Người Tình Sputnik


"Nói những lời ngọt ngào thì dễ lắm. Mắt nhắm lại, vờ như không thấy những chuyện đang xảy ra, và tha hồ ba hoa. Giữ không khí yên ả, hát bài "Auld Lang Syne," trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, và tất cả mọi người sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Ăn cắp hàng hóa là thông điệp của trẻ em. Không cần biết những chuyện về sau. Cách này dễ quá, vậy tại sao không chứ? Nhưng ai sẽ dọn dẹp quang cảnh bừa bộn? Những người như tôi, thế đấy. Anh nghĩ chúng tôi làm việc đó vì ý thích à? Anh mang cái bộ mặt này - 6800-yên-thì-có-gì-chứ? Nhưng hãy nghĩ đến những người bị nó ăn cắp. Ở đây có hàng trăm con người làm việc và anh hãy tin là họ rất coi trọng việc sai lệch một hay hai yên. Khi họ đưa biên lai vào máy tính tiền mà thấy có chênh lệch 100 yên thì họ sẽ ngồi lại đến tận đêm khuya để kiểm tra lại tất cả. Anh có biểt ở siêu thị này các cô thu ngân nhận được bao nhiêu một giờ không? Sao anh không dạy điều đó cho học sinh của anh?"
Tôi không nói gì. Mẹ của Cà rốt im lặng, thằng bé cũng vậy. Nhân viên an ninh mệt lử sau khi nói và lại chìm vào im lặng. Ở phòng bên có tiếng điện thoại và ai đó đã nhấc máy lên ngay từ hồi chuông đầu tiên.
"Vật thì, chúng ta nên làm gì đây?"
"Treo ngược nó lên trần nhà cho đến khi nó biết nhận lỗi thì sao," tôi nói.
"Ý hay đấy! Vì anh biết cả hai chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả."
"Rồi, vậy thì điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiên nhẫn thảo luận vấn đề. Tôi không nghĩ ra được ý nào nữa."
Có người từ phòng bên gõ cửa bước vào. "Ông Nakamura, cho tôi mượn chìa khóa nhà kho được không." Ông Nakamura lục ngăn kéo bàn một lúc những không tìm thấy.
"Nó biến mất rồi," ông ta nói. "Lạ thật. Tôi luôn để nó ở đây mà."
"Chuyện rất quan trọng đấy, tôi cần chìa khóa ngay," người đàn ông kia nói. Nghe cách họ trao đổi với nhau thì thấy có vẻ như chiếc chìa khóa đó rất quan trọng và dường như ngay từ đầu nó đã không nằm ở đây. Họ xới tung tất cả các ngăn kéo bàn nhưng vẫn không tìm thấy.
Suốt thời gian đó ba chúng tôi vẫn ngồi yên lặng. Đôi lần mẹ Cà rốt đảo mắt sang phía tôi. Cà rốt vẫn ngồi vô cảm như trước, mắt cắm xuống đất. Đầu óc tôi ngổn ngang những ý nghĩ không đầu không cuối. Căn phòng vẫn nóng khủng khiếp.
Người đàn ông cần chìa khóa bỏ cuộc, cằn nhằn khi bỏ đi.
"Thôi, đủ rồi," ông Nakamura quay sang chúng tôi, nói bằng giọng sự vụ khô khan. "Cám ơn anh đã đến. Chúng ta kết thúc ở đây. Việc còn lại tùy anh và mẹ đứa bé giải quyết. Nhưng phải biết rằng nếu nó tái phạm thì không xong với tôi đâu. Tôi hy vọng anh hiểu điều đó. Tôi không muốn gặp bất cứ rắc rối nào. Nhưng tôi phải làm công việc của minh."
Mẹ cậu bé gật đầu, tôi cũng vậy. Cà rốt thì vẫn như không nghe thấy gì. Tôi đứng lên, hai mẹ con mệt mỏi cũng đứng lên theo.
"Một điều cuối cùng," nhân viên an ninh nói, vẫn ngồi yên. "Tôi biết thế này là khiếm nhã, nhưng dù sao tôi cũng vẫn cứ nói. Ngay lúc nhìn thấy anh tôi đã cảm thấy có điều gì đó bất an. Anh trẻ trung, cao ráo, dễ ưa, da rám nắng, nói năng mạch lạc. Mọi điều anh nói đều hoàn toàn có ý nghĩa. Tôi chắc phụ huynh học sinh rất quý anh. Tôi không biết nói sao, nhưng ngay lần đầu tiên nhìn thấy anh, ở anh đã có điều gì đó khiến tôi băn khoăn. Điều gì thì tôi cũng không cắt nghĩa được. Không phải chuyện riêng tư đâu, xin anh đừng bực mình. Chỉ là một cái gì đó khiến tôi lo lắng thôi. Nhưng tôi không hiểu nó là gì mà giày vò tôi như vậy?"
"Ông có phiền không nếu tôi đặt cho ông một câu hỏi riêng tư?"
"Cứ hỏi đi."
"Nếu mọi người không bình đẳng thì bản thân ông đứng ở đâu?"
Ông Nakamura hít một hơi thuốc lá, lắc đầu, rồi chầm chậm nhả khói ra, như thể đang bắt ai đó làm một việc gì. "Tôi không biết," ông đáp. "Nhưng anh đừng lo. Hai chúng ta trình độ khác nhau."

Bạn gái tôi đậu chiếc Toyota Celica màu đỏ trong bãi xe siêu thị. Tôi gọi chị sang bên cách xa đứa bé rồi bảoo chị về nhà một mình.
"Tôi cần nói chuyện riêng với nó một lúc, rồi sẽ đưa nó về nhà sau." Chị gật đầu. Chừng như chị còn muốn nói điều gì đó với tôi, những lại thôi, ngồi vào xe, lấy kính râm ra đeo và nổ máy.
Khi chị đã lái xe đi, tôi đưa Cà rốt vào một quán cà phê náo nhiệt tôi thấy ở gần đó. Tôi ngồi thư giãn trong phòng có điều hòa nhiệt độ, gọi ình một cốc trà đá và cho đứa bé một cốc kem. Tôi mở cúc áo trên, cởi cà vạt nhét vào túi quần. Cà rốt vẫn giữ thái độ im lìm. Vẻ mặt và ánh mắt nó không hề thay đổi kể từ khi chúng tôi ở phòng bảo vệ. Trông nó trống rỗng như đang lạc vào một chốn nào. Đôi tay nhỏ bé để ngay ngắn trên đầu gối, mắt nhìn xuống sàn, nó cố quay mặt đi. Tôi uống trà đá, nhưng Cà rốt không động đến cốc kem của nó. Kem đang từ từ tan ra trong đĩa, nhưng nó cũng chẳng có vẻ gì là chú ý. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong im lặng như một cặp vợ chồng đang cùng chia sẻ sự im lặng kỳ quặc. Cô phục vụ quán mỗi khi đến bàn chúng tôi dọn dẹp lại tỏ ra căng thẳng.
"Mọi chuyện cứ thế xảy ra," cuối cùng tôi lên tiêng. Tôi cố gắng phá vỡ sự im lặng. Lời lẽ cứ tự trong lòng trào ra, Cà rốt chậm chạp ngước đầu lên quay về phía tôi. Nó không nói gì. Tôi nhắm mắt, thở ra, ngừng một lát.
"Chuyện này thấy chưa kể với ai, đó là dịp hè này thầy đi đến Hy Lạp. Em có biết Hy Lạp ở đâu không? Chúng ta đã biết nước này qua băng video xem trong giờ học xã hội ở lớp, chắc em còn nhớ. Nó nằm ở miền Nam châu Âu, giáp Địa Trung Hải. Ở đó có nhiều hòn đảo và người ta trồng nhiều ôliu. Năm trăm năm trước công nguyên nền văn minh Hy Lạp đã phát triển rực rỡ. Athens là cái nôi của dân chủ, và Socrates đã phải uống thuốc độc chết. Đấy là nơi thầy đã đến. Một chỗ tuyệt đẹp. Nhưng thầy không đến đấy để nghỉ ngơi. Một người bạn của thầy bị mất tích trên một hòn đảo nhỏ ở Hy Lạp nên thầy đến để giúp tìm kiếm. Nhưng không tìm thấy gì cả. Bạn thầy đã lặng lẽ tan biến. Như một làn khói."
Cà rốt khẽ nhếch miệng, nhìn tôi. Vẻ mặt nó vẫn bất động, thiếu sinh khí, nhưng trong mắt như đã có ánh sáng. Tôi đã lay động được nó.
"Thầy thật sự thích người bạn này của mình. Rất, rất yêu. Với thầy, đó là người quan trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Vì vậy thầy đã bay sang hòn đảo Hy Lạp đó để tìm kiếm. Nhưng không ích lợi gì cả. Thầy không tìm thấy một manh mối nào. Từ khi mất đi người bạn đó, thầy không còn bạn nào nữa. Không một ai hết."
Tôi không với Cà rốt mà là nói với chính mình. Nghĩ to lên thành tiếng.
"Em có biết bây giờ thầy muốn làm gì nhất không? Trèo lên đỉnh một nơi thật cao như kim tự tháp. Nơi cao nhất thầy có thể tìm thấy. Nơi em có thể nhìn được xa nhất. Đứng trên đỉnh cao đó, ngắm nhìn xung quanh, tự mắt mình thấy toàn bộ phong cảnh, thấy những cái đã lìa khỏi thể giới. Thầy không biết nữa...Có thể là thầy thực sự không muốn thấy thế. Có thể thầy không muốn thấy thêm bất cứ cái gì nữa."
Cô phục vụ đi đến dọn đĩa kem đã tan ra của Cà rốt và để lại tờ biên lai.
o O o
"Từ hồi nhỏ thầy đã luôn thấy mình cô độc. Thầy có bố mẹ và chị gái nhưng thầy không hợp với họ. Thầy không thể nói chuyện được với bất kỳ ai trong gia đình. Cho nên thầy thường tưởng tượng mình là con nuôi. Vì một lý do nào đó, một người họ hàng xa nào đó đã bỏ lại thầy cho gia đình thầy. Hoặc cũng có thể bố mẹ thầy nhận thầy từ trại trẻ mồ côi. Bây giờ thì thầy nhận ra ý nghĩ đó ngu ngốc đến thế nào. Bố mẹ thầy không phải loại người có thể nhận trẻ mồ côi về nuôi dạy. Nhưng thầy vẫn không thể chấp nhận được thực tế là mình cùng huyết thống với họ. Nghĩ rằng họ hoàn toàn là những người xa lạ giúp thầy thấy nhẹ nhõm hơn.
Thầy hình dung ra một thị trấn ở nơi xa. Nơi đó có ngôi nhà gia đình thực sự của thầy sinh sống. Chỉ là một ngôi nhà nhỏ bình dị nhưng ấm áp và mến khách. Mọi người đều có thể hiểu nhau, có thể nói bất kỳ điều gì mình thích. Chiều chiều có thể nghe tiếng mẹ chuẩn bị bữa tối trong bếp, ngửi thấy mùi thơm ngon lành của thức ăn. Đấy mới đúng là nơi thầy thuộc về. Thầy luôn hình dung ra nơi đó trong tâm trí, và thầy là một phần trong bức tranh đó.
Trong cuộc sống thật, gia đình thầy nuôi một con chó và đó là người bạn duy nhất của thầy. Nó là giống chó lai, khá lanh lợi; dạy nó điều gì là nó nhớ ngay. Hàng ngày thầy dắt nó đi dạo, khi đến công viên, thầy sẽ ngồi lên ghế và nói đủ thứ trên đời. Thầy và nó rất hiểu nhau. Đấy là những giờ khắc hạnh phúc nhất của thầy hồi nhỏ. Khi thầy lên lớp năm thì con chó bị một chiếc xe tải cán chết ở gần nhà. Từ đấy bố mẹ thầy không cho thầy mua con khác nữa. Họ bảo giống cho bẩn thỉu, ầm ĩ, chỉ tổ làm quẩn chân, rách việc.
Sau khi mất con chó, thầy ở lì trong phòng đọc sách. Đối với thầy thế giới trong sách dường như sống động hơn bên ngoài nhiều. Thầy có thể nhìn thấy những điều thầy chưa bao giờ thấy trước đó. Sách và âm nhạc là những người bạn thân thiết của thầy. Ở trường thầy cũng có đôi ba người bạn, nhưng thầy chưa gặp được ai để có thể dốc bầu tâm sự. Với những người bạn ở trường thì thầy chỉ trò chuyện qua loa và cùng đá bóng vậy thôi. Khi có chuyện buồn phiền thầy chẳng tìm đến ai cả. Thầy chỉ tự mình suy nghĩ, tự mình quyết định, tự mình hành động. Không phải thầy không cảm thấy lẻ loi. Thầy nghĩ cuộc đời là vậy. Xét cho cùng, làm người là phải tự mình chống chọi với cuộc đời này.
Nhưng khi vào đại học thầy gặp người bạn vừa kể em nghe vậy là thầy phải thay đổi suy nghĩ. Thầy hiểu ra rằng thói quen lâu nay tự mình nghĩ ngợi mọi việc chỉ khiến mình thu mình lại, nhìn sự vật chỉ bằng con mắt của một người. Và thầy bắt đầu cảm thấy chỉ có một mình lẻ loi là điều cô độc khủng khiếp.
Cô độc là cảm giác như khi đứng ở cửa một con song lớn vào một chiều mưa nhìn dòng nước trôi ra biển. Em đã bao giờ làm thế chưa? Đứng ở cửa một con sông lớn và nhìn dòng nước trôi ra biển?"
Cà rốt không đáp.

"Thầy đã từng làm thế," tôi nói.
Cà rốt mở to mắt nhìn tôi.
"Thầy không thể nói vì sao lại cảm thấy cô độc đến vậy khi nhìn nước sông hòa vào nước biển. Nhưng nó thực sự là thế. Em cũng nên thử một lần xem."
Tôi cầm áo vét và biên lai tính tiền chậm rãi đứng lên. Tôi đặt một tay lên vai Cà rốt, nó cũng nhỏm dậy. Hai chúng tôi rời khỏi quán cà phê.
Từ quán cà phê về nhà đứa bé mất khoảng nửa giờ đi bộ. Chúng tôi cùng nhau đi, tôi không nói một lời nào.
Bên cạnh nhà là một con sông nhỏ với chiếc cầu bê tông bắc qua. Gọi là sông thì hơi quá, đó chỉ là một con mương được khơi rộng. Có lẽ khi quanh đây còn là đồng ruộng thì nó được dùng để tưới tiêu. Bây giờ nước đã đục ngầu, bốc mùi xà phòng giặt. Cỏ hè mọc giữa lòng sông, có một cuốn truyện tranh ai vứt xuống nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Cà rốt đi đến giữa cầu, nghiêng mình qua thành cầu ngó xuống dưới. Tôi đứng cạnh nó cũng đưa mắt nhìn theo. Cả hai đứng thế hồi lâu. Có lẽ nó không muốn về nhà. Tôi có thể hiểu điều đó.
Cà rốt sục tay vào túi quần lôi ra một chiếc chìa khóa đưa cho tôi. Đó là một cái chìa bình thường có dán mảnh giấy đỏ to. Trên mảnh giấy đề KHO 3. Đấy là chiếc chìa khóa kho mà ông nhân viên an ninh Nakamura tìm kiếm hồi nãy. Chắn hẳn khi bị bỏ lại một mình trong phòng một lúc, Cà rốt thấy nó trong ngăn kéo bàn và đút ngay vào túi. Đầu óc cậu bé này bí ẩn hơn tôi tưởng. Nó quả là đứa trẻ lạ lùng.
Tôi cầm chiếc chìa để lên lòng bàn tay, cảm thấy sức nặng của bao người đã thấm vào nó. Trước mắt tôi nó hiện ra khốn khổ, bẩn thỉu, ti tiện. Ngẫm nghĩ giây lát, tôi thả chiếc chìa xuống sông. Một tiếng tõm vọng lên. Sông không sâu nhưng nước đục nên chiếc chìa khóa biến mất tăm. Tôi và Cà rốt đứng sát bên nhau nhìn xuống nước một lúc. Không biết vì sao nhưng nó làm tôi có cảm giác vui vẻ, cơ thể nhẹ bẫng.
"Quá muộn để lấy lại nó rồi," tôi nói với chính mình hơn là với cậu bé. "Thầy nghĩ là họ còn có một chiếc chìa khóa dự phòng ở đâu đó. Sau cùng thì đấy là kho hàng quý của họ mà."
Tôi chìa tay ra và Cà rốt nhẹ nhàng nắm lấy. Tôi cảm nhận được những ngón tay mảnh khảnh, nhỏ bé của nó trong tay mình. Một cảm giác tôi đã từng trải qua - không còn nhớ ở đâu - nhiều năm trước. Tôi siết chặt tay nó và hai thầy trò rảo bước về nhà.
Khi chúng tôi bước vào nhà thì mẹ nó đang ngồi đợi. Chị đã thay đồ, mặc áo khoác trắng không tay và váy xếp nếp. Cặp mắt chị sưng đỏ. Hẳn là chị đã khóc một mình sau khi về tới nhà. Chồng chị có một công ty bất động sản ở Tokyonên ngày nghỉ vẫn thường vắng nhà, hoặc là đi làm việc, hoặc là đi chơi gôn. Chị dẫn Cà rốt về phòng nó ở tầng một, sau đó đưa tôi vào bếp thay vì vào phòng khách, và chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Có lẽ ở đây chị dễ nói chuyện hơn. Trong bếp có một tủ lạnh to màu xanh lế, một cái bàn tròn đặt ở giữa, và một cửa sổ sáng hướng về phía Đông.
"Nó trông khá hơn lúc trước một chút," chị nói khẽ. "Chứ khi vừa thấy nó ở phòng bảo vệ tôi thật không biết phải làm gì. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó như vậy cả. Cứ như nó đang ở một thế giới nào khác."
"Chị không cần phải lo lắng đâu. Chỉ cần có thời gian là nó sẽ trở lại bình thường. Tốt nhất bây giờ chị đừng nói gì với nó cả. Cứ để nó ở một mình."
"Anh và cháu làm gì khi tôi đi?"
"Hai chúng tôi nói chuyện."
"Chuyện gì vậy?"
"Chuyện vặt thôi. Chủ yếu là tôi nói. Không có gì quan trọng đâu."

"Anh uống chút nước lạnh nhé?"
Tôi lắc đầu.
"Tôi không biết nói chuyện với nó như thế nào nữa," chị nói. "Và cái cảm giác ấy càng lúc càng mạnh hơn."
"Không cần phải ép mình nói chuyện với nó. Trẻ em có thế giới riêng của chúng. Khi nào nó muốn nói chuyện, nó sẽ nói."
"Nhưng nó ít khi nói lắm."
Chúng tôi ngồi đối diện nhau hai bên bàn và cố tránh chạm vào người nhau trong khi nói chuyện. Cuộc nói chuyện này nghiêm túc đúng tinh thần thầy giáo gặp phụ huynh bàn việc của học sinh. Khi nói, bàn tay chị hết xoắn vào lại mở ra, có lúc nắm chặt lại. Tôi nghĩ về những điều mà đôi tay này của chị đã làm với tôi trên giường.
Tôi sẽ không báo cáo chuyện này với nhà trường, tôi bảo chị. Tôi đã trò chuyện thân mật với nó, và nếu có điều gì xảy ra thì tự tôi sẽ giải quyết. Chị đừng lo nghĩ quá. Con chị là một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, rồi thời gian sẽ giúp nó trưởng thành. Đây chỉ là một giai đoạn nó phải trải qua. Điều quan trọng nhất đối với chị là phải bình tĩnh. Tôi chậm rãi, nhẹ nhàng nhắc đi nhắc lại những điều vừa nói, cốt để chị nghe rõ. Hình như thế chị bớt lo được phần nào.
Chị nói chị sẽ lái xe chở tôi về căn hộ của mình ở Kunitachi.
"Anh có nghĩ con trai tôi cảm thấy điều gì không?" Chị hỏi khi xe dừng lại trước đèn giao thông. Tất nhiên, ý chị muốn nói tới quan hệ giữa hai chúng tôi.
Tôi lắc đầu. "Sao chị nói thế?"
"Khi ở nhà một mình chờ anh và nó về, tự nhiên tôi nghĩ vậy. Chẳng có bằng cớ gì cả. Nhưng nó là đứa rất nhạy cảm, nên tôi tin là nó nhận biết được vợ chồng tôi đang có vấn đề."
Tôi ngồi im. Chị cũng không nói gì thêm.
Chị cho xe đi vào bãi đậu ngay phía sau ngã ba nơi tòa nhà tôi ở tọa lạc. Chị kéo phanh tay và tắt máy. Động cơ im tiếng, máy điều hòa cũng tắt, một sự im lặng khó chịu bao trùm lên chiếc xe. Tôi biết chị muốn tôi ôm lấy chị ở đây ngay lúc này. Nghĩ tới tấm thân mềm mãi của chị dưới chiếc áo khoác miệng tôi trở nên khô khốc.
"Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta không nên gặp nhau nữa," tôi nói thẳng điều mình nghĩ.
Chị không nói gì. Tay vẫn để trên vôlăng, chị nhìn chằm chằm về hướng cái đồng hồ đo xăng. Gần như tất cả những biểu hiện trên khuôn mặt dần biến mất.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này," tôi nói tiếp. "Tôi không nghĩ mình đúng là một phần nguyên nhân của vấn đề. Tôi không thể tìm ra cách giải quyết vấn đề nếu như tôi lại là một phần của vấn đề. Như thế tốt hơn ọi người."
"Mọi người ư?"
"Đặc biệt cho con trai chị."
"Cả cho anh nữa chứ?"
"Phải, tất nhiên rồi."
"Thế còn tôi thì sao? Nó có bao gồm cả tôi không?"

Có chứ, tôi muốn nói vậy. Nhưng tôi không thể thốt ra lời. Chị tháo chiếc kính Raybans màu xanh sẫm ra, sau lại đeo vào.
"Nói ra điều này thật chẳng dễ chút nào, nhưng nếu tôi không gặp anh nữa thì sẽ thật khó khăn với tôi," chị nói.
"Tôi cũng cảm thấy khó khăn. Tôi rất muốn mọi việc cứ diễn ra như hiện nay. Nhưng như thế không đúng."
Chị thở dài.
"Đúng nghĩa là gì? Anh thử nói xem. Tôi thật sự không biết đúng là gì. Tôi biết cái gì là sai. Nhưng đúng là thế nào?"
Tôi không có câu trả lời thỏa đáng.
Có vẻ như chị sắp khóc. Hay là sắp hét toáng lên. Nhưng rồi bằng cách nào đó chị kìm lại được. Các ngón tay chị bấu chặt vào vôlăng, mu bàn tay đỏ ửng cả lên.
"Hồi còn trẻ ai cũng thích nói chuyện với tôi," chị kể. "Nói đủ thứ. Những câu chuyện hấp dẫn có, vui vẻ có, lạ lùng có. Nhưng đến một lúc nhất định thì không ai nói gì với tôi nữa. Không một ai. Chồng không nói, con không nói, bạn bè không nói...Không ai cả. Như là trên thế gian này không còn gì đáng nói nữa. Đôi khi tôi cảm thấy cơ thể mình thành vô hình giống như anh có thể nhìn xuyên qua tôi."
Chị nhấc tay khỏi vôlăng và giơ ra trước mặt.
"Mặc dù không phải là anh sẽ hiểu những điều tôi cố nói."
Tôi cố tìm lời lẽ thích hợp để đáp lại nhưng không tìm ra.
"Cám ơn anh rất nhiều về mọi chuyện xảy ra ngày hôm nay," chị nói khi bình tĩnh lại. Giọng chị gần như đã bình thường, bình tĩnh trở lại. "Một mình tôi thì không thể xoay xở được. Thật khó khăn với tôi. May mà có anh đến giúp. Tôi rất biết ơn. Tôi nghĩ anh sẽ là một thầy giáo tuyệt với. Anh gần như đã trở thành như thế rồi."
Chị châm chọc gì mình chăng? - tôi thầm nghĩ. Có thể lắm. Không - nhất định không.
"Chưa đâu chị ạ," tôi nói. Chị khẽ nhếch mép cười. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kết thúc ở đó.
Tôi mở cửa xe bước ra ngoài. Cái nắng của chiều hè đã dịu đi đáng kể. Nhưng tôi cảm thấy khó thở, và khi tôi đứng đó, đôi chân tôi thật xa lạ. Chiếc Celica nổ máy và chị đi khỏi đời tôi vĩnh viễn. Chị hạ kính xe xuống, vẫy nhẹ tay chào tôi, tôi đưa tay chào đáp lại.
Quay lên phòng mình tôi cởi chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi cho vào máy giặt, rồi đi tắm, gội đầu. Xong xuôi tôi vào bếp, làm nốt bữa ăn đang chuẩn bị dở dang và ngồi ăn. Sau đó tôi thả mình vào ghế bành giở cuốn sách vừa mới lấy ra đọc. Nhưng tôi không đọc quá được năm trang. Gấp sách lại giữa chừng, tôi nghĩ một lúc về Sumire. Về chiếc chìa khóa nhà kho tôi đã thả xuống dòng sông bẩn thỉu. Về đôi tay chị bạn nắm chặt vôlăng. Quả là một ngày dài, và nó cuối cùng đã kết thúc, chỉ để lại phía sau những ký ức hỗn độn. Tôi đã tắm rửa kỳ cọ hồi lâu mà mùi thuốc lá vẫn bám đầy cơ thể. Tay tôi vẫn còn cảm giác rõ ràng như thể tôi đã vắt hết sự sống ra khỏi một cái gì đó.
Tôi đã làm điều đúng chăng?
Tôi không nghĩ thế. Tôi chỉ làm cái cần thiết cho tôi mà thôi. Đó là sự khác biệt lớn. Mọi người ư? Chị ấy hỏi. Có tôi trong đấy không?
Thực ra lúc đó tôi không phải nghĩ về mọi người. Tôi chỉ nghĩ về Sumire. Không phải về tất cả những người ở đó hay tất cả chúng tôi ở đây.
Chỉ về Sumire, người không ở đâu cả.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận