.:.
26: Tình yêu còn bao gồm cả sự bình thản đối diện với sinh ly tử biệt.:.
Hôm sau tôi về nhà, ăn cơm với cha mẹ, tiễn họ ra sân bay xong rẽ vào chợ ở gần nhà Lý Trì Thư.
Trước khi đi tôi dặn đi dặn lại không cho phép Lý Trì Thư ngồi ở cửa đợi giống ngày hôm qua, tránh bị cảm mạo.
Em ấy rất nghe lời, khi tôi về đến nhà không có ai ở cửa nhưng cửa không khóa, Khoai Tây nhạy bén nhận ra mùi của tôi ngay ở chỗ rẽ cầu thang, vẫy đuôi từ trong cửa ra ngoài cửa chạy vòng quanh.
Tiếng chó sủa vẫn không thu hút Lý Trì Thư đi ra, tôi đoán có lẽ em đang làm bài trong phòng.
Tôi đi vào bếp, đun nước để nấu cơm, ướp rượu gia vị với gà, đợi khử hết mùi tanh mới đi vào phòng xem em ấy thế nào.
Trước mặt Lý Trì Thư đặt một tờ giấy nháp và một bài thi, trên giấy nháp bên cạnh toàn là về câu hỏi trắc nghiệm trong bài thi.
Tôi đi lại đẩy đầu em ngước lên: “Mắt ——”
Lý Trì Thư ngồi thẳng người dậy, ngẩng đầu lên nhìn trộm tôi, phát hiện tôi khoanh tay nhìn em thì cười ngại ngùng: “Em biết rồi.”
Tôi đi ra mở cửa sân thượng, ngoài trời thổi vào gió lạnh, tôi nói: “Cho thoáng khí, lạnh thì em lấy thảm đắp lên chân.”
Em gật đầu.
Tôi toan quay người đi vào bếp mà Lý Trì Thư vẫn ngẩng đầu nhìn tôi mãi, tôi khoanh tay cười: “Lý Trì Thư, Thẩm Bão Sơn đẹp trai đến thế à?”
Lúc này Lý Trì Thư mới dời mắt, mím môi như muốn tìm bậc thang xuống cho mấy phút xuất thuần vừa rồi của mình: “Ừm… Buổi trưa chúng ta ăn gì?”
“Gà Thái Bạch, xào hạt dẻ và nấm hương với một chút rau xanh.
Anh thấy cua ở chợ hải sản cũng ngon nên mua mấy con về.
Cơm nước xong ăn dâu tráng miệng.”
Em “À”, cúi đầu làm bài tập.
Tôi nghi ngờ Lý Trì Thư không hề nghe lọt tai, em ấy chỉ muốn nói chuyện với tôi.
Mặt kính cửa sổ hình hoa phản xạ ánh nắng bên ngoài đỏ đỏ, xanh xanh đậu ở chóp mũi Lý Trì Thư, tôi nhìn em làm bài tập, chợt hỏi: “Lý Trì Thư, tối em muốn bắn pháo hoa không?”
Hai mắt Lý Trì Thư sáng rỡ, ngẩng cổ lên: “Pháo hoa?”
–
10 giờ khuya, Lý Trì Thư nghe điện thoại của tôi, đi ra ngoài đến công viên nhỏ gần đây nhất.
Em đứng đối diện với tôi, còn cách xa gian hàng pháo hoa, chỉ vào các loại pháo hoa được để ở trên sạp nhỏ được dựng từ hai chiếc ghế dài và tấm ván gỗ: “Anh mua… cái nào?”
Tôi khoanh tay hất cằm với em.
Lý Trì Thư:?
Tôi mua cả cái sạp cho em.
Tôi cũng mang theo một ít pháo hoa đến nhưng sợ Lý Trì Thư chơi không đã, ăn tối rửa bát đũa xong lập tức ra công viên đi dạo, ở đây vắng vẻ lại còn gần ngoại ô thành phố, ban quản lý đô thị và người giám sát về cơ bản là làm ngơ mắt nhắm mắt mở, thấy bày sạp pháo hoa cũng không quản lý gắt gao.
Tôi đi dạo một vòng, tìm một chủ sạp thương lượng: Tôi trả 1000 tệ cho số pháo hoa và đèn Khổng Minh còn lại, đưa hết sạp cho tôi sáng mai ông ấy đến dọn sạp.
Ông chủ nghe xong quyết đoán chốt đơn.
(*) 1000 NDT ≈ 3.400.000 VNĐ
Lý Trì Thư chỉ vào sạp nhỏ, cứ mãi xác nhận lại với tôi: “Ý anh là anh mua hết chúng?”
Tôi còn chưa kịp lên tiếng thì một đôi tình nhân đi ngang qua, người nam hỏi: “Ông chủ, gậy tiên nữ bán sao?”
(*) Gậy tiên nữ/Gậy tiên: Một loại pháo cầm tay của người Trung, còn được mọi người biết đến là pháo hoa cầm tay.
“…”
Tôi im lặng một giây, trả lời: “Không bán, đồ của tôi.”
Người nam nhìn tôi với ánh mắt quái gở, đi qua sạp hàng bên cạnh.
Lý Trì Thư nhìn theo đôi tình nhân kia rời đi, quay sang nhìn tôi, trên mặt toát lên vẻ ngập ngừng muốn nói mà thôi.
Tôi lạnh lùng vạch trần em: “Em muốn bán?”
“…”
Lý Trì Thư nói khéo léo: “Em chỉ nghĩ là… chắc chắn chúng ta không dùng hết…”
Nửa tiếng sau Lý Trì Thư ngồi ở bên cạnh, bế Khoai Tây trong lòng, cúi đầu làm bài ở một góc ván gỗ tôi chừa chỗ.
Còn tôi thì đắng lòng mề vội vàng gói ghém đống pháo hoa và đèn Khổng Minh mình mua giá cao, lấy tiền, thối tiền lẻ.
Lý Trì Thư ngồi bên cạnh hắt xì.
“Đã bảo em đi về nhà làm đi,” tôi cầm tiền lẻ mới nhận được ném vào trong hộp giấy, nhân lúc rảnh rỗi không có khách ngồi xuống ghế tre sát bên em, “Ngoài đây lạnh.”
Lý Trì Thư lắc đầu: “Em với anh bán xong, chúng ta giữ lại một ít để bắn pháo.”
Tôi nhìn một vòng xung quanh, thấy cửa hàng chuyên bán đồ điện gia dụng ở bên kia đường, đứng dậy nói: “Đợi anh tí.”
Lý Trì Thư cầm bút, mong ngóng đợi tôi quay lại.
Tôi mua máy sưởi kiểu cắm điện ở trong cửa hàng, là mẫu mã phổ biến nhất thời đại này, nó có hình dạng giống cái lồng chim với hai cây gậy điện tạo thành hình chữ U tỏa ra nhiệt, chủ yếu là xách rất nhẹ, có thể xách về nhà bằng một tay.
Cửa hàng bên cạnh cho tôi mượn ổ cắm di động, tôi cắm điện cho máy sưởi đặt bên chân Lý Trì Thư: “Sưởi ấm cho em, không còn bị lạnh.”
Đúng lúc này lại có người đến sạp hỏi pháo hoa, tôi vội vàng đứng dậy ra tiếp đón, thanh toán tiền bạc xong ngồi xuống, thoáng nhìn thấy Lý Trì Thư đặt máy sưởi ở giữa h.ai chân trong lúc tôi không chú ý, hai chân kề rất sát máy.
Lông mày tôi nhảy giật, lập tức vỗ đầu gối em: “Xích chân ra! Em sẽ bị bỏng.”
Lý Trì Thư đã từng bị bỏng vì thứ này.
Theo lời em kể, mùa đông năm hai đại học em tham gia hoạt động gắn kết đội nhóm với bạn cùng phòng làm Hội trưởng Hội Sinh viên, người trong hội thuê nhà trọ nghỉ chân, chủ nhà trọ muốn tiết kiệm tiền nên không cho mở máy điều hòa, trong phòng chỉ có mấy cái máy sưởi kiểu này.
Trước khi lên đại học Lý Trì Thư chưa từng sử dụng vật này, lần đi nhà trọ đó là lần đầu tiên sưởi ấm bằng máy sưởi.
Em ấy là người mặc quần áo phong phanh nhất, lạnh căm căm nên kề chân sát cái máy, cuối cùng còn chưa về ký túc xá đã thấy đau chân, vén quần lên thấy bắp chân bị ba vết bỏng phồng rộp, tận hai tuần sau mấy vết phồng rộp mới dần xuất huyết chuyển thành màu đen, cuối cùng đóng vảy.
Nhưng vết sẹo để lại dấu trên chân rất nhiều năm.
Khi em kể chuyện này với tôi, tôi vẫn có thể nhìn thấy ba dấu sẹo mờ mờ chếch bên trong bắp chân em.
Tôi rất nghi ngờ, Lý Trì Thư không phải là một người thích xã giao, vả lại hoạt động gắn kết đội nhóm của Hội Sinh viên đều thuộc kiểu AA, bình quân đầu người một buổi tối không tiêu 100 tệ thì không chơi được.
(*) Kiểu AA (AA 制, AA nghĩa là Algebraic Average): Kiểu ai trả phần người nấy, mạnh ai nấy trả, chia tiền ra trả trong các chuyến tụ tập ăn uống, chơi bời.
“Sao em lại tham gia hoạt động của Hội Sinh viên? Bạn cùng phòng của em muốn em đi với cậu ta?”
Em lắc đầu, nhìn vị trí vết sẹo im lặng thật lâu: “Lúc đó em tưởng… anh cũng sẽ đi.”
Dù sao tôi cũng trong Hội Sinh viên.
Lý Trì Thư chỉ muốn kiếm cơ hội gặp tôi.
Nhưng tôi không đi, từ lúc bắt đầu hoạt động đến khi kết thúc hoạt động tôi vẫn không có mặt.
Tôi đã quên béng lý do vì sao mình không tham gia.
Trong thanh xuân phơi phới sôi nổi của tôi, tôi từng từ chối quá nhiều người và quá nhiều cuộc tụ tập, nào hay biết Lý Trì Thư từng chìm ngập trong làn sóng nào tôi không ghé thăm.
Hiện giờ em ngoan ngoãn nhích chân ra, im lặng nhìn tôi cười.
“Cười cái gì?” Tôi không biết em đang cười điều gì, chống tay lên đầu gối tựa cằm nghiêng đầu nhìn em, cười với em, “Anh hỏi em đó, em cười gì?”
Lý Trì Thư mở miệng, phả ra một làn hơi trắng.
Nhiều sạp hàng xung quanh đã dọn đẹp, phần đông người trong công viên cũng đi về nhà, vậy mà giọng Lý Trì Thư vẫn không vang, không chói tai ở trong khung cảnh yên tĩnh như này, luôn rất dịu dàng giống như con người em: “Lúc em còn nhỏ xíu, cha mẹ vẫn chưa đi làm ở nơi khác, mùa đông họ cũng sẽ bày sạp như vậy.
Lúc ấy không có máy sưởi, trong nhà em để một lò than tổ ong, nếu em ở quá gần lửa cũng sẽ bị cha mẹ đánh đầu gối giống vậy, bảo em nhích chân xa ra.”
“Thật à?” Tôi chăm chú lắng nghe nhưng nói chuyện không ăn nhập, “Vậy anh là mẹ hay là cha?”
Lý Trì Thư bị tôi hỏi ngớ người, nói lắp bắp: “Anh, anh là Thẩm Bão Sơn.”
“Trêu em thôi.” Tôi véo mũi em, vui vẻ cười cong mắt, “Họ bán gì? Cũng bán pháo hoa?”
Lý Trì Thư lắc đầu: “Bán quần áo.
Pháo hoa chỉ dễ bán trong một tháng Tết này thôi.
Nhà em không thuê nổi mặt tiền, dựng sạp hàng ngay trên bãi đất trống lối vào công viên, cũng giống thế này này, trời mưa thì dựng lều —— Loại màu xanh lam dệt bằng nhựa kia.”
Kể xong em bổ sung: “Mẹ bán.”
Tôi hỏi: “Cha em thì sao?”
“Cha về nhà nấu cơm, đón em ở nhà trẻ.” Lý Trì Thư cúi đầu cười, “Mẹ bán hàng rất giỏi, rất biết cách chào hàng, rất mạnh mẽ, xưa nay bán quần áo không bị lỗ.
Nhưng cha thì không.
Mẹ hay nói miệng của cha khờ, còn thành thật thái quá, cả đời chỉ có nước ngậm bò hòn.
Hồi nhỏ em ngồi vẽ vời kế bên sạp hàng của mẹ, thường nghe mẹ mắng cha, nói ‘Một ngày nào đó con trai cũng sẽ bị dạy giống y như ông’, nói xong thì phát rầu với tôi, cứ thở dài, than ‘Thành thật quá cũng không tốt, mai sau cục vàng phải làm sao đây không biết’.”
Em cầm bút, lúc kể chuyện không nhìn tôi.
Khi Lý Trì Thư hồi tưởng về cha mẹ em ấy thì không bao giờ nhìn bất kỳ ai, hoặc là nhìn hư vô trong bóng tối giống như lúc phát bệnh ở quá khứ, hoặc sẽ cúi đầu nhìn sách ôn tập giống như bây giờ, trong nụ cười luôn chứa sự ngượng ngùng, cứ như cha mẹ đang ở bên cạnh, em cười nói với họ: Con xin lỗi, lại lấy chuyện của cha mẹ ra cho người khác biết rồi.
Tôi véo mặt em: “Đúng vậy, mai sau cục vàng của chúng ta phải làm sao đây ta ——”
Lý Trì Thư bị véo nhăn sống mũi, tôi buông tay vê d.ái tai em: “Nhưng cũng may mà mai sau có Thẩm Bão Sơn.
Mẹ có thể yên tâm ạ.”
“Dọn sách vở đi.” Tôi nói, “Chúng ta bắn pháo hoa xong về.”
–
Lý Trì Thư chọn ra pháo hoa to nhất trong số pháo hoa còn lại —— Vì nó đắt, không ai sẵn lòng mua nó ở cái sạp nhỏ thế này.
Tôi bảo em ngồi xuống còn mình chạy đến chỗ trống ở trước mặt đốt pháo.
Một tiếng vút sắc bén vang lên, tôi bịt tai chạy về ngồi cạnh Lý Trì Thư.
Lý Trì Thư ngẩng đầu hơi há miệng, bịt tai lại thì thầm “wow”.
Tôi gối lên tay nằm trên ghế tre nhìn gáy Lý Trì Thư, gọi em: “Lý Trì Thư.”
Lý Trì Thư quay lại, buông tay ra: “Sao vậy?”
“Em đã nghĩ đến chuyện sau này nhà của chúng ta trông như thế nào chưa?”
“Nhà?” Lý Trì Thư chầm chậm lặp lại, “… Nhà của chúng ta?”
“Ừ,” tôi nói như lẽ hiển nhiên, “Chúng ta ở bên nhau, một ngày nào đó phải có nhà riêng của mình chứ.
Anh không thể ở mãi nhà cha mẹ, em cũng vậy.
Chúng ta phải dọn ra ngoài, có một ngôi nhà mới.”
Lý Trì Thư ngoài dự đoán, không trả lời câu hỏi của tôi.
Em tránh né ánh mắt tôi, dần quay người về, nhìn pháo hoa rồi nhìn xuống dưới chân mình.
Tôi chờ đợi bóng lưng của em rất lâu mới nghe em nói nhỏ: “Nhưng Thẩm Bão Sơn à, thật sự sẽ có ai đó ở bên nhau mãi mãi à? Đã vậy còn… còn là em với anh.”
Sự né tránh và im lặng nơi em khiến tôi nghĩ đến Lý Trì Thư 30 tuổi, khi ấy Lý Trì Thư cũng mỉm cười nghe tôi trù tính xong xuôi cuộc sống mai sau của chúng tôi, khi tôi già đi sẽ dẫn em đi vòng quanh trái đất đến các thành phố và đất nước, thiết kế cho ngôi nhà mới của chúng tôi, em nói: “Thẩm Bão Sơn, không có ai sẽ ở bên ai mãi mãi.”
Có điều lúc đó Lý Trì Thư lạnh lùng đoạn tuyệt hơn em ấy bây giờ, thậm chí em không hỏi tôi vi giọng hoài nghi cũng không chừa kẽ hở cho tôi phản bác, mà em chỉ dịu dàng bác bỏ mệnh đề, không khác gì với đang trần thuật lại kiến thức vật lý phổ thông lực hấp dẫn của Trái Đất —— Thẩm Bão Sơn, chúng ta sẽ không ở bên nhau cả đời.
Lý Trì Thư, sao từ nhỏ đến lớn em luôn cứng đầu như thế?
Tôi hơi bực.
Muốn chỉnh đốn bà xã thì phải uốn nắn từ bé.
Người bình thường có lẽ sẽ nghĩ đây chính là số trời định đoạt —— Nhưng biết sao được, tôi là Thẩm Bão Sơn.
Ngay khi Lý Trì Thư nói xong tôi nhích ghế lên trước chống vào đầu gối em, nói từng câu từng chữ: “Lý Trì Thư à, không có cặp đôi nào sẽ dính lấy nhau mọi giây mọi phút.
Em nói đúng, cuộc đời người ta luôn có lúc bị lạc đàn.
Nhưng em phải tin rằng kể từ bây giờ cho đến mãi về sau, đến giây khắc cuối cùng em nhìn thế gian, Thẩm Bão Sơn chắc chắn vẫn sánh đôi bên em.
Có thể một ngày nào đó trong tương lai anh với em sẽ đối diện với sự biệt ly, nhưng nó là chuyện của rất lâu sau này.”
Tôi chỉ lên pháo hoa còn nổ vang ở trên trời: “Giống như pháo hoa, dù bay cao bay xa thế nào thì sau cùng vẫn phải rơi xuống đất.
Còn cục vàng thì sao, dù rời Thẩm Bão Sơn xa thế nào cũng luôn đến lúc phải về nhà.”
Em co ngón tay lại, tôi nắm lấy tay em ủ trong tay mình: “Lý Trì Thư, anh ở bên em không hoàn toàn là vì làm em thích anh.”
Cuối cùng em cũng xúc động vì câu nói đó, ngước mắt lên tìm kiếm nét mặt tôi.
“Anh muốn dành cho em rất nhiều tình yêu, không phải là lời nói đùa.
Tình yêu không chỉ tượng trưng cho hạnh phúc, tình yêu còn bao hàm rất nhiều thứ, kể cả sự bình thản đối mặt với sinh ly tử biệt.
Anh cũng chưa học được trọn vẹn, nhưng anh hi vọng sánh đôi bên em để cùng yêu thương thế giới này —— Tất nhiên là,” tôi tạm dừng, “Nếu em nhân tiện yêu luôn Thẩm Bão Sơn thì còn gì bằng.”
Lý Trì Thư bị chọc cười.
Tôi cũng cười theo, vừa cười vừa vỗ nhẹ mu bàn tay em, thả lỏng nằm xuống lưng ghế dựa, quan sát chút pháo tàn cuối cùng rơi xuống.
Tất cả trở về với tĩnh lặng, giọng tôi cũng cực kỳ dịu dàng giống như Lý Trì Thư, thậm chí dịu dàng hơn: “Anh muốn cho em được hạnh phúc, nhưng hơn hết là muốn trao cho em nguồn sức mạnh chinh phục mọi chướng ngại trong cuộc đời.
Khi em không ở bên anh, lúc đơn độc sẽ gặp phải gió to mưa lớn.
Nhưng anh hi vọng lúc em gặp chúng, vì nghĩ về Thẩm Bão Sơn, nghĩ về ngày tháng anh từng đi qua cùng em mà trở nên quật cường hơn, không dễ bị thổi ngã.
Mỗi một bậc thang em bước qua, mỗi một vùng tối tăm em bỏ lại, em đều có thể giẫm lên bóng Thẩm Bão Sơn tiến về trước, mỗi một cơn mưa, mỗi một trận gió đều có anh đang mong chờ được gặp em.”
“Nên Lý Trì Thư à.” Tôi thở ra, “Dù là khi chỉ có một mình, em cũng phải nhớ ăn đầy đủ, ngủ ngon giấc, mỗi đêm trước khi ngủ nghĩ về Thẩm Bão Sơn.
Nghĩ một ngày trôi qua tức là sẽ đến gần Thẩm Bão Sơn hơn một chút.”
–
Ngày 30 tháng 1, trời quang
Hôm nay không thể nhịn nổi, ăn một bát mì thịt bò ở trên đường.
Mì thịt bò rất ngon, ngon hơn mì mình nấu nhiều.
Nhưng mà hơi đắt, 7 tệ một bát, giờ nghĩ lại hơi hối hận.
–
Ngày 30 tháng 1, trời quang
Sau này mình và Thẩm Bão Sơn sẽ có nhà sao? Thẩm Bão Sơn muốn có một ngôi nhà với mình.
Hình như Thẩm Bão Sơn thật lòng muốn cho mình rất nhiều thứ.
Hôm nay mình nói như vậy liệu có làm anh ấy buồn không? Mình nên xin lỗi không? Nhưng hình như lời xin lỗi không có tác dụng.
Thay vì xin lỗi, có lẽ mình nên tin tưởng anh ấy hơn.
Nhà… Nhà của mình với Thẩm Bão Sơn sẽ trông như thế nào?
Chắc sẽ có Khoai Tây.
Nằm ở đâu? Vẫn ở thành phố này? Thẩm Bão Sơn thích bài trí bao nhiêu thứ ở trong nhà? Lát nữa có cần hỏi lại anh ấy không?
Nhưng bây giờ hỏi thì liệu là có sớm quá không?
Sau này hỏi lại sau..