9.
Chúng tôi chậm rãi bước trên con đường, có người quen nhìn thấy chúng tôi, cười chào hỏi: “A Tưởng, A Niệm, hai đứa về rồi à, bệnh khỏi chưa?”
Tôi trả lời: “Thím Vương, anh ấy khỏi rồi.”
“Vậy là tốt rồi, nghe nói ba con đi tìm công an khai báo người dân lạc đường, cho A Tưởng nhập hộ khẩu vào nhà con đấy.
Hai đứa đăng kí kết hôn đi, già đầu cả rồi, có đứa con mới phải.”
Mấy thím trong xóm cười trêu chọc chúng tôi.
Nét mặt Chu Đình Hoài trầm xuống, mở miệng định nói gì đó, lại bị tôi giật tay áo.
Tôi cười nói: “Dạ thím ơi, tụi con đi trước ạ.”
Chờ đến khi đi xa, chúng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng họ bàn tán, nhưng không có ác ý.
Chu Đình Hoài nghiêm mặt, sắc mặt không ổn lắm, tôi nhìn anh giải thích: “Anh đừng giận, bọn họ nói miệng vậy thôi, không có ác ý gì đâu.”
Anh nhíu mày, cúi xuống nhìn tôi: “Vì sao cô không giải thích?”
Tôi sửng sốt, cười khẽ: “Có gì đâu mà giải thích, chờ anh đi rồi, bọn họ sẽ hiểu ra thôi.”
Lâu thật lâu trước đây, có người nói với tôi, Chu Đình Hoài chắc chắn không phải là người bình thường, vì khí chất của anh khác hẳn.
Họ nói sau này chắc chắn anh sẽ rời khỏi đây.
Chỉ là chính tôi không chịu buông tay, níu lấy anh, chỉ đổi về một thân vết thương đầm đìa.
Chu Đình Hoài muốn nói lại thôi, cuối cùng không nói gì cả.
Chúng tôi đi tới chỗ trường tiểu học Hy Vọng* trong thôn.
Tôi chạy vài bước, đi tới trước một cây đại thụ, cười khẽ: “Anh xem đi, đây là nơi tôi đi làm đấy.
Trước đây tôi toàn về nhà một mình, nhưng từ ngày anh đến, anh hay đứng dưới gốc cây đợi tôi tan tầm rồi cùng về.”
*Hy Vọng không phải là tên trường nhé, nó là tên chung của cái dự án trường dạng kiểu phổ cập giáo dục, thường là miễn học phí, xây trên các thôn bản buôn xóm khó khăn.
Nói xong, tôi mò tìm một hàng chữ, chỉ cho anh xem: “Anh nhìn chỗ này nè, chính anh viết lúc đợi tôi đó.”
Chu Đình Hoài cúi người nhìn, thấy tám chữ
“Chỉ mong A Niệm vạn sự như ý.”
Chữ khắc rất sâu, đúng là chữ của anh.
Anh nhìn vào hàng chữ thật lâu, giơ tay lên mơn trớn vách tường loang lổ.
Khi ngẩng đầu, tôi thấy mắt anh hơi đỏ.
“Tôi đã từng sống ở đây? Cùng từng yêu cô thật ư…”
Giọng anh hơi run run.
Anh muốn hỏi, có phải anh đã từng yêu một đứa chân đất như tôi không.
Nên mới khắc ra được dòng nguyện vọng đơn giản mà thành kính như thế.
Trong mắt anh, tôi thấy được sự sợ hãi, pha lẫn nét chờ mong.
Tôi giơ tay, nhẹ nhàng xoa đầu anh, giọng nhẹ tới nỗi hòa chung với gió: “Chu Đình Hoài, đã qua cả rồi.”
Dù trước đây có yêu hay không, cũng qua cả rồi.
Sau này anh vẫn là Chu đại thiếu gia sống cuộc đời xa hoa nhung gấm.
Sẽ không bao giờ liên quan đến đứa con gái chân lấm tay bùn như tôi.
Vậy nên…
“Đừng sợ.”
Anh cười gượng: “Vậy thì tốt.”
Thế nhưng tôi thấy mắt anh còn đỏ hơn.
Như thể giây tiếp theo sẽ bật khóc.
10.
Tôi và Chu Đình Hoài còn cùng nhau đi qua rất nhiều nơi, từng nắm tay nhau chạy qua đồng lúa chín, từng nắm tay ngồi trên sân thường, từng trồng từng cây dâu.
Thế nhưng lúa đã gặt, tường trên sân thượng thì tróc sơn, dâu cũng đã héo.
Cũng giống như kết quả của tôi và anh.
Ban đầu thì tốt đẹp, sau lại rời xa nhau.
Tôi cũng im lặng, im lặng bước đi, im lặng nhìn, cảm nhận quá khứ trong hồi ức dần sụp đổ.
Cho tới khi chúng tôi tới ngọn núi sau nhà.
Ngẩng đầu lên nhìn, trên đỉnh là một ngôi miếu, lấp ló trong sương, thoạt nhìn cũng có vài phần mờ ảo.
Chu Đình Hoài khựng lại, nhìn chằm chằm vào đó không nói lời nào.
Không biết anh đang nghĩ gì.
Tôi nhỏ giọng: “Trên núi có một ngôi miếu rất linh, tên là miếu Tê Hà.
Ngọc bội tôi trả anh xin từ trên đó đây.”
“361 bậc, 361 cái dập đầu, thành kính từng bước.”
Anh quay lại nhìn tôi, khóe miệng cứng đờ, hai tay siết chặt lấy nhau tới nỗi trắng bệch.
Năm ấy, tôi đi kiểm tra thì phát hiện mình bị ung thư dạ dày giai đoạn giữa.
Gia đình tôi tốn rất nhiều tiên cho tôi chưa bệnh, nhưng bao nhiêu thuốc men đổ vào cũng chỉ ngăn được ung thư phát triển.
Lúc phát bệnh, tôi không ngủ cả ngày lẫn đêm, đau đến chết đi sống lại, nước mắt như muốn cạn trong những đêm quay cuồng.
Đến lần thứ N ngất đi vì đau, tôi xin ba mẹ đừng điều trị nữa.
Chu Đình Hoài ôm chặt tôi vào lòng, sắc mặt còn trắng hơn cả tôi.
Anh xin tôi hay cố lên, đeo ngọc bội lên cổ tôi, nói rằng Phật Tổ sẽ phù hộ tôi.
Chắc có lẽ Ngài thương cho tín đồ thành tín nhất.
Sau ngày hôm đó, tôi cắt bỏ phần ung thư, dần dần khỏi hẳn.
Về sau tôi mới biết, anh dập đầu 361 cái để xin được miếng ngọc này.
Dập tới nỗi đầu đầy m.áu.
Từng bước, từng bước một.
Đưa kỳ tích đến cho tôi.
Lúc này, Chu Đình Hoài đột nhiên hỏi tôi: “Cố Niệm, Phật có khoan thứ cho người phụ tình không.”
Ở nơi xa có tiếng ai nức nở, cùng sự đau khổ giãy dụa.
Tôi lắc đầu, từ tốn đáp: “Anh không phụ tình tôi.”
Anh sửng sốt nhìn tôi.
Tôi cười dịu dàng, đưa tay vuốt phẳng nếp nhăn trên tay áo anh.
“Người tôi yêu không phải Chu Đình Hoài, mà là A Tưởng của tôi.
Vậy nên Chu Đình Hoài không sai, anh không sai.
Không yêu một người xa lạ có gì sai đâu chứ.”
Chuyện này tôi nên tỉnh ngộ sớm mới đúng.
Không nên quấn quýt người ta lâu như thế.
Nhưng giờ tôi đã hiểu.
Quá khứ, dù không nỡ thì cũng đã qua rồi.
Chu Đình Hoài đâu có quen tôi.
Anh có cuộc đời của mình, có bạn bè của mình, cũng có thanh mai trúc mã mà mình thương mình nhớ.
Nhưng lại bị một cô gái mình không quen dây dưa bao lâu, nói rằng anh đã quên đi quá khứ.
Anh ghét tôi cũng phải.
“Chu Đình Hoài, đừng sợ.”
Em thật sự buông tha cho anh rồi, cũng buông tha cho bản thân.
Từ giờ trở đi, em sẽ sống cuộc đời của riêng mình..