Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Đan Thanh không mong gì hơn. Kế bên cổng vào sân chàng đã làm được một cái chái trống thích hợp để mở xưởng. Chàng đặt thợ mộc làm một bản vẽ và các dụng cụ khác, tất cả được thực hiện theo họa đồ do chàng vẽ lấy. Chàng lập một danh sách vật liệu mà bác lái xe hàng cho tu viện phải chở về từ các thành phố chung quanh, một danh sách khá dài. Chàng xem xét tất cả thước gỗ đã đốn xuống trong xưởng mộc hoặc vào tận trong rừng, chọn lựa nhiều mẫu và mang về chất đống trên đám cỏ phía sau xưởng, nơi chàng phơi gỗ dưới mái che do chính tay chàng cất lên. Chàng cũng làm việc nhiều với bác thợ rèn, cùng đứa con của bác, một cậu thanh niên mơ mộng, đã chiếm được cảm tình của chàng. Họ làm việc bên nhau nửa ngày trời trong lò rèn, cạnh cái đe, máng nước lạnh và phiến đá mài. Họ rèn tất cả lưỡi dao cong và thẳng, dao khắc, lưỡi khoan, lưỡi bào cần thiết cho việc đẽo gỗ. Con của bác thợ rèn, cậu Bảo Ân, một cậu thiếu niên trạc hai mươi, đã trở thành bạn của Đan Thanh. Cậu ta giúp chàng mọi việc, luôn luôn vui vẻ vì thích việc và tò mò . Đan Than hứa sẽ dạy cậu ta đàn, môn cậu rất ham thích, và chàng cũng cho phép cậu thử điêu khắc. Nhiều lúc ở tu viện, Đan Thanh cảm thấy vô dụng và chán nản khi giáp mặt Huyền Minh, chàng có thể khỏa lấp phần nào khi có Bảo Ản bên cạnh. Bảo Ân thương chàng một cách rụt rè và ngưỡng mộ chàng vô hạn. Cậu ta thường bảo chàng kể chuyện về thầy Không Lộ và thành phố của vị giám mục. Đôi khi Đan Thanh cũng vui thích kể lại. Rồi chàng chợt kinh ngạc thấy mình ngồi như một ông già, thuật lại những chuyến phiêu lưu trong quá khứ, trong khi đời sống thực sự của chàng chỉ mới bắt đầu từ bây giờ.
Gần đây chàng đã biến đổi rõ rệt và già hẳn so với tuổi đời, nhưng không ai nhận ra, không ai biết chàng thuở trước. Những khó nhọc suốt đoạn đời lang thang; vô định đã làm hao mòn hết sức lực chàng, bệnh dịch khủng khiếp rồi cuối cùng bị giam cầm trong lâu đài của viên Bá tước, và đêm hãi hùng dưới hầm tối đã lay chuyển con người chàng tận cội rễ. Những kinh nghiệm trên đã để lại nhiều dấu vết: tóc đã hoa râm, râu đã mất màu vàng óng, nếp nhăn đã hằn trên mặt với những đêm thao thức. Hứng khởi và tò mò không còn nữa thay vào là cơn mệt mỏi ăn sâu vào tận tâm hồn. Tình cảm khô cạn vì chàng đã sống quá sung mãn, thừa mứa.
Trong khoảng thời gian chuẩn bị công việc, hoặc chuyện vãn với Bảo Ân cùng làm việc với bác thợ rèn, thợ mộc chàng trở nên hăng hái, lấy lại tuổi trẻ, mọi người đều ngưỡng mộ và yêu mến chàng; nhưng vào những lúc khác, chàng đã ngồi hằng giờ, dã dượi, khẽ mỉm cười và mơ mộng, lòng hờ hửng và lãnh đạm, buông trôi tất cả.
Vấn đề rất quan trọng đối với chàng là bắt đầu công việc như thế nào. Việc đầu tiên mà chàng muốn làm tại đây và cũng để trả ơn lòng đối đãi của tu viện trưởng, không phải là một tác phẩm tầm thường mà ai cũng có thể đặt được vào bất cứ vị trí nào để thỏa mãn tính hiếu kỳ của người đời. Công trình của chàng phải thầm nhập mật thiết vào cuộc sống của tu viện cùng với những nghệ phẩm có đã có và phải hài hòa với tổng thể kiến trúc cũ. Chàng muốn xây một bệ thờ hoặc một giảng đài nhưng không cần thiết và cũng không có chỗ trống. Chàng nghĩ ra một việc khác. Có một bục cao trong nhà ăn, nơi mà một sư huynh đọc lại truyện tích các Thánh trong giờ ăn. Bục cao ấy chưa được trang hoàng. Đan Thanh quyết định điêu khắc những bậc thang lên cao như một giảng đài với một bức chạm nổi chung quanh và một số tượng khác để đứng. Chàng giải thích đồ án này cho tu viện trưởng và được chấp thuận.
Khi khởi sự công việc, tuyết đã rơi, Giáng sinh đã qua -đời sống của Đan Thanh bước qua một sắc thái mới. Chàng như đã biến mất khỏi tu viện, không còn ai trông thấy chàng nữa. Chàng không còn thơ thẩn trong rừng hoặc bách bộ dưới các vòm cung. Chàng không còn chờ đợi giờ các học sinh tan học. Chàng dùng bữa trong nhà máy xay. Người chủ máy xay không phải là người ngày xưa khi chàng còn là học sinh đến thăm viếng. Và chàng không cho phép ai vào trong xưởng ngoại trừ Bảo Ân, và có nhiều ngày chính cậu ta cũng chẳng nghe chàng mở miệng.
Đối với công trình thứ nhất này, chàng đã nghĩ ra từ lâu một thiết kế như sau gồm có hai phần, một biểu thị cho thế gian, một cho lời của Chúa. Phần bên dưới, chung quanh các bực thang, để biểu thị cho tạo vật, những hình ảnh thiên nhiên, đời sống bình thường của chư tổ và các nhà tiên tri. Bên trên khung lan can là hình ảnh bốn vị thánh tông đồ. Một trong những trứ giả của Phúc âm sẽ có nét mặt của tu viện trưởng Từ Vân nhân hậu, một người khác là cha Lương, người kế vị, và pho tượng của thánh Luke sẽ làm hình ảnh thầy Không Lộ trở nên bất diệt.
Chàng đã gặp nhiều trở ngại lớn hơn chàng đã dự liệu. Và những trở ngại này đã mang đến nhiều phiền toái, nhưng là những phiền toái ngọt ngào. Hiện giờ chàng thích thú và đôi khi chàng lại thất vọng, chàng theo đuổi công việc của chàng như phải đối đầu với một người đàn bà miễn cưỡng, chàng chiến đấu với khó khăn một cách quả quyết và mềm dẻo như người đánh cá chiến đấu với con cá trắm to lớn, và mỗi kháng cự đều gợi cho chàng xúc cảm sâu xa. Chàng đã quên mọi việc khác. Chàng quên cả tu viện, gần như quên cả Huyền Minh. Huyền Minh có đến vài lần, nhưng chỉ để xem những bản vẽ.
Rồi một hôm Huyền Minh đã ngạc nhiên vì Đan Thanh yêu cầu được xưng tội với chàng.
-Trước đây, tôi không thể quyết định đến xưng tội, Đan Thanh thừa nhận. Tôi đã cảm thấy quá nhỏ bé, hoàn toàn nhỏ bé trước mặt anh. Bây giờ tôi cảm thấy lớn mạnh hơn, tôi hiện có công việc của tôi và sẽ không còn là một tên vô lại. Và kể từ bây giờ, tôi muốn đặt mình vào khuôn khổ của tu viện.
