Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Trong vòng hai năm Đan Thanh đã làm việc chung trong nhóm và kể từ năm thứ hai chàng để Bảo Ân tập sự thực thụ. Nơi chấn song thang lầu, chàng đã tạo đựng một thiên đường nhỏ bé. Chàng say ngất điêu khắc một vùng hoang sơ hùng tráng với cây cỏ, bụi rậm, chim muông đậu trên cành và con người trọn thân hoặc riêng khuôn mặt, lác đác nhô lên. Giữa khu vườn sơ khai an bình lộc non mơn mởn chàng đã miêu tả đời sống của các tộc trưởng bộ lạc. Nếp sống cần mẫn của chàng ít khi bị đứt đoạn. Hiếm có một ngày như hôm nay chàng không thể làm việc được, khi bất an và khó chịu làm chàng chán ghét nghệ thuật. Chàng giao việc vặt cho cậu học trò rồi đi dạo hoặc cưỡi ngựa ra vùng quê để hít thở mùi hương kỷ niệm đoạn đời tự do, lang thang trong rừng vắng, hoặc viếng thăm một cô gái quê, đi săn hoặc nằm lăn trên cỏ xanh ngắm nhìn những ngọn cây đan vào nhau thành mái vòm cung, hoặc nhìn lộc non các cây đương xỉ, cây đỗ tùng đâm chồi cả một vùng hoang liêu. Luôn luôn chàng muốn trở về sau một hoặc hai ngày. Rồi chàng lao đầu vào công việc với nỗi đam mê mới, hăng say điêu khắc đám cỏ tươi tốt, dịu dàng và từ ái trau chuốt những tượng đầu người từ phiến gỗ, mạnh dạn vạch cắt chiếc miệng, con mắt, hàm râu xếp nếp. Ngoài Bảo Ân chỉ có Huyền Minh biết về các bức tượng và thời gian này chàng cũng thường đến xưởng làm, nơi chàng ưa chuộng nhất trong tu viện. Huyền Minh đứng nhìn ngắm bạn chàng, vui sướng và ngạc nhiên. Tất cả cá tính thơ ngây, băn khoăn và bướng bỉnh đều được bạn chàng hiển lộ vào tác phẩm,ở đấy bừng lên một vũ trụ, một tiểu thế giới sống động, có lẽ chỉ là một trò chơi nhưng chắc chắn trò chơi ấy không kém giá trị so với trò chơi luận lý, văn phạm và thần học.
Một lần Huyền Minh trầm ngâm bảo:
- Tôi đang học được rất nhiều từ anh. Tôi bắt đầu hiểu nghệ thuật là gì. Ngày xưa theo ý tôi nghệ thuật không thể so sánh với tư duy và khoa học. Tôi đã nghĩ như thế này: vì con người là một tổng hợp mơ hồ giữa tinh thần và vật chất, vì tinh thần mở lối cho ta nhận biết sự vĩnh cửu, trong khi vật chất kéo ta xuống nơi thấp hèn và trói buộc ta trong vô thường biến dịch. Nếu muốn nâng cao và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, con người phải cố thoát ra khỏi sự lôi cuốn của giác quan và hướng về nếp sống tâm linh. Từ trước đến nay, tôi vẫn tự phụ và xem nhẹ nghệ thuật, nhưng đến lúc này, tôi mới hiểu là có nhiều nẻo đường dẫn đến tri kiến và con đường tư duy không phải là con đuờng duy nhất, và cũng không phải là con đường tốt nhất. Lẽ dĩ nhiên đó là con đường của tôi và tôi vẫn tiếp tục dấn bước. Nhưng tôi thấy anh trên con đường đối nghịch, con đường cảm giác, anh đã trực nhận được sâu xa bản thể của con người và có thể diễn đạt theo một phương cách sống động hơn phương cách của nhà tư duy.
- Bây giờ anh đã hiểu, Đan Thanh nói, tại sao tôi không thể: nhận thức nếu không nhờ đến hình ảnh.
- Tôi hiểu điều trên từ lâu. Dòng tư tưởng của chúng ta chính là một diễn trình không dứt trừu tượng hóa sự vật. Tôi gạt bỏ thế giới cảm giác và cố kiến tạo một thế giới thuần túy tâm linh.
Trong khi anh thì lại ôm vào lòng những cái gì vô thường mong manh nhất, mà hiển bày ý nghĩa của thế giới qua chính sự vô thường đó. Anh không quay lưng với cuộc đời, anh hiến mình cho nó, và bằng sự hy sinh của anh, anh hiến dâng nó lên cao nhất, sánh với bất tử. Chúng tôi, những người tư duy, thì đến với Thượng đế bằng cách vén cái mặt nạ thế gian khỏi chân diện mục của Ngài. Anh đến với Thượng đế bằng cách yêu thương những gì Ngài tạo dựng và bằng cách tái tạo chúng. Cả hai, anh và tôi, đều là những con người đang nỗ lực, và đương nhiên phải bất toàn, nhưng nghệ thuật thật vô tội vạ hơn là tư duy.
- Tôi không biết, Huyền Minh. Nhưng khi thắng lướt thế tục, cưỡng lại sự đau khổ, những nhà triết học và thần học như anh cũng không thành công hơn gì chúng tôi. Tôi đã thôi thèm muốn từ lâu sự uyên bác của anh, bạn ạ, nhưng tôi vẫn còn thèm muốn sự an bình của anh, sự giải thoát, tĩnh lặng nơi anh.
- Anh không nên nghĩ như vậy, Đan Thanh, không có sự bình an nào như anh tưởng. ồ, dĩ nhiên có, nhưng không phải là cái bình an luôn luôn ở bên chúng tôi không rời. Chỉ có cái bình an phải được chinh phục lại mãi mãi, mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống chúng tôi. Anh không thấy tôi chiến đấu, anh không biết đến những dằn vặt của tôi với tư cách tu viện trưởng, những phấn đấu của tôi trong nhà nguyện. Thật tốt, anh đã không biết. Anh chỉ thấy tôi tự chủ hơn anh - và anh xem đó là sự bình an. Nhưng đời tôi là một chuỗi phấn đấu; phấn đấu và hy sinh giống như mọi cuộc đời đứng đắn, và cũng giống như đời anh.
- Thôi, chúng ta cũng không nên tranh cãi nhau về chuyện ấy nữa, Huyền Minh. Anh cũng không thấy những phấn đấu của tôi. Và tôi cũng không biết anh có thể hiểu được tôi, cảm thấy thế nào khi tôi nghĩ rằng công trình này sắp sửa hoàn tất, và được mang đi đặt vào vị trí của nó. Khi ấy tôi sẽ nghe vài lời ca tụng và trở về xưởng làm trơ trọi trống rỗng, buồn nản và những điều mà tôi đã không hoàn tất được trong tác phẩm kia, những điều mà người khác không thể thấy. Trong lòng tôi lúc đó cũng như vừa bị cướp đoạt, trống trải như xưởng điêu khắc trống trơn.
- Có lẽ vậy. Không ai trong chúng ta có thể hiểu nhau hoàn toàn về những điều như thế. Nhưng có một điều mà mọi người có thể cùng chia xẻ, đó là chung cuộc những tác phẩm của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn, chúng ta phải bắt đầu trở lại, và mỗi lần như vậy lại phải hy sinh, lại phải dâng hiến trọn mình.
Vài tuần sau công trình của Đan Thanh đã hoàn tất, và tất cả được đặt vào vị trí. Như bao lần khác: công trình của chàng trở thành vật sở hữu của kẻ khác, được nhìn ngắm, phê phán, ca tụng, và chàng được tán dương, vinh hạnh, nhưng lòng chàng và cả xưởng điêu khắc đều trống không và chẳng bao lâu, chàng tự hỏi là công trình ấy có xứng đáng với bao hy sinh. Ngày cắt băng khánh thành chàng được mời dự tiệc tại bàn của các cha, thứ rượu cũ ngon nhất được lấy ra đãi khách. Đan Thanh thưởng thức món cá và thịt nai ngon tuyệt, và chàng cảm thấy ly rượu nồng đượm hẳn lên vì sự chú trọng và vui sướng của Huyền Minh. Huyền Minh đã khen ngợi và làm vẻ vang công trình của chàng.
Một công việc mới theo lời yêu cầu và mệnh lệnh của tu viện trưởng đã được phác họa, một điện thờ Đức Mẹ ở nhà thờ Thiên Phúc, nhà thờ này trực thuộc tu viện và là nơi mà một cha của Thánh n đến hành lễ. Đan Thanh muốn tạc một tượng Đức Mẹ cho điện thờ này để đưa vào vĩnh cữu những gương mặt không bao giờ quên trong tuổi thanh xuân của chàng, Liên Đài, cô con gái nhà quý tộc đẹp tuyệt. Ngoài nhiệm vụ này, chàng không chú trọng một việc gì khác, và có lẽ đó là cơ hội để đào tạo cậu Bảo Ân tập sự. Nếu Bảo Ân làm được chàng sẽ có một cộng sự viên thường trực có thể thay thế chàng để chàng tự do một mình làm những việc chàng ưa thích mà thôi. Chàng cùng với Bảo Ân chọn phiến gỗ cho bệ thờ và để cậu ta chuẩn bị lấy một mình. Chàng trở lại những chuyến đi dạo thơ thẩn rất lâu trong rừng. Có một lần chàng đã vắng mặt nhiều ngày, và Bảo Ân báo lên tu viện trưởng. Tu viện trưởng cũng lo sợ chàng bỏ đi luôn. Nhưng chàng trở về, tạc tượng Liên Đài trọn một tuần rồi lại bắt đầu đi.
Chàng lại ưu tư. Kể từ khi xong công trình lớn chàng lại sống vô trật tự. Chàng trốn Thánh lễ buổi sáng, chìm sâu trong nỗi băn khoăn và bất mãn. Bây giờ chàng thường nghĩ đến thầy Không Lộ và ngạc nhiên sao chính chàng không muốn mau chóng trở thành một người như thầy Không Lộ, một người làm việc nhiều và cai quản xưởng điêu khắc, nhưng phải hy sinh tự do và tuổi trẻ. Gần đây một chuyến phiêu lưu nhỏ đã làm chàng suy nghĩ: một hôm trong những ngày lang thang, chàng gặp một thôn nữ tên Phương mà chàng ưa thích. Chàng thử quyến rũ nàng, tận dụng tất cả nghệ thuật mê hoặc mà chàng đã biết. Cô gái sung sướng nghe chàng tán tỉnh, cười thích thú khi chàng nói tếu nhưng lại từ chối để chàng tiến tới, và lần đầu tiên mà chàng đã xử sự như một ông già đối với một thiếu phụ trẻ. Chàng không trở lại thăm nàng nhưng chàng không thể quên được. Phương có lý. Chàng già hơn nàng; chính chàng cũng cảm nhận điều ấy, và không phải vì vài lọn tóc hoa râm, vì vài vết nhăn viền quanh đôi mắt, nhưng chính là một cái gì khác trong con người chàng, trong tâm thức chàng. Chàng tự biết mình già, thấy mình giống như thầy Không Lộ. Chàng tự quan sát và nghi ngờ mình. Chàng sống thận trọng và thuần hóa; không còn hiếu động như diều hâu hoặc hấp tấp như thỏ rừng; chàng đã trở nên ngoan ngoãn như một con thú nhà. Chàng lại rời tu viện để tìm lại hương vị những ngày xa xưa, những kỷ niệm thuở lang thang hơn là tìm kiếm một sự tự do mới lạ. Như một con chó khao khát và nghi ngờ, chàng nghếch mũi đánh làn hơi đã mất. Và sau một hoặc hai ngày đi xa lêu lổng đôi chút hoặc say sưa, có một cái gì kéo chàng trở về mà chàng không sao cưỡng lại được. Lương tâm chàng không yên. Chàng cảm thấy xưởng làm đang trông đợi, chàng còn trách nhiệm về bệ thờ vừa khởi sự, còn phải chuẩn bị mẫu gỗ và hướng dẫn cho Bảo Ân. Chàng không còn được tự do nữa, không còn trẻ trung nữa. Chàng đi đến một quyết định cứng rắn: sau khi hoàn tất tượng Đức Mẹ- Liên Đài, chàng muốn du hành một chuyến và thử sống lang thang lần nữa. Sẽ không tốt nếu sống trong một tu viện quá lâu, chung quanh chỉ toàn là đàn ông. Có thể tốt cho các thầy tu, nhưng với chàng thì không. Ai cũng có thể nói chuyện một cách thông minh với các ông và họ sẽ hiểu rành các tác phẩm nghệ thuật, nhưng còn những việc khác - mê đắm, dịu dàng, vui chơi, ân ái, lạc thú không suy tư - đều không thể nảy sinh giữa đám đàn ông; phải cần đến đàn bà, cần đến lang thang, tự do và cả những cảm giác mới lạ. Mọi thứ chung quanh chàng đều nghiêm trang, trọng đại và nhiều nam tính và đã truyền nhiễm vào tận mạch máu của chàng.
Ý tưởng về một chuyến đi đã an ủi chàng. Chàng chuyên cần tiếp tục công việc để sớm được tự do. Khi hình dáng của Liên Đài hiện dần từ mẩu gỗ và khi tà áo trang trọng lượn sóng được chàng phủ lên đôi chân, nàng đã đến với chàng một niềm vui sâu kín, đau đớn đã thắng lướt chàng. Chàng rơi vào khung trời của tình yêu và thương nhớ biết bao hình ảnh, gương mặt cô gái diễm kiều, bẽn lẽn, mối tình ban sơ, những thời khắc đã ghi sâu vào ký ức, những chuyến du hành đầu tiên, đó là khung trời tuổi trẻ của chính mình. Chàng tạc khuôn mặt tinh tế này với tất cả lòng sùng kính, cảm nhận bằng những gì cao đẹp nhất trong chàng, với tất cả tinh hoa tươi trẻ cùng với những kỷ niệm nồng nàn nhất. Chàng vui sướng nắn tạo vòng cổ nghiêng nghiêng, chiếc miệng u ẩn mật thiết, đôi bàn tay thanh nhã với các ngón thon dài, những móng tay hình vòng cung tuyệt đẹp. Cả Bảo Ân cũng muốn ngắm mãi bức tượng mỗi lúc rảnh rang, với lòng kính yêu và ngợi khen không hết.
Khi tượng gần xong, Đan Thanh trình diện với tu viện trưởng. Huyền Minh nói:
- Thật là một công trình đẹp, bạn thân mến. Cả tu viện này không có gì để so sánh được. Tôi phải nói thực với anh là có nhiều việc trong tháng cuối này đã làm tôi rất bận tâm về anh. Tôi thấy anh bất an và bối rối, và khi anh biến mất, đi xa hơn một ngày, đôi lần tôi lo tiếc: có lẽ anh không bao giờ trở lại. Và bây giờ anh đã điêu khắc xong bức tượng trác tuyệt. Tôi mừng cho anh và hãnh diện vì anh.
- Vâng, Đan Thanh nói, bức tượng đẹp không ngờ. Bây giờ anh hãy nghe tôi nói, Huyền Minh. Để có thể tạc một bức tượng đẹp như vậy, tôi cần trọn cả một thời trẻ trung của tôi, đi lang thang, những chuyện tình ái, tán tỉnh phụ nữ. Đó là suối nguồn cảm hứng mà tôi đã uống. Chẳng bao lâu rồi sẽ cạn, lòng tôi lại khô khan. Xong tượng Đức Mẹ này, tôi sẽ nghỉ dài hạn, không biết đến chừng nào. Tôi sẽ điểm tô lại tuổi hoa niên của tôi và tất cả những gì tôi trìu mến. Anh có hiểu không?
-Vâng, tốt lắm. Anh biết tôi là khách của anh, và tôi chưa bao giờ nhận thù lao qua công trình của tôi nơi đây...
Tôi vẫn thường đề nghị với anh, Huyền Minh ngắt
lời.
- Vâng, bây giờ tôi sẽ nhận. Tôi phải may áo mới, và khi xong hết, tôi sẽ xin anh một con ngựa và vài nén vàng, rồi tôi sẽ phóng ra ngoài với thế gian. Đừng nói gì Huyền Minh, và cũng đừng buồn. Không phải là tôi không thích ở đây nữa. Không chỗ nào khác tốt hơn nơi đây. Tôi ra đi chỉ vì một lý do khác. Anh có nhận lời cầu xin của tôi chăng?
Họ không nói gì thêm nữa. Đan Thanh đặt cho chàng một trang bị gọn gàng cho chuyến đi và đôi giày ống; khi hạ sắp về, chàng đã hoàn tất tượng Đức Mẹ như công việc cuối cùng của chàng. Chàng đã cho vào đôi tay, gương mặt, mái tóc, những nắn nót cuối cùng với lòng yêu thương cẩn trọng. Ai cũng tưởng là chàng kéo dài công việc, chàng rất vui mừng để triển hoãn lần nữa và lần nữa, vì những nắn nót tinh vi sau chót trên bức tượng. Ngày giờ trôi qua, và luôn luôn có gì mới lạ xảy đến để chàng tô chuốt thêm. Dù Huyền Minh thật buồn vì sắp đến lúc từ biệt, thỉnh thoảng vẫn mỉm cười với Đan Thanh vì Đan Thanh đang sống trong tình yêu, đang cố ngăn nước mắt trên tượng Đức Mẹ phải rời Xa.
Nhưng một hôm Đan Thanh đã làm Huyền Minh ngạc nhiên, vì đột ngột đến xin nghỉ. Ý nghĩ đã đến với chàng đêm qua. Trong bộ đồ mới, chàng đến chào từ giã Huyền Minh. Chàng đã làm xong lễ xưng tội và rước mình thánh trước đó. Bây giờ chàng đến từ biệt và xin chúc phúc để lên đường. Cả hai đều đau khổ phải xa nhau, Đan Thanh cư xử rất cương quyết và lãnh đạm chưa từng có.
- Rồi tôi có bao giờ gặp lại anh? Huyền Minh hỏi.
- Có chứ, nếu con ngựa xinh đẹp của anh không làm tôi gãy cổ, chắc chắn anh sẽ gặp lại tôi. Vả lại, trừ tôi ra, không ai được phép gọi anh là Huyền Minh và làm anh phiền muộn. Hãy tin tôi và đừng quên xem chừng Bảo Ân và đừng để ai đụng vào bức tượng của tôi! Bức tượng Đức Mẹ phải dược giữ nguyên trong phòng tôi, như tôi đã nói trước, và anh không được để lọt chìa khóa khỏi tay.
- Cuộc hành trình có làm anh vui thích không?
Đan Thanh nháy mắt:
- Ồ, có chứ, nhưng giờ đây gần lên yên, tôi lại cảm thấy ít vui thích hơn đã tưởng. Anh sẽ cười tôi, nhưng tồi không thích lúc phải từ biệt vì tôi không thích vướng bận.
- Như một chứng bệnh, mà một người thanh niên tráng kiện không nên có. Thầy Không Lộ cũng như thế. Thôi, chúng ta không nên kéo dài chuyện vô vị này! Hãy ban phước cho tôi, bạn thân mến, để tôi ra đi.
Rồi chàng phóng đi.
Trong thâm tâm, Huyền Minh rất lo ngại cho bạn chàng. Chàng âu sầu vì bạn và vì thương vắng bạn. Rồi bạn chàng có trở lại? Giờ đây con người lạ lùng đáng yêu ấy lại theo đuổi một con đường chông gai, buông trôi theo dòng đời, lang thang khắp thế gian với dục vọng và tò mò, chạy theo những săn đuổi tăm tối mãnh liệt sôi nổi, và không bao giờ thỏa mãn, y như một đứa trẻ mới lớn. Xin Chúa đến với y, xin y trở về an lành khỏe mạnh. Y lại muốn bay lượn đó đây như ong bướm, lại phạm những tội mới, mê hoặc đàn bà, chạy theo bản năng có thể lại sa vào tội sát nhân, hiểm nghèo, rồi tù tội và tự hủy diệt trên con đường ấy. Sao cậu bé tóc vàng ấy lại gây lắm phiên muộn! Y đã than vãn vì chóng già và muốn tìm lại ánh mắt thơ trẻ. Tại sao lại có người cảm thấy sợ hãi vì chính mình như thế? Cõi lòng Huyền Minh lắng sâu khi nghĩ đến Đan Thanh và chàng rất sung sướng vì bạn. Chàng thích thú thấy đứa trẻ bướng bỉnh rất khó thuần hóa ấy, với tâm tánh bất thường, giờ đây lại nổi máu giang hồ ra đi nữa.
Ngày nào tư tưởng của tu viện trưởng cũng quay về người bạn chàng, lòng thương yêu mong nhớ và ray rứt. Đôi khi chàng băn khoăn tự trách mình. Có phải chàng không dám bày tỏ nỗi lòng mình cho bạn hiểu, cho bạn biết rằng mình yêu thương bạn vô vàn và không muốn bạn chàng đổi khác hơn xưa, rằng nhờ nghệ thuật của bạn mà tâm hồn mình trở nên phong phú? Chàng đã nói với bạn quá ít về những điều ấy, có lẽ quá ít. Biết đâu chàng lại không thể giữ bạn chàng ở lại.
Nhờ Đan Thanh, tâm hồn chàng đã thêm dào dạt. Nhưng cũng vì Đan Thanh, chàng đã trở nên nghèo nàn, yếu đuối, và thật may chàng đã không tỏ lộ cho bạn chàng thấy như vậy. thế giới mà chàng sống và xem như nhà mình - thế giới của học giả, đời sống của tu sĩ, chức vụ giáo hội, lâu đài tư tưởng vững chắc - tất cả thế giới ấy đã bị bạn chàng làm cho lung lay tận nền móng, bây giờ chàng đầy dẫy những hoài nghi. Dĩ nhiên về phương diện lý trí đạo đức thì đời chàng tốt hơn, đúng hơn, vững vàng hơn, trật tự và gương mẫu hơn. Đó là một cuộc đời của trật tự, của phụng sự trung kiên, của dâng hiến không ngừng, luôn luôn nỗ lực cho ánh sáng và công bằng. Cuộc đời ấy trong sạch hơn đời một nghệ sĩ lang thang, một kẻ quyến rũ phụ nữ. Nhưng với cái nhìn của Thượng đế, thì cuộc đời gương mẫu này có gì tốt đẹp hơn cuộc đời Đan Thanh? Con người có thật sự được tạo dựng để sống một cuộc đời máy móc điều độ, với những giờ giấc, những phận sự được những hồi chuông báo hiệu? Con người có phải thật sự sinh ra để học Aristote và Thánh Thomas, biết tiếng Hy Lạp, dập tắt cảm giác, chạy trốn thế gian? Không phải Thượng đế cũng dựng nên con người với những giác quan và bản năng với những bóng đen đẫm máu, với khả năng gây tội ác, dục tính và thất vọng hay sao? Những câu hỏi ấy quay cuồng trong đầu tu viện trưởng mỗi khi nghĩ đến bạn.
Phải, có lẽ sống như Đan Thanh thật hồn nhiên hơn, người hơn, can đảm hơn và e còn cao quý hơn khi dấn mình vào trong dòng thực tại tàn bạo, trong mớ hỗn loạn, trong tội lỗi... để chấp nhận những hậu quả cay đắng; còn hơn là
Sống một đời thanh khiết với hai bàn tay rửa sạch và ở ngoài cuộc đời, bày ra một khu vườn lý tưởng hòa điệu mà cô độc. Có lẽ điều khó hơn, can đảm và cao cả hơn là lang thang qua rừng rú, trên đường thiên lý với đôi giày rách, chịu đựng nắng mưa đói khát, chơi đùa với cảm quan để trả giá bằng đau khổ.
Dù sao, Đan Thanh đã chỉ cho chàng thấy rằng một con người được dành cho những việc cao siêu cũng có thể rớt vào những hố sâu tột cùng của cuộc đời hỗn loạn đẫm máu, có thể làm mình đầy máu bụi, nhưng đồng thời vẫn không trở nên hèn hạ tầm thường, vẫn không chết mất trong mình đóm lửa thiêng. Con người ấy có thể lang thang qua những bóng tối dày đặc mà vẫn không tắt mất ánh sáng thiêng liêng và năng lực sáng tạo trong tâm hồn. Huyền Minh đã nhìn sâu cuộc đời thác loạn của bạn, mà vẫn không giảm bớt chút nào tình yêu mến kính trọng đối với chàng. Ồ không, từ khi Huyền Minh đã thấy những hình tượng do bàn tay vấy máu của Đan Thanh tạc nên chàng biết rõ trong trái tim bốc đồng của người nghệ sĩ, kẻ quyến rũ đàn bà ấy, có những phú bẩm của Thượng đế, tràn trề ánh sáng và tài hoa.
Há không phải mỗi đường nét trong những hình tượng kia, mỗi con mắt, làn môi, mỗi cành lá, mỗi nếp áo kia, thật là sống động, nồng nàn, không thể thay thế hơn bất cứ điều gì mà một nhà tư tưởng có thể hoàn thành? Há không phải người nghệ sĩ này, với trái tim đầy đau khổ, xung đột, đã nặn ra những hình tượng biểu trưng cho nỗ lực và thèm khát của vô số người hiện tại và mai sau, những hiện tượng mà muôn người sẽ chiêm ngưỡng vì tìm được trong đó nguồn an ủi và sức mạnh?
Hệt như ngày xưa, chàng đã có lần can dự vào tuổi thơ của Đan Thanh một cách tàn bạo, chuyển hướng đời cậu bé thì bây giờ kể từ khi trở về Đan Thanh cũng đã làm cho tâm chàng tán loạn, buộc chàng phải hoài nghi và tự xét lại mình. Chàng đã không cho Đan Thanh cái gì mà về sau không nhận lại gấp bội.
Người bạn chàng đã cất vó ra đi để chàng ở lại suy tư cả thời gian. Nhiều tuần đã trôi qua. Từ lâu cây dẻ gai đã rụng hết hoa, màu lá xanh non đã trở nên sẫm tối, dày và cứng, đàn cò đã ấp trứng xong trên ngọn tháp và đang tập bầy con mới nở bay cao. Đan Thanh càng rời xa, Huyền Minh càng thấy rõ mối quan hệ trọng đại giữa hai người. Trong tu viện, Huyền Minh có nhiều cha thông thái, một chuyên gia về Platon, một nhà ngữ pháp lỗi lạc, và một hai nhà thần học uyên bác. Nhiều người kính tín, trang nghiêm và đoan trực. Nhưng Huyền Minh không có ai đồng đắng với chàng, không có ai để chàng đo lường nghiêm túc với chính mình. Chỉ một mình Đan Thanh là mang lại cho chàng điều mà không gì có thể thay thế được. Chàng thật khổ sở khi phải từ bỏ điều ấy và cả người bạn tài hoa tương đồng. Chàng nhớ bạn vô cùng, mong mỏi trông đợi bạn.
Chàng thường đến xưởng điêu khắc khích lệ cậu Bảo Ân phụ tá đang tiếp tục làm việc cho điện thờ và nôn nóng mong đợi vị thầy trở về. Đôi khi tu viện trưởng mở khóa phòng Đan Thanh nơi tượng Đức Mẹ an vị, cẩn trọng dở tấm vải che và nhìn ngắm khá lâu. Chàng không biết gì về xuất xứ bức tượng; Đan Thanh chưa bao giờ kể chuyện Liên Đài. Nhưng chàng linh cảm được tất cả, chàng thấy dáng dấp của cô gái này đã sống thật lâu trong tâm hồn Đan Thanh. Có lẽ bạn chàng đã quyến rũ nàng, đã phụ tình và bỏ rơi nàng. Nhưng chân thật hơn bất cứ người chồng trung thành nào, y đã mang nàng theo vào tận trong lòng, duy trì đến tận cùng hình ảnh nàng, có thể sau nhiều năm y đã không thấy lại nàng. Bây giờ y đã điêu khắc vẻ đẹp xao xuyến của cô gái vào pho tượng, chiếm đoạt gương mặt nàng, dáng điệu của nàng, đôi bàn tay với tất cả dịu dàng, ngưỡng mộ và ham muốn ân ái. Chàng biết nhiều về câu chuyện của bạn chàng, qua các bức tượng nơi giảng đường trong nhà ăn. Đó là chuyện đời của một lữ khách, của con người sống theo bản năng, kẻ vô gia cư, vô tín ngưỡng, nhưng điểm còn lại trong y là tất cả những gì tốt đẹp, chí thành, tin yêu vào cuộc đời. Thật là một cuộc đời lạ kỳ, sôi nổi, nhiều sóng gió nhưng cuối cùng vẫn còn cao đẹp và thuần khiết.
Huyền Minh phải tự chiến đấu với mình, chàng phải thắng lấy mình. Chàng không thể phản bội tiếng gọi thiêng liêng từ nội tâm, không thể từ bỏ con đường mà chàng đã chọn, con đường phụng sự tâm linh. Nhưng chàng đau khổ vì đã mất một người bạn, vì đã nguyện dâng mình và phụng sự cho Thiên Chúa, nay lại vương vấn vào tình yêu bạn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui