Đã gần một tháng nay cậu làm việc cho chủ tiệm pha lê, nhưng công việc không làm cậu thoải mái lắm.
Ông ta đứng suốt ngày sau quầy hàng với vẻ mặt ngán ngẩm, luôn miệng nhắc cậu phải cẩn thận kẻo vỡ.
Tuy thế cậu vẫn tiếp tục làm vì tuy ông già này bẳn tính nhưng sòng phẳng và tiền hoa hồng cho mỗi món bán được cũng kha khá, thành ra cậu cũng đã dành dụm được một chút ít.
Sáng hôm ấy cậu nhẩm tính: nếu tiếp tục làm như từ trước đến giờ thì cậu cần một năm mới mua nổi dăm ba con cừu.
"Cháu muốn đóng một cái kệ bày hàng pha lê", cậu nói với chủ tiệm.
"Ta có thể kê kệ trước cửa tiệm để lôi kéo khách đến đây".
"Ta không đóng kệ cũng bởi vì sợ người đi va phải, bể hết li tách", chủ tiệm đáp.
"Ngày trước, khi cháu dẫn cừu đi thì lúc nào cũng có nguy cơ chúng bị rắn cắn, nhưng đã làm thân cừu và người chăn chúng thì phải chấp nhận thôi".
Người chủ tiệm tiếp một ông khách, ông này mua luôn ba bình hoa.
Hàng họ bán chạy hơn bao giờ hết, khác nào thế giới quay lại cái thời mà con đường này là một trong những nơi hấp dẫn du khách nhất Tanger.
"Hàng họ bán chạy quá", chủ tiệm nói với cậu sau khi người khách kia đi khỏi.
"Tiền này sẽ cho phép ta được sống thoải mái hơn và chẳng bao lâu nữa cậu lại có một bầy cừu.
Thế thì việc gì phải làm thêm cho nhọc nhằn chứ?".
"Vì chúng ta phải làm theo dấu hiệu", cậu đáp để rồi hối tiếc đã lỡ lời, vì chủ tiệm pha lê đã từng gặp ông vua nào đâu.
"Cái đó gọi là thánh nhân đãi kẻ khù khờ.
Vì cuộc đời muốn rằng anh phải đi theo con đường của riêng mình", ông vua già đã nói thế mà.
Thế mà ông chủ tiệm cũng hiểu ý cậu đấy.
Ngay sự có mặt của cậu trong cửa tiệm đã là một dấu hiệu rồi.
Rồi khi tiền bắt đầu vào như nước thì ông không hối tiếc đã thuê chàng trai Tây Ban Nha này.
Lúc đầu vì ông nghĩ rằng không thể bán nhiều hơn trước nên đã đề nghị trả cậu tiền hoa hồng khá cao, thành ra cậu kiếm được nhiều hơn bình thường.
Nhưng trực giác ông cho biết chàng trai này nay mai thế nào cũng trở về với lũ cừu của cậu thôi.
"Vì lí do gì cậu lại muốn biết Kim Tự Tháp chứ?".
Ông hỏi để lái khỏi chuyện cái kệ.
"Vì cháu nghe kể hoài về chúng", cậu đáp nhưng tránh không đả động đến giấc mơ.
Cái kho tàng đã trở thành một kỉ niệm đau đớn nên cậu cố không nghĩ tới nữa.
"Ta chẳng quen biết một ai ở đây muốn vượt sa mạc chỉ để xem Kim Tự Tháp cả", chủ tiệm nói.
"Đó chẳng qua chỉ là những đống đá thôi.
Cậu có thể tự xếp lấy một cái ngay trong vườn cũng được cơ mà".
"Coi bộ ông không mơ ước được đi đây đi đó nhỉ", cậu đáp rồi quay qua tiếp một người khách mới bước vào tiệm.
Hai hôm sau chủ tiệm tìm cậu để nói về vụ cái kệ.
"Ta không ưa thay đổi", ông nói.
"Cậu và ta không giống như nhà đại phú thương Hassan kia.
Lỡ mua nhầm hàng thì ông ta cũng chẳng bận tâm gì.
Nhưng nếu một trong hai chúng ta nhầm lẫn thì khổ thân to".
"Đúng thế thật", cậu thầm nghĩ.
"Cậu cần cái kệ để làm gì?".
Chủ tiệm hỏi.
"Cháu muốn được trở về với lũ cừu càng sớm càng tốt.
Chúng ta phải tận dụng thời gian được may mắn.
Người ta gọi đó là nguyên lí đãi ngộ hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ."
Ông chủ tiệm già im lặng một lúc rồi nói: "Đấng tiên tri cho chúng ta kinh Koran và để lại có năm điều răn thôi để chúng ta tuân thủ trong đời sống.
Điều răn quan trọng nhất là: chỉ có một Thượng đế duy nhất.
Những điều răn kia là: mỗi ngày cầu nguyện năm lần, ăn chay trong tháng Ramadan, giúp kẻ bần hàn".
Ông ngừng nói.
Mắt ông rưng rưng khi nhắc đến Đấng Tiên Tri.
Vì ngoan đạo cho nên dù đôi khi bẳn tính ông vẫn cố sống theo lời răn của đạo Hồi.
"Thế còn điều răn thứ năm?".
Cậu hỏi.
"Hai hôm trước cậu bảo rằng ta không có ước mơ đi đây đi đó", nhà buôn pha lê đáp.
"Bổn phận thứ năm của một người Hồi giáo là ít nhất một lần trong đời hành hương đến thánh địa Mekka.
Mekka còn xa hơn Kim Tự Tháp nhiều.
Hồi trẻ, ta muốn dành dụm ít tiền để mua cửa tiệm này.
Lúc ấy ta nghĩ đến một ngày đủ khá giả để đi Mekka.
Rồi ta kiếm được khá tiền nhưng lại không nhờ ai trông hàng được vì pha lê rất dễ vỡ.
Mà ta lại thấy nhiều người đi hành hương Mekka kéo qua trước cửa nhà.
Có vài người giàu kéo theo cả đoàn người làm và lạc đà, nhưng phần lớn họ nghèo hơn ta nhiều.
Ai nấy hớn hở trở về và treo dấu hiệu của chuyến hành hương trên cửa.
Một người trong bọn họ, chỉ là thợ sửa giầy thôi, kể ta nghe rằng ông ta đã mất suốt gần một năm để vượt sa mạc, thế mà vẫn thấy không cực bằng đi lùng trong khu phố Tanger tìm cho ra loại da thuộc thích hợp".
"Nếu thế thì sao ông không đi Mekka ngay lúc này?" Cậu hỏi.
"Vì Mekka giúp ta có được sức sống, chịu đựng nổi cái đơn điệu nhàm chán của đời sống ngày này qua ngày khác đối diện với những món hàng vô tri trên kệ kia và nuốt cho trôi những bữa ăn trong cái quán kinh khủng nọ.
Ta sợ sau khi đã đạt được ước mơ rồi thì không còn thúc đẩy mình tiếp tục sống nữa.
Cậu mơ có cừu và được thấy Kim Tự Tháp.
Cậu khác hẳn ta vì cậu muốn đạt được ước mơ.
Còn ta chỉ muốn mơ về Mekka thôi.
Ta đã từng trăm lần hình dung mình vượt sa mạc, đến được quảng trường có đặt tảng đá thiêng và phải đi quanh bảy vòng trước khi được sờ tảng đá.
Ta đã mường tượng sẽ có những ai ở quanh mình lúc đó, những kinh cầu và cả những lời chúng ta nói với nhau.
Song sợ bị thất vọng não nề, nên ta chọn cách chỉ mơ thôi."
Hôm ấy chủ tiệm đồng ý cho đóng kệ trưng bày hàng.
Ông và cậu, mỗi người có một quan niệm riêng về mơ ước.
Đăng bởi: admin