Bây giờ chàng cảm thấy đồng đẳng với Huyền Minh trong công việc và không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Những tuần đầu tiên trầm tư tại tu viện, sự thoải mái của cảnh trở lại mái nhà, những kỷ niệm thuở hoa niên, và những câu chuyện mà Bảo Ân đã hỏi chàng, tất cả điều đó mang lại cho chàng một ít say mê.
Huyền Minh đã nhận cho chàng xưng tội kéo dài khoảng hai giờ, không cần nghi thức. Với gương mặt bất động, tu viện trưởng lắng nghe những cuộc phiêu lưu thống khổ và tội lỗi của bạn mình, đặt nhiều câu hỏi, không bao giờ ngắt lời và lắng nghe một cách thụ động, kể cả đoạn Đan Thanh thú nhận chàng đã mất hết đức tin nơi Thượng đế, công bằng và toàn thiện. Huyền Minh phải dội người vì lời tự thú của kẻ xưng tội. Chàng không thể tưởng tượng được bạn chàng đã giao động và khủng khiếp đến mức độ nào, đôi khi đã tiến gần sát đến sự hủy diệt. Và rồi chàng lại mỉm cười xao xuyến xúc động khi thấy bạn chàng vẫn còn giữ được bản chất ngây thơ, vẫn lo sợ và hối hận vì những tư tưởng bất chính của mình, những điều khá vô hại so với vực thẳm hoài nghi đen tối nơi chính chàng.
Đan Thanh rất đỗi ngạc nhiên, gần như thất vọng vì cha xưng tội không xem tội lỗi của chàng là nghiêm trọng, mà lại hết lời khiển trách và quở phạt vì chuyện không cầu nguyện, không xưng tội, không rước mình thánh. Chàng bị bắt buộc phải chịu khổ hạnh sám tội như sau: sống tiết dục và trong sạch trong một tháng trước khi rước mình thánh, dự thánh lễ mỗi sáng, và cầu kinh Lạy Cha ba lần và một lần kinh "Kính mừng Maria Đức Mẹ Chúa Trời" mỗi chiều.
Sau đó Huyền Minh nói với chàng:
-Tôi dặn anh đừng xem nhẹ những khổ hạnh này. Tôi không hiểu là anh có còn thuộc kinh lễ hay không? Anh phải đọc theo từng chữ một và tự dâng mình cho mỗi ý nghĩa. Chính tôi sẽ cùng đọc kinh với anh hôm nay, giảng giải ý nghĩa lời kinh mà anh phải đặc biệt hướng sự chú trọng đến. Anh phải đọc và nghe những chữ thiêng liêng không phải như một người đọc và nghe những chữ thông thường. Anh phải tự nắm vững vừa đúng để khỏi quay cuồng bởi những từ ngữ, điều này sẽ xảy đến thường hơn anh tưởng, anh phải nhớ giờ khắc ấy và sự dặn dò của tôi, và anh phải khởi sự lại từ đầu và đọc lên từng chữ sao cho thấm nhập vào tận tim anh, như tôi sẽ chỉ cho anh.
Không biết do sự tình cờ hay do tài xét đóan của tu viện trưởng về tâm hồn người, mà Đan Thanh quả có được một giai đoạn an bình sung mãn sau kỳ xưng tội và hành sám ấy. Giữa bao mối căng thẳng, lo âu và thỏa mãn đối với công việc điêu khắc, mỗi sáng chiều chàng lại thấy mình được nhẹ nhõm nhờ những thời luyện tập tâm linh, đọc kinh, tuy dễ dàng nhưng cần chú ý ấy. Cả con người chàng phục tòng một trật tự cao cả mang chàng ra khỏi cảnh cô lập nguy hiểm của người sáng tạo, biến chàng thành một đứa trẻ trong nước Chúa.
Nhưng không luôn luôn được như vậy. Đôi khi chàng không an lòng và thoải mái lúc chiều về, sau những giờ làm việc hăng say. Thỉnh thoảng chàng quên đọc kinh, và nhiều lần trong lúc đọc; chàng bị dày vò bỡi ý nghĩ rằng chung quy những lời cầu nguyện chỉ là trò trẻ con trước một ông Thượng đế không có thật, hoặc dù có thật cũng không giúp được gì. Chàng thố lộ điều ấy với bạn. Huyền Minh bảo:
-Hãy cứ tiếp tục, anh đã hứa anh phải giữ lời. Anh không được nghĩ Chúa có nghe lời anh xin hay không, hoặc Ngài có hiện hữu hay không. Anh cũng không được nghĩ rằng mình đọc kinh như vậy có phải trẻ con không. Đối với Ngài, tất cả mọi việc làm chúng ta đều trẻ con. Anh phải tự cấm chế triệt để những tư tưởng điên rồ ấy trong lúc đọc kinh. Hãy dấn trọn mình cho những lời kinh như thể khi anh đàn hay hát. Anh không có những tư tưởng mơ mộng trong lúc đó, phải không? Không, anh chỉ nhấn nốt nhạc bằng những ngón tay một cách nhất tâm thuần thục càng nhiều càng hay. Khi anh hát cũng vậy anh không tự hỏi hát như thế nào, có ích lợi gì hay không. Anh chỉ có việc hát. ́y, anh cũng phải cầu nguyện y như vậy.
Một lần nữa, lời khuyên ấy thành công; cái ngã tham lam bướng bỉnh của Đan Thanh tự dập tắt trong giáo đường. Một lần nữa những lời kinh khả kính lại bay lượn trên đầu chàng như những vì sao.
Tu viện trưởng rất bằng lòng thấy Đan Thanh vẫn tiếp tục khổ ta mỗi ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau khi thời kỳ sám tội đã chấm dứt, sau khi chàng đã nhận các phép bí tích.
Trong khi ấy, công việc của Đan Thanh vẫn tiếp tục tiến triển. Một thế giới nhỏ hiện lớn lên từ những bực thang hình trôn ốc dày đặc: sinh vật cây cỏ, muông thú và loài người. Ngay giữa là Noah đứng trong đám lá và chùm trái nho. Công trình giống như một tập tranh ảnh ca tụng sự sáng tạo một thế giới đẹp đẽ, chàng tự do diễn đạt nhưng vẫn chịu định hướng một trật tự và kỷ luật nội tâm. Suốt những tháng ấy, không ai ngoài Bảo Ân trông thấy được công trình, cậu ta được phép làm những việc nho nhỏ và không ước mơ gì hơn ngoài việc trở thành nghệ sĩ. Nhưng cũng có vài ngày nào đó, cả cậu ta cũng không được vào trong xưởng điêu khắc. Có những ngày Đan Thanh sống với cậu ta, chỉ bảo cậu ta vài việc và để cậu ta tập làm thử, chàng vui vì có được một người môn đệ tin tưởng mình. Nếu công việc thành công tốt đẹp, chàng sẽ xin cha của Bảo Ân để cậu đến tập sự hẳn như một người phụ tá thường trực.
Chàng đã tạc pho tượng các trứ giả trong những ngày tươi đẹp nhất đời chàng, tất cả cùng hòa điệu không một thoáng nghi ngờ. Chàng nghĩ là sẽ thành công hơn hết với bức tượng mang nét mặt của tu viện trưởng Từ Vân. Chàng thương yêu bức tượng ấy vô cùng, một gương mặt rạng rỡ ân cần và tinh khiết. Chàng không thỏa mãn lắm với pho tượng thầy Không Lộ, mà Bảo Ân ái mộ nhất. Pho tượng ấy hiển lộ một cái gì bất ổn, đau buồn, vừa tràn trề dự ước sáng tạo cao xa mà lại vừa mang nặng một cảm thức tuyệt vọng về sự vô ích của sáng tạo; vừa tiếc thương cho một hòa điệu và tính hồn nhiên đã mất.
Khi pho tượng tu viện trưởng Từ Vân đã xong, chàng nhờ Bảo Ân quét dọn xưởng. Chàng phủ kín các bức tượng dưới những tấm vải che và chỉ đặt một bức duy nhất ra ánh sáng. Rồi chàng đi tìm Huyền Minh, Huyền Minh mắc bận, chàng kiên nhẫn đợi đến ngày hôm sau. Vào giữa trưa chàng đã dẫn bạn đến xem bức tượng.
Huyền Minh đứng yên nhìn ngắm. Chàng đứng đó thật lâu, quan sát công trình với tất cả chú tâm và cẩn trọng của một nhà học giả. Đan Thanh đứng sau lưng chàng, im lặng, cố gắng chế ngự cơn bão trong lòng mình. Đan Thanh nghĩ: "Ôi! Nếu một trong nghệ phẩm của ta không qua nổi kỳ trắc nghiệm này, thì thật là hỏng. Nếu bức tượng của ta không thành công hoặc nếu Huyền Minh không thông hiểu, tất cả công trình của ta ở đây sẽ mất hết giá trị. Ta còn phải chờ đợi lâu hơn nữa!"
Đối với Đan Thanh một phút dài như cả giờ, và chàng nhớ đến lúc thầy Không Lộ cầm bản vẽ đầu tiên của chàng trong tay. Chàng nắm chặt lòng bàn tay nóng ướt.
- Huyền Minh quay sang chàng, và tức khắc, chàng cảm thấy mình như bừng sống lại. Trên gương mặt thon dài của bạn chàng, một cái gì như nụ hoa, đã lịm tắt từ những năm xưa còn bé, nay bỗng nhiên nở vội một nụ cười e ấp trên gương mặt thuộc về thế giới của tâm linh và ý chí, một nụ cười của tình yêu và đầu lụy, tươi sáng, xuyên thấu tất cả, một nụ cười của sự cô đơn và kiêu hãnh bừng chiếu trong một giây khắc để rồi đọng lại nhường chỗ cho một tấm lòng dâng trào vui sướng.
- Đan Thanh! Huyền Minh nói thật êm đềm, cân nhắc từng lời, anh không nên mong mỏi tôi biến thành một chuyên gia về nghệ thuật một cách đột ngột. Anh biết rằng tôi không thuộc loại người ấy. Tôi không có thể nói với anh một lời nào về nghệ thuật của anh mà anh sẽ không chế giễu tôi. Nhưng hãy để tôi nói với anh một điều: nhìn qua lần đầu, tôi nhận ra tu viện trưởng Từ Vân của chúng ta trong ảnh tượng vị trứ giả. Không hẳn thuần là chân dung của cha mà còn biểu thị tất cả những gì là phẩm hạnh, nhân hậu và bình dị, như chúng ta đã từng tôn kính cha lúc còn trẻ. Cha Từ Vân đang đứng trước mặt chúng ta và ban đến chúng ta tất cả những gì thiêng liêng, những gì mà chúng ta sẽ không bao giờ quên được trong khoảng đời hoa niên ấy. Bạn ơi! Anh đã dâng tôi một tặng phẩm về lòng bao đung quảng đại, vầ không những anh chỉ mang đến cho tôi con người của cha Từ Vân, mà lần đầu tiên anh còn hoàn toàn mở rộng tâm hồn anh cho tôi thấu hiểu. Bây giờ tôi biết anh là người thế nào. Ta sẽ nói về vấn đề này mai sau, hiện giờ tôi không thể. Đan Thanh ơi! Giờ phút sung sướng này là dành riêng cho chúng ta.
Căn phòng lớn thật yên lặng. Bạn chàng tu viện trưởng đang rung động tận đáy lòng. Đan Thanh đã nhìn thấy và chàng bối rối đến ngạt thở:
- Vâng, chàng nói gọn lỏn, tôi vui mừng. Nhưng đã đến giờ ta phải đi ăn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui