im lặng ngồi xuống ghế, bỗng thấy quyển sách là lạ để trên bàn, nó giở ra. Minh kêu lên:
- I’, đừng, Nga!
Nhưng Liên Nga đã trông thấy những dòng chữ viết ở trang gần cuối. Nó liến thoắng hỏi:
- Sao viết ít thế này Minh? Tao chưa hiểu gì cả.
Minh tủm tỉm cười:

- Buồn tay viết chơi mà!
- Xạo đi mày! Nói tao nghe với!
- Tao còn chưa hiểu, làm sao mày hiểu? Thôi đi về đi, để “em” làm công chuyện “bác” ơi!
Liên Nga đứng lên, ôm quyển vở Toán của Minh luôn:
- Ừ, về thì về.
Minh đưa Liên Nga ra cửa, đã thấy thằng Thụy đứng chờ ở đó. Thụy dúi vào tay Minh một mảnh giấy, nói:
- Anh Đỗ nhờ em đưa cho chị.
Rồi nó ù té chạy. Minh còn đang ngạc nhiên thì Liên Nga giật lấy mảnh giấy, liếc mắt đọc nhanh. Nó cười rinh rích, rồi trả lại, giả giọng xỉa xói:
- À, tao biết rồi, mày giấu tao nghen!
Minh ngơ ngác:
- Ơ kìa! Cái gì đâu hở Nga?
Liên Nga nói nhỏ vào tai Minh:
- Mày có cái “anh” nào đó nhé! Anh đó “gà” toán cho mày nhé! Chuyện “mùa thu” nhé! Tao biết rồi nhé! Mày giấu tao nhé! Xấu lắm nhé!...
Minh nhăn mặt, kêu lên:
- Chi mà một lô “nhé” vậy Nga? Nói tầm bậy…
Nga nheo mắt với Minh rồi đi mất, chẳng đợi nghe phân trần. Minh chạy ù vào nhà, rồi mới dám mở mảnh giấy ra đọc. Minh thấy bàn tay mình run run. Nét chữ của Đỗ hiện ra trước mắt:
“Cô Minh,
Tôi sắp trở lại bệnh viện sư đoàn. Nếu không có gì trở ngại, tôi mong được gặp cô Minh sau giờ tan học ngày mai. Tôi có mấy quyển sách mới, định dành cho cô Minh.

Rất mong,
Đỗ”
Minh bồi hồi. Đỗ muốn gặp Minh sau giờ tan học… Mấy quyển sách mới… Rất mong… Vừa xúc động, vừa thấy lo âu, Minh ngồi thừ ra với một mớ ý nghĩ hỗn độn. Rồi nhớ lại nét mặt “sùng sùng” của Liên Nga cùng những câu xỉa xói của bạn, Minh nghe tim đập nhanh. Rủi Liên Nga vào lớp kháo với bạn bè “tin thất thiệt” thì sao? Chắc Minh sẽ xấu hổ biết chừng nào! Mà Đỗ sẽ gặp Minh ở đâu? Ôi chao, nếu anh đến ngay trước cổng trường… Trường của Minh có cả lô nam sinh nữa. Tụi nó sẽ nhìn Minh bằng ánh mắt chế nhạo. Minh sẽ ngượng chết luôn.
Như vậy rồi Minh có gặp Đỗ không? Có gặp được không? Cũng không thể đến nhà anh mà không có bài nhờ chỉ hộ. Minh rối tung cả óc. Việc dễ dàng như thế, hoặc nên, hoặc không, mà Minh cũng băn khoăn như bị đặt trước một đề Toán khó giải.
Minh nhét mảnh giấy vào túi, rồi tự nhủ: phải làm việc, phải làm việc để giữ thăng bằng. Minh đem rổ rau đã ráo nước sắp ra đĩa. Minh thờ thẫn nhìn tay mình nâng niu những lá rau xanh mướt. Đôi mắt chế giễu hóm hỉnh của Liên Nga hiện lên trên màu xanh ấy. Đôi mắt thiết tha của Đỗ cũng hiện lên. Minh bối rối vô cùng, rồi bỗng tự hỏi tối nay là mấy rồi? Trời có còn trăng không? Ở sân nhà kia Đỗ có ra nhìn trời? Đỗ nghĩ gì, nhớ gì về cái đêm rước đèn hôm nọ, hai nhánh cây thô, thắp hai ngọn đèn ngoan?
Tối rồi… Minh bâng khuâng… Trời có trăng không, đêm nay…???
**
Liên Nga hỏi ngay khi Minh vừa vào lớp:
- Hôm qua sao nghỉ học vậy Minh? Bệnh hở?
Minh lắc đầu. Liên Nga lại hỏi:
- Tao thấy mắt mày có quầng thâm nè, bộ thức học bài hay là mất ngủ hả?
- Không có.
- Chứ sao vậy?
Minh lại lắc đầu., và ngồi xuống mở cặp lấy vở để lên bàn. Liên Nga khoe:
- Hôm qua thầy Hùng gọi tao lên bảng, tao làm toán giống y kiểu của mày. Ổng cho tao mười tám điểm luôn. Sướng quá!
- Thế à?
Minh cúi mặt, buồn thiu. Liên Nga ngạc nhiên:
- Có chuyện gì mà mày buồn xìu vậy?
Và Nga giật mình khi thấy đôi mắt của Minh từ từ đỏ lên và long lanh. Nga không dám hỏi thêm vì kinh nghiệm cho biết rằng chỉ cần hỏi tới một câu là sẽ làm cho hai hồ nước kia trào ra. Tốt hơn là cứ để cho bạn dịu lại, rồi từ từ nó sẽ nói ình nghe.
Minh quay đi. Nga rút khăn tay đưa cho Minh. Nga vẫn thường làm như vậy mỗi khi thấy bạn buồn. Có thể nói khăn của Nga không phải sắm cho chính Nga, mà để dành lau nước mắt cho cô bạn “mít ướt” này. Nga mỉm cười. Chắc cũng chẳng có gì quan trọng đâu. Cùng lắm là bị cậu hay mợ nói một câu hơi nặng, rồi tủi thân rồi động lòng nhớ cha, nhớ mẹ. Hay là…. Liên Nga bỗng nhớ tới mảnh giấy của người ký tên “Đỗ”. Có thể nguyên nhân là ở đó. Một lời hẹn khéo léo và “có cớ”. Một sự mong đợi. Nhưng tại sao hôm qua Minh lại nghỉ học? Minh khước từ sự gặp gỡ đó chăng? Vì sao? Liên Nga thắc mắc ghê lắm nhưng phải kềm lại vì giờ Vạn Vật đã bắt đầu.
Giờ chơi, Liên Nga rủ Minh đi dạo trong sân trường. Minh vẫn giữ vẻ mặt buồn thiu. Hai đứa vào quán hội đoàn mua xí muội và đến ngồi ở một băng ghế tránh xa bọn nam sinh. Liên Nga chìa gói giấy ra:
- Ăn xí muội đi! Mặt mày bí xị làm tao nản quá!
Minh cười:

- Chi đâu mày? Khéo tưởng tượng.
- Chối nữa hở? Tao tưởng tượng? Còn mày thì khóc thật. Không nói cho tao nghe thì tao chẳng thèm chơi với mày nữa. Ghét!
Minh lặng thinh. Liên Nga ôm vai bạn thỏ thẻ:
- Hỏi thật mày nghe Minh! Phải mày buồn vì cái anh Đỗ nào đó không?
Minh lắc đầu lia lịa:
- Đâu có mày. Nói tầm bậy.
Liên Nga vờ giận dỗi:
- Bộ tao không xứng đáng nghe chuyện của mày sao? Thế thì thôi vậy.
Rồi Nga dợm đứng lên. Minh vội nói:
- Nga! Mày sao… nóng quá hà.Tao… tao… ừ, tao buồn vì chuyện đó.
- Vì… mảnh giấy bữa trước?
- Ừ, nó… làm tao rối óc.
- Có gì mà phải rối óc?
Minh bẹo tai Liên Nga, nói:
- Mày là con khỉ. Mày lanh quá nên biết hết tất cả rồi. Tao không giấu mày, nhưng mày không được nói với mấy đứa kia đó.
- Tao thân có một mình mày, bép xép với tụi nó làm chi?
Minh thở dài:
- Nhớ giữ kín giùm tao. Chuyện nhỏ xíu, không ỏm tỏi như tụi nó đâu.
Liên Nga chêm vào một tựa truyện tiểu thuyết:
- “Cơn gió thoảng” hở?
- Gió thoảng hay gió lốc gì đó, tùy mày hiểu.
- Tao có hiểu “mô tê” gì đâu? Nè, Đỗ là ai?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận