Người Bình Xuyên


Bảy Trân đang đập lúa ngoài đồng bỗng có một người Pháp xăm xăm đi tới. Mọi người ngưng tay dòm ngó. Tây ra ruộng là điều hiếm thấy. Bảy Trân vẫn mải miết đập lúa không hay biết người kia đã tới sát một bên:
- Ê, Trân…
Bảy Trân quay lại, nét mặt ông chuyển từ ngạc nhiên tới lo ngại:
- Chào Brô-sê-riu (Brochériou)! Mày kiếm tao có việc gì? Lành hay dữ?
Brô-sê-riu là bạn học của Bảy Trân tại miền Nam nước Pháp. Bảy Trân được giới thiệu sang Nga học trường Đông Phương, rồi về nước hoạt động cách mạng, thì Brô-sê-riu cũng đi Đông Dương làm nghĩa vụ quân sự, sau đó tình nguyện ở lại thuộc địa làm công chức. Hắn được đổi về Sài Gòn làm việc tại sở mật thám Ca-ti-na, phụ trách văn khố lưu trữ hồ sơ các chính trị phạm. Khi Bảy Trân được giải về bót Ca-ti-na, Brô-sê-riu nhận ra người bạn học năm xưa. Hắn mời Bảy Trân lên văn phòng, nhắc chuyện cũ hồi học ở Pháp có lần Bảy Trân về nhà hắn chơi trong những ngày lễ. Thái độ của Brô-sê-riu chân tình cởi mở, nhưng Bảy Trân vẫn giữ vẻ lạnh lùng xa cách. Bởi ngày xưa là bạn nhưng giờ đây họ đang ở hai trận tuyến đối địch, kẻ theo cách mạng, người làm mật thám. Brô-sê-riu thì không nghĩ vậy, hắn là mật thám bất đắc dĩ, mà coi tình bạn là thiêng liêng. Hắn trao cho Bảy Trân một danh thiếp, dặn dò "Nhà tao ghi rõ trong đó. Mày đến chơi bất cứ lúc nào cũng được. Có ai làm khó dễ, hãy đưa danh thiếp này ra".
Bảy Trân nhận cho Brô-sê-riu vui, nhưng cất kỹ không dùng đến, đồng thời về báo cáo đầy đủ mọi việc với chi bộ. "Hôm nay nó đến đây có việc gì?".
- Việc lành. Ông sếp tao muốn gặp mày.
- Cò Ba-de (Bazin) muốn gặp tao?- Bảy Trân ngạc nhiên đến cùng cực.
- Phải. Mày về tắm rửa thay đồ. Xe tao đậu ngoài đường cái.
Suốt chặng đường từ Đa Phước tới Catina, Bảy Trân không ngớt thắc mắc. Brô-sê-riu đưa Bảy Trân tới phòng Ba-de rồi trở về phòng mình. Dưới cánh quạt quay tít, tên cáo già đang suy tính điều gì? Vừa thấy Bảy Trân, hắn niềm nở mời ngồi, bấm chuông gọi mang la-ve, chìa gói thuốc lá của Anh nhập cảng từ Hồng Kông.
Bảy Trân không nhận ly la-ve, viện cớ đau bao tử, móc bao thuốc rê vấn một điếu để đó. Ba-de đi ngay vô đề:
- Tôi mời ông đến đây để nhờ một việc. Chắc ông dư biết là chiến tranh thế giới đang tới giai đoạn quyết liệt. Đồng minh đang phản công trên khắp mặt trận phía đông và phía tây, phát xít đang trong thế lúng túng… Nhưng tại Đông Dương này, quân Nhật hãy còn hung hăng háo thắng. Người Pháp ở Đông Dương chúng tôi muốn liên kết với những người Cộng sản các ông chống phát xít. Trước đây những người cộng sản các ông đã đề nghị lập Mặt trận Bảo vệ Đông Dương, nhưng tiếc thay lúc đó người Pháp chúng tôi không nghe. Bây giờ chúng tôi mới thấy mình sai. Chúng tôi còn phạm một sai lầm khác lớn hơn là bắt bớ tù đày những người Cộng sản là những người cương quyết chống phát xít hơn ai hết. Bây giờ tôi xin thay mặt những người Pháp dân chủ ở Đông Dương chính thức đề nghị những người Cộng sản liên kết với chúng tôi lập lực lượng chống phát xít bảo vệ Đông Dương. Muốn làm được việc này, phải gặp Bí thư Xứ ủy Nam kỳ là Trần Văn Giàu. Ông có thể giúp chúng tôi tìm ông Giàu?
Bảy Trân chột dạ:
- Tôi không biết ông Giàu hiện giờ ở đâu. Mấy năm nay tôi bị "quản thúc tại gia", tôi không còn hoạt động, không còn liên lạc…
Ba-de nhìn lên trần nhà, cười mũi:
- Bộ ông tưởng suốt ngày chúng tôi chỉ ngồi dưới quạt máy uống la-ve?
Bảy Trân hoang mang: "Chắc là nó biết mình che giấu Sáu Giàu" nhưng vẫn chối dài:
- Quả thật tôi không biết ông Giàu hiện giờ ở đâu. Nghe nói các ông đày ông Giàu ra Bà Rá, Tà Lài…
Ba-de nhận chuông, một thầy chú chạy vô:
- Đưa ông Giác vô đây!
Thầy chú dẫn Châu Văn Giác vô, áo quần bê bết máu me, người gầy như cò ma, mắt thụt sâu, râu dài, tóc rối. Ba-de nói:
- Hai ông ngồi đó mà nói chuyện với nhau, tôi sang bên kia một lúc. - Hắn bước ra ngoài, đóng cửa lại. Trong phòng chỉ còn hai người. Bảy Trân nghi có máy ghi âm bí mật gắn đâu đó nên nói những gì thật cần thiết mà thôi.
- Mày bị bắt bao giờ?
- Nửa tháng nay tao bị tụi "suya-rơ-tê" 1 Cà Mau bắt tại Xẻo Rô, giải về tỉnh rồi đưa về đây. Tụi nó đánh tao chết đi sống lại, chỉ hỏi có một câu "Trần Văn Giàu ở đâu?". Rất may là Giàu đi một tuần trước khi tao bị bắt. Bị đòn đau quá, tao khai đại là: "Có lẽ Bảy Trân biết chỗ Giàu ở hiện nay". Bây giờ mày liệu khai sao đó thì khai.
Một lúc sau, Ba-de trở qua. Châu văn Giác được đưa xuống phòng giam.
- Sao? Bây giờ ông chịu giúp chúng tôi chưa?
Bảy Trân miễn cưỡng:
- Tìm Trần Văn Giàu như thể tìm chim. Không biết có tìm được hay không. Kẹt một điều là tôi không đủ tiền xe cộ.
Ba-de mở tủ, đặt một xấp bạc trên bàn:
- Đây, ông cầm lấy 50 đồng này mà đi xe, cố tìm cho được Trần Văn Giàu, nói rằng bao nhiêu chi phí về giấy mực công in truyền đơn chống phát xít, chúng tôi chịu hết. Các ông cần gì, chúng tôi sẽ giúp. Chỉ cần nhớ rõ điều này là không được bạo động và tiết lộ vụ này với Nhật. Vì chúng nó sẽ giết các ông và cũng giết luôn chúng tôi.
Bảy Trân cầm 50 đồng ra về. Ông họp ngay Liên chi bộ Tân Phong Hạ báo cáo nội vụ. Ông ném xấp bạc lên chiếu:
- Lần đầu tiên tôi nhận tiền của mật thám. Về việc đi tìm đồng chí Bí thư Xứ ủy, các đồng chí có ý kiến gì?
Mọi người lần lượt góp ý. Đa số vui mừng vì thấy thằng Tây xuống nước, mời mọc Cộng sản chống phát xít. Cũng có người dè dặt, nghi tên cáo già Ba-de giở trò gì đây. Tuy nhiên đa số nhất trí là Pháp ở Đông Dương đang chìm tàu, muốn bám cái phao Cộng sản. Đây là cơ hội để mình lợi dụng mâu thuẫn giữa thực dân và phát xít mà hoạt động mạnh. Vấn đề là xem ai có bản lĩnh hơn ai. Sau cùng liên chi bộ quyết định cho Bảy Trân đi tìm Trần Văn Giàu và tùy đồng chí bí thư định đoạt thái độ.
Trần Văn Giàu thoát căng Tà Lài trốn về Đà Lạt, lại từ Đà Lạt ra Nha Trang với ý định đi xa hơn nữa nhưng không lọt. Giàu phải quay lại Đà Lạt nhờ Chung Văn Năm bố trí cho về Sài Gòn bằng xe của công sứ Đà Lạt mà tài xế là bà con của Năm. Sáu Giàu về ở nhà Bảy Trân một tuần. Bảy Trân bố trí một ghe ba thiên, giả đi làm mắm ở Rạch Giá để đưa Sáu Giàu xuống Xẻo Bần. Với tiền vợ cho, Sáu Giàu sắm mấy mẫu rẫy thơm sống nhàn nhã, không phải ẩn náu lén lút như trước… Một tuần trước khi Châu Văn Giác bị bắt, Sáu Giàu tới bảo: "Tụi mình làm cách mạng, không phải đi tìm cuộc sống hưởng lạc. Tình hình thế giới và trong nước biến chuyển rất thuận lợi cho ta. Vậy tôi phân công cho anh phụ trách từ Cần Thơ đổ xuống, Cần Thơ đổ lên đã có Ung Văn Khiêm. Còn tôi thì về Sài Gòn phụ trách đầu não…".
Như vậy Trần Văn Giàu không còn ở Xẻo Bần nữa, Bảy Trân tốc xuống Mỹ Tho, tới Chợ Gạo, đến nhà Hương trưởng Hoài là gia đình cách mạng mà Sáu Giàu thường lui tới. Hương trưởng Hoài đã lên Sài Gòn, Bảy Trân lộn về Sài Gòn. Nhờ Hương trưởng Hoài, Bảy Trân tìm được nơi ẩn của Sáu Giàu. Đó là ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh ở đường Sâm-pan (Champagne). Sau khi nghe Bảy Trân trình bày, Sáu Giàu suy nghĩ một lúc rồi bảo:
- Mày về triệu tập hội nghị Liên chi bộ Tân Phong Hạ lại, ba ngày sau tao sẽ tới bàn cách đối phó với thằng Ba-de. Mời họp tại nhà bà già mày có tiện không?
- Được! Chỗ đó an toàn.
- Mày để chiếc xe đạp của mày lại đây cho tao làm chân. Mày về bằng cách nào tùy ý.
Bảy Trân đón xe thổ mộ về, triệu tập các đồng chí liên chi bộ trong tổng tại nhà mẹ ruột ở ấp Tân Liêm, xã Đa Phước. Đúng ngày giờ đã định, Sáu Giàu đạp xe tới. Anh đọc bản nháp bức thư viết bằng tiếng Việt gởi cò Ba-de cho các đồng chí nghe để thảo luận góp ý thêm bớt. Đại ý bức thư như sau: "Trần Văn Giàu không thể gặp cò Ba-de được. Còn việc liên kết chống phát xít thì người Pháp ngừng bắt bớ Cộng sản và trả tự do các chính trị phạm rồi sẽ thấy những người Cộng sản chống phát xít như thế nào". Sau khi hội nghị thông qua, Sáu Giàu chép sạch bức thư, hội nghị nhất trí cử Bảy Trân làm xứ giả mang thư. Bảy Trân cẩn thận đề nghị anh em cử thêm một đồng chí nữa để cùng đi với anh, vì đây là chuyện vô cùng quan trọng. Hội nghị cử anh Trần Vinh Hiển là con Hương trưởng Hoài, từng du học ở Pháp. Bảy Trân còn cẩn thận cuốn tròn bản nháp bức thư của Sáu Giàu cho vào ve chai đậy nút, đóng khằng đem chôn để sau này khi cần thì đào lên làm chứng liệu lịch sử.
Trần Vinh Hiển đóng khăn be áo dài, còn Bảy Trân mặc Tây. Cả hai được cò Ba-de ân cần đón tiếp. Khi biết Trần Văn Giàu không chịu gặp mình, Ba-de nói:
- Bức thư này sẽ giao cho thông ngôn dịch tra tiếng Pháp để cho sếp của tôi xem và có ý kiến sau. Bây giờ xin cảm ơn hai ông…
Bảy Trân và Trần Vinh Hiển ra về.
° ° °
Tin Sáu Giàu vượt ngục Tà Lài cùng với tin Bảy Viễn, Mười Trí thoát khỏi Côn Đảo về tới đất liền khiến Đại úy Sa-va-ni, trưởng Phòng Nhì, hết sức lo ngại. Giữa thanh tra mật thám Ba-de và trưởng Phòng Nhì Sa-va-ni có một chút bất đồng ý kiến. Ba-de trước đây chuyên lo truy tầm, bắt bớ Cộng sản, bây giờ định biến Cộng sản thành đồng minh tạm thời trong giai đoạn Nhật sắp đảo chính. Sau này nếu dẹp xong phát xít, lão sẽ trở mặt bắt bớ tù đày anh em Cộng sản trở lại. Cho nên trước cũng như sau, mối bận tâm số một của con cáo già Ba-de vẫn là Cộng sản. Còn Sa-va-ni thì ngày đêm quan tâm có một vấn đề du đãng. Với hắn, du đãng là một lực lượng đáng nắm được du đãng, người đó có nhiều hy vọng chiến thắng. Sa-va-ni ngại nhất là du đãng rơi vào vòng ảnh hưởng của Cộng sản, hai nhóm này mà liên kết lại thì sẽ trở thành một địch thủ vô cùng lợi hại.
Hắn cấp tốc triệu tập hai cánh tay đắc lực lại để bàn kế hoạch. Cánh tay thứ nhất là Lâm Ngọc Đường. Tay này là công tử Bạc Liêu, con của Hương chủ Lâm Quang Sắc, điền chủ lớn ở xã Tân Hưng Đông, quận Cái Nước, giữa đường Cà Mau- Năm Căn. Dân ở miệt này gọi Đường là cậu Hai. Đường đi Pháp học, nhưng khi về nước chẳng mang bằng cấp nào ngoài tài ăn chơi, nhảy đầm. Hắn sắm tàu đưa hành khách từ Cái Nước ra Cà Mau và ngược lại, mỗi ngày một chuyến đi, một chuyến về. Tàu đặt tên là Kim Mã để đối với tên cúng cơm hắn là Ngọc Đường. Với danh nghĩa là công tử Bạc Liêu từng du học ở Pháp, Lâm Ngọc Đường tình nguyện làm nhân viên Phòng Nhì và được Sa-va-ni tín nhiệm, xem như cánh tay mặt, chuyên về các vấn đề chính trị.
Cánh tay thứ hai là một tay cờ bạc vô dân Tây tên là Mô-rit (Maurice) Thiên. Mô-rit Thiên là dân ghiền cá ngựa, nuôi ngựa đua và ăn chịu với đám nài để làm độ. Khi đầu quân vào Phòng Nhì, hắn được Sa-va-ni giao công tác trông coi các đội Con-măng-đô- cha đẻ của loại binh chủng biệt kích sau này.
Sa-va-ni trình bày tình hình về các nhóm du đãng ở Sài Gòn, Chợ Lớn rồi mời hai phụ tá góp ý. Lâm Ngọc Đường đã nghiên cứu vấn đề từ lâu nên thao thao bất tuyệt:
- Du đãng trong đô thành rất nhiều nhóm, nhưng theo tôi thì chỉ có ba nhóm đáng kể. Đó là nhóm Tám Mạnh ở Chánh Hưng và vùng cầu Chữ Y chạy dài vô cầu Mới (tức cầu Nhị Thiên Đường). Kế đó là nhóm của hai anh em Ba Dương, Năm Hà, nhóm này hùng cứ ở Tân Quy và vùng Nhà Bè. Nhóm thứ ba là nhóm Bảy Viễn- Mười Trí mà địa bàn hoạt động là trường đua Phú Thọ, chợ Thiếc, An Bình, Bà Quẹo. Hiện nay ba nhóm này có xu hướng chính trị khác nhau. Nhóm Ba Dương thì làm cho hãng đóng tàu Nhật, Hãng Nichinăn ở sát cầu Rạch Ong.
Ngoài chuyện làm "sếpsăn-chê" (chefchantier) để kiếm tiền sinh sống, chưa biết hai anh em Ba Dương, Năm Hà còn có ý gì nữa không?- Tôi muốn đặt dấu hỏi là nhóm này có thân Nhật như đạo Cao Đài hay không? Nhóm Tám Mạnh thì lâu nay "án binh bất động" nhưng xét vì tổng Tân Phong Hạ là cái nôi Cộng sản nên có thể đặt giả thuyết nhóm này chịu ít nhiều ảnh hưởng Cộng sản. Còn nhóm Bảy Viễn- Mười Trí thì chưa thấy có màu sắc chính trị gì. Đây là mảnh đất hoang, dễ cho chúng ta khai phá.
Mô-rit Thiên hăm hở tiếp lời:
- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Đường. Nhóm Bảy Viễn và Mười Trí xin cho tôi phụ trách, bởi chúng tôi có nhiều điểm giống nhau, mà trước hết là máu cá ngựa.
--------------------------------
1Sureté: Sở mật thám


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui