Người Bình Xuyên


Trên chuyến xe đò Rách Giá-Sài Gòn có một hành khách mặc bộ đồ bà ba trắng, vải Xiêm mới cắt chỉ, còn những đường vạch phấn xanh của thợ may, cổ quấn khăn rằn, vẻ nông dân; nhưng nếu tinh ý bọn an ninh thường trực ở bến xe có thể nhận ra chân tướng của hành khách này. Đó là Bảy Rô dân Bình Xuyên chính cống. Cuộc phiêu lưu của Bảy Rô như sau: Sau tảo thanh Rừng Sác Bảy Rô được "lão già râu kẽm" phân công về công tác trong nội bộ Bình Xuyên. Nhưng trước kia Bảy Rô đã đụng Năm Tài một trận tại tổng hành dinh Bảy Viễn ở Tắt Cây Mắm nên Năm Tài nói vô nói ra, toan mượn tay Bảy Viễn trả mối thù xưa. Hay tin dữ, Bảy Rô phóng xuống Rạch Giá đầu quân nơi Mười Trí. Đang xuôi chèo mát mái thì "đụng" hiệp định Genève 54. Như tất cả cán bộ, Bảy Rô được học cấp tốc nội dung hiệp định đình chiến, xác định tầm quan trọng của vấn đề đi và ở. Bảy Rô chưa có dịp ra miền Bắc nên có ý muốn tập kết ra Bắc "cho biết thủ đô Hà Nội với người ta". Một chuyến đi nhiều hứa hẹn, thời gian du hành cũng thật lý tưởng: chỉ hai năm thôi. Nhưng sau khi học hiệp định, Bảy Rô đổi ý. Ưu tiên ra đi dành cho các cán bộ trẻ, các cháu thiếu niên để học tập văn hóa và khoa học kỹ thuật sau này về kiến thiết xứ sở. Kế đến các nhân sĩ tên tuổi, không thể để lại miền Nam dưới quyền quản lý của thực dân. Với bản chất tráo trở của thực dân, thời gian tạm thời chia đôi đất nước không phải là hai năm như hiệp định đã nêu rõ, mà có thể kéo dài. Cán bộ dân vận và binh vận như anh rất cần ở lại miền Nam, phòng khi địch phản bội hiệp định. Thể là Bảy Rô tạm xếp mộng hải hồ để trở về địa bàn hoạt động quen thuộc của mình: vùng Chánh Hưng. Theo nguyên tác hoạt động bí mật, anh cho tổ chức biết anh sẽ về Chánh Hưng, địa chỉ của anh là đình Phong Phú, Xóm Củi để cán bộ tổ chức tìm đến mà móc nối sau này. Tổ chức cho anh một ít tiền vừa đủ sắm một bộ đồ để về thành cho sách sẽ. Đa số anh em may đồ Tây, áo sơ mi và quần Tây dài, thêm một đôi xăn-đan. Riêng Bảy Rô thì không quen mặc đồ Tây. Anh sắm một bộ đồ bà ba vải trắng, mang đôi guốc sơn đen thấy dễ chịu hơn. Còn tiền, anh mua thêm chiếc khăn rằn quấn cổ, đóng vai một bác nhà quê lên tỉnh.
Bảy Rô hồi hộp mỗi khi xe ghé bến các tỉnh dọc đường…
Bọn chó săn lúc nhúc như giòi. Cho nên anh lép nhép trong họng điều 14 của Hiệp định bảo đảm tự do cho những người đổi vùng trong thời gian tập kết chuyển quân. Võ trang "bùa chú" sẵn sàng nhưng rất may là anh không phải đấu lý với ai. Xe về tới An Đông bình an vô sự.
Bảy Rô về Sài Gòn đúng vào lúc Bảy Viễn bị đánh bật ra Rừng Sác, và nhà Ngô đang chuẩn bị màn "tráo bài ba lá", truất phế Bảo Đại để lên ngai vàng tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Bảy Rô chờ hoài không thấy ai tới móc nối, sốt ruột anh tự động bắt tay vào việc. Gặp một cán bộ tỉnh đội Long Châu Hà tên Khương, Bảy Rô móc nối, tiến hành công tác BV (binh vận). Anh nắm trước tiên một cảnh sát chìm đội lốt tài xế ta-xi ở kế bên đình.Tên cúng cơm anh này là Võ Văn Được, trong trong xóm quen gọi là Năm ta-xi. Qua thời gian ăn nhậu chơi bời với nhau, biết Năm ta-xi là người tốt, chỉ vì hoàn cảnh sinh sống khó khăn mà lỡ bước, Bảy Rô giác ngộ và phân công: phân phát truyền đơn vạch mặt Ngô Đình Diệm, kêu đồng bào tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Công việc "làm ăn" đang trôi chảy thì gặp trục trặc: Theo thường lệ thì đúng 13 giờ 30, Năm ta-xi lái xe tới đình để Bảy Rô giao truyền đơn đem đi phân phát cho 14 tổ. Trưa ấy, Bảy Rô vừa ôm bó truyền đơn bày trước bàn thờ ông thần đình, thì tên thượng sĩ Mười phóng mô-tô BMW trong đình để ăn giỗ ở nhà cạnh bên, không ngờ tới đúng "giờ thiêng". Bảy Rô lật đật hốt đống truyền đơn đem giấu trong bàn thờ ông thần nhưng không kịp. Tên thượng sĩ đã trông thấy. Năm ta-xi xanh như tàu lá. Làm sao bây giờ? Vốn quen đương đầu với những trường hợp đột biến như thế, Bảy Rô hành động ngay. Anh bình tĩnh chào hỏi:
- Chào thượng sĩ... thượng sĩ đã lỡ trông thấy rồi, tụi tui không dấu làm chi nữa. Lấy cái này về xem, nếu mày thương tụi tao! - Vừa nói, Bảy Rô nhét vào tay thượng sĩ Mười mấy lá truyền đơn.
Thượng sĩ Mười hoàn toàn bất ngờ trước tình huống đó. Hắn ngơ mấy giây, hết nhìn mấy tờ truyền đơn rồi lại nhìn Bảy Rô và Năm ta-xi:
- Tôi lấy mấy cái này làm gì?
Bảy Rô vỗ nhẹ vô cánh tay hắn:
- Đây là truyền đơn của đằng mình! Viết hay lắm! Lấy về coi đi. Anh em tiếp tục tranh đấu giải phóng dân tộc trong đó có gia đình mày nữa. Hễ coi được thì cho người khác coi, còn coi không được thì vứt đi, có hại gì đâu?
Thượng sĩ Mười đánh bỏ túi xấp truyền đơn của Bảy Rô. Hắn vừa quay lưng đi thì Bảy Rô "thu dọn chiến trường", bảo Năm ta-xi:
- Không biết thằng này sẽ về tính sao vụ này, chi bằng tụi mình "lặn" một thời gian xem sao?
Bảy Rô lặn hai tuần, đồng thời cho người bí mật theo dõi thượng sĩ Mười. Không thấy tên này có hành động gì khả nghi, Bảy Rô mạnh dạn đón đường hắn mời nhậu để kết bạn tri âm. Qua chầu nhậu, Bảy Rô biết thượng sĩ Mười thuộc loại "hồn ai nấy giữ" nên yên tâm trở về "chủ trị" tại đình Phong Phú như xưa.
Cuộc sống của người cán bộ binh vận trong lòng địch lúc nào cũng đầy bất trắc. Hết vụ này đến vụ khác xảy ra như những đợt sóng trường giang. Bình Xuyên rút hết ra Rừng Sác, bọn mật vụ nhà Ngô càng mở rộng mạng lưới chỉ điểm. Bảy Rô đụng đầu một tay chỉ điểm cỡ bự, biệt hiệu là Tư Mạnh Rồng. Tên này là chỉ điểm viên của tiểu đoàn 63 đóng ở dốc cầu Chữ Y. Khúc phim đụng độ đẫm máu như sau:
Bảy Rô được mờ ăn đám giỗ tại dốc cầu Chữ Y. Trước khi đi linh tính báo trước sẽ có chuyện rắc rối, nhưng Bảy Rô vẫn đi vì binh bận là phải tiếp xúc với lính địch càng nhiều càng hay. Nhậu lai rai vài tuần, Tư Mạnh Rồng vỗ vai Bảy Rô lên giọng:
- Mày biết tao không?
Bảy Rô cười xã giao:
- Biết quá đi chứ..
Tư Mạnh Rồng hét lớn:
- Láo! Mày chưa coi giấy tờ của tao mà biết cái gì? Đây, giấy đây - hắn móc bóp lấy một chứng nhận có nền vàng ba sọc đỏ chìa trước mắt Bảy Rô. Nhưng Bảy Rô cười:
- Tao không coi giấy của mày .Tao không ưa cái thói ném đá giấu tay.
Mặt đang đỏ rần, Tư Mạnh Rồng tái xanh. Nó tính "giựt le" với Bảy Rô trước đám đông, không ngờ bị "phản phé" đau điếng.
- Mày nói ai ném đá giấu tay? Mày dám hạ nhục tao giữa đám tiệc? Tao không thèm nói tay đôi với mày. Tao cho em út tao trị mày - Quay lại bàn gần đó, hắn ra lệnh - Tư Sanh, mày trị nó cho tao coi?
Tư Sanh là vệ sĩ của sĩ quan cấp tá, nghề võ cao cường. Hắn tới trước mặt Bảy Rô kênh người:
- Tại sao chú dám hiếp anh Tư Mạnh Rồng?
Bảy Rô vẫn bình tĩnh:
- Có gì đâu mà hiếp? Tánh tao thích nói thẳng. Mấy cha chỉ điểm chẳng phải làm cái nghề ném đá giấu tay hay sao?
Tư Sanh chưa biết đối đáp thế nào thì Tư Mạnh Rồng hét lên:
- Không nói "dang ca" với nó! Tao biểu mày bửa đầu nó cho tao!
Tư Sanh chạy xuống bếp tìm con dao nhưng Bảy Rô đã nhanh tay hơn. Khi bước qua sân nhà, anh đã thấy con dao bửa củi, và chỉ ba bước là anh đã có võ khí trong tay. Không thèm chú ý tới Tư Sanh là tay em út, Bảy Rô nhắm ngay tên Tư Mạnh Rồng:
- Tao với mày chơi nhau xứng đôi hơn. Nè đỡ! - Bảy Rô chém vô trán Tư Mạnh Rồng ba dao liên tiếp. Chừng Tư Mạnh Rồng ngã gục xuống vũng máu, Bảy Rô mới ném dao chạy. Anh chạy dọc theo bờ kinh thì có tiếng gọi "Bảy Rô!" Quay lại thì thấy tên Bí, tự Ba tôm-xông, một người bạn thân. Ba tôm-xông mượn xuồng đưa Bảy Rô qua xóm Đầm kế bên chuồng bò của công-xi-heo Chánh Hưng lánh nạn.
Bảy Rô nhào vô nhà Già Tư, là bác vợ, tắm rửa, nhờ bác vợ chống gậy qua thăm dò xem thương tích Tư Mạnh Rồng như thế nào, gia đình có thưa kiện gì không. Trong khi bác vợ lụm cụm thăm dò tin tức, Bảy Rô đứng ngồi không yên. Anh bứt rứt quá nóng trong việc trừng trị công khai tên chỉ điểm lợi hại Tư Mạnh Rồng.
Cũng may là Bảy Rô vớ nhằm con dao bửa củi lụt nhách, nếu cầm nhầm dao bảy thì đã mang bản án ngộ sát thứ hai. Gia đình Tư Mạnh Rồng một hai đòi đi thưa nhưng Tư Mạnh Rồng nghĩ thế nào lại nhất định bỏ qua.
Hay tin này Bảy Rô mừng rỡ. Anh lật đật nhờ bác vợ mang toa thuốc gia truyền qua nhà Tư Mạnh Rồng để vợ con hắn theo đó mà săn sóc vết thương. Đây là toa thuốc của ông tổ ăn trộm truyền lại, các điều trị thật đơn giản nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Chỉ ba ngày là vết thương kéo da non. Bảy Rô chờ đúng ba ngày cho vết thương lành và cũng chờ cho Tư Mạnh Rồng nguôi giận, mua rượu thịt tới nhà Tư Mạnh Rồng.
- Hôm nay tao tới đây mời mày uống rượu để xin lỗi. Mấy ngày nay mày nhức nhối vì vết thương hành bao nhiêu thì tao cũng ray rứt vì tính nóng của tao bấy nhiêu. Bây giờ vết thương của mày đã kéo da non, tao muốn tao với mày làm lành với nhau. Nếu mày đồng ý thì xin nhận ly rượu này - Bảy Rô rót rượu trao tận tay Tư Mạnh Rồng.
Tư Mạnh Rồng nhìn sững Bảy Rô chưa biết tính sao. Vợ hắn đứng gần đó hét lên:
- Không! Đâu phải muốn chém thì chém, rồi làm lành dễ dàng như vậy? Phải bồi thường tiền cơm thuốc…
Tư Mạnh Rồng khoát tay đuổi vợ:
- Đi chỗ khác! Chuyện đàn ông, đàn bà đừng có xía vô!
Bảy Rô mừng rỡ:
- Vậy là mày thông cảm với tao rồi! - Anh gắp thịt đưa tận miệng Tư Mạnh Rồng - Đây bổi đây, mày uống ly rượu này để tao trình bày mọi việc.
Tư Mạnh Rồng uống cạn ly rượu. Bảy Rô nói:
- Ly thứ nhất, xin mày thứ tha cho tao chuyện vừa qua. Còn đây là ly thứ hai, mỗi đứa uống một nửa để kết bạn với nhau.
Bảy Rô chia đều hai ly trao cho Tư Mạnh Rồng. Cả hai cụng ly uống cạn.
- Còn ly thứ ba này, tao đề nghị mày không nên ở công-xi-heo nữa. Mày nên trở về Kinh Cây Khô mần ăn. Nếu không có đất ruộng, tao sẽ xin ày. Mày phải dứt bỏ cái nghề chỉ điểm đi. Cái nghề đó không thọ đâu!
Tư Mạnh Rồng hoàn toàn bất ngờ. Hắn chới với, mắt trợn trừng, mồm há hốc, nhìn Bảy Rô không chớp:
- Nhà của tôi ở đây, công việc làm ăn của tôi ở đây… dọn đi làm sao được anh Bảy?
Bảy Rô lắc đầu, vẻ cương quyết:
- Mày phải dọn đi ngay. Tao giao hẹn trong vòng mười lăm ngày. Tao thương mày nên vẻ đường ày đi. Chớ tao không nỡ để mày đi sâu vào con đường hiện nay. Hễ vay gì thì trả nấy. Mày không nên đi sâu vào con đường vay nợ máu…
Tư Mạnh Rồng đắn đo suy nghĩ. Hồi lâu hắn nói:
- Anh Bảy nói cũng phải. Tôi phải nghe theo. Nhưng hai tuần ngắn quá. Xin anh ột tháng để thu xếp bán nhà…
Bảy Rô gật:
- Được. Tao rất vui mừng thấy mày sớm hồi tâm - Anh rót rượu trao cho Tư Mạnh Rồng - Đây là ly rượu tao mừng mày chọn con đường mới, con đường trở về với dân tộc.
Tiệc rượu kết thúc tốt đẹp. Tư Mạnh Rồng đã giữ lời hứa. Hắn bán nhà dọn đi nơi khác. Và bỏ nghề chó săn. Không phải trong một tháng, mà chỉ giải quyết trong hai mươi ngày.
Công tác binh vận đang thuận buồm xuôi gió thì giông bão nổi lên bất ngờ. Tên Khương - mà Bảy Rô móc nối vô nguyên tắc vì sốt ruột không thấy người của tổ chức đưa tới - không may sa lưới mật vụ Diệm Nhu. Không đủ khí tiết. Khương đã khai. Địch bắt trọn tổ binh vận gồm ba người: Khương, Bảy Rô và Minh Tây lai. Địch đưa cả ba đi khắp các nhà giam Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi và sau cùng đày ra Côn Đảo. Thế là không hẹn mà đám Bình Xuyên kỳ cựu lại gặp nhau nơi cùng trời cuối đất. Mười Lực, Năm Chảng, Bảy Rô bước vào một cuộc phiêu lưu mói đầy ly kỳ hơi hải đảo mà Nguyễn Ánh đã nhượng cho Pháp khi ký hiệp ước liên minh chống Tây Sơn năm 1787.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui