Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Hôm sau, Đan Thanh không thể nào gắng đến xưởng làm nổi. Như những ngày chán chường khác, chàng thơ thẩn quanh phố xá. Chàng trông thấy các bà nội trợ, các chị giúp việc đi chợ. Chàng la cà quanh máy nước trong khu chợ cá, quan sát bạn hàng cá và các bà vợ béo mập của họ đang rao bán, xem họ vứt từng con cá lạnh ngắt vẩy bạc ra khỏi những thùng to để bày bán, những con cá há mồm đau đớn, cặp mắt vàng đã đứng tròng vì hãi sợ như đang im lìm chờ chết hoặc chống cự trong cuồng nộ và tuyệt vọng. Chàng xót xa vì thương hại loài vật và vì buồn chán loài người. Tại sao con người lại sắt đá và thô bạo, ngu xuẩn và vô cảm không tưởng được. Sao bạn hàng cá vợ họ và những người đi chợ chỉ biết mặc cả mà không nhìn thấy những chiếc mồm, cặp mắt kinh hoàng vì sợ chết, những chiếc đuôi còn đập một cách man dại, một cuộc chiến đấu ghê rợn, vô hiệu và tuyệt vọng, những sinh vật xinh đẹp lạ thường ấy sắp biến thành những khứa cá mỏng đáng thương trên bàn tiệc của những thực khách vui vẻ, một thoáng rùng mình lặng lẽ lướt trên làn da phảng phất hồn chết trước khi nằm cứng đơ đi vào cõi chết. Những người này không trông thấy gì, chẳng biết, chẳng nhận thức được gì; không có gì làm họ xúc động. Một sinh vật xinh đẹp khốn khổ có thể gục chết trước mặt họ, hoặc một pho tượng truyền cảm của một vị thánh toát ra niềm hy vọng thanh cao, nỗi thống khổ dày đặc tăm tối của kiếp người.
Hiển nhiên như thế mà họ không nhìn thấy, không hề xúc động. Họ vẫn vui vẻ, bận rộn, điệu bộ quan trọng, hối hả, reo hò, cười đùa, xô đụng vào nhau, ồn ào kể chuyện tếu, kêu thét vì hai đồng "pennies", cảm thấy tốt đẹp được là công dân đứng đắn, họ bằng lòng với nhau, với cuộc đời. Thật là một lũ heo, thô bỉ và tồi tệ hơn heo! Đương nhiên chàng cũng thường là một người như bọn họ, sung sướng với họ, chạy theo gái, vui vẻ ăn món cá chiên không hề biết lợm giọng. Nhưng chẳng chóng thì chầy, như có chiếc đũa thần đụng đến, niềm vui và yên ổn bỗng chốc rời xa, tất cả những cảm tưởng no béo, tự thấy thỏa mãn, tự thấy quan trọng và cả sự bình lặng bề mặt của tâm thức rồi cũng không tồn tại. Một cái gì đẩy chàng rơi vào cô đơn và tư lự về khổ và chết, về tính hợm hĩnh của người đời, rồi chàng chăm chú nhìn xuống vực thẳm. Có lúc từ hố sâu tuyệt vọng của cuộc đời vô dụng và ghê tởm niềm vui chợt bừng nở, một say đắm mãnh liệt được hát lên một bài ca hay được họa một bức tranh. Chàng chỉ trở lại thỏa hiệp với cuộc đời một cách trẻ thơ khi thưởng thức một đóa hoa ngát hoặc nô đùa với con mèo. Và bây giờ cũng là một lần chàng trở lại với cuộc đời. Ngày mai hoặc ngày kia thế gian lại trở nên tốt đẹp và thần tiên. Đến một mức độ nào đó, buồn nản và lo âu lại hiện về, ân hận vì những con cá chết cóng và những nụ hoa tàn héo ghê sợ vì lòng người trơ lì, cuộc đời xấu như heo, con người có mặt nhưng không nhận thấy tình người. Chính trong những giây phút này mà chàng nhớ đến Viên. Tò mò cắn rứt và thống khổ miên trường, chàng nghĩ đến gã bộ hành lang thang mà ngày trước chàng đã đâm một dao vào mạng sườn và đã để gã nằm dài trên mớ cành thông đẫm máu. Chàng không hiểu Viên sẽ ra sao. Muông thú có ăn hết thân gã hoặc để lại chút gì chăng? Có lẽ còn xương và một nắm tóc. Rồi xương sẽ biến thành gì nữa? Phải mười hoặc vài mươi năm, xương mới mòn nhẵn và nát vụn.
Nhìn kẻ qua người lại trong chợ cảm thấy thương xót toài cá và ghê tởm loài người, đau khổ và buồn bã trào dâng trong tim, căm hận khôn tả đối với thế gian và đối với chính mình, một lần nữa, chàng lại nghĩ đến Viên. Có thể gã đã được chôn cất? Và trong trường hợp ấy, tất cả thịt có tróc ra khỏi xương, nát rữa hết, và sâu bọ có đục khoét tất cả? Tóc gã có còn dính trên sọ, lông mày có còn trên lỗ hổng tròng mắt? Đời sống của Viên còn giữ lại được những gì? Một cuộc đời chứa đựng bao chuyện phiêu lưu, một cuộc sống đầy dẫy vui chơi, đùa bỡn? Còn lại những gì ngoài kỷ niệm về kẻ đã giết gã? Hình bóng Viên có còn mãi trong giấc mơ của những người đàn bà đã từng yêu gã? Hoặc mọi vết tích của gã rồi sẽ tan biến? Mọi người, mọi vật rồi cũng như gã: một đóa hoa ngát hương nở vội để rồi phai tàn và bị lớp tuyết che lấp. Bao nhiêu điều đã bừng nở trong tâm chàng khi mới đến thành phố này cách đây vài năm, hăng say vì khao khát nghệ thuật, lòng kính nể sâu đậm thầy Không Lộ - để rồi còn gì lưu lại? Không gì hết, có chăng là gã xấu số Viên cao nghệu, dáng điệu phách lối. Nếu vài năm trước đây, có ai kể cho chàng nghe là sẽ có ngày Không Lộ biết tài nghệ chàng tương xứng với ông ta và sẽ yêu cầu Hội đoàn cấp văn bằng bực thầy cho chàng, chàng sẽ tin ngay và không lúc nào trong đời chàng sẽ sung sướng hơn. Bây giờ sự thành công không là gì cả, chỉ là một đóa hoa tàn, khô héo; niềm vui đã mất hút.
Giữa bao suy tư, bỗng nhiên Đan Thanh trực nhận một điều. Điều ấy chỉ tồn tại trong thoáng chốc như một tia chớp lóe sáng. Chàng nhìn thấy khuôn mặt người Mẹ chung hướng về vực thẳm cuộc đời, nụ cười chợt tắt, một nụ cười vừa diễm lệ vừa kinh sợ. Mẹ đang tưởng vọng đến từ và sinh, đến hoa xuân phơi phới và lá thu xào xạc, đến nghệ thuật và trụy lạc.
Tất cả đều đồng nghĩa với người Mẹ chung này. Nụ cười của Mẹ thật lạnh lùng như vầng trăng lơ lửng trên vạn vật, âu sầu và trầm mặc. Con cá chép chết lạnh trên thềm đá trong chợ cũng như Đan Thanh đều được Mẹ yêu quý; Mẹ trìu mến cả nắm xương vụn rải của Viên, kẻ đã toan trộm tiền vàng của chàng và âu yếm cả cô gái Ly Phương kiêu hãnh và lãnh đạm.
Tia chớp lại tắt mất; gương mặt kỳ ảo của Mẹ tan biến. Nhưng ánh sáng nồng ấm và héo hắt vẫn tiếp tục run rẩy trong tận tâm hồn chàng, nhịp đập của sức sống, của khổ đau, của ham muốn vẫn lay chuyển trái tim chàng. Không, không, chàng không muốn nỗi vui sướng mãn nguyện giống bao kẻ khác, những kẻ bán cá, dân thành thị, những người luôn bận rộn. Hãy để chúng nó lao xuống địa ngục. Ôi! Gương mặt xanh xao và nhăn nhíu của Mẹ, chiếc miệng chín mọng giữa mùa hạ bừng tỏa và trên đôi môi tươi dày hé nụ cười của định mệnh, trong như gió thoảng, mờ như ánh trăng.
Đan Thanh đến nhà thầy, vào gần trưa, và chờ Không
Lộ xong việc rửa tay. Chàng đi vào trong.
Xin phép được thưa chuyện với thầy, khi nào thầy rửa tay và mặc áo? Tôi sắp chết vì những sự thật đầy ắp trong miệng. Tôi muốn nói chuyện với thầy vì có lẽ ngoài lần này ra tôi không thể nào nói đúng được nữa. Tôi phải nói đến thân phận làm người và có lẽ thầy là người duy nhất có thể hiểu rõ. Không phải tôi đang nói với một người nổi tiếng vì xưởng điêu khắc, được nhiều thành phố lớn và tu viện trọng vọng và dành nhiều quyền hạn, người có ngôi nhà đẹp và hai người thợ phụ. Tôi đang nói với vị thầy đã tạc tượng Đức Mẹ nơi tu viện ở ngoại thành, pho tượng đẹp nhất mà tôi được biết. Tôi yêu kính và sùng bái con người ấy, có lẽ mục đích đời tôi là cố trở nên như ông ta. Bây giờ tôi đã hoàn thành một bức tượng, tượng Thánh Gioan. Tuy chưa được tuyệt mỹ bằng tượng Đức Mẹ của thầy, nhưng cũng có vẻ riêng của nó. Tôi không hoạch định thêm bức tượng nào khác, không một ý niệm nào để thực hiện tiếp. Giả sử có chăng là hình ảnh cao vời của một vị thánh mà tôi sẽ tạc hình một ngày gần đây, nhưng không phải ngay lúc này. Để có thể thực hiện được, tôi còn phải ngắm nhìn nhiều, rút thêm kinh nghiệm. Có lẽ tôi sẽ đủ tài để điêu khắc trong ba hoặc bốn năm, hoặc mười năm sau, lâu hơn hoặc không bao giờ. Nhưng cho đến lúc đó, thưa thầy, tôi không muốn làm việc như một ngươi thợ thủ công, tráng "lắc" trên các pho tượng và chạm trổ nơi các giảng đường, kéo lê kiếp sống của một nghệ công trong xưởng. Tôi không muốn kiếm tiền và trở thành thợ như mọi người. Tôi không muốn thế. Tôi muốn sống và đi hoang, cảm thức hạ đến đông về, chứng nghiệm thế gian, thưởng ngoạn tất cả vẻ đẹp và xấu. Tôi muốn khổ vì đói, khát, và tự buông thả, tự thanh lọc đối với những gì tôi đã sống và học nơi thầy tại đây. Một ngày kia, tôi mong ước sẽ sáng tác một nghệ phẩm sống động, thật đẹp và thật thâm trầm như tượng Đức Mẹ của thầy - nhưng tôi không muốn giống thầy hoặc sống cuộc đời như thầy.
- Không Lộ đã rửa tay và lau khô. Ông quay lại và nhìn Đan Thanh. Trông ông thật nghiêm và không vẻ gì giận dữ.
- Cậu đã nói xong, ông nói, và tôi đã nghe. Bây giờ cậu chớ nên lo nghĩ. Tôi không hy vọng cậu đến để làm việc mặc dù có nhiều việc phải làm. Tôi không xem cậu như người thợ phụ, cậu cần tự do. Tôi muốn thảo luận với cậu về vài vấn đề, Đan Thanh thân mến, nhưng chưa phải lúc này, mà vài ngày sau. Cậu cũng biết là tôi già hơn cậu và đã học được một ít điều. Tôi nghĩ khác hơn cậu, nhưng tôi hiểu cậu và biết những gì hiện có trong tâm hồn cậu. Vài ngày nữa tôi sẽ tìm cậu. Chúng ta sẽ bàn về tương lai của cậu; tôi có nhiều dự định. Cho đến lúc ấy, cậu hãy kiên nhẫn. Tôi biết rất rõ một người sẽ cảm nhận ra sao khi vừa hoàn thành một tác phẩm quan trọng với chính mình, tôi biết đó là một sự trống rỗng. Và rồi sẽ qua đi, hãy tin tôi.
Đan Thanh ra về, không được hài lòng. Thầy đã giải thích đúng, nhưng sẽ được giúp đỡ thế nào? Đan Thanh biết đến một chỗ dọc theo dòng sông, nước không sâu lắm, dưới đáy phủ đầy mọi thứ rác rến, nơi nhiều dân chài thường đến quăng lưới. Chàng ngồi trên bờ đập và quan sát dòng nước. Chàng rất ưa thích nước, nơi nào có nước đều lôi cuốn chàng. Từ chỗ này, xuyên qua dòng nước trong suốt như sợi pha lê, ta có thể ngắm những lượn sóng dày đặc dưới đáy; sóng vàng chiếu lóng lánh khắp nơi, nước long lanh thật quyến rũ, trông như lá kim khí vở ra từng mảnh vụn hoặc như lưỡi hái cong queo, hoặc một tảng đá trơ phẳng, hoặc tấm ngói tráng men hoặc đó là cá trong bùn, một tia sáng đang chiếu rọi trong khoảnh khắc những vảy cá nhấp nhánh trên làn da và dưới bụng. Chưa bao giờ có ai phân biệt chính xác nhưng nơi đó luôn luôn đẹp quyến rũ và mê đắm; triều sóng mong manh phản chiếu cả một kho vàng chìm sâu dưới lòng đất đen ẩm ướt. Tất cả đều huyền bí như mặt nước kia, hình như đối với chàng, mọi hình ảnh chân chất tận tâm khảm đều kỳ ảo như vậy, không có đường ngoại vi hoặc sắc nét: chỉ có thể lờ mờ đoán nhận, như có một khoảng cách diệu ảo khả dĩ bao trùm nhiều ý nghĩa. Thật khó diễn bày, ví như vàng và bạc cùng nhấp nhánh thoáng giây run rẩy trong vùng sáng lúc hoàng hôn tận đáy sông xanh thẳm; đó là ảo giác bàng bạc, tuy nhiên lại hứa hẹn một khoái cảm tột độ, như bóng hình thoáng hiện của một người, thấy một nửa từ phía sau lưng, đôi khi lại hứa hẹn một vẻ đẹp vô bờ, đôi khi là âu sầu cùng cực. Chẳng khác nào chiếc đèn lồng treo dưới xe ngựa ban đêm phóng lên tường bóng những chiếc căm xoay tròn, đã tạo trong chốc lát chiếc bóng nhảy múa có thể gợi đến những ảo ảnh, biến cố theo sử sách của Virgile. Và trong những giấc mơ về đêm, tất cả đều thần tiên và huyền ảo, đều không là gì cả nhưng lại chất chứa tất cả hình ảnh của thế gian, giống như một đại đương pha lê trong suốt ôm chứa bao hình dáng của muôn kiếp người, loài vật, thiên thần và ác quỷ luôn luôn sống động.
Chàng lại trôi vào cơn mơ. Đôi mắt lạc loài nhìn chăm chú con sông chảy lờ lững, ánh sáng mờ tỏa từ đáy vực, chàng tưởng tượng đó là vương miện các vì vua và bờ vai trần phụ nữ. Chàng nhớ lại có một ngày ở tu viện Thánh n, chàng đã khám phá những chữ La Tinh và Hy Lạp có hình thể tương tự và chúng có thể biến hình một cách thần diệu. Phải chăng chàng đã từng thảo luận với Huyền Minh? Vào lúc nào? Từ bao thế kỷ trước? Huyền Minh! Nếu được gặp anh, chỉ một giờ nói chuyện với anh, nắm lấy đôi bar tay anh, nghe tiếng anh trong và ấm, chàng sẵn sàng đánh đổi hết kho báu của mình.
Sao những sự vật lại đẹp lạ lùng, ánh sáng vàng rực dưới đáy nước ấy, những bóng mờ chợt hiện, chợt biến, tất cả đều hư ảo thần tiên, không làm sao lột tả được hết vẻ tuyệt mỹ mê đắm ấy vì tất cả đều đối nghịch với vẻ đẹp do người nghệ sĩ sáng tạo nên. vẻ đẹp của những sự vật mờ ảo ấy không mang một hình thể nào rõ nét và cũng không dung chứa một điều gì ngoài vẻ huyền bí. Đúng là đối nghịch với tác phẩm của mỹ thuật vì mỹ thuật căn bán hình thể và sự chính xác tuyệt đối. Không có gì rõ rệt và xác định bằng đường cong khóe miệng đã vẽ hoặc mái đầu chạm khắc trên thở gỗ. Chàng có thể vẽ lại thật chính xác trong khoảng một ly bờ môi dưới hoặc đôi mí mắt bức tượng Đức Mẹ của thầy Không Lộ, không có gì bất định, hoặc biến đổi, mông lung.
Đan Thanh chìm lỉm trong ý nghĩ của chàng. Chàng không thể hiểu tại sao tâm thức lại có thể cảm nhận những gì xác định và tượng hình cũng bằng một phương cách với những gì không hiển lộ, không hình thể. Có một điều mà chàng vừa bắt đầu hiểu rõ là tại sao có bao nhiêu nghệ phẩm hoàn mỹ chàng lại không thích, tại sao chúng làm chàng ghét bỏ và bực bội. Xưởng điêu khắc, nhà thờ, đền đài, đầy dẫy những nghệ phẩm đáng tiếc ấy; chính chàng cũng dự phần vào việc thực hiện. Chúng làm chàng thất vọng ê chề vì tuy gợi lên sự hướng vọng về những gì cao cả nhất, chúng lại không làm ta thỏa mãn. Chúng thiếu hẳn điểm cốt yếu nhất: vẻ huyền bí. Huyền bí chính là mấu chốt mà những giấc mơ và kiệt tác nghệ thuật đều có.
Dòng tư tưởng của Đan Thanh tiếp tục tuôn chảy: "Huyền bí là đối tượng tôi yêu thương và đeo đuổi. Có nhiều khi tôi đã thấy chớm tượng hình, như một nghệ sĩ tôi muốn chiếm đoạt và hiển hiện. Một ngày nào đó, có thể tôi sẽ thành tựu. Đó là khuôn mặt người Mẹ đại thể, đấng sinh thành siêu vĩ. Không phải như những khuôn mặt khác, huyền bí của Mẹ không chỉ ở chi tiết nọ kia, ở nét sung mãn hoặc xơ xác, thô sơ hoặc vi tế, dáng dấp mạnh mẽ hoặc yểu điệu. Huyền bí thật sự phải là tương phản tột độ đến mức nóng chảy; chỉ có an bình trên khuôn mặt và tồn tại song song: sinh và tử, từ ái và bạo lực, sức sống và hủy diệt. Nếu tôi chỉ tưởng tượng ra khuôn mặt ấy rồi trưởng thành trong suy tư, cũng không có gì là hệ trọng. Như một lỗi lầm, ta có thể xua đuổi và quên hẳn. Nhưng người Mẹ đại thể không phải là một ý niệm suông của tâm thức; không phải tôi đã nghĩ đến mà tôi đã nhìn thấy! Mẹ sống trong tôi. Tôi sẽ gặp lại Mẹ mãi mãi. Mẹ đã hiện ra trong một đêm mùa đông ở làng quê khi tôi cầm đèn cho một thôn phụ lâm bồn: chính lúc ấy hình ảnh Mẹ đến với tôi từ nội tại. Thường khi tôi lạc mất bóng Mẹ; có một thời gian thật lâu Mẹ đã ẩn khuất thật xa, nhưng bỗng chốc, như ánh chớp Mẹ hiện về thật rõ như ngày hôm nay. Hình ảnh người Mẹ của tôi, người mà tôi yêu thương nhất trong đời, đã tự chuyển đổi sang hình ảnh mới lạ này, để rồi thâm nhập và kết chặt vào nhau như hạt nhân trái anh đào."


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui