Người Bình Xuyên


Về thành, Bảy Môn không về Thủ Thiêm và hãng đóng tàu Caric vì lúc ra đi anh đã hẹn "sẽ trở về trong chiến thắng". Thân phận hàng thần lơ láo, tốt hơn nên tìm một nơi mới, sống ẩn dật, dễ chịu hơn. Anh mùa nhà ở bến đò Long Kiểng, thuộc xã Tân Quy, sống lây lất qua ngày. Xác gửi Tân Qui nhưng hồn vẩn vơ ở Thủ Thiêm. Anh tương tư con đò bập bềnh trên sóng nước. Đò máy đã có rồi, nhưng anh vẫn mê đò chèo với tiếng hò của cô lái:
Chừng nào Chợ Quán hết vôi
Thủ Thiêm hết gạo em thôi đưa đò
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm
Còn Mười Lực thì định mệnh đẩy ngay vô Bảy Viễn. Bọn "mặt gạch" giữ hai cho con Mười Lực lại, điện cho Bảy Viễn tới lãnh, Bảy Viễn đưa Mười Lực về tổng hành dinh tính giao việc ngay nhưng Tư Sang, Năm Tài khuyên nên từ từ, đề phòng Việt Minh "cấy" người. Bảy Viễn cho thết tiệc mừng bạn cũ và hỏi thăm về cái chết của Tư Huỳnh và các "nạn nhân" khác như Lâm Ngọc Đường, Tư Tỵ, Tư Hoạnh, Ký Huỳnh, Ba Hanh…
Qua ngày sau, có thư của đại úy Savani yêu cầu Bảy Viễn " ượn" Mười Lực. Bảy Viễn trừng Năm Tài:
- Mười Lực mới về đây, ai cho thằng Savani hay mà nó hỏi? Phải mày không, Năm Tài?
Năm Tài mồm mép:
- Mười Lực bị tụi Tây bố ráp bắt được giải về đồn chỉ huy. Mình không thông báo, đại úy Savani cũng biết.
Bảy Viễn bực mình:
- Đ.m. con người chứ đồ vật đâu mà mượn!
Năm Tài bả lả:
- Thì Savani nói vậy cho lịch sự. Như vậy là ông ta trọng anh Bảy, chứ Savani lệnh ông Bảy giao Mười Lực cho Phòng Nhì thì ông Bảy cũng phải tuân theo…
Bảy Viễn nói với Mười Lực:
- Anh Mười cứ qua bên đó. Tới chiều tôi cho người qua rước. Cưa an tâm mà đi!
Mười Lực lên xe tới văn phòng Savani. Anh được đưa tới một tấm bản đồ Rừng Sác to bằng hai tấm đệm treo trên vách. Savani đi thẳng vô vấn đề:
- Tôi nghe nói ông về với Bảy Viễn. Tôi liền xin hỏi mượn ông một ngày. Xin ông vui lòng cho tôi biết các nơi đóng quân của Bình Xuyên còn lại trong đó - Hắn trao Mười Lực một cây bút, nhưng xem lại không phải là cây bút mà là một cây thước, cứ rút ruột ra hoài cho đến khi nó dài cả thước.
"Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng" - Mười Lực than thầm - "Làm sao nỡ chỉ điểm áy bay lên thả bom, bắn giết anh em mình trong đó?".
- Tôi không biết xem bản đồ.
Savani cười lạt:
- Trung đoàn trưởng mà không biết xem bản đồ thì vô lý quá! Ai tin cho được.
Mười Lực cau mày biết mình hớ. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao:
- Tôi nói thật! Ông có quyền không tin, nưhng tôi dốt thì chịu dốt. Tôi chỉ học hết lớp ba trường làng. Rồi đi giang hồ. Đúng là tôi chỉ huy trung đoàn nhưng tôi chỉ huy trên thực địa chớ không chỉ huy trên bản đồ như các ông. Nếu cần, tôi sẽ đưa các ông đi.
Đến lượt Savani cau mày: "Thằng dốt mà hãnh diện về cái dốt của mình, mấy cha Bình Xuyên này không giông ai hết".
- Thôi được! Nếu ông không biết coi bản đồ thì xin cám ơn ông. - Savani bảo tài xế đưa Mười Lực trở về tổng hành dinh Bảy Viễn. Mười Lực thở phào: "Thoát nạn!".
Nhưng hai ngày sau, Savani lại hỏi mượn lần nữa. Lần này nó không bảo Mười Lực xem bản đồ mà yêu cầu cho biết nơi đóng quân trên giấy trắng mực đen. Mười Lực đành cho hắn biết vài nơi đóng quân cũ, trước khi tảo thanh.
Trời mỗi lúc một trưa, không thấy chúng đá động đến cơm nước hoặc cho tài xế đưa về. Đến đúng mười hai giờ, lính đem tới một mâm cơm cho hai người ăn. Từ phòng bên kia Bảy Môn bước ra. Thì ra số phận hai người luôn luôn ràng buộc với nhau. Trong lúc hai người ăn thì bọn lính Tây võ trang tiểu liên, tôm xông lui tới nhìn mặt trắng trợn. Lại chờ đến chiều không thấy động tĩnh gì. Mười Lực ruột nóng như lửa. "Chúng nó định làm gì mình đây?". Mãi tới năm giờ chiều mới thấy Năm Tài vâng lịnh Bảy Viễn tới đòi hai anh Mười Lực và Bảy Môn về. Về đến nhà, Mười Lực thấy Bảy Viễn còn đứng trước sân hét ầm lên:
- Đ.m. người của tao mà hỏi mượn hoài! Tư Sang qua bắt về, không hỏi con c. gì hết!
Mười Lực biết đây là mưu mô của Năm Tài vì khi rước anh, Năm Tài đã nói chuyện khá lâu với Savani.
Một tuần lễ sau, khi đâu đó đã êm xuôi, Bảy Viễn tổ chức tiệc mừng Mười Lực và Bảy Môn trở về chính phủ Cựu Hoàng. Cố nhiên tiệc có mời Savani cùng đám sĩ quan Phòng Nhì.
Không rõ ai đó sắp đặt mà Mười Lực ngồi đối diện với Savani. Rượu được vài tuần, Savani với giọng khiêu khích:
- Ông Mười Lực về đây làm việc với chúng tôi trong tiếng nổ sâm-banh, ông còn muốn trở về Rừng Sác nữa không?
Giọng thằng Tây nói tiếng Việt lơ lớ sao mà dễ ghét. Mặt Mười Lực đỏ rần. Anh xô ghế đứng lên, nói như hét vào mặt tên giám đốc Phòng Nhì:
- Xin lỗi ông bạn, ông bạn chưa biết Mười Lực! Mười Lực về thành vì nhiều lý do không tiện nói ra. Tuyệt nhiên không phải vì rượu thịt như ông bạn nghĩ!...
Cả buổi tiệc đều dừng đũa lắng nghe. Năm Tài lật đật chạy lại bên Bảy Viễn nói nhỏ gì đó. Bảy Viễn khoát tay đuổi Năm Tài về chỗ. Mười Lực mở nút áo sơ-mi ra, ưỡn ngực tới:
- Tôi là người Việt Nam, nhưng nếu có ai đó xúc phạm danh dự thì tôi cũng dám "harakiri". - Mười Lực chụp con dao đưa lên, mắt long lanh nổi sao.
- Tôi nói đùa mà ông bạn dễ nóng quá! Thôi ta cụng ly làm hòa với nhau - Savani đưa ly tới, nhưng Mười Lực vờ không thấy. Buổi tiệc mất phần vui vẻ. Bảy Viễn cho ban nhạc hòa tấu giúp vui đế xóa không khí căn thẳng.
Sau bữa tiệc, Bảy Viễn nói với Mười Lực:
- Thằng Savani xấc lắm! Cám ơn anh đã cho nó một bài học.
Mười Lực cười:
- Anh khen tôi thật à? Vậy mà tôi sợ anh sẽ "rầy" tôi theo ý kiến của "cố" Tài chớ…
Bảy Viễn cười theo:
- Thằng Tài bãn lĩnh gì mà làm cố vấn cho Bảy Viễn? Nó chỉ là thằng xách cặp cho tôi thôi… nhưng phải nói là nó rất có công… mà công gì thì cũng là thằng xách cặp.
Dòng đời lặng lẽ trôi. Mười Lực như chiếc lá giữ dòng. Nhưng chiếc lá ấy đã có một thời oanh liệt, từng sống hào hùng trong Rừng Sác, giữa tiếng bom nổ đạn reo, giữa tình quân dân đậm đà thắm thiết. Giờ đây trôi dật dờ trên con Kinh Tẻ đen xì hôi hám rác rưởi, bên cạnh những con người cặn bã bon chen, chiếc lá ấy day dứt buồn phiền. Để quên, Mười Lực tìm thú vui trong các sòng bạc. Máu me trong người anh nổi dậy. Hết giờ làm việc anh thả qua các sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới. Trên đời anh chỉ còn có bốn tiếng hấp dẫn nhât: yêu, lượng, tam, túc. Và bốn tiếng quen thuộc: cầu âu, liễm, khe, tầm mển… Mắt anh chỉ long lanh trước cảnh tên tả hổ cầm chiếc đũa gạt bốn đồng tiền điếu (hoặc bốn hột me, thường là hột me nên có tên là hốt me). Máu đỏ đen gặp thời kỳ vàng son cháy bừng bừng trong huyết quản. Mười Lực quên hết kháng chiến, tảo thanh, về thành, nỗi nhục khai báo, mối thù tên cáo già Savani… anh chỉ vui với yêu, lượng, tam, túc…
Một hôm đang chơi nữa chừng một tên lính thân tín hớt hãi tới cho hay:
- Ông Năm tới…
Ông Năm là Năm Tài. Giờ đây Năm Tài học làm oai như Bảy Viễn, không muốn ai gọi tên cúng cơm của mình mà chỉ gọi "ông Năm" là đủ rồi.
Bảy Viễn ra lệnh cấm binh sĩ Bình Xuyên vào các sòng bạc. Bị bắt gặp sẽ bị phạt tù. Người có nhiệm vụ kiểm tra là Năm Tài. Nhưng chính Năm Tài cũng đôi khi cao hứng "cầu âu" một vài cú gọi là thử thời vận.
Đang cay cú ăn thua, Mười Lực nạt đùa:
- Ông Năm kệ mẹ ông Năm! Tao là ông Mười, tại sao lại sợ ông Năm?
Tên lính hoảng hốt chạy nhanh ra ngoài. Đúng vào lúc ấy Năm Tài tới. Trông thấy Mười Lực, Năm Tài bước nhanh tới vô vai:
- Anh Mười!
Từ lâu Mười Lực hận Năm Tài về việc tên này gạ ý cho Savani "mượn" Mười Lực, bắt xem bản đồ, bắt khai các nơi đóng quân… Giờ đây chính là lúc "ân oán giang hồ". Vờ như mải mê chăm chú theo dõi tên tả hổ gạt mấy hột me. Mười Lực dùng hết sức mạnh thúc một chõ vô ba sườn Năm Tài:
- Không có anh Mười gì hết! Đi chỗ khác chơi! Tao đang thua đây, đừng có giỡn mặt!
Chừng nghe Năm Tài rú lên, Mười Lực mới quay lại giả vờ xin lỗi:
- Chết không! Anh Năm mà tôi tưởng thằng nào tới mượn tiền. Có sao không anh Năm?
Năm Tài định "ra oai" với Mười Lực, không dè bị cú "ngựa về ngược", tức trào máu họng. Đêm đó hắn tức tốc tìm Bảy Viễn ton hót Mười Lực nêu gương xấu cho binh sĩ lại còn thúc chõ Năm Tài…
Sáng hôm sau, Bảy Viễn kéo Mười Lực xuống hố cá sấu nói nhỏ:
- Đêm qua thằng Năm Tài bắt gặp anh trong sòng me…
Mười Lực cắt ngang:
- Nó cũng chơi như tôi… mà méc cái gì!
Bảy Viễn ôn tồn:
- Luật đặt ra cho binh sĩ. Chớ cấp bộ lâu lâu đi thử thời vận thì không sao. Nhưng tôi khuyên anh nên bớt bớt lại. Anh có ăn bao nhiêu thì mấy thằng cha Tàu cũng lấy lại. Chỉ có xây mả đá, tụi nó mới không lấy lại được…
Mười Lực suy gẫm về câu nói của Bảy Viễn. Câu nói ấy rất thực tế. Chủ sòng bạc bao giờ cũng phải thắng, có vậy chúng mới mở sòng. Con bạc có khi thắng khi thua, nhưng thua nhiều hơn thắng. Cho nên sắm nhà sắm xe không bao lâu thì cầm cố, rồi bán luôn để "nướng" sạch trong sòng bạc. Mười Lực thấy Bảy Viễn khuyên mình một cách chân thật, vì chính Bảy Viễn cũng không hề bước chân vào sòng bạc, khác hẳn với các tay anh chị khác như Ký Huỳnh, Tư Hoạnh cờ bạc với nhau đặt tiền cả bụm vàng… Đó là ưu điểm nổi bật cảu Bảy Viễn.
Một đêm trời mưa rả rích, Bảy Viễn tìm tới Mười Lực.
- Có gì không anh Bảy?
Bảy Viễn thở dài:
- Đôi lúc nhớ rừng… di tìm bạn rừng năm cũ cho đỡ buồn.
- Mình làm bậy vài chầu, nghe anh Bảy? Chai Cô-nhắc anh Bảy cho hôm Tết vẫn chưa khui.
Rượu lai rai, Bảy Viễn nói:
- Hồi Tư Huỳnh trở vô trỏng, tôi có nhờ nó thăm dò xem má thằng Hoảnh ra sao? Tụi nó có làm khó dễ gì bả không?... nhưng Tư Huỳnh đi chuyến đó đi luôn không về.
Mười Lực suy nghĩ một lúc:
- Về chị Bảy thì tôi có nghe ai đó, dường như là Sáu Tuấn kể lại, anh có nhớ Sáu Tuấn không?
- Sao không! Nó là con Hội đồng Thì, vào loại em út của tôi. Đi kháng chiến tôi giao cho Sáu Tuấn công tác thuế vụ. Nó làm việc đàng hoàng, không có chơi thói "chẩn" nhắm mớ để xài riêng như mấy cha khác. Nó có bị cho "mò tôm" không?
- Trong thời gian tảo thanh, Sáu Tuấn cũng "xanh xương" với Tám Tâm. Tám Tấm cho rằng Sáu Tuấn là người thân tín nên mới được Bảy Viễn giao thu thuế… Nhưng Sáu Tuấn nắm chân Năm Hà sau đó nhảy về Khu với Tám Nghệ… Thôi hãy trở về chuyện chị Bảy. Bản chất chị rất tốt nên ở đâu cũng được mến. Hồi anh là Khu phó, chị Bảy vẫn sống an thân thủ phận. Bốn giờ sáng đã thức dậy chèo ghe đi chợ để nấu ăn. Đám choai choai cỡ thằng Hoảnh đều gọi chị bằng má, má Bảy…
- Chuyện đó tôi biết. - Bảy Viễn rơm rớm nước mắt - Tôi quý bả ở chỗ đó. Không bỏ bả cũng ở chỗ đó. Tào khang chi thê mà… lẽ ra thì tôi phải ở với bả, nhưng anh biết tôi mà… đàn ông năm thê bảy thiếp cũng chưa vừa lòng. Thiếu đàn bà, con gái đẹp, tôi chịu không nổi… Rồi sao nữa?
- Khi anh về thành, chị Bảy tá túc bên anh Năm Hà, sau đó lên khu rồi xuống miền Tây ở với vợ chồng Mười Trí. Lê Duẩn hỏi ý chị Bảy có muốn về thành không, chị tình nguyện ở lại với kháng chiến.
Bảy Viễn thở dài:
- Vợ chồng tôi là như vậy. Xa thì nhớ mà gần thì gây! - Bảy Viễn lắc đầu đưa cao ly rượu nốc một hơn cạn đến đáy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui