Nhật Nguyệt Đương Không

Quyển 4 – Chương 171: “Đại tỷ muội, tiểu tỷ muội”.

Trong nắng sớm, tầm mắt vẫn mơ hồ chưa rõ.

Những hòn tuyết to bằng nắm tay từ trên trời rơi xuống, nơi đóng quân chìm trong sương mù.

Long Ưng ngạo nghễ đứng trên đỉnh đồi, quan sát trận địa địch.

Sau một đêm không yên giấc, quân địch bắt đầu dỡ lều trại, chuyển những lính bị thương đi. Một đội quân tinh nhuệ, dường như trở thành đám tàn binh già nua yếu ớt.

Mặc dù họ biết rõ Long Ưng đang nhìn, nhưng không ai buồn nhìn về phía hắn, còn cầu trời khấn Phật, mong hắn không sáp tới gần hơn.

Mịch Nan Thiên không có ý thù địch đi về phía hắn, đến tận chân sườn núi, chỉ cách hắn khoảng mười trượng, mỉm cười nói:

- Ưng gia thật là anh hùng, Mịch Nan Thiên không thể không phục. Bây giờ chúng tôi buộc phải rút lui, hy vọng sau này có duyên được lãnh giáo tuyệt kỹ của Long huynh.

Long Ưng cũng khâm phục khí phách của y, nói:

- Lần này Mịch Nan Thiên huynh thua không phải do huynh không có tài. Tiểu đệ xin đưa ra một lời khuyên cho huynh, tiểu đệ có thể lên cao nguyên thành công, thế bại của Khâm Một Thần Nhật đã rõ ràng, quân đội Đột Quyết càng không thể dựa vào. Bây giờ có lẽ không có cách nào để huynh tin lời ta, nhưng hy vọng là khi huynh gặp chuyện không thể làm được, có thể rút lui đúng lúc. Thiên hạ rộng lớn như vậy, lẽ nào không có cơ hội để Mịch Nan Thiên huynh có thể thực hiện tham vọng?

Mịch Nan Thiên lộ vẻ suy nghĩ sâu xa, khẽ gật đầu, quay người đi.

Lực lượng của Long Ưng kém xa kẻ địch, nhưng hắn có trí có dũng, dùng mưu lược và chiến thuật khiến hơn ngàn chiến sĩ tinh nhuệ và cao thủ xuất sắc nhất của đối phương bị hao binh tổn tướng, ôm hận rút lui, biểu lộ rõ phong cách của Tà Đế, đồng thời trận này cũng là bước ngoặt của cuộc hành trình gian khổ từ khi hắn rời Trường An đi đến cao nguyên xa xôi trợ giúp Hoành Không Mục Dã.

Bắt đầu từ lúc đó, người đoạt quyền của thành La Ta không có cách nào nắm giữ hành tung của hắn, cũng không thể lại tổ chức chặn đường hắn một cách hiệu quả.

Long Ưng và Mỹ Tư Na Phù đi dọc theo hướng đông tây, vượt qua dãy núi Kekexili nằm vắt ngang Khương Đường (1) từ vùng Tây Đoan cằn cỗi tới vùng phía đông đầy hồ suối. Lúc từ phía bắc dãy Kekexili rẽ qua chân núi Sơn Nam, rồi leo một trạm gác trên núi Sơn Nam, quang cảnh trước mắt hai người trải ra vô cùng vô tận, thảm cỏ thảo nguyên xanh ngắt đã lâu không thấy, trải dài trên bình nguyên bao la. Trải qua bao nhiêu gian khổ, cuối cùng mục tiêu đã ở trong tầm mắt, hai người ngây người ra mà nhìn.

Long Ưng reo lên:

- Trời ơi! Con sông lớn phía trước tên là gì vậy?

Mỹ Tư Na Phù rúc vào ngực hắn, hớn hở nói:

- Mỹ Tư Na Phù nhận ra nó đấy! Đoạn sông này gọi là sông Đà Đà, xa hơn là Niệm Thanh Đường Cổ Lạp Sơn (2), là nơi phát xuất của sông Đà Đà. Vượt qua Niệm Thanh Đường Cổ Lạp Sơn là các hồ lớn Dã Mã Dịch, Trát Nạp, Các Xuyên Dịch, Nạp Mộc Thát, sau đó là thủ đô La Ta. Rất đẹp!

Giọng nói ngọt ngào dễ nghe của nàng vẽ lên trong đầu Long Ưng những thành phố, thị trấn lớn nhỏ ở phía nam Đường Cổ Lạp Sơn, phía sau là dãy Kekexili và dãy Côn Lôn chạy dài mấy ngàn dặm.

Mỹ Tư Na Phù lại chỉ về phía xa xa bên phải, nói:

- Kia là hồ Ô Lan Ô Lạp. Sông Đà Đà là nơi bắt đầu một hệ sông khổng lồ, đoạn chảy vào Trung Thổ chúng ta, là Kim Sa Giang nổi tiếng đó! Cho nên con sông mà chàng nhìn thấy, là sông đầu nguồn của Trường Giang (3).

Nàng lại cười ngọt ngào, nói:

- Người ta là vợ của chàng, Trường Giang đương nhiên là của chúng ta.

Sau lưng hai người, Tuyết nhi mang lều, lương thực, đồ ăn nước uống trên lưng, hí lên hưng phấn, như thúc giục hai người tiếp tục cuộc hành trình.

Lúc này thời tiết rất đẹp, nắng xuân rực rỡ, mây trắng như bông, trôi bồng bềnh trên trời.

Long Ưng ôm chặt eo thon nhỏ của nàng, hôn lên khuôn mặt nàng, hôn lên đôi môi thơm tho, mỹ nữ tóc vàng nồng nhiệt hưởng ứng...

Càng lúc càng tiến sâu vào thảo nguyên, người ta không thể không cảm thấy kính sợ trước sự bao la vô cùng tận của nó. Tình cảm giữa hai người cũng không ngừng tăng lên, tâm hồn và thể xác như hợp làm một.

Long Ưng say mê, nói:

- Có thể đến được ngọn nguồn Trường Giang, ta đã cảm thấy sống không uổng kiếp này, huống chi còn có nàng bên ta, màn phù dung êm ái (4) rung động lòng người, cùng say sưa hoan lạc. Mẹ kiếp! Thật sự là vô cùng thoải mái!

Mỹ Tư Na Phù nói:

- Xuôi theo sông Đà Đà đi về phía đông, sẽ tới khúc sông Ly Ngưu và tới chỗ giao nhau của sông Tây Nguyệt và Kim Sa giang, nhằm hướng đông bắc mà đi là tới Chúng Long Dịch ở bờ nam sông Tây Nguyệt, là một địa phương rất đẹp.

Long Ưng nhìn về xa xa phía đông, giữa bình nguyên ẩn hiện một ngọn núi tuyết vút lên, nói;

- Kia là núi nào vậy?

Mỹ Tư Na Phù vui vẻ nói:

- Suýt nữa quên nói cho chàng biết, đó là núi Bayan Har. Phía bắc chân núi là nơi bắt nguồn của Hoàng Hà. Sau khi khi sông băng tan chảy, đổ xuống phía dưới, qua Tinh Tú Xuyên đến Mã Đa, dọc đường núi đá nhiều, bùn cát ít, cho nên nước chảy trong vắt. Đến Mã Đa, bị hai núi lớn ngăn lại, dòng nước tạo thành hồ lớn Trát Lăng, rồi chảy qua hẻm núi dài gần ba mươi dặm, chia làm chín dòng, đổ vào Ngạc Lăng - một hồ lớn khác.

Long Ưng vui mừng nói:

- Trời ơi! Có thể trước hết “vui vẻ” với Mỹ Tư Na Phù ở đầu nguồn Trường Giang, sau đó di chuyển đến đầu nguồn Hoàng Hà, lại “vui vẻ” với mỹ nhân của ta, được chứ?

Mỹ Tư Na Phù nghiêm túc nói:

- Người ta cũng thích như vậy, nhưng hai nơi cách quá xa. Sau khi đến hồ Trác Lăng và hồ Ngạc Lăng, còn phải vượt qua núi Bayan Har, mới có thể đến được Chúng Long Dịch, e là phải mất hơn mười ngày đường.

Long Ưng đồng cảm nói:

- Ở cao nguyên, thoạt nhìn giống như núi xa chỉ cách chừng một canh giờ đi đường, nhưng hóa ra đi cả ngày cũng chưa tới. Ha ha! Nào, lại đây để ta âu yếm một chút, coi như ăn món khai vị trước khi ăn món chính!

Mỹ Tư Na Phù không thể từ chối bất cứ yêu cầu nào của hắn, cho dù nó không đúng lúc cũng vậy. Tuy nhiên, rất may cho nàng là đột nhiên Tuyết Nhi dụi mạnh đầu vào người Long Ưng, Long Ưng cười ha hả, ôm ngang người Mỹ Tư Na Phù, tung người nhảy lên lưng ngựa, nhằm phía dưới chạy đi. Hai người cưỡi chung một ngựa, lập tức bỏ lại trạm gác ở sau lưng.

Sông Đà Đà cảnh sắc tươi đẹp, ven bờ mọc đầy cây cối không biết tên.

Tuy mới vừa vào đầu thu, cây lá vẫn xanh um, sau khi trải qua một cuộc hành trình dài trên Khương Đường chỉ thấy toàn cỏ với cỏ, thì cảnh tượng này càng vô cùng đẹp đẽ.

Sau khi mặt trời gác núi, nhiệt độ hạ xuống, đã có chút lạnh lẽo. Phía nam Đường Cổ Lạp Sơn, núi tuyết nhấp nhô, không thấy bóng người, chỉ có từng bầy trâu rừng và hươu nai tô điểm xa gần.

Hai người tranh thủ đi nhanh, nhưng với tốc độ kinh người của Tuyết Nhi, cũng phải mất bốn canh giờ mới tới Trường Giang. Ngắm nhìn sóng nước cuồn cuộn, bọt nước trắng xóa trên dòng sông không bao giờ đóng băng, từ Đường Cổ Lạp Sơn quanh co uốn lượn chảy tới, tràn đầy khí thế, hai người cảm thấy trải qua bao vất vả cũng rất đáng giá.

Nắng chiều còn rơi lại trên những ngọn phi lao, Long Ưng và Mỹ Tư Na Phù như một đôi vợ chồng hoạn nạn có nhau, mỗi người chia nhau một việc. Long Ưng lo dựng lều bên bờ, Mỹ Tư Na Phù thì thu nhặt cành khô nhóm lửa.

Long Ưng nhanh chóng dựng xong lều, nhìn theo Mỹ Tư Na Phù đang đi ở phía xa xa. Hình như nàng đang nhặt thứ gì đó trên mặt đất, Tuyết nhi đi theo sau lưng nàng, đùa nghịch với nàng. Màu lông đen nhánh của Tuyết nhi làm nổi bật mái tóc vàng kim óng ánh phất phơ trong gió của nàng, vẽ nên một bức tranh mỹ nữ và ngựa, có lẽ chưa bao giờ xuất hiện trên đồng cỏ thảo nguyên.

Long Ưng cởi quần áo ra, nhảy xuống sông, trời giá rét nhưng nước lại ấm áp, vô cùng dễ chịu. Sau khi bắt được hai con cá lớn, hắn liền lên bờ.

Mỹ Tư Na Phù chất một đống gì đó bên cạnh lều, tươi cười như hoa, nói:

- Mỹ Tư Na Phù cũng muốn xuống sông tắm, chàng nhóm lửa nướng cá nhé!

Long Ưng tới bên nàng, kinh ngạc hỏi:

- Là thứ gì vậy?

Mỹ Tư Na Phù đứng lên, vừa cởi áo, tháo dây lưng, vừa nói:

- Đây là phân khô của bò Tây Tạng, nhóm lửa còn tốt hơn nhiều so với củi cành.

Thấy nàng cởi hết quần áo, không mảnh vải che thân đứng trước mặt mình, một cách kiêu hãnh phô bày da thịt nõn nà, đường cong ngắm mãi không chán mắt, Long Ưng vừa định thực hiện điều mà hắn muốn làm nhất, thì Mỹ Tư Na Phù đã cười duyên dáng tránh đi, vòng qua hắn lao về phía dòng sông, nhảy vào làn nước.

Long Ưng hét lớn:

- Coi chừng nước chảy xiết!

Đôi nam nữ yêu nhau cuồng nhiệt, ăn xong lập tức ở trong lều quấn quít đùa nghịch, quên hết tất cả mọi việc trên đời. Sau nửa đêm Long Ưng ra khỏi lều quan sát, mới biết trời vừa đổ cơn mưa lớn. Tuyết Nhi không ngại mưa gió, đang nhởn nhơ bên ngoài lều, rõ ràng là rất hài lòng với chỗ này.

Trời đất một màu trắng bạc, trăng soi vằng vặc trên bầu trời quang đãng.

Bất giác Long Ưng ngồi xuống một tảng đá cạnh bờ sông, ngước mắt nhìn trăng, thầm nghĩ, nếu như ngày đó thề ước với hai chủ tớ Tiểu Ma Nữ dưới vầng trăng tròn như thế này, chắc chắn càng có hiệu lực.

Người chưa bao giờ thấy trăng tròn, sẽ có cảm giác nó rất gần, chỉ cần giơ tay lên là có thể hái xuống.

Lúc này đã trung tuần tháng 7, ba mươi ngày nữa là Tết Trung Thu.

Hắn không khỏi nhớ lại trước lúc xuất chinh, nữ hoàng đế hỏi hắn có thể về cùng dự lễ Trung Thu không. Bây giờ Trung Thu cũng không có cách nào về kịp, tuy nhiên hắn không quan tâm đến điều đó, chỉ tiếc là không thể cùng đám Nhân Nhã và Tiểu Ma Nữ thưởng trăng.

Đối diện với vầng trăng trắng trong đẹp đẽ kia, dường như vấn đề “Tiên môn” trở thành không quan trọng nữa.

Mỹ Tư Na Phù khoác áo lông cừu từ trong lều đi tới, ngồi lên đùi hắn, nói:

- Trăng đêm nay thật đẹp.

Nàng lại kề tai hắn nỉ non nói:

- Trăng tròn kế tiếp, là sinh nhật của Mỹ Tư Na Phù.

Long Ưng kinh ngạc hỏi:

- Nàng nhớ được ngày sinh của mình sao?

Lời cừa ra khỏi miệng, hắn liền hối hận, hỏi thế chẳng khác nào khiến nàng nhớ lại thời thơ ấu không vui.

Mỹ Tư Na Phù đáp:

- Đó là chuyện duy nhất Mỹ Tư Na Phù còn nhớ.

Long Ưng vỗ trán, nói:

- Suýt nữa quên!

Mỹ Tư Na Phù ngạc nhiên nói:

- Quên chuyện gì vậy?

Long Ưng nhìn lên trời trong giây lát, ánh mắt lóe sáng.

Mỹ Tư Na Phù nhìn theo hướng nhìn của hắn, rồi “A” một tiếng, nói:

- Là Thần ưng của Phong công tử sao?

Long Ưng đưa một tay ôm chiếc eo thon của nàng, đứng dậy, đút hai ngón tay vào trong miệng, phát ra tiếng huýt gió lảnh lót.

Chấm đen ở phía đông trên không trung nhanh chóng lớn lên, bay ngang qua phía dưới vầng trăng sáng, bay thẳng về phía hai người.

Mỹ Tư Na Phù hớn hở nói:

- Thì ra phu quân cũng chỉ huy được Thần ưng như Phong công tử.

Long Ưng duỗi một tay ra để Thần ưng đáp xuống, cười đáp:

- Đây gọi là gần đèn thì sáng, ít nhiều gì cũng học được mấy câu để giao tiếp với chim ưng, huống chi ta và Thần ưng là...cùng loài! Ha ha!

Một làn gió mạnh chụp xuống, Thần ưng vỗ cánh đáp xuống cỗ tay Long Ưng, xếp cánh lại, ánh mắt sắc bén nhìn Long Ưng chằm chằm, đầu nghiêng bên trái, bên phải, như xem thử có đậu sai chỗ không.

Long Ưng cường điệu kêu lên:

- Ôi! Hóa ra vừa đau vừa nặng!

Long Ưng thử xem Thần ưng có nghe lệnh hắn như Phong Quá Đình không, bây giờ thấy nó ngoan ngoãn nghe lời như vậy, hắn rất vui sướng.

Tuyết Nhi đi tới, đưa miệng chạm vào Thần ưng, lập tức Thần ưng cúi đầu xuống, khẽ chạm vào mặt ngựa vài cái, điệu bộ ra vẻ “anh hùng trọng anh hùng”.

Mỹ Tư Na Phù chợt kêu lên:

- Xem kìa! Chân của Thần ưng có buộc một ống trúc nhỏ!

(1) Khương Đường: theo nghĩa của tiếng Tây Tạng, là vùng đất cao phía bắc, đặc biệt là phía bắc cao nguyên Tây Tạng, độ cao bình quân so với mặt nước biển là 5000 mét. Khương Đường là một trong năm thảo nguyên lớn nhất Trung Quốc, thuộc dãy Côn Lôn Sơn, Đường Cổ Lạp Sơn và dãy Kailas.

(2) Niệm Thanh Đường Cổ Lạp Sơn (Nyainqêntanglha Shanmai) là dãy núi dài 700 km, ở khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

(3) Trường Giang dài khoảng 6.385 km, bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc (Thanh Hải) và chảy về phía đông đổ ra Biển Hoa Đông, Trung Quốc. Con sông này mang nhiều tên khác nhau tùy theo khu vực mà nó chảy qua. Ở cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng, nó được gọi là Vbrichu (trong tiếng Tây Tạng, nghĩa là "dòng sông bò yak cái"). Ở thượng nguồn, thuộc tỉnh Thanh Hải sông được gọi là sông Đà Đà. Đoạn từ Thanh Hải chảy đến Nghi Tân tỉnh Tứ Xuyên được gọi là Kim Sa giang. Đoạn từ Nghi Tân đến Nghi Xương được gọi là Xuyên giang. Đoạn từ Nghi Đô tỉnh Hồ Bắc đến Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam được gọi là Kinh giang (xưa là đất Kinh Châu). Cuối cùng, khi chảy qua khu vực Dương Châu tỉnh Giang Tô nó được gọi là Dương Tử giang. (Wikipedia) Trong truyện, tác giả không gọi là Trường Giang mà chỉ gọi là “Đại Giang” (sông lớn) – ND.

(4) Màn phù dung êm ái: Nguyên văn “Phù dung trướng noãn”, là bốn chữ đầu của câu thơ “Phù Dung trướng noãn độ xuân tiêu” (Màn phù dung êm ái đêm xuân) trong bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị (772-846).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui