VIỆT PHỤC
– – 0 – –
Không biết có nàng nào ở nhà ta mê Việt phục không nè, Việt phục vẫn đang phát triển và hy vọng sẽ càng ngày càng tiến xa được nhiều bạn trẻ cũng như nhiều bản bè nước ngoài biết đến.
Hôm nay đọc được dự án Việt Y Dệt Sử của Colere nguồn https://.facebook.com/duanvanhoaColere/ nên ta reup lên đây lưu lại nhân tiện share cho mọi người hiểu hơn về Việt phục cũng như sử ta.
Trang phục truyền thống Việt Nam, một khía cạnh văn hoá gắn liền chặt chẽ với đời sống của người dân Đại Việt từ quá khứ cho đến hiện tại. Với chủ đề Việt phục, qua chuỗi bài viết này, Colere sẽ cùng các bạn vén bức màn khám phá từng chặng đường phát triển trong lối ăn mặc của cha ông ta, cũng như đưa đến một góc nhìn mới dành cho cổ phục Việt Nam trong xã hội hiện đại ngày nay.
Hiện đại nối tiếp truyền thống, thực tại nối liền quá khứ, bạn đã sẵn sàng cùng Colere quay ngược khung cửi thời gian?
137022212_174562644458486_7633508761382720464_n
|TỔNG QUAN VỀ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM|
Với một bề dày lịch sử văn hiến, trang phục truyền thống Việt Nam mang vô vàn tinh hoa của thời đại, được thể hiện qua hình dáng, kích thước, màu sắc, họa tiết của những bộ y phục và phụ kiện ( mão, nón, trang sức, hài, … ) tiêu biểu của từng thời kỳ.
Từ xa xưa, người Việt đã biết trồng dâu nuôi tằm và chính từ đó nghề dệt ra đời. Từ những tấm vải lụa, người phụ nữ Việt đã khéo léo sử dụng đôi tay của mình tạo thành những trang phục đầu tiên, mà cụ thể đó là chiếc áo yếm và váy đụp.
Theo chiều dài lịch sử, Việt Nam có nhiều loại hình trang phục truyền thống đại diện cho từng thời kỳ. Từ những bộ trang phục cung đình thời Lý – Trần – Lê bị ảnh hưởng từ tư tưởng Đế vương và quan niệm Hoa di của các triều đại phong kiến Trung Hoa, cho đến thời kỳ của những chiếc áo Ngũ Thân và áo Nhật Bình.
Đặc biệt, người Việt đã có một cuộc thiên di lớn về phương Nam. Tại đây, để thích ứng với khí hậu khô nóng của Nam Bộ, người Việt đã sáng tạo ra một loại trang phục gọi là áo bà ba, cùng với phụ kiện đi kèm tạo thành một hình ảnh đặc trưng, hài hòa với tự nhiên.
Hơn cả, với lịch sử nhiều thăng trầm, từ chiếc áo tứ thân, ngũ thân đến áo dài Raglan, áo dài Lemur, áo dài Trần Lệ Xuân,… áo dài truyền thống Việt Nam đã và đang mang trong mình sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa.
Hiện nay, sự xâm nhập các loại hình thời trang trên thế giới vào Việt Nam sẽ là thách thức cho những trang phục truyền thống. Vậy nên vấn đề được đặt ra vào thời điểm hiện tại là chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn, lan tỏa nét đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam?
Với sứ mệnh đem văn hóa truyền thống đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ, Colere sẽ cùng các bạn chu du trên chuyến hành trình khám phá một trong các khía cạnh của văn hoá Việt Nam – Việt phục nhé!
| VIỆT PHỤC THỜI LÊ: GIAO LĨNH – VIÊN LĨNH |
GIAO LĨNH
Giống với nhà Trần, vào thời kỳ nhà Lê, Giao lĩnh là loại trang phục phổ biến nhất của nước ta. Giao lĩnh là loại áo có sáu thân, cổ giao nhau và được mặc cùng thường (váy). Nhà Lê thịnh hành hai loại Giao lĩnh là Giao lĩnh vạt dài và Giao lĩnh vạt ngắn.
Giao lĩnh vạt dài có vạt dài quá đầu gối, dành cho cả nam lẫn nữ và khi mặc sẽ được phủ bên ngoài thường. Đặc biệt phụ nữ khi mặc Giao lĩnh vạt dài sẽ xoã tóc, chỉ buộc ở cuối đuôi tóc. Ngược lại, Giao lĩnh vạt ngắn có vạt chỉ dài đến ngang hông, khi mặc sẽ quây thường bên ngoài như Hakama của Nhật và tóc được búi thành búi Chuỵ Kế. Đặc biệt vào cuối thời Lê, Giao Lĩnh vạt ngắn được phủ bên ngoài thường thành nhiều lớp, kèm theo khăn lụa phủ đầu, trở thành một phong cách mới lạ thời bấy giờ.
Khác với các nước khác, Giao lĩnh vạt ngắn quây thường của Việt Nam có thường bên ngoài ngắn hơn thường bên trong, lộ ra hai lớp váy. Hay Giao lĩnh thời Lê có cổ cong võng, trên thường không có nếp gấp trong khi thường của Minh và Triều Tiên lại có.
VIÊN LĨNH
Một loại trang phục khác cũng được sử dụng vào thời Lê là Viên lĩnh, một loại áo dạng cổ tròn, khi mặc chỉ lộ ra cổ áo giao lĩnh lót bên trong. Giống với Giao lĩnh, Viên lĩnh cũng có hai loại là Viên lĩnh vạt dài và Viên lĩnh vạt ngắn với cách mặc tương tự. Duy chỉ Viên lĩnh có một dạng áo đặc biệt hơn là Viên lĩnh không tay, khi mặc sẽ để lộ ra lớp tay áo bên trong.
137582377_176730390908378_3241102122829920872_n
Vào thời nhà Lê, kiểu tiện phục quen thuộc của các hậu phi là chỉ mặc nội y bên trong rồi choàng thêm áo Đối Khâm bên ngoài và xoã tóc. Đối khâm là dạng áo có hai vạt trước song song nhau, thường để buông thõng. Hoặc có khi trời nóng, nội y sẽ được thả ra ngoài thường, tóc được búi cao bằng trâm cài
138152146_176730410908376_597413593997530466_n
| VIỆT PHỤC THỜI LÝ(1009-1225) |
Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội và những nét nổi bật trong văn hoá, thời Lý được coi là triều đại phát triển nhất về mọi mặt. Ở triều đại này, trang phục truyền thống của nhân dân không chỉ mang những nét riêng mà được coi như là giai đoạn phục hưng nền văn hoá Việt cổ bản địa
Phục trang của người phụ nữ thời Lý thường là áo màu đen hoặc màu nâu sẫm, mặc phủ ra ngoài áo cánh lửng. Ở thời Lý có 3 loại trang phục: áo tứ thân, áo năm thân và áo tràng vạt. Bên cạnh đó, thời Lý còn có quy định về kiểu tóc đối với nữ giới rằng phụ nữ trong dân gian không được búi tóc cao như vũ nữ trong cung đình. Cho nên, bạn có thể bắt gặp đâu đó trong tư liệu hình ảnh người con gái thời Lý buông thả mái tóc dài của mình.
Áo của nam giới ngày ấy có loại áo năm thân có kiểu cách tương tự như nữ giới nhưng khác ở chỗ cổ áo thường được dựng cao hơn của nữ giới và không hở cổ, phần tay áo rộng hơn.
Vào giai đoạn năm 1182, nhà Lý còn ban lệnh cấm người dân không được mặc áo màu vàng vì màu sắc của trang phục thời đó được coi là công cụ dùng để phân biệt các giai cấp trong xã hội. Màu vàng tượng trưng cho sự vương giả, chỉ dành riêng cho vua chúa nên người dân không được phép mặc màu vàng.
Nói về nét độc đáo trong trang phục thời Lý, ta còn có thể kể đến việc Vua Lý Thái Tông chủ trương sử dụng gấm của nước Đại Việt để may lễ phục thay vì gấm của nhà Tống. Điều này đã phần nào cho thấy ý chí tự lập, tự cường đã được ươm mầm từ sớm trong những ngày đầu dựng nước của dân tộc ta.
Có thể nói, trang phục thời Lý sở hữu đặc sắc riêng biệt về hoạ tiết, kiểu dáng, chất liệu nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc dân tộc đậm đà
137065603_176830214231729_6616554758744276990_n
| VIỆT PHỤC THỜI TRẦN (1225-1400) |
Triều Lý suy vong, triều Trần tiếp nối. Nhà Trần đã có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt và trang phục không là một ngoại lệ. Trang phục truyền thống thời Trần đã chứng kiến một bước tiến mới bởi nghề dệt và nghề thêu rất phát triển trong giai đoạn này.
Vào thời nhà Trần trang phục vẫn tiếp nối của thời Lý. Tuy nhiên, ở thời gian này nam giới có tục đóng khố rồi trùm áo Giao lĩnh ra ngoài, tục lệ này được duy trì đến tận cuối thế kỉ 17. Người dân ở thời Trần chân không đi giày mà để chân đất
Khác với thời Lý, ở thời Trần, màu sắc đại diện cho vua chúa là màu trắng, vì vậy dân chúng không được mặc màu trắng vì đó là màu dành cho Vua và hoàng thất dòng tộc Vua. Đặc biệt quý tộc nhà Trần ưa mặc những trang phục có màu sắc tươi sáng, chỉ duy nhất ngoại trừ màu trắng. Ngoài ra, đương thời, có một quan niệm là càng mặc đồ nhiều lớp thì chứng tỏ người đó càng có địa vị cao trong xã hội hay nói đơn giản là “người có tiền”.
138791217_176830307565053_5273983048727560811_n
Luna: Sẽ update thêm nếu bên đó cập nhật.
– – 0 – –
Do đó chúng ta có thể 1 cuốn sách hay để chờ đợi là Việt Y Dệt Sử cùng ta đợi nha
Ngoài ra ta còn biết hai cuốn sách khác về Việt phục là Áo Mũ Ngàn Năm và Dệt Nên Triều Đại. 17/01/2021 hai cuốn vẫn đang được bày bán, và có bản ebook, mọi người có thể lên mạng xem hoặc mua về xem nha.
Ta có mong ước mua mà chưa có điều kiện nên mới giữ ebook thôi, hy vọng mơ ước sớm thành hiện thực