Nhất Phẩm Giang Sơn

Vậy đành phải nhắm vào hành chính và quân sự mà khai đao. Khánh Lịch tân chính của Phạm Trọng Yêm vung đao vào quan lại vô dụng của triều đình, hy vọng có thể cắt giảm chi tiêu hành chính. Các quan viên của triều Tống vừa mập vừa béo, hằng năm đều được tăng tiền lương, hơn nữa còn liên đới con cháu, thân thích đều được hưởng thụ phúc lợi đủ điều. Thật không có thiên lý mà, không đổi thì càng không có thiên lý hơn.
Song dù kết quả như thế nào, người của đảng Khánh Lịch từ vị trí thần tượng đã nhanh chóng trở thành kẻ địch của giai cấp quan lại, chịu thất bại hoàn toàn.
Bài học đó hết sức đau đớn, vì vậy những người giữ chức Tể tướng về sau không dám đụng vào khu cấm này nữa. Nhưng vấn đề tài chính không thể không giải quyêt, quan gia không đồng ý đổ thêm gánh nặng cho dân chúng nữa, vì thế đành động thủ với quân phí.
Quân phí của triều Tống một năm cao đến tám chín mươi triệu quan, dẫn đầu tuyệt đối trong chi tiêu tài chính, động thủ với nó cũng là đương nhiên.
Phương pháp cắt giảm quân phí chính là giải quân. Đề nghị giải quân là do Tể tướng tiền nhiệm Văn Ngạn Bác đề xuất, khi ấy triều đình còn tiến hành cuộc thảo luận lớn vô cùng kịch liệt, xem có nên áp dụng hình thức này hay không. Quan viên ủng hộ giải quân cho rằng thiên hạ thái bình đã lâu, số lượng binh viên chỉ tăng chứ không giảm, đồng nghĩa với việc triều đình phải bỏ ra tám phần thu nhập để nuôi một đám đông nhàn rỗi, quả thực vô dụng, vì vậy có thể bãi bỏ.
Người phản đối giải quân lại nói, đám ngu các người có biết “chế độ mộ binh” là quốc sách của chúng ta hay không? Cái gọi là “chế độ mộ binh”, đơn giản mà nói là vào năm hạn hán, khi dân chúng lầm than, chính phủ ra mặt chiêu mộ dân chúng thành quân nhân, để họ làm binh ăn lương, ra sức vì nước. Đối với những khởi nghĩa nông dân tạo phản thì phần lớn cũng áp dụng chiêu an, thu nhận vào quân đội triều đình nên dĩ nhiên không có tạo phản nữa.
Cho nên nói hậu thế không hiểu Tống Giang, cho rằng y là phe đầu hàng uất ức, trên thực tế là không hiểu rõ tình hình triều Tống. Thời bấy giờ, phần lớn kẻ tạo phản đều chạy theo chiêu an, lão Tống chẳng qua chỉ chạy theo trào lưu mà thôi.
Người khởi xướng chế độ này – hoàng đế khai quốc Triệu Khuông Dẫn từng đắc ý nói rằng, như thế có để giúp quốc gia “khi phản loạn, chỉ loạn binh mà không loạn dân; khi hạn hán, chỉ loạn dân mà không loạn binh”. Thiên hạ của ông dù có gặp sức ép nào cũng không phát sinh chuyện lớn.
Tất nhiên phải thừa nhận cách này rất hữu dụng, thậm chí đã qua trăm năm từ khi khai quốc, Đại Tống chưa từng nảy sinh phản loạn quy mô lớn. Vì vậy phe phản đối nói, quân đội có thể dùng để thu nhận nhân tố bất ổn trong xã hội, nếu tùy ý giải quân thì những quân lính đã quen cầm đao thương, ác khí đầy thân sẽ gây rối khi trở về địa phương, ảnh hưởng đến an ninh xã hội.
Hai bên tranh luận kịch liệt. Bởi vì lúc nào phe bảo thủ cũng chiếm đa số nên phản đối giải quân chiếm thế thượng phong, hơn nữa quan gia cũng sợ sau khi giải quân thì trị an các vùng sẽ gặp bất trắc, có thể thấy hội nghị giải quân sẽ bị bỏ dở…
Nhưng lúc này Văn Ngạn Bác đã có được sự ủng hộ của trưởng quan Tây phủ. Khi ấy Xu Mật Sứ vẫn là Bàng Tịch, Bàng tướng công tuy là kẻ phản diện trên chiến đài ở hậu thế, nhưng trên thực tế lại là vị quan tốt thực sự. Ông cũng nhận thức được sự quá đáng của quan tham nhũng ở triều đình, vì vậy cũng phải cắt giảm.
Được Bàng Tịch ủng hộ, Văn Ngạn Bác lập quân lệnh trạng – nếu trị an nảy sinh vấn đề sau khi giải quân, hoặc các phương diện khác có vấn đề thì chất vấn mình ta!
Đàn ông là phải quyết đoán, Văn tướng công là người như thế. Vì nỗ lực thực hiện chủ trưng của ông, quan gia rốt cuộc đồng ý giải quân.
Dưới sự bố trí chặt chẽ của Văn Ngạn Bác và Bàng Tịch, những người trong quân đội cùng ven, quân biên cảnh trên năm mươi tuổi, hoặc tự nguyện quy y đều có thể về nhà. Như thế quốc gia có thể tiết kiệm quân lương, dân gian có người trồng trọt, lão binh cũng có thể đoàn tụ với thân nhân. Cuối cùng giải quân toàn quốc khoảng tám mươi ngàn người, trong nước cũng không phát sinh sự kiện căng thẳng nào. Triều Tống tuyên bố lần đầu tiên giải quân thành công từ khi khai quốc đến nay, giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu căng thẳng tài chính.
Nhưng chưa kịp thừa thắng xông lên thì hai người đã bị đánh gục, Trần Khác cũng góp sức lớn vào việc triệt hạ Văn Ngạn Bác. Lúc đó hắn rất đắc ý, cho rằng cổ nhân chẳng qua cũng chỉ có thế, một thư sinh nhỏ nhoi như hắn lại có thể triệt hạ Tể tướng bằng mưu kế thần không biết, quỷ không hay.
Nhiều năm sau, khi hắn đã từng trải hơn, kiến thức sâu rộng hơn, cuối cùng lại nếm phải mùi vị đó… Người cung cấp tài liệu đen chính là Liễu lão gia tử tìm người buộc tội, vẫn là Liễu lão gia tử! Bản thân hắn rõ ràng đã bị lão quan đó đùa giỡn như khỉ…
Nhưng chỉ một Liễu lão gia tử thì không có bản lĩnh đó, mà còn có cả tập đoàn tướng môn! Bởi vì triều Tống có quốc sách trọng văn chế võ, tướng môn Đại Tống không còn hiển hách như thời khai quốc, trở nên cực kỳ khiêm tốn. Nhưng khiêm tốn không có nghĩa là không tồn tại, Tào gia, Vương gia, Dương gia, Liễu gia, Mộ Dung gia… những thế hệ sau của khai quốc công huân luôn luôn nắm giữ quân giới của triều Tống.
Dù không có binh phù của Xu Mật viện, một người lính bọn họ cũng không điều động được, nhưng trong quân là địa bàn và lợi ích cơ bản của bọn họ. Giải quân chính là động đến đồ tôn đồ tử của bọn họ, tổn hại đến lợi ích của họ, dĩ nhiên bọn họ sẽ cắn trả.
Nội tình chất chứa đến trăm năm một khi bùng phát, các tướng công xuất thân cơ hàn đột ngột hiển vinh cũng không cách nào chống đỡ.
Đến cả người lý trí như Văn Ngạn Bác cũng đành ảm đạm rời sân. Có điều lão vẫn còn may, vì biết mình đắc tội với quân đội nên khi ra ngoài, lão kiên quyết không tiếp nhận chức vụ nào liên quan đến quân đội. Lão thà làm một Tri châu tiêu dao mấy năm, cũng không muốn tìm đến phiền phức.
Bàng Tịch thì thảm rồi, lão quan này bị điều đến tây bắc phòng bị Tây Hạ, dưới trướng toàn là lính… Mà năm đó lão giải quân ba mươi ngàn người ở tây bắc, đạp đổ biết bao nhiêu chén cơm của quan quân, hiện tại muốn bọn họ làm việc cho lão thì có thực tế không?
Bởi thế vua và dân luôn lưu truyền, trận thảm bại Khuất Dã Hà khiến cho Bàng tướng công thân bại danh liệt thực ra là lễ vật của tập đoàn tướng môn tặng cho lão… Bằng không thì không thể giải thích việc lão tây quân không ngừng đánh trận với Tây Hạ sao có thể thua thê thảm như vậy.
Nhưng Ngự sử đi điều tra nguyên nhân thảm bại trước đó, sau khi trở về đã viết trong báo cáo, cho rằng tướng biên cảnh vì khinh địch nên liều lĩnh bố trí, người chết cũng đã chết rồi, không ai có thể nói rõ nữa… Nhị vị tướng công tan học, giải quân đột ngột bị dừng, mấy triệu quân phí cắt giảm cũng nhanh chóng vơi dần theo chi tiêu tăng vọt của các hạng mục, triều đình lại thu không bằng chi.
Trong cục diện này, Phú tướng công đề ra đối sách của ông – tiếp tục giải quân. Nếu hiệu quả giải quân lần trước khá tốt, vậy có lý do gì mà không tiếp tục? Dù có người khuyên ông phải cẩn thận bài học của người tiền nhiệm, song Phú tướng công quân tử không tiếc thân mình chẳng thèm để ý.
Nhưng khác với Văn tướng công, Phú tướng công không được Xu Mật viện ủng hộ. Hàn Kỳ cho rằng, Đại Tống và Tây Hạ ở thế đối địch, nước Liêu lại đang gây hấn, triều đình nên tăng quân phí chứ không nên khiến quân tâm dao động trong lúc này.
Mặc dù Phú Bật được Trương Phương Bình ủng hộ, được quan gia cho phép, thông qua quyết nghị giải quân cả trăm ngàn một lần nữa, song không có sự phối hợp của Xu Mật viện nên tiến hành giải quân rất khó khăn. Khi muốn động đến nhánh quân đội nào, Xu Mật viện đều viện ra vô số lý do không thể tiến hành.
Nhưng sự trả thù của tập đoàn tướng môn đến rất nhanh, bọn họ thiếp lập thế cục triệt hạ Trương Phương Bình.
Trước đây Trương Phương Bình từng giữ chức Tam Ti sứ, quản lý quân chính địa phương. Bản thân ông còn là một trong ba người tinh thông văn thư đứng thứ ba của triều Tống, không thể cho là không mạnh mẽ, nhưng một người mạnh là thế lại bị hạ gục khi mất cảnh giác.
Sự việc bắt đầu từ một thương nhân kinh sư tên Lưu Bảo Hành, người này mở quán rượu, khất nợ quan phủ số tiền hơn một triệu đồng. Tam Ti phái người đến đốc thúc, Lưu Bảo Hành nói: thôi thì thế này, ta dùng nhà gán nợ. Quan lại theo y đến xem nhà thì thấy vùng lề rất tốt, gian phòng cũng khá xa hoa, bán hai triệu tiền cũng có người mua, thế là quan lại đáp ứng.
Sau khi trở lại, quan viên phụ trách đấu giá nghĩ đến sứ tướng của mình, sau khi hồi kinh y luôn ở phòng trọ vì chưa tìm được nơi thích hợp, bèn hỏi y trước xem có cần hay không.
Trương Phương Bình nghe thấy phòng ở không tệ liền để người nhà đến xem thử, thấy đáng tiền nên mua lại tòa nhà này. Ai ngờ chưa kịp ở một ngày, cô cô của Lưu Bảo Hành đến phủ Khai Phong cáo trạng, nói Lưu Bảo Hành không phải con cháu Lưu thị mà là một tên vô lại, không có quyền bán đi tổ tông cơ nghiệp của Lưu thị.
Sau khi phủ Khai Phong phái người điều tra, liền phát hiện cáo trạng của cô cô Lưu Bảo Hành là xác thực. Vì vậy, Tam Ti sứ Trương Phương Bình mua nhà của Lưu Bảo Hành đã trở thành nhân vật đầu sóng ngọn gió, thân đầy hiềm nghi.
Khi ấy Bao Chửng vừa nhậm chức Ngự Sử Trung Thừa, vừa hay muốn làm một vụ lớn để tiêu trừ lại trị mục ruỗng trong triều đình. Thấy Trương Phương Bình lợi dụng chức vụ ngầm chiếm tài sản người dân, ông nào có thể bỏ qua con cá béo bở này?
Ông lập tức dâng thư tố cáo Trương Phương Bình, chỉ trích y thân là Tam Ti sứ nhưng lại mượn gió bẻ măng, ti tiện mua nhà ở của phú hộ, không biết liêm sỉ, khiến người ghê tởm. Người tiểu nhân như thế, nếu triều đình cho làm quan lớn tuyệt đối sẽ gây hại cho dân! Một viên đá đã làm dậy sóng tầng tầng lớp lớp, tức thì có nhiều người lời ra tiếng vào, Trương Phương Bình chỉ có thể từ chức. Phú Bật hiển nhiên muốn giữ y lại, nói Trương tướng công chỉ là nhất thời xem xét sơ suất, không liên can đến vấn đề đạo đức, vì vậy không nên truy cứu quá mức.
Song Trương Phương Bình đã nghe thấy mùi nguy hiểm, biết mình lưu lại chỉ e là thân bại danh liệt. Triều đình không thể giữ lại, đành để y nhậm chức Tri châu Trần Châu. Trước khi đi, Trương Phương Bình nói với Phú Bật: “Ta bị kẻ gian hãm hại, tướng công phải biết giữ mình”.
Lời này truyền đến tai Bao Chửng, Bao Hắc Tử cũng đã nếm trải mùi vị này… Ông phát hiện mình đã bị người khác lợi dụng, kẻ đó biết tính ông không chịu được cái gai trong mắt, bèn dựng nên vở này để mưu hại Trương Phương Bình.
Bao Chửng vô cùng hối hận, nhưng ván đã đóng thuyền, ông chỉ có thể tìm cách bù đắp sai lầm.
Lúc này, Tam Ti sứ tân nhiệm đã xuất hiện, chính là Lễ Bộ Thượng thư Tống kỳ kế nhiệm. Điều này khiến những người nào đó hoan hỉ, bởi vì lão Tống phản đối việc giải quân.
Quả nhiên, Tống Kỳ vừa thượng đài liền đối nghịch với Phú Bật công. Đừng nói triều đình chỉ là vì thiên tai nhân họa nên tạm thời gợi ra khó khăn tài chính, qua mấy năm thì có thể chuyển biến tốt đẹp. Vòng dây xích giải quân phút chốc được nới lỏng, Phú Bật công lâm vào tình cảnh lúng túng.
Nhưng hành động giải quân đã ăn sâu vào nhân tâm, các quan văn với thái độ “ngươi chết ta không chết” hiển nhiên dốc sức ủng hộ giải quân giảm chi tiêu, ngôn hành của Tống Kỳ kéo theo khá nhiều bất mãn của quan viên. Quan trọng hơn, Trương Phương Bình chỉ vì nhất thời bất cẩn mà mất chức quan, còn thanh danh quan lại của Tống Kỳ lại kém xa so với y… Tức thì có quan viên vạch trần mọi chuyện của Tống Kỳ, buộc tội gã khi làm quan ở địa phương tiêu xài tiền công, yến tiệc vô độ, sống thói xa hoa… Vị “Hồng Hạnh Thượng thư” đại danh đỉnh đỉnh này chính là đại tài tử mới đầu đậu Trạng Nguyên, lại được Lưu thái hậu bố trí ở sau lưng huynh trưởng. Tống Kỳ thuở nhỏ cơ hàn, vừa thi đậu thì danh chấn thiên hạ, sống ngày càng xa hoa trác táng, nổi danh yêu thích mỹ nữ.
Đương nhiên đây là chuyện thường tình của con người, thánh nhân có điều kiện mà không hưởng thụ chỉ là thiểu số, nhưng ngang ngược như Tống Kỳ thì lại hiếm thấy. Gã thường mở yến tiệc nơi phủ đệ cao to rộng lớn, ngoài giăng màn dày, trong treo bảo đuốc, ca vũ liên miên. Từ sáng đến tối, các tân khách ở bên trong uống rượu thưởng thức ca vũ, ngẫu nhiên vén màn, không khỏi kinh ngạc khi phát hiện đã là sáng ngày hôm sau! Vì vậy phủ đệ của Tống Kỳ lại nổi danh là “Bất hiểu thiên”. (không biết trời sáng)
Cho dù công việc nhàm chán đến đâu chăng nữa, Tống Kỳ cũng có thể biến thành hưởng thụ hương diễm. Khi quản Ích Châu, gã phụng chỉ cùng tu bổ “tân Đường thư” với Âu Dương Tu, sửa sách sử rất khó, cứ nhìn Âu Dương Tu mệt đến ngã bệnh thì biết.
Có điều Tống Kỳ thì không như vậy. Sau khi tận hứng tiệc tùng, gã cho người thắp nến lớn đầy phòng, còn có mỹ nhân yêu kiều mài mực, trải giấy, đốt hương… Hơn nữa không biết khiêm tốn che giấu, gã còn cố ý mở rộng cửa viện để dân chúng vây xem.
Dưới ánh nến lung lung, châu ngọc lấp lánh, bóng hồng quẩn quanh, Tống Kỳ khí định thần nhàn, múa bút vẩy mực, người qua đường vô cùng kinh diễm, cảm thán những ngày tháng của Tống Thượng thư quả giống hệt thần tiên!
Có một ngày, thành đô nổi một trận tuyết lớn hiếm thấy, lớp màn của phủ đệ lại dày hơn, trong phòng được đặt thêm hai bệ lò lớn, ấm áp tựa mùa xuân. Chúng cơ thiếp lả lướt vờn quanh, Tống Kỳ mài mực chấm bút, mở ra từng tấm giấy của Trừng Tâm Đường (giấy nơi đây là tinh phẩm), chậm rãi hạ bút. Viết đến một nửa, gã thở ra, xoa xoa hai tay, nhìn chư thiếp rồi dương dương tự đắc hỏi: “Chủ nhân mà các nàng từng phục vụ trước kia, có ai phong nhã được như ta?”.
Thiếp tùy tùng của triều Tống đều có hợp đồng làm việc ba đến năm năm, một người hầu hạ đến bảy, tám chủ nhân là chuyện rất bình thường. Vì vậy không cần phải kinh ngạc khi thấy Tô Đông Pha thay ngựa, tặng thị thiếp cho người khác. Tập tục xã hội là thế, ngươi xem Đại Tô có khi nào tặng luôn phu nhân cho người khác hay không?
Chúng thị thiếp vì muốn lấy lòng mà yêu kiều đáp:
- Sao có được, trước giờ chưa từng thấy qua!
Tống Kỳ cũng biết bọn họ nịnh nọt, gã liền hỏi ca cơ từng hầu hạ cho một vị Thái úy:
- Gặp thời tiết thế này, Thái úy nhà nàng sẽ làm gì?
Ca cơ che miệng cười nói:
- Ngài ấy sao, chẳng qua chỉ là đốt lò nhỏ, xem người ca múa, thưởng thức tạp kịch, say đến túy lúy mà thôi, nào có thể bì được với phong nhã của học sĩ?
Không ngờ Tống Kỳ nghe xong lại than một tiếng:
- Như thế cũng không tồi!
Cho nên gã dừng bút cuộn giấy, cuồng ẩm rượu ngon, hưởng thụ nữ nhạc từ tối đến sáng. Từ đó về sau, gã luôn lạm dụng tác phong như thế…
Sau khi hồi kinh, Tống Kỳ vẫn không biết kiềm chế, thường xuyên điểm hoa đăng ôm ca kỹ say mèm. Lúc này vị huynh Tống Tường của gã là Tham tri chính sự, cực kỳ gai mắt lối sống đó nên cho người nói với Tống Kỳ: “Nghe nói đêm thắp đèn dạ yến, xa xỉ cùng cực, chẳng hay còn nhớ năm đó cùng nhau học, ăn cơm dưa muối hay không?”
Tống Kỳ nghe rồi bật cười: “Chuyển lời cho tướng công, chẳng hay năm đó ăn cơm dưa muối là vì thứ gì…”. Dùng khoản công tư lợi, con người sống xa xỉ lại chưởng quản quốc khố, còn không phải giống như chuột sa chĩnh gạo hay sao? Kết quả trăm quan lên tiếng phản đối, Tống Kỳ ngồi chưa nóng mông đã bị giáng chức, mà chủ lực buộc tội gã chính là Bao Chửng.
Tống Kỳ hạ đài, quan gia cũng tức giận, lão Bao ngươi nhìn ai cũng không thuận mắt, vậy ngươi làm đi!
Cho nên từ chức Tổng kiểm sát trưởng, lão Bao trở thành Bộ trưởng Tài chính.
Lúc này thì lão Bao lại lúng túng, tựa như lão buộc tội người khác là vì dọn sạch chướng ngại vật cho mình, lão có miệng nhưng không thể biện bạch. Quả nhiên, lão chưa kịp nhậm chức thì đã bị buộc tội, mà còn là tội rất nặng – nhất đại Chiến thần, minh chủ văn đàn Âu Dương Tu khai pháo với lão.
Âu Dương Tu cho rằng Bao Chửng cố nhiên nhân phẩm ngay thẳng, liêm khiết từ tốn, thiết diện vô tư, tài năng đầy mình, song sĩ phu nên trọng nghĩa khinh lợi, trân trọng danh tiết, xem nhẹ chức quan cao thấp. Còn Bao Chửng thì ngược lại, lão chỉ trích thậm tệ Tam Ti sứ Trương Phương Bình khiến y phải hạ đài; Tống Kỳ vừa nhậm chức thì công kích khuyết điểm của gã. Sau khi Tống Kỳ bị bãi miễn thì lão lại lên làm Tam Ti sứ, điều này khiến người khác không khỏi nghi ngờ Bao Chửng là hạng tiểu nhân gian trá. Nếu quan gia cố chấp để Bao Chửng làm Tam Ti sứ, vậy mục đích nhậm dụng gián quan của tổ tông sẽ bị hủy hoại chỉ trong chốc lát!
Nhưng quan gia vẫn chưa tiếp thu ý kiến của Âu Dương Tu, qua một thời gian thì Bao Chửng đã nhậm chức…
…..
- Lão Bao đúng là không tiếc thân mà.
Trước mặt đệ tử của mình, Âu Dương Tu lại tán thưởng Bao Chửng mà ông đã buộc tội:
- Lão ta buộc tội Tống Kỳ là vì cứu vãn giải quân, làm sứ tướng cũng là vì cứu vãn giải quân.
Ông ngừng một chút rồi tiếp lời:
- Lão lo mình sẽ dẫm vào vết xe đổ của hai người tiền nhiệm nên mới gặp riêng ta, nhờ ta buộc tội lão trước.
- Hóa ra là thế…
Trần Khác bừng tỉnh. Chiêu này của Bao Chửng gọi là lấy độc trị độc, tương tự như chích ngừa. Lời buộc tội của Âu Dương Tu thực ra là giúp Bao Chửng, chín phần mười là tốt, một phần còn lại thì không. Quan gia đã chán ghét sứ tướng thay đổi như đèn kéo quân, hiển nhiên sẽ không vì chuyện này mà đổi người.
Như thế, nếu quan viên khác lại lấy việc này mà công kích Bao Chửng thì cũng công cốc. Hơn nữa ngoài việc đó ra thì không thể chỉ trích thứ gì nữa, hiển nhiên lão có thể an ổn ngồi chức sứ tướng.
- Có sự ủng hộ của lão Bao, cuối cùng đại kế giải quân của Phú tướng công có thể chấp hành!
Âu Dương Tu nói:
- Đám người đó dĩ nhiên sẽ không ngồi chờ chết, bọn chúng nhất định sẽ tung ra ba chiêu.
- Ba chiêu gì?
- Chiêu thứ nhất, khuếch đại thế cục căng thẳng của Tống – Liêu, thôi thúc triều đình điều trọng binh bắc thượng.
Âu Dương Tu nói:
- Bộ đội chuẩn bị tác chiến hiển nhiên an toàn, như vậy bọn họ có thể bảo vệ dòng dõi thân tín của mình.
Trần Khác vỡ lẽ:
- Thảo nào khi đi qua Hà Bắc, con phát hiện nơi đó như đang lâm trận, nhưng quân dung lơ là, không có ý chí chiến đấu.
- Chiêu thứ hai, sắp xếp cấm quân, thậm chí là cấm quân trú trong kinh thành vào danh sách giải quân.
Âu Dương Tu tiếp lời:
- Cấm quân là cội rễ khống chế thiên hạ của thiên tử, không loạn được. Hơn nữa Biện Kinh là thành binh, hơn một nửa nhân khẩu không phải quân thì là thân nhân của quân, động vào chén cơm của họ thì kinh sư sẽ bất an. Nếu loạn càng thêm loạn, e là không chỉ có Phú tướng công phải hạ đài, sau này cũng không còn ai dám đề xuất giải quân nữa.
- Không phải quá to gan rồi sao?
Trần Khác kinh ngạc:
- Quân đội làm loạn, thiên tử bất dung!
- Không cần quân đội loạn, người nhà họ loạn cũng đủ rồi.
Âu Dương Tu thản nhiên nói:
- Chiêu thứ ba, bọn họ đi theo đường lối hậu cung…
- Đường lối hậu cung?
Trần Khác ngạc nhiên không ít, thường thì hôn quân mới trúng chiêu này:
- Quan gia sao có thể nghe?
- Quan gia…
Âu Dương Tu ngập ngừng, hồi lâu sau mới chậm rãi nói:
- Không còn là quan gia lúc đầu nữa…
Ông ngừng một chút rồi nói:
- Đừng nói chuyện này nữa, thần tử không nên nghị luận quân thượng.
- Dạ.
Trần Khác gật đầu đáp.
Nói chuyện lâu như thế, Âu Dương Tu đã thấm mệt, nhưng ông vẫn kiên trì:
- Nam nha của ta có nhiền phán quan, thôi quan, phủ viện, lục tào, đều là hạng người tầm thường, duy chỉ có phụ thân của ngươi mới có thể gánh vác trọng trách này, cho nên ta đã đem ấn tín giao cho y quản lý. Phủ Khai Phong có nhiều tiểu quan và quan sai, dưới sự điều giáo của lão Bao thì cũng coi như dùng được. Ngươi nói lão chỉ cần quản buông tay mà dùng, xảy ra chuyện đã có ta gánh vác.
Nói rồi ông cười ha hả:
- Giờ ngươi trở về rồi, nên giúp đỡ lệnh tôn nhiều một chút, vi sư cũng yên tâm dưỡng bệnh.
- Học sinh đã hiểu.
Trần Khác gật đầu. Lão Âu Dương nói chuyện với hắn, thực ra là muốn chuyển lời cho Trần Hi Lượng. Trong địa giới kinh sư, hào môn quyền quý nhiều như lông trâu, hành sự gặp phải nhiều việc kiêng kỵ, nếu không chú ý thì chỉ có con đường chết.
Thấy Âu Dương Tu mệt mỏi, hắn liền thỉnh lão sư nghỉ ngơi cho tốt, ra ngoài sắc thuốc cho ông rồi cáo từ rời đi… Xe ngựa di chuyển trên phố, qua khỏi cầu Ngân Lương không bao lâu thì đối diện trở nên huyên náo, nghe thấy cả tiếng chiêng mở đường phá tan sự tĩnh mịch của khu phố. Sau màn gà bay chó chạy trên đường, một đội tùy tùng cầm theo hai chiếc quạt vàng lớn, còn có sáu cây dù vàng, tiếp đến là đoàn tùy tùng ưỡn ngực ưỡn bụng, lưng thắt bảo đao. Loại quy mô hiển hách này đến tướng công cũng không có được.
Trần Khác am hiểu lễ chế, biết rõ kiệu mã xe dù khi quan viên triều đình các cấp xuất hành luôn theo quy định nghiêm ngặt, không ai dám vượt quá giới hạn. Đội kiệu mã trước mắt này dùng quạt và dù hệt như thân vương, Thái tử, nhưng kiệu lại theo chế độ công tước, không chút hài hòa.
- Đây là vương công nhà nào ngồi sai kiệu vậy?
Trần Khác mở cửa xe, lấy làm kỳ lạ hỏi.
Người đồng hành là thị vệ Hoàng Thành Ti Trương Thành. Khi Trần Khác rời kinh, y phụ trách bảo vệ gia quyến Trần gia, Trần Khác về rồi, y liền tới ngay bên cạnh. Trần Khác vừa dứt lời thì y cười nói:
- Đại nhân lâu rồi không hồi kinh, không biết trong kinh đã xuất hiện nhiều nhân vật lừng lẫy, được xưng là Tứ Thiên vương, đây là Lưu Thiên vương trong đó.
- Lưu Thiên vương?
Trần Khác cau mày nói:
- Triều đình có chức quan này khi nào vậy?
- Là tự phong đó.
Trương Thành cười khan nói:
- Thực ra Lưu Thiên vương nọ vốn là Giáo úy chiêu võ, là chức quan nhàn tản trong cấm quân.
Trần Khác trừng to mắt nói:
- Một võ tán quan trên chính lục phẩm lại dám dùng nghi trượng của vương công? Phủ Khai Phong, Hoàng Thành sử, cả Ngự Sử giám sát đều đui hết rồi sao?
- Không ai đui hết.
Trương Thành nói:
- Nhưng hậu thuẫn người ta quá mạnh, không ai muốn chọc vào, người nào cũng mắt nhắm mắt mở.
- Hậu thuẫn nào?
Trương Thành thấp giọng nói:
- Muội muội của Lưu Thiên vương… là Lưu mỹ nhân mà quan gia sủng ái nhất.
- …
Trần Khác tức thì câm lặng. Quan gia quá nhân từ, không quản được quan viên của mình, càng không quản được thân thích trong nhà.
- Lưu mỹ nhân này là một tố nữ mà quan gia chọn được từ ba năm trước. Hai năm nay, cô ta cùng chín cung nhân đắc sủng khác xưng là thập khuê, mê hoặc quan gia đến hồn phách điên đảo.
Trương Thành thấp giọng nói:
- Người nhà của bọn họ được thế liền tác oai tác quái, ngạo mạn khó coi. Lưu Thiên vương nọ tên chỉ độc một chữ Hóa, vốn là kẻ sa cơ thất thế, vì muội muội đắc sủng mà một bước lên cao, diễu võ dương oai. Suốt ngày gã khẩn xin muội muội cầu chức quan với quan gia, vốn muốn làm đại tướng quân hoặc là hầu gia, song quan gia chỉ cho gã chức Giáo úy. Điều này khiến gã chưa đủ hài lòng, bèn nói với bên ngoài rằng quan gia phong y làm “Nam Thiên vương”. Không biết y tìm đâu ra bộ nghi trượng đó, cả ngày rêu rao khắp nơi, quan phủ không hỏi cũng chẳng truy xét, quả thực gạt được rất nhiều người.
Quan gia Triệu Trinh nổi danh nhân từ, hơn nữa càng thân cận thì càng nhân từ hơn, phóng túng cho đám người thân bằng quý thuộc. Trước kia có tiền lệ là Trương Nghiêu Tá, trước đó nữa còn có Dương Cảnh Tông, mọi người đều biết quan gia nhất định sẽ bảo vệ gã, nói không chừng còn bị gã cắn ngược lại, không ai nguyện dính lấy rủi ro này… Trần Khác cũng không nghĩ ngợi nhiều, vì vậy tránh sang một bên để đám chày gỗ lên trước. Nhưng có khi ngươi càng trốn, phiền phức càng nhanh tìm đến ngươi.
Đám người diễu võ dương oai kia đột nhiên ngừng lại bên cạnh hắn. Màn kiệu vén lên, người trong đó thì thầm với tên hầu bên cạnh, tên hầu gật đầu, màn kiệu lại thả xuống. Kẻ hầu đó dẫn theo mấy tên tùy tùng huênh hoang bước đến, nói với Trương Thành vận thường phục:
- Gọi chủ nhân nhà ngươi ra đây tiếp chuyện.
Trương Thành cười nói:
- Có chuyện gì cứ nói với ta là được.
- Làm giá quá thể…
Người hầu xụ mặt, trông thấy hộ vệ đối phương tuy không nhiều nhưng rất trấn định. Theo bản năng, kẻ đó hòa hoãn nói:
- Thiên vương nhà ta coi trọng con ngựa này, bán cho chúng ta đi.
- Tầm nhìn thật không tồi…
Con ngựa sau lưng y đến từ sông Đông thuộc vùng cực tây nước Liêu, lai với ngựa Mông Cổ, cao hơn ngựa Trung Nguyên một cái đầu, tứ chi tráng kiện, toàn thân đen tuyền, dùng để kéo xe thì cực kỳ bá khí:
- Ngươi ra giá bao nhiêu?
- Mười quan…
Trông thấy đối phương bất phàm, kẻ hầu cắn răng ra giá thành ý, bằng không thì đã đoạt luôn ngựa rồi.
- Mười quan?
Dân chúng vây lại xem từ xa liền xầm xì: “Đến đùi ngựa còn không mua được…”, ngựa tốt luôn có giá từ mấy trăm ngàn đến cả triệu tiền lận.
- Không bán.
Trương Thành dĩ nhiên cự tuyệt.
- Đám hạ tiện các ngươi, rượu mời không uống muốn uống rượu phạt à!
Kẻ hầu tức thì không kiêng nể nói:
- Ngươi hỏi thử Thiên vương chúng ta mua đồ ở Biện Kinh có từng trả tiền bao giờ chưa?
Kẻ đó cắn răng nói:
- Còn không thức thời thì một đồng cũng không có đâu!
Tên hầu cũng không phải không hiểu chuyện. Trong thành, người có địa vị chân chính luôn ngồi kiệu, chỉ có hạng không ra gì mới ngồi xe.
Trương Thành quay đầu nhẹ giọng nói:
- Đại nhân, đối phương hỏi chúng ta muốn uống rượu mời hay rượu phạt?
- Nói với y, chúng ta uống rượu hoa…
- Nghe rồi chứ?
Trương Thành nhe răng cười với tên hầu:
- Chúng ta uống rượu hoa!
- Ngươi có ý gì?
Tên hầu sững người.
- Chính là rượu động tay động chân.
Người hiểu chuyện ở bên cạnh nói:
- Đây là tiếng lóng của Quỷ Phàn lầu mấy năm trước.
Tên hầu nhất thời tái mặt, y hoành hành với Thiên vương hơn một năm, nào có ai dám nói với y như vậy? Kỳ thực có thể xử lý y, nhưng không ai tự hạ thấp mình chấp nhặt làm gì, vì thế y mới đắc ý đến tận lúc này.
- Đừng lôi thôi nữa, đập phá xe hắn cho ta!
Lưu Thiên vương ở đằng sau không muốn nghe tiếp nữa, liền xốc màn kiệu lên rống:
- Cho bọn chúng uống rượu hoa đi!
- Dạ!
Đám tùy tùng y lời xông lên, mấy người đánh một người, vây quanh hộ vệ của Trần Khác.
Chỉ thấy quyền cước bay nhảy, kêu rên từng đợt. Trong nháy mắt thì thế cục đã định, mấy tên tùy tùng đều ngã rạp xuống đất, còn hộ vệ của Trần Khác đến cọng lông tơ cũng không bị tổn hại.
Lần này đụng phải cọng rơm cứng rồi, Lưu Thiên vương chưa từng gặp phải tình hình này, gã lập tức ngây người.
Trương Thành và Trần Nghĩa bước đến, đám tùy tùng vốn dĩ đứng chắn trước kiệu tức thì chạy biệt tăm biệt tích. Lưu Thiên vương hoảng hồn nói với hai người:
- Các ngươi, các ngươi đừng qua đây, biết ta là ai không?
- Biết, là Lưu Thiên vương.
Trương Thành lặng lẽ cười, đứng bên trái chiếc kiệu.
- Biết muội muội của ta… là ai không?
Thấy cờ hiệu của mình vô vụng, Lưu Thiên vương lại ra vẻ lớn hơn:
- Muội ấy là Lưu nương nương được quan gia sủng ái nhất, các ngươi sợ chưa, ha ha… ha ha ha!
Thấy đối phương vẫn lạnh lùng, gã càng cười càng chột dạ.
- Vốn định phá hủy kiệu của ngươi.
Chỉ thấy Trương Thành lạnh lùng nói.
- Còn bây giờ? Ha ha, không dám chứ gì…
Lưu Thiên vương lại chột dạ nói.
- Bây giờ…
Đột nhiên Trương Thành hét to một tiếng, rút đao mạnh mẽ vung ra, Trần Nghĩa ở đối diện cũng tương tự, trong nháy mắt, đỉnh kiệu bị gọt phăng nhẹ tênh.
- Tháo kiệu của ngươi ra trước đã! Sau đó dẫn ngươi đi gặp quan!
Hai người liên tiếp tặng thêm mấy nhát nữa, chỉ thấy đao ảnh như tuyết, tơ lụa mảnh gỗ tung bay. Khi hai người thu đao lại, trụ kiệu đã bị chém tan tành, chỉ còn chỗ ngồi vẫn y nguyên không bị hư hại!
Lưu Thiên vương béo lùn kia ôm cánh tay run lẩy bẩy, đũng quần ướt sũng, sợ đến té đái.
- Mau bước ra ngoài!
Trương Thành nhéo cái mũi của Lưu Thiên vương nói.
Hai thị vệ Hoàng Thành Ti tiếp tụng công kích, xách y như xách gà con chạy ra ngoài!
- Dẫn đến chỗ Lý công công, nói là đại nhân chúng ta bắt được một tên bịp bợm giả mạo hoàng thân quốc thích!
Trương Thành phủi bụi trên người nói:
- Còn dám nói là ca ca của Lưu nương nương, đây chẳng phải là làm bại hoại danh dự của nương nương sao!
Các thị vệ lĩnh mệnh liền kéo Lưu Thiên vương đi. Trương Thành thở dài, vui vẻ đến cạnh Trần Khác cười nói:
- Đại nhân, tôi không gây ra phiền phức cho ngài chứ?
- Không có.
Trần Khác thản nhiên cười nói:
- Rất hợp ý ta.
Từ đầu đến cuối hắn không lộ diện, không phải vì sợ mà quả thực rất mất thân phận.
Lời chưa kịp dứt thì nghe thấy tiếng vỗ tay, một giọng nói mỉa mai vang lên:
- Trần học sĩ thật oai phong, bá khí lắm!
Đám thị vệ tức thì trợn mắt nhìn, Trần Khác lại xốc màn kiệu lên, cười vang:
- Tử Hậu huynh, đã lâu không gặp!
Một người thanh niên dáng người cao lớn, anh tuấn trầm ổn bước đến, y đội mũ vuông, vận áo bào rộng màu xanh thắt đai lưng dày, đang mỉm cười với hắn.
Người đó là ai? Chính là Chương Đôn Tử Hậu ở Phổ thành, Phúc Kiến, y là bạn cùng trường khi xưa của Trần Khác.
Khoa thi lần trước, vì hổ thẹn với cháu trai nổi tiếng, sau khi đậu tiến sĩ thì Chương Đôn đã tức giận bỏ đi trước khi bảng vàng xướng danh. Y khổ học hai năm quay lại trường thi, khoa này đã đậu Bảng nhãn nhất giáp rồi! Chú cháu hai Bảng nhãn tức thì trở thành giai thoại.
Lẽ ra lúc này y phải hồi hương thăm nhà mới đúng, không biết vì sao lại xuất hiện ở đây.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui