Nhất Phẩm Giang Sơn

Sau khi đã hoàn tất xong các thủ tục, các sĩ tử vào kinh ứng thí vội lên đường.

Giao thông vào thời đại này vẫn còn nhiều bất tiện, nó có thể gây phiền toái cho cuộc sống của con người ta đến chết. Coi như sau khi thi xong lập tức trở về, thì lần gặp mặt sau đó cũng phải mất tới một năm rưỡi. Tiểu Muội mặc dù không muốn, nhưng hai người chị dâu mới về không nói gì, cho nên nàng cũng phải kìm nén tình cảm của mình lại...

Để Tiểu Muội ở lại đất Thục, Trần Khác trong lòng cảm thấy day dứt vô cùng, trước khi chưa có cách nào thành thân thì Tô Tuân nhất định sẽ không bao giờ đồng ý cho Tiểu Muội đi cùng hắn, đành phải hi vọng đến khi tới kinh thành để có thể giải quyết vấn đề này... Nghĩ vậy, hắn không khỏi coi khinh lão già không có tài cán gì đó, tại sao mà ngay cả việc cỏn con này cũng làm không được?

Lần này xa Tứ Xuyên, bọn họ không đi đường thủy nữa mà theo đường bộ vào kinh thành, xuyên qua Kiếm Các, rồi vượt qua Tần Lĩnh, xa xôi ngàn dặm, qua hơn hai tháng mới đến địa giới kinh thành.

Đại Tống lại đổi niên hiệu mới. Khi rời Tứ Xuyên niên hiệu vẫn là năm Chí Hòa thứ ba, khi đến kinh thành đã đổi thành năm Gia Hữu thứ nhất.

Nếu tính từ khi Trần Khác đến với thế giới này, niên hiệu đã đổi được ba lần rồi: lần thứ nhất, bởi vì Lý Nguyên Hạo mất, được thay đổi thành Hoàng Hữu... để cảm tạ Hoàng Tổ đã ban phúc; lần thứ hai vì dẹp yên quân phản loạn Mã Chí Thư, nên đổi thành niên hiệu Chí Hòa như hiện nay, hi vọng đất nước được hòa bình, hòa bình được hơn hai năm lại đổi thành Gia Hữu.

Nguyên nhân thay đổi niên hiệu lần này là bởi vì đương kim Hoàng thượng đang bị bệnh... không phải là bệnh nhẹ mà là bạo bệnh.

Việc này xảy ra vào đúng ngày tưng bừng nhất trong năm, ngày mùng một tháng giêng, ngày bắt đầu một năm mới của Đại Tống, đương kim hoàng thượng sẽ lên triều.

Ngày hôm đó, tất cả các quan lớn nhỏ có mặt đầy đủ tại đại điện, xếp hàng ngay ngắn, quần áo chỉnh tề chuẩn bị chúc tết Hoàng đế bệ hạ tôn kính. Khi nội thị cuộn bức màn che màu vàng lên, Hoàng đế Đại Tống vận trang phục vô cùng lộng lẫy ngồi ngay ngắn trên long ỷ.

Đám quân thần đang muốn tham bái, nhưng có ai ngờ hoàng đế lại hành lễ trước, sau giây phút kinh ngạc, một tiếng hét chói tai vang lên... Hoàng Đế té xỉu rồi! Để cho người nước chư hầu thấy không tiện, nên bọn thái giám khẩn trương che màn trướng lại.

Chư vị đại thần ngơ ngác nhìn nhau, tim đã lên đến cổ họng, đến mắt, cũng may chỉ trong chốc lát, màn che lại được kéo ra, các quan đại thần đều nhìn thấy Hoàng đế lại ngồi ngay ngắn phía trên.

Xem ra chẳng qua là sợ bóng sợ gió một chút thôi, các vị đại thần cố gắng kìm nén nỗi sợ hãi trong lòng, tiếp tục hành lễ rồi lui ra. Ai ngờ đây chỉ là điểm bắt đầu mà thôi.

Mùng năm tháng giêng, triều đình bắt đầu đi làm ngày đầu tiên, đương nhiên lại là đại triều, hơn nữa Sử Tiết của nước Liêu cũng lên triều bái kiến Hoàng Thượng.

Lúc bắt đầu vẫn rất tốt, khi sứ giả nước Liêu lên điện, Hoàng Thượng đột nhiên hoa chân múa tay, sùi bọt mép, lại nói năng lộn xộn làm cho sứ giả nước Liêu vô cùng sửng sốt. Cũng may Tể tướng Văn Ngạn Bác kịp thời phản ứng, nói với sứ thần nước Liêu rằng, vào mùa xuân Hoàng Thượng ăn uống không điều độ, tối qua uống say cho nên...

May mà người nước Liêu thật thà nên nghĩ tới chuyện khác, cho nên Đại Tống lúc này mới không bị mất mặt trước ngoại quốc.

Sau đó vài ngày, bệnh tình của Hoàng Thượng càng ngày càng thêm nặng, ngày nào cũng tóc tai bù xù, ở trong cung thì hô to:
- Hoàng hậu và Trương Mậu Tắc đại nghịch mưu phản.
vv...
- Hoàng hậu là Tào hoàng hậu, cháu gái của đại tướng khai quốc Tào Bân, tính tình từ tốn, thận trọng thủ lễ. Còn Trương Mậu Tắc là tổng quản thái giám trong cung của bà ta.

Rốt cuộc sao lại xảy ra chuyện như thế này, ai mà biết được, tóm lại Trương công công đáng thương bị bức tới bước đường cùng, đành phải thắt cổ tự sát...

Sau đó, Tể tướng Văn Ngạn Bác, Phú Bật cùng những người khác toàn quyền giải quyết các việc lớn nhỏ trong cung, đã tập hợp quần thần trong kinh cầu nguyện ở khắp các chùa chiền, đền miếu. Tóm lại khắp nơi kinh thành đâu đâu cũng hỗn loạn, tình trạng này kéo dài suốt một tháng. Khi bọn Trần Khác tới kinh thành, bệnh của Hoàng Thượng dần dần bình phục, và lại tiếp tục bắt đầu xử lý chính sự...

......

Tháng hai năm Gia Hữu thứ nhất, khắp nơi Đại Tống tiết trời vẫn se se lạnh.

Trải qua hai tháng lặn lội đường xá xa xôi, huynh đệ Trần Khác và cha con Tô gia cuối cùng cũng đến được thành Biện Lương.

Kỳ thực vẫn chưa nhìn thấy thành trì, nhưng đã sớm đến được Biện Lương. Trước khi đến kinh đô, dọc đường đều là nhà cửa ruộng vườn, nghe thấy cả tiếng gà kêu chó sủa. Càng tới gần Biện Lương phố phường càng rộng rãi hơn, rãnh thoát nước hai bên đường được xây bằng gạch, đá. Nghe nói trong đó để trồng hoa sen. Mặc dù chưa tới mùa vụ, không thể nhìn thấy hoa sen nở, nhưng hoa đào, lê, mận, hạnh thi nhau nở rộ, liền bước tới mà xem, trông cảnh đẹp như thêu khiến con người ta liên tưởng tới khoảnh khắc xuân hạ giao mùa.

Hai bên đường đi đều là vườn cây, trong vòng một trăm dặm không có mảnh đất nào trống, đâu đâu cũng có tường vôi trắng xóa, mái gác cong cong, có tiếng nhạc vang lên từ lầu Bảo Tạ, có tiếng người trẻ tuổi vừa đi vừa hát, quen thuộc như bức tranh nước chảy qua cầu, cảnh vật đẹp như tranh vẽ, thanh bình mà tươi vui biết bao nhiêu… Tô Tuân chỉ cho mọi người thấy ngôi nhà quét vôi trắng ngói xanh là nhà của bách tính bình dân, ngôi nhà có tường cao, mái ngói cong cong là lâm viên của một phú thương thân sĩ, còn những ngôi nhà có mái ngói lưu ly giống như cung xá là các ngôi chùa miếu, quán đạo… Trần Khác cũng được xem như người ra bắc vào nam, những thứ hắn từng đến và từng thấy đều là những thành phố lớn, nhưng chưa một nơi nào có thể vượt qua được vùng ngoại ô Biện Lương này.

Anh em nhà Tô Thức thì khỏi phải nói, đây là lần đầu tiên ra ngoài, nên nhìn đông nhìn tây như người nhà quê mới ra phố, cứ cách một đoạn lại reo lên:
- Đồ khờ khạo, nơi đây cứ như là tiên cảnh ấy nhỉ?
Khiến cho khuôn mặt già nua của lão Tô đỏ ửng lên, bắt hai đứa con ngậm miệng lại, không được nhìn ngang nhìn dọc nữa, cấm làm mất mặt người Tứ Xuyên.

Con đường rộng thênh thang, đủ cho hai mươi chiếc xe ngựa cùng lúc phóng đi, trên đường tất cả đều đông vui tấp nập, người xe qua lại như mắc cửi… Có chiếc xe đang thồ bao thóc to tròn, từng đàn lừa nườm nượp đi tới, những chiếc xe một bánh chở đầy than củi hoặc hoa tươi, có chiếc xe to chở cả lợn, dê. Ngoài những nông sản đến từ vùng ngoại thành ra, còn có vải vóc, chè xanh, giấy bút mực từ đất Thục mang tới; có cả lông cừu từ khu Tây Bắc mang tới, có rượu Hoàng, hương dược từ Lạc Hà mang xuống…

Không chỉ có con đường này, trên các tuyến đường thủy thông với mười ba cửa thành của kinh đô Biện Lương đều trình diễn các hình ảnh giống nhau, nối tiếp nhau giống như một mạch máu thông suốt vậy.
Ở thành Biện Lương Đông Kinh của Đại Tống này cái gì cũng có, hàng hóa vô cùng phong phú, nào như gừng quế cảo cốc, tơ lụa vải vóc, cá thu, bào ngư, cá chép, rượu, muối, dấm, đậu, các loại lúa mạch đều được nhập vào thành, thế mới làm cho Đông Kinh trở lên vô cùng tươi vui nhộn nhịp.

Cứ đi như vậy đến giữa trưa, thì nhìn thấy bên phải đường có một hồ nước lớn gợn sóng lăn tăn, chu vi ước chừng mười dặm, xung quanh hồ có hàng liễu rủ, có lầu nghỉ chân và một hàng cổ tùng quái bách, những chiếc cầu cùng những hòn đá kì lạ lẫn vào nhau… Tô Tuân bảo với bọn họ rằng nơi đây chính là hồ Kim Minh danh tiếng lẫy lừng, là một trong tứ đại vườn thượng uyển của hoàng gia, mỗi khi trong dân gian mở hội, lại có vô số các thuyền hoa của khách tham quan du ngoạn trên hồ, lại còn tổ chức các cuộc thi đua thuyền, té nước… Dân chúng tranh nhau tới xem, khung cảnh vô cùng tưng bừng náo nhiệt.

Khi tâm trạng của các sĩ tử đang hướng về cảnh tượng trên, thì Tô Tuân lại chỉ về hướng nam, đó là bức tường màu đỏ chói, trên tường có mái ngói lưu ly vàng tươi:
- Biết đó là đâu không?

- Không biết ạ…

- Vườn uyển Quỳnh Lâm, nghe đâu hoa quỳnh bên trong như tuyết, cũng có thể đoán được đó là một thắng cảnh trong nhân gian.
Tô Tuân hướng mặt về phía trước say sưa nói:
- Đây cũng là một trong bốn vườn thượng uyển của hoàng gia, cũng không phải là để cho những kẻ rảnh rang vào chơi, các ngươi chờ tới khi thi đỗ tiến sĩ, triều đình ban thưởng yến tiệc ở Quỳnh Lâm, mới có cơ hội vào đó ngắm cảnh.

Bọn chúng ngây ngẩn cả ra, Tô Tuân lại chỉ về phía trước nói:
- Tới Biện Lương rồi!

Mọi người ngước mắt lên nhìn, trong làn sương mờ của buổi bình minh, Biện Lương hiện lên với tường thành màu xanh thẫm, dường như cao vút tận ngàn mây!

Bọn họ từ ngoại thành tây Biện Lương hướng về phía cửa thành đầu tiên ở phía nam, Thuận Thiên môn, cách gọi thông tục là cửa thành Tân Trịnh.

Bước vào cửa thành, cảnh đẹp lâm viên như vẽ liền biến mất không dấu vết, thay vào đó là khung cảnh mang đậm không khí của cuộc sống đang hiện trước mắt.

Nhà cửa hai bên đường san sát nối tiếp nhau, làm lộ rõ mặt tiền của đủ loại các cửa hàng, như cửa hàng châm, cửa hàng thuốc nhuộm, hàng lược ngà, cửa hàng trang sức, bàn chải đánh răng, khăn chùm đầu, cửa hàng thuốc bắc, cửa hàng thất bảo (gồm vàng, bạc, ngọc lưu ly, thủy tinh, xà cừ, san hô, hổ phách), cửa hàng áo trắng, cửa hàng đai lưng, hàng chỉ thêu, hàng mũ, cửa hàng chế đồ thiếc, cửa hàng đánh bóng bảng hiệu, cửa hàng dây giày, hàng hoa, hàng quạt xếp… Gần như mỗi một loại sản phẩm đều độc quyền kinh doanh, hàng hóa phong phú, thỏa thích lựa chọn.

Ngoài ra còn có phòng khám bệnh y dược, quán sửa chữa xe ngựa, quán xem tướng, quán cạo mặt trang điểm, ngành nghề nào cũng có. Phía bên trên các cửa hàng lớn còn có các cửa chào của hai ba tầng cao nữa, trên đó có treo biển hiệu màu sắc lộng lẫy tráng lệ, thu hút ánh nhìn đẩy mạnh kinh doanh.

Trên khu phố người đi lại chen chúc, dòng người không ngớt, nào là thương nhân Tây Vực theo sau là mấy con lạc đà, rồi mấy chàng thư sinh phong lưu phe phẩy quạt giấy, đến những thân sĩ dạo phố ngắm cảnh, lại còn có mấy vị quan cưỡi ngựa đi trên đường, có tiếng người bán hàng rao bán, có kiệu của mấy vị nhà giàu, có nhà sư trên lưng đèo cái gùi ngao du bốn phương, người du khách xa quê hỏi đường, tiếng trẻ con ở các con phố nhỏ nghe đọc sách, mấy cậu ấm con nhà quyền quý đang say xỉn trong các quán rượu, có lão ăn mày tàn tật ăn xin bên đường… Tất cả nam nữ già trẻ, sĩ nông công thương, đủ các hạng người trong xã hội đều tụ họp trên con phố trong thành Khai Phong này, cùng hòa nhịp vẽ lên bức tranh phồn hoa thái bình thịnh vượng.

……

Chưa nói tới huynh đệ Tô gia, ngay cả Trần Khác cũng bị bức tranh Thanh Minh Thượng Hà Đồ hiện thực làm cho xúc động nghẹn ngào, được đến được nhìn thấy, được cảm thấy, như vậy trong cuộc đời này cũng mãn nguyện lắm rồi.

Trong lúc mọi người đang tranh nhau lùng sục tìm những lời lẽ trau chuốt tráng lệ nhất để có thể lột tả được hết cảnh tượng trước mặt, thì lão Tô ho khan một tiếng làm mọi người thoát khỏi cảnh trước mắt, lão Tô nói với Trần Khác:
- Chúng ta đến đây thì chia tay thôi!

- Ôi…
Trần Khác thở dài nói:
- Bá bá hay là về nhà cháu, tuy nó không to, nhưng dù sao đi nữa cũng có thể ở được.

- Không đến!
Tô Tuân quả quyết lắc đầu, nói với hai anh em Tô Thức:
- Chúng ta đi…
Chỉ cần nghĩ tới trong nhà có Trần Hi Lượng, là ông ta hận đến nỗi không thể một đao chém tên khốn kiếp đó!

- Xem ra, không làm được gì rồi, hai người bọn họ đúng là không có cách nào để gặp mặt nhau.
Tô Thức thở dài vỗ vỗ Trần Khác, lặng lẽ cười rồi nói:
- Địa chỉ của nhà huynh ta biết rồi, có dịp ta sẽ tới thăm, chúng ta phải vui chơi thoải mái ở thành Biện Lương này chứ.

- Ừ.
Trần Khác mỉm cười nói:
- Đương nhiên rồi.

Các huynh đệ cùng đồng thanh nhất trí, rồi mỗi người một ngả.

- Chúng ta cũng đi thôi.
Trần Khác nhìn Tống Đoan Bình, Tứ Lang, Ngũ Lang và Lục Lang cười nói:
- Đi xem xem nhà chúng ta rốt cuộc là như thế nào?

- Cẩn thận…
Tống Đoạn Bình còn chưa dứt lời, thì nghe thấy từ xa một tiếng kêu thất thanh, một con ngựa màu mận chín không có người cưỡi hung dữ chạy như điên từ chỗ đám người đông đúc.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui