Ngược Về Thời Minh

Vương Vân Phượng lui ra ngoài, vừa lúc gặp một văn nhân áo trắng mũ cao, ăn mặc tao nhã, tay áo bồng bềnh đi vào. Y không nhận ra người này là ai, nhưng nhìn khí phách oai phong đường hoàng, điềm tĩnh tự nhiên, mắt nhìn khung cửa, dường như là một nhân vật phi thường nào đó, liền cúi đầu hành lễ.

Đây gọi là đa lễ không đáng trách, Vương Vân Phượng hành lễ xong, ngẩng đầu lên định nói vài câu, nhưng người vừa rồi đã biến đâu mất, quay đầu nhìn chỉ thấy người đó đã vào đến đại sảnh từ lâu, đoạn nghĩ chắc người đó quen đi như vậy, còn ngây người ra nghĩ sao không bị cái bậc cửa ngáng chân nhỉ, hiệu trưởng Vương đành sờ sờ mũi ngại ngùng đi thẳng.

Lưu Cẩn thấy Lư Sĩ Kiệt xem chừng rất vui, y rất kính trọng vị danh sĩ đồng hương này, thấy ông ta đến bèn vội vàng tươi cười nói:

- À, tiên sinh đến rồi, mời ngồi đi. Người đâu, dâng trà.

- Tiên sinh, việc xây cung đến đâu rồi?

Lư Sĩ Kiệt vừa mới ngồi xuống, Lưu Cẩn đã không đợi được hỏi luôn.

Lưu Cẩn đến nay quyền cao chức trọng, uy danh khắp thiên hạ, không ai dám kháng cự lại y. Trong cơn đắc ý, bèn muốn làm rạng rỡ tổ tông, khẩn cầu trường sinh. Y cho xây Huyền Minh Cung ở ngoài Triều Dương Môn, thờ tự Huyền Minh Hoàng Đế.

Do tài chính trong triều khó khăn, nên Chính Đức vốn không đồng ý. Lưu Cẩn bèn dùng hoa ngôn xảo ngữ, nói rằng công chúa điện hạ Vĩnh Phúc để cầu phúc cho Thái Hoàng Thái Hậu đã xuất gia tu hành, cảm động càn khôn, lại thỉnh nguyện yêu cầu xây một cung điện hoành tráng để cầu phúc cho Thái Hoàng Thái Hậu, để thể hiện lòng kính yêu của chúng thần dân. Nếu Hoàng Thượng không đồng ý, e là khó tránh khỏi làm tổn thương đến tấm lòng bách tính đó. Chính Đức nghe vậy rất vui, liền hạ chỉ cho Lưu Cẩn toàn quyền lo liệu, xây Huyền Minh Cung ở ngoài Triều Dương Môn.

Lấy điều đó làm cái cớ, Lưu Cẩn đã chiếm đoạt hàng nghìn mẫu đất ở ngoài Triều Dương Môn. Hoàng Am ở ngoại ô phía tây Kinh Thành còn chưa động thổ, phía Triều Dương Môn đã hừng hực khí thế làm việc ngay giữa mùa đông lạnh giá. Lưu Cẩn cho phá dỡ gần hai nghìn nhà ở của người dân, khai quật gần ba nghìn ngôi mộ. Lưu Cẩn không dám quá đáng, đến mức để bách tính chết cóng giữa mùa đông, tiền chuyển nhà và đất tái định cư thì y phê cả, nhưng đất chôn thì phải trả thêm tiền, như vậy, ngoài số ít quan viên sĩ đại phu có tiền mua đất ra, đại bộ phận dân thường căn bản không có tiền mua đất chôn, đến nỗi xương trắng nổi nhan nhản trên mặt đất. Tiếng chửi rủa của bách tính vang vọng không ngớt trong thành.

Sau đó, Lưu Cẩn lại phái người của Đông Xưởng đến từng nhà thương gia, phú hộ vận động quyên góp. Thử hỏi mấy thằng sai dịch của Đông Xưởng mang cái nụ cười giả tạo đến nhà người ta xin tiền, mồm năm miệng mười nói rằng làm thế là để thể hiện lòng hiếu thảo, xây Huyền Minh Cung vì sự an nguy của phượng thể Thái Hoàng Thái Hậu, thì ai không dám nôn ra, ai không dám nộp tiền? Lưu Cẩn trong mắt Chính Đức quả nhiên là cao thủ trong việc thu xếp tài chính. Dùng biện pháp này, chỉ trong có nửa tháng ngắn ngủi đã huy động được hơn bốn mươi vạn lượng bạc, đủ để xây một đại điện đồ sộ hoành tráng.

Lưu Cẩn nhân cơ hội này, đánh tiếng với Chính Đức, nói rằng y vì Thái Hoàng Thái Hậu xây cung cầu phúc, trong lòng nhớ về phụ mẫu thân sinh, thường đến đêm khóc thầm, trong lòng bất an, nhưng vì phải hầu hạ Hoàng Đế mà không thể làm tròn đạo hiếu, xin Chính Đức Hoàng Đế niệm tình y hầu hạ bấy nhiêu năm nay mà ban tặng một bức hoành, để lập một miếu thờ trước mộ phần của phụ mẫu, bày tỏ niềm vinh quang.

Lời yêu cầu này Chính Đức đồng ý ngay, bèn tự tay viết hai chữ “Trung Nghĩa” trao cho Lưu Cẩn. Lưu Cẩn nhận lấy đề tự của Chính Đức, tức thì lập giả chiếu, mệnh lệnh quan địa phương Thiểm Tây mời thầy phong thủy đi thăm dò, tìm ra mảnh đất có phúc, lấy năm chục mẫu đất ra xây dựng, lập cho phụ mẫu Lưu Cẩn mộ đá, từ đường bằng đá có bia đình bảo vệ, trong quần thể còn cho xây thêm miếu Nghĩa Dũng Vĩnh An. Cả lăng mộ dựa theo quy cách của Vương Hầu.

Quan phủ địa phương Thiểm Tây dù có tận lực phụng mệnh, cũng không lấy đâu ra nhiều bạc đến thế. Hơn nữa đó là quê hương mình, Lưu Cẩn đối đãi rất tốt với đồng hương, không nhẫn tâm bắt phụ lão quê mình phải bỏ tiền, số tiền này đương nhiên là bổ đầu bách tính trong kinh thành. Lưu Cẩn mượn cớ xây Huyền Minh Cung đã bóc lột được hơn bốn mươi vạn lượng bạc, trích ra tám vạn lượng trong đó gửi về Thiểm Tây, dùng để xây mộ, lập từ đường cho phụ mẫu.

Lưu Cẩn cũng biết thuộc hạ của y đứa nào cũng tham lam, nếu như giao hết việc cho bọn chúng, thì tất sẽ bị lớp lớp xà xẻo, mà Lư Sĩ Kiệt thì không tham tiền, cho nên giao hết mọi việc cho ông ta quản lí. Lư Sĩ Kiệt chắp tay nói:

- Lưu công, kinh phí dùng để xây Huyền Minh Cung còn thiếu gần 10 vạn lượng, bây giờ vừa mới bắt đầu thi công, nên cũng không vội, chỉ là đến giai đoạn cuối, tất sẽ thiếu thốn, chi bằng sớm chuẩn bị sẽ tốt hơn.

Lưu Cẩn kinh ngạc, buột mồm nói:

- Còn thiếu nhiều vậy? Lúc đầu chẳng phải…

Y nói được nửa câu thì mới nhớ ra là mình đã bòn rút mất 8 vạn lượng, nên ngân lượng bị thiếu là đương nhiên rồi, đành chữa lại:

- Đã như vậy, thì lại cử người đến nhà thương nhân, phú hộ vận động là được chứ gì.

Lư Sĩ Kiệt khuyên nhủ nói:

- Lưu công, ý này chỉ e không ổn, ở đây dù sao cũng gần Thiên Tử, rất nhiều thương nhân, phú hộ đều có quan hệ mật thiết với hoàng thân quốc thích. Lần thu tiền trước đã khiến bọn họ bất mãn lắm rồi, lần này lại bắt nộp nữa thì lời oán thán của đám người đó truyền đến ông trời cũng nghe thấy mất…

Lưu Cẩn đột nhiên bừng tỉnh:

- Tiên sinh lo lắng đúng lắm.

Y nhíu lông mày nói tiếp:

- Thỏ còn không ăn cỏ gần hang, ta không thể quá đáng với kinh thành, nhưng mười vạn lượng không phải là số ít, lẽ nào bắt ta tự rút hầu bao? Thật đáng ghét! Tuần Phủ các nơi phải còn vài tháng nữa mới vào kinh, không thì số bạc này…

Đoạn mắt y sáng rực lên nói:

- Đúng rồi, Trương Trung trình báo lên nói rằng Bá Châu có mỏ vàng, xin được thăm dò, không biết tình hình bây giờ thế nào rồi. Ha ha, việc này cứ giao cho gã đi. Tiên sinh chớ vội, ta lập tức lệnh Trương Trung gom đủ 10 vạn lượng bạc, trong 2 tháng sẽ tiếp tế cho kinh thành! Huyền Minh Cung là xây cho Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thượng cũng rất quan tâm, nên tuyệt đối không được trì hoãn.



Phàn Mạch Ly thấp thỏm lo lắng nói:

- Trương công công, hiện giờ giong chống khua chiêng như vậy e là không phù hợp cho lắm. Uy Quốc Công mặc dù không xen được vào việc của chúng ta, nhưng lại là người gần gũi Hoàng Thượng, ngộ nhỡ gã có nói gièm vài câu, Hoàng Thượng nổi giận thì cũng chẳng hay ho gì.

Như bây giờ, nông dân vào thành bán rau bán gạo, và các mặt hàng lương thực thực phẩm khác, thu thuế cao quá, ra thành vào thành đều bị thu tiền, khiến dân chúng không dám vào thành nữa. Các cửa hàng trong thành không dám mở cửa, khắp nơi hoang vắng tiêu điều.

Thế còn chưa nhằm nhò gì. Cái bọn sai dịch mà công công chiêu mộ, đại đa số là lũ du côn vô lại khắp nơi. Bọn người đó một mặt thu thuế giúp công công, một mặt tự kiếm tiền bỏ túi riêng, khiến dân tình oán thán. Đám sai dịch chiêu mộ từ mạn Cố An kia, có đứa thì công khai thanh toán thù riêng, chẳng cần tìm một lí do nào cả, thậm chí còn giả danh nghĩa công công, đánh đập tiểu quan lại địa phương, cướp bóc thương nhân qua đường, làm dân chúng khắp nơi uất hận. Bách tính Bá Châu vốn thượng võ hiếu chiến, nếu cứ tiếp tục thế này e rằng sinh loạn mất.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui