Chương có nội dung bằng hình ảnh
Trước kia Bát a ca còn chuyện phiếm được đôi ba câu với thái tử, song từ khi y đứng ra, tới giờ đã coi như hoàn toàn không còn giao thiệp gì nữa. Nhưng bên hoàng thượng kia lại tiêu tiền như nước, một mình y không xử lý được, mà một mình thái tử ắt hẳn cũng rối trí. Hai người buộc phải trao đổi với nhau: rốt cuộc nên sử dụng tiền này thế nào mới thỏa mãn được hoàng thượng mà không cần dùng đến hai người họ làm "đệm lưng"?
Kỳ thực thái tử đã biết phải làm sao rồi, tuy nhiên không thể để điều đã biết này truyền từ chỗ y ra ngoài được. Thấy Bát a ca đến, y cũng ra vẻ âu sầu, Bát a ca hỏi kế, y chỉ lắc đầu.
Bàn vài ba phen chẳng ra được kết quả gì, hai người đành ngồi lặng thinh uống trà. Tới khi thánh giá vừa đi qua Thái Sơn, rút cục chẳng thể nhận được các thứ vật phẩm ở trong kinh gửi đi nữa. Đồ ăn thức uống cho hộ quân, tùy tùng và các đại thần đi theo tuy có thể mua ngay tại địa phương, song đồ đạc hoàng thượng dùng, tính riêng khoản ăn uống thôi, đã không cách nào mua được đầy đủ ở địa phương ấy được rồi.
Trong số đồ mỗi lần ở kinh gửi đi, ngoài tấu chương ra thì nhiều nhất là đồ ăn uống mặc dùng hoàng thượng quen dùng. Vậy nên bên đây vừa đứt, bên hoàng thượng đã phát hiện ngay luôn.
Theo sát đó, sớ thỉnh tội của thái tử và Bát a ca được đưa đi khẩn cấp, đi cùng với sớ còn là danh sách chi tiết về tình cảnh túng quẫn của Nội vụ phủ và quốc khố. Không tiền, không đồ, không gì nữa cả.
Bát a ca thực chịu hết cách, lúc viết sớ thỉnh tội này, y sụt hẳn năm cân. Nếu có được tí cách gì, y sẽ không để hoàng thượng chịu thiệt như thế. Thái tử lại thông tỏ trong bụng rằng hoàng thượng sẽ chẳng giận đâu, và ngài cũng sẽ tiếp tục chuyến tuần về Nam này. Y cứ ném trả vấn đề lại cho hoàng thượng, để ngài tự giải quyết đấy.
Thánh giá dừng tại Sơn Đông nửa tháng mới tiếp cuộc hành trình. Bát a ca và thái tử cũng nhận được tin ba nhà ở đất Giang Nam là Trần gia, Tào gia và Tôn gia đã chung tay hợp lực, bảo rằng muốn đền đáp hoàng ân, tóm lại là, họ đã tự bỏ tiền ra.
Bát a ca tuy thở phào nhẹ nhõm, song cũng giật mình không biết sao ba nhà ở Giang Nam này lại có lắm tiền tới vậy?
Thái tử sau khi nghe tin, đã đứng cười thật lâu trước bức họa mưa xuân Giang Nam trong thư phòng. Số tiền những gia tộc này sử dụng hẳn là thuế má của Giang Nam sang năm đây mà.
Trong kinh thành, Bát gia nhận được một ý chỉ gửi từ Sơn Đông về của hoàng thượng. Trong chỉ viết muốn hai a ca là Thập Tam, Thập Tứ theo hầu ngự giá. Vì vậy mà Bát gia nhìn đăm đăm chỉ này cả buổi trời, rơi vào dòng suy tư mãi hồi lâu.
Thập Tam năm nay mười bốn, Thập Tứ a ca mười hai, gọi hai a ca không lớn cũng chẳng bé thế này đi, hoàng thượng nhớ con trai ư? Nhưng sau nữa có Thập Ngũ, Thập Lục là hai a ca do thứ phi Vương thị, người được hoàng thượng sủng ái nhất những năm trở lại đây, sinh ra; hai a ca này một đứa bảy tuổi, đứa kia năm tuổi, đương vào độ vâng lời, đáng yêu nhất. Nếu hoàng thượng muốn chơi cùng con, thì hai đứa này chẳng quá phù hợp hay sao?
Bát gia miên man trăn trở mãi, đoạn bỏ chỉ xuống rồi đích thân vào A Ca Sở một chuyến.
Y đi gặp Thập Tam a ca trước, hỏi xem gần đây nó đọc sách gì, thầy giảng bài nghe có hiểu không, dạo này có đổ biếng mà lơ là các môn cưỡi ngựa bắn cung không, sau cùng lo lắng bảo ban: "Hoàng a mã truyền chỉ gọi đệ và Thập Tứ mau chóng qua đó, đệ hãy xếp đặt lại những bài học gần đây, khi trên đường hãy giở sách ra ôn lại, cẩn thận lúc đến nơi hoàng a mã lại khảo bài đệ."
Ban đầu Thập Tam a ca không biết y tới đây vì mục đích gì, mấy bữa nay Bát ca này nổi trội lắm, thấy y tự dưng tỏ ra quan tâm mình thì còn lấy làm ngạc nhiên, mà nghe câu cuối nó đã nhảy dựng lên: "Hoàng a mã gọi đệ đi ư? Đệ đi sắp xếp ngay!"
Rồi toan gọi thái giám hầu cận vào, Bát gia cười nói: "Đừng hoảng, đừng hoảng, chỗ đệ thu xếp xong, ta còn phải đi gặp Thập Tứ, chưa biết chừng thái tử điện hạ cũng muốn gọi hai đệ qua dặn dò đôi câu. Ở đây cứ giao cho các ma ma của đệ xử lý, đệ sẽ không phải lo toan thêm nữa."
"Đa tạ Bát ca!" Thập Tam a ca tiễn Bát gia ra ngoài, rồi chạy ù về luôn miệng giục giã: "Mau! Mau! Mau! Bài tập lần trước thầy khen ta làm rất tốt ở đâu rồi? Tìm ra đây mau cho ta mang đi!"
Bát gia đứng ngoài cửa, nghe thế thì buồn cười.
Khi đi sang chỗ Thập Tứ a ca bảo chuyện, quả nhiên thằng bé này cũng sáng rực con mắt, mồm miệng nói ngọt như phết mật: "Bát ca, Bát ca, huynh đúng là Bát ca tốt của đệ!" Nó cao giọng gọi thái giám thân cận lại, dặn: "Đi, đi xếp hành lý cho gia nhà ngươi ngay! Hoàng a mã gọi ta theo đấy!"
Thái giám của nó cười toe toét buông lời nịnh nọt.
"Cút đi, cút đi, gia còn phải nói chuyện với Bát ca." Thập Tứ đuổi người đi hết, đoạn bé giọng hỏi Bát gia: "Bát ca, dạo này trong triều có chuyện gì không? Có chỗ nào gặp tai ương không? Có kẻ nào đui mù nổi dậy nữa không? Tâm trạng hoàng a mã có tốt không? Có khi nào đệ vừa đến nơi đã bị mắng không?" Nó vừa hỏi, vừa ân cần bưng chén trà đưa cho Bát gia.
Bát gia nhận trà, cười bảo: "Cái thằng ranh này!" Sau đó ngẫm lại, đoạn trả lời chắc nịch: "Dạo này không có chuyện gì cả." Thấy nó dường như chưa hết lo, bèn nói: "Hoàng a mã nhớ hai đệ, nên mới gọi hai đệ đi đấy."
Thập Tứ bĩu môi, "Đệ còn lâu mới tin, trong mắt hoàng a mã chỉ có mấy đứa oắt Thập Ngũ, Thập Lục kia thôi."
Thằng bé này cũng tinh tường ra trò, Bát gia uống ngụm trà, không tiếp lời. Y như rằng là nó cũng thấy lạ lùng, chẳng hiểu vì sao hoàng thượng rời khỏi Sơn Đông rồi lại gọi cả chúng nó đi theo.
Dùng được nửa chén trà, Bát gia buông chén cáo từ, trước lúc đi còn nói: "À, có lẽ thái tử sẽ dặn hai đệ mấy lời. Lát nữa hai đệ đợi tin của ta, đừng chạy lung tung." Nghĩ, đoạn y cười nói: "Thực ra tin tức bên ta cũng chẳng được nhanh nhạy, nếu đệ muốn biết điều gì, hãy sang chỗ thái tử, biết đâu hỏi được."
Thập Tứ a ca cười hì hì tiễn y ra ngoài, nói: "Bát ca khéo đùa, bên thái tử điện hạ ấy đệ dựa kiểu gì được?" Nói đoạn đảo tròn mắt, "Ô... đệ hiểu rồi, Bát ca đi thong thả."
Tiễn Bát gia đi, Thập Tứ a ca vào phòng đi loanh quanh mấy vòng, một lúc gọi người vào, sai: "Qua Nội vụ phủ xem hôm nay Tứ ca đã đến chưa?"
Người kia đi ào rồi về, bảo gần đây Tứ gia không thường vào.
Thập Tứ a ca lại tới lui mấy vòng nữa, đoạn sai người đến Vĩnh Hòa cung báo tin. Nó vốn muốn tự đi gặp ngạch nương, một mặt sẽ khoe chuyện hoàng thượng cho nó đi theo, để ngạch nương được mừng. Song Bát gia nói có khả năng thái tử sẽ gặp hai đứa nó, nên giờ nó không dám đi ngay.
Viện của Thập Tam a ca sát vách cũng rối tung lên, phòng ốc nó lộn phèo. Ngồi ở trong phòng thấy không yên, Thập Tứ a ca bèn đi ra sân, ngước nhìn bầu trời nhờ nhờ thảm đạm. Những hôm nay trong kinh nổi gió lớn, lúc nào sắc trời cũng ám một màu vàng vọt, trông cứ đục đục vẩn vẩn.
Hoàng thượng gọi chúng đi để làm gì đây?
Đợi mãi tới lúc Bát gia sắp rời cung, mới có tin đến bảo thái tử không gặp chúng.
"Xí! Kiêu gì mà kiêu!" Thập Tứ a ca bực thái tử làm mất thời gian của mình, nó sốt ruột giậm chân, vì nó lớn rồi, không vào hậu cung giờ này được nữa. May thay người đến Vĩnh Hòa cung báo tin đã về đúng lúc, nó vội vã gọi vào trong phòng hỏi: "Ngạch nương nói sao?"
Người nó phái đi là thái giám thân tín của nó, bấy giờ cúi đầu lắp bắp thưa: "Nương nương bảo người... đi về mạnh giỏi."
Thập Tứ a ca không nghe được câu ngợi khen hãnh diện nào như mong đợi, nhưng ít gì cũng phải có đôi ba câu hỏi han chứ?
Thái giám không dám nói, thật ra nguyên văn của Đức phi là: Hoàng thượng dặn thế nào, nó cứ làm thế ấy. Hãy dẹp bỏ ngay những trò khôn lỏi của nó đi, có tí chuyện cỏn con đấy đã muốn bay lên trời rồi, thay ta hỏi nó một câu: Có còn nhớ mình họ Ái Tân Giác La không?
Thái giám cười khà khà, bị Thập Tứ a ca đang chìm trong niềm thất vọng đá một cú: "Cút cút cút cút cút! Tí chuyện ấy cũng làm không xong, gia nhờ ngươi có ích gì?"
Trong chỉ của hoàng thượng không đề thời gian, nhưng tiếp chỉ rồi vẫn phải khẩn trương, không có ai lại ngâm thêm ba, năm hôm vào những lúc như này cả. Thế nên sáng sớm hôm sau, Thập Tam, Thập Tứ a ca đã dẫn theo hai trăm hộ quân đuổi theo hoàng thượng.
Khi hai đứa đi rồi, Tứ a ca mới được hay tin.
Lại còn là tin gửi từ Vĩnh Hòa cung tới. Cầm trang chữ trong tay, Tứ gia thật sự cảm thấy mình sắp thành kẻ điếc người mù mất rồi. Chàng vo tròn trang chữ viết dở dang, trải một tờ giấy khác ra viết lại.
Hoàng thượng không cần chàng, chàng sẽ thành đồ bỏ. Ngày qua ngày chỉ còn biết ru rú trong phủ viết chữ, đọc sách. Có lực mà chẳng biết dùng vào đâu, lại không được làm chuyện gì, làm thì sẽ bị quy vào tội vượt quá bổn phận.
Tứ gia ấn mạnh ngòi bút, cả một trang chữ cứ thế hỏng bét.
Chàng nhìn trang chữ lúc mới đặt bút hãy còn nguyên lành, mà viết tới nét cuối lại bị hủy, thật như đang nhìn chính bản thân mình.
Cạch một cái, Tứ gia quẳng bút.
Tô Bồi Thịnh rụt cổ, tấm lưng thiếu điều oằn hẳn xuống.
Tứ gia bình tĩnh lại, bỏ giấy đi ra cửa bảo: "Dọn chỗ đó đi."
Tô Bồi Thịnh vội vàng gọi người vào đem mấy trang chữ này đi đốt hết, rồi lau sạch nền đất bị mực vấy bẩn, và vứt luôn cây bút đã nứt. Xong xuôi, hắn dẫn người lặng lẽ theo sau Tứ gia, giữ một khoảng cách mười bước chân.
Tứ gia dạo đến vườn hoa trong phủ. Đương là tiết đầu xuân, cỏ cây nảy mầm, biếc xanh khắp chốn.
Chàng bước phăng phăng đến đó, bỏ qua mọi vật bên đường, tới tận khi nhìn thấy hoa xuân mầm liễu rợp khắp cả khu vườn. Chàng bước đến trước một khóm hoa nghinh xuân, ngắm hoa tư lự. Lẽ nào chàng đã ngã lòng thoái chí rồi hay sao? Chàng mới hai mươi ba tuổi, con chàng mới bốn tuổi, nay chàng nhận thua, thì biết làm gì cho phần đời dài đằng đẵng ấy nữa bây giờ?
Nhưng cứ phải chờ mãi hay sao? Hoàng thượng hắt hủi chàng vì chàng gần gũi với thái tử, song bảo chàng cạch mặt thái tử ư? Chàng không làm được. Không chỉ vì tình nghĩa huynh đệ giữa chàng và thái tử, mà chính loại người gió chiều nào theo chiều ấy là loại chàng khinh bỉ nhất.
Huống hồ, chàng không cho rằng mình sai. Ngay trong sự lạnh nhạt của hoàng thượng kia chiếm phần nhiều cũng là ý muốn trừng phạt chàng không biết thế thời, không có mắt nhìn, chứ chẳng phải chàng làm không tốt. Nếu chàng tách khỏi thái tử nhanh thế thật, e sẽ chỉ khiến hoàng thượng thực sự chán ghét chàng thôi.
Một tháng trước Tứ gia hẵng còn yên ổn qua ngày, nhưng chứng kiến Bát gia từng bước thăng tiến, thậm chí hoàng thượng còn định cất nhắc Thập Tam, Thập Tứ, chàng cũng thấy đứng ngồi không yên theo.
Chàng nhận ra một điều là: e rằng đây cũng chính là nguyên nhân Đại a ca đứng ngồi không yên.
Hoàng thượng không thiếu người để dùng. Chàng và Đại a ca không chịu tín phục, thì sau kia vẫn còn đầy người ở đấy. Ngoài các a ca trong cung, người trong triều càng đông. Họ muốn so bì mưu mẹo với hoàng thượng, vậy có khác nào lấy trứng chọi đá, không có một tí tác dụng gì, mà ngược lại còn tự hại chính mình.
Theo ý thế thì, Bát gia lại là người sáng tỏ nhất.
Hoàng thượng muốn dùng y, y sẽ đưa mình lên cho hoàng thượng dùng. Bất kể hoàng thượng có tính sai y làm gì, tóm lại rồi y sẽ nhận được lợi ích. Vả chăng về cơ bản mà nói, việc tuân ý hoàng thượng, to thì gọi là trung quân, nhỏ sẽ được khen là hiếu thuận. Đường nào cũng đúng cả.
Vậy trước đây chàng kiên trì như thế còn nghĩa lý gì?
Ngay Tứ gia cũng không nghĩ rõ được.
Tứ gia đã định khuất phục rồi, nhưng khuất phục kiểu gì mà vừa có giá trị, vừa không xấu xí, mới là điều chàng cần cân nhắc.
Chàng đứng trong vườn hoa mải mê suy tư, từ đằng xa Lý Vi đương đỡ bụng muốn vào tản bộ chợt trông thấy, rồi quay gót về luôn. Ngọc Bình khó hiểu nói: "Cách cách?"
"Suỵt." Lý Vi nhăn mặt, đưa nàng ta quay về tiểu viện, mới bảo: "Rõ ràng Tứ gia có tâm sự, chúng ta đừng vào quấy rầy chàng."
Nghĩ cũng biết dạo đây ngày nào Tứ gia cũng ở luôn trong phủ, chắc chắn không phải hoàng thượng thương chàng năm ngoái vất vả nên cho chàng nghỉ dài hạn, cũng không phải phạt chàng ở trong phủ học như hồi mới ra cung. Mà là, không cần chàng nữa.
Theo cách nói hiện đại thì là đã rơi vào trạng thái thất nghiệp.
Những lúc như này ắt hẳn Tứ gia đang rất u uất. Nhưng khi Lý Vi nhìn vào bóng lưng chàng, phát hiện tuy mình nhận ra chàng đang canh cánh bao nỗi lòng, song lại chẳng lựa ra được lời nào để an ủi chàng.
Vì nàng hoàn toàn không hay biết gì về những chuyện chàng làm ngoài kia cả. Mà chàng cũng chưa một lần nào đề cập với nàng.
Vậy nên, nàng chỉ còn cách đi về.
Nàng không biết Tứ gia có kể với phúc tấn không, nhưng đặt ở bản thân mình, lần đầu tiên nàng tỏ tường về vị trí của mình trong lòng Tứ a ca đến vậy.
Nàng ngồi trong tiểu viện, trong khoảng viện đẹp đẽ này chứa đựng tất thảy về nàng.
Chim hoàng yến ư?
Lý Vi cười cười. Nàng không nói, không có nghĩa là nàng không hiểu. Nàng vuốt bụng mỉm cười, Tứ gia cứ rối rắm chuyện chàng đi. Nàng đoán đây chắc là trận đau Tứ a ca phải chịu trước khi lột xác thành Ung Chính đế? Nàng sinh con đau mấy ngày, còn cơn đau của chàng có lẽ phải âm ỉ ròng rã mười mấy năm? Từ lâu nàng đã biết chàng sẽ làm vua, và cũng biết cuối cùng chàng sẽ bị mọi người xa lánh.
Vốn nàng hãy đang do dự xem có nên mở rộng phạm vi tự sướng đến lúc Tứ gia đoạt đích gì đó hay không. Dù sao làm nhà tiên tri thực là cô đơn quá. Nhưng nhìn lại địa vị mà Tứ gia cho nàng, này ấy hả...
Nếu một ngày nào đó chó cưng bạn nuôi bỗng dưng biết xổ tiếng người và bảo với bạn rằng: Tôi biết tỏng cuộc đời ông, khi nào ông cưới, ông lấy ai, khi nào gặp tai nạn, khi nào ngỏm, giờ tôi quyết định nói hết cho ông.
Bạn:...
Ha ha. Chắc lại rú lên ôi cái đồ yêu quái!!!! Ít nhất cũng sẽ vắt chân lên cổ chạy ra ngoài nhỉ? Vì phải vô tri cỡ nào mới "tương thân tương ái" nó lại ngay được chứ?
Huống chi, giờ nàng đang đóng vai chó cưng đấy.
Muốn cược năng lực tiếp nhận những điều mới lạ lý thú của Tứ gia không? Trước một con bé từ nhỏ đến lớn chưa từng rời kinh, chẳng đọc nổi Tứ Thư Ngũ Kinh, mờ tịt về chế độ quan lại của Đại Thanh, sống ở A Ca Sở trong cung hai năm mà chưa lần nào bước chân ra ngoài, đột nhiên lại kể được tường tận toàn cục đoạt đích, hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc các a ca và kể cả Khang Hi (nguồn: phim truyện xuyên Thanh), Tứ gia sẽ mừng rỡ la: Cưng ơi, nàng khá quá!
Hay là vác đao chém nàng luôn?
Vô số các vị tiền bối trong lịch sử đã chứng minh, sở hữu trí tuệ vượt thời đại là một nỗi bất hạnh. Có được thứ người khác cho là mình không có càng bất hạnh hơn. Không muốn bị mổ gà lấy trứng thì hãy ngậm ngay miệng lại.
Hơn nữa, nàng không chắc những gì mình nói sẽ đúng một trăm phần trăm. Nên tự đẩy mình đi bán muối vì những lời tiên đoán không được xác thực thì thật chẳng đáng gì.
Thật lòng thì Tứ gia đã cho nàng một vị trí rất tốt. Với một người đã biết trước cái kết như nàng, dù Tứ gia có băn khoăn cách mấy chăng nữa thì nàng cũng không tài nào thấy đồng cảm được. Người yêu hỡi, về sau anh là hoàng đế đấy. Có ra sao thì anh vẫn là người chiến thắng chung cuộc, không phải xoắn xuýt thế đâu.
An ủi chàng kiểu này cũng vô ích thôi. Và còn dễ gây tổn thương ngược... Ra đòn hiểm mà đối phương không cảm nhận được, đã thế mình còn bị chém hết nửa thanh máu...
... Quả nhiên ẩm thực vẫn là chủ đề câu chuyện an toàn nhất.
Lý Vi AQ* một hồi, sau khi hồi đầy máu, bèn gọi Ngọc Bình vào, nghĩ thấy Tứ gia hiện giờ thực là tội nghiệp quá, chàng đã không cho nàng nhúng tay vào sự nghiệp bên ngoài của chàng, nhưng lo cho sức khỏe của chàng thì nàng vẫn đủ khả năng.
*Chú thích ở chương 33.
"Bảo thiện phòng đưa ít bánh xuân và rau hấp sang đây, mùa này ăn bánh cuốn là ngon nhất." Hễ nghĩ tới giá đỗ xào giấm, khoai tây sợi chua cay, trứng xào rau hẹ và thịt lợn xé xốt là nàng chảy nước miếng ròng ròng, "Chặt thêm hai con vịt quay nữa."
*Chú thích
Ngọc Bình nói: "Nô tỳ đi luôn, lúc nào Tứ gia đến sẽ dọn lên ngay."
"À, bảo họ là phần thừa con vịt hãy đem hầm canh, để đấy cho vào miến đưa tới đây." Nàng bổ sung.
Buổi tối, nàng và Tứ gia ăn một bữa no nê. Chắc là từ bé tới nay ông anh này toàn được cung nữ thái giám cuốn cho ăn. Nhưng nay dưới sự hướng dẫn của nàng, lần đầu chàng cuốn nom có vẻ ra hình ra dáng phết, ở nhà nàng cũng ăn như thế, nhưng hay bị rơi nhân cuốn ra, còn chàng thì không hề.
Lý Vi chăm chăm nhìn tay chàng mãi, đoạn bảo: "Tại tay chàng to mới không làm rơi nhân."
Hiếm khi Tứ gia ăn phồng cả má lên, nói: "Lại nói linh tinh, để ta xem xem." Chàng liếc cái là biết ngay, bảo: "Tại nàng cuốn nhiều đồ ăn quá, bỏ ít thì sao rơi ra được." Nói đoạn, chàng cuốn cho nàng một cuốn, nàng không từ chối, mà hăm hở chỉ huy: "Ít xốt ngọt thôi, thiếp muốn xốt cay, đừng cho nhiều hành quá."
Đợi cuốn xong bèn cắn luôn một miếng ngay trên tay chàng, rồi hài lòng híp mắt. Chàng đút nàng ăn hết cả cuộn ấy, chỉ ba miếng nhỏ là xong. Sau cuối chàng nhét nốt phần còn lại vào miệng nàng, làm nàng kêu ư ư.
Nàng ngửa ra đằng sau, chàng cười quệt tí xốt ngọt dính ở ngón tay lên mặt nàng. Nhị cách cách ngồi cạnh thấy thế cười ha ha, cũng chấm ít xốt ngọt quệt một đường lên mặt chàng.
Ăn hết hai con vịt và năm lồng bánh, sau khi cho người ẵm Nhị cách cách về, chàng còn ăn thêm hai bát miến chan nước hầm vịt.
Lúc ngủ, nàng cười vuốt bụng chàng bảo: "Tứ gia, bụng người sắp thành như bụng thiếp rồi." Nói đoạn ưỡn ưỡn bụng mình.
Chàng đỡ bụng nàng bảo: "Chỉ biết giễu gia nhà nàng. Ngày nào cũng ăn chung với nàng, không béo ra mới lạ. Để rồi hoàng thượng về thấy thế này, còn tưởng gia ở nhà thảnh thơi lắm." Nói tới đây, thần sắc chàng xám xịt đi.
Lý Vi lặng im tựa vào lòng chàng.
Hồi lâu sau, nàng nói đùa: "Nếu gia sợ thì cứ mỗi sáng mặt trời mọc, hãy ra ngoài phơi nắng, ắt là đen đi được, trông sẽ không còn béo nữa."
Tứ gia cũng hối hận sao vừa nãy đáng lý không nên nhắc những chuyện không vui, bèn tiếp lời nàng: "Nàng đang dạy gia cách khi quân đấy ư? Phải đánh đòn." Dứt lời giơ cao tay, vỗ nhẹ vào mông nàng một cái.
Lý Vi nịnh chàng: "Quân của thiếp là Tứ gia, người khác thiếp không quan tâm."
Tứ gia nhẹ nhàng che miệng nàng lại, nói: "Càng nói càng tầm bậy." Nhưng chàng cũng không giận, khẽ cười mấy tiếng, bảo: "Gia là phu quân của nàng, nói thế cũng có ý đúng."
Vì nàng đang có mang nên hai người chỉ có thể đắp chăn bông, tán gẫu thuần khiết. Tứ gia thấy hơi nao nao, khẽ hôn nàng trong nỗi niềm chưa thỏa, rồi nằm ra ngủ ngay ngắn.
(còn tiếp)