SỰ THẬT MỘT KIẾP NGƯỜI
– – 0 – –
Raw: Hòa thượng Tịnh Không
Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau, vì đến đây cũng có thể thích ứng.
Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau, vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao.
Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi thì đẹp và xấu giống nhau, vì lúc này ai cũng xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang.
Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé đều giống nhau, vì nghỉ hưu rồi, địa vị xã hội cũng giống nhau.
Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau, vì xương khớp thoái hóa, không thể đi dược hết những nơi muốn đi.
Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau, vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiều tiền.
Vậy nên: trước hay sau, già hay trẻ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quan hay dân đều giống nhau.
Hãy sống và giữ cho mình thứ tồn tại bất biến, đó là niềm tin, tình yêu và nhân nghĩa ở đời!
– – 0 – –
Hôm nay là 08/04 (âm lịch) ngày Phật đản sinh lại vô tình xem được clip của bạn Trang Nguyễn trên tiktok nên up lên luôn. Trong clip bạn ghi, những câu trên do ân sư Tịnh Không nói.
Thực ra thì rất nhiều người cũng gọi ngài là ân sư nhưng tôi thì không dám. Vì sao? Vì tuy tôi từng nghe thầy giảng nhưng lại chưa từng bái sư, không dám nhận bừa. Mà ở VN mọi người thường gọi các hòa thượng là sư thầy nên ở đây tôi sẽ gọi là thầy hen.
Đọc xong bài trên, tôi cảm thấy mình đi đúng đường rồi. Không so bản thân với người khác, chuyên tâm làm việc để sau này về già không hối hận. Tôi cũng hay khuyên thái hậu, nên làm việc mình thích đừng vì con cái nữa, mà thái hậu không nghe. Chịu!
Với thầy Tịnh Không, tôi biết thầy từ lâu nhưng sau này mới bắt đầu nghe thầy giảng. Rồi chậm rãi thấm dần. Nhân chương này tôi sẽ kể mọi người nghe một chút chuyện về thầy lẫn bản thân tôi nha.
Khi nghe giảng, tôi cũng có rất nhiều câu muốn hỏi nhưng thầy đã không còn nữa. Trùng hợp tôi từng nghe một đoạn thầy kể về bản thân. Rằng: lúc trẻ có người nói mạng thầy không dài vì thầy không có phước. Sau này nhờ giảng kinh tích được phước nên mới thọ. Thầy cũng nói một tờ giấy hỉ mũi thầy dùng tầm một ngày, dùng đến khi tờ giấy không thể sử dụng được nữa mới vứt, bởi thầy biết mình không có nhiều phước.
Từ nhỏ tôi đã bị dị ứng mũi, bệnh này theo tôi đến lớn, chỉ tới gần đây tôi mới được giới thiệu thuốc có thể cầm lại nó, ngưng thuốc thì nó lại phát bệnh, sẽ không rời được giấy. Mỗi lần thấy cuộn giấy sắp hết tôi cũng sót lắm. Bởi thế tôi cũng như thầy vậy, có thể tiết kiệm thì tiết kiệm. Mỗi lần dùng chỉ xé một miếng nhỏ thôi, dùng hết lại xé tiếp. Thứ nhất giấy không phải tôi mua, thứ hai tôi không quen phung phí.
Lúc ở công ty cũng thế, mỗi lần đi WC thấy đồng nghiệp lau tay bằng mấy tờ giấy loại giấy ăn hình vuông, tôi trố mắt nhìn. Họ chỉ cười giải thích với tôi rằng, giấy ướt rồi mà tay chưa khô, nên thường ai cũng sẽ lấy hai ba tờ để lau tay. Tôi cười nhưng không đáp. Tôi biết chứ, nhưng giấy ướt hết rồi tôi vẫn còn thể dùng nó lau sạch hai cái tay của mình, không còn một giọt nước luôn. Ai không tin có thể tự thử.
Lúc nhỏ, khi ăn cơm tôi cũng ăn không sạch và bị bà nội nói, ăn cơm vét không sạch sau này lớn lên sẽ bị tàn nhang. Nhưng nhà tôi ăn cơm lạ lắm, không cho chang canh vào cơm nên vét không sạch được. Sau cùng bà nội dạy tôi, khi ăn xong hết rồi thì cho chút canh vào chén rồi vét hết ăn luôn. Chậm rãi tôi học được thói quen này, nên sẽ không để sót hạt cơm nào trên chén nữa.
Sau khi nghe thầy giảng thôi mới biết, đó không chỉ là một tờ giấy, không chỉ là một hạt cơm mà nó là phước. Phải còn phước mới có cơm ăn, áo mặc, đồ dùng, tiêu hết rồi thì không còn nữa.
Cho dù bạn theo đạo giáo khác, hoặc không tin thần phật ma quỷ, nhưng bạn cũng nên biết, một miếng ăn bạn bỏ có thể cứu được một người đang bị đói. Không nói tới Châu phi, ở VN cũng có rất nhiều người không có cơm ăn mà. Sau khi tôi ý thức được điều đó, đã rất lâu rồi, tôi ăn cơm sẽ không chê bai, không bỏ mứa nữa.
Từ lúc tôi còn nhỏ cũng đã có rất nhiều người nói tôi không có phước. Nói thật lúc đó tôi không để tâm cho lắm. Người tôi vẫn giúp, tiền tôi vẫn tiêu, việc tốt tôi vẫn là, có đồ mới tôi vẫn hưởng, nhưng sau một cơn đại dịch, sau một trận mất thu nhập tôi nhận ra rất nhiều điều. Lúc này tôi biết tôi phải làm gì, nên làm gì rồi.
Thầy cũng kể rất nhiều chuyện về quỷ thần, về địa ngục. Tôi rất thích nghe thầy kể về những loại chuyện đó. Thầy nói, địa ngục có thật không? Có thật thế nhưng là với những người có tội. Với những người thiện, địa ngục trước mắt cũng nhìn không thấy.
Thầy Thích Giác Khang cũng từng nói, địa ngục không có thật, địa ngục là do mình tạo ra. Tự gây ác chính là tự tạo địa ngục đó.
Tôi biết thầy Tịnh Không viên tịch rồi, thầy để lại một xá lợi lưỡi, chứng tỏ những thứ thầy nói đều có thể tin, thầy đều nói sự thật, sẽ không sai được. Tuy nói không phải bài giảng nào của thầy tôi cũng nghe, cũng không phải bài nào tôi cũng chăm chú nghe, bởi có mấy cái sâu quá tôi không hiểu hết được, thế nhưng mà cái nào tôi nhớ được, tôi sẽ áp dụng.
Ngoại trừ thầy Tịnh Không ra, thầy Thích Giác Khang cũng đã viên tịch để lại rất nhiều viên xá lợi nhỏ; Ấn Quang đại sư cũng đã viên tịch cũng để lại rất nhiều xá lợi; hòa thượng Hải Hiền để lại một nhục thân khi viên tịch; sư Thích Quảng Đức tự thiêu để lại xá lợi tim; hai sư Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường cũng để lại nhục thân trong chùa Đậu ở HN; thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã viên tịch;… đây là những trường hợp khoa học không thể giải thích được. Họ là những minh chứng cho việc chính pháp tồn tại. Xá lợi họ để lại để hậu nhân nhìn theo mà tin tưởng, tu tập.
Hiện nay cũng có một số sư thầy, sư cô mà lâu lâu tôi cũng có nghe họ giảng pháp: cô Giác Lệ Hiếu; thầy Thích Pháp Hòa, thầy Thích Minh Niệm; thầy Thích Chân Quang; thầy Thích Trí Quảng; thầy Thích Chánh Định; thầy Thích Thái Trúc Minh;…
Hạnh phúc đến từ bên trong.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Trong họa tự có phúc, trong phúc lại tàng họa.
Mọi việc phát sinh trên đời chỉ để thử xem phản ứng của tâm thế nào.
Những câu nói trên tôi nghe qua nhưng không nhớ rõ là của sư thầy, sư cô nào nói. Nhưng hy vọng có thể giúp cho những bạn từng đọc, từng nghe nó tìm được bình an.
Nguyện phong điều vũ thuận – quốc thái dân an!