Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang


Cậu ngã quỵ, hổn hển, dưới chân cột. Nỗi đau đớn mãnh liệt đã đến cùng độ. Chung quanh cậu, mọi sự hòa tan vào nhau. Cậu bất tỉnh, mặt úp vào lòng đất, trong cái nhẹ nhõm của vô thể mà cậu khát khao.
Ngày hôm ấy không đem lại niềm vui nào cho tu viện trưởng. Một lần nữa hai thầy dòng trong số những thầy già nhất, trong lúc nổi cơn ganh tị già cỗi của họ, đã đến tìm người, tức giận, họ ầm ĩ buộc tội nhau và gây gổ nhau dữ dội về những chuyện lăng nhăng. Người đã lắng nghe họ quá lâu, đã khiển trách họ nhưng vô hiệu, và cuối cùng đã xua đuổi họ với mỗi người một hình phạt khá nặng vừa có một cảm thức trong thâm tâm rằng tất cả việc ấy đều là công uổng. Mệt mỏi, người lui vào trong nhà nguyện của hầm mộ dưới giáo đường. Người đã cầu nguyện, rồi đứng lên mà vẫn không tìm được an ủi. Bấy giờ, do mùi hương thoảng nhẹ kín đáo của hoa hồng lôi cuốn, người đến thở một lúc nơi chỗ đi dạo. Ở đấy vị tu viện trưởng tìm thấy cậu học trò Đan Thanh đang nằm bất tỉnh trên các phiến đá. Người buồn bã nhìn cậu, hoảng lên vì màu tái nhợt của khuôn mặt thường thơ trẻ và đĩnh ngộ xiết bao. Ngày nay quả thật là một ngày xấu, chỉ còn thiếu có chừng này thôi! Người cố nhấc cậu thanh niên lên, nhưng người không còn sức. thở dài áo não, ông già bỏ đi, gọi hai sư huynh trẻ nhất đến mang cậu và còn cho tìm cha Hương An, một lương y. Đồng thời người cũng cho gọi Huyền Minh. Người ta tìm được chàng ngay và chàng tức khắc đến.
- Con đã biết rồi sao? Vị tu viện trưởng hỏi chàng.
- Về Đan Thanh? Vâng, thưa cha. Con vừa nghe em ấy ốm hay bị tai nạn gì đó và người ta mang đi.
- Phải, ta đã thấy nó nằm dài trong chỗ đi dạo, chỗ mà quả thật nó không phải đến làm gì. Đây không phải là một tai nạn, nó bị bất tỉnh. Cha không hài lòng vê điều ấy. Cha tưởng con có lẽ không xa lạ gì với biến cố này, hay ít nhất con cũng biết một vài điều. Nó chẳng phải là bạn chí thiết của con đấy sao? Chính vì thế mà ta đã gọi con. Nói đi! vẫn làm chủ cử chỉ và ngôn ngữ mình như bao giờ, Huyền Minh thuật lại vắn tắt câu chuyện giữa chàng và Đan Thanh trong ngày hôm ấy và sự bén nhạy lạ lùng của Đan Thanh khi đón nhận những lời chàng. Vị tu viện trưởng lắc đầu, không khỏi tỏ ít nhiều bất mãn.
-Đấy thật là những cuộc nói chuyện lạ lùng, người bảo, cố giữ bình thản - cuộc đàm thoại mà con vừa cho cha biết ấy, người ta hầu như có thể gọi đó là một sự xen vào đời sống nội tâm của kẻ khác, con đã làm chính vai trò của một thầy giáo đạo. Vậy mà con không phải là thầy giáo đạo của Đan Thanh. Con chưa được thụ giới. Làm sao con lại có thể nói với giọng một cố vấn cho một học trò. Những hậu quả con thấy đó thật là tai hại.
-Những hậu quả - Huyền Minh nói với giọng bình tĩnh và chắc chắn - Thưa cha, chúng ta chưa biết được. Phản ứng mãnh liệt của cậu bé hơi làm con hoảng sợ, nhưng con không hoài nghi rằng những gì tiếp theo cuộc đàm luận của chúng con sẽ tốt cho Đan Thanh.
-Chúng ta sẽ thấy những gì tiếp theo Cha không nói về chúng trong lúc này nhưng về cách hành động của con. Cái gì đã khiến con có những cuộc đàm thoại như thế với Đan Thanh?
-Cha cũng biết, em ấy là bạn con. Con có một lòng cảm mến đặc biệt đối với em và con thấy em rất rõ, con nghĩ thế. Cha gọi cách cư xử của con đối với nó là cách cư xử của một vị giáo đạo, nhưng con tuyệt nhiên không hề chiếm đoạt một uy quyền tôn giáo. Con chỉ tưởng rằng con biết rõ em ấy hơn chính nó tự biết mình.
Tu viện trưởng nhún vai:
-Cha biết. Đấy là chuyên môn của con. Ta hãy hy vọng rằng con đã không gây nên thiệt hại nào. Đan Thanh ốm chăng ? Cha muốn nói, nó có cái gì không ổn trong người nó chăng? Nó có đau đớn cách nào chăng?
-Không. Bấy lâu nay nó vẫn khỏe mạnh. Khỏe mạnh về thân xác.
-Còn ngoài ra?
-Trong tâm hồn nó đau khổ, đấy là điều chắc chắn. Cha biết nó, nó ở vào tuổi mà cuộc chiến đấu với bản năng nhục dục bắt đầu.
-Cha biết, nó 17 tuổi.
-Mười tám.
-Mười tám, quả thế. Thật khá muộn. Nhưng việc chiến đấu ấy là chuyện thường. Ai cũng phải qua đấy. Người ta không thể vì thế mà bảo rằng nó ốm tâm bệnh.
-Không thưa cha, không chỉ vì độc một chuyện ấy. Nhưng Đan Thanh trước kia từ lâu, đã có một tâm hồn bệnh hoạn. Vì thế mà những cuộc chiến đấu ấy nguy hiểm với em hơn là với những kẻ khác. Nó đau khổ, theo con nghĩ, vì đã quên đi một phần của dĩ vãng mình.
-A! Phần nào?
-Mẹ nó, và tất cả những gì liên hệ đến bà ta. Con cũng không biết gì về việc ấy. Con chỉ biết rằng đấy phải là nguồn gốc của căn bệnh. Đan Thanh nói là không biết gì về bà mẹ, ngoài ra là cậu đã mất mẹ sớm. Nhưng cậu làm cho ta có cảm tưởng như cậu hổ thẹn vì bà. Thế mà chắc chắn phải chính nơi bà cậu đã thừa hưởng phần lớn những tư chất của mình; những gì cậu kể về người cha không cho ta thấy ông có thể có một người con đĩnh ngộ, thiên tư xuất chúng như thế. Tất cả những điều ấy con biết được không phải vì người nào đã trình bày cho con, mà con chỉ suy luận từ một vài dấu hiệu.
Vị tu viện trưởng, ban đầu hơi cười thầm vì những nhận xét mà đối với người chỉ như chuyện của một kẻ non nớt tự phụ, (vả lại tất cả công việc này đối với người, thật là mệt mỏi chán chường) - bắt đầu suy nghĩ. Người nghĩ đến người cha của Đan Thanh, con người hơi kiêu căng và cao ngạo ấy. Người cũng nhớ lại lời của ông về bà mẹ của Đan Thanh. Bà đã bôi nhọ ông - ông ta đã nói - và bỏ đi. Ông ta đã cố gắng dập tắt trong đứa con ông hãy còn rất nhỏ, tất cả những kỷ niệm về người mẹ và về những thói xấu mà cậu có thể thừa hưởng từ bà. Ông ta đã thành công, và đứa trẻ đã sẵn sàng hiến đời mình cho Chúa để đền chuộc những lỗi lầm của mẹ.
Chưa bao giờ vị tu viện trưởng phiền hà về Huyền Minh như hôm nay. Tuy nhiên, vì con người hay suy lự ấy đã đoán đúng, ông thấy quả thật chàng đã hiểu rõ Đan Thanh biết bao! Khi bị hỏi lại về biến cố ngày hôm ấy Huyền Minh thưa để chấm dứt:
Cơn cảm xúc mãnh liệt xâm chiếm Đan Thanh, hôm nay con đã không ngờ tới con đã làm cho cậu thấy rằng cậu không tự biết mình, cậu đã quên tuổi trẻ và người mẹ. Chắc một lời nào đó của con đã chạm đến cậu và đi sâu vào trong những bóng tối mà tự con đã phấn đấu tới cùng. Cậu bé như bị chết cứng. Cậu nhìn con như thể cậu không biết con nữa, không tự biết mình nữa. Con đã nói với cậu nhiều lần rằng cậu đang ngủ và không thực tỉnh táo. Bây giờ cậu đã tỉnh dậy, con không còn nghi ngờ gì nữa. Vị tu viện trưởng cho chàng lui, không phiền trách gì chàng, nhưng cấm chàng lúc ấy không được đến thăm người bạn ốm.
Trong lúc ấy cha An đặt cậu thanh niên té xỉu nằm lên giường rồi ngồi bên cậu. Ông nghĩ làm cậu hồi tỉnh bằng những phương pháp mạnh dường như không thích hợp. Người bệnh có một nhan sắc quá tươi tắn. Nét mặt tử tế đầy nếp nhăn của ông già hiền từ cúi xuống trên chàng trẻ tuổi. Ông bắt đầu coi mạch và nghe tim. "Chắc hẳn - ông tự nhủ - cậu bé đã nuốt một vật gì không tưởng tượng được, hay một thứ gì dại dột ấy; chắc thế." Ông không thể xem lưỡi. Người tu sĩ này yêu mến Đan Thanh, nhưng ông không thể cảm được bạn cậu, ông thầy trẻ quá khôn trước tuổi ấy. "Lần này chính là anh chàng đó. Chắc chắn Huyền Minh có dính líu trong vụ xuẩn ngốc này. Nhưng không hiểu sao cậu bé tươi vui với đôi mắt sáng, đứa con yêu của tạo hóa, lại nhè đi kết giao với anh chàng thông thái ngạo mạn ấy, nhà văn pháp khoe khoang mà tiếng Hy Lạp đối với nó còn quan trọng hơn tất cả những gì trên thế gian này!"
Sau một lúc, khi cửa mở và tu viện trưởng đi vào, người linh mục vẫn còn ngồi đấy, mặt dán chặt trên gương mặt người ốm đang ngất lịm. Gương mặt mới trẻ trung hiền lành làm sao chớ! Và người ta có ngồi bên cạnh lâu bao nhiêu, muốn giúp cậu ta bao nhiêu đi nữa, chắc hẳn người ta cũng sẽ không bao giờ thành công. Chắc hẳn ông ta có thể đang đứng trước triệu chứng một bệnh ruột, ông sẽ cho rượu nóng, có lẽ sẽ cho uống đại hoàn. Nhưng ông càng nhìn kỹ khuôn mặt co rúm tái nhợt xanh xao, thì những ức đoán của ông lại quay về một hướng khác, khó khăn hơn. Cha An có kinh nghiệm. Hơn một lần trong chuỗi đời dài của ông, ông đã thấy những người bị ám. Ông ngần ngại không muốn nói ra những mối nghi của mình, ngoại trừ với mình ông. Ông chờ đợi quan sát nhưng, ông giận dữ nghĩ, nếu mà cậu bé đáng thương này quả đã bị bùa mê thì khi ấy người ta không cần phải tìm kiếm thủ phạm đâu xa xôi, và tên ấy hãy coi chừng!
Vị tu viện trưởng tiến đến nhìn người bệnh, nâng nhẹ một mi mắt cậu lên:
- Ta có thể thức nó dậy? Người hỏi.
- Tôi muốn đợi một lát đã. Tim không việc gì. Không nên để ai đến gần nó.
- Có gì nguy hiểm không?
- Tôi không nghĩ thế. Không có một vết thương nào, không có dấu vết gì đánh đập hay té ngã. Nó ngất xỉu. Có lẽ là đau ruột; những cơn đau rất mạnh làm cho bất tỉnh. Nếu đấy là một sự ngộ độc thì phải có sốt. Không nó sẽ tỉnh, không việc gì đến tính mạng.
- Chuyện ấy không thể do tinh thần mà ra?
- Tôi không muốn phủ nhận. Người ta không biết được. Có lẽ nó bị một trận kinh hãi. Nó đã được tin người nào chết? Hay một vụ gây gổ dữ dội, một sự lăng nhục? Khi ấy mọi sự sẽ dễ hiểu.
- Chúng ta không biết được. Cha hãy xem chừng đừng để ai đến gần nó. Tôi yêu cầu cha hãy ở lại bên giường nó đến khi nó tỉnh. Nếu có gì nguy, xin gọi tôi, dù ban đêm cũng vậy.
Trước khi bỏ đi, ông già còn cúi xuống trên người bệnh
một lần nữa. Ông nghĩ đến người cha và đến cái ngày ông ấy đã dẫn đến đây cho mình cậu bé tóc hung vui đĩnh ngộ. Mọi người mới yêu mến cậu làm sao, ngay sau đó! Ngay cả người cũng đã thích thú khi thấy cậu. Nhưng có một điểm, quả thật Huyền Minh nói đúng: cậu trai này không giống cha cậu tí nào. Ôi sao mà ở đâu cũng đầy phiền lụy! Không phải là người đã không bỏ lơ một việc gì về đứa trẻ đáng thương này đấy sao? Người ta có dành cho cậu vị thầy giải tội thích hợp với cậu không? Có phải là một chuyện thường nếu không ai trong nhà biết rõ về cậu hơn Huyền Minh? Nhưng chàng ta có thể giúp cậu không, chàng, một người còn tân tòng, không phải sư huynh cũng không phải mục sư, có những tư tưởng và quan niệm mặc dù hơn người nhưng vẫn có cái gì khó chịu, gần như khó cảm? Và chính Huyền Minh lại không phải từ lâu đã là kẻ khó điều khiển hay sao? Có trời mà biết được. Chàng lại không giấu một điều gì xấu xa sau bề ngoài ngoan ngoãn ấy sao? Không phải chàng vô thần đó sao? Và một ngày kia, hai thanh niên ấy sẽ thành cái gì, vị tu viện trưởng cũng thấy mình có phân nào trách nhiệm.
Khi Đan Thanh tỉnh dậy trời đang u ám. Cậu cảm thấy đầu óc trống rỗng, chóng mặt. Cậu nằm trên một chiếc giường, nhưng không rõ mình ở đâu. Ồ, cậu không hỏi làm gì, cậu bất cần. Nhưng cậu đã ở đâu? Từ đâu cậu trở về? Cậu đã đi một nơi nào đó, rất xa, đã thấy những vật dị thường, tráng lệ, kinh khiếp và khó quên - thế nhưng cậu đã quên ở đâu thế nhỉ? Thế thì cái gì đã đột hiện lên ở đấy trước mặt cậu, to tát làm sao, đau đớn mê hồn làm sao - để rồi tan biến?
Cậu 1ắng nghe từ trong thẳm sâu của hồn mình, nơi mà ngày hôm nay, một điều gì đã tuôn ra, một điều gì đã xảy đến - điều gì thế? Những hình ảnh mơ hồ hiện lên ký ức cậu trong những mớ hỗn loạn. Cậu thấy những chiếc đầu chó, ba đầu chó, và hít mùi hương những đóa hồng. Ô! Cậu đã đau đớn quá! Cậu nhắm mắt. Một nỗi đau đớn mới ghê gớm làm sao! Cậu ngủ lại.
Đan Thanh tỉnh dậy, và chính vào lúc cảnh tượng giấc mơ tan biến và lướt khỏi trí cậu. Cậu thấy lại hình ảnh nó và run lên trong một cơn đau đớn mê cuồng. Cậu thấy, cậu đã trở thành người thấu thị.
Cậu thấy "Nàng". Cao lớn, sáng ngời, miệng tươi rạng rỡ, làn tóc huy hoàng. Cậu thấy người Mẹ. Đồng thời cậu tưởng như nghe tiếng nói của Bà. "Em đã quên tuổi hoa niên của em!" Giọng nói nào kia? Đan Thanh suy nghĩ và nhớ lại. Đấy là Huyền Minh. Huyền Minh! Trong nháy mắt, trong một làn chớp nhòa, cậu thấy lại tất cả: cậu nhớ lại, cậu đã ý thức. Mẹ, mẹ ơi! Từng ngọn núi đổ vỡ, từng đại dương quên lãng đã tan biến. Chúng đã trở lại với cậu, đôi mắt xanh sáng cái nhìn vương giả của người cậu đã yêu mến khôn xiết, của người cậu đã mất.
Cha An đang ngủ mơ màng trên một chiếc ghế bành, cạnh giường, thức dậy. Ông nghe Đan Thanh cựa mình, nghe hơi thở cậu. Ông cẩn thận đứng lên.
- Có người ở đây? Đan Thanh hỏi.
- Cha đây. Con hãy nằm yên. Cha sẽ lấy đèn.
- Vậy ra con ốm sao? Cậu trai hỏi.
- Con đã bất tỉnh, con ạ. Đưa tay cha xem. Ta sẽ xem mạch con. Con cảm thấy thế nào?
- Khỏe. Con cảm ơn cha, cha An. Cha rất tử tế. Con không còn đau nữa. Con chỉ mệt mỏi.
- Dĩ nhiên con mệt. Con sẽ bắt đầu ngủ lại ngay. Trước hết con hãy uống một ngụm rượu nóng sẵn sàng đây. Chúng ta sẽ cùng nhau uống một cốc. Cầu chúc cho tình bạn của chúng ta.
Ông đã cẩn thận ngâm một bình rượu nhỏ trong nước nóng.
Cả hai chúng ta sẽ ngủ trong chốc lát - vị y sĩ vừa nói vừa cười. Cha là một kẻ canh bệnh phi thường, một kẻ không thể mở chong con mắt, con sẽ nghĩ. Mà phải đấy, chúng ta đều là những con người. Bây giờ ta hãy uống một ít thức uống thần diệu này, con ạ. Không gì thú hơn một tiệc uống nhỏ lén lút ban đêm. Chúc cho con!
Đan Thanh cười, uống nhấm nháp. Chất rượu nóng ướp hoa quế và cẩm chướng thật ngọt ngào. Chưa bao giờ cậu uống một thứ rượu ngon như thế. Cậu nhớ lại đã có một lần cậu ốm. Lúc ấy chính Huyền Minh săn sóc cậu. Lần này là cha An, đối đãi cậu rất tử tế. Cậu sung sướng. Thật vô cùng êm ái và ngộ nghĩnh khi ở đây, nằm dưới ánh đèn nhỏ leo lét, và uống một cốc rượu ngọt nóng với vị linh mục già.
- Con có đau bụng không? Ông già hỏi.
- Thưa không.
- Ồ, cha đã nghĩ chắc con bị đau ruột, Đan Thanh ạ. Vậy thì ra không phải thế. Con thè lưỡi cha xem. Ờ, thôi, cha An già. này đã lại không hiểu gì về việc ấy nữa rồi. Ngày mai con sẽ ở lại yên ổn trong giường, cha sẽ đến thăm bệnh con. Con đã uống hết rượu chứ? Tốt. Cha hy vọng nó sẽ làm con khá hơn. Cha sẽ xem thử còn chút rượu nào không. Nếu chúng ta chia đều nhau thì sẽ còn nữa bình nữa. Con đã làm các cha hoảng sợ, Đan Thanh! Trông thấy con nằm dài trong chỗ đi dạo như một tử thi! Con không đau bụng thật sao?
Họ cười lớn và chia đều số rượu cho người bệnh còn thừa. Người linh mục nói những câu đùa, và Đan Thanh, với đôi mắt sáng trở lại, nhìn ông thích thú và cảm ơn. Đoạn ông già đi ngủ.
Đan Thanh vẫn thức một lúc. Chầm chậm, những hình ảnh trở lại từ thâm cùng của bản thể cậu: những lời của bạn cậu lại sáng ngời lên. Một lần nữa Bà hiện ra trong tâm hồn cậu, người đàn bà tóc hung rạng rỡ, mẹ cậu. Hình ảnh bà đi qua tâm trí cậu với sự mãnh liệt của ngọn gió Nam, đám mây của sự sống và yêu thương, đầy khích lệ cao tột. Ôi Mẹ! Làm sao lại có thể quên Bà lâu đến thế?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui