Nhà Em Có Đàn Sầu Riêng



Khi anh Râu về, nhà cửa bỗng trở nên bừa bộn vô cùng. Anh ngơ ngác đặt cái nón rách xuống sàn, chạy vội vào dọn dẹp cùng đàn em.

Chợt, anh nhớ đến sự hung hăng của bọn lính huyện, trong lòng liền cảm thấy day dứt.

"Xin lồi. Là do tôi."

"Không, không phải tại anh Râu. Nhà mình vừa có chút chuyện thôi." Con Thắm luống cuống chân tay, lập tức thanh minh lại. "Bọn sai nha kia, em với anh Hến đã dần cho nhừ tử rồi!"

Anh hiểu được bảy phần con bé nói, nhưng lòng tự hiểu rằng, đó là do nó không muốn anh thấy áy náy. Râu cúi xuống lựa nốt vài mảnh sành, lóng ngóng sao cho khỏi cứa vào tay, việc mà vốn dĩ trước đây người hầu nhà anh luôn phải làm. Nhưng rồi đến giờ cũng không đến lượt anh, vì một bàn tay khác đã nhanh chóng làm giúp.

"Xin lỗi đã để anh lo lắng. Nhưng là do tôi gây ra."

Bàn tay Siêng vốn rất đẹp và thanh, giờ đây chi chít những vết thương còn chưa khép miệng. Tay nàng rộp lên vì bỏng, đỏ rát mắt người nhìn, nhưng mặt lại dửng dưng như không phải mình bị thương. Râu biết chắc hẳn có chuyện không lành xảy ra, nhưng bọn trẻ không muốn nói, anh cũng không đành gặng hỏi.

.

.

.

Một ngày mới lại nhón mình lên cao. Nắng sớm nhuộm ran cả cánh đồng. Con Thắm vẫn giữ cái việc đi chăn trâu hằng ngày, không dám lơi là để cho anh Râu trông hộ nữa. Anh mới "nhặt" được không lâu, làm việc gì cũng lớ ngớ chưa quen, thôi thì đành để anh chống mắt lên nhìn trời nhìn đất, tay lúi húi vẽ lên một đống sâu.

Nhưng việc chăn trâu vốn nhàm chán, chẳng bấy lâu sau đứa trẻ mười một tuổi lại buộc chặt trâu vào một xó, tót mình đến bên bản vẽ của anh Râu.

"Anh Râu! Anh sao ngồi cả ngày mà độc có vẽ giun thế?"

"Đây không phải là jun. Đây là report nghiên kíu thuột đìa."

(Đây không phải là giun. Đây là báo cáo nghiên cứu thuộc địa.)

"Anh nói cái gì em chả hiểu? Anh Hến mà ở đây, kiểu gì cũng kêu anh không chịu tập chữ mà lại ngồi tốn giấy lung tung."

"Đằn nào chả tốn. Thắm muốn vè gì, anh vè cho."

Con Thắm mất thêm nửa ngày để hiểu anh Râu muốn nói gì. Dạo này anh đương muốn hoà nhập làng xóm, không nói tiếng người Tây người Tủng gì nữa mà học bằng được tiếng Đại Việt, nhưng khổ nỗi, càng cố nói lại càng chả ai hiểu. Nghe na ná mấy thương buôn tận Đàng Trong. Anh nói mấy từ thanh còn dễ nghe, còn mấy từ nặng, nghe xong mà con bé chỉ muốn ôm bụng cười nắc nẻ.

"Vẽ á? Êu, nói rõ ra chứ. Anh thấy dòng sông đấy không, vẽ thử xem. Em cá rằng, anh vẽ còn chẳng được bằng chị Mè lúc say. Toàn giun với giun."

Con Thắm lè lưỡi trêu ngươi. Nhưng anh Râu chỉ cười, vì nó nói nhanh quá anh chả hiểu. Nhưng đại khái cũng nghe được từ "sông" và "Mè". Anh Râu nhớ về cái hôm mình được cứu về, liền nhắm mắt, tưởng tượng về ráng chiều hôm ấy.

Vì không có sẵn màu, nên anh phải kiếm mỗi nơi từng chút một. Anh học hỏi vài phương thức cổ xưa, chiết màu xanh từ lá, đen từ than củi, lam từ một ít gỉ đồng xin từ nhà thằng Banh. Thằng nhóc thích cái Sen nên cũng quý anh Râu lắm, lại thấy anh có lắm trò lạ, nên lần nào thấy anh cũng chạy theo học hỏi nhiều cái hay ho.

"Ê Thắm. Em thấy cái cách anh Râu vẽ, trông lạ ghê nhỉ?"

"Lại chả. Anh Râu vẽ xấu bậc nhất đấy. Toàn giun với giun."

Banh lắc đầu ngán ngẩm.

"Không, em lại chẳng hiểu gì rồi. Đó là chữ ngoại quốc đấy. Giống như mình viết chữ Hán, chữ Nôm. Còn đây anh Râu vẽ, khác hẳn những bức thuỷ mặc anh từng được xem."

Anh Râu cứ vẽ, còn đám em nhỏ đằng sau cứ bó gối ngồi xem. Lâu lâu lũ trẻ chăn trâu bu lại một đông, gió cuốn lá trôi, rồi chẳng ai nhớ đến tai vạ của nhà Lục Cửu mới chỉ hôm qua, hôm kia.

"Ồ chúng mày, xem anh ấy bôi nước lá vào tranh kìa."

"Trông vậy mà đẹp gớm ấy nhỉ? Ảnh dùng rơm bó lại thành bút mà quệt, đến lạ!"

"Ê tao hỏi, cái chấm đỏ to đùng kia là mặt trời đó hả?"

"Ừ ấy thằng đần. Lần đầu trong đời tao thấy có người vẽ y như thật vậy. Đẹp thế chứ. Đâu như mấy cái bức thầy tao treo trong nhà, chả ra đâu mà cứ phải gật gù khen đẹp. Thầy bảo, người chuộng chữ nghĩa là sẽ thấy đẹp, không đến lượt tao."

Mặc cho đám em ngồi trầm trồ ca ngợi, tranh luận đủ điều, anh vẫn hăng say đưa cọ. Lâu rồi anh không động vào màu vẽ. Lúc dạt về đây đồ đạc anh đều mất hết, nhưng mấy vật dụng cơ bản của một hoạ sĩ, anh cũng không quá khó để làm lại. Râu cứ mải mê theo đường cọ, đầu óc trôi về những ngày tháng ở Edinburg. Nếu cha không phản đối con đường nghệ thuật của mình, ắt hẳn anh đã không trốn theo một nhà nghiên cứu thuộc địa, chỉ để rong ruổi theo cánh buồm, vẽ nên những thắng cảnh tuyệt mĩ trốn trần gian.

Chỉ là, chưa bao giờ anh vẽ một cảnh sắc đơn sơ thế này. Ngoài lam của trời và mặt nước, lục của tán cây, nội cỏ, chút đỏ rực của ánh tà dương, gần như anh chẳng phải dùng đến chút màu sắc nào. Mà kể cả muốn dùng, anh cũng chẳng có.

Vậy nhưng bức tranh cứ sâu đến lạ. Sâu hun hút như đáy mắt của Mè phản chiếu mặt trời lặn, chân thật như vị gió từ đồng nội đọng lại ở cánh môi. Một cảnh tượng mộc mạc là thế, nhưng không hiểu sao, anh lại yêu bức tranh này hơn mọi bức hoạ mình từng vẽ trước đây.

"Xoong dzồi."

Đến khi lấy lại hồn mình, anh đặt bút, quay ra đã choáng váng với một bầy đông nghịt. Không chỉ mấy cậu chăn trâu, giờ đây còn thêm cả các cậu học sĩ đã tan giờ từ lâu. Mắt ai cũng ngước lên long lanh như nước, hấp háy như sao, chực chờ chỉ muốn tung anh lên lưng trâu mà tung hô.

Lâu rồi, kể từ khi thất bại do người nhà liên tục chèn ép, lâu rồi anh Râu mới xúc động đến vậy. Hạnh phúc nhỏ nhoi của người làm nghệ thuật chỉ có thế. Ánh mắt này, anh đã chờ gần mười năm trời.

Đang vui vầy cùng bọn trẻ, chợt có tiếng đàn bà quát đổng.

"Tiên sư chúng mày, có mỗi việc chăn trâu cũng chửa xong! Trâu nhà nào, để nó ăn lúa nhà bà rồi! Đứa nào đây, dẫn tao về nhà gặp thầy mẹ mày nói chuyện!"

Lũ trẻ nghe đến vậy nhìn nhau tái mét, đứa nào đứa nấy ào đi xem trâu nhà mình. Con Thắm hớt hải ngó ra gốc cây đa buộc trâu nhà, thấy trâu vẫn lim dim ngủ bèn thở phào một hơi. Anh Râu thấy bọn trẻ chạy hết bèn vẫy tay chào, không hề hay biết mình đã gây hoạ cho một đứa xấu số nào đó.

Bọn học sĩ thấy tranh đã xong, trầm trồ bình phẩm vài câu cao siêu, rồi cũng đi mất dạng.

Thằng Banh chăm chú nhìn từ tranh đến màu, hai mắt sáng chói lọi, bèn nhờ anh Râu chỉ cho cách vẽ.

"Anh vẽ được cả người nữa hả? Vậy dạy em, để mai về em vẽ cho Sen."

Con Thắm đứng bên nghe vậy bèn lắc đầu, bĩu môi.

"Muốn vào cửa nhà em thì phải nịnh em, chứ ai đi nịnh anh Râu. Anh chỉ là hàng nhặt về thôi đấy."

Thằng Banh cười, đưa ra một xâu mứt. "Vâng, phải nịnh chủ nhà mới phải đạo. Vậy mời cô xơi."

Con Thắm nghe thế tít mắt, chẳng đoái hoài đến cả trâu lẫn anh Râu, bèn vừa ăn vừa kể vanh vách thứ Sen thích dạo nay.

Thế cuối cùng, giữa đồng cỏ xanh bát ngát, chỉ còn lại con trâu và anh Râu. Anh trông nó suốt một buổi chiều, để mặc cho thằng Banh học vẽ, còn con Thắm cứ liên tục bòn rút xâu mứt từ cậu nhóc, miệng huyên thuyên không ngớt về cái Sen.

Con trâu từ hôm bị ong đốt bèn đâm ra ghét anh, vừa mới thấy bóng anh từ xa đã tỏ vẻ kênh khiệu, lườm nguýt. Cuối chiều, anh tháo dây để dắt nó về, nó vùng vằng không chịu. Anh lườm trâu. Trâu lườm anh. Không ai chịu nhường ai, xung quanh chợt tăng lên vài phần oán khí.

"Đi dzìe." Anh mắng nó. Nhưng trâu vẫn không chịu nhúc nhích.

"Com'on, boy. Đi dzìe."

Nó vẫn ngoe nguẩy cái đuôi, liếc xéo anh đầy kì thị. Nhưng rồi nó thấy con trâu cái nhà hàng xóm lững thững bước qua, toàn thân rạo rực, liền nhanh chóng đứng phốc dậy tót theo.

Anh Râu tưởng mình đã thuyết phục được con trâu, bèn hứng khởi theo chân nó, cầm dây hoan hỉ ra về.

Thế là hết một ngày có ích của anh Râu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui