Gần đây cậu học sinh lớp một Kha Tư Viễn rất vui vẻ.
Lý do là vì cậu bé được cô Nam chủ nhiệm lớp chọn đi tham gia hoạt động diễn kịch chủ đề phòng chống dịch bệnh, vai diễn là một cây đại thụ.
Có điều trông cô Nam có vẻ không vui chút nào.
Cô lại vừa bị trưởng khối xách ra phê bình vì thành tích học tập của Kha Tư Viễn.
Trường tiểu học Thực Nghiệm được coi như là trường tiểu học trọng điểm của thành phố Dư, luôn tuân thủ các chính sách.
Vào thời điểm chính sách "giảm thiểu gấp đôi" được khởi xướng mạnh mẽ, trường đã đổi thang điểm thành bậc ABCD, cũng không còn bảng xếp hạng nữa để tránh gây áp lực cho các em học sinh, khiến các em không thể vui vẻ thoải mái trưởng thành.
Nhưng có tin nổi không?
Các lớp nhỏ ở trường tiểu học Thực Nghiệm không có kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ cũng không có bảng xếp hạng nhưng lần nào thi xong trưởng khối cũng tổ chức một cuộc họp để xem xét thành tích của từng lớp, chủ yếu là để xem lớp nào có thành tích tốt nhất và lớp nào có thành tích kém nhất.
Bất hạnh thay, từ khi nhận lớp đến giờ lúc nào lớp của Nam Nhược cũng là lớp có thành tích kém nhất khối.
Mà Kha Tư Viễn chính là học sinh điểm thấp nhất kia.
Nam Nhược chán nản bị trưởng khối mắng cho một trận, không dám hó hé tiếng nào.
Cô còn nói gì được nữa? Chẳng lẽ còn phải thoải mái chiêu cáo thiên hạ cho mọi người biết rằng Kha Tư Viễn mắc chứng khó đọc, thành tích học tập của cậu bé không tốt hoàn toàn chẳng liên quan gì đến một giáo viên chủ nhiệm như cô à?
Nam Nhược không thể, cũng không làm được.
Cô phải im lặng nuốt hết tất cả những đắng cay mà thành tích học tập của Kha Tư Viễn mang lại, không thể nói được với ai kể cả người ba cảm xúc thất thường của Kha Tư Viễn.
Cũng không phải là không thể nói, mà là có nói cũng vô ích.
Thậm chí có khi người đàn ông kia còn phản bác lại cô rằng: "Cô Nam, tôi bề bộn nhiều việc, cô nói với tôi những chuyện này chẳng có ý nghĩa gì cả." Đúng thế, chắc chắn anh ta sẽ dùng giọng điệu bình tĩnh nhưng thực ra là đầy mỉa mai này để trả lời mình!
Nhìn các em học sinh vui vẻ đeo cặp đi ra khỏi cổng trường, Kha Tư Viễn lẫn trong đám người kia còn quay đầu lại lễ phép vẫy tay với mình nói "Hẹn gặp lại cô Nam", Nam Nhược cảm thấy nụ cười mà mình nặn được ra giờ phút này chắc còn khó coi hơn cả khóc.
Từ sau lần vô tình gặp được ba của Kha Tư Viễn ở quán cà phê ở Mai Sơn và nghe anh nói Kha Tư Viễn mắc chứng khó đọc đến giờ, Nam Nhược càng không biết nên đối xử với cậu bé này như thế nào.
Dạy cậu bé theo kiểu đọc viết truyền thống chắc chắn là vô nghĩa.
Thật ra cũng có một hệ thống giúp trẻ mắc chứng khó đọc tự nhận biết được mặt chữ.
Trước đây Nam Nhược đã từng thực tập ở phòng làm việc nghiên cứu chứng khó đọc ở trẻ do một giáo sư nổi tiếng ở đại học Sư phạm Bắc Kinh mở.
Cách đây không lâu cô còn lật lại ghi chép năm đó ra xem nữa.
Sau khi hiểu được rằng việc can thiệp này sẽ bắt đầu bằng "phương pháp học đọc viết theo ba nguyên tắc" đơn giản nhất, Nam Nhược rất muốn cho Kha Tư Viễn thử một lần, hy vọng có thể giúp cậu bé cải thiện việc đọc viết.
Nhưng mà cô không có cơ hội, cũng không có thời gian.
Chẳng qua nếu thành tích học tập của Kha Tư Viễn vẫn không tiến bộ thì Nam Nhược sẽ không chỉ thỉnh thoảng bị mắng vào mặt nữa đâu, mà ngay cả tiền thưởng chiến sĩ thi đua nhiều năm cũng sẽ...!Ài, Kha Tư Viễn là vấn đề lớn nhất trong cuộc sống mà cô không thể giải quyết được.
Trước mắt thì vấn đề tình cảm của cô đang phát triển theo hướng có thể giải quyết rồi.
Sau khi gặp nhau ở quán cà phê, cô và đối tượng xem mắt Khương Kỳ đã kết bạn WeChat, thỉnh thoảng cũng có liên lạc với nhau.
Ngày đó Khương Kỳ đợi Nam Nhược 15 phút mới thấy cô đi từ bên kia đường qua quán cà phê.
Nam Nhược nói với anh ta rằng mình gặp phụ huynh học sinh nên nán lại trò chuyện mấy câu.
Đối với Khương Kỳ, Nam Nhược cảm thấy giống như lời Châu Gia Du nói vậy, cũng tạm được, không quá tốt cũng không quá xấu, nhất là khi so sánh với bóng lưng của ba Kha Tư Viễn.
Sự chênh lệch đó khiến Nam Nhược không thể không thừa nhận rằng Khương Kỳ không có sức hút bằng người đàn ông kia.
Nhưng có sức hút thì sao nào? Vừa nghĩ đến việc nói chuyện với người ba kỳ lạ của Kha Tư Viễn là da đầu cô tê rần rồi.
Khi đó cô còn nhận nhầm anh là đối tượng hẹn hò, trong khoảnh khắc nào đó còn có ấn tượng tốt với người ta nữa chứ.
Sau này mỗi lần nhớ đến chuyện đó là Nam Nhược lại cảm thấy vừa lúng túng vừa xui xẻo.
Trái lại Khương Kỳ lại rất hài lòng về Nam Nhược, nhất là khí chất lạnh nhạt như bông cúc trên người cô.
Khí chất này đúng là rất hiếm thấy trong các cô gái trẻ tuổi ngày nay.
Khương Kỳ hẹn Nam Nhược sau khi tan làm hôm nay đi ăn cơm với nhau.
Nam Nhược không từ chối.
Đây là lần đầu tiên cô đồng ý gặp mặt đối tượng hẹn hò lần thứ hai sau bữa xem mắt.
Tất nhiên cô cảm thấy giữa mình và Khương Kỳ cũng không phải hẹn hò gì, nhiều lắm là bạn bè đi ăn với nhau vậy thôi.
Cô cho rằng sau khi hai bên xác lập quan hệ yêu đương rồi thì mới được gọi là hẹn hò.
Bọn họ hẹn nhau ở một trung tâm thương mại lớn giữa một khu phố sầm uất trong thành phố Dư.
Khương Kỳ nói không biết Nam Nhược thích ăn cái gì nên bọn họ cứ đi dạo trước một lúc rồi thấy nhà hàng nào ưng ý lại vào ăn sau.
Nam Nhược có chút lúng túng sóng vai đi bên cạnh anh ta.
Cô cố gắng hết sức để giữ khoảng cách với Khương Kỳ, không muốn bầu không khí giữa cả hai có vẻ quá thân mật.
Cô sợ nhất là kiểu mập mờ giữa hai người khác phái xa lạ.
"Chúng ta vào đây ăn đi." Nam Nhược tiện tay chỉ đại một quán ăn.
Cô cảm thấy nếu tiếp tục đi dạo với Khương Kỳ thêm hồi nữa chắc mình muốn về nhà mất.
Lúng túng, quá lúng túng, sao lại giống một cặp đôi đi dạo phố vậy?
"Cô chắc chưa?"
Quán ăn mà Nam Nhược tiện tay chỉ vào kia là một quán gà rán, bên trong phần lớn là phụ huynh dắt con nhỏ đi ăn.
"Ừ, chọn quán này đi." Ít nhất thì phụ huynh đi với con mình cũng tốt hơn là toàn cặp đôi đi với nhau.
Khương Kỳ ngồi đối diện Nam Nhược hỏi cô thích ăn gì.
Nam Nhược đáp gì cũng được.
Anh ta cười cười nói với cô rằng đây là ba chữ anh ta sợ nhất lúc gọi đồ ăn.
Nam Nhược hơi lúng túng cầm thực đơn lên liếc nhìn, thấy giá cả cửa hàng này cũng không đắt nên yên tâm hơn một chút.
Dù để Khương Kỳ trả tiền hay chia đôi thì Nam Nhược cũng cảm thấy khá ổn.
Cô chỉ đại vào một combo gà rán rồi nói: "Chọn cái này đi."
Khương Kỳ không phải là một người biết bắt chuyện, chẳng qua vì để bầu không khí không quá lúng túng nên anh ta vẫn câu được câu không tìm chủ đề nói chuyện với Nam Nhược.
Hai người dần nói tới chuyện công việc, Nam Nhược cũng nói nhiều hơn một chút.
"Không thuận lợi lắm, chủ yếu là vì trong lớp tôi có học sinh thành tích không tốt lắm nên kéo cả lớp xuống."
"Kém đến nỗi kéo thành tích cả lớp xuống luôn hả?"
"Ừ, rất kém."
"Vậy phải làm sao bây giờ? Cô đã thử báo cho phụ huynh em ấy chưa?"
"Phụ huynh em ấy biết rồi."
"Biết rồi sao? Biết rồi nhưng vẫn không để ý à?"
Không để ý? Để ý kiểu gì? Vấn đề của Kha Tư Viễn quả thật rất phức tạp.
Nam Nhược không muốn nói cho Khương Kỳ biết Kha Tư Viễn mắc chứng khó đọc.
Thứ nhất là vì giữa bọn họ chưa đến mức không phải giấu nhau bất cứ điều gì.
Thứ hai là vì dù sao đây cũng không phải chuyện đáng rêu rao gì.
Dù Nam Nhược có nhức đầu vì Kha Tư Viễn bao nhiêu đi chăng nữa thì cô cũng phải bảo vệ quyền riêng tư và lòng tự ái của đứa trẻ này.
"Học sinh bây giờ đúng là khó chăm thật đấy.
Giáo viên tiểu học thật vất vả." Khương Kỳ nịnh Nam Nhược.
Nam Nhược biết Khương Kỳ đang thuận theo lời cô mà tâng bốc, có điều cô không để lộ vẻ phản cảm gì, bởi vì đúng là cô vất vả thật.
Lúc này, cách chỗ bọn họ ngồi không xa có một phụ huynh mới cho con ăn xong.
Bé trai nói "Ba, con no rồi", sau đó hai ba con đứng dậy rời khỏi quán gà rán.
Nam Nhược tình cờ ngước lên nhìn hai ba con này một cái.
Một lớn một nhỏ, một cao một thấp, ấy từ từ, đó không phải là Kha Tư Viễn và ba cậu bé à...