Người Mẹ Quỷ

Thấy bà hàng nước hỏi ông Phúc lắc đầu ngao ngán, uống tiếp ngụm chè chát ông Phúc thở dài:

— Thì cô ngồi đây còn lạ gì nữa, chuyện động trời thế cơ mà…? Cô cũng nhìn ông trưởng làng đấy, hớt ha hớt hải chạy cuống cả lên.

Bà hàng nước nói tiếp:

— Mà sao tôi vừa thấy hai người đi với nhau cơ mà. Chắc đi tìm manh mối hả, thế có phát hiện được gì chưa..? Tôi bảo nhỏ cái này này, có phải trong làng đang nghi ngờ một gã thầy bùa rất già làm phải không..?

Ông Phúc đáp:

— Họ mới chỉ nghi vấn vậy thôi chứ làm gì có bằng chứng đâu..?

Bà hàng nước nhìn xung quanh rồi khẽ nói:

— Tôi không nhớ rõ nhưng bận đâu dăm bảy ngày trước có hai người một già một trẻ vào quán tôi uống nước. Chắc chắn không phải người làng này, nghe đâu nói là ông cháu đi tìm người thân bên làng Hạ, người ông nhìn già lắm, già hơn cả tôi nhiều chắc phải tầm 80-90 tuổi, người cháu thì độ 30 thôi.

Ông Phúc nghe thấy vậy nghĩ ngay đến thầy Tàu, ông nói:

— Thật…thật vậy ạ….Mà thế thì cũng đâu nói lên điều gì…?

Bà hàng nước tiếp tục:

— Đã không biết người ta nói cho còn tinh vi, bà lão này ngồi dưới gốc đa này ngót nghét cũng đã mấy chục năm rồi nhé. Trong cái làng, à mà không phải nói là trong cả hai cái làng này không có chuyện gì tao không biết. Tại sao, tại sao tao nói họ đáng nghi…Biết vì sao không…?

Ông Phúc lắc đầu, bà hàng nước lấy tay quẹt một đường quanh vành môi cho bớt nước trầu rồi lau lau tay vào cái khăn lau bàn nói tiếp:

— Thế mà còn….Là tại vì họ đến đây hỏi xem làng này có ai mới chết không..? Tao mới bảo gần tháng nay chẳng có ai chết cả, thế là người ông mới nói sao lạ thế, nghe tin người quen ở đây mới chết. Ban đầu tao cũng cứ nghĩ ông này chắc già lẩm cẩm không nhớ gì. Chứ làm gì có chuyện người thân quen chết, biết tìm đến nơi mà lại không biết chết bao giờ….Đã vậy còn đi khắp làng Thượng rồi sang bên làng Hạ. Đấy, mày nói xem có đáng nghi không…? Mấy hôm sau trong làng xảy ra chuyện…Nhưng do tao sợ nên cũng không dám nói với ai…..Mày xem liệu liệu bảo với thằng trưởng làng. Vì hai người đấy chắc chắn chưa ra khỏi làng đâu..

Ông Phúc nhớ ngay đến cái hôm đầu tiên thầy Tàu phát hiện ra xác gà bị ăn thịt ngoài vườn. Khi đó thầy Tàu còn nghi ngờ trong làng có Quỷ Nhập Tràng nên giả bộ đi thăm dò. Không ngờ bà hàng nước này lại nhớ dai đến vậy, ông Phúc hỏi nhỏ:

— Sao bà biết họ chưa ra khỏi làng…?

Bà hàng nước cười đáp:

— Tao ngồi đây cả ngày, đến tối thì đám thanh niên nó lập chốt canh ở đây. Ai muốn ra khỏi làng không đi qua gốc đa này thì đi đâu.

Ra là vậy, nói chuyện một hồi đột nhiên ông Phúc nhận ra một điều, trong làng tuy các cụ cao tuổi đã hỏi hết nhưng ông Phát đã quên mất còn những cụ khác cũng có tuổi thọ cao, chỉ có điều họ là các cụ bà. Cái tư tưởng cổ hủ trọng nam khinh nữ trong làng đã khiến cả hai ông quên mất cái câu nói truyền đời của người xưa: “ Hai người đàn bà cộng thêm con vịt thì thành cái trợ.” Cánh đàn ông trong làng luôn nghĩ chuyện ma chay mồ mả, việc quan trọng trong làng phụ nữ làm sao biết được nên bỏ qua. Nhưng thực tế những chuyện ma quỷ, tâm linh các bà lại rành hơn ai hết. Các cụ bà khác có thể không biết nhưng bà hàng nước này là một trường hợp đặc biệt.

Độc chiếm gốc đa mấy chục năm nay, án ngữ giữa giao lộ của hai làng Thượng – Hạ. Chẳng ngoa khi nói bà hàng nước sau này có chết thì cũng thành bà cô tổ của gốc đa. Người dân hai làng đi đâu, về đâu rồi cũng nán lại đặt mông nơi quán nước của bà. Cho nên chuyện trong làng, chuyện đầu ngõ cái gì cũng không thể qua dược đôi tai vạn lý này. Lại thêm cái tính thích quan sát, ưa hóng chuyện, độ tuổi cũng đã ngoài 60 của bà hàng nước chưa biết chừng bà ta lại biết cái gì đó, ông Phúc nghĩ thầm:

“ Một pho lịch sử sống của làng ngồi đây sao mình lại có thể bỏ qua được nhỉ.”

Nghĩ vậy ông Phúc vội làm ra vẻ mềm mỏng:

— Chậc, con xin lỗi cô….Cô cho con thêm chén nước nữa, thêm cái bánh rán nữa ăn cho no chiều đỡ ăn cơm..

Bà hàng nước rót nước đưa cho ông Phúc, ông Phúc nhấp miếng nước rồi giả bộ chán nản:

— Con cũng không giấu gì cô, chuyện thầy bùa thì con không tin. Nhưng tháng trước con đi xem bói, thầy bói nói làng mình sắp xảy ra họa mà con không tin. Ai dè bây giờ mới hối không kịp….

Chạm đúng chỗ hóng, bà hàng nước vội hỏi:

— Bói à, thế thầy bảo sao mà mày không tin..?

Ông Phúc chép miệng:

— Thì thầy bảo làng mình bị ác linh cư ngụ lâu năm quấy phá…Mà nhé ông ta còn nói đó là do dân làng mình chôn cất người chết oan không tử tế. Bao năm qua không ngó ngàng gì đến mộ phần của người ta. Không cúng kiếng nhang khói gì nên mấy chục năm nay đã hóa quỷ báo thù dân làng.

Bà Hàng nước nhau mày:

— Người chết oan nào nhỉ…?

Xong bà ta òa lên:

— Thôi đúng rồi….Có phải chuyện hai thằng ăn trộm treo cổ chết trong chùa phải không..? Không sai vào đâu được, ngay từ ngày hai chúng nó….à chết hai người đó tự tử không gỡ xuống được là tao đã sợ lắm rồi.

Không bỏ lỡ cơ hội ông Phúc hỏi ngay lập tức:

— Đúng rồi cô, chuyện đó chẳng thành giai thoại truyền miệng trong làng mình rồi sao. Đấy, thầy người ta phán thế nhưng khổ một cái giờ có muốn tìm ngôi mộ đó để mà thờ cúng cầu siêu cũng không được. Từ sáng tới giờ cháu với trưởng làng đi hỏi khắp nơi trong làng mà không ai biết ngôi mộ nằm ở đâu. Chết thật cô ạ…

Bà hàng nước đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, ông Phúc tiếp tục nói dồn:

— Chỉ nghe đâu ban đầu ngôi mộ được chôn ở ngoài cánh đồng, nghĩa trang làng mình nhiều năm về trước. Nhưng sau đó thấy bảo ma quỷ gì đó nên dân làng nhờ sư trụ trì chuyển….đi…

Bà hàng nước gắt:

— Im tao xem nào…..Mày nói nhiều quá tao không nghĩ được gì..

Ông Phúc mở to mắt hỏi:

— Cô biết ngôi mộ nằm đâu hả cô..?

Bà hàng nước quát:

— Đã bảo mày im để tao nhớ lại cơ mà….Mày cứ hỏi thế bố tao cũng không nhớ được.

Ông Phúc vội vàng nín lặng không dám hỏi nữa, trong lòng khẽ mừng thầm. Một lúc sau bà hàng nước nhổ luôn cái bã trầu xuống đất rồi lau miệng gật gù:

— Đã bảo chuyện trong làng không gì tao không biết mà…Tao nhớ mang máng chuyện đấy, nãy giờ nghĩ kỹ lại thì tao có thể biết ngôi mộ đó nằm ở đâu. Tuy không chắc chắn lắm nhưng rất nhiều khả năng nó nằm ở đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui