Người Tìm Xác

TIỀN TRUYỆN (1)

N năm trước.

Còn nhớ tất cả mọi chuyện đều bắt đầu vào buổi chiều mùa xuân năm đó, mặt trời chói chang hơn ngày bình thường một chút.

Trường chúng tôi có truyền thống là năm nào cũng tổ chức cho học sinh tới công viên Phía Bắc thành phố để "Học tập Lôi Phong làm việc tốt", cũng chính là nhiệm vụ quét dọn vệ sinh, năm nay nhiệm vụ này lại rơi vào đám học sinh lớp 11 chúng tôi.

Công viên Phía Bắc nằm ở khu sầm uất trong thành phố, lúc bé, khi tôi có nhận thức, thì nó cũng đã xây dựng rồi. Lúc ấy, tôi rất thích được bố mẹ dẫn mình và chị tới đây chơi vào cuối tuần. Tuy rằng mấy năm nay nó đã hơi cũ nhưng vẫn là nơi được đám trẻ con chúng tôi chọn để vui đùa.

Nửa năm nay, chính phủ đã bỏ vốn để tiến hành tu sửa và tân trang lại công viên. Chắc hẳn là vị lãnh đạo nào đó cảm thấy lần này quá tốn kém, nên sau khi xong việc, những công việc dọn dẹp này cơ bản đều do những lao động miễn phí như chúng tôi làm.

Tôi cũng chỉ mang tâm lý chơi bời trong hoạt động của trường lần này, vì thế tôi và "đứa bạn" tốt nhất của mình - Triệu Đầu Đá, tên thật là Triệu Lỗi, chỉ làm một chút việc, rồi chạy tót ra sau hòn non bộ chơi.

Ai ngờ, lúc chúng tôi đang chơi vô cùng vui vẻ, thì đột nhiên, một cảm giác kỳ lạ bao trùm lấy tôi, loại cảm giác này khiến tôi không thở nổi trong phút chốc, ngực bứt rứt khó chịu.

Đầu Đá thấy mắt tôi trợn trắng thì hoảng sợ, vội vàng chạy tới đỡ tôi: "Tiến Bảo? Tiến Bảo, mày sao thế? Mày đừng dọa tao mà!"

Tôi tựa vào người cậu ta hít thở một lúc lâu, nhưng cảm giác khác thường trong lòng vẫn còn đó, đầu óc tôi ong ong, khó chịu vô cùng. Cũng chẳng hiểu sao, tôi lại có thể cảm giác được rằng, có một người chết nằm ngay dưới tảng đá xanh mà chúng tôi vừa chơi.

Tảng đá xanh này nằm sau hòn non bộ, được xếp bằng những hòn đá kì quái san sát nhau, mới được đưa đến trong lần sửa lại công viên lần này, nghe nói có thể trấn tà. Nhưng bây giờ rõ là nó đang "trấn" trên một người chết! Đó là một người đàn ông mặc đồ lao động màu xám xanh, tay chân bị dây thừng trói chặt, trên mặt thi thể còn có mấy vết xanh tím, chắc là trước khi chết đã phải chịu đau đớn.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người chết, chẳng biết là do sợ hay dạ dày khó chịu, tôi há mồm nôn hết đống thức ăn lúc trưa ra.

Đầu Đá thấy dáng vẻ của tôi như thể sắp không chịu được nữa, hốt hoảng gọi giáo viên tới. Người dẫn đội hôm đó là cô Khúc, chủ nhiệm lớp - bà cô hơn 50 tuổi, cô thấy tôi như thế cũng giật mình. Không hỏi nhiều mà nhanh chóng ấn lên nhân trung của tôi.

Không biết là cô ấn như thế có tác dụng hay tôi dần quen với cảm giác này, tóm lại là tôi đã không còn buồn nôn nữa. Đầu Đá thấy tôi đỡ hơn, thì từ từ dìu tôi qua ngồi xuống chỗ ghế dài trong công viên.

Cô Khúc lo lắng nhìn tôi nói: "Tiến Bảo, em cảm thấy thế nào rồi? Còn buồn nôn nữa không? Có phải trưa nay ăn cái gì mất vệ sinh không?"

Tôi lắc đầu nói: "Không sao ạ, có thể vừa rồi em vận động hơi mạnh, nghỉ một lát là đỡ thôi ạ."

Nhưng cô Khúc vẫn hơi lo lắng, vì thế cô bảo Đầu Đá ngồi với tôi, còn dặn cậu ta: Nếu Tiến Bảo vẫn còn khó chịu thì em đưa bạn ấy về nhà nhé.

Tôi nhìn cô Khúc vội vàng đi chỉnh đốn lại đám bạn đang lao động, nói nhỏ với Đầu Đá: "Đầu Đá, tao nói với mày chuyện này, mày đừng có sợ nhé."

Đầu Đá nhìn tôi với vẻ kì lạ: "Nói đi, chuyện mày không sợ thì sao tao sợ được?"

Nhìn cái vẻ xem thường của cậu ta, tôi thật không biết nên mở miệng nói với cậu ta thế nào, nhưng lúc đó, người bạn tốt duy nhất của tôi cũng chỉ có một mình Đầu Đá.

Do dự một lúc lâu, tôi mới chậm chạp nói với cậu ta: "Đầu Đá, mày có thấy tảng đá xanh đằng sau hòn non bộ kia không?"

Cậu ta nhìn tảng đá xanh kia rồi nói: "Thấy, sao thế, trong tảng đá xanh đó có kho báu à?"

Tôi bình tĩnh nhìn cậu ta, sau đó từ từ lắc đầu: "Không, có một người chết ở trong đó."

"Đừng có nói bậy, mày nghĩ đó là Tôn Ngộ Không à? Lại còn ở trong tảng đá nữa!" Đầu Đá nói.

Nhìn vẻ mặt không tin của cậu ta mà tôi nghẹn lời, nếu như đột nhiên cậu ta nói với tôi như thế, chắc chắn tôi cũng chẳng tin! Thôi được rồi, cậu ta đã không tin thì tôi có nói cũng vô ích.

Nhưng không ngờ khuya hôm đó, sau khi về nhà, tôi lại đột nhiên phát sốt, chị tôi cặp nhiệt độ thấy tôi sốt tới 42 độ, hoảng quá nên vội lao ra khỏi nhà tìm bố mẹ, lúc bấy giờ, hai người còn đang chơi mạt chược bên nhà hàng xóm!

Họ về nhà, thấy tôi sốt nặng thì gấp gáp đưa tôi tới phòng cấp cứu của bệnh viện trong huyện. Lúc đến viện, tôi đã bắt đầu mê sảng rồi, theo lời chị tôi may mắn kể lại, lời của tôi lúc đó đã dọa cho bác sĩ, y tá và cả bố mẹ sợ hãi! Nhưng cụ thể là nói gì thì chị ấy cũng chẳng biết, vì chị ấy phải giữ nhà.

Về sau, lúc chị nghe lén bố mẹ nói chuyện mới biết, mấy câu mê sảng lúc đó tôi nói rất đáng sợ, cũng chính vì những lời nói mê này mà cảnh sát mới đào được một xác chết dưới tảng đá xanh trong công viên Phía Bắc. Xác chết này chính là giám đốc Uông Đại Hải đã mất tích hơn một tháng nay khi đang phụ trách công trình ở công viên.

Cảnh sát tìm được một tờ giấy nợ trong cái xác, là của một chủ thầu tên Tôn Tử Sở đã vay nạn nhân một vạn tệ. Sau khi bị thẩm tra, Tôn Tử Sở này khai vì muốn nhận thầu công trình sửa lại công viên Phía Bắc nên đã mượn tiền Uông Đại Hải, hứa hẹn với nạn nhân sau khi chuyện này thành sẽ cho nạn nhân một vạn tệ làm tiền thù lao, cũng đã viết một tờ giấy nợ cho nạn nhân.

Ai ngờ sau đó, tuy đã nhận được công trình, nhưng lúc làm lại có hai lần gặp sự cố, khiến Tôn Tử Sở cũng không kiếm được nhiều tiền, nếu đưa cho Uông Đại Hải một vạn tệ thì chẳng những lần này gã trắng tay, mà còn phải bù thêm một nửa, vì thế Tôn Tử Sở muốn quỵt nợ.

Nhưng Uông Đại Hải cắn gã không buông, nói nếu như gã không trả tiền thì sẽ mang tờ giấy nợ này kiện lên tòa, cùng lắm thì hai bên cùng chết.

Tôn Tử Sở bị chèn ép đến đỏ cả mắt, bèn nhân lúc tối trời khi công viên không có người giết Uông Đại Hải. Gã biết hôm sau sẽ có một tảng đá xanh lớn được chuyển tới đặt sau hòn non bộ, thế nên cả đêm hôm đó, gã đã chôn Uông Đại Hải ngay dưới vị trí sẽ đặt tảng đá xanh.

Kết quả đúng như gã đã đoán trước, tảng đá xanh kia đè lên xác Uông Đại Hải một cách chắc chắn, nếu không phải tôi gây ra chuyện như thế, chỉ sợ trừ phi công viên bị phá, còn không thì khó mà phát hiện ra thi thể.

Chỉ có điều từ đó về sau, đám học sinh bắt đầu như vô ý tránh né tôi, ngay cả Đầu Đá thân với tôi nhất cũng không chơi với tôi nữa, lúc đó tôi cũng chẳng biết là tại sao.

Mãi đến sau này, có một lần tôi tới nhà bà ngoại chơi, chợt nghe thấy có người cứ gọi cửa bên nhà bà Vương hàng xóm. Tôi bèn ra ngoài xem thử, thì ra là con trai bà Vương dẫn vợ và con về thăm mẹ. Bình thường con trai bà Vương về nhà vẫn dùng chìa khóa để mở cửa, nhưng hôm đó anh ấy lại thấy cửa nhà bị khóa trái, hơn nữa dù họ có gõ cửa thế nào thì bên trong vẫn chẳng có ai trả lời.

TIỀN TRUYỆN (2)

Tôi cũng tò mò đến đó để xem chuyện vui một chút, mọi người đều là hàng xóm đã lâu, nên tôi giúp họ gọi bà Vương ra mở cửa. Cuối cùng tôi còn chưa đi được mấy bước thì đột nhiên đầu đã ong lên. Sau đó, cảm giác lúc ở công viên Phía Bắc lại xuất hiện một lần nữa! Tôi đã hiểu, thì ra đây chính là mùi của cái chết!

Tôi biết tại sao bà Vương mãi không ra mở cửa, vì ba ngày trước, bà trượt chân ngã đập đầu xuống đất, lúc đó trong nhà không có ai nên không kịp đưa đến bệnh viện cứu chữa, bà gắng gượng được mấy tiếng sau thì tắt thở.

Sau chuyện này, tôi đã không thích ra khỏi nhà nữa, không muốn đến trường, vì tôi sợ cảm giác này lại xuất hiện lần nữa. Cứ như thế, tôi nghỉ học. Giải thích với bên cơ quan chức trách là vì: Nguyên nhân sức khỏe, cần ở nhà nghỉ ngơi.

Trong thời gian đó, tôi vẫn không dám ra khỏi cửa, sợ vừa ra ngoài đã thấy ai đó chết trước mặt mình! Cũng may ông trời còn chưa bỏ rơi tôi, ngay lúc mờ mịt nhất, tôi gặp chú họ, quý nhân đầu tiên của mình ở Đông Bắc.

Ở Đông Bắc, tôi có một người chú họ xa, sau khi ông ấy nghe chuyện của tôi xong thì bảo mẹ đưa tôi đến chỗ ông ấy nghỉ ngơi một thời gian. Lúc đầu tôi còn không muốn đi, ngẫm lại xem, tôi là một đứa trẻ lớn lên ở thành phố, sao lại tình nguyện về nông thôn sống được chứ?

Nhưng vì không chịu được việc mẹ tôi cứ lải nhải, tôi đành giơ hai tay đầu hàng, ngồi tàu hỏa lên đường về Đông Bắc.

Chẳng biết đã bao nhiêu năm rồi tôi không đi loại tàu hỏa màu xanh này, nhớ lúc bé tí, tôi thường ngồi tàu hỏa màu xanh về nhà bà ngoại với mẹ. Nhưng bây giờ đã có ô tô, còn có cả đường sắt cao tốc nữa, tôi thật sự không ngờ, ở nơi xa nhất của phía Bắc Tổ quốc vẫn còn có thể đi loại tàu hỏa màu xanh cũ này.

Chẳng biết tàu hỏa đã đi bao xa về phía Bắc rồi, nhưng đến khi nào tàu không chạy tiếp nữa thì tôi mới xuống được, ai bảo tôi phải tới cái nơi ở xa nhất ở phía Bắc Tổ quốc chứ? Nhà chú họ ở núi Đại Hưng An thuộc tỉnh Hắc Long Giang, không úm trên xe lửa "ba ngày hai đêm" thì chắc chắn là chưa tới. Thấy tàu đã đi được hai ngày rồi, xem ra nhà của chú họ cũng không còn xa nữa.

Ai ngờ lúc tàu đi qua một nhà ga tên "Nộn Giang", tôi phát hiện ra trong số những hành khách trên tàu có một người đàn ông kì lạ.

Dáng người này không cao lắm, làn da ngăm đen, rất đô con, gương mặt có hơi ngang, là dáng mặt chỉ có ở người quanh năm suốt tháng bôn ba bên ngoài. Gã vừa lên xe, lòng tôi căng thẳng, cảm giác quen thuộc kia lại tới lần nữa.

Người đàn ông nọ mặc áo khoác quân đội vừa cũ vừa bẩn, sau lưng còn đeo một cái ba lô rất to, tay xách một chiếc túi nhựa màu đỏ trắng xanh trông có vẻ rất nặng. Nhìn gã đi từng bước một về phía mình, từng lỗ chân lông trên người tôi nhanh chóng co lại.

Tôi rất rõ cảm giác này có nghĩa là gì, đối với tôi, đây là mùi của cái chết. Chẳng lẽ người này là người chết sao? Không đúng, người chết mà lại còn tự lên tàu được à? Tiếp đó, ánh mắt tôi dời xuống, nhanh chóng tập trung vào chiếc túi trong tay gã, trong này có vấn đề!

Người đàn ông đó nói với ông chú ngồi bên cạnh tôi bằng giọng Tứ Xuyên đặc sệt: "Anh à, chỗ này có ai ngồi không?"

Ông chú liếc nhìn gã rồi nói: "Không có, vẫn chưa có ai ngồi cả, nhưng trong túi của anh có cái gì thế? Mùi nặng quá?"

Gã tỏ vẻ phật ý, cười nói: "Không có gì, chỉ là một ít thịt khô Tứ Xuyên quê tôi thôi, ở đây không mua được đâu." Gã vừa nói vừa cố nhét chiếc túi xuống gầm ghế.

Trong lòng tôi hơi sợ, cảm thấy buồn nôn. Thịt khô? Đây rõ ràng là một bộ xương người! Tôi nghĩ sau này mình sẽ không dám ăn thịt khô nữa.

Tôi nhìn gã đàn ông thô kệch trước mặt, tự hỏi gã là ai? Là tội phạm giết người biến thái sao? Tại sao gã lại muốn mang một xác chết lên tàu? Có rất nhiều câu hỏi quanh quẩn trong đầu tôi.

Nhưng tôi có thể cảm giác được đây là bộ xương của một phụ nữ, tuy mắt không nhìn thấy nhưng tôi vẫn cảm nhận được hình dáng của bà ấy lúc còn sống: Là một phụ nữ nông thôn điển hình, đã chết nhiều năm rồi. Bà ấy không đẹp nhưng hẳn là một người cần cù chịu khó, đáng tiếc số mệnh không tốt nên bị chết vì khó sinh.

Tuy rằng lúc đó tôi không có nhiều kiến thức về pháp luật, nhưng cũng biết đây là chết một cách bình thường chứ không phải bị người ta sát hại, vậy thì tại sao gã đàn ông này lại muốn mang xương của bà ấy lên tàu?

Chẳng lẽ đây là vợ của gã? Không đúng, chắc chắn không phải, người phụ nữ này chết ít nhất cũng phải mấy chục năm rồi, lúc bà chết hẳn phải hơn 30 tuổi, gã đàn ông này tối đa cũng chỉ 40 là cùng, tính tuổi ra bà ấy còn có thể là mẹ của gã.

Tôi nghĩ nếu mình có thể chạm được vào bộ xương kia thì chắc sẽ biết được nhiều thông tin hơn, nhưng ngẫm lại thấy vẫn không nên đụng vào đồ vật xui xẻo như vậy!

Đúng lúc này, dạ dày của tôi lại bắt đầu cuộn trào, đây là "di chứng" sau khi "cảm giác" kia xuất hiện, chỉ cần có cảm giác những thứ này tồn tại là tôi lại muốn nôn.

Tôi tranh thủ đứng dậy đi vào buồng vệ sinh nhưng không nôn ra được, đành phải buồn bực đi ra. Vừa ra ngoài đã bị nhân viên tàu gọi lại: "Cậu nhóc, mau trở về chỗ ngồi đi, lát nữa bảo vệ sẽ đi kiểm tra vé đấy!"

Tôi gật đầu rồi về chỗ ngồi, vừa đặt mông xuống thì nghe thấy ở phía trước có tiếng bảo vệ bắt đầu đi xoát vé. Nhân viên bảo vệ kiểm tra từng người một, tôi nhận thấy gã đàn ông Tứ Xuyên ở đối diện hơi căng thẳng.

Có lẽ người khác không biết lý do, nhưng tôi thì biết, chắc chắn gã đang sợ nhân viên bảo vệ sẽ kiểm tra hành lý của gã! Nhưng cũng không chắc chắn, có quá nhiều hành khách trên tàu, nhân viên không thể kiểm tra từng người một được, họ sẽ chỉ chú ý những người có vẻ đáng ngờ.

Rất không may, gã đàn ông trước mặt tôi được trúng thưởng. Nhân viên bảo vệ lễ phép nói với gã: "Đồng chí, chiếc túi dưới gầm ghế này là của anh?"

Gã hơi bối rối, gật đầu: "À phải, đồng chí cảnh sát, trong này là một ít thịt khô ở quê tôi, không phải hàng cấm đâu."

Nhân viên bảo vệ không đồng ý nhưng vẫn khách sáo nói với gã: "Vậy xin anh hãy mở ra cho tôi kiểm tra một chút."

Gã đàn ông tỏ vẻ không tình nguyện: "Đồng chí cảnh sát xem, tôi vất vả lắm mới gói kín vào được, bóc ra không tiện, nếu không anh kiểm tra ba lô của tôi đi vậy?"

Nhân viên bảo vệ thấy gã cứ từ chối liền biết trong gói này nhất định có vấn đề, anh ta chuyển giọng cứng rắn: "Đồng chí, nếu như anh không phối hợp cho tôi làm việc, thì mời anh đi cùng tôi một chuyến!"

Dứt lời, thêm hai nhân viên bảo vệ ở phía sau đi tới giúp gã lấy chiếc túi nhựa ra. Gã đàn ông càng thêm hoảng hốt, đưa tay đoạt lại chiếc túi!

Tôi biết sắp có trò hay diễn ra nên liên tục lùi về phía sau để tránh.

Quả nhiên, ngay lúc gã kéo một phát, chiếc túi nhựa màu đỏ trắng xanh cũ nát bị rách một đường lớn vang lên tiếng "Roạt!". Toa tàu bất chợt yên tĩnh, nhưng sau đó vang lên tiếng gào thét hoảng sợ của những hành khách gần đó. "A người chết! Trong này có người chết!"

TIỀN TRUYỆN (3)

Không cần nhìn tôi cũng biết thịt khô và xương sọ người khác nhau vô cùng.

Bảo vệ cũng không phải vô dụng, họ nhanh nhẹn khóa người đàn ông Tứ Xuyên xuống mặt đất, gã sốt ruột văng ra mấy câu chửi bằng giọng Tứ Xuyên, đừng nói tới mấy nhân viên bảo vệ này là người Đông Bắc gốc nên nghe không hiểu, đến tôi là người Hà Bắc cũng nghe cái hiểu cái không.

Thấy gã đàn ông bị còng tay rồi bị mang ra phía sau, những hành khách trong toa rối loạn cả lên! Chuyện này không biết thì không sao, biết rồi trong lòng ai chẳng cảm thấy hoảng sợ? Đặc biệt là hai người ngồi cùng ghế với gã đàn ông đó càng thấy kinh hoàng, họ làm ầm lên, đòi nhân viên đổi chỗ.

Nhân viên tàu cũng lười để ý đến họ, ai sẽ đồng ý đổi tới ngồi chỗ này chứ? Thời gian này có chỗ ngồi trên xe lửa là tốt lắm rồi, còn muốn cái gì nữa?

Về sau tôi nghe mấy hành khách cùng toa thích hóng chuyện trở về nói mới biết, thì ra gã Tứ Xuyên kia là kẻ chuyên mua đi bán lại thi thể cho người ta làm lễ kết duyên âm. Một khách hàng của gã có con trai mới chết, cảm thấy con trai một mình ở dưới kia quá cô đơn nên muốn tìm cho cậu ta một cô gái để kết duyên âm, tìm cũng đã lâu rồi nhưng không có mối thích hợp. Sau đó họ nhờ người tìm được gã đàn ông Tứ Xuyên này, nghe nói gã có thể tìm được thi thể nữ để kết duyên âm nên cho gã hai nghìn đồng đặt cọc, chờ sau khi xong chuyện sẽ trả thêm năm nghìn nữa! Nhưng không ngờ "Thi thể tân nương" vừa mới lên tàu đã bị đồng chí bảo vệ tịch thu mất!

Sau chuyện này, tôi còn nghĩ thầm, nếu gia đình nhà kia biết gã Tứ Xuyên này ngàn dặm xa xôi cõng một bà lão 80 tuổi về làm con dâu nhà mình, thì có tức đến hộc máu không nhỉ?

Nhà chú họ tôi ở một thôn gọi là Cổ Gia Đồn, đương nhiên không phải tất cả mọi người ở đó đều mang họ Cổ, chỉ là bởi người đến đây khai hoang đầu tiên là một gia đình họ Cổ người Sơn Đông, về sau họ ở đây bám rễ sinh sống nên mới gọi tên như vậy.

Diện tích Cổ Gia Đồn không lớn, tính cả thôn chỉ có gần một trăm nhân khẩu, nhà chú họ tôi ở đầu Đông, trong nhà có ba mẫu ruộng, sức khỏe của thím họ không tốt nên luôn ở nhà nghỉ ngơi, mọi việc lớn nhỏ trong ngoài đều do một tay chú lo liệu hết.

Ngoài dựa vào trồng trọt để mưu sinh, chú họ tôi còn là thầy âm dương nổi danh nhất trong vùng. Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn đủ lo ăn mặc, cho nên có thêm cái miệng ăn là tôi cũng không quá khó khăn.

Thím họ là người phụ nữ vùng Đông Bắc nhiệt tình, lúc còn nhỏ tôi đã gặp thím ấy một lần khi thím lên Bắc Kinh khám bệnh, trong trí nhớ của tôi thì thím là một người phụ nữ xinh đẹp.

Nhưng sau nhiều năm bệnh tật, đôi mắt sáng năm ấy đã trở nên đục ngầu, khuôn mặt xinh đẹp khi xưa cũng sưng phù vì tác dụng của thuốc, thứ duy nhất không thay đổi chính là tính cách niềm nở với tất cả mọi người của thím.

Vừa thấy tôi, thím đã kéo tay tôi rồi nói: "Nhanh vào đây để thím nhìn xem Tiến Bảo của chúng ta mấy năm nay có thay đổi gì không nào?"

Vành mắt tôi hơi ửng đỏ khi nhìn gương mặt không còn nét xinh đẹp khi xưa, nhưng thím họ lại vui vẻ nói: "Cậu nhóc ngốc, có phải thấy thím đã già rồi, không còn dễ nhìn như trước kia phải không?"

Tôi lắc đầu thật mạnh: "Không ạ, thím vẫn xinh đẹp chẳng khác gì hồi trước!"

Thím họ nghe tôi nói thế thì cốc đầu tôi. "Miệng lưỡi dẻo quẹo, thím mà giống hệt trước kia chẳng phải thành lão yêu tinh rồi à?"

Tôi xoa đầu, nói: "Thì thím chính là yêu tinh mà!"

Thím họ cười kéo tôi ngồi vào bàn ăn. Tôi nhìn các món trên bàn. Ôi! toàn bộ đồ ăn đều là món tôi ưa thích, có thịt luộc ngâm dưa chua, bún thịt hầm, còn có món bánh nhân đậu mà tôi thích nhất! Thế là tôi bắt đầu nhét đầy mồm thức ăn.

Chú họ nhìn tướng ăn của tôi thì thích lắm, chú không ngừng nói: "Tiến Bảo, cứ ăn nhiệt tình vào nhé! Đến nhà chú thì không sợ hết thịt!"

Tôi vừa ăn vừa lúng búng trả lời: "Chú yên tâm, cháu chắc chắn sẽ ăn nhiệt tình!"

Có lẽ vì chú và thím không có con cái nên họ rất thích tôi. Sức khỏe của thím họ không tốt, không thể mang thai, về sau hai người họ nhận nuôi một bé trai nhưng lên ba tuổi thì chết yểu, chú họ tự tính cho mình một quẻ, từ đó chú không nhận nuôi thêm đứa trẻ nào nữa.

Sau này, trong một lần uống say mới nghe chú nói: "Số chú đã định cả đời này không con, cho dù có cố cãi mệnh, kết quả cũng chỉ là công dã tràng. Thôi đành vậy, chỉ cần sức khỏe của Lan Tử tốt lên, thì dù chỉ có hai người bọn chú sống với nhau cũng không sao."

Hôm tôi tới đúng vào ngày rét đậm, các nhà ở vùng nông thôn Đông Bắc lúc này đang trong thời gian nghỉ đông, ba mẫu ruộng của chú tôi cũng đủ ăn cho cả nhà, trong nhà có con lợn đen chưa đủ tuổi nên không thể giết, bình thường muốn ăn thịt, tôi phải đi cùng chú lên rừng săn thú.

Lúc còn trẻ, mùa đông hàng năm chú họ tôi vẫn thường săn được mấy con hoẵng. Bây giờ, quốc gia tuyên truyền hoẵng cũng là động vật cần được bảo vệ của quốc gia, nên không thể vào núi bẫy bắt nữa. Chú đành phải đi kiếm gà rừng thỏ rừng hay những thứ khác về cho thím bồi bổ.

Sáng sớm hôm nay, chú họ muốn mang tôi theo vào rừng, lúc tới đây tôi chỉ mặc một cái quần lông, thím họ sợ tôi bị lạnh nên đã làm thêm cho tôi một cái quần bông mới, theo lời thím nói chính là: "Ở Đông Bắc mà không có quần bông thì không qua được mùa đông!" Thế nên sáng nay tôi mặc cái quần bông ấm áp do thím mới khâu cho rồi cùng chú đi lên núi.

Vừa đến trên núi, tôi bị hình ảnh tuyết trắng mênh mông trước mắt làm cho kinh ngạc, rừng tùng dày đặc bị phủ tuyết, bước chân của tôi đạp lên tuyết phải lún đến bắp đùi. Cũng may chú họ đã làm cho tôi một đôi ủng đi tuyết thô sơ nên tôi mới có thể dễ dàng di chuyển.

Chú họ nói cho tôi biết, mặc dù bây giờ tuyết đọng rất dày, nhưng nếu tuyết không tan thì bất kỳ loại động vật nào đi trên tuyết đều sẽ lưu lại dấu vết. Có điều hiện giờ chú tôi không dùng súng săn bắn nữa nên chỉ có thể đặt một ít bẫy đơn giản, đến ngày hôm sau, nếu bẫy được con thú lớn, thường thì chú sẽ thả phóng sinh.

Hôm nay, tôi và chú họ phải tới ba chỗ để kiểm tra, chú ấy nhớ rõ từng nơi mà mình đặt bẫy, ngày nào cũng đi xem thử, chẳng giống như mấy người khác trong thôn, cứ gài bẫy linh tinh rồi sau đó cũng quên mất là ở đâu, rất nhiều động vật lớn sập những loại bẫy này rồi cứ thế chết đói!

Hai chúng tôi đi khoảng hơn một tiếng trong núi, chợt chú họ bảo tôi cúi xuống, khiến cho cái người to gan tôi đây tưởng là gặp phải gấu hay hổ gì nữa chứ! Kết quả là tôi cúi xuống đợi một lúc lâu, chỉ thấy chú họ tôi xách một con thỏ rừng lông xám đã chết từ một chỗ cách đó không xa về!

Chú đắc ý: "Tiến Bảo, tối nay chúng ta sẽ ăn thịt thỏ rừng kho tàu!"

Tôi nghe xong cũng thấy vui vẻ, không kiềm được mà nuốt nước miếng.

Chú họ buộc con thỏ ra sau lưng, tiếp đó kéo tôi khỏi mặt tuyết: "Đi nào! Tới chỗ đặt bẫy kế tiếp xem chút!"

Vì thế tôi và chú họ lại cố hết sức đi thêm nửa tiếng trên tuyết mới tìm được chỗ gài bẫy khác, tiếc là trong cái bẫy này chẳng có gì cả, chú họ cẩn thận kiểm tra lại một chốc, quả thật không có con vật nào lọt bẫy, lần này chúng tôi đành hậm hực bỏ đi, về phía trước tìm chỗ đặt bẫy thứ ba của chú.

TIỀN TRUYỆN (4)

Hai chúng tôi lại đi về phía trước một chút, chú họ thấy tôi có vẻ thất vọng, bèn sờ đầu tôi, nói: "Không sao, chuyện thường thôi, thỉnh thoảng mấy ngày trời cũng không có gì trong bẫy, hôm nay có một con thỏ rừng là tốt lắm rồi."

Lúc đang nói chuyện thì đã tới chỗ đặt bẫy thứ ba, nhưng tôi còn chưa nhìn rõ được trong bẫy có gì hay không thì đã chợt nghe chú nói khẽ, "Tiến Bảo, cháu đợi ở đây đừng động đậy, chú qua xem thử, thứ trong bẫy này hơi kì lạ."

Tôi nghe chú nói thì có hơi sợ, nhưng lại rất tò mò, vì thế nên không nghe lời chú mà dần dần nhích về phía chú đang đi.

Ngay lúc tôi sắp tới sau lưng chú thì chợt thấy chú nửa ngồi nửa bò dưới đất trông rất kì lạ, như thể đang nói chuyện với ai đó, nhưng vì chú đang quay lưng lại nên tôi không thấy rõ được cái gì ở trong bẫy.

Lúc tới gần, chú nghe thấy tiếng của tôi nên quay đầu lại nhìn, vẻ mặt quái lạ vô cùng.

"Chú?"

Ngay lúc tôi vừa gọi chú, đột nhiên một con vật màu đỏ rực luồn qua người chú, nó chạy rất nhanh, tôi còn chưa thấy rõ thì nó đã biến mất trong cánh rừng rồi!

Tôi áy náy nói: "Có phải cháu dọa con mồi chạy mất rồi không ạ?"

Chú họ lắc đầu, "Không đâu, chú để nó chạy đấy!"

"Gì cơ? Sao lại thế ạ?" Tôi khó hiểu hỏi chú.

Chú nhìn tôi rồi cười nói: "Thịt nó không ăn được, có mùi, da còn đáng giá một chút, nhưng chú thấy nó rất đẹp, bẫy chết thì tiếc quá."

Tôi nghe chú nói mà như lạc vào sương mù, sốt ruột nói: "Chú ơi, chú cứ nói với cháu nó là gì đi!"

Chú họ cười với vẻ thần bí, "Hỏa Hồ Ly!"

Vì thế trên đường xuống núi, lòng tôi vẫn giữ mãi sinh mệnh xinh đẹp chợt lóe trước mắt tôi vừa nãy, lúc đó tôi cũng không biết, rằng nhiều năm về sau, tôi còn có thể không hẹn mà gặp lại "nó".

Chú họ không đưa tôi về bằng đường cũ vì phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi đi lên từ phía nam sườn núi, lúc trở về thì đi từ phía bắc sườn núi xuống, bởi vì ở phía bắc sườn núi có một con suối. Mặc dù nhiệt độ trên núi hiện giờ ít nhất cũng phải âm 30 độ C, nhưng con suối này lại không bị đóng băng.

Mỗi lần lên núi, chú họ tôi vẫn thường đến đây lấy một túi nước mang về cho thím nấu thuốc, vì chú ấy tin rằng nước suối ở nơi này rất tinh khiết.

Hôm nay cũng không ngoại lệ. Nhưng khi chú ấy vừa đến bên dòng suối lấy nước, tôi đột nhiên cảm giác trong đầu mình ong lên, tiếp đó dạ dày bắt đầu cuộn trào muốn nôn, chỉ chốc lát sau mồ hôi lạnh thi nhau chảy xuống. Chú họ vẫn đang ngồi xổm bên dòng suối lấy nước vào túi da nên không chú ý sự khác thường của tôi ở bên này.

Từng cơn chóng mặt làm tôi phải vịn vào gốc cây thông bên cạnh, cố gắng điều hòa nhịp thở, tiếp đó tôi nhắm mắt lại để cảm nhận khoảng đất trống xung quanh đây, lớp tuyết dày bao phủ hết mọi thứ, cũng che lấp đi dấu vết tội ác!

Cuối cùng ánh mắt tôi khóa chặt vào một lớp tuyết hơi nhô cao hơn so với xung quanh, tôi cố sức hít sâu vào một hơi rồi chậm rãi đi về phía đó.

Chú họ lấy xong nước, quay lại nhìn thấy tôi đang đi đến một hướng khác, chú buộc chặt miệng túi da rồi gọi to tôi: "Tiến Bảo! Cháu làm gì thế?"

Nhưng dường như tôi không nghe thấy tiếng chú gọi, tôi chẳng có chút phản ứng nào, vẫn tiếp tục tập tễnh bước lên phía trước. Cuối cùng chú cũng phát hiện ra tôi có gì đó bất thường! Chú lập tức chạy nhanh về phía tôi, nhưng chân đang đi ủng nên rất khó di chuyển nhanh trong tuyết, đợi đến lúc chú đuổi kịp thì tôi đã đứng sững người trước đống tuyết kia rồi.

Chú họ vừa thở hồng hộc vừa nói: "Tiến Bảo, chú gọi sao cháu không trả lời?"

Tôi quay đầu nhìn chú, sau đó nói một câu không liên quan tới câu hỏi của chú: "Phía dưới này có một người phụ nữ."

Mặt chú họ tôi biến sắc, chú cũng biết chuyện của tôi, nhưng khi lần đầu tiên nhìn thấy tôi sử dụng "kỹ năng đặc thù", chú vẫn vô cùng sợ hãi.

Một lát sau chú mới yếu ớt hỏi tôi: "Người phụ nữ đó trông như thế nào?"

Tôi nhắm mắt lại cảm nhận người phụ nữ nằm dưới lớp tuyết, sau đó mới từ tốn trả lời: "Người này mặc một cái áo màu vàng trứng, tuổi khoảng 30, trên tay cô ấy đeo một chiếc vòng màu vàng, nhìn chất không giống vàng mà giống đồng hơn!"

Chú họ nghiêm túc nhìn tôi, chú nói: "Có phải màu sắc của nó rất giống màu của đồng tiền 5 xu không?"

Tôi gật đầu, sau đó tôi chậm rãi đặt tay lên mặt tuyết, những hình ảnh khi còn sống của người phụ nữ này bỗng chốc tràn vào đầu tôi như chiếu một bộ phim điện ảnh.

Tôi nhìn thấy rõ khoảnh khắc cô ấy tử vong, cô ấy bị một người đàn ông lấy đá đập chết, chân của người đàn ông này hơi có tật, lúc đi hay bị giật một cái, nhưng sức lực của ông ta rất lớn, người phụ nữ mặc dù đã cố gắng phản kháng nhưng vẫn không chống lại được.

Chú họ nghe thấy tôi nói chân của người đàn ông kia có tật thì thốt ra tên của một người: "La thọt!"

"La thọt là ai ạ?" Tôi hỏi.

Chú không trả lời tôi ngay mà đi đến cạnh gốc cây thông, bẻ mấy cành khô cắm xuống khoản tuyết nhô lên, sau đó nói với tôi, "Đi! Về nhà rồi nói."

Trên đường về, chú kể lại cho tôi nghe sự việc kỳ lạ xảy ra trong thôn năm ngoái. Hóa ra La thọt kia làm nghề nuôi ong, cứ vào xuân và hè hằng năm, gã sẽ từ nơi khác đến đây nuôi ong, đến mùa thu thì kéo thùng ong nuôi xuống phía nam ấm áp, năm nào cũng như vậy.

Bởi vì chân bị tật từ nhỏ, nên mọi người gọi gã là La thọt. Cũng vì chân có tật, nên mãi mà gã vẫn chưa lấy được vợ. Không ngờ vào năm ngoái, gã này đột nhiên đưa một người phụ nữ tầm 30 tuổi về làng, hơn nữa còn rất ưa nhìn, vì thế, mấy tên lưu manh trong thôn đều dòm ngó thèm thuồng!

Đặc biệt có một người tên là Ngô lão tam, người này chuyên làm đồ trang sức. Năm ngoái trong thôn tạm thời sử dụng một loại tiền 5 xu bằng kim loại để làm vòng tay, rất nhiều cô gái không mua nổi vòng tay vàng, nên muốn đánh một vòng bằng đồng để đeo, đa số họ đều tìm Ngô lão tam nhờ làm giúp. Nhưng chuyện này chỉ có thể làm lén lút, vì phá hoại tiền cũng là phạm pháp, nên trước giờ Ngô lão tam không làm cho người ngoài.

Thế nhưng, có một ngày, mọi người phát hiện, nàng dâu xinh đẹp nhà La thọt cũng đeo trên tay chiếc vòng đồng sáng loáng, có người trong thôn đồn bậy đồn bạ: "Nhất định là Ngô lão tam thấy người ta xinh đẹp, nên mới phá lệ làm cho người ngoài vùng như cô ta một cái!"

Lời này truyền đến tai La thọt, vì chuyện này mà gã đánh vợ không ít lần, nhưng vợ gã vẫn cố chấp phủ nhận có gian tình với Ngô lão tam, về sau việc này cũng không giải quyết được gì.

TIỀN TRUYỆN (5)

Thế nhưng, mọi người dần phát hiện ra, trước đó người vào thôn bán mật ong đều là người vợ, nhưng bây giờ lại trở thành La thọt! Có người đến chỗ gã mua mật cũng không thấy vợ gã đâu.

Trong lúc mọi người đều đang thắc mắc vợ gã đi đâu, thì vào một đêm nọ, gã kéo tất cả thùng nuôi ong bỏ đi, dù gã đi rất vội, nhưng vẫn có người nhận ra gã chỉ đi một mình!

Chú tôi nói: Lúc đó mọi người đều cho rằng La thọt sợ Ngô lão tam lại gian díu với vợ mình, cho nên gã để vợ đi trước, sau một thời gian dài, mọi người cũng dần quên chuyện này đi, nhưng không một ai ngờ người phụ nữ này đã chết! Hơn nữa lại do La thọt hại chết!

Sau khi về nhà, chú tôi gọi mấy người trẻ tuổi trong thôn cùng trở lại bãi đất trống cạnh khe núi kia, lần này chú không đưa tôi đi cùng mà để tôi ở nhà với thím.

Sau khi đào thi thể dưới tuyết lên, mọi người nhanh chóng về thôn báo cảnh sát. Về sau nghe chú nói, cảnh sát sau khi khám nghiệm hiện trường, kết luận cũng không khác nhiều so với những gì tôi nói, tảng đá đập chết người phụ nữ kia bị ném cách đó không xa, nhưng vì tuyết đọng quá dày, nên đã che đi hiện trường.

Hai tháng sau, kẻ giết người La thọt cũng bị bắt ở Hồ Bắc, Kinh Châu. Chú tôi chỉ nói với người ta rằng chuyện này là do chú vô tình phát hiện ra, không hề nói một câu về chuyện của tôi, ngay cả thím cũng không biết.

Tuy nhiên ở thôn trên vẫn có tin đồn, nói rằng linh hồn người vợ của La thọt đã tìm đến chú họ tôi là thầy pháp để nhờ giúp đỡ, giúp cô giải nỗi oan dưới tuyết. Mỗi lần chú họ nghe chuyện này, cũng chỉ cười cười không nói gì nhiều.

Sắp đến năm mới, em trai của thím đến chơi, anh ta muốn nhờ chú xem một quẻ, xem năm mới nên xuất hành hướng nào? Hóa ra là do cách đây vài năm, chú này có lấy một người vợ, hai người cùng ra ngoài làm công, có một lần cãi nhau người vợ tức giận bỏ đi.

Em trai thím lúc đó vẫn đang nóng giận nên không đuổi theo, nhưng khi hối hận đi tìm thì đã không thấy bóng dáng người vợ đâu nữa.

Chú ấy vốn nghĩ sau khi vợ mình hết giận sẽ về nhà, không ngờ từ đó đến nay chú ấy cũng chưa gặp lại vợ mình! Mấy năm nay, chú ấy về nhà bố mẹ vợ tìm, nhưng họ cũng không biết chuyện con gái mình đã mất tích, sau đó chú trở lại nhà nhưng vẫn không có tin tức gì.

Từ đó về sau, em trai thím bắt đầu con đường dài lê thê đi tìm vợ, chỉ cần nghe đâu đó có người giống vợ mình xuất hiện, dù xa đến đâu chú ấy cũng đi tìm, nhưng lần nào cũng thất vọng quay về.

Thật ra, mọi người trong nhà ai cũng khuyên chú ấy nên từ bỏ, người có trình độ như chú ấy không bằng tìm một người phụ nữ khác sống cho tốt! Nhưng em của thím không đồng ý, bởi vì chú vẫn không hiểu nổi, vợ chồng cãi nhau đôi ba câu, sao vợ mình có thể bỏ đi mà không nói lời nào?

Giờ chú ấy chỉ muốn tìm anh rể để xem quẻ xuất hành, sau đó sẽ quyết định phương hướng để đi tìm.

Nhưng năm nay có nói thế nào chú tôi cũng không xem quẻ cho chú ấy, mà chỉ khuyên chú nên ở nhà đón tết, cứ đi tìm mãi cũng không phải là cách hay. Nhưng em trai của thím không nghe, khăng khăng muốn anh rể tính cho một hướng đi.

Trong lúc hai người nói chuyện, tôi thấy trên tay em trai thím cầm một cái túi, nên hỏi: "Cậu cầm gì thế?"

Em trai thím vừa nghe thấy, mắt đã đỏ lên nói: "Đây là chiếc túi mà Anh Tử thích nhất, lúc cô ấy bỏ đi, không mang theo bất cứ thứ gì." Nói xong liền mở túi ra cho tôi xem.

Bên trong đúng là có một chiếc ví da màu hồng phấn, trong ví ngoài mấy tờ tiền còn có thẻ căn cước, nếu một người thật sự muốn bỏ nhà đi sao lại không mang theo thẻ căn cước chứ?

Đột nhiên, có một cảm giác mạnh mẽ, thôi thúc tôi chạm vào chiếc túi đó, nên tôi nói với em trai thím: "Cậu à, có thể cho cháu xem cái túi một chút không?"

Em trai thím nghe xong cũng hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn đưa chiếc ví cho tôi, tôi mở ra xem, trên thẻ căn cước ghi tên Trương Thúy Anh.

Đột nhiên, đầu tôi căng ra, một số hình ảnh xuất hiện, trên đường quốc lộ, tuy đèn hai bên đường sáng choang, nhưng đoạn đường này lại tối mịt mù không thấy tay.

Lúc này, một người phụ nữ dáng người cao gầy bước nhanh trên lề phải, cô vừa đi vừa lấy tay gạt nước mắt, vẻ mặt buồn bã. Đột nhiên, một chiếc Audi màu đen từ xa chạy ẩu lao đến với tốc độ rất nhanh, đến khi người phụ nữ nhận ra thì chiếc xe đã ở ngay trước mặt.

Ánh đèn chói lòa khiến người phụ nữ mắt mất phương hướng, không kịp tránh, thân thể văng lên không trung rồi rơi xuống thanh chắn bên đường.

Em trai thím thấy vẻ mặt mờ mịt của tôi, nên đẩy đẩy, hỏi tôi làm sao vậy? Nhưng lúc chú ấy vừa đưa tay đã bị chú tôi kéo lại, bảo chờ một lúc.

Mà lúc này, tôi nhìn thấy người đàn ông lái chiếc Audi màu đen, cả người đầy mùi rượu xuống xe, đi đến bên cạnh người phụ nữa, dùng chân đá vào cô ấy, phát hiện người không có phản ứng gì, gã mở cốp xe, thả người phụ nữ vào trong đó nhanh chóng rời đi.

Cũng không biết nằm trong xe bao lâu, người phụ nữ đau nhức cả người dần tỉnh lại trong cốp xe, cô cố hết sức muốn đẩy nắp thùng xe ra, nhưng vì bị thương nên không còn chút sức nào.

TIỀN TRUYỆN (6)

Cuối cùng, xe dừng lại. Người đàn ông say rượu mở nắp thùng xe phía sau, khi gã phát hiện ra người phụ nữ kia chưa chết cũng không hề vui mừng! Người phụ nữ cầu xin gã đưa mình đi bệnh viện, nhưng gã lại thờ ơ, gã giơ tay túm lấy người phụ nữ không còn chút sức để phản kháng, kéo cô ra khỏi cốp xe, sau đó đẩy mạnh cô vào một cái hố lớn, tiếp đó gã dùng máy ủi đất nhanh chóng đẩy tất cả đất đá xung quanh vào trong hố!

Cái hố nhanh chóng bị gã lấp đầy.

Chờ đến khi tôi lấy lại được tinh thần, chỉ thấy cả ba người trong phòng đều chăm chú nhìn tôi, chú họ cầm lại ví tiền của mợ Anh Tử, dò hỏi tôi: "Thế nào? Có thể tìm mợ cháu trở về được không?"

Tôi nhìn cậu, do dự không biết trả lời thế nào, bởi vì tôi không biết "Trở về" là như thế nào, là còn sống trở về, hay chết rồi vẫn phải trở về đây?

Em trai thím thấy tôi như muốn nói rồi lại không, thì hơi sốt ruột: "Tiến Bảo, cậu biết cháu có theo anh rể học phong thủy, nếu cháu có nhìn thấy chuyện gì, cứ nói với cậu, cậu có thể chịu đựng được."

Nghe cách nói chuyện này của cậu, tôi thật sự không dám nói, chỉ lắc đầu: "Cháu có thể nhìn ra chuyện gì chứ? Cậu hỏi chú cháu đi!"

Tối hôm đó chú tôi cũng không xem một quẻ nào cho người em vợ, đến gần giờ đi ngủ, chú tôi len lén hỏi: "Cháu nhìn thấy gì vậy?" Tôi nhìn thím và người em đều ngủ rồi, mới kể cho chú nghe những chuyện mà mình thấy.

Sau khi chú nghe xong thì trầm ngâm một lúc rồi hỏi tôi: "Có thể biết vị trí cụ thể xác của Anh Tử chôn ở đâu không?" Tôi lắc đầu nói, "Quá sức ạ, cháu chỉ biết đó là một chỗ ở công trường, nhưng vị trí vụ thể thì cháu không biết."

Chú tôi nghĩ lại thấy cũng phải, tôi cũng chỉ là đứa trẻ mới mười mấy tuổi đầu có thể biết được những gì? Thế nên chú nói với tôi: "Đúng là cũng hơi khó với cháu, thật ra chú cũng sớm đã nghĩ đến chuyện Anh Tử có lẽ đã chết rồi, nhưng không dám nói suy đoán này cho em rể biết, dù bây giờ cháu đã xác nhận, nhưng vẫn khó nói ra."

"Lúc đó chú ấy không báo cảnh sát ạ?" Tôi không hiểu hỏi.

Chú tôi lắc đầu nói: "Không có, lúc đó họ vừa lên thành phố làm thuê, không biết gì hết, hơn nữa lúc đó chú ấy tưởng Anh Tử chỉ giận mình rồi bỏ đi, nên không báo cảnh sát."

Tôi nghe xong thấy lòng thổn thức một lúc, nếu như lúc đó chú ấy báo cảnh sát có lẽ chuyện sẽ không đến mức như bây giờ.

Một đêm không ngủ, tôi nghĩ lại từng cảnh tượng trong đầu, biết đâu tôi có thể giúp chú ấy một tay để tìm vợ. Chuyện xảy ra lúc họ đang làm thuê ở thành phố, mà một người phụ nữ như mợ Anh Tử đi ra ngoài, có thể đi được bao xa? Cho nên nơi diễn ra vụ án chắc chắn cách nơi họ thuê nhà không xa. Chỉ là bây giờ tìm vị trí chôn xác không dễ, nhưng nếu điều tra thêm trong thời gian đó có công trình xây dựng lớn nào gần đó không, thì cũng không phải việc khó gì.

Mặc dù tôi không dám khẳng định 100%, nhưng đoán chừng ngay sau khi Anh Tử cãi nhau với chồng rồi bỏ đi đã bị hại ngay, tôi nói chuyện này cho chú nghe, mặc dù chú đồng ý với suy nghĩ của tôi, nhưng không dám nói thẳng với em vợ. Chú tôi nói: "Cậu ấy bây giờ chỉ còn một chút sức lực, nếu biết Anh Tử đã chết thật rồi, không biết cậu ấy còn làm ra những chuyện điên rồ gì nữa, không biết cũng tốt, như bây giờ ít ra vẫn có chút hi vọng."

Sáng sớm hôm sau, em trai thím chuẩn bị rời đi, cậu ấy muốn về nhà chuẩn bị chút đồ đạc chuẩn bị lên đường tìm Anh Tử. Chú tôi muốn nói cho chú ấy biết nhưng không biết làm thế nào để mở lời, còn tôi sau một đêm nhớ lại từng chuyện cuối cùng cũng nhớ ra một biển số xe rõ ràng.

Nhiều năm sau, cũng chính biển số xe này, tôi đã tìm ra người đâm chết mợ Anh Tử trong một vụ án khác, đồng thời tìm được nơi mợ Anh Tử bị chôn, chỉ tiếc là lúc đó người em vợ của chú tôi đã qua đời do đau buồn từ lâu rồi.

Cũng qua chuyện này, tôi hiểu rằng tri thức và tầm quan trọng của nó, nếu không dù có tài, tôi thế nào cũng không thể phát huy tối đa được, thế nên tháng ba năm đó tôi gọi điện cho bố nói: tôi muốn về đi học.

Mỗi người khi còn đi học, đều từng nghĩ tương lai mình sẽ trở thành người như thế nào. Trước đây vấn đề này với tôi hoàn toàn mơ hồ xa vời, mặc dù bây giờ tôi cũng chưa rõ chính xác tôi sẽ trở thành người như thế nào, nhưng ít nhất hiện tại tôi biết mình sẽ đi hướng nào.

Sau khi về trường học, tôi không giống coi học tập là nhiệm vụ nặng nề như trước nữa, tôi biết mình cần học tập để càng thêm mạnh mẽ, mới có thể khống chế được kỹ năng đặc biệt này.

Bởi vì sự thay đổi của tôi, khiến các thầy cô giáo và bạn học kinh ngạc. Về sau trong trường chậm rãi lưu truyền một câu chuyện: Trương Tiến Bảo vì không muốn học nên bị bố mẹ đưa đến Hắc Long Giang sâu trong núi Đại Hưng An chăn dê, cuối cùng vì không chịu được cuộc sống khổ cực mà thay đổi quyết tâm trở về trường cố gắng học hành, để thoát khỏi vận mệnh chăn dê.

----------------------

Năm 1907, một nhà khoa học phương Tây từng làm một thí nghiệm, qua thí nghiệm đó, ông phát hiện trọng lượng của con người sau khi chết sẽ nhẹ đi 21 gram, đây chính là cái được gọi là “trọng lượng của linh hồn“.

Nhưng chú họ là thầy pháp đã từng nói với tôi rằng, sau khi chết, hồn phách sẽ rời khỏi thân thể, mà phần hồn phách này chỉ nặng có 4 chỉ. Theo quy đổi thông thường thì 1 chỉ tương đương với 5 gram. Vậy vấn đề chính là: Vì sao “trọng lượng linh hồn” của phương Đông lại kém phương Tây 1 gram? Phải mất nhiều năm sau tôi mới hiểu được lý do…

Thực ra, 1 gram trọng lượng kia sẽ bám vào người hoặc vật mà hồn phách ấy quan tâm nhất khi còn sống. Và 1 gram tàn hồn này là nơi lưu trữ những ký ức quan trọng nhất của người đó, ví dụ như khoảnh khắc trước khi chết!

Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc, vì sao có rất nhiều quỷ hồn lang thang nơi dương thế đã nhiều năm, nhưng vẫn không biết mình đã chết như thế nào. Thậm chí, còn quên đi người mình yêu và hận nhất khi còn sống…

Tôi tên là Trương Tiến Bảo, hiện đang là một “Người tìm xác“. Nhưng tôi không giống những thợ “Vớt xác thuê” thường thấy trên thời sự, vì những người đó đã biết rõ vị trí cụ thể của xác chết ở đâu. Còn tôi, công việc của tôi là giúp người ta tìm kiếm những thi thể không rõ tung tích, cho nên phí thuê tôi cũng không hề rẻ!

Năm đó, sau khi về nhà từ chỗ chú họ, tôi lao đầu vào học, quả nhiên trời không phụ lòng người, sau hai lần thi đại học, cuối cùng tôi cũng đỗ vào khoa địa lý của trường Đại học Sư phạm Hoa Bắc. Theo bố mẹ thì tôi học một khoa được ít người quan tâm, như khoa khảo cổ vậy, nhưng chỉ mình tôi tự hiểu, những kiến thức này quan trọng như thế nào trên con đường mà tôi muốn đi sau này.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi phát hiện tương lai của khoa địa lý rất rộng mở, có thể thi công chức, làm giáo viên, hoặc có thể làm chuyên viên đo vẽ bản đồ. Tất nhiên, tôi không thi nổi vào công chức rồi! Còn nếu muốn làm giáo viên hoặc vào kiến trúc, tôi cần phải học chuyên sâu hơn.

Mà tôi cũng không định kiếm thành tựu to lớn gì ở ngành này, chỉ nghĩ đơn giản là: Sau khi học xong, tôi sẽ dựa vào khả năng kỳ lạ của mình để giúp những người dù đã biết người thân mất rồi, nhưng lại không thể tìm được thi thể của họ.

Lúc mới lập nghiệp, tôi còn không tìm được nổi một người khách, lúc đấy tôi chỉ là một thằng nhóc mới bước chân ra đời, ai có thể tin tưởng tôi chứ? Tôi đã từng gặp một số người, họ thà tin vào những kẻ lừa đảo luống tuổi kia, chứ không chịu tin tôi. Khoảng thời gian đó đúng là nghèo rớt mồng tơi, nhưng tôi không hề có suy nghĩ sẽ ngửa tay xin tiền bố mẹ. Cuối cùng tôi rơi vào con đường giúp người ta tìm kiếm thú cưng bị mất tích để sống qua ngày.

Đối với tôi, việc này chẳng khác gì lấy dao mổ trâu để giết gà cả, chẳng những không đúng chuyên môn mà nhiều khi còn phải làm không công nữa. Vì nhiều khi thú cưng cần tìm không chết hoặc đã bị người ta “nâng” lên đĩa thì muốn tìm cũng chẳng được!

Kiếm sống qua ngày như thế này kéo dài được một thời gian ngắn, cuối cùng tôi cũng gặp được cơ hội để đổi đời, giúp mình có chút danh tiếng trong cái nghề này…

Còn nhớ đó là một buổi sáng trời trong, lúc ấy tôi vừa nhận một đơn tìm chó đi lạc trên mạng. Tôi đến địa chỉ mà khách hàng đưa. Theo yêu cầu, cô bé đưa cho tôi cái vòng cổ mà chú chó đó hay đeo.

Khi vừa cầm vòng cổ lên, tôi đã biết chú chó này chưa chết. Nếu nó chưa chết thì không thể tìm được, tôi đành nói thật cho chủ của chú chó biết.

Chủ của chú chó là một cô bé mới mười mấy tuổi, cô bé nghe tôi nói không thể tìm thấy cún cưng, thế là khóc ầm lên! “Anh ơi, em biết anh là người tốt, anh giúp em tìm nó được không? Một mình em không dám đi quá xa, em cho anh tiền mà, anh đi cùng em nhé?” Nói rồi, cô bé nhét vào tay tôi một tờ 500 tệ.

Tuy biết là mình tôi tìm cũng chẳng khác gì đi cùng cô bé, nhưng tôi không thể từ chối nổi một cô gái nhỏ đang khóc sướt mướt thế này. Thế nên tôi đành đồng ý tìm chú chó Corgi đã mất tích cùng cô bé.

Dựa theo ảnh chụp mà cô bé đưa, tôi thấy đó là một chú chó rất đáng yêu. Nhưng chính vì thế, nên chắc chắn nó sẽ không trở thành chó hoang hoặc bị người ta bắt về làm thịt, nếu đến giờ vẫn chưa tìm thấy, thì chỉ có một khả năng là nó đã được ai đó nhặt về nuôi.

Cầm tiền của người ta rồi thì phải làm việc cho đàng hoàng, dù biết là không thể tìm thấy, nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm. Thế là tôi và cô bé tìm về hướng Bắc, theo lời cô bé nói thì đây là con đường mà cô và chú cún Tiểu Bảo vẫn thường đi dạo mỗi ngày. Cuối cùng hai chúng tôi cứ đi về phía Bắc, đi thẳng một mạch tới đập nước ở phía Bắc thành phố.

Sắc trời đã hơi âm u, thỉnh thoảng còn thổi từng đợt gió lạnh, đúng ra đây không phải thời tiết tốt để câu cá, nhưng không hiểu hôm nay có gì đặc biệt mà ven đập đỗ rất nhiều xe sang trọng đắt tiền.

Lúc đầu tôi còn tưởng những xe này tới đây để câu cá! Nhưng khi đến gần, đầu của tôi lại ong lên! Cảm giác này đã quá quen thuộc với tôi rồi, gần đây có người chết…

Có lẽ vì khoảng cách hơi xa, tôi chỉ có thể cảm giác được đó là một bé trai tầm mười mấy tuổi, trước khi chết nó không ngừng giãy giụa, chắc là không biết bơi.

“Làm cái gì đấy?” Có tiếng quát chúng tôi từ xa.

Tôi và cô bé bên cạnh đều bị giật mình, cả hai vội vàng quay lại thì thấy có mấy gã cao to vạm vỡ đang hùng hổ đi về phía mình.

Tuy rất sợ hãi nhưng cô bé ăn nói không nhân nhượng chút nào: “Chỗ này không phải là đất riêng của mấy người, mấy người hỏi chúng tôi làm gì!”

Tôi nghe mà toát hết cả mồ hôi, thầm nghĩ con bé này nói chuyện chẳng lọt tai chút nào, dù sao mấy tên này cũng không phải loại lương thiện gì? Tôi bèn đi tới, tươi cười rạng rỡ nói: “Mấy ông anh này, cún cưng của em gái tôi mất tích nên tôi với con bé đến đây tìm, không biết ở đây có chuyện gì mà lại không cho người ta vào thế?”

Người dẫn đầu mấy gã này là một thanh niên trẻ để đầu đinh, anh ta thấy tôi nói chuyện tử tế thì sắc mặt cũng dịu lại, anh ta chỉ tay về phía hồ nước rồi nói: “Chỗ này đang có chuyện, ba ngày trước ông chủ chúng tôi đến đây câu cá, bẵng đi một lúc thì không thấy con mình đâu, chúng tôi đã tìm ở đây ba ngày rồi, tìm cả trên mặt đất lẫn dưới nước cũng không thấy. Cậu nhóc, anh khuyên cậu nên tìm chỗ khác đi, nếu để cho ông ấy biết cậu đi tìm chó trong lúc ông ấy tìm con trai thì… Anh thấy cậu thế này, chắc chắn không chịu nổi đâu!”

Cô gái nhỏ nghe xong còn muốn nói gì đó nhưng bị tôi kéo lại. Anh trai này nói đúng, người ta đang cuống cuồng tìm con trai bị mất tích đấy! Nếu tôi và cô bé ngốc này đi vào tìm chó thì đúng là không thích hợp…


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui