Nhất Phẩm Giang Sơn

Trần Khác còn phát hiện, các quan lại quý tộc, tất cả đều rất trẻ, khiến hắn vừa khó hiểu lại vừa khó chịu, các ông lão đều đi đâu cả rồi?

Đáp án là, họ đều đi xuống mộ cả. Căn cứ thống kê của đời sau, quan viên triều đại Bình An chỉ sống trung bình đến ba mươi hai tuổi. Mà nữ quý tộc chỉ sống trung bình được hai mươi bảy tuổi! Trong đó, khoảng năm mươi lăm phần trăm chết vì bệnh lao phổi, mười phần trăm chết vì ung thư da, hai mươi phần trăm chết vì phù chân, và phổ biến nhất là bệnh gù, căn cứ quan niệm của y học hiện đại, đó là do quần áo quá nặng, đồ trang điểm quá độc cùng chế độ dinh dưỡng không tốt!

Mà tầng lớp nhân dân phía dưới, nếu là võ sĩ thì vừa ăn thịt vừa tập võ có thể sống đến gần bảy mươi tuổi, vượt qua cả triều Tống.

Đem ra so sánh, đám quan viên nhận được đãi ngộ tốt nhất nhưng lại chết sớm, tự nhiên có cảm giác mất mát khá lớn. Bởi vậy bọn họ luôn than thở cuộc đời ngắn ngủi, ngốc nghếch mà nói 'sống rực rỡ như hoa mùa hè, chết yên tĩnh mà đẹp đẽ như lá mùa thu'. Nhưng không nghĩ rằng tất cả điều này đều do họ tự tạo ra.

----------------------------------

Bông tuyết bay đầy trời, hành lang dài uốn khúc, hồ sen nằm đơn độc, trong ngôi chùa cổ trang nghiêm, nhang khói bay lượn lờ, tiếng chuông du dương động lòng người, mái tóc đen như mực dài bảy xích (hơn hai mét ba), tà áo trắng như tuyết dài chín xích (bằng ba mét), mặc áo thập nhị đơn (junihitoe – triều phục phức tạp của nữ quan cao vị ở Nhật Bản) rực rỡ và lộng lẫy. Còn có quần áo da thú kèm chiếc mũ đen, ống tay áo rộng thùng thình, mặt phấn cùng hàm răng đen, vừa ca vừa múa, xướng thơ Haiku, phong cách ưu nhã không thể kể hết, càng không nói hết vẻ hào nhoáng quyến rũ đã hình thành nên triều đại Bình An đầy mê hoặc.

Nhưng Trần Khác chỉ muốn nhanh chóng đi khỏi nơi quỷ quái này, hành trình đến Nhật Bản lần này khiến hắn sâu sắc cảm nhận được, địa cầu thế kỷ mười một chỉ có một nơi duy nhất dành cho người thích hưởng thụ như hắn cư ngụ, đó là Đại Tống!

Nhưng đám quan viên Nhật Bản quá nhiệt tình, hắn phải mất sức chín trâu hai hổ mới khiến bọn họ thoả mãn. Dĩ nhiên hắn có thể không quan tâm tất cả mà chọn ngày quay về, nhưng chuyến đi tới kinh đô lần này là vì điều gì? Không phải để lừa lấy đảo Tá Độ hay sao?

Những ngày này, hắn liên tục lượn quanh làm quen những vị phu nhân và đám quan viên, thoạt nhìn có vẻ không liên quan đến việc chính, nhưng thực tế, hắn đã bỏ ra rất nhiều công sức để dấu đi những dấu vết đó.

Trên thuyền Phúc (một trong tứ đại cổ thuyền của TQ) chứa đầy lụa, đồ sứ, lá trà, còn có văn phòng tứ bảo (bút, mực, giấy, nghiên), cùng nhiều đồ quý giá, đều là lễ vật hắn dành cho các quan viên quý tộc ở kinh đô. . . Những đồ vật này vô cùng trân quý, hơn nữa do Trạng Nguyên Đại Tống đưa tặng nên mỗi một món đều có giá trị liên thành. Ai nhận được đều xem như đồ gia truyền mang đi cất giấu.

Còn có thứ quý giá hơn, chính là những bản vẽ và đề từ của hắn. Căn cứ thống kê của người đời sau, trong ba mười mốt ngày Trần Khác ở lại Đông Kinh, đã viết bảy trăm bảy mươi bức lưu niệm, làm ba trăm ba mươi bài thơ, điền từ gồm hai trăm mười tám bộ, viết hơn ba mươi bài văn biền ngẫu. Theo lịch sử văn học thế giới, chưa bao giờ có một vị văn nhân nào làm được nhiều như thế trong thời gian ngắn, hơn nữa trong số đó không thiếu những tác phẩm để đời.

Được rồi, thật ra những bài văn bài thơ này cũng không phải là những tác phẩm ngẫu hứng của hắn, mà do hắn đã tích luỹ nhiều năm. Đừng quên, hắn lớn lên cùng ai, ai là thầy của hắn? Hơn mười năm học ở trường, hầu như mỗi ngày hắn đều cùng những bậc thầy trên văn đàn, ít nhất là cùng những bậc thầy tương lai thi thơ hát đối, tự nhiên tích trữ được một bụng thơ văn. Cho dù ở tình trạng nào, hắn cũng đều có thể hạ bút thành văn. . .

Hơn nữa, hắn mượn lão Tân, lão Khương, lão Lí, lão Lục ngàn bài áp trận. Hắn liền có hơn một ngàn bài thơ bài văn vượt tiêu chuẩn, đủ để toả sáng. . .

Kể từ đó, kinh thành Nhật Bản thường xuyên xuất hiện một hình ảnh, một quý công tử gầy gò ốm yếu, không có sức lực dựa vào vai thị nữ, ngắm nhìn những cây hoa cúc trong chùa. Một cơn gió Tây quét qua hai gò má, quý công tử không nhịn được ho nhẹ vài tiếng, thấp giọng ngâm nga:

'Mạc đạo bất tiêu hồn, liêm quyển tây phong. Nhân bỉ hoàng hoa sấu. . .' (Đừng nói hồn không mất, gió tây quấn bức màn. Người gầy hơn hoa cúc...)

Rồi sau đó nhìn xuống, phát hiện chiếc khăn lụa trắng đã dính một vết máu nhàn nhạt.

Thiếu nữ hoài xuân cùng các quý phu nhân thì vạn lần ngâm nga 'Hoa tự phiêu linh thủy tự lưu. Nhất chủng tương tư, lưỡng xử nhàn sầu. Thử tình vô kế khả tiêu trừ. Tài hạ mi đầu, khước thượng tâm đầu. . .' (Hoa tự rơi nước tự chảy. Một điểm tương tư, hai chốn ưu buồn. Tình này không cách nào quên. Mới nhắm đôi mi, lại để trong tim...)

Rồi nhìn bên má, hai dòng nước mắt tương tư chảy xuống, sau đó quá kích động mà hôn mê bất tỉnh.

Còn nhóm oán phụ trong khuê phòng tự nhiên muốn ngâm ca 'Tầm tầm mịch mịch. Lãnh lãnh thanh thanh, thê thê thảm thảm thích thích' (Tìm tìm kiếm kiếm. Vắng lặng, buồn đau ưu sầu). Đương nhiên, nước mắt không thể thiếu, ngất cũng không thể thiếu.

Tóm lại. Trần Khác dùng một đợt tấn công mãnh liệt, hoàn thành xâm lược văn hoá của triều đại Bình An. Cũng khiến địa vị của hắn tại Phù Tang ngàn năm không ngã. . .

Đương nhiên, đó không phải kết quả hắn muốn, thật ra điều hắn muốn lúc đầu chẳng qua là khiến người Nhật Bản chắp tay tặng lại đảo Tá Độ. Vì thế ở mọi nơi, hắn dùng thơ văn hoa mỹ biến đảo Tá Độ thành đảo tình yêu của mình, để cho các phu nhân và quan viên ở kinh đô ai cũng biết, tình yêu của hắn và Liễu cô nương là ở nơi đó thăng hoa.

Cũng mãnh liệt bày tỏ nguyện vọng là sau này có thể quay lại đảo Tá Độ . . . Người ta nói có qua mà không có lại là vô lễ, ông đây cho các ngươi lễ vật hậu hĩnh như vậy, xem xem các ngươi báo đáp như thế nào!

Nhưng người có quyền định đoạt ở đây chỉ có một người, không phải Thiên Hoàng mà là Quan Bạch!

Trần Khác cứ thế mà đợi, cuối cùng chờ được cơ hội cùng Lại Thông một mình đối mặt. . . Một ngày trước khi hắn lên đường, Đằng Nguyên Lại Thông tổ chức yến hội tiễn hắn tại nhà của y là viện Cao Dương.

Sau yến tiệc, Lại Thông mời Trần Khác ra sau nhà dùng trà, bỏ lại đám quan viên quý tộc hận không thể bám dính lấy Trần Khác, hai người bước vào trong đình bên hòn non bộ phía sau vườn.

Sàn gỗ rất ấm áp, hẳn là có những thiết bị sưởi ấm dưới đất, Trần Khác dùng phong tục nhà Đường ngồi xếp bằng trên sàn, nhưng không hề cảm thấy lạnh. Kỹ nữ ngồi sau tấm bình phong, dùng loại nhạc khí chỉ có một dây, diễn tấu Hòa Nhạc khiến người buồn ngủ.
Trần Khác ngồi ở vị trí dành cho khách, đối diện là một ông lão bảy mươi tuổi - Tả đại thần hơn bốn mươi năm nhiếp chính Quan Bạch Đằng Nguyên Lại Thông, người đã cùng phụ thân của mình - Đằng Nguyên Đạo Trường, kiến lập thời kỳ toàn thịnh của họ Đằng Nguyên, là người quyền lực nhất Nhật Bản.

Khác với đám hậu bối bôi son trát phấn, mặt Lại Thông vẫn giữ nguyên thần thái vốn có, y mặc một bộ đạo bào rộng mà nhẹ nhàng, tuy tuổi già gầy yếu, mặt mũi khá nhiều nếp nhăn, nhưng nhìn qua vẫn còn rất khoẻ mạnh.

Y có thể làm theo ý mình, không ai dám nói gì.

Nếu không phải thế, Đằng Nguyên Lại Thông cũng không thể sống lâu gấp đôi đám quan viên mà vẫn chưa có cảm giác như mặt trời sắp lặn. Một đôi mắt già dặn chi chít nếp nhăn, lúc này đang híp lại quan sát Trần Khác khôi ngô tuấn tú, không biết suy nghĩ điều gì.

Bên phải hai người, tiểu thiếp của Đằng Nguyên Lại Thông là Thu Nguyệt Cung đang biểu diễn nghệ thuật pha trà Nhật Bản. Trên người cô ta mặc áo thập nhị đơn mỏng như cánh tằm thêu hình cây cối chim chóc, hiển nhiên so với đám quý tộc thì thoải mái hơn rất nhiều, đương nhiên giá cả cũng chỉ có đại nhân Quan Bạch mới có thể chịu được.

Xem Thu Nguyệt Cung dốc sức biểu diễn nghệ thuật pha trà, bên ngoài Trần Khác không có biểu hiện gì, nhưng trong lòng lại âm thầm bĩu môi tự nhủ, kỹ thuật so với Tiểu Sương Nhi của ta còn kém quá xa.

Nhưng thân là thần tượng Nhật Bản, tất nhiên Trần Khác không thể thất lễ. Thu Nguyệt Cung nhẹ xoay chén trà hai lần, để hoa văn trên ly trà hướng về phía hắn, đây là lễ hiến trà của nhà Đường. Trần Khác cũng dùng lễ nhà Đường đáp lại. . . Hai tay tiếp nhận chén trà, nhẹ nhàng xoay hai lần, để hoa văn trên ly đối diện với người hiến trà, giơ chén trà lên một mức vừa đủ, biểu thị trả lễ.

Lúc này mới nâng ly trà lên, ngửi ngửi hương trà với vẻ say mê, kết quả bị hương trà ngào ngạt xông lên suýt nữa hắt xì. Hắn cố nhẫn nhịn, mới nén cái hắt xì xuống.

Sau đó 'Xoay ly trà ba lần chầm chậm thưởng thức', tức là chia làm ba lần uống hết. Lúc uống trà, trong miệng phải có âm thanh, tỏ vẻ uống rất thơm, biểu hiện thái độ tán dương cùng thưởng thức đối với chủ nhân. . . Đây không phải lễ nhà Đường, mà là của người Nhật tự nghĩ ra, cũng giống như người La Mã cổ đại khi ăn tiệc phải dùng sức ợ một cái.

Dâng trà xong, Đằng Nguyên Lại Thông mới lấy bút ra, chậm rãi ghi một ít từ ngữ dùng khi sắp chia tay. Cũng giống như Đằng Nguyên Kinh Thanh, y biết chữ Hán nhưng không nói được tiếng Hán. Lúc Trần Khác ở kinh đô, đều do một vị hoà thượng tinh thông tiếng Hán phiên dịch, nhưng lần nói chuyện này, đại nhân Quan Bạch rõ ràng không muốn người khác tham dự.

Trần Khác cũng lấy bút viết đáp lại, dòng chữ hàm ý cám ơn.

Điều này khiến Đằng Nguyên Lại Thông cảm thấy rất có mặt mũi, cười hỏi hắn:
'Ngài có cái nhìn thế nào về Phù Tang?'

Trần Khác nghĩ nghĩ, viết:

'Quốc bỉ trung nguyên quốc, nhân đồng thượng cổ nhân. (Đất nước so với đất nước Trung Nguyên, người giống như người xưa)

Y quan đường chế độ, lễ nhạc hán quân thần. (Áo mũ như nhà Đường, lễ vua quan như nhà Hán)

Ngân úng trữ thanh tửu, Kim đao quái tố lân. (Bình bạc để cất rượu, đao vàng cắt bánh cá)

Niên niên nhị tam nguyệt, đào lí tự dương xuân.' (Mỗi năm tháng hai tháng ba, đào mận đưa mùa xuân)

Vào triều Minh, đây là một đoạn trong “Thơ đáp lại câu hỏi của Hoàng đế Đại Minh về phong tục Uy quốc” của sứ giả Đáp Lý Ma nước Uy, tất cả là tự biên tự diễn, kết quả gã sứ giả bị Chu Nguyên Chương làm cho chết khiếp.

Con mẹ nó, một Uy quốc cỏn con cũng dám nhận dùng phong tục chính thống của Hán Đường, chẳng phải chế nhạo phong tục của Trung Hoa chúng ta không chính thống?'

Nhưng Trần Khác lại dùng để tâng bốc Đằng Nguyên Lại Thông, dĩ nhiên rất phù hợp. Quả nhiên lão này vui đến râu mép dựng thẳng, liên tục trầm trồ khen ngợi, rồi nói không dám nhận, mãi mới cẩn thận, dè dặt hỏi:

'Thơ của đại nhân thật sự tuyệt diệu, lão hủ cực kỳ yêu thích, chỉ không biết câu 'Kim Đao quái tố lân' là có ý gì?'

Trần Khác nghe vậy mới sực nhớ, hiện tại đám cháu trai này chỉ ăn chay. Bây giờ, hắn có hai lựa chọn, một là nói cho y biết 'tố lân' không phải cá, chỉ là các người dùng gạo tạo thành bánh cá. Đây là món điểm tâm nổi tiếng ở triều đại Bình An, nhưng không có ai dùng đao vàng đi cắt. Đương nhiên, là thi nhân thì ưa thích lãng mạn, khuếch trương là bình thường.

Nhưng hắn sẽ không chọn cách này, mà chọn một phương pháp xử lý khó khăn hơn. Chỉ thấy hắn viết:

'Ta ở thành Trường Cương nếm qua một món ăn nổi tiếng, gọi là 'đồ biển', rất ấn tượng. . .'

Đám quan lại quý tộc đã vài chục năm không ăn món này, thế nên Đằng Nguyên Lại Thông mãi mới nhớ ra. Cũng may y đã bảy mươi rồi, nếu đổi lại là đám mạng ngắn kia, cũng không biết đồ biển là cái gì.

Trần Khác đã nhắc đến, tự nhiên y phải giải thích, nếu không người ta còn tưởng người Uy quốc keo kiệt. Đằng Nguyên Lại Thông viết:

'Quan viên quý tộc tuân chỉ không ăn.'

'Chỉ võ sĩ có thể ăn?'

'Đúng vậy.'

'Nếu thế thì thật đáng tiếc. . .' Trần Khác nhẹ thở dài.

'Vì sao?' Đằng Nguyên Lại Thông khó hiểu.

'Ăn cá sống lâu.' Trần Khác viết ra đáp án.

- A!

Biểu tình trên mặt Đằng Nguyên Lại Thông giống như 'nhiều năm bị táo bón, bỗng nhiên thông thoát' vậ kích động thì thầm một hồi, sau đó cúi người hành lễ với Trần Khác.

Trần Khác cũng không đỡ y, hơn nữa không cùng ngôn ngữ, cũng không nói nhảm, liền nhận cái cúi đầu của vị Quan Bạch này. Viết lên giấy:

'Tại sao vậy Quan Bạch?'

'Vô cùng cảm ơn đại nhân đã giúp lão hủ giải đáp được bí ẩn đã làm khó lão hủ nhiều năm.' Đằng Nguyên Lại Thông kích động viết:

'Tuổi thọ của quan viên quý tộc không bằng một nửa võ sĩ, thì ra là do không ăn cá!'

'Đâu chỉ có vậy?'

Trần Khác lắc đầu, đem tất cả những cách sống tự sát nêu ra. Hắn thật tâm muốn đám quan viên quý tộc này trở nên khoẻ mạnh sống lâu.

Nếu không, làm sao bọn họ có thể đấu lại đám võ sĩ vừa được ăn ngon lại ăn nhiều như sói như hổ kia.

Pháp bảo lớn nhất giúp Trần Khác đi lại trong giang hồ, chính là nắm chắc hướng đi của lịch sử. Mặc dù hắn không biết nhiều về giai đoạn lịch sử này của Nhật Bản, nhưng dựa vào vài sự kiện lớn cũng có thể thấy rõ tương lai của nó.

Trong trí nhớ của Trần Khác, chính trị Nhật Bản vào cuối triều đại Bình An chuyển từ Nhiếp Chính qua Viện Chính, cuối cùng thay đổi thành chính trị Mạc Phủ, kết thúc triều đại Bình An, bước vào thời đại Mạc Phủ.

Hiện tại, hẳn là lúc chính trị Nhiếp Quan đạt tới đỉnh cao, đương nhiên sau đó không thể tránh khỏi việc xuống dốc. Trần Khác ở Nhật Bản tự thân quan sát và lắng nghe, hoàn toàn chứng thực việc này. Một mặt, uy vọng của Quan Bạch Đằng Nguyên Lại Thông cực cao, không ai có thể đạt tới, thân phận của y gần như được thần thánh hoá, nhà Đằng Nguyên hầu như nắm giữ toàn bộ vị trí tối cao trong triều đình và địa phương. Mặt khác, nhà Đằng Nguyên là đại diện cho tầng lớp quan viên quý tộc, mục nát, sa đoạ, thoái hoá quá mức. Nhìn các cuộc nổi loạn trong nước liên tiếp diễn ra, họ hoàn toàn không làm được gì và cũng không muốn làm.

Bọn họ chủ động đem việc nước giao hết cho đám quan lại tầng dưới, nào là tiêu diệt hết phản loạn, duy trì chính quyền, chống lại tập đoàn võ sĩ mới nổi. Chính cách làm như tự phế võ công này tạo điều kiện cho Viện Chính ra đời. Mà ông trời hình như cũng không giúp đỡ Nhiếp Quan, họ liên tục nắm giữ vị trí hoàng hậu, thái tử luôn là cháu ngoại Nhiếp Quan, lại để nhà ngoại tham gia bàn chuyện chính sự, chính vì vậy nhà Đằng Nguyên mới có thể áp chế Thiên Hoàng lâu như vậy. Nhưng đến đời con gái của Đằng Nguyên Lại Thông, lại không thể sinh ra một hoàng tử.

Thiên Hoàng ngày càng già yếu, việc xuất hiện một vị vua mới không có quan hệ huyết thống với nhà Đằng Nguyên là điều tất nhiên. Nhất là khi đó, nhà Nhiếp Quan cũng mất đi một người mạnh mẽ như Lại Thông. Cái gọi là thiên thời địa lợi nhân hoà, một khi vị vua mới có đầy đủ can đảm, dám liên kết với những người bất mãn đám quan lại quý tộc và võ sĩ hiện tại thì có thể đoạt lại chính quyền!

Con người luôn tiến bộ, trình độ thao lược hiện tại của Trần Khác đã vượt xa kiếp trước, hắn dùng một số kiến thức ít ỏi về Nhật Bản của mình rồi quan sát tình hình hiện tại, liền có thể sắp xếp ra bối cảnh chính trị của Nhật Bản.

Hắn là người Tống, nhiệt tình nghiên cứu Nhật Bản như vậy cũng không phải do ăn no rỗi việc, hắn cần nắm rõ tin tức mới có thể đặt ra kế hoạch cho tương lai.

Tận mắt chứng kiến khiến hắn cảm thấy triều đại Bình An thật đáng yêu, hi vọng bọn họ có thể mãi mãi ưu nhã như thế... Nhưng đám quan viên yếu đuối này hiển nhiên không phải là đối thủ của tập đoàn võ sĩ. Không nói cái khác, riêng việc võ sĩ trung bình đều sống đến bảy mươi tuổi, đem ngươi nấu chết cũng có thể.

May mắn là năm này tập đoàn võ sĩ mới bắt đầu phát triển, đến khi bọn họ trở nên thật sự hùng mạnh vẫn còn vài chục năm.

Chính vì vậy, kế hoạch của Trần Khác rất rõ ràng, đó là trợ giúp đám quan viên quý tộc áp chế võ sĩ, giúp triều đại Bình An tồn tại lâu dài.

Huống hồ chỉ có đám quan viên nắm quyền, Nhật Bản mới tiếp tục bế quan toả cảng, như thế hắn có thể muốn làm gì thì làm ở đảo Tá Độ. Trần Khác nói nguyên nhân quan viên quý tộc chết sớm cho Đằng Nguyên Lại Thông, cũng nói cho y biết cách khắc phục. Sau này, trên sách sử Nhật Bản có ghi lại “Trần Công dạy Quan Bạch 'tám cách dưỡng sinh', giúp quan viên quý tộc sống lâu”.

Đằng Nguyên Lại Thông cảm kích muốn chết rồi. Với tư cách tộc trưởng nhà Nhiếp Quan, y hiểu rõ tình huống hiện tại còn cao hơn Trần Khác, lúc bình an còn có thể lừa mình dối người, giả tạo cảnh thái bình, đến khi xuất hiện sự cố thì hiện nguyên hình.

Mà đám quan viên quý tộc càng ngày càng thối nát. Những quan văn, võ sĩ, dân chúng tầng lớp dưới đối với bọn họ lại càng căm hận, phản loạn xảy ra ngày càng nhiều. Bọn họ muốn trấn áp phản loạn thì phải dựa vào võ sĩ. Địa vị võ sĩ ngày càng cao, dã tâm cũng lớn theo, đã có dấu hiệu không bị khống chế.

Vì 'Thiên hạ Nhiếp Quan, khí vận trường tồn', một mặt, Đằng Nguyên Lại Thông khổ tâm đặt ra kế hoạch, ngăn cản tập đoàn võ sĩ kiêu căng tiến thêm một bước. Vì vậy y bí mật liên hệ với gia tộc Thanh Nguyên của nước Xuất Vũ, chuẩn bị một chiêu trí mạng đâm sau lưng nhà An Bội. Cộng thêm Đằng Nguyên Kinh Thanh quay trở lại, đến lúc đó phản kích, không cần họ Nguyên ra sức cũng có thể ổn định Lục Áo.

Mặt khác, y cũng đang tìm một phương pháp giúp đám con cháu hư hỏng tỉnh lại.

Cho nên 'tám cách dưỡng sinh' của Trần Khác thật giống như đang nắng hạn mà gặp mưa rào vậy, làm Lại Thông vô cùng cảm động. Hơn nữa y biết rõ, Trần Khác ở lại kinh đô một tháng, một tháng này nhất định sẽ trở thành khoảng thời gian nổi bật trong lịch sử, nếu y quá keo kiệt sẽ làm người đời sau khinh thường.

Thật ra chưa cần dùng tới người đời sau, đám quan viên quý tộc bây giờ cũng có thể dùng nước miếng phun chết y... Đối phương cho Nhật Bản thật quá nhiều, nhiều đến mức y không biết phải báo đáp như thế nào mới đủ.

'Đất nước nhỏ bé, không có cái gì có thể lọt vào mắt đại nhân, ban đầu muốn tặng đảo Tá Độ cho đại nhân...'

Đằng Nguyên Lại Thông tỏ vẻ áy náy viết:

'Nhưng đó chỉ là một hòn đảo không người, không thể biểu thị lòng cảm kích cùng tôn kính, cho nên....'

'Đảo Tá Độ là đủ rồi!'

Trần Khác cười to cắt ngang y, lấy bút viết:

'Hạ quan cái gì cũng không thiếu, có thể vĩnh viễn lưu giữ chút ký ức đẹp như thế này, đó mới chính là lễ vật tốt nhất!'

…….

Mười ngày sau, Trần Khác về tới thành Trường Cương, ngoại trừ hơn một trăm xe lễ vật do Thiên Hoàng, Quan Bạch cùng đám quan lại quý tộc tặng, hắn còn được tặng thêm ba mươi sáu thị nữ Nhật Bản.

Những thị nữ này khoảng mười sáu mười bảy tuổi, diện mạo xinh đẹp, tư thái phóng đãng, tất cả họ đều được chọn lựa tỉ mỉ từ khi còn nhỏ và huấn luyện khá nghiêm khắc, chuyên môn dùng để hầu hạ Thiên Hoàng cùng nhà Nhiếp Quan. Càng khiến Trần Khác vừa ý đó là trên mặt họ không bôi son trát phấn, cũng không cạo lông mi, nhuộm răng đen, nhìn qua không có gì không hài hòa.

Không phải họ không muốn trang điểm như quý tộc, chỉ là họ không có tư cách này.

Trần Khác ở kinh đô một tháng, nếu như nói điều khiến hắn thoải mái thì đó chính là đám thị nữ xinh đẹp này rồi, hắn được hầu hạ từ ngón chân cho tới tận kẽ răng, được hưởng thụ theo tiêu chuẩn cấp hoàng đế. Xét về điều này, thị nữ Đại Tống không thể so sánh được.

Cuối cùng cũng thấy 'đồ vật' lọt vào mắt hắn, Đằng Nguyên Lại Thông vung tay, đem một nhóm vừa được huấn luyện tốt, tất cả đều đưa cho hắn.

Một gã thích hưởng thụ như Trần Khác tất nhiên rất vui lòng nhận lấy.

Ở lại thành Trường Cương nghỉ ngơi hồi phục một chút, Đằng Nguyên Kinh Thanh đi tới thỉnh cầu, muốn trở thành gia thần của hắn:

- Tá Độ Điện đã trở thành lãnh chúa, không thể không có gia thần, xin ngài có thể cho Kinh Thanh trở thành gia thần đầu tiên của Tá Độ Điện.

Nhật Bản dùng 'Điện' để gọi lãnh chúa.

Trần Khác không quá hiểu về chế độ lúc này của Nhật Bản, hỏi:

- Ngươi tuỳ tiện thay đổi vị trí như thế không sợ triều đình truy cứu sao?

- Hạ thần xuất thân là họ Ngư Lưu Danh (một trong các thế hệ của Nhật Bản), vốn đã vứt bỏ gia tộc.

Lúc này, Đằng Nguyên Kinh Thanh cũng nói thật:

- Về sau cũng chưa trở thành bề tôi của bất cứ thế lực nào, hiện tại đến bước đường cùng, kính xin Tá Độ Điện thu nhận.

Nói xong lập tức thề, nguyện vĩnh viễn trung thành với Tá Độ Điện, lấy cái chết làm đầu, tuyệt đối không hai lòng!

Nhờ phúc của Trần Khác, Đằng Nguyên Kinh Thanh cuối cùng được Nhiếp Quan tha thứ, cũng đặt ra mưu kế, dặn gã tạm thời không được để lộ, chờ mệnh lệnh từ triều đình. Nhưng điều hứa hẹn này không chặt chẽ, bất cứ lúc nào triều đình cũng có thể trở mặt, vì để bản thân có thêm một đường an toàn, gã quyết định trở thành gia thần của Trần Khác.

Gã bàn tính khá cẩn thận, cảm thấy Trần Khác một khi về nước, có lẽ cả đời không có khả năng bước lại lên Uy quốc. Nhưng nếu gã có quan hệ với Trần Khác, đó sẽ là bùa hộ mệnh tốt nhất, tương lai triều đình không nể mặt tăng cũng phải nể mặt phật, vì thế sẽ không trở mặt. Như vậy, gã tuy đứng dưới cờ củaTrần Khác, trên thực tế vẫn giữ được tự do.

Trần Khác sao có thể không biết chút suy nghĩ của gã? Nhưng hắn cũng có cách nghĩ của mình, dù sao hắn cần một người phát ngôn ở Nhật Bản mới có thể duy trì nhất định lực ảnh hưởng. Lâu dần, hắn có thể chống đỡ cho gã cho phù hợp lợi ích của mình.

Vì vậy hai người với suy nghĩ của riêng mình, liền chính thức ký kết thành chủ tớ. Ngày hôm sau, Trần Khác lên thuyền rời đi.

Đi qua đảo Tá Độ, thuyền Phúc cũng không cập bến, từ xa, Trần Khác nhìn hòn đảo nhỏ đã thuộc sở hữu của mình, nói với Lí Phồn bên cạnh:

- Dù Uy quốc có lệnh cấm với hàng hải, ta cũng căn dặn Đằng Nguyên Kinh Thanh không nên tới gần đảo Tá Độ. Nhưng dù sao ở đây vẫn thuộc Uy quốc, nhất định phải thận trọng. Trước xây dựng thành luỹ, sau đó bí mật khai thác vàng, không được để lộ ra.

- Vâng.

Lí Phồn gật đầu nói:

- Nhưng không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất, lỡ bọn họ biết được thì phải làm sao đây đại nhân?

- Biết rồi cũng không phải sợ, hòn đảo này là Quan Bạch dùng danh nghĩa Thiên Hoàng tặng cho ta, nơi đây chính là lãnh địa của ta.

Trần Khác thản nhiên nói:

- Với lại, bọn họ cũng không biết mỏ vàng ở đây có thể khai thác mấy trăm năm. Chỉ cần ta duy trì lực ảnh hưởng vừa đủ lên Uy quốc, sẽ không ai hi vọng đắc tội ta.

Dừng một lát nói:

- Tất nhiên, xây dựng hòn đảo trở nên kiên cố, phòng thủ vững chắc mới là chủ yếu.

- Điều này không thành vấn đề, chúng ta có xi măng bê tông.

Lí Phồn cười khổ nói:

- Nhưng cần có người mới được, thủ thành, khai thác vàng, ít nhất cần cả vạn người.

- Điều này ngươi không cần lo lắng.

Trần Khác nói:

- Về phần khai thác vàng, chúng ta chỉ cần dùng chính sách phân chia năm năm tuyên truyền ra bên ngoài, nước Liêu, Cao Ly, Đại Tống, khắp nơi đều có người nguyện chịu mạo hiểm đến đây phát tài. Ta cũng bảo người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp đi khắp nơi tuyển người, đến lúc đó tập trung ở đảo Đam La (Tamra), ngươi chỉ việc chở tới đây là được.

Dừng một lát lại nói:

- Trên đảo chỉ cần có hơn vạn người, sẽ không sợ bất cứ sự uy hiếp nào. Nhưng điều kiện đầu tiên là phải có quy củ rõ ràng, hơn nữa tuyệt đối không được thất tín.

- Điều này thuộc hạ hiểu.

Lí Phồn gật đầu nói:

- Cũng giống như ăn xin trên biển, muốn tất cả thủ hạ nghe theo mình, điều kện đầu tiên là công chính vô tư.

- Ừm, hai trăm nô lệ Mã Mộc Lưu Khắc (Mamluk) mà ngươi mua về, toàn bộ cho ngươi làm quân đội cảnh vệ.

Trần Khác nói:

- Ta cho ngươi thêm tám trăm quân đầu trọc, có một ngàn người này, ngươi cũng nên an tâm chứ?

Trong quân đầu trọc, Trần Khác thi hành chế độ mộ binh, cứ ba năm một lần, sang năm là kết thúc đợt đầu tiên. Đến lúc đó, những người này muốn về nhà thì về nhà, không muốn về nhà thì có thể đến hiệu buôn Tứ Hải làm hộ vệ. Trần Khác ước chừng, ít nhất cũng còn một hai ngàn người đến Tứ Hải.

- Thuộc hạ an tâm rồi.

Lí Phồn cười nói.

- Ngoại trừ đảo Tá Độ, ngươi còn phải chú ý Đam La (Tamra).

Trần Khác nói:

- Hai năm trước, một người Nhất Tứ Nhạc Nghiệp bắt đầu tiến hành thâm nhập vào, lúc cần thiết, ngươi phải giúp bọn họ một tay.

Tamra là quốc gia của thương nhân, thế lực của vương quốc này vô cùng yếu kém. Khống chế Tamra trong tay, đảo Tá Độ liền không còn là hòn đảo đơn độc, mà có thể lũng đoạn mậu dịch giữa Tống, Liêu và Nhật.

- Vâng.

Lí Phồn đáp lời, trong thời gian rất dài sắp tới, một mình y phải chống đỡ toàn bộ cục diện.

Tháng hai năm Gia Hựu thứ tư ở Đại Tống, ánh mắt khắp thiên hạ lại một lần nữa tập trung ở thành Biện Kinh. Sau hai năm, lễ tuyển chọn nhân tài tiếp tục đúng hạn tổ chức. Đây là quan gia Triệu Trinh thực hiện lời hứa, đặc biệt mở thêm một khoa. Quan chủ khảo cũng không xa lạ gì, chính là Âu Dương Tu, người lần trước vừa đại sát thể Thái Học. . .

Đương nhiên cuộc sống vẫn tiếp tục, thành Biện Kinh vẫn rực rỡ, phồn hoa như trước. Sông Hộ Long, sông Biện, sông Thái, sông Ngũ Trượng, sông Kim Thuỷ trải qua một mùa đông lạnh lẽo, tất cả bắt đầu thức tỉnh, sóng xanh trở nên dịu dàng, lượn lờ trêu chọc bóng của cây dương liễu hai bên bờ. Trên sông, ngàn con thuyền buồm đang cạnh tranh, ganh đua nhau vận chuyển hàng hoá cùng lữ khách từ khắp các nơi hướng về kinh thành.

Lúc này, có một đội thuyền do năm con thuyền đáy bằng tạo thành, yên lặng chạy vào bến tàu sông Biện.

Trước boong của một chiếc thuyền, một người thanh niên đứng ở đó, trên thân mặc một chiếc cẩm bào màu xanh da trời, khoác trên lưng một chiếc áo choàng mỏng màu đen, thắt lưng đính ngọc Phỉ Thuý, chính là người đã rời kinh hai năm Trần Khác Trần Trọng Phương. Hắn nhìn hai bên bờ sông quen thuộc nhưng lạ lẫm này, phía trước hai bờ sông là những toà nhà bằng gỗ cao hai, ba tầng san sát nhau, tô đủ màu sắc tạo thành Hoan Môn Thái lầu.

Phía dưới Hoan Môn Thái lầu vẫn là xe ngựa như nước, dòng người như sông, âm thanh rao hàng, tiếng ca hát, tiếng nói chuyện, tiếng hét to chói tai. Người đi đường thì cưỡi lừa, gánh hàng, mũ họ đội là mũ tiên đào, mũ phúc, mũ tròn, mũ đạo sĩ, mũ phệ,..., sắc màu rực rỡ, khiến người khác không kịp nhìn.

Đây là thành Biện Kinh có một không hai, ngay cả không khí đều mang hơi thở phồn hoa. . . Trần Khác nhắm mắt lại, hít thở sâu, cảm giác thoải mái cùng buông lỏng, thậm chí có cảm giác như người đi xa quay về quê hương.

Gặp quỷ rồi, ông đây mới ở thành Biện Kinh được một năm chứ mấy. Hắn không khỏi cười thầm chính mình đã quá say mê cái cảnh phồn hoa có một không hai này.

Thật ra rất bình thường, bởi vì ở thế giới ngàn năm trước này, chỉ có thành Biện Kinh mới mang lại cảm giác quen thuộc cho một linh hồn đến từ ngàn năm sau. . . Đây là quê hương trong mơ. . . Đội thuyền chậm rãi cập bến sông Biện, chờ dây thừng buộc chặt, thả ván, Chu Định Khôn liền leo lên thuyền, kính cẩn thi lễ với Trần Khác, âm thanh cung kính nói:

- Đại nhân, xe ngựa đã chuẩn bị tốt, ở đây giao cho hạ nhân là được.

Trần Khác gật đầu, bước nhanh xuống thuyền, leo lên chiếc xe ngựa màu đen đứng chờ đã lâu. Còn Liễu Nguyệt Nga cùng ba mươi sáu thị nữ Nhật Bản, vì tránh ánh mắt người khác nên trước khi vào thành đã rời thuyền.

Sau khi ngồi vào chỗ của mình trên xe ngựa, đầu tiên Chu Định Khôn dâng lên một cái hộp nhỏ bằng gỗ tử đàn. Trần Khác cầm lấy mở ra, liền thấy trên lớp vải nhung đỏ là một chiếc nhẫn đá quý. Đá quý rất lớn, phát ra ánh sáng màu đen, đây là một viên kim cương đen vô giá. . . Bởi vì có một không hai, hầu như không ai có thể nhận biết.

Chiếc nhẫn này chính là bằng chứng khống chế tất cả tài sản của Trần Khác, trong mấy năm hắn không ở Biện Kinh, nó đều do quan tài vụ Chu Định Khôn bảo quản, cũng dựa vào cái này quản lý việc buôn bán cho hắn. Hiện tại Trần Khác trở về, tự nhiên vật quy nguyên chủ.

Chỉ nhìn thoáng qua, hắn liền khép lại hộp gỗ, hỏi:

- Mọi chuyện đều tốt chứ?

- Cái này. . .

Chu Định Khôn lộ vẻ khó xử, bứt rứt một lúc mới nói:

- Đại nhân về tới nơi sẽ biết.

- Ta muốn biết bây giờ.

Trần Khác nhíu mày.

- Trong khoảng thời gian đại nhân mất tích...

Chu Định Khôn thở dài nói:

- Đã xảy ra một vài chuyện xấu.

- Ta vừa đến Đăng Châu đã báo cáo với triều đình.

Trần Khác trầm giọng nói.

- Triều đình thì không có gì. . .

Chu Định Khôn lại thở dài nói:

- Mà việc kia xảy ra một tháng trước, lúc đó còn không có tin tức của đại nhân.

- Nói!

Trần Khác lạnh lùng nói.

- Lý Toàn Lý huynh đệ. . .

Chu Định Khôn lấy hết dũng khí, thấp giọng nói:

- Đi rồi.

- Đi đâu?

Trần Khác cau mày hỏi.

- Về trời. . .

Chu Định Khôn ảm đạm nói.

- Chuyện gì xảy ra?

Trần Khác nhất thời lạnh cả sống lưng.

- Lễ mừng năm mới tháng giêng năm nay, Liêu sứ (sứ giả Liêu quốc) đến đây chầu mừng, chỉ đích danh muốn Đỗ đại gia biểu diễn. Đỗ đại gia đã ngừng hát, ở kinh thành ai ai cũng biết. Nhưng bọn chúng càn quấy, lại đi tới Thiên Âm Thủy Tạ tìm cô ấy.

Chu Định Khôn thấp giọng nói:

- Lí đại nhân nhận được tin tức liền đến trước một bước, hai bên ở ngoài cãi nhau kịch liệt, tiện thế rút đao khiêu chiến. Nhưng bọn chúng là Liêu sứ, Lí đại nhân cũng không dám làm tổn thương bọn chúng. Người Liêu lại không biết lễ độ, đâm một đao trúng đùi Lí đại nhân, thủ hạ của Lí đại nhân lập tức lao đến chém giết với bọn chúng. Lúc này, lính của phủ Khai Phong cũng đến, tách hai bên ra.

- Lí đại nhân vì mất máu quá nhiều, Vương thái y không có cách nào cứu. . .

Chu Định Khôn thấy sắc mặt Trần Khác trở nên tái nhợt, do dự không biết có nên nói nữa hay không. Sau một lúc mới nói tiếp:

- Dân chúng vô cùng tức giận, nhưng thân phận của chúng là Liêu sứ, phủ Khai Phong không dám tự ý hành động, liền báo lên triều đình, kết quả bên trên lại lén lút thả người.

- Cứ thả vậy sao?

Hai mắt Trần Khác nhất thời đỏ bừng, biểu hiện như muốn ăn thịt người. Hắn ở Đại Lý, ở Nhật Bản, khó khăn tạo dựng tự hào cùng kiêu ngạo, trong chớp mắt tất cả đều nát bấy.

- Sự việc vẫn chưa xong, ngày hôm trước là lúc sứ tiết rời kinh, tên kia được giấu bên trong đoàn, nghênh ngang đi ra khỏi thành. Nhưng không biết làm sao tin đồn lọt ra ngoài, bị dân chúng chặn lại ở cửa thành.

Chu Định Khôn tiếp tục diễn giải:

- Liêu sứ không chút nào sợ hãi, chúng tập trung lại một chỗ chờ phủ Khai Phong tới cứu. Lúc này Lục Lang xuất hiện, cùng với gã hung thủ ký giấy quyết đấu sinh tử.

- Lục Lang?

Lòng bàn tay Trần Khác lập tức đổ mồ hôi, trong lòng hắn, Lục Lang vẫn luôn là tiểu đệ đệ thò lò mũi xanh. Nhưng hắn chợt nhận ra, Lục Lang đã là một thiếu niên mười bảy tuổi. . . Nghe Chu Định Khôn kể lại, Trần Khác như trở lại ngày hôm trước, ngay dưới cổng An Viễn thành Biện Kinh.

Dân chúng Biện Kinh tức giận, ngăn cản sứ đoàn nước Liêu trước cửa. Người của Liêu sứ không nhiều, nhưng nhiều năm trên chiến trường giúp bọn họ có được cảm giác hơn hẳn người khác, bọn họ hoàn toàn không sợ những người tay không tấc sắt này. Với lại, quan binh phủ Khai Phong cũng nên tới rồi chứ nhỉ? Đến lúc đó, để bọn họ tự xua đi người mình. . .

Lúc hai bên đang giằng co, đám quan sai phía xa đã kiềm chế không được, đang muốn xuất hiện duy trì trật tự thì một thiếu niên áo trắng thân hình cao lớn đi ra, cùng gã hung thủ kia đấu sinh tử. Y cũng cam đoan, nếu như mình thua liền thả bọn họ đi.

- Sao ngươi dám cam đoan bọn họ đều nghe theo ngươi?

Phó sứ nước Liêu nhìn thiếu niên này, tuy vóc dáng rất cao, nhưng rõ ràng mới chỉ mười bảy mười tám tuổi. Mà tên thủ hạ kia của gã sở trường là đấu tay đôi, ở trong đội quân tinh nhuệ nhất của Đại Liêu, cũng là cao thủ đạt tới trình độ cao nhất!

- Ta có thể cam đoan điều này!

Một người đàn ông cao to lực lưỡng tiến lên, chính là Dương Hoài Ngọc vận y phục bình thường.

- Còn có ta!

Thêm một người có chòm râu ngắn, mặt trắng như ngọc, Tào Bình cũng đi ra, lần này Liêu sứ đến, Tào Bình là người tiếp đãi, đối phương cũng biết Tào Bình là hoàng thân quốc thích.

Thấy qua thời gian dài như vậy, người của phủ Khai Phong vẫn không tới, Liêu sứ đoán được việc này không dễ dàng bỏ qua rồi, không bằng đáp ứng cho rồi. Sứ giả liền nhìn sang gã thủ hạ kia, chỉ thấy gã bị chửi đến mức hai mắt đỏ như máu, biểu tình như muốn xông lên xé xác người Tống.

- Được rồi...

Gã gật đầu nói:

- Tay không hay dao?

- Tùy ý.

Trần Quý Thường cởi áo choàng đen ra, để lộ quần áo ngắn chẽn bên trong, nhưng hai tay lại trống trơn.

Gã hung thủ đã kiềm chế không được, đẩy đám người ra, dưới sự chứng kiến của mọi người, hai bên ký lên giấy sinh tử. Sau đó liền sắp xếp mọi người lộ ra khoảng trống, đứng đối diện nhau.

Sứ đoàn nước Liêu lớn tiếng đánh trống, reo hò cổ vũ cho người mình, nhưng bị tiếng của người Tống áp xuống, một chút cũng không nghe được. Con mẹ nó, giờ đã hiểu thế nào là chiến đấu trên sân khách chưa?

Tào Bình và Dương Hoài Ngọc chăm chú quan sát hai người trong sân, một khi xuất hiện điều gì ngoài ý muốn liền ra tay cứu người.

Chỉ thấy Trần Quý Thường vẫn ung dung đứng đó, chậm rãi giơ tay lên, dùng ngón trỏ ngoắc một cái.

Gã người Liêu kia dù bị đần cũng biết đây là khiêu khích, gã kêu lên một tiếng, lập tức nhào tới, hai tay ôm eo Trần Quý Thường, dùng chân ngáng chân Quý Thường. . . Đây là phương pháp đấu vật của Khiết Đan, về sau được gọi là đấu vật Mông Cổ.

Thuở nhỏ, Trần Quý Thường hay cùng ba vị huynh trưởng học võ, đánh tay đôi, cộng thêm thiên phú kinh người, đã sớm đem tất cả các loại kỹ thuật đánh tay đôi ghi ở trong lòng. Hai tay đối phương vừa ôm lấy eo của Quý Thường, thân thể Quý Thường đã nghiêng về phía trước, dùng vai đụng thẳng. Lúc đối phương bắt đầu ngáng chân Quý Thường, đầu vai cậu đã mạnh mẽ đập vào ngực đối phương, một chân của đối phương lúc này giơ lên, chân còn lại không thể trụ được, ngay lập tức ngã xuống mặt đất. . .

Gã người Khiết Đan này phản ứng cũng khá nhanh, tay chống đất liền bật lên. Còn chưa kịp đứng vững, chỉ thấy một bóng đen vụt tới, một cái khuỷu tay mạnh mẽ đập vào ngực gã, đau đến mức trước mắt gã tối sầm, cảm giác như xương ngực bị gãy.

- Đây là chiêu gì?

Tào Bình đã từng quan sát vị thiếu gia này luyện võ, phải nói là vừa dễ nhìn vừa linh hoạt, nhưng bây giờ lại là một sát chiêu nhanh gọn đến tột cùng.

- Là Đường Thủ.

Dù sao Dương gia cũng là nhà tướng đi ra từ chiến trường, ở phương diện này, Dương Hoài Ngọc có kiến thức cao hơn hẳn Tào Bình:

- Đây là một loại kỹ năng chém giết cực kỳ hung mãnh, Lục Lang mỗi lần ra tay đều dùng hết sức lực toàn thân. Tên Khiết Đan kia vừa rồi quá chủ quan, muốn thăm dò Lục Lang một chút, nhưng lại không đề phòng việc Lục Lang vừa ra tay đã xuất toàn lực, vì vậy nên ăn một chiêu, chưa kịp trở lại bình thường lại ăn chiêu thứ hai. . .

Lúc hai người còn đang nói chuyện, liền thấy hai tay Lục Lang ép chặt đầu gã Khiết Đan kia xuống, đồng thời tung đầu gối đánh thẳng vào đầu gã. Nếu ăn cú này, mặt mũi gã hiển nhiên sẽ nở hoa.

Nhưng gã người Liêu này trải qua trăm trận chiến, gân cốt cứng như sắt, trong cơn đau nhức vẫn có thể ổn định tâm thần, rút dao găm trong ống tay áo ra, liền nhằm bụng Lục Lang đâm tới, buộc Lục Lang rút chân lại tự vệ.

Lục Lang cũng không tránh, đầu gối đánh vào sống mũi đối phương, lưỡi dao của gã Khiết Đan cũng đâm trúng bụng Lục Lang.

Chỉ nghe keng một tiếng, tiếng hét thảm đồng thời vang lên, xương mũi gã người Liêu nát bấy, máu tươi đầy mặt! Dù khả năng chịu đòn của gã có mạnh hơn cũng không thể chịu được đòn này, gã hoàn toàn mất đi năng lực chống cự

Lục Lang giống như không bị gì, tiếp tục dộng một gối vào cằm gã, cằm gã người Liêu lập tức vỡ vụn, gã như một túi vải rách ngã xuống mặt đất, Trần Quý Thường hai tay tiếp tục nắm lấy cổ gã.

- Đủ rồi!

Liêu sứ thấy nếu tiếp tục đánh, gã sẽ bị đánh chết, tranh thủ hô dừng lại, thị vệ cũng rút đao ra tiến lên cướp người.

- Nợ! Máu! Phải! Trả! Bằng! Máu!

Lục Lang cắn răng nói ra từng chữ, nói đến chữ 'máu', hai tay đột nhiên vặn ngược, một tiếng rắc vang lên khiến người khác sởn cả gai ốc, gã người Liêu kia bị Lục Lang vặn gãy cổ. . .

Thật ra quan sai của phủ Khai Phong sớm đã đến rồi, nhưng bọn họ lại không xuất hiện. Không đơn thuần vì Trần Lục Lang là công tử của Doãn thiếu (chức quan) của bọn họ, còn vì bọn họ cũng căm giận đám người Liêu này dám hành hung trên kinh đô Đại Tống. Nhưng Phủ Doãn đại nhân lại không xử đám người Liêu kia theo pháp luật, còn hạ lệnh bảo vệ hung thủ, làm bọn họ hứng chịu không ít nước bọt của mọi người.

Cho nên ban đầu bọn họ đều đứng xem náo nhiệt, hi vọng Trần Lục Lang sẽ cho gã tay sai kia một bài học, giúp mọi người hả giận. Ai cũng không đoán được, cái gã võ sĩ Khiết Đan kia nhìn có vẻ ngang ngược, nhưng lại là miệng cọp gan thỏ, bị Trần Lục Lang đánh thành quả cà nát.

Càng không ngờ, Trần Lục Lang lại ra tay ác như vậy, mạnh mẽ bẻ gãy cổ gã người Khiết Đan kia!

Phiền toái lớn rồi, người Liêu tuy đáng chết, nhưng dù sao cũng là sứ giả của một quốc gia! Bây giờ lại bị giết chết bên đường, hậu quả như thế nào, thật không dám nghĩ. . .

Ngay lúc đám quan sai ngẩn người, người Khiết Đan đã rút vũ khí ra, nhằm Lục Lang chém tới. Bỗng từ trong đám người xuất hiện một nhóm đàn ông khoẻ mạnh, cầm binh khí trong tay nghênh đón.

Bên phía người Liêu, đều là quân lính tinh nhuệ, bên phía người Tống, đều là thị vệ đại nội Hoàng Thành Ti, hai bên đều là cao thủ trong quân, là ưu tú trong ưu tú, tất cả đều bị thù hận làm đỏ hai mắt, lao vào nhau, liều mạng!

Thấy hai bên bắt đầu đánh nhau, dân chúng đứng xem sợ bị thương, khẩn trương phân tán, dưới cửa thành chỉ còn lại Liêu sứ, Tào Bình cùng Dương Hoài Ngọc, còn có các quan sai của phủ Khai Phong.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui