Nhất Phẩm Giang Sơn

Lúc đó Tất đại quan nhân đang chen chúc thân mật với năm con lợn béo núc trong chuồng. Người y ngắn ngủn, béo múp, lông lá xồm xoàm, toàn thân nhớp nhúa lớp bùn đen hôi hám, chả trách người cho heo ăn vào lúc sáng sớm sơ xuất không nhận ra.

Mãi đến khi sáng hẳn, người đến mua lợn mới phát hiện ra trong chuồng có người đang sống sờ sờ, ông ta kinh ngạc kêu lên:
- Các người còn buôn bán cả thịt người sao?
Lúc này mới tìm ra được vị anh họ của quan tri huyện.

Vì đã cho tìm người khắp thành, làm kinh động đến người dân trong huyện, nên khi Tống Đại Lệnh đến, ít nhất đã có hơn hai trăm người chen lấn trong chuồng lợn hôi thối, chỉ nghe thấy họ bàn tán xôn xao:

- Chà chà, ngủ ngon thật đấy, ồn thế này cũng không tỉnh….

- Im nào, nhìn bộ dạng giống thật ….

- Ha ha, mau nhìn kìa, y trở mình kìa, thứ đó sao lại nhỏ thế nhỉ…..

Tống Đại Lệnh nghe thấy vậy vừa giận vừa thẹn, gã cau mặt sai người đuổi đám người đang vây quanh, sau đó dùng chiếu cỏ cuốn Tất đại quan nhân to béo hôi thối kia lại, kéo vào trong vườn múc nước tắm rửa.

Đám người làm vừa bịt mũi vừa tạt từng gáo nước lạnh, nhưng xem ra hiệu quả không cao, họ liền dội thẳng cả thùng nước vào đầu y.

Ào ào…

- Ai da….
Rốt cục Tất đại quan nhân cũng tỉnh, lồm cồm ngồi dậy, hét lớn:
- Các ngươi làm gì vậy?

- Rửa ráy cho đại quan ạ!
Mỗi người xách một thùng nước, xếp hàng rồi dội nước lên đầu y: ào, ào, ào…

- Cứu tôi với…
Tất đại quan nhân nhảy dựng lên, chợt phát hiện ra rằng mình đang trần truồng như nhộng, y lại vội vàng ngồi thụp xuống.

“Ào, ào, ào….”, nước giếng lạnh ngắt lại dội lên đầu y.

….

Trong phòng khách hậu đường huyện nha.

- Hừ hừ, hừ hừ…
Tất Đại Quan Nhân trùm thảm ngồi bên cạnh lò than, trong tay là bát canh gừng nóng hổi, sắc mặt vẫn xanh nhợt, răng gõ lập cập:
- Thật nhục quá, nhục nhã quá. Biểu đệ, cả về công về tư đệ đều phải đứng ra phân xử cho huynh.

- Phân xử thế nào đây?
Tống Đại Lệnh ngồi cách xa ông anh họ đến hết mức có thể, lấy khăn tay che mũi… Đã tắm rửa nhiều lần như vậy mà toàn thân đại quan nhân vẫn bốc mùi phân lợn:
- Đến cả cái bóng của đối phương các người còn không nhìn thấy, kêu ta điều tra kiểu gì?

- Chẳng phải ta đã uống đến say khướt không còn biết gì nữa hay sao…
Tất đại quan nhân than vãn:
- Ầy, thật đúng là rượu say hỏng việc. Nhưng trong huyện Thanh Thần, ngoài Lý Giản ra, huynh có đắc tội với ai đâu, không gã ta thì còn ai!

- Ai cũng thấy rằng, hôm qua Lý Giản uống say như chết, đến giờ còn chưa tỉnh lại kia kìa.
Tống Đại Lệnh lắc đầu nói:
- Vả lại giờ gã còn là nhân vật có thế lực trong huyện, không có chứng cứ thì không dễ dàng gọi người ta đến được.

- Biểu đệ à, ta nhục nhã quá, thật sống mà không bằng chết.
Tất Đại quan nhân hắt xì, vắt ra một nắm mũi dãi rồi đau khổ nói:
- Chẳng lẽ cứ cho qua vậy ư?

- Không cho qua thì có thể làm được gì chứ?
Tống Đại Lệnh thở dài nói:
- Cũng may là trên người huynh không bị thương, về nhà chỉ cần không nói năng gì thì cũng không ai biết, cứ để vài ngày nữa, ngu đệ sẽ điều tra.

- Ôi…
Tất Đại Quan Nhân nghẹn ngào rớt nước mắt:
- Đời kiếp này ta còn mặt mũi nào quay trở lại cái huyện Thanh Thần nữa.

- Không quay lại càng tốt, huynh đã gây ra cho đệ biết bao rắc rối rồi.
Tống Đại lệnh nhủ thầm.

Cùng ngày hôm đó, Tất đại quan nhân ngồi thuyền trở về Bành Sơn. Mấy ngày đầu khi mới trở về coi như trời yên biển lặng, y mừng thầm trong bụng, chuẩn bị xóa bỏ được cơn ác mộng này trong trí nhớ thì đột nhiên đứa con trai nhỏ của y đang học bài trong thư viện gọi giật y mau ra xem.

Trên đường đi y vô cùng hồi hộp, y cảm giác thấy mọi người nhìn mình bằng ánh mắt rất kỳ lạ, nhưng vì đang vội đi đến thư viện nên y không để ý lắm. Đến nơi rồi mới phát hiện ra rằng thì ra thằng con đang đánh nhau với bạn học, y tát con một cái trời giáng rồi quát:
- Không lo học hành, lại còn đánh nhau, ta dạy mày như thế nào hả thằng nhãi con!
Thật đúng là kiểu giận cá chém thớt.

- Hu hu, cha mắng con là thằng nhãi con à…
Thằng bé ôm mặt khóc:
- Người ta còn chửi con là thằng lợn con.

- Lũ mất dạy, dám sỉ nhục con ta như vậy sao?
Tất đại quan nhân tức giận nói:
- Con trai ta mà lại là lợn à?

- Người ta nói, cha là lợn nên con là thằng lợn con.
Thằng bé khóc nức nở nói:

- Ái da, thật điên quá, cha của con sao lại là lợn được chứ?
Tất đại quan nhân tức đến nổ cả phổi.

- Bọn họ nói rằng nếu không phải là lợn thì tại sao cha lại cởi hết quần áo rồi ngủ trong chuồng lợn?

- A…
Tất đại quan nhân hét lên một tiếng thê thảm, gần như lặng người đi. Thật đúng là tiếng lành không ra khỏi cửa, tiếng dữ đồn xa. Mới có vài ngày mà tin đã lan đến huyện này rồi, y còn mặt mũi nào nhìn ai được nữa.

Sau khi dắt đứa con về nhà, Tất đại quan nhân liền không ra khỏi cửa. Y toàn tâm toàn ý chờ biểu đệ sẽ trả thù cho y.

Ai ngờ cứ chờ mãi chờ mãi, chờ đến đầu xuân năm sau cũng không thấy có động tĩnh gì. Y rốt cục không kìm nổi viết thư hỏi, không lâu sau nhận được hồi âm của Tống Đại Lệnh – Cổ đông xưởng rượu Hoàng Kiều, Tú tài huyện Thanh Thần Trần Hi Lượng, thi đậu Long Hổ bảng năm Hoàng Hữu đầu tiên, trở thành tiến sĩ lão gia đầu tiên ở huyện Thanh Thần.

Trước đó, vì ông ta có hư danh “Đãi chiếu”, nên Tống Đại Lệnh rất dè chừng. Giờ Lý Giản có tiến sĩ lão gia làm chỗ dựa thì Tống Đại Lệnh lại càng không dám đối phó với xưởng rượu Hoàng Kiều… Tuy Trần Hi Lượng vừa đỗ tiến sĩ, chưa được phong quan nhưng các ngôi vị tướng công trong triều chỉ được các vị tiến sĩ đảm nhận, các ngôi vị quyền cao chức trọng cũng đều bị tiến sĩ lũng đoạn. Bởi vậy nếu trúng liền tam bảng thì ắt sẽ có địa vị càng cao, trở thành sĩ đại phu.

Mà loại quan quèn như Tống Đại Lệnh, chưa từng qua được cửa khoa cử thì cả đời cũng không thể trở thành sĩ đại phu… đây là sự khác biệt về chất.

…..

Không lâu sau, Tống Đại Lệnh lại gặp vận rủi, gã bị buộc thôi việc, về nhà chờ lệnh. Đến cuối cùng gã cũng chưa hiểu rốt cục mình đã đắc tội vị thần tiên nào mà lại có người kiện tụng đến tận Điền Huống. Tuy không có chứng cứ, nhưng hoặc là người đưa cáo trạng có thế lực quá mạnh hoặc là gã đã phạm phải điều tối kỵ của Điền Huống, hoặc vấn đề không phải bắt nguồn từ bản thân gã, chức quan này coi như không còn bền nữa. Tóm lại, cái chức tri huyện chưa làm nổi đến một năm thì nên về vườn thôi.

Có điều gã không rõ, sở dĩ gã bị Điền Huống để mắt chính là bắt nguồn từ lá thư của Vương Phương. Trong thư, Vương lão phu tử chỉ hơi có ý nhắc tới liền khiến Điền Huống sinh ghét bỏ Tống Đại Lệnh, tìm cơ hội để xử lý gã.

Về việc này, Trần Khác chỉ biết ngạc nhiên thán phục, Vương lão phu tử quả đúng là thần tiên đánh rắm, không giống như người thường. Tuy nhiên bất kể thế nào, Tống Đại Lệnh nham hiểm ra đi là một việc tốt, nếu không cả ngày phải cảnh giác, đề phòng gã toan tính thì việc đọc sách sẽ bị ảnh hưởng.

Quan Đại lệnh mới nhậm chức hứa sẽ để ý dò la những điểm khác lạ của hai người tiền nhiệm, vì thế vẫn coi như theo khuôn phép cũ, không gây phiền nhiễu gì cho dân. Người dân Trung Quốc đôi khi yêu cầu rất thấp, chỉ cần để họ sống bình an qua ngày thì với họ sao cũng được.

Do vụ cống nạp rượu nên thu nhập trong năm Khánh Lịch thứ tám của xưởng rượu Hoàng Kiều không tăng. Nhưng sang năm mới lại trở thành hiệu ứng quảng cáo cống rượu, hơn nữa năm trước không có tâm trạng buôn bán, đến khi chia lãi vào dịp cuối năm trong năm Hoàng Hữu đầu tiên, Trần Khác không ngờ được chia hai triệu tiền. Mà nước tương Đồ gia cũng dần dần được khách hàng đón nhận, giờ thì ở đất Thục hầu như nhà nào cũng làm nước tương. Tiền lãi từ công việc này cũng tăng mạnh, lên đến chín trăm ngàn tiền, từ đáy nhảy lên vị trí thứ hai, hơn nữa còn có nhiều khả năng tăng cao hơn nữa trong tương lai.

Lượng tiêu thụ than hoa sen cũng tăng ổn định, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hai năm nay, thương lái đã thu mua một số xưởng than trong huyện nhưng không có xưởng than nhà Trần thị ở thôn Thạch Loan.

Kỳ thực Trần Khác giúp vực lại xưởng than được như ban đầu là vì mong một ngày nào đó thu mua xưởng than của nhà đại bá, trút được sự tức tối trong lồng ngực, từ đó vì ngày càng thân cận với hai huynh đệ nhà đại bá, sự cố chấp trong lòng hắn đã dao động… Ông trời thật không có mắt, để cho đôi cẩu nam nữ kia có hai đứa con trai tốt đến như vậy, nể tình Đại Lang và Tứ Lang, hắn đành không để tâm đến những ân oán năm nào nữa.

Ai ngờ hắn không màng đến ân oán thì ân oán lại tự tìm đến cửa. Do than hoa sen và mục tiêu thị trường cao ngang nhau nên xưởng than nhà họ Trần bị thất bại trong cuộc cạnh tranh, sản phẩm bán chậm, nợ nần chồng chất… Đó hoàn toàn là quang cảnh bi thảm nhất của thương lái than năm đó.

Bước đường cùng, Trần Hi Thế đành phải tìm đến thị trấn, cầu xin thương lái than thu mua xưởng than của Trần gia. Thương lái than biết rõ ân oán giữa hai nhà, không dám quyết định, liền bảo lão đến phố Văn Xương tìm Trần Khác.

Nhìn thấy tòa nhà to lớn của Trần Khác, Trần Hi Thế còn nhầm tưởng là nơi ở của vị địa chủ nào. Ai ngờ người ra mở cổng lại là tiểu Lục Lang. Vừa nhìn thấy ông bác độc ác, Tiểu Lục Lang không nói không rằng cầm gậy đánh đuổi lão ra ngoài.

Lúc này Trần Hi Thế mới biết rằng, thì ra đây chính là nhà của em trai mình. Vưà thẹn vừa xấu hổ, cũng không còn mặt mũi nào vào nhà