Thật ra cuộc trao đổi giữa Nam Nhược và Kha Tư Viễn rất hoà thuận trong chuyến thăm nhà lần này.
Có lẽ bọn họ tiếp xúc nhiều với nhau, phát hiện cả hai đều không phải người khó gần; phải chăng bởi vì họ trao đổi nhiều với Kha Tư Viễn, phát hiện đối phương đều bảo vệ đứa trẻ này theo cách riêng của mình; hoặc có lẽ, điều quan trọng nhất là trong lòng họ đều nhận ra ở đối phương có ưu điểm mà bản thân họ không có.
Lần này, Kha Ngu kể chi tiết cho Nam Nhược nghe về việc mình đã phát hiện chứng khó đọc của Kha Tư Viễn, cùng với quá trình đến đại học Sư phạm Bắc Kinh để chẩn đoán.
Thì ra anh đã đến đại học Sư phạm Bắc Kinh từ lâu, Nam Nhược thầm nghĩ trong bụng.
Thảo nào vào lần đầu tiên cô nhắc đến việc để Kha Tư Viễn đến văn phòng điều trị chứng khó đọc của đại học Sư phạm Bắc Kinh, anh không hỏi han lấy một câu mà cũng không hề tỏ ra tò mò.
Khi đó cô còn lầm tưởng rằng anh là một người ba thờ ơ với con mình.
Nhưng bây giờ cô đã hiểu rồi, sẽ tốn rất nhiều tiền bạc để đưa Kha Tư Viễn đến văn phòng điều trị chứng khó đọc thuộc đại học Sư phạm Bắc Kinh và tiến hành can thiệp chuyên biệt.
Mỗi tuần phải cho cậu nhóc can thiệp giáo dục chuyên biệt ít nhất ba lần, thì từ việc tiến hành điều trị tại Bắc Kinh đến việc đi đi về về giữa thành phố Dư và Bắc Kinh đều vô cùng tốn kém.
Hiển nhiên, trước mắt gia đình chỉ có mỗi hai ba con này không có điều kiện làm vậy.
Nam Nhược lấy làm ân hận vì ban đầu mình đã đưa ra một lời đề nghị thiếu suy nghĩ thế này, lại còn nặng lời với ba của Kha Tư Viễn nữa.
Cô bỗng chốc nhớ đến câu nói anh đã thốt với mình: "Không phải lúc nào biết vấn đề nằm ở đâu cũng giải quyết được vấn đề đó."
Trong thế giới của người trưởng thành, việc đắng lòng nhất thường là biết nguyên nhân nhưng lại không có cách nào để thay đổi và giải quyết nhỉ?
"Ba của Tư Viễn, lần đó do tôi đường đột, nói nhiều lời không hay, xin lỗi anh." Nam Nhược đã lý giải được người đàn ông trước mặt mình, sự bất đắc dĩ lẫn tình cảnh khó khăn của anh.
Thật ra anh chẳng còn cách nào nữa nên mới đành chọn không đặt nặng thành tích của Kha Tư Viễn, chỉ biết vùi đầu vào cát làm đà điểu để có thể tiếp tục đón ánh mặt trời ngày mai...
"Cô Nam không cần phải thấy áy náy đâu, cô không biết chuyện này mà.
Thật ra tôi rất biết ơn cô.
Không phải tôi khách sáo hay tâng bốc gì đâu, tôi nói thật đấy." Dường như giọng điệu của Kha Ngu mãi mãi bình tĩnh không bao giờ thay đổi.
Tuy nhiên giờ phút này, cái cảm xúc mãnh liệt bị anh che giấu đã dâng trào dữ dội hơn khi anh thể hiện sự biết ơn với Nam Nhược.
Thoạt trông anh đang dùng hết sức bình sinh để kiềm nén nó, có vậy nó mới không trút hết ra ngoài được.
Anh biết Nam Nhược đã hiểu và thông cảm cho tình cảnh của mình.
"Ba của Tư Viễn khách sáo quá."
"Không đâu, cô Nam, cho dù không có chuyến thăm nhà nhà thì tôi nghĩ tôi cũng sẽ tự mình thể hiện lòng cảm kích của mình với cô thôi.
Chắc có lẽ cô không biết [Nhật ký phòng chống dịch bệnh của Gấu Nhỏ] tác động đến Kha Tư Viễn nhiều cỡ nào.
Thành thật mà nói, tôi đã chẳng còn hy vọng gì về khả năng đọc và học tập của thằng bé nữa, nhưng trước khi vở kịch này diễn ra, nó đã nhờ tôi giúp nó học thuộc lời thoại.
Thằng bé thật sự học lời thoại rất nhiều lần, nhận biết từng chữ một hết lần này đến lần khác, kể cả lúc ăn, đi tắm, ngủ cũng học lời thoại..." Cổ họng Kha Ngu như bị ai bóp nghẹt.
Kha Ngu đã chia sẻ biết bao điều, biết bao tâm sự chất chứa trong tim anh muốn nói ra nhưng lại chẳng có ai để mà trải lòng với cô giáo - người đang ngồi đối diện mình.
Bởi vì anh biết chỉ có cô mới hiểu mình.
"Không có gì đâu.
Ba của Tư Viễn à, anh không cần cảm ơn tôi đâu.
Thật ra, cũng không nói dối anh làm gì, ban đầu tôi cũng không định chọn Tư Viễn đóng kịch, sau này thấy Tư Viễn đã nghiêm túc làm tròn vai diễn của mình một cách xuất sắc trên sân khấu, tôi vô cùng vui mừng vì đã đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Như anh vừa nói đấy, nếu tôi không chọn Tư Viễn thì có lẽ thằng bé đã mất đi một cơ hội tốt để nâng cao động lực học tập." Nam Nhược mỉm cười giải thích: "Trời xui đất khiến tôi chọn vậy, thế nên lời cảm ơn của anh nặng với tôi quá."
Trời xui đất khiến, Kha Ngu thầm lặp lại câu này của cô.
Nhưng chẳng phải cuộc sống là những cơ hội và sự trùng hợp sao? Nếu chúng ta đánh mất những cơ hội này, đánh mất những sự tình cờ này thì cuộc đời sẽ mất đi bao nhiêu cơ hội và sự thay đổi.
Khi có cơ hội thì sẽ có sự thay đổi.
Đúng, thay đổi, giống như trường hợp của Kha Tư Viễn vậy.
Kha Ngu đã chọn nắm bắt cơ hội tình cờ này thì sẽ đón nhận sự thay đổi tình cờ do cơ hội ấy mang lại.
"Cậu Kha, tối nay cậu có ăn ở nhà không? Tôi có cần làm thêm hai món nữa không?" Dì giúp việc hỏi.
"Sắp sáu giờ rồi.
Xin lỗi cô Nam, làm trễ nải thời gian của cô lâu quá."
"Không có gì đâu, đây là công việc của tôi mà.
Hôm nay cũng rất cảm ơn anh, chuyến thăm nhà này vô cùng suôn sẻ, tôi sẽ xem xét lại trường hợp của em Kha Tư Viễn một lần nữa." Nam Nhược đứng dậy, chào tạm biệt: "Làm phiền anh rồi, tôi xin phép đi trước."
"Cô Nam khoan đi đã, đến giờ ăn mà không mời cô ăn thì không phải phép cho lắm." Kha Ngu gọi Nam Nhược lại: "Chị Trương, chị nấu cơm cho Tư Viễn ăn nhé."
Nói xong câu ấy, Kha Ngu không chờ Nam Nhược phản đối đã đi về phía thềm cửa.
"Cô Nam về rồi ạ? Sau này cô có thường xuyên đến nhà em, chơi với em không ạ?" Nghe thấy tiếng nói chuyện ngoài này, Kha Tư Viễn chạy ra.
"Phải xem biểu hiện của em nữa nha!" Nam Nhược mỉm cười, xoa đầu Kha Tư Viễn.
"Tư Viễn, con ở nhà ăn cơm ngoan nhé, ăn xong có thể xuống nhà chơi một lát nhưng phải đeo khẩu trang đàng hoàng, ba xuống tiễn cô Nam về."
Kha Ngu và Nam Nhược lần lượt đi ra khỏi nhà.
"Tạm biệt cô Nam! Tạm biệt ba!" Giọng Kha Tư Viễn gọi với theo sau lưng họ.