Người Từ Miền Đất Lạnh

Sáng hôm sau Leamas còn nằm trên giường thì Fiedler mang thư đến cho chàng ký. Một lá thư bằng giấy xanh mỏng của khách sạn Seiler Alpenblick tại hồ Spiez, Thụy Sỹ, lá kia bằng giấy của khách sạn Palace, Gataad.
Leamas đọc lá thứ nhất :
KÍNH GỬI ÔNG GIÁM ĐỐC
Ngân Hàng Hoàng Gia Bắc Âu
Copenhagen
Thưa ông,
Mấy tuần qua tôi đi du lịch và không nhận được thư từ gì từ Anh Quốc. Vì vậy tôi không nhận được thư trả lời của ông cho thư ngày 3 tháng 3 của tôi. Thỉnh cầu ông gửi cho tôi một bảng kê hiện tình của trương mục ký thác mà tôi là một đồng trương chủ với ông Karlsdorf. Để tránh chậm trễ thêm, xin ông vui lòng gửi cho tôi một bản sao của bảng kê nói trên theo địa chỉ sau, nơi tôi sẽ lưu ngụ 2 tuần kể từ 21 tháng 4 :
Qua Bà Y. de Sangiot
I3 Đại lộ Colombes
Paris XII
Pháp Quốc
Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông.
Chào ông.
(ROBERT LANG)
Chàng hỏi :
-Sao lại có chuyện lá thư 3 tháng 3. Tôi đã viết cho họ lá nào đâu ?
-Anh không viết. Theo chỗ chúng tôi biết thì không có ai viết cả. Điều đó sẽ làm ngân hàng rối óc. Nếu có sự mâu thuẫn nào giữa lá thư ta gửi họ bây giờ và các lá thư Control đã gửi cho họ, họ sẽ cho là giải pháp nằm trong lá thư thất lạc ngày 3 tháng 3. Phản ứng của họ sẽ là gửi anh tờ trình theo lời yêu cầu, với vài dòng tỏ ý hối tiếc vì đã không nhận được lá thư ngày 3 tháng 3.
Lá thứ hai y như lá thứ nhất , chỉ có tên là khác. Địa chỉ ở Paris cũng y nguyên. Leamas lấy một miếng giấy trắng và cây bút máy, ký sáu lần liền một cách trơn tru chữ "Robert Lang", rồi ký trên lá thư thứ nhất. Nghiêng cây bút về phía sau chàng tập ký chữ thứ hai cho đến khi vừa ý, rồi ký "Stephen Bennet" lên lá thư thứ hai. Fiedler nhận xét :
-Đáng phục, vô cùng đáng phục.
-Bây giờ ta làm gì ?
-Hai bức thư này sẽ được gửi đi Thụy Sỹ ngày mai, một lá đến Interlaken và một lá đến Gataad. Người của chúng tôi ở Ba Lê sẽ gửi điện tín trả lời về ngay khi thư đến nơi. Chúng ta sẽ có phúc đáp trong vòng một tuần.
-Và từ nay đến đó ?
-Chúng ta sẽ thường ở bên nhau. Tôi biết anh không thích như vậy, và tôi xin lỗi. Tôi nghĩ ta có thể đi dạo, lái xe quanh đồi một chút, để giết thì giờ. Tôi muốn anh xả hơi và nói chuyện, nói chuyện về Luân Đôn, về cơ sở tại Cambridge và công việc của anh ở đó, nói chuyện về các điều tán gẫu, về lương bổng, về nghỉ phép, về phòng ốc, về giấy tờ và về người. Về kim găm và kẹp giấy. Tôi muốn biết tất cả những gì lặt vặt không quan trọng. À này ...
Giọng y chợt đổi khác. Leamas hỏi ngay:
-Sao?
-Chúng tôi có đủ tiện nghi ở đây, cho người nào mà ... cho những người phải lưu lại với chúng tôi một thời gian. Các tiện nghi giải khuây, v.v...
Chàng hỏi :
-Anh muốn nói đàn bà ?
-Phải.
-Không, cám ơn. Khác với anh, tôi chưa đến giai đoạn cần đến một tên dắt mối.
Fiedler có vẻ thản nhiên trước câu trả lời. Y mau mắn tiếp tục:
-Nhưng anh có một người đàn bà ở Anh Quốc, phải không, cô gái ở thư viện đó ?
Leamas quay phắt lại phía Fiedler, hai bàn tay xoè ra hai bên sườn. Chàng hét lên :
-Có một điều, chỉ có một điều tôi muốn cho anh biết. Đừng bao giờ nói đến chuyện đó nữa, dù để đùa hay hăm doạ, hay để kích thích khai thác gì đi nữa, bởi vì anh sẽ không được gì cả, không bao giờ được. Tôi sẽ câm miệng và anh sẽ không nghe được một tiếng nào từ miệng tôi khi nào tôi còn sống. Anh hãy cho bọn chúng biết như thế, cho Mundt và Stammberger hoặc bất cứ tên khốn kiếp nào đã bày anh nói chuyện đó - anh hãy cho chúng biết những gì tôi vừa nói.
Fiedler trả lời :
-Tôi sẽ cho họ biết. Tôi sẽ nói. Nhưng rất có thể đã quá muộn.
Vào buổi chiều họ lại đi dạo. Bầu trời xám nặng, không khí ấm áp. Fiedler lơ đãng bảo :
-Tôi chỉ ở Anh Quốc có một lần. Đó là lúc tôi đang trên đường đi Gia-nã-đại với cha mẹ tôi hồi trước chiến tranh. Dĩ nhiên lúc đó tôi hãy còn bé. Chúng tôi ở đó hai ngày.
Leamas gật đầu. Fiedler tiếp :
-Tôi có thể cho anh biết điều này. Suýt chút nữa tôi đã đến Anh Quốc vài năm trước. Lúc đó, tôi định thay thế cho Mundt trong Phái bộ Thép, anh có biết hắn đã có lần ở Luân Đôn không ?
Leamas trả lời một cách tự nhiên :
-Tôi biết.
-Tôi thường tự hỏi công việc đó như thế nào.
-Theo ý tôi thì vẫn cái trò pha trộn với các phái bộ khác, tìm cách tiếp xúc với giới doanh thương Anh Quốc, nhưng không có kết quả bao nhiêu.
Leamas có vẻ chán nản. Fiedler lại nói :
-Nhưng Mundt xoay sở được lắm, hắn cho là rất dễ.
-Tôi cũng nghe vậy, hắn còn tìm cách giết được vài người nữa.
-Anh cũng nghe chuyện đó hả ?
-Peter Guillam nói. Hắn dính vào chuyện đó cùng với George Smiley. Mundt suýt giết luôn cả George.
Fiedler có vẻ trầm ngâm :
-Vụ Fennan, thật đáng ngạc nhiên khi Mundt thoát được, nhỉ?
-Phải.
-Chắc anh không ngờ rằng một người mà hình ảnh và lý lịch đã có trong hồ sơ tại Sở Hải Ngoại với tư cách một nhân viên của một Phái Bộ Ngoại Quốc lại có thể thoát khỏi mạn lưới An Ninh Anh Quốc.
-Theo chỗ tôi nghe nói thì họ cũng không sốt sắng bắt y lắm.
Fiedler ngừng lại bất thần :
-Anh nói sao ?
-Peter Guillam bảo tôi rằng theo ý anh ta thì họ không muốn bắt Mundt. Chúng tôi có một tổ chức khác hẳn vào thời đó, với một Cố vấn thay vì một Sếp điều hành, một người tên Maston. Theo lời Guillam, Maston đã làm rối tung vụ Fennan ngay từ đầu, Guillam đoán rằng nếu họ bắt Mundt thì mọi việc có thể thối um lên, họ phải mang hắn ra xét xử và có thể treo cổ hắn. Và chuyện vỡ lở có thể khiến cuộc đời và sự nghiệp của Maston đi tong. Peter không hề biết rõ những gì xảy ra, nhưng anh ta chắc chắn không có vụ ruồng bắt Mundt một cách qui mô.
-Anh tin chắc chắn như thế, anh chắc rằng Guillam đã nói bằng những lời rườm rà như vậy ? Không có sự ruồng bắt qui mô.
-Dĩ nhiên là chắc.
Fiedler lắc đầu và họ bước dọc theo con đường mòn. Một lúc sau Fiedler bảo :
-Phái Bộ Thép đã bị dẹp bỏ sau vụ Fennan. Đó là lý do khiến tôi không đi.
-Mundt chắc đã điên. Anh có thể giết người và thoát được ở Balkans, hoặc ở đây, nhưng không làm thế được ở Luân Đôn.
-Nhưng hắn đã thoát được.
Rồi Fiedler nói thêm ngay :
-Và hắn đã rất được việc.
-Như việc tuyển Kiever và Ashe ? Cầu trời phù hộ cho hắn.
-Họ điều khiển được bà vợ của Fennan cũng lâu đấy chứ.
Leamas nhún vai, Fiedler lại bắt đầu chất vấn :
-Anh hãy cho tôi biết một điều nào khác về Karl Riemeck. Hắn đã gặp Control một lần phải không ?
-Phải, ở Berlin, chừng năm năm trước đây, hoặc lâu hơn một chút.
-Họ gặp nhau ở đâu ?
-Họ cùng gặp ởnhà tôi.
-Tại sao ?
-Control thích nhảy vô chia phần khi chuyện thành công. Chúng tôi có rất hiều tài liệu tốt do Karl cung cấp và tôi cho rằng Luân Đôn sẽ đặc biệt chú ý. Control đã bay sang Berlin và thu xếp cho họ gặp nhau.
-Anh có thấy phiền không ?
-Sao lại phiền ?
-Hắn là nhân viên của anh. Có thể anh không thích hắn gặp các người điều hành khác.
-Control không phải là một người điều hành, ông ta là Giám đốc cơ sở. Karl biết vậy và điều đó ve vuốt lòng kiêu hãnh của hắn.
-Cả ba người đều bàn luận với nhau trong suốt cuộc hội họp hay sao ?
-Phải. À, không hẳn. Tôi chỉ để họ một mình khoảng 15 phút là cùng. Control muốn thế, ông ta muốn nói chuyện mấy phút riêng với Karl. Trời mới hiểu được lý do, nên tôi kiếm cớ rời khỏi nhà, cớ gì tôi cũng không nhớ nữa. Ồ, tôi nhớ rồi, tôi giả bộ hết rượu tôi liền đi lấy một chai của De Jong.
-Anh có biết chuyện gì xảy ra giữa họ, trong lúc anh đi ra ngoài không ?
-Làm sao biết được ? Vả lại cũng chẳng thích thú gì mà biết.
-Sau đó Karl không kể anh nghe à ?
-Tôi không hỏi. Karl cũng là một thằng hơi xấc, luôn luôn làm ra vẻ có gì đó hơn tôi. Tôi không thích cái lối hắn nhạo thầm về Control. Anh nên nhớ là hắn có quyền nhạo, thật là một trò lố bịch. Thật ra chúng tôi đã có đôi khi phát cười về chuyện đó. Châm chọc lòng kiêu hãnh của Karl cũng chẳng ích gì. Cả buổi họp mặt chỉ cốt để kích thích anh ta lên tinh thần thêm nữa.
-Bộ lúc đó hắn đang ngã lòng sao ?
-Không, trái lại anh ta đã hư hỏng rồi. Được trả tiền quá nhiều, được yêu thương quá độ, được tin cậy quá mức. Đó một phần là lỗi tại tôi. Một phần tại Luân Đôn. Nếu chúng tôi đã không làm anh ta hư đốn, chắc anh ta đã không nói cho con mụ đó nghe mạn lưới của anh ta.
-Elvira ?
-Phải.
Họ bước im lặng một lúc cho đến khi Fiedler tự cắt đứt dòng mơ mộng của mình và nói :
-Tôi bắt đầu có cảm tình với anh. Nhưng có một điều làm tôi nghĩ ngợi mãi. Thật là... mãi đến khi gặp anh nó mới làm tôi ưu tư.
-Chuyện gì vậy ?
-Tại sao anh lại đến đây. Tại sao anh lại rời bỏ hàng ngũ của anh.
Leamas đang định nói điều gì thì Fiedler bật cười :
-Tôi e rằng nói như thế không được tế nhị lắm, nhỉ ?
Suốt tuần lễ đó họ chỉ tản bộ trên những ngọn đồi. Vào những buổi tối họ thường trở về nhà, ăn một bữa thật dở, cố nuốt trôi bằng một chai vang trắng đã trở mùi, ngồi rất lâu với ly bia trên tay trước lò sưởi. Thoạt tiên không có gì rồi một hôm Leamas chợt nghe lóm Fiedler kêu một tên gác mang củi đến. Lúc đó Leamas không quan tâm đến các bữa tối, sau những ngày dài thở khí trời tươi mát, trước ánh lửa cháy bập bùng trong lò sưởi, chàng thường nói một cách huyên thuyên về công việc về công việc trong sở. Leamas đoán có máy ghi âm, nhưng chàng không cần.
Cứ mỗi ngày qua như thế Leamas lại nhận thấy một sự căng thẳng gia tăng nơi người bạn bất đắc dĩ. Có lần họ đi ra ngoài bằng xe DKW, lúc đó đã khuya, và ngừng lại ở một phòng điện thoại. Fiedler để chàng ngồi lại trong xe với chìa khoá và đi gọi điện thoại khá lâu.
Khi y quay lại xe, Leamas hỏi:
-Sau anh không điện thoại từ nhà ?
Fiedler lắc đầu trả lời :
-Ta phải cẩn thận. Anh cũng thế, phải cẩn thận.
-Sao vậy ? Có chuyện gì xảy ra ?
-Số tiền anh đã đóng vào ngân hàng Copenhagen, mình viết thư, anh còn nhớ chứ ?
-Dĩ nhiên tôi còn nhớ.
Fiedler không nói gì thêm mà chỉ lẳng lặng lái xe lên đồi. Một lát sau họ ngừng lại. Dưới chân họ, bị che mờ một phần bởi những hình thù ma quái của đám thông cao vút, là nơi gặp gỡ của hai thung lũng lớn. Các ngọn đồi dốc có rừng cây bao phủ hai bên dần dần nhạt màu vì hoàng hôn dần xuống, trong lúc họ vẫn đứng như hai bóng xám vô tư trong cảnh chiều tàn. Fiedler chợt nói :
-Dù có gì xảy ra, anh đừng ngại. Rồi mọi việc đâu sẽ vào đấy, anh hiểu không ?
Giọng y hơi nhấn mạnh, bàn tay thon của y đặt trên cánh tay Leamas.
-Không. Và vì anh không chịu nói cho tôi biết, tôi đành phải đợi xem sao. Fiedler, anh đừng qua lo lắng cho sự an toàn của tôi.
Chàng cố gỡ tay ra, nhưng bàn tay của Fiedler vẫn giữ chặt cánh tay chàng. Leamas ghét bị sờ mó, đụng chạm, Fiedler hỏi :
-Anh có biết Mundt không ?
-Mình đã nói chuyện về Mundt.
-Phải, mình đã nói chuyện về hắn. Hắn là người bắn trước và hỏi sau. Nguyên tắc phòng ngừa. Đó là một phương pháp kỳ lạ trong một nghề mà người ta cho rằng chất vấn luôn luôn quan trọng hơn nổ sung.
Leamas hiểu Fiedler muốn nói gì với chàng trong lúc Fiedler vẫn tiếp :
-Thật là một lối kỳ lạ trừ khi anh sợ phải nghe các câu trả lời.
Leamas chờ đợi. Một lát sau, Fiedler lại nói :
-Mundt chưa từng thẩm vấn ai cả. Trước kia hắn vẫn luôn luôn thẩm vấn. Hắn thường nói với tôi "Jens anh thẩm vấn chúng đi, không ai thẩm vấn giỏi bằng anh. Tôi sẽ tóm cổ chúng và anh chỉ bắt chúng khai". Hắn thường nói rằng những người làm công việc phản gián cũng như các hoạ sĩ , họ cần một người cầm búa đứng đằng sau đập khi họ đã xong việc , bằng không họ quên mất mục đích của họ. Hắn vẫn nói với tôi : "Tôi sẽ là một cái búa của anh". Thoạt tiên đối với chúng tôi, đó là một câu nói đùa, rồi sau thành quan hệ khi hắn bắt đầu giết, giết trước khi đối thủ chịu khai. Tôi hỏi hắn, tôi năn nỉ với hắn : " Tại sao không bắt chúng ? Tại sao không để tôi thẩm vấn chúng một hai tháng ? Chúng chết thì có lợi gì cho anh đâu?" Hắn chỉ lắc đầu với tôi và bảo rằng hắn có một luật lệ là phải cắt gai đi trước khi chúng trổ bông. Tôi đã có cảm tưởng rằng hắn đã sửa soạn câu trả lời trước khi tôi có dịp hỏi. Hắn là một điều hành viên giỏi, rất giỏi. Hắn đã tạo được những kỳ công cho Abteilung, anh đã biết điều đó. Hắn có những lý thuyết riêng. Có nhiều đêm tôi đã nói chuyện với hắn tới khuya. Hắn chỉ uống cà phê, không uống bất cứ gì khác. Hắn nói người Đức quá hướng nội, nên khó mà thành điệp viên giỏi được, nhưng rất hợp với công việc phản gián. Hắn nói người làm công việc phản gián cũng giống như những con sói nhai xương khô, anh phải lấy xương đi và bắt chúng kiếm mồi mới. Tôi thấy rõ điều đó, tôi hiểu hắn muốn nói gì. Nhưng hắn đã đi quá xa. Tại sao hắn giết Viereck ? Tại sao hắn lấy mất y khỏi tay tôi ? Sao vậy hả, Leamas ? Tại sao ?
Bàn tay nắm cánh tay của Leamas đang siết chặt, trong bong tối hoàn toàn của chiếc xe. Leamas vẫn nhận thức được cường độ đáng sợ nơi cảm xúc, của Fiedler.
-Tôi đã ngày đêm nghĩ về chuyện đó. Kể từ khi Viereck bị bắn, tôi đã cố tìm lý do. Thoạt tiên nó có vẻ ly kỳ. Tôi đã tự bảo rằng tôi ganh tị, rằng công việc quá sức tôi, rằng tôi thấy đâu đâu cũng có sự phản trắc. Những người trong nghề mình đều như thế, nhưng tôi không kiềm chế được, Leamas à, tôi phải tìm cho ra lẽ. Đã có chuyện khác trước đây. Hắn sợ, hắn sợ chúng tôi bắt được kẻ có thể nói quá nhiều ?
Leamas nói giọng nhướm vẻ sợ hãi:
-Anh nói gì vậy ? Anh mất trí rồi hay sao ?
-Mọi việc ăn khớp với nhau anh thấy rõ mà. Mundt thoát khỏi Anh Quốc quá dễ dàng, chính anh đã nói thế, và Guillam đã nói gì với anh ? Anh ta bảo rằng họ không muốn bắt hắn ! Tại sao vậy ? Tôi sẽ cho anh biết lý do, hắn là người của họ, họ xoay chuyển được hắn, họ đã bắt được hắn, anh hiểu không, và đó là cái giá trả cho sự tự do của hắn. Cái đó và món tiền hắn được trả.
Leamas rít lên :
-Tôi chắc chắn anh điên rồi ! Hắn sẽ giết anh nếu hắn biết rằng anh bịa đặt những chuyện này. Đó là chuyện trẻ con. Fiedler anh hãy im đi và lái xe về.
Cuối cùng, bàn tay nắm cứng cánh tay chàng nới lỏng :
-Đó là điểm anh lầm, Leamas, chính anh đã cho câu trả lời. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhau.
Leamas hét lớn :
-Không đúng. Tôi đã nói đi nói lại với anh, họ không thể làm được chuyện đó. Cơ sở không thể điều động hắn chống lại Đông Đức mà tôi không biết. Về mặt hành chánh chuyện đó không thể xảy ra được. Anh cố chứng tỏ với tôi rằng Control đã đích thân chỉ huy nhân vật thứ hai ở Abteilung mà bản doanh ở Berlin lại không biết. Anh điên rồi Fiedler, anh điên nặng mất rồi.
Chàng bỗng bật lên một tiếng :
-Chắc là anh muốn địa vị của hắn, anh đúng là một tên tồi bại, điều này không ai là không biết, chắc anh đã hiểu. Chuyện của anh đã được đồn vang rồi.
Trong một lúc không ai nói gì. Rồi Fiedler nói tiếp :
-Về số tiền đó, ngân hàng ở Copenhagen đã trả lời thư của anh. Viên giám đốc rất lo ngại đã sơ suất một điều gì, tiền đã được người đồng trương chủ của anh rút ra đúng một tuần lễ sau khi anh gửi tiền vào. Ngày tháng rút tiền trùng hợp với một chuyến viếng thăm hai ngày của Mundt đến Đan Mạch vào tháng hai. Hắn đến đó bằng tên giả để gặp một điệp viên người Mỹ của chúng tôi lúc đó đang dự một hội nghị khoa học quốc tế.
Fiedler ngập ngừng, rồi tiếp :
- Tôi nghĩ rằng anh nên viết thư cho ngân hàng hay mọi việc đều ồn thoả ?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui