Ngày 2 tháng 9 năm 2001.
Trời nhiều mây.
Đại đội trọng án Sở Cảnh sát thành phố Sở Nguyên.
Thu dọn hiện trường xong, đã gần 3 giờ sáng, Thẩm Thư gọi tôi cùng lên xe của Vu Ngân Bảo.
Như làm ảo thuật, Thẩm Thư không biết từ đâu lấy ra một túi vật chứng, bên trong đựng một vật hình trụ lấp lánh, nói: “Chính là thứ này, đã qua mắt được bảo vệ trực ban của trường Đại học Giang Hoa.” Tôi và Vu Ngân Bảo sáp lại gần xem, hiếu kỳ hỏi: “Đó là cái gì vậy?” Thẩm Thư đáp: “Đây là thứ mà tôi đã vặn ra khỏi chiếc camera giám sát ở hiện trường vụ án, là một chiếc lồng chụp được thiết kế tinh xảo, bên trong có một tấm ảnh động của trận mưa bên trong bức tường tôn, chụp lên bên ngoài camera.
Trước đây, tại diễn đàn giao lưu nội bộ của Sở Cảnh sát, tôi đã được nghe anh em cảnh sát của các tỉnh thành khác kể về một thủ đoạn tương tự như này, nên mới kịp thời phát hiện ra thông tin phản hồi của ban bảo vệ có vấn đề.”
Chiếc xe rung lên bần bật, suýt chút nữa thì lọt vào hố nước ven đường, Vu Ngân Bảo tức giận chửi bới: “Tên tiểu tử này thật là gian xảo, sắp thành tinh mất rồi.” Cùng với nhịp rung lắc của chiếc xe, đầu tôi đập cái “binh” vào cánh cửa, không nhịn được mà trách cậu ta: “Cậu lái xe cho cẩn thận.” Rồi nhận lấy cái thứ ở trong tay Thẩm Thư, ngắm nghía một hồi, nói: “Cái món này làm cũng tinh xảo ra phết, xem chừng tốn cũng không ít công sức đâu.” Thẩm Thư đáp: “Đúng vậy, hơn nữa kích thước và góc độ đều được nắm rất chuẩn chỉnh, nếu không hình ảnh nhìn vào sẽ có sai lệch.” Tôi nhìn anh ta một cách không chắc chắn, nói: “Ý anh là…… Hung thủ trước khi dùng đã cho thử nghiệm?” Thẩm Thư đáp: “Nhất định là như vậy.”
Tôi thở phào một cái, như thể ngộ ra điều gì.
Tuy phá án không phải công việc của tôi, nhưng để phối hợp công tác với cảnh sát hình sự, các bác sĩ pháp y bắt buộc phải tiếp xúc với một vài kiến thức điều tra, tôi đã nghiên cứu qua không ít những vụ án trong và ngoài nước từ xưa đến nay, cho nên lúc phân tích vụ án cũng không đến nỗi nào.
Tôi nói: “Như vậy, nghi phạm đã được miêu tả sinh động rồi, kẻ có điều kiện nhất để tiếp xúc với camera đồng thời tác động lên nó chỉ có hắn ta.” Thẩm Thư không tỏ thái độ gì, nhưng biểu cảm có vẻ không hề phản đối.
Vu Ngân Bảo cũng nghe ra ý tứ trong câu nói của tôi, đáp: “Người này có kinh nghiệm tòng quân, được huấn luyện quân sự, tuổi tác, diện mạo, điều kiện kinh tế đều phù hợp với những đặc trưng của hung thủ mà chúng ta đã phân tích.
Trong quá trình giăng lưới điều tra, chúng ta cũng đã để ý tới hắn ta, nhưng không có bằng chứng cụ thể, sau đó việc hắn ta bị súng bắn, gần như đã giúp hắn thoát khỏi sự nghi ngờ.” Thẩm Thư khẽ thở dài nói: “Cái gì đã là sự thật thì không bao giờ có thể làm giả được.”
Vu Ngân Bảo lại nhớ ra một chuyện: “Tại sao tên tiểu tử này cẩn thận như thế, tại sao gây án xong lại không đem thứ này đi nhỉ?” Thẩm Thư đáp: “Có thể là chúng ta đã đến quá nhanh, ngoài dự đoán của hắn nên hắn không kịp trở tay.
Cũng có thể hắn lo lắng nếu tháo thứ này ra, trực ban phòng bảo vệ sẽ lập tức phát hiện ra Đào Anh bị hại, gây bất lợi cho hắn tẩu thoát.”
Chiếc xe đi đến ngã tư, tôi nói: “Vẫn còn sớm, chở tôi về nhà trước đi, dù sao thì hiện tại cũng chưa cần dùng đến tôi.” Thẩm Thư đáp: “Đừng vội, cùng chúng tôi đến đội cảnh sát, còn có thứ nữa muốn đưa cô xem.” Tôi ừm một tiếng, cả tối nay chưa được nghỉ ngơi rồi, tôi định bụng sau khi đến đội trọng án sẽ nằm chợp mắt trên chiếc ghế so-fa tầm 2 tiếng.
Dường như Thẩm Thư đã đọc được suy nghĩ của tôi, nói: “Tôi có dự cảm, đêm nay chúng ta sẽ không ngủ được đâu.”
Đến đội trọng án, Thẩm Thư dẫn chúng tôi vào phòng làm việc của cậu ấy, đóng cửa lại, bí hiểm lấy ra một cuộn băng ghi hình trong túi áo khóa.
Tôi cố ý làm ra vẻ kinh ngạc, nói: “Thẩm đội trưởng, cái túi áo của anh có thể cất được bao nhiêu đồ vậy?” Vu Ngân Bảo cũng hùa theo: “Chính thế, cứ như làm ảo thuật vậy.” Thẩm Thư không đáp lại, bỏ chiếc băng ghi hình vào máy chiếu rồi nhất nút phát.
Hình ảnh vừa hiện ra, tôi và Vu Ngân Bảo liền ngơ ngác nhìn nhau, không ngờ đó là cảnh ghi lại việc Trần Quảng giám định thi thể của Đào Anh ở hiện trường.
Trong bụng tôi đầy ắp sự nghi hoặc, nhưng lại giấu trong lòng không hề nói ra.
Dù sao việc sử dụng thủ đoạn lên người đồng nghiệp của mình có hơi nhạy cảm, Thẩm Thư không nói thì tôi cũng không hỏi.
Đương nhiên, Thẩm Thư chịu cho tôi xem đoạn băng này, chứng tỏ cậu ta rất tin tưởng tôi, chí ít là ở phương diện xử lý vấn đề của Trần Quảng, tôi là đồng minh của cậu ta.
Do trời tối, góc quay không được tốt, chất lượng hình ảnh rất kém, miễn cưỡng có thể nhìn ra bộ dạng của Trần Quảng.
Trước đó tôi đã từng chứng kiến quá trình giám định thi thể của Trần Quảng, giờ kết hợp với xem băng, nhất cử nhất động của ông ấy đều được tôi nhìn ra.
Tôi đang tự hỏi về ý đồ của Thẩm Thư khi quay lại đoạn băng này là gì thì một hành động của Trần Quảng đã thu hút sự chú ý của tôi.
Khi kiểm tra tay phải của nạn nhân, một tay ông ta đã chạm nhẹ vào lòng bàn tay của thi thể, sau đó nắm một thứ gì đó vào trong tay, nhưng lại không bỏ vào trong túi vật chứng, cũng không đưa cho ai xem mà cứ thế tiếp tục công việc.
Động tác của ông ta rất nhanh, lại liên tục, không gây chú ý cho bất kỳ ai.
Thực tế, dưới điều kiện ánh sáng ở hiện trường, tôi lại đứng ở khá xa nên lúc đó vỗ dĩ không nhìn thấy động tác này của Trần Quảng.
Còn Vu Ngân Bảo lúc này vẫn cứ ngơ ngác nhìn vào màn chiếu, không hiểu Trần Quảng đang làm cái gì.
Tôi nhớ Thẩm Thư đã nói với Trần Quảng ở hiện trường rằng “Lần này hung thủ không để lại lời cảnh cáo, không giống với hai vụ trước”, nhưng lúc đó Trần Quảng không hề tỏ ra phản đối.
Nhẽ nào thứ ông ta giấu chính là vật chứng mà hung thủ để lại? Nhưng tại sao ông ta lại phải mạo hiểm làm vậy? Ông ta đang cố ngăn cảnh sát tìm ra hung thủ, có thể giữa ông ta và hung thủ có một mối quan hệ đặc biệt nào chăng?
Tôi hỏi Thẩm Thư: “Đó là cái gì? Có phải của hung thủ để lại, chỉ định đối tượng sát hại tiếp theo không?”
Thẩm Thư lắc đầu, rõ ràng cậu ta cũng không biết thứ mà Trần Quảng giấu là gì.
Chúng tôi đem cuộn băng ghi hình về, phóng đại cục bộ, cuối cùng cũng lờ mờ nhận ra đường nét của món đồ đó, nhưng chỉ cần một chút đường nét thôi là đủ, bởi cả ba chúng tôi đều đã quá quen thuộc với thứ đó, gần như lên tiếng cùng một lúc: “Huy hiệu cảnh sát!”
Thứ mà Đào Anh nắm trong tay, thứ mà Trần Quảng đã che giấu chính là một chiếc huy hiệu cảnh sát.
Đối tượng tiếp theo mà hung thủ nhắm đến chính là một cảnh sát!
Vu Ngân Bảo phẫn nộ chửi bới: “Mẹ kiếp, hắn an gan hùm à, dám động đến cảnh sát! Giết thêm người nữa là tên biến thái này đã giết hại 4 người rồi.” nghe xong Thẩm Thư khẽ rùng mình, dường như nhớ ra điều gì, lẩm nhẩm nói: “4 người, 4 người, đứa bé đó, đứa bé đó……”, tôi và Vu Ngân Bảo bối rối, không biết anh ta đang lẩm bẩm cái gì.
Thẩm Thư đột nhiên hỏi Vu Ngân Bảo: “Trước khi đến hiện trường, tôi bảo cậu tìm tư liệu chi tiết về buổi kịch nói mà Đào Anh xem trước khi gặp nạn, cậu đã tìm được chưa?” Vu Ngân Bảo vỗ tay vào trán: “Anh mà không nhắc là tôi cũng quên, lúc đó lắm việc quá, tôi thì không thể phân thân ra được nên đã nhờ hai cảnh sát khác đi tìm, giờ này có lẽ đã về rồi.” Vu Ngân Bảo cầm máy lên nói mấy câu, bảo: “Hai người họ sẽ lập tức đem kịch bản đó đến đây.”
Tên của vở kịch là “Vết sẹo”.
Tôi nói: “Cái tên này nghe thật quen, trước đây đã nghe ở đâu rồi thì phải.” Vu Ngân Bảo hùa theo: “Đúng, hình như rất nổi tiếng.” Thẩm Thư đáp: “Đây là kịch nói mà Tô Nam làm biên kịch kiêm đạo diễn, bây giờ người không còn, kịch cũng không được diễn nữa, lúc chúng ta điều tra về vụ án của Tô Nam đã nghe người ta nói qua về màn kịch này, hình như là đề tài về Cách mạng Văn hóa.” Cậu ta vừa nói, vừa lật giở kịch bản, nhanh chóng nhập tâm.
Vở kịch “Vết sẹo” này đã tái hiện một cách sống động về cái thời đại phi thường đó, chân tướng về sự phản bội, bán rẻ, lăng nhục và tàn sát giữa người với người.
Cuối thời kỳ “Văn Cách”, 4 Hồng vệ binh đến từ 4 trường Đại học trong thành phố, lần lượt đại diện cho đội chiến đấu Hồng Kỳ, đội chiến đấu Đông Phương Hồng, đội chiến đấu Thượng Cam Lĩnh và đội chiến đấu Tỉnh Cương Sơn đã xông vào nhà một giáo sư Đại học họ Dư.
4 Hồng vệ binh đó gồm 3 nam 1 nữ, giữa bọn họ vốn không hề quen biết, nhưng vì “một mục đích chung” mà đi cùng nhau.
Mục đích chung đó là bút tích của Thư thánh Vương Hi Chi.
Bức thư pháp đó vô cùng quý giá, theo một ý nghĩa nào đó, nó không chỉ là vật lưu trữ của nhà họ Dư mà còn là tài nguyên của cả nhân loại.
Nhưng với 4 Hồng vệ binh kia mà nói, nó là 1 trong 4 thứ cũ kĩ, là tàn dư của phong kiến, bắt buộc phải tiêu hủy, không để cho nó tiếp tục đầu độc các thế hệ sau.
Giáo sư Dư nâng niu bức thư pháp này như chính đôi mắt của mình, sao chịu để cho Hồng vệ binh phá hủy nó.
Mặc cho 4 tên Hồng vệ binh có lục soát, đập phá, chửi bới và đánh đập, khiến cho vợ chồng giáo sư Dư máu me đầy mặt, quần áo bị xé rách cũng không chịu nôn ra nơi cất giữ bức thư pháp kia.
Cậu con trai duy nhất của giáo sư Dư cũng bị đẩy ngã ra đất, mũi không ngừng chảy máu.
Đám Hồng vệ binh giết người không chớp mắt đã đem toàn bộ sách, bản thảo, thư pháp của vợ chồng giáo sư Dư chất thành đống, châm một mồi lửa.
Phút chốc, toàn bộ tâm huyết bao năm của hai phần tử tri thức quý sách như mạng sống của mình đã hóa thành tro tàn.
Giáo sư Dư đau đớn tột cùng, nhưng vợ chồng ông đã bị đánh cho gãy chân, đến mình còn chẳng cứu được nữa là sách.
Cuối cùng đám Hồng vệ binh cũng tìm ra được bút tích của Vương Hi Chi, 4 người họ trải bức thư pháp ra trước mặt hai vợ chồng, cười đắc ý, thi nhau nhổ nước bọt lên trên.
Vợ chồng giáo sư Dư kêu đến xé gan xé ruột, nhưng lúc này có kêu thì trời cũng không linh, đất cũng không ứng, bọn họ hoàn toàn trơ trọi.
Đám Hồng vệ binh hả hê tận hưởng sự đau đớn và tuyệt vọng của hai phần tử tri thức, thú tính trong sâu thẳm tâm hồn chúng được thỏa mãn cực đại.
Sau đó, bọn chúng dùng hành động cực kỳ khoa trương nể ném bảo vật vô giá được gìn giữ như mới sau hàng ngàn năm này vào ngọn lửa dữ dội.
Cậu con trai duy nhất của giáo sư Dư hét toáng lên, lao vào đấm đá một tên Hồng vệ binh.
Tên Hồng vệ binh đó cực kỳ tức giận, nhấc bổng đứa bé yếu ớt kia lên, hất văng ra ngoài, trán cậu bé đập mạnh vào góc bàn bát tiên bằng gỗ đàn hương, lúc đó trán cậu bé không ngừng chảy máu, ngã lăn ra đất co giật mấy hồi, sau đó nằm bất động.
Vợ chồng giáo sư Dư thương xót đứa con bé bỏng, hai mắt trợn trừng như muốn nổ tung, tuy cơ thể bị trọng thương nhưng vẫn cố dùng hai tay để lết, mỗi người ôm một cẳng chân của tên Hồng vệ binh, ra sức cắn xé.
Bọn Hồng vệ binh thấy vậy liền xông lên, cứ hai đánh một, đám đá túi bụi.
Sau khi bị tra tấn gần nửa tiếng đồng hồ, vợ chồng giáo sư Dư đều trợn ngược mắt, nhổ ra nước bọt lẫn máu, xem ra đã chết.
4 tên Hồng vệ binh trông thấy ba người trong một nhà đều chết dưới tay họ, mới cảm thấy chút sợ hãi, tuy nhiên mục đích của chuyến đi này đã đạt được, cả nhà giáo sư Dư đều là bọn ngưu quỷ xà thần, có chết cũng chả gây sóng gió gì, với cả hồi đó số lượng Hồng vệ binh rất nhiều, ai mà biết được là do họ làm chứ? 4 tên Hồng vệ binh đó liền thề độc với nhau, tuyệt đối không được nói chuyện này ra bên ngoài, sau này đường ai nấy đi, 4 người bọn họ không còn liên hệ với nhau nữa.
Sau khi bọn họ tốt nghiệp Đại học rồi tham gia công tác, mỗi người một thành tựu riêng.
3 người trong số họ hoàn toàn không bận tâm đến thảm án diệt môn mà chính tay mình đã gây ra, cùng với thời gian trôi đi và sự biến chuyển của cuộc sống, cái chuyện quá khứ không ai dám nhớ lại ấy dường như đã bị xóa sạch khỏi ký ức.
Nhưng người còn lại thì bị lương tâm khiển trách, sống vật vờ từ ngày này qua ngày khác, bi kịch của 3 người nhà họ Dư thi thoảng lại hiện lên trong đầu khiến hắn ăn không ngon ngủ không yên, trở thành món nợ máu của cả phần đời sau này.
Chính vì thế mà vở kịch này được đặt tên là “Vết sẹo”.
Tôi và Thẩm Thư, Vu Ngân Bảo đều chưa từng trải qua thời kỳ “Văn Cách”, sự hiểu biết ít ỏi của chúng tôi về quãng thời gian đó đề được nghe người lớn kể lại, hơn nữa ánh mắt thận trọng và lời lẽ kín như bưng của họ khi kể lại chuyện hồi đó đã đem lại cho “Văn Cách” thêm sắc màu thần bí.
Đọc đến mục này, nhân tính lạnh lùng cùng cuộc tàn sát đẫm máu được phản ánh bên trong đã khiến ba người chúng tôi không khỏi kinh ngạc.
Vu Ngân Bảo xúc động nói: “Tô Nam đã trải qua thời kỳ “Văn Cách”, ông ta đạo diễn vở kịch này, cũng có thể coi là tái hiện lịch sử.” Thẩm Thư trầm ngâm đáp: “Có thể không chỉ là tái hiện lịch sử, thứ ông ta ghi chép, chính là những gì mà ông ấy đã trải qua.
Ông ta đã gánh chịu sự hối hận và ăn năn suốt một đời, nên mới dùng kịch nói như một hình thức để bộc bạch.” Tôi và Vu Ngân Bảo nhất thời đều chưa hiểu, đồng thanh hỏi: “Sao cơ?”
Thẩm Thư không đáp lại, dặn dò Vu Ngân Bảo: “Cậu mau chóng liên hệ với đồn cảnh sát quản hạt của Đại học Giang Hoa và Sở Cảnh sát thành phó, yêu cầu họ kiểm tra lại hồ sơ vụ án năm xưa, cuối thời kỳ “Văn Cách”, trong khu nhà cho giáo viên của trường Đại học Giang Hoa, xem có vụ án gia đình ba người nào bị hại không, người nhà đó có thể họ Dư, họ Từ (Dư và Từ trong pinyin đều là Yu), hoặc những họ khác tương tự.
Cậu cứ bảo đây là nhiệm vụ khẩn cấp, yêu cầu đồn trưởng trực ban và Sở trưởng dốc sức phối hợp, không được chậm chễ dù chỉ một phút, đi mau.”
Vu Ngân Bảo chạy đi làm nhiệm vụ, lúc đó tôi mới hiểu ra được một chút: “Thẩm đội trưởng, cậu đang nghi ngờ…… Vở kịch này và vụ án giết người liên hoàn kia có liên quan với nhau?” Thẩm Thư đáp lại một cách chắc nịch: “Không chỉ là nghi ngờ, trước mắt tôi chắc đến 9 phần, vở kịch này của Tô Nam chính là ngòi nổ và mật mã để lật tẩy vụ án.
Thực ra vở kịch này đã được nhắc đến trong quá trình điều tra cái chết của Tô Nam, nhưng lúc đó chúng tôi vừa không để ý tới cốt truyện, lại không nghĩ là nó có liên quan đến vụ án, nếu không đã chẳng lãng phí nhiều thời gian và cảnh lực để truy tìm chân tướng, mà Lâm Mỹ Khuyên và Đào Anh có khi cũng không phải chết.” Thẩm Thư tỏ ra hổ thẹn và ủ rũ.
Tôi đáp: “Bỏ đi, không cần phải nhận hết trách nhiệm về mình, chẳng ai là thần tiên cả, để kết nối cuốn kịch bản này với vụ án trong lúc mọi chuyện còn chưa rõ ràng, chỉ có nước mọc mắt sau lưng.
Chỉ cần ngăn chặn kế hoạch giết người thứ tư của hung thủ, đã là một thắng lợi không hề nhỏ rồi.” Vừa nghĩ đến việc đối tượng thứ tư mà hung thủ nhắm đến là một cảnh sát, tôi không khỏi lạnh sống lưng.
Thẩm Thư nói: “Sau khi phát hiện ra thiết bị ngụy trang trên camera giám sát ở hiện trường Đào Anh gặp nạn thì mạch của vụ án đã được hình thành một cách đại khái, nhưng vẫn còn một vấn đề mấu chốt chưa được gỡ bỏ, chính là động cơ gây án của hung thủ.
Hiện tại đọc qua cuốn kịch bản này, tiền nhân hậu quả của vụ án đã hết sức rõ ràng.
Chỉ cần Vu Ngân Bảo tìm được hồ sơ vụ án được cất giữ lâu năm của gia đình ba người gặp nạn kia, chúng ta có thể lập tức bắt nghi phạm được rồi.”
Tôi đột nhiên nhớ ra một chuyện, nói: “Nếu hung thủ là đứa bé đó, trên trán của hắn nhất định có một vết sẹo.” Vết sẹo như con giun đất của Từ Kiếm Minh hiện lên rõ nét trong đầu, tôi cảm thấy toàn thân mình lạnh toát.
Thẩm Thư như đoán ra được tâm tư của tôi, không nói gì, chỉ dùng ánh mắt cổ vũ để nhìn, chứng thực những suy đoán của tôi.
Tôi hỏi: “Tôi vẫn chưa hiểu lắm, nếu hung thủ muốn báo thù, tại sao lại phải đợi đến 20 – 30 năm sau? Hắn sớm đã có nhiều cơ hội cơ mà?”
Thẩm Thư đáp: “Hắn không hề kiên nhẫn, chỉ là mãi chưa tìm được 4 tên Hồng vệ binh đã giết hại cha mẹ mình.
Hắn đã lớn lên trong nỗi căm hận, tính cách trở nên vừa cố chấp lại khép mình.
Mãi đến một ngày, khi Tô Nam tìm được lương tâm, ông ta đã viết câu chuyện được giấu kín trong lòng thành một kịch bản, thông qua hình thức kịch nói để diễn xuất ra bên ngoài.
Có lẽ ông ấy cho rằng, làm như vậy sẽ giảm bớt món nợ trong lòng, nhưng đâu ngờ cuốn kịch bản ấy lại đem tới một thảm kịch lớn hơn.
Tô Nam luôn cho rằng đứa bé đó đã chết, nên đã gieo rất nhiều tình tiết có thật vào bên trong, khán giả tuy sẽ nghĩ đó là sáng tạo nghệ thuật, nhưng những ai đã trải qua thảm án đó sẽ có thể nhìn ra nội tình bên trong.
Do đề tài nhạy cảm, vở kịch chỉ được diễn trong một phạm vi nhỏ, hơn nữa Đại học Giang Hoa vừa hay lại là một trong những nơi được phép công chiếu.
Đứa bé năm xưa giờ đã trưởng thành sau khi có cơ hội được xem vở kịch, mối hận chưa bao giờ nguôi ngoai đã ngủ yên suốt nhiều năm trong lòng liền bị đánh thức.”
Thẩm Thư miêu tả tỉ mỉ đến mức, tôi cảm giác anh ta chính là đứa trẻ năm xưa đang xem vở kịch, cậu ta nghiến răng nghiến lợi, mặt tối sầm lại, ánh mắt toát lên vẻ căm hận.
Trong lòng cậu ta đang ấp ủ một kế hoạch giết người đẫm máu.
Thẩm Thư nhận thấy sự chuyển biến trên sắc mặt của tôi, khẽ thở dài rồi nói tiếp: “Đứa bé đó đã làm cách nào để tìm ra thân phận thực sự của ba người còn lại, hiện vẫn chưa rõ, có thể sau khi bắt cóc Tô Nam đã ép ông ta phải khai ra.
Tóm lại, hắn đã nắm được thông tin chi tiết của 4 kẻ thù, đồng thời vạch ra kế hoạch giết người vừa tàn nhẫn lại chu đáo.
Hắn đã từng được huấn luyện đặc biệt trong doanh trại, sống một mình, tình trạng tài chính cũng không tệ, hội tụ đủ các yếu tố tất yếu để có thể hoàn thành kế hoạch một cách độc lập.
Hắn đã dùng một thủ đoạn cực kỳ tàn nhẫn để giết chết Tô Nam, đồng thời để lại lời cảnh cáo trên thi thể, chỉ định mục tiêu tiếp theo, vừa thỏa mãn tâm lý báo thù của hắn, cũng là để đe dọa mục tiêu sát hại.
Hắn hy vọng kẻ thù của mình trước khi bị phân thành trăm mảnh sẽ phải chịu sự dày vò trong nỗi sợ hãi của cái chết.”
Tôi nghe chăm chú, nhưng lại bán tín bán nghi, lúc đó tôi vẫn chưa tin lắm vào năng lực làm án của Thẩm Thư, hơn nữa tôi còn tận mắt chứng kiến những khúc mắc và khó khăn mà cậu ta trải qua trong quá trình điều tra vụ án, khiến hình tượng của cậu ta khá mất giá.
Tôi và cậu ta cùng tiếp xúc với vụ án này, những tình tiết vụ án mà cậu ta nắm được cũng không nhiều hơn tôi là bao, bây giờ lại nói như đúng rồi, khiến người ta không khỏi nghi ngờ những gì cậu ta nói chỉ là suy đoán.
Thẩm Thư không hề để ý đến sự nghi ngờ trong ánh mắt của tôi: “Mặc dù Lâm Mỹ Khuyên và Đào Anh sau khi tiếp xúc với cảnh sát đã tỏ ra rất sợ hãi, nhưng họ vẫn cố tránh hợp tác với cảnh sát, vì họ thực sự không biết hung thủ là ai, bọn họ vẫn cho rằng đứa trẻ đó đã chết.
Đương nhiên, bọn họ cũng chưa xem vở kịch mà Tô Nam đạo diễn.
Vì vậy, mặc dù họ cũng đoán rằng cái chết của Tô Nam có thể liên quan đến thảm kịch của ba người trong gia đình Giáo sư Dư, nhưng vẫn không dám chắc.
Sau khi Lâm Mỹ Khuyên gặp nạn, chúng tôi dần tiết lộ tình tiết vụ án cho Đào Anh, tinh thần của ông ta bị đả kích mạnh mẽ, đến lúc đó ông ta đã cơ bản khẳng định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tô Nam và Lâm Mỹ Khuyên, nhưng ông ấy vẫn không ngờ rằng kẻ sát nhân chính là đứa trẻ năm xưa.
Mấy lần gọi điện thoại đến, muốn khai sự thật với cảnh sát, nhưng ông ta đều cúp máy ở những đoạn then chốt.
Ông ta đã sống quá nửa đời người, gia đình và công việc đều rất ổn định, nếu chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ, ông ta nhất định sẽ không buông bỏ cuộc sống mà mình đang có.
Huống chi, khai nhận với cảnh sát về tội lỗi mà mình đã phạm phải, không biết chừng ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, mâu thuẫn tâm lý lúc đó của ông ta không nói cũng hiểu.”
Tôi nói: “Nhưng cuộc điện thoại ông ta gọi đến trước khi gặp nạn, rõ ràng ông ta đã biết hung thủ là đứa bé đó.”
Thẩm Thư đáp: “Đúng vậy, lúc đó ông ta vừa xem xong vở kịch, cốt truyện đã tái hiện lại nguyên vẹn cảnh tượng lúc đó.
Trong đó có một chi tiết, sau khi vợ chồng giáo sư Dư ngã xuống đất, 4 Hồng vệ binh đã thử hơi thở của họ, xác thực họ đã chết.
Còn đứa bé bị đập đầu vào góc bàn, nằm bất động trên sàn thì bọn họ lại không xác thực, chủ quan cho rằng nó đã chết.
Tôi không biết liệu có phải tình tiết này đã khơi gợi ký ức của Đào Anh, khiến ông ta nhận ra rằng, đứa bé mà ông luôn cho rằng đã chết thực ra chưa chết, hơn nữa chính đứa bé đó là người khiến ông ta ăn không ngon ngủ không yên, suốt ngày nơm nớp lo sợ trước cái chết đang cận kề.
Phát hiện đó khiến ông ta không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, vội lao ra khỏi giảng đường, không quản gió mưa để gọi điện cho chúng ta để nói ra sự thật đã được chôn giấu nhiều năm.
Nhưng ông ta không ngờ rằng, đứa bé đó chính là bảo vệ của trường Đại học Giang Hoa.
Có thể ngay từ lúc bước chân vào trường, đứa bé đó đã bám theo ông ta, đợi đến khi ông ta chuẩn bị tiết lộ chân tướng thì liền ngắt điện thoại, sau đó bắt ông ta đi, giống như cái cách đã làm với Tô Nam và Lâm Mỹ Khuyên.”
Tôi khẽ cười, nhưng trong lòng lại hoài nghi, không hề đáp lại.
Tôi là một bác sĩ pháp y tốt nghiệp khoa danh tiếng của trường Đại học danh tiếng, tôi tin vào khoa học, tin vào chứng cứ vật lý, tin vào những gì mà mình tận mắt chứng kiến nên cứ tỏ ra e ngại với thứ lập luận chưa chắc đã chính xác này.
Tôi không muốn phản bác Thẩm Thư một cách trực tiếp, nhưng lại nói ra những câu hỏi luôn trăn trở trong lòng: “Nhưng mà, nếu như đối tượng mà chúng ta cùng nghi ngờ chính là đứa trẻ đó, thế thì kẻ đã dùng súng tấn công anh ta là ai? Đừng quên, lần này hung thủ để lại trong tay nạn nhân một chiếc huy hiệu cảnh sát, rõ ràng mục tiêu tiếp theo mà hắn nhắm đến là một cảnh sát.
Trần Quảng rốt cục có phải là người trong cuộc hay không? Hay ông ta chính là đối tượng bị sát hại tiếp theo? Tại sao ông ta lại giúp che giấu hung thủ?” Những vấn đề này đều là khúc mắc của vụ án, hơn nữa còn liên quan đến một cảnh sát chức vụ cao, có thâm niên trong ngành, tôi tin là Thẩm Thư khi chưa có bằng chứng xác thực sẽ không dễ dàng đưa ra kết luận.
Thẩm Thư gật đầu, nhìn vào biểu cảm có thể thấy tâm trạng cậu ta rất thoải mái, như thể đã bước ra khỏi mới rắc rối của vụ án giết người liên hoàn.
Nhẽ là anh ta thực sự chắc chắn với những suy luận của mình?
Thẩm Thư đang định trả lời một chuỗi câu hỏi của tôi thì điện thoại của tổng đài 110 vang lên: “Cảnh sát tuần tra đã tìm thấy một chiếc xe địa hình có biển số cảnh sát bị đâm nát ở ngã tư ngõ Đông Đài đường Hoa Sơn, trong xe không có người, trên cửa sổ có vết máu.
Giám đốc Sở Cao Đại Hùng đã đến hiện trường, yêu cầu đội trọng án lập tức có mặt để hỗ trợ.” Thẩm Thư dập máy, nói với tôi: “Ngõ Đông Đài đường Hoa Sơn là con đường mà Trần Quảng bắt buộc phải đi qua nếu muốn về nhà, chiếc xe mà ông ấy lái chính là xe địa hình, chắc đến 8 phần là ông ta đã xảy ra chuyện rồi.
Tên tiểu tử này ra tay nhanh thật, không cả kịp thở.
Vừa hay cô ở đây, chúng ta cùng qua đó xem sao.”
Tôi bám theo cậu ta xuống lầu, làu bàu nói: “Không phải cậu đã sớm dự liệu đêm nay sẽ là một đêm không ngủ sao? Chúng mừng cậu, đáp đúng rồi đó.” Thẩm Thư quay lại nheo mắt nhìn tôi, không nói gì.
Tay này ít nhiều cũng có chút mặt tốt, lúc nào không nên nói thì sẽ câm như hến..