"Tưởng người lá trúc che ngang
Nhớ người vạt nắng chang chang nét cười."
Sáng sớm tinh mơ, khi nụ sen vừa mới hé hàm tiếu mập mờ trong làn sương mai, chị em nhà Lục Cửu đã chèo xuồng ra giữa ao, nhịp chèo chầm chậm khua sóng nước. Siêng tách từng nụ hoa mới hé, chậm rãi bốc nhúm trà bỏ vào nhuỵ hoa, buộc túm miệng lại. Xong xuôi một lượt, cái Sen khua mái chèo lội lại khóm gần nhà, nhích gần một chút để chị đỡ phải với người ra xa.
Khóm này là sen đợt trước, nụ đã ép mình sắp buông ra khỏi túm, cánh trắng cánh hồng thi nhau ngát hương. Khi mà trà đã uống no hết tinh tuý của đất trời, mùi trà và sen quyện lại với nhau, là lúc vừa đẹp để chị em hái về, không quên hứng những giọt sương mai tinh khiết đang đọng lại trên lá sen để làm nước pha.
Nhà vốn chẳng giàu sang gì, nhưng những khoản kiếm được từ ướp trà vào những mùa sen cũng giúp chị em có của ăn của để. Ai cũng khen người làng Phên đa tài đa nghề, từ đồ dệt, hạt cốm, cho đến những tách trà sen thượng hạng, năm nào cũng được dâng lên cung vua phủ chúa, khiến bao người phải ngưỡng mộ.
Mặt trời bắt đầu ló dạng là lúc sen thơm nhất. Mấy đứa trẻ dắt díu anh Râu ra bờ ao, cánh mũi chìm ngập trong hương ngan ngát. Anh Râu sau đợt ngã ao lần trước thì có chút e ngại, mình ngồi gốc cây ngắm nhìn bọn trẻ nghịch ngợm nô đùa.
Cái Mè rướn người ra hái lấy một bông, cánh hoa còn chụm nguyên trong túm, bên trong đã phảng phất mùi trà. Nó vẫy tay gọi chàng trai tóc vàng lại gần, để anh tách hoa ra, ngơ ngác nhìn lá trà gọn ghẽ nằm trong nhuỵ.
Nhoẻn miệng cười, nó chỉ vào bông hoa, dạy anh chàng tập nói: "Sen."
"Saen?" Anh Râu đọc theo, mắt mở to nhìn theo cái Sen đang mắng đàn chó con, rồi lại gật gù nhẩm lại bằng chất giọng lơ lớ. "Là Saen."
"Gì hở anh Râu?" Cái Sen nghe thấy tên mình thì ngẩng mặt lên hỏi.
"Saen cho Saen." Anh cười mỉm, đưa bông sen đã nở bung cánh về phía nó. Nó đưa tay nhận lấy rồi cảm ơn, đoạn đổ lá trà trong nhuỵ ra bàn tay anh, xong xuôi cầm bông hoa đi lùa chó tiếp.
Đã hơn một tháng kể từ cái ngày nhà nhặt được anh Râu, cũng dạy anh đôi chút từ mà nói, may sao anh học nhanh hơn người khiến ai cũng mừng. Cái Mè chăm sang nhà chơi hơn hẳn, phần vì thấy vui vui, phần để bắt cho anh đọc bằng được tiếng "Mè" cho thật đúng.
"W' about Maè? Maè cho Maè?"
(Còn Mè? Mè cho Mè?)
Đáp lại anh chỉ là cái nhún vai, lắc đầu. Cái Mè lóng ngóng nghe mãi mới hiểu. Ở đây biết đào đâu ra mè hay vừng, sao mà chỉ cho được?
Thấy ánh mặt thất vọng từ phía đối phương, Mè nhanh chóng cười lại, chỉ vào chính mình nói: "Mè là người đẹp nhất làng Phên."
Đoạn nghe thấy kẻ kia lẩm bẩm đọc theo, âm giọng lộn xộn mà cười khung khúc.
Sau khi hái xong xuôi, mặt trời đã vươn cao khỏi luỹ tre làng.
Chị em tất bật đem sen vào ướp, nhanh sao cho không bay hương bay vị. Nhân đương được ngày nắng đẹp, đem trà ra phơi lấy hai ba nắng là vừa đạt độ đậm đà. Siêng được ngày nhàn rỗi trên phường thì tranh thủ làm giúp các em, sau phải còn nhanh chóng đem vải lên cho nhà ông bá hộ nên tay tất bật không ngừng. Lũ em cũng líu ríu giúp chị, đang được già nửa thì cái Thắm từ đâu chạy vào, miệng hớt hải.
"Chị Siêng ơi, cái cậu giàu giàu tớiiiii!"
Siêng chân đôn chân đáo chạy ra tiếp, đến nơi thì chợt cứng đờ.
Đáng lẽ người đặt là cậu ba ông Lãi, sao giờ y lại ở đây? Sao nàng lại không nghĩ đến, y là con nhà bá hộ trong làng, mà làng này ngoài ông Lãi với ông Tài thì còn có ai?
Y là cậu ba nhà ông Lãi. Trước đấy nàng khốn khổ biết bao khi bị ông đì vì từ chối cậu hai, nay lại mang nợ cậu ba nhà ông, không biết nên xử sự như nào cho phải.
"Á!"
Có lẽ vì đầu óc đang trên mây, cho đến khi nàng nhận ra da đầu đau rát mới kịp hoảng hồn. Cả lọn tóc nàng vướng phải cành cây, khi chạy đã giật đứt mất vài sợi. Siêng ngẩng đầu cố gỡ, nhưng càng gỡ thì lại càng vướng chặt.
Bỏ cha rồi. Đợt trước y đã có ấn tượng không tốt về mình, giờ lại còn lếch thếch thế này, có khi lại ngứa mắt hủy luôn đơn hàng. Số lụa dệt trong cả tuần, nếu không bán được, chị em nhà lại được chết đói.
Nàng cố nở nụ cười ái ngại, mong y thông cảm cho. Vừa cười nàng vừa gắng gượng gỡ tóc, nhưng mắt không để lên đầu, biết mắc ở đâu mà gỡ? Đang tính dứt quách chỗ tóc ấy ra rồi chờ nó mọc lại, thì y đã tiến lại gần.
Tú lắc đầu thở dài. Hắn đưa tay lên tìm mối gỡ. Siêng rụt người lại, nhưng tóc vướng phải cành cây bị kéo căng ra, khiến nàng kêu khe khẽ.
"Đứng yên đấy, tôi không làm gì quá phận đâu."
Y nói, ngón tay khéo léo lùa vào lọn tóc, từng chút tách ra từng sợi một. Vạt áo tứ thân che trước mặt cả hai, nhưng y thấy người nàng khẽ run lên. Hương sen phảng phất còn đọng lại trên tóc, tự dưng Tú thấy mọi thứ dễ chịu đi đôi phần.
"Xong rồi. Sau này nhớ cẩn thận hơn."
Siêng lập tức nảy người lại phía sau. Cái danh cậu ba nhà ông Lãi làm nàng sợ hơn là e ngại. Y hẳn phải biết chuyện Phán năm kia nằng nặc đòi cưới nàng nhưng chẳng xong. Thấy y cau mày, nàng chợt nhận ra mình thất lễ.
Chút ý tứ ít ỏi làm nàng nhớ đến mục đích y đến đây, bèn đánh lảng.
"Cậu ba, cậu đến đây để lấy vải dệt? Đằng nào em cũng chuẩn bị đem sang, sao phải nhọc công đến tận đây?"
Thấy nàng xưng hô khác lạ, y cũng ngầm hiểu ra.
"Thân gái ngại cô đi đường xa, tôi tiện đường cũng có việc đi ngang nhà."
Siêng nhấc mi cố giữ vẻ kính cẩn.
"À ra vậy. Nhà đang ướp ít trà sen, nếu cậu không chê thì vào uống tách trà, đợi em đi lấy vải."
Mời cậu Tú vào trong nhà, Siêng nhanh chóng chạy vào buồng lựa lấy những cuộn đẹp nhất. Con Thắm cũng chạy vào giúp chị khiêng ra. Nhà cụ Lãi đặt mua với lượng lớn, trả công lại cao, nên cuộn nào cuộn nấy đều được dệt vô cùng kĩ lưỡng, hoa văn tinh xảo khéo léo, sờ vào lại thấy mềm mượt như lụa tơ. Tất cả vải đều được đặt trong thùng gỗ lớn, ước chừng phải trên mười cân, ấy thế mà con bé út nhà Lục Cửu kéo cái nhoáng là hết sạch.
Ở phòng ngoài, cậu Tú vừa ngồi vừa thầm quan sát xung quanh. Đám trẻ con tuy nhận tiền rất hồ hởi, nhưng khi y không để ý liền trưng ra những cái nhìn không mấy thiện cảm. Điển hình là con bé yếm đỏ, mắt nó trừng lên đầy đề phòng. Xem vẻ tuy bỏ tiền giúp đỡ nhà người, nhưng y vẫn không được yêu quý gì cho cam.
"Cậu có phải lòng cô ả, thì nhớ dè chừng đám em. Năm xưa tôi bị hành đến mê tơi ra đấy. Trông vậy mà không ngờ được đâu."
Lời Phán bữa nào chợt vang lại trong đầu y. Chúng bọc chị như gà bọc trứng. Đây không còn phải là thói ích kỉ của trẻ con đã quen hơi chị, mà theo Tú đoán, phải có chuyện gì ẩn chứa sâu xa hơn...
"Ê này, cái út."
Cậu ba vời con Thắm. Trông nó có vẻ ngố nhất. Con bé nghe vậy lập tức nhảy ra.
"Gì hở, cậu giàu?"
Tú đơ mặt, nhưng rồi nhanh chóng nhịn cười, cố hỏi dò.
"Anh gì tóc vàng nhà em, đi đâu mất rồi?"
Con Thắm chau mày nghi ngờ.
"Cậu muốn làm gì? Anh Râu không liên quan đến chị Siêng, cậu đừng hòng đựng đến một sợi lông của ảnh."
"Nghĩ gì thế? Người quen tôi biết anh ta, nên nhờ tôi hỏi thăm."
"Vậy hả?" Mắt nó lập tức sáng lên."Sao cậu không nói sớm. Anh Râu ở ngoài ao sen với chị Mè rồi. Cậu có chờ thì đợi đến giờ cơm, anh ấy về, tiện có thêm mấy bó sen tươi nữa."
"Thôi được rồi. Nói với chị em là tôi đi trước. Có lọ cao bôi tay ở đầu bàn, thoa vào tay sẽ không bị bong tróc khi dệt vải. Tôi được người ta biếu, nhưng thấy cô ấy cần thứ này hơn."
Nói rồi, Tú ra hiệu với thằng cu Tớn hầu sau đi về. Đến lúc này Siêng mới ló mặt ra, người ngợm tự dưng đỏ bừng như sốt. Cái Thắm thấy vậy bèn hỏi.
"Chị nghe thấy cậu giàu nói rồi hả?"
Siêng lúng túng ra mặt.
"Nghe cái gì mà nghe? Chị vừa mới vào bếp xong, đun nhiều nên mặt nó nóng đấy."
"Hở? Mặt chị nóng sao?" Con Thắm hoảng hồn. "Ừ nhỉ, đỏ hết lên rồi? Chị lên giường nằm đi không khéo lại cảm."
Nàng chột dạ, chẳng nói được thêm câu nào, đành để đứa em đẩy thốc vào giường.
Còn về phía Tú, lúc đi về, thằng cu liền lẽo đẽo chạy theo hắn gọi với. Nó nhe cái hàm sứt một một góc, cười ngô nghê.
"Cậu à, con theo cậu liền tù tì mấy ngày nay, giờ mới biết có người biếu cậu lọ thuốc đó đấy."
"Mày trẻ con, đừng nên lắm lời." Tú cảnh cáo, chân tự động rảo bước một nhanh.Một chốc sau đã thấy thằng hầu khác đón đầu. Nó cúi đầu lạy, rồi thì thầm thậtkhẽ.
"Thưa cậu, con vừa ra ao sen, đúng là có một tên ngoại lai thật. Kẻ này trông vạmvỡ nhưng khá lù đù, con nghĩ, không phải kẻ đáng để lưu ý đâu ạ."
Hắn phẩy tay.
"Được rồi, mày cứ đi theo một thời gian nữa. Có gì bất thường nhớ báo lại. Đừngcó nhìn vẻ ngoài mà bắt hình dong."