NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P155)
Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang
Chương 63: Cái bọn chỉ yêu tiền
Mưa thu như tơ như bông, mịn đến mức không dễ phát hiện bằng mắt thường, chỉ nhìn thấy trên khung cảnh xa xăm mọc lên một lớp lông tơ trắng.
Cây xanh đã già, tán lá nhuộm vàng đỏ còn có thể giả dạng teen xinh, tiếc rằng tóc rụng nghiêm trọng, chẳng bao lâu đã xuống tóc đi tu.
Không khí được gột rửa sạch bong, tiếng chuông chùa Kim Hoa càng trong trẻo xa xăm hơn, bỗng nghe dường như có thể rũ bỏ hết bụi bặm tâm linh.
Soái Ninh tới cửa Phật thanh tịnh rồi vẫn còn mưu tính công danh lợi lộc.
Hôm qua thầy Minh Tịnh gọi điện hẹn cô hôm nay gặp mặt nói chuyện.
Năm ngoái, cô đeo bám mãi để xin thầy cử người về trụ trì chùa Cát Tường, thể hiện cực kỳ thành tâm nên đã giành được cái gật đầu của thầy, nhưng thầy nói chưa tới lúc, chờ chọn ngày rồi mới lại thu xếp.
Trước mắt, chùa Cát Tường xây xong đã nửa năm, có mời một số hòa thượng giải quyết các sự vụ hằng ngày, riêng cao tăng trụ trì như đã nói lại mãi chưa về.
Khách hành hương thành kính thường tới hỏi han, Soái Ninh cũng uyển chuyển tỏ ý thúc giục pháp sư Minh Tịnh mấy lần, giờ được thầy gọi đến, chắc chuyện đã có tăm hơi.
Hai người gặp nhau ở gian thiền, cảnh tượng hàn huyên giống như những lần trước, một người là đệ tử nhỏ ngoan khéo lanh lợi, một người là sư phụ già mặt mũi hiền từ.
“Thầy ạ, tháng 12 là đến khánh đản (sinh nhật) Phật A Di Đà, chùa Cát Tường sẽ tổ chức lễ hội dâng hương lớn.
Nếu trụ trì mới có thể về chùa đúng ngày đó thì hay quá.
Thầy định để thầy Tu Thành lên đường hôm nào ạ?”
Cô không dự đoán được rằng thầy Minh Tịnh gọi cô lên gặp có ý hỏi han trách cứ, tự động chạy vào tầm ngắm của họng súng.
Cụ hòa thượng mỉm cười nhè nhẹ: “Chuyện Phật nhục thân ở chùa Cát Tường là thế nào?”
Soái Ninh loạng choạng như đột ngột bị ngã.
Hồi trước cô gọi người giả tạo chuyện Phật nhục thân, quay phim giả-tài-liệu cho đám KOL làm truyền thông giúp, thanh thế to lớn lan truyền khắp.
Tuy nhiên, mọi tồn tại của sự vật ắt sẽ làm dấy lên nghi ngờ.
Đến nay, trong xã hội đã có không ít người chỉ ra rằng việc này là giả, còn có người tích cực tự bỏ tiền điều tra xác minh, có bằng chứng có lý lẽ chứng minh đây là một trò lừa đảo được mưu toan tỉ mỉ.
Những ý kiến công kích hàng giả ấy đều bị Soái Ninh nhờ quan hệ dìm xuống.
Khách hành hương ban đầu dò hỏi về chùa Cát Tường gián tiếp quảng bá cho Hoa Quả Lĩnh.
Sau đó, Hoa Quả Lĩnh trở nên nổi tiếng, ngành du lịch phát triển rầm rộ lại trực tiếp tiếp đượm hương khói cho chùa Cát Tường.
Thành tâm ắt thiêng, các tín đồ đều xưng tụng rằng mình được Phật nhục thân phù hộ, cầu xin đường con cái đỗ đạt làm ăn tình duyên gì cũng thành, nhiệt tình lấy kinh nghiệm bản thân ra tán dương quyền năng thần phật.
Việc cao tăng từ chùa Kim Hoa sắp về làm trụ trì càng khiến họ thêm tin tưởng, kiên quyết bác bỏ những tiếng nói nghi ngờ.
Lúc trước Soái Ninh cũng lo hòa thượng Minh Tịnh nhìn thấu âm mưu, một năm qua không thấy động tĩnh thì tưởng cụ đã tính mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng đến giờ phút này cuối cùng vẫn bị hỏi.
“Thầy vẫn luôn đợi chị chủ động lộ ra, đợi lâu thế rồi, thầy nghĩ chắc chị định giấu đến cùng nên mới đành phải gọi chị lại nói rõ.
Vọng ngữ (nói dối) là một trong ngũ giới, mượn danh nghĩa Phật để lừa phỉnh càng là tội nghiệt lớn.
Chị còn không nghĩ đến chuyện sám hối hay sao?”
Soái Ninh từ nãy đã phòng bị xong, rời khỏi tấm đệm, đến trước mặt sư thầy chắp tay: “Thưa thầy, đúng là con nói dối, nhưng động cơ tốt mà ạ.
Cái chốn Hoa Quả Lĩnh ấy nghèo lắm, người dân có đời sống khó khăn, tư tưởng lại ngu muội lạc hậu, cần được cứu rỗi song song cả về vật chất lẫn tinh thần.
Con muốn gia tăng danh tiếng của Hoa Quả Lĩnh, thu hút du khách bên ngoài, tạo nguồn thu nhập cho dân địa phương, cũng muốn cho họ được Phật pháp cảm hóa thật mau để tu tâm hướng thiện, nên mới nghĩ ra kế sách tình thế này.
Cửa Phật không phải cũng có ‘phương tiện vọng ngữ’ (nói dối vô hại) đó thôi ạ? Thời Đông Hán, khi tổ sư Nhiếp Ma Đằng tới đất ta hoằng pháp (truyền giáo), để thuyết phục Hán Minh Đế tiếp nhận đạo Phật, ngài tự nhận có thể làm hoa sen nở trong chén nước lã.
Đó thực ra chỉ là trò ảo thuật lừa người, nhưng ngài làm vậy đã thúc đẩy thành công cho Phật giáo lưu truyền ở Trung Quốc, vẫn là công đức vô lượng.
Con phát tâm cũng giống sư tổ năm đó, mục đích là đem lại càng nhiều lợi ích cho chúng sinh.
Chùa Cát Tường sau này sẽ miễn hết vé vào cửa.
Tiền khách hành hương họ công đức trừ khoản dùng cho việc chi tiêu hằng ngày và tu bổ chùa, còn lại sẽ quyên góp cả cho tổ chức từ thiện trực thuộc Giáo hội Phật giáo.
Con và tập đoàn Quan Vũ sẽ không thu một đồng nào từ đó.
Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: ‘trong cõi trần ô trọc, ta xuất hiện dưới hình dáng điện thờ và chữ viết.
Nhìn thấy điện thờ và chữ viết thì sẽ sinh lòng cung kính và tin tưởng vào Phật chân chính.
Ai xây chùa, dựng điện thờ ở bất kỳ nơi nào cũng khiến vô số chúng sinh giải thoát khỏi luân hồi.’ Ngài còn nói ‘phát tâm công đức tu sửa chùa chiền và dựng điện phủ cho Phật, Bồ Tát là việc quan trọng nhất trong thiện nghiệp, cho dù chỉ cúng dường một sọt đất cũng đầy đủ công đức như cúng dường một sọt vàng ròng.’ Con quyên một ngôi chùa lớn như vậy chẳng lẽ không phải công đức thù thắng (đặc biệt to lớn) hay sao ạ? Tuy nói dối một chuyện nhỏ, nhưng con nghĩ hẳn Phật tổ cũng không trách tội con đâu ạ.”
Miệng lưỡi khéo léo gợi ra nụ cười đầy nếp nhăn của pháp sư Minh Tịnh.
Đối mặt với người trí tuệ cao thâm, sự khôn lỏi của cô chỉ là mánh vặt thấp kém.
Sau hồi lâu im lặng, vị sư già giơ tay phải duỗi hai ngón tay gõ nhẹ một cái lên trán cô.
“Chị biết vì sao thầy tặng chị pháp danh Trí Đạt không?”
Soái Ninh cười khéo: “Bởi vì trí thông minh của con rất phát đạt ạ?”
Thầy lắc đầu khe khẽ: “Con thừa thông minh nhưng thiếu trí tuệ.
Gọi con là Trí Đạt là muốn con thông đạt trí tuệ, để tránh vì quá thông minh mà bước nhầm lối mê.”
Thông minh dừng lại ở tầng tư duy của não bộ.
Trí tuệ quyết định nhờ cảnh giới tâm thức.
Kẻ thông minh truy đuổi danh lợi, người trí tuệ tạo phúc cho dân chúng.
Thật ra, đệ tử nhỏ này của cụ chỉ cách trí tuệ một lằn ranh mỏng manh, chỉ thiếu cơ hội “ngộ đạo”.
“Trí tuệ là trí thông minh có dây cương, cái dây cương này chính là thiện tâm.
Dùng thiện tâm dẫn đường cho thông minh, dùng thông minh bảo vệ cho thiện tâm, vị trí của hai điều này không thể đảo lộn.
Nếu con muốn nắm bắt được trí tuệ, về sau trước khi làm việc gì, hãy nghiêm túc ngẫm lại những lời này của thầy.”
Pháp sư nói xong thì nhập thiền, câu nói cuối cùng sau khi khép mắt là: “Ngày mai thầy bảo Tu Thành đi về chùa Cát Tường.”
Soái Ninh coi thường trò dạy dỗ bằng súp gà[1], dù thỉnh thoảng cũng bán mấy bát phỉnh người khác, bản thân lại kiên quyết không húp.
Lúc này, lời hòa thượng già lại vang vọng thật lâu trong đầu, nghe cũng có tác dụng như lời Lư Bình mắng cô hôm ấy.
Bọn họ, một người tin theo thuyết có thần, một người tôn thờ chủ nghĩa duy vật, nhưng lại có điểm chung về quan niệm.
Có phải vì cùng chôn giấu thiện căn dưới đáy lòng?
Soái Ninh từng nghe rất nhiều về cái tốt của chuyện làm việc thiện nhưng chẳng mấy khi tán thành thật lòng, còn toàn móc nối vào ích lợi.
Cô thừa nhận bản thân chính là kẻ vụ lợi và chưa từng có bất cứ gánh nặng lương tâm nào vì điều đó.
Có cần thiết phải tìm tòi “Đạo” trong lời sư phụ hay không?
Buổi chiều, Thôi Minh Trí đến nhà cô báo cáo công việc, lúc sắp về, Tinh Tinh không ngừng cọ quẹt hắn.
Soái Ninh thấy thế thì bảo hắn thuận tiện dắt nó ra ngoài đi dạo tí.
Tinh Tinh thích ăn bánh kem.
Chuyên gia dinh dưỡng quy định mỗi tuần chỉ được ăn một miếng, chẳng bõ thèm.
Đi ngang hàng bánh kem bên đường, nó bèn say sưa chồm lên hóng tủ kính của shop người ta.
Thôi Minh Trí thấy thương quá mới định mua một miếng cho ăn lén.
Cửa hàng ấy không cho thú cưng vào, hắn bảo Tinh Tinh đợi ngoài cửa.
Con chó này đã được huấn luyện, nghe mệnh lệnh “ngồi yên” thì ngoan ngoãn ngồi yên thật, trừ cái đuôi vẫy vẫy, các bộ phận khác không hề động đậy.
Thôi Minh Trí vào tiệm xếp hàng mua miếng bánh kem phô mai nhẹ, khi ra thì chỗ Tinh Tinh ngồi đã trống trơn.
Hắn vội chạy ra đường nhìn ngó nháo nhác.
Người đi bộ qua lại hối hả, dòng xe cộ như nước, bóng dáng con chó chìm khuất đâu rồi.
“Đến trông con chó cũng không xong, anh đi chết đi cho rồi!”
Nghe nói chó cưng mất tích, Soái Ninh túm cái đệm trên sofa đập lia lịa tay trợ lý còm đang mất hồn mất vía, sai hắn dẫn người đi tìm ngay.
Một chị giúp việc đứng bên nói xen vào: “Sắp vào mùa đông rồi, mấy huyện ngoại thành lại rộ phong trào ăn thịt chó.
Tôi nghe nói gần đây trong thành phố có nhiều trộm chó lắm.
Tinh Tinh mà bị chúng nó bắt đi bán cho hàng thịt chó thì toi.”
Giống chó lớn như Gâu-đần này mình to mỡ dày, là nguồn cung chủ yếu cho bọn trộm chó.
Tinh Tinh mà rơi vào tay chúng nó thật, chỉ sợ không sống qua ngày mai.
Ban đầu Soái Ninh nhận nuôi nó cốt để móc ngoéo với Lư Bình, chăm bẵm mấy tháng cũng dần có tình cảm thật.
Cái đứa ngày nào cũng hớn hở quấn quýt bên mình bị đem đi nhúng lẩu, việc này mà xảy thật ra thì về sau cô còn mặt mũi đâu lăn lộn giang hồ?
Một mặt cô quát giục Thôi Minh Trí gọi thêm người, một mặt lên Weibo đăng thông báo tìm chó.
“Tinh Tinh nhà tôi vừa đi lạc.
Các bạn ở Thượng Hải ai cung cấp được tin tức hữu hiệu, xin hậu tạ 2 triệu tiền mặt! Đứa mất dạy nào dám giết con tao, chụy sẽ khiến mày hối hận vì đã làm người!”
(Hết phần 155, xin mời đón đọc phần 156.
Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)
- -----
Chú thích:
1.
Chỉ các câu chuyện dạy người ta sống đẹp như trong bộ sách Chicken Soup for the Soul (Súp gà cho tâm hồn), ở Việt Nam dịch là “Hạt giống tâm hồn”..