TÀI LIỆU VIẾT TRUYỆN TRUNG CỔ CHÂU ÂU
– – 0 – –
Raw: Hội những người viết truyện (truyện tự sáng tác) từ bạn Martin Dao – https://.facebook.com/ducanh.dao.92351
Luna Wong: Mình đã xin phép và được bạn Martin Dao đồng ý cho phép reup. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp được cho những bạn thích thể loại trung cổ châu âu
– – 0 – –
Một số địa vị chính trong hoàng gia và quý tộc phương Tây:
+ Emperor (Hoàng đế): Người đàn ông hoàng tộc trị vì một Empire (Đế chế). Phiên bản nữ là Empress (Nữ đế). Khi mới bắt chuyện thì xưng là Your Imperial Majesty hoặc Your Majesty(Bệ hạ), sau đó mới xưng Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Empress Regnant (Nữ đế tại vị): Nữ đế có được ngai vàng thông qua sáng lập triều đại hay thừa kế, có toàn bộ quyền lực mà không phải dựa vào Hoàng đế. Hoàng đế tại vị chỉ được gọi là Emperor.
– Empress Consort (Nữ đế phối ngẫu): Nữ đế có được địa vị thông qua hôn phối với Hoàng đế tại vị, không trực tiếp nắm mọi quyền hành trong việc quản lý nhà nước. Phiên bản nam là Emperor Consort (Hoàng đế phối ngẫu).
– Empress Regent (Nữ đế nhiếp chính): Nữ đế là Phối ngẫu nhưng phải thay Hoàng đế trị vì tạm thời trong trường hợp Hoàng đế bệnh tật, thoái vị, hay đột ngột băng hà nhưng người nối dõi còn quá nhỏ tuổi. Phiên bản nam là Emperor Regent (Hoàng đế nhiếp chính).
– Empress Dowager (Cựu nữ đế): Nữ đế là Phối ngẫu nhưng có Hoàng đế đã qua đời hoặc có con là Hoàng đế. Cựu hoàng đế được gọi là Retired Emperor, Grand Emperor hoặc Emperor Emeritus.
+ High King hoặc Great King (Vua của các vua): Vị vua đứng trên những vị vua khác nhưng không lấy danh hiệu Hoàng đế. Phiên bản nữ là High Queen hoặc Great Queen (Hoàng hậu của các hoàng hậu). Cách gọi này chỉ dùng trong giai đoạn đầu của thời kì phong kiến.
+ King (Vua): Người đàn ông hoàng tộc trị vì một Kingdom (Vương quốc). Phiên bản nữ là Queen (Hoàng hậu). Khi mới bắt chuyện thì xưng là Your Royal Majesty hoặc Your Majesty(Bệ hạ), sau đó mới xưng Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Queen Regnant (Hoàng hậu tại vị): Hoàng hậu có được ngai vàng thông qua sáng lập triều đại hay thừa kế, có toàn bộ quyền lực mà không phải dựa vào Vua.
– Queen Consort (Hoàng hậu phối ngẫu): Hoàng hậu có được địa vị thông qua hôn phối với Vua tại vị, không trực tiếp nắm mọi quyền hành trong việc quản lý nhà nước. Phiên bản nam là King Consort (Vua phối ngẫu).
– Queen Regent (Hoàng hậu nhiếp chính): Hoàng hậu là Phối ngẫu nhưng phải thay Vua trị vì tạm thời trong trường hợp Vua bệnh tật, thoái vị, hay đột ngột băng hà nhưng người nối dõi còn quá nhỏ tuổi. Phiên bản nam là King Regent (Vua nhiếp chính).
– Queen Dowager (Thái hậu): Hoàng hậu là Phối ngẫu nhưng có Vua đã qua đời và người nối dõi đủ tuổi và năng lực để trở thành Vua tiếp theo.
+ Archduke (Thượng công tước): Công tước có địa vị dưới Vua và Hoàng hậu nhưng trên Đại công tước. Phiên bản nữ là Archduchess (Nữ thượng công tước).
+ Grand duke (Đại công tước): Công tước có địa vị dưới Thượng công tước và trên các Hoàng tử. Phiên bản nữ là Grand duchess (Nữ đại công tước). Vùng lãnh thổ họ cai quản gọi là Grand duchy.
+ Crown prince (Hoàng tử kế vị hoặc Thái tử): Hoàng tử được chọn làm người kế vị tiếp theo. Phiên bản nữ là Crown princess (Công nương kế vị).
+ Prince (Hoàng tử): Con trai của Hoàng đế và Nữ đế hoặc Vua và Hoàng hậu. Phiên bản nữ là Princess (Công nương). Khi mới bắt chuyện, nếu là hoàng tử/công nương của đế quốc thì xưng là Your Imperial Highness, nếu là của vương quốc thì xưng là Your Royal Highness, hoặc xưng không phân biệt là Your Highness. Sau đó, nếu hoàng tử/công nương đó đã đứng tuổi thì xưng là Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Prince Regent (Hoàng tử nhiếp chính): Hoàng tử đủ tuổi và năng lực nắm quyền tạm thời trong khi người cai trị thực sự vắng mặt do bệnh tật. Phiên bản nữ là Princess Regent (Công nương nhiếp chính).
– Prince Consort (Hoàng tử phối ngẫu): Hoàng tử có được địa vị thông qua hôn phối với một Công nương. Phiên bản nữ là Princess Consort (Công nương phối ngẫu).
– Princess Dowager (Thái nương): Công nương là Phối ngẫu nhưng có Hoàng tử đã qua đời.
+ Duke: Công tước, về địa vị xếp dưới Hoàng tử và trên Hầu tước. Phiên bản nữ là Duchess (Nữ công tước). Nếu công tước thuộc hoàng tộc đế quốc thì xưng là Your Imperial Highness, thuộc hoàng tộc vương quốc thì xưng là Your Royal Highness, xưng không phân biệt là Your Highness, thuộc quý tộc thì xưng là Your Grace. Vùng lãnh thổ họ cai trị được gọi là Duchy.
+ Marquess: Hầu tước, về địa vị xếp dưới Công tước và trên Bá tước. Phiên bản nữ là Marchioness (Nữ hầu tước). Xưng là Lord (Ngài) hoặc Lady (Phu nhân). Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là March, thường nằm ở vùng biên của quốc gia và có nhiệm vụ phòng thủ trước ngoại xâm.
+ Count: Bá tước, về địa vị xếp dưới Hầu tước và trên Tử tước. Phiên bản nữ là Countess (Nữ bá tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là County.
+ Viscount: Tử tước, về địa vị xếp dưới Bá tước và trên Nam tước. Phiên bản nữ là Viscountess (Nữ tử tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là Viscounty.
+ Baron: Nam tước, về địa vị xếp dưới Tử tước. Phiên bản nữ là Baroness (Nữ nam tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là Barony.
+ Earl: Một từ cũ để chỉ công tước, về sau được dùng để chỉ bá tước.
+ Đối với con cái còn nhỏ tuổi của quý tộc thì xưng là Lord (Thiếu gia) hoặc Lady (Tiểu thư).
Sau đây là thông tin sơ lược về một số kiểu nhà nước và đơn vị hành chính châu Âu và Trung Đông thời phong kiến để giúp mọi người khi viết truyện về hoàng gia nhưng muốn đề cập đến hành chính, chính trị.
Ghi chú: Trong tiếng anh, có một từ gọi là state. Từ này tiếng việt mình thường dịch là bang nhưng thực chất không phải lúc nào state cũng là bang. Chính xác hơn, state là từ để chỉ một cộng đồng lãnh thổ có hiến pháp và cách tổ chức riêng, có hành chính độc lập hoặc gần như độc lập. Điều này có nghĩa là một quốc gia trọn vẹn cũng được gọi là state, một khu tự trị cũng được gọi là state, … Để tránh dịch sai gây hiểu lầm, mình xin giữ nguyên từ state mà không biên dịch ra tiếng Việt.
1. Empire: Đế quốc.
Đế quốc hay đế chế là một đơn vị chính trị có biên giới trải dài qua nhiều vùng lãnh thổ. Nó là kết quả của một cuộc xâm lược và thâu tóm trên diện rộng, và vị vua/nữ hoàng đứng đầu cuộc xâm lược này thường sẽ trở thành hoàng đế/nữ đế. Gia đình của họ cũng vì thế mà được tôn từ hoàng gia (royal) lên đế gia (imperial). Vị đế này một khi đã xưng đế có thể quyết định từ bỏ danh vua của mình hoặc vẫn giữ lại và dùng cả hai (giống như trường hợp nữ hoàng Anh quốc vẫn lấy danh là Queen dù bà đứng trên cả một đế quốc thuộc địa). Chính vì lãnh thổ quá rộng lớn, một đế quốc thường có dưới trướng rất nhiều kiểu state khác nhau, với các dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tư tưởng chính trị và tín ngưỡng khác nhau nhưng đều tuân theo quy chế quản lý chung của đế quốc.
2. Kingdom: Vương quốc
King = vua, dom = domain = tài sản, đất đai.
Nếu Đế quốc có bao gồm nhiều state thì Vương quốc chỉ là một state độc lập và duy nhất. Vương quốc là phần đất do một vị Vua hay Hoàng hậu đứng đầu, là kết quả của một công cuộc thống nhất và thành lập đất nước thay vì xâm lược. Một Vương quốc bao gồm:
– Phần đất của Hầu tước ở biên giới (March) giữ nhiệm vụ biên phòng.
– Phần đất còn lại, trừ Thủ đô, được chia đều và phân cho các Bá tước quản lý, gọi là County. Có thể coi khái niệm County như khái niệm Tỉnh ở nước ta.
– Tử tước không có đất riêng để quản lý vì họ chỉ giữ trọng trách hỗ trợ cho Bá tước.
Viscount = Vice (phó) + Count (Bá tước).
Họ chỉ có một phần đất bên trong County để sinh sống gọi là Viscounty.
– Các County được chia nhỏ thành những vùng đất nhỏ hơn và giao cho các Nam tước quản lý. Những vùng đất này được gọi là Barony, tương đương với Thị xã của nước ta.
– Đất Công tước lại là một vấn đề phức tạp nên mình xin được phân ra làm ba trường hợp, và trường hợp cuối cùng sẽ có phần riêng bên dưới. Trường hợp 1, Công tước sẽ được phong một khu đất gần Thủ đô để quản lý. Những vùng đất này gọi là Duchy và chúng cũng tương tự như County về mặt hành chính. Trường hợp 2, Công tước hoàn toàn không có đất để trị mà họ chỉ được cấp một phần đất để sinh sống ngay trong Thủ đô. Và trường hợp cuối cùng, họ thậm chí còn không có đất để mà sống hay cai trị trong chính quốc…
3. Duchy/Dukedom (Công quốc)
Đây chính là trường hợp thứ ba đặc biệt. Để giải thích cho trường hợp này, mình xin giải thích trước khái niệm subordinate duke và sovereign duke. Subordinate duke (Công tước lệ quyền) chính là các Công tước trong hai trường hợp một và hai đã kể trên. Về mặt quản lý đất đai, họ lệ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào quyền lực Vua/Đế, không bao giờ tự ý quyết định và cũng không có khả năng quyết định. Sovereign duke (Công tước toàn quyền) thì ngược lại, là những Công tước có đủ quyền hành và khả năng để cai trị một vùng lãnh thổ mà không cần sự can thiệp của một vai vế nào đó cao hơn họ. Điều này khiến cho lãnh thổ độc lập của Công tước có thể được coi như một state riêng biệt, tiếng Việt gọi là Công quốc.
4. Principality/Princedom (Hoàng thân quốc)
Hoàng thân quốc hay Thân vương quốc là một state độc lập do một Hoàng tử hoặc Công chúa cầm quyền. Hoàng tử và Công chúa ở đây không dùng để chỉ riêng con cái của Vua hoặc Đế mà là chỉ chung cho tất cả các hoàng thân quốc thích. Hoàng thân quốc không thuộc chính quốc nhưng thường ở gần, có chủ quyền rõ ràng và không phải chịu bất kỳ một sự can thiệp nào từ Chính quốc.
Chú thích: Mình thấy trên mạng có vài chỗ dịch Principality và Duchy đều là Công quốc. Điều này có thể là do thông thường các Hoàng thân đều được sắc phong làm Công tước (nhưng không phải Công tước nào cũng là Hoàng thân), hoặc đôi khi rầm rộ hơn, Đại công tước. Thế nhưng đó không phải là một cách dịch chính xác cho lắm, và cũng không phải là một cái cớ để gộp chung hai khái niệm này với nhau.
Mình cũng xin nhấn mạnh là không phải lúc nào Hoàng thân và Công tước cũng có state riêng. Sự ra đời của Hoàng thân quốc và Công quốc thường là do trước đây Chính quốc đã xâm lược một vùng lân cận và họ đặt Hoàng thân hoặc Công tước làm vua ở đó để dễ bề cai trị.
5. Tsardom (Sa quốc)
Sa quốc là một kiểu state ở Đông Âu thời xưa. Có ba Sa quốc từng tồn tại là Nga, Bulgaria và Serbia. Sa quốc về mặt chính trị tự xưng là Đế quốc, nhưng đối với các nước Tây Âu, Sa quốc gần hơn với khái niệm Vương quốc. Đứng đầu Sa quốc là Sa hoàng (Tsar) hoặc nữ Sa hoàng (Tsarina). Con của Sa hoàng là Tsarevich (Sa hoàng tử) và Tsarevna (Sa công nương). Nếu một người trong số đó được chọn làm người nối dõi, họ được gọi là Tsesarevich (Sa thái tử) hoặc Tsesarevna (Sa thái nương). Các tước quý tộc dưới trướng theo thứ tự là Knyaz (Thường trao cho hoàng thân hoặc bằng hữu thân cận của Sa hoàng), Boyar (Cố vấn) và Voivode (Tướng).
6. Khanate (Hãn quốc)
Hãn quốc là một kiểu state ở Trung Á thời xưa, nổi bật nhất trong đó là Hãn quốc Mông Cổ. Người đứng đầu Hãn quốc là Hãn (Khan) hoặc Hậu Hãn (Khatun). Một Hãn quốc có thể ngang hàng một vùng đất bộ tộc có chủ quyền, một Thân vương quốc, một Vương quốc hoặc thậm chí là Đế quốc.
7. Sultanate (Hồi quốc)
Hồi quốc là một kiểu state ở châu Á, châu Phi và bán đảo Iberia thời xưa đặt nặng tầm quan trọng của Hồi giáo. Xét về chính trị, Hồi quốc được coi như ngang hàng với Vương quốc, nhưng trong một số trường hợp có thể ngang hàng với cả Đế quốc. Đứng đầu Hồi quốc là Hồi vương (Sultan) hoặc Nữ Hồi vương (Sultana). Dưới trướng Hồi vương là Emir (Thân vương/Tiểu vương), Wali (Thống đốc), Pasha (Tướng), … Con cái Hồi vương được gọi là Mir.
Một vị Hồi vương khi đủ mạnh mẽ có thể tự xưng là Hồi đế (Caliph) và buộc các Hồi vương khác phục tùng. Xét về quyền lực, Hồi đế ngang hàng với Giáo hoàng của Công giáo Rôma. Họ nắm trong tay toàn bộ thế giới Hồi giáo và mang ý nghĩa tôn giáo hơn nhiều so với Hồi vương. Vùng lãnh thổ rộng lớn mà họ cai trị được gọi là Hồi đế quốc (Caliphate).
Thân vương/Tiểu vương dưới trướng Hồi vương có thể được phong cho một state bên ngoài Chính quốc để thống trị, được gọi là Tiểu hồi quốc (Emirate).
Nếu mọi người muốn thực tế hơn khi mô tả đời sống thượng lưu phong kiến thì sau đây, mình xin trình bày một số quy tắc ứng xử và phép xã giao trong giới hoàng gia và quý tộc châu Âu thời xưa.
1. Chào hỏi.
Khi một quý tộc tiếp cận bạn, nếu có thể, nên nghênh chào họ trong tư thế đứng (Trừ khi bạn muốn bị họ chửi nửa mùa)
Khi chào một quý tộc, nhất là đối tác làm ăn, nên bắt tay. Nếu họ là phụ nữ, người lớn tuổi hoặc những người có địa vị cao hơn, không nên chủ động bắt mà phải để cho họ tự tiếp cận và đưa tay ra. Khi bắt tay, không nên nắm quá qua loa hay quá chặt, không vuốt ve, ghì nén, không nắm quá lâu mà chỉ nên đung đưa lên xuống hai lần rồi buông. Cử chỉ cũng thật phải dứt khoát, thái độ niềm nở, lịch sự, thoải mái.
Đối với quý ông, nên bỏ mũ khi chào hay khi bước vào nhà, và khi bắt tay thì nên tháo găng tay rồi mới bắt.
Chỉ những người hết sức thân thiết và gần gũi mới chào nhau bằng cách hôn má. Hai lần hôn là đủ, một bên trái và một bên phải. Chỉ nên hôn gió ở mang tai, không hôn trực tiếp vào má. Thời xưa chỉ có phụ nữ là hay hôn má. Đàn ông thì ít khi làm vậy.
Hôn lên tay là một cử chỉ thể hiện sự tận tâm, trung thành. Một nụ hôn lên tay đúng nghĩa là hôn lên lưng bàn tay phải (hoặc có một số trường hợp là hôn lên nhẫn để tỏ sự trung thành với hoàng gia). Tuyệt đối không hôn lên ngón tay, không làm ướt môi trước khi hôn, và cái hôn phải nhanh gọn, nhẹ nhàng nhưng không quá qua loa.
Khi chào một thành viên hoàng gia hoặc giáo hoàng, nên chào bằng cách cúi người(bow) hoặc nhẹ nhàng khập gối(curtsy). Địa vị của người được chào càng cao thì cúi và khập gối càng thấp. Trong một số văn hoá ta cũng phải hành lễ khi nhìn thấy hình ảnh hoặc tranh vẽ thành viên hoàng gia. Ta có thể kết hợp cúi/khập gối với bắt tay.
– Khi cúi người, nên thẳng lưng và cúi đầu nhanh và sâu. Không nên gập hông quá đà.
– Khi khập gối, đặt mũi chân trái đằng sau gót chân phải và hạ thấp đầu gối xuống trong khi vẫn giữ lưng thẳng và mắt nhìn về phía đối phương. Không nên cúi đầu.
Không nên tự ý tiếp cận một thành viên hoàng gia hoặc quý tộc mà bạn chưa từng gặp. Người có quyền cao hơn thường sẽ chủ động chào hỏi, và phải luôn đáp lễ họ thật thành kính.
Nếu chưa biết chắc về địa vị của một ai đó, nên xưng là My Lord/My Lady (Người trẻ tuổi) hoặc Sir/Madam (Người lớn tuổi)
Không bao giờ chủ động làm quen, mà phải chờ tới khi được giới thiệu rồi mới bắt chuyện.
Khi giữ vai trò giới thiệu hai người với nhau, luôn phải giới thiệu người nam với người nữ, cấp thấp với cấp cao và người trẻ với người già trước, rồi sau đó mới giới thiệu ngược lại. (nữ với nam, cao với thấp, già với trẻ)
Khi bạn dừng lại để nói chuyện với ai đó trong khi một người khác đang đồng hành, nên chủ động giới thiệu hai người họ trước. Việc không đề cập đến bạn đồng hành sẽ khiến họ lu mờ và cảm giác như bị ra rìa khỏi cuộc trò chuyện.
Khi giới thiệu một ai đó, cần phải thông báo tước vị, họ tên đầy đủ của họ trước, sau đó đề cập đến một điểm mạnh của họ nhằm gây ấn tượng với những người còn lại, rồi mới tiến hành nói chuyện.
Trong một cuộc nói chuyện với thành viên hoàng gia, nên xưng lần đầu là Your Majesty (vua và hoàng hậu) hoặc Your Highness (hoàng thân), còn những lần xưng sau đó thì dùng cách xưng bớt trịnh trọng hơn như Sir hoặc Madam.
Tuyệt đối không được ngồi khi nói chuyện với thành viên hoàng gia trừ khi được cho phép (hoặc bạn muốn mọt gông). Nếu có ngồi thì cũng chỉ ngồi trên ghế đẩu, không phải ghế có tay vịn (chỉ những người ngang hàng mới được ngồi ghế có tay vịn). Trong một số trường hợp ngồi ghế thế nào còn tuỳ thuộc vào địa vị.
Khi muốn từ biệt một thành viên hoàng gia, nên xin phép trước khi rời đi. Nếu được sự cho phép, nên lùi bước về phía cửa, không nên quay lưng về phía thành viên hoàng gia.
2. Thứ tự xuất hiện.
Khi bước vào một căn phòng phải tuân thủ theo một thứ tự nhất định:
Vua/Hoàng hậu tại vị -> Hoàng hậu/Vua phối ngẫu -> Hoàng tử/Công nương -> Thái thượng hoàng và Thái hậu -> Các hoàng thân khác theo tuổi tác -> Công tước -> Hầu tước -> Bá tước -> Tử tước -> Nam tước -> …
3. Ăn uống.
Bữa ăn chỉ thực sự diễn ra khi tất cả các món ăn đã dọn ra, dao nĩa đầy đủ, và tất cả những người tham dự đều đã ngồi vào bàn.
Vị trí ngồi và thứ tự phục vụ: Chủ trì thứ nhất ngồi ở phía Bắc bàn ăn. Gần nhất bên tay phải họ là khách danh dự. Chủ trì thứ hai ngồi ở phía Nam bàn ăn. Khi phục vụ, sẽ phục vụ ngược hướng kim đồng hồ, bắt đầu từ khách danh dự trở đi (chủ trì thứ nhất được phục vụ cuối cùng). Người phục vụ sẽ bày món ăn ở bên tay trái khách và dọn dẹp ở bên tay phải khách.
Không được đặt tư trang cá nhân như túi, ví lên mặt bàn.
Khăn ăn là để đặt lên đùi chứ không phải là nhét vào cổ áo (trừ khi bạn là trẻ sơ sinh). Khi dùng, nếu là khăn ăn tối khổ lớn thì gấp khăn làm đôi, nếu là khăn ăn trưa khổ nhỏ thì mở hoàn toàn. Tuyệt đối không dùng khăn vào việc gì khác ngoài lau miệng. Nếu có việc cần rời bàn ăn khi chưa ăn xong, phải để khăn lên ghế. Khi đã ăn xong, phải để khăn lên bàn, bên trái đĩa ăn. Trong cả hai trường hợp trên, đừng gấp khăn quá gọn gàng (khăn chỉ được gấp gọn gàng ở đầu bữa ăn bởi người hầu).
Người chủ trì bữa ăn khai nĩa thì những người khác mới bắt đầu ăn (trừ khi người chủ trì cho phép làm khác đi), và người chủ trì ăn xong thì những người khác cũng phải dừng nĩa.
Một số dụng cụ trên bàn ăn:
– Bên phải: Hầu hết dao (lưỡi hướng sang trái), muỗng súp (bên phải dao, nằm ngửa) và nĩa ăn hải sản (bên phải muỗng súp, nằm ngửa)
– Bên trái: Hầu hết nĩa (nằm ngửa)
– Trước nĩa: Đĩa phụ đựng bơ, dao phết bơ nằm ngang ở giữa đĩa.
– Trước dao: Ly uống nước, ly uống rượu (bên phải ly uống nước). Nếu cần dùng hơn một loại ly uống rượu thì sẽ xếp từ trái qua phải là: sâm banh, rượu đỏ, rượu trắng và rượu vang nặng.
– Trước đĩa chính: Đĩa tráng miệng, muỗng và nĩa đặt song song trên đĩa tráng miệng, muỗng chĩa bên trái, nĩa chĩa bên phải, muỗng trước nĩa.
– Muối và tiêu: Hũ muối và hũ tiêu được đặt ở phía bên tay phải, trong tầm với của người dùng. Hũ muối được dùng nhiều hơn nên nó được đặt ở bên phải hũ tiêu.
Thứ tự dùng dụng cụ ăn: Dùng từ ngoài vào trong, đúng theo thứ tự ra món.
Ăn món chính bằng dao và nĩa:
– Trạng thái nghỉ: Hai tay úp lại. Cầm dao bằng tay phải, cầm nĩa bằng tay trái với phần răng úp xuống, sao cho phần cán của dao và nĩa chạm vào phần giao nhau giữa cổ tay và lòng bàn tay. Tuyệt đối không cầm như cầm bút.
– Trạng thái giữ và cắt: Đưa nĩa vào đĩa, ngón trỏ ấn vào cổ nĩa để găm răng nĩa vào đồ ăn. Đưa dao vào nĩa, ngón trỏ ấn vào lưng dao và bắt đầu cắt đồ ăn. Những vết cắt phải nhanh gọn và tạo ra những miếng ăn vừa miệng. Tuyệt đối không được để khuỷu tay chạm vào bàn, cũng không được để cổ tay chạm vào đĩa. Cổ tay phải nâng lên đủ cao (nhưng đừng cao quá) nhằm tránh gây cản trở vướng víu trong quá trình cắt. Tuyệt đối không gõ hay đè dụng cụ ăn vào đĩa quá mạnh để tránh gây ra tiếng ken két, lạch cạch khó chịu.
– Trạng thái múc: Khi dùng món chính, tuyệt đối đừng dùng muỗng để múc mà hãy tận dụng cái nĩa trên tay bạn. Cầm nĩa ngửa ra bằng ngón trỏ và ngón cái như cách cầm muỗng, tuyệt đối đừng cầm bằng tất cả các ngón như cầm xẻng. Khi đưa lên miệng ăn, không được ngậm hay liếm nĩa, ăn phải hạn chế nhai, không mở miệng và tránh phát ra tiếng động.
Ăn súp bằng muỗng: Cầm muỗng bằng tay phải. Khi múc, bạn múc từ gần ra xa (bình thường ta múc từ xa đến gần), phần cong của muỗng hướng về phía bạn. Tuyệt đối không ngậm thìa mà chỉ húp súp từ phần bên thìa (không phải mũi thìa). Nên húp khẽ, không mở to miệng và hạn chế gây ra tiếng động.
Không liếm ngón tay, không nói khi có thức ăn trong miệng và cũng không được ăn quá chậm.
Nên nếm thử đồ ăn trước khi rắc muối và tiêu. Làm ngược lại sẽ bị coi là thiếu tôn trọng và không tin tưởng đầu bếp.
Ăn bánh mì bằng dao và tay:
Bơ không được quệt mà phải dùng dao cắt bơ hoặc dao phụ để cắt và bỏ lên đĩa phụ, sau đó từ đĩa phụ mới dùng để phết lên bánh mì (nhằm tránh vụn bánh mì theo dao dính lên bơ). Đối với phô mai cũng tương tự.
Bánh mì được xé nhỏ bằng tay thành những mẩu vừa miệng và ăn đến đâu thì dùng dao phết bơ đến đó. Không được nhúng bánh mì vào súp và sốt.
Uống rượu:
– Tự rót rượu cho chính mình là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng đề nghị rót rượu cho người khác sẽ khiến bạn trông lịch sự hơn.
– Chai rượu thường được đặt chổng ngược trong xô đá khi đã cạn rỗng.
– Khi cầm ly rượu, chỉ nên cầm ở phần chân ly bằng ba ngón trỏ, giữa và cái. Tuyệt đối không nâng phần vòm của ly trong lòng bàn tay vì nhiệt độ của tay sẽ khiến cho chất rượu thay đổi. Đây cũng là một điều cấm kỵ không nên làm trong xã hội thượng lưu.
– Khi đang uống rượu phải nhìn vào rượu, không được nhìn vào người khác (trừ khi bạn muốn tán tỉnh hoặc khiêu khích người đó)
– Không nên rót rượu quá đầy ly, chỉ khoảng một phần ba khi uống rượu đỏ, một phần hai khi uống rượu trắng và ba phần tư khi uống rượu sâm banh.
Nếu có món gì đó bạn cần nhưng nó ở quá xa, tuyệt đối không được tự ý với lấy mà phải hỏi xin người ngồi gần món đó lấy giúp. Người lấy giúp cũng không được rướn người để đưa mà phải nhờ những người khác di chuyển dần dần.
Nếu khách phải rời bàn nhưng chưa hoàn thành bữa ăn, họ phải để dao nĩa thành hình chữ V, hội nhau ở đầu, nĩa đặt úp trên dao. Trước khi rời bàn, khách không cần giải thích lý do, phải nói “Excuse me” (Xin thứ lỗi) và chỉ thực sự rời đi khi có sự cho phép của người chủ trì.
Khi đã ăn xong, đặt dao và nĩa song song với nhau theo hướng 12 giờ hoặc 10 giờ. Nĩa đặt úp.
Sau món cuối, người hầu có thể sẽ mang lên một tô nước để rửa tay.
Ở cuối bữa ăn, trẻ em thường phải xin phép rồi mới được rời bàn.
Không nên từ chối đồ ăn, thức uống và quà nhận được từ người chủ trì.
4. Tiệc trà.
Tiệc trà truyền thống thường dược tổ chức lúc 4 giờ chiều.
Có ba món được phục vụ kèm trà, theo thứ tự là:
– Bánh kẹp nhỏ
– Bánh khô (Bánh nướng, bánh mì, bánh quy)
– Bánh ngọt
Những người tham dự tiệc trà thường được gửi thiệp mời ít nhất 1 tuần trước khi nó diễn ra.
Phân công cho hai người gần gũi nhất thay nhau rót trà mỗi 15 phút. Việc được nhờ rót trà là một niềm vinh dự lớn vì nó cho thấy sự tin tưởng và thiên vị của bạn đối với người đó.
Nếu bạn có khách danh dự, nên đứng trước lối ra vào cùng người đó và giới thiệu những người khách khác với họ. Khi đã uống xong, trở lại lổi ra vào cùng với người khách danh dự để chào tiễn biệt những người khách khác. Sau đó, chỉ khi khách danh dự ra về thì những người khách khác mới ra về theo. (trừ khi người khách danh dự ở lại nhà bạn vài hôm)
Một bộ ấm trà bằng sứ thường bao gồm:
– Ấm trà
– Tách đựng sữa
– Tô đựng đường
– Bình đựng nước nóng (Để pha loãng trà cho bớt đắng)
– Khay đựng chanh.
Bên trái bày tách trà, đĩa tách trà và thìa uống trà. Thìa uống trà được đặt trên đĩa tách trà hoặc bên phải dao phết bơ.
Bên phải bày đĩa ăn bánh, khăn lau và các dụng cụ ăn bánh:
– Nĩa nằm bên trái đĩa, để ăn những loại bánh mềm, dính hay có nhồi kem.
– Dao nằm bên phải đĩa, để phết bơ, kem, mứt hoặc phô mai lên bánh mì/bánh nướng.
– Nếu mứt và kem được đựng trong hũ để múc ra thì sẽ có muỗng riêng cho từng người.
Cách cầm tách trà và đĩa tách trà:
– Đặt đĩa vào lòng bàn tay, với ngón trỏ trên đĩa và 4 ngón còn lại dưới đĩa nhằm giữ thăng bằng. Thường tay trái làm nhiệm vụ này, nhưng nếu dùng tay phải thì cũng không sao.
– Luồn ngón trỏ vào quai cầm của tách trà, ngón cái giữ phần trên của quai cầm, ngón giữa giữ phần dưới của quai cầm nhằm duy trì thăng bằng. Hai ngón còn lại để cong lại tự nhiên. Đừng thẳng ngón út ra vì như vậy được coi là màu mè và khoa trương.
– Lưu ý: Đừng ngoe nguẩy tách trà như đối với ly rượu, và cũng đừng nâng tách trà như nâng trứng hứng hoa.
Khuấy trà:
– Khuấy nhẹ và không phát ra tiếng động, không khuấy thành hình tròn mà khuấy thành hình thoi.
– Không được để muỗng trà chạm vào thành hay miệng tách.
– Khuấy xong thì đặt muỗng phía sau tách trà, cán muỗng cùng chiều với quai cầm.
– Quai cầm của tách và cán muỗng trà nên chỉ hướng 4 giờ trên đĩa.
– Đừng để nguyên muỗng trong tách trà sau khi khuấy xong.
– Đừng gõ muỗng lên miệng tách hay mặt đĩa.
– Nếu trà bị tràn ra đĩa, nên xin thay đĩa. Nếu không phải là tiệc trịnh trọng thì có thể xin giấy thấm.
Khăn trà:
– Khăn trà khổ nhỏ như khăn ăn trưa nên không cần gấp mà để mở hoàn toàn trên đùi.
– Khi có việc cần rời bàn nửa chừng, đặt khăn trà lên ghế.
– Chủ trì thường giơ khăn lên để báo hiệu kết thúc bữa tiệc. Tất nhiên là họ phải chắc chắn mọi người đã dùng trà xong trước khi làm điều này.
– Cuối tiệc trà, khăn trà không được gấp lại mà chỉ được đặt ở phía bên trái đĩa.