Những hành khách cùng rời phà với tôi đã tản đi các hướng. Người đi mua hàng lê bước về nhà, khách du lịch thì đến khách sạn và quán trọ. Những người ra đón sau khi gặp được người quen tay bắt mặt mừng rồi thì kéo nhau đi. Hai chiếc xe tải và chiếc Peugeot cũng đã dỡ hàng và gầm lên biến mất ở phía xa. Đến bọn chó mèo xúm lại vì tò mò chẳng mấy chốc cũng đã biến mất dạng. Chỉ còn lại mấy người già rám nắng trong tay có quá nhiều thời gian. Và tôi, túi thể thao trên tay, hoàn toàn lạc lõng ở nơi này.
Tôi vào quán cà phê gọi một cốc trà đá, băn khoăn không biết nên làm gì tiếp theo. Tôi cũng chẳng có nhiều việc để làm. Màn đêm đang nhanh chóng buông xuống, còn tôi thì chẳng biết gì về hòn đảo cũng như quang cảnh vùng đất này. Nếu một lúc nữa vẫn không thấy ai đến thì tôi sẽ thuê phòng ở đâu đó, rồi sáng mai trở lại bến phà hy vọng sẽ gặp Miu. Theo lời Sumire thì Miu là người cẩn thận nên tôi không thể tin nổi chị đã thất hẹn với mình. Nếu chị không ra bến phà được thì chắc hẳn phải có lý do hợp lý. Cũng có thể chị không nghĩ tôi đến nhanh thế.
Tôi đói cồn cào. Cái đói khiến tôi quằn quại. Không khí mát lành ở biển khiến cơ thể tôi nhận ra là từ sáng đến giờ chưa có chút gì vào bụng. Tuy nhiên, tôi không muốn bỏ lỡ mất Miu nên quyết định chờ thêm lúc nữa ở quán cà phê. Thỉnh thoảng, một người dân địa phương đi ngang qua và liếc nhìn tôi vẻ tò mò.
Ở quầy sách báo cạnh quán cà phê, tôi mua một cuốn sách mỏng giới thiệu lịch sử và địa lý hòn đảo này. Tôi giở lướt qua cuốn sách trong lúc nhấp thứ nước trà đá vô vị đến độ không tin nổi. Dân số trên đảo chừng từ 3000 đến 6000 người tùy theo mùa. Dân số tăng vào mùa hè do lượng khách du lịch và giảm vào mùa đông vì dân chúng đi kiếm việc làm ở nơi khác. Đảo không có ngành công nghiệp nào đáng kể, nông nghiệp thì khá hạn chế - ôliu và mấy thứ cây ăn quả. Ngoài ra còn có nghề đánh cá và vớt bọt biển. Vì vậy từ đầu thế kỷ hai mươi hầu hết dân đảo đã di cư sang Mỹ. Phần lớn đến Florida, nơi họ có thể tận dụng các kỹ năng đánh cá và vớt bọt biển. Thậm chí ở Florida có hẳn một thành phố mang tên hòn đảo này.
Trên đỉnh đồi có một trạm rađa quân sự. Cạnh bến tàu dân sự có thêm bến thứ hai nhỏ hơn dành làm nơi neo đậu cho tàu tuần tra của quân đội. Do giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nên người Hy Lạp muốn ngăn chặn những cuộc vượt biên trái phép và hành vi buôn lậu, vì vậy trong thành phố mới có quân lính. Mỗi khi có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ - trên thực tế những cuộc đụng độ nhỏ xảy ra khá thường xuyên - lưu lượng giao thông ở cảng tăng hẳn lên.
Hơn hai nghìn năm trước, trong thời kỳ cực thịnh của nền văn minh Hy Lạp, hòn đảo nằm trên con đường huyết mạch dẫn sang châu Á này đã phát triển thành một trung tâm thương mại. Thời đó, các quả đồi vẫn còn phủ kín cây xanh, được ngành công nghiệp đóng tàu thịnh vượng tận dụng triệt để. Tuy nhiên, khi nền văn mình Hy Lạp suy tàn và cây bị đốn hết (cây cỏ không bao giờ còn um tùm trở lại) thì kinh tế của hòn đảo này cũng tụt dốc nhanh chóng. Cuối cùng, người Thổ lên nắm quyền. Ách thống trị của họ rất hà khắc, theo cuốn sách viết. Nếu có điều gì trái ý họ, họ cắt mũi xẻo tai dân đảo dễ như đốn cây chặt cành. Cuối thế kỷ mười chín, sau vô số trận chiến đẫm máu, cuối cùng hòn đảo đã giành lại được độc lập từ tay người Thổ, và lá cờ xanh trắng của Hy Lạp đã tung bay trên bến cảng. Tiếp đó quân của Hitler đến. Người Đức xây trạm rađa và trạm khí tượng trên đỉnh đồi để quan sát vùng biển quanh đó, vì dãy đồi là nơi có tầm nhìn tốt nhất. Một lực lượng không kích Anh từ Malta đã oanh tạc các trạm này. Họ giội bom xuống cảng cũng như đỉnh đồi, đánh chìm một vài thuyền đánh cá vô tội và giết chết một số ngư dân không may. Trong cuộc tấn công đó người Hy Lạp bị chết nhiều hơn người Đức, và nhiều dân chài kỳ cựu vẫn ấp ủ trong lòng mối oán giận đối với vụ ném bom này.
Giống như hầu hết đảo Hy Lạp, ở đây ít đất bằng, chủ yếu là đồi dốc đứng, chỉ có duy nhất một thành phố ven biển, ngay phía Nam cảng. Cách xa thành phố là một bãi biển đẹp đẽ, yên tĩnh, nhưng muốn đến đó thì phải vượt qua ngọn đồi dốc. Những chỗ dễ đến thì không có được bãi biển đẹp như thế, có lẽ đó là một lý do khiến lượng khách du lịch vẫn giậm chân tại chỗ. Trên đồi có mấy tu viện chính giáo Hy Lạp nhưng các thầy tu sống nghiêm theo giới luật nên du khách bình thường không được phép vào thăm.
Cứ như những gì tôi đọc được trong cuốn sách giới thiệu thì hòn đảo này không có gì đặc biệt cả. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, người Anh lại thấy nó đặc biệt hấp dẫn (dân Anh vốn kỳ cục mà) và họ đã hăm hở xây dựng cả một khu nghỉ mát trên ngọn đồi sát bến cảng. Cuối thập niên 1960 một số nhà văn Anh đã sống ở đây, vừa ngắm nhìn biển xanh mây trắng vừa viết tiểu thuyết. Một vài tác phẩm của họ được đánh giá cao khiến hòn đảo trở nên nổi tiếng trong giới văn chương Anh quốc là một chốn lãng mạn. Nhưng dân Hy Lạp địa phương lại chẳng mấy quan tâm đến khía cạnh văn hóa nổi bật đó của hòn đảo mình sống.
Tôi đọc tất cả những điều này để quên cơn đói. Tôi gấp sách lại và nhìn quanh lần nữa. Mấy ông bà già trong quán dán mắt ra biển chừng như đang thi xem ai nhìn được lâu hơn. Đã tám giờ tối, cơn đói của tôi gần như đang biến thành sự đau đớn về thể xác. Mùi thịt quay, cá nướng từ đâu bay tới làm ruột gan tôi cồn cào và, như một kẻ tra tấn tốt bụng, bóp chặt ruột gan tôi. Không thể chịu đựng thêm chút nào nữa, tôi đành đứng dậy. Khi tôi vừa nhấc cái túi lên và dợm bước đi tìm hàng ăn thì một người phụ nữ lặng lẽ xuất hiện trước mặt tôi.
Mặt trời, cuối cùng cũng đang chìm xuống biển, chiếu thẳng vào người phụ nữ, chiếc váy trắng dài chấm gối của chị lay nhẹ khi chị bước xuống bậc thang đá. Chị đi giày tennis nhỏ, đôi chân trẻ trung như chân con gái. Chị mặc áo choàng ngắn tay màu xanh nhạt, mũ hẹp vành và khoác chiếc túi vải nhỏ. Dáng đi của chị rất tự nhiên, rất bình thường, chị như hòa vào khung cảnh nơi đây, và thoạt nhìn tôi tưởng chị là người địa phương. Nhưng chị tiến thẳng về phía tôi và khi người phụ nữ tới gần, tôi có thể nhận ra nét châu Á ở chị. Gần như theo phản xạ, tôi ngồi xuống, rồi lại đứng lên. Người phụ nữ bỏ kính râm ra và nói tên tôi.
"Xin lỗi vì tôi đến muộn," chị nói. "Tôi phải tới đồn cảnh sát, vì mọi công việc giấy tờ đó mất nhiều thời gian quá. Và tôi cũng không ngờ anh đến được đây hôm nay. Tôi cứ nghĩ sớm nhất thì cũng phải trưa mai."
"Tôi không gặp trục trặc gì ở các chặng chuyển tiếp," tôi nói. Đồn cảnh sát?
Miu nhìn thẳng vào mặt tôi, hơi mỉm cười. "Nếu anh ổn cả chúng ta sẽ đến chỗ nào đó ăn uống và nói chuyện. Hôm nay tôi chỉ mới ăn sáng thôi. Ý anh thế nào? Anh có đói không?"
Chị có thể chắc chắn là có, tôi nói.
Chị dẫn tôi vào một quán ăn trong con hẻm gần bến tàu. Cạnh lối vào có một bếp than và mọi thứ đồ hải sản tươi sống đang được nướng trên vỉ sắt. Anh thích cá không? Miu hỏi và tôi đáp có. Chị gọi món với người hầu bàn bắng thứ tiếng Hy Lạp ngọng nghịu. Đầu tiên anh ta mang đến một bình vang trắng, bánh mỳ và ôliu. Không chúc rượu nhau cũng không lần chần gì nữa, chúng tôi tự rót rượu uống. Để dằn bụng tôi ăn mấy miếng bánh mì thô và quả ôliu.
Miu là người xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của tôi là về thực tế rõ ràng và đơn giản đó. Không, có lẽ không hẳn là rõ ràng và đơn giản thế. Có lẽ tôi đã có một ấn tượng nhầm lẫn khủng khiếp nào đó. Cũng có thể do một số lý do, tôi đã bị cuốn vào một giấc mơ không thể thay đổi của một ai đó khác. Bây giờ nghĩ lại tôi có thể nói một cách chắc chắn là khi đó tôi thấy chị là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp.
Chị đeo mấy chiếc nhẫn trên những ngón tay thon thả. Một trong số đó là chiếc nhẫn cưới giản dị bằng vàng. Trong khi tôi đang cố sắp xếp trong đầu những ấn tượng đầu tiên về chị thì chị nhìn tôi bằng cặp mắt dịu dàng, thỉnh thoảng nhấp ngụm rượu vang.
"Tôi có cảm giác từng gặp anh rồi," chị nói. "Có lẽ do lúc nào tôi cũng nghe nói về anh."
"Sumire cũng hay kể tôi nghe rất nhiều về chị," tôi đáp.
Miu cười rạng rỡ. Khi chị mỉm cười, và chỉ khi đó thôi, khóe mắt chị hiện lên những nếp nhăn mảnh mai quyến rũ. "Vậy thì tôi cho là chúng ta có thể bỏ qua phần giới thiệu rồi."
Tôi gật đầu.
Điều tôi thích nhất ở Miu là chị không tìm cách che giấu tuổi của mình. Theo Sumire, chị hẳn phải 38, 39. Và quả thật trông chị cũng trạc tuổi ấy. Với thân hình gọn gàng, cân đối, trang điểm nhẹ nhàng, và chị dễ dàng khiến mọi người tưởng nhầm là chưa đến ba mươi. Nhưng chị không cố làm vậy. Miu để tuổi tác hiện lên tự nhiên trên nét mặt, coi đó là chuyện đương nhiên và bình thản chấp nhận.
Miu bỏ một quả ôliu vào miệng, lấy ngón tay nhặt cái hột và duyên dáng bỏ vào gạt tàn, như nhà thơ đang đặt dấu chấm câu cho đúng chỗ.
"Tôi xin lỗi đã gọi điện cho anh giữa đêm như thế," chị nói. "Tôi ước gì mình có thể giải thích mọi chuyện rõ ràng hơn, nhưng tôi quá bối rối và không biết bắt đầu từ đâu. Giờ thì tôi vẫn chưa hoàn toàn tĩnh trí, nhưng đã đỡ bối rối hơn."
"Có chuyện gì vậy?" Tôi hỏi.
Hai bàn tay Miu đan vào nhau đặt trên bàn, tách ra, rồi lại đan vào nhau.
"Sumire đã biến mất."
"Biến mất?"
"Như làn khói," Miu nói.
Chị tiếp tục. "Đây là câu chuyện dài nên tôi nghĩ tốt nhất mình kể lần lượt từ đầu trở đi. Nếu không một số sắc thái sẽ bị bỏ qua. Chuyện này khá tế nhị. Nhưng trước hết hãy ăn đi đã. Ngay bây giờ thì thời gian không quá cấp bách, và bụng đói thì khó mà suy nghĩ sáng suốt được. Hơn nữa, ở đây ồn quá, khó nói chuyện."
Quán ăn chật ních cư dân Hy Lạp đang hoa tay múa chân nói năng ồn ã. Vì thế để nói chuyện được với nhau, Miu và tôi phải vươn người qua bàn cúi sát đầu vào nhau. Lúc này người hầu bàn mang đến đĩa xalát Hy Lạp đầy và một con cá hồi trắng nướng rất to. Miu rắc một ít muối lên cá, vắt thêm nửa quả chanh, rưới ít dầu ôliu vào phần cá của mình. Tôi cũng làm tương tự. Chúng tôi tập trung ăn. Như chị nói, việc quan trọng nhất thì phải làm trước tiên. Chúng tôi phải làm dịu cơn đói đã.
Anh ở đây được bao lâu? Chị hỏi. "Một tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu," tôi đáp. "Vì vậy đến lúc đó tôi phải quay về rồi. Nếu không sẽ khá phiền toái." Miu gật đầu đơn giản. Chị cắn môi, dường như đang tính toán gì đó. Chị không đưa ra câu thường lệ nào như "Đừng lo, anh sẽ về kịp thôi" hay "Tôi không biết liệu khi đó mọi việc đã ổn chưa." Chị chỉ tự mình rút ra những kết luận riêng, nhét chúng vào ngăn kéo, rồi lặng lẽ tiếp tục bữa ăn.
Sau bữa tối, khi chúng tôi uống cà phê, chị nhắc đến tiền vé máy bay. Anh có muốn lấy đô la hay là séc du lịch? Chị hỏi. Hay để tôi chuyển sang tài khoản của anh bằng đồng yên khi anh đã về Tokyo? Anh thích như thế nào hơn? Tôi trả lời, hiện tại tôi không gặp khó khăn về tiền bạc. Tôi có thể tự thanh toán. Nhưng Miu khăng khăng đòi trả. Tôi đề nghị anh đến đây mà, chị nói.
Tôi lắc đầu. "Không phải tôi tỏ ra lịch sự hay cái gì đó tương tự. Tôi cũng đã định ít lâu nữa sẽ đến đây. Đấy là điều tôi muốn nói để chị hiểu."
Miu trầm ngâm một lát rồi gật đầu. "Tôi rất cám ơn anh. Vì đã đến đây. Tôi không biết nói sao cho hết."
Khi chúng tôi rời quán ăn, bầu trời rực rỡ sắc màu. Kiểu không khí tạo cảm giác như nếu anh hít nó vào thì phổi của anh sẽ được nhuộm bởi đúng cái sắc xanh ấy. Những ngôi sao nhỏ tí xíu bắt đầu nhấp nháy. Không thể chờ cho đến lúc ngày hè dài đã hoàn toàn trôi qua, sau bữa tối dân đảo đổ ra cảng đi dạo. Gia đình, tình nhân, bạn bè. Mùi thủy triều nhẹ nhàng cuối ngày lan khắp phố xá. Miu và tôi đi bộ qua khu phố. Phía bên phải là hàng dãy cửa hiệu, khách sạn nhỏ, các quán ăn bày bàn ra cả vỉa hè. Ánh sáng vàng ấm áp chiếu lên các ô cửa sổ nhỏ có cửa chớp bằng gỗ, nhạc Hy Lạp từ đài phát thanh vang vọng. Phía bên trái, biển trải dài, những con sóng đen sẫm êm đềm vỗ vào cầu tàu.
"Đi chút nữa là đường lên đồi," Miu nói. "Ta có thể leo cầu thang dốc hoặc theo con dốc thoai thoải. Đi cầu thang thì nhanh hơn. Anh không ngại chứ?"
"Không sao, tôi đi được," tôi đáp.
Dãy bậc thang hẹp bằng đá chạy song song với sườn đồi. Chúng dài và dốc nhưng đôi chân đi giày thể thao của Miu không lộ vẻ mệt mỏi và chị không một lần chậm bước. Gấu váy chị sột soạt đung đưa qua lại trước mắt tôi, đôi bắp chân rám nắng cân đối sáng bóng dưới ánh trăng gần rằm. Tôi là người kiệt sức trước và phải dừng lại thở. Càng lên cao, ánh sáng ở cảng càng xa và nhỏ hơn. Tất cả hoạt động của mọi người ngay cạnh tôi đã bị hút vào cái dải sáng vô danh ấy. Một cảnh vô cùng ấn tượng, một cảnh tôi muốn lấy kéo cắt ra đem găm lên bức tường ký ức của mình.
Nơi Miu và Sumire đang ở là một nhà nghỉ nhỏ có hàng hiên trông ra biển. Tường trắng, mái ngói đỏ, cửa sơn màu xanh lá cây sẫm. Một giàn hoa giấy che kín bức tường đá thấp bao quanh ngôi nhà. Chị mở cánh cửa không khóa mời tôi vào.
Căn nhà mát mẻ dễ chịu. Có phòng khách, một phòng ăn cỡ trung bình và bếp. Tường trát vữa trắng, treo mấy bức tranh trừu tượng. Trong phòng khách có một chiếc tràng kỷ, giá sách, và dàn âm thanh nổi. Hai buồng ngủ và một buồng tắm nhỏ lát gạch sáng. Đồ đạc trong nhà không có gì bắt mắt mà chỉ có vẻ ấm cúng và phù hợp.
Miu bỏ mũ, đặt túi xách lên chiếc kệ để thức ăn trong bếp. "Anh muốn uống chút gì không?" Chị hỏi. "Hay anh muốn tắm trước?"
"Có lẽ tôi đi tắm trước đã," tôi nói.
Tôi gội đầu, cạo râu. Sấy tóc, thay áo và quần soóc mới khiến tôi cảm thấy mình bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Dưới chiếc gương trong buồng tắm có hai cái bàn chải đánh răng, một xanh, một đỏ. Tôi tự hỏi cái nào là của Sumire.
Quay lại phòng khách tôi thấy Miu đang ngồi thoải mái trong ghế bành, tay cầm ly rượu brandy. Chị mời tôi cùng uống rượu nhưng thật sự tôi chỉ muốn bia lạnh. Tôi mở tủ lạnh lấy một chai Amstel và rót vào chiếc cốc cao. Miu ngồi sâu trong ghế, im lặng khá lâu. Có vẻ như không phải chị đang cố gắng tìm lời để nói mà là đang chìm vào ký ức riêng nào đó của mình, một ký ức không đầu không cuối.
"Chị ở đây lâu chưa?" Tôi phá vỡ sự im lặng.
"Hôm nay là ngày thứ tám," Miu nói sau một lúc nghĩ ngợi.
"Và Sumire biến mất từ đây?"
"Đúng vậy. Như tôi đã nói, như một làn khói."
"Chuyện xảy ra khi nào?"
"Ban đêm, bốn ngày trước," chị nói, đưa mắt nhìn quanh phòng như tìm kiếm đầu mối. "Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu."
"Trong thư Sumire đã kể cho tôi về chuyến đi từ Milan đến Paris," tôi nói. "Sau đó kể về việc bắt tàu đến Burgundy. Hai chị em đã nghỉ tại ngôi nhà lớn ở trang trại của người bạn chị trong một ngôi làng Burgundy."
"Vậy tôi sẽ bắt đầu câu chuyện từ đó," chị nói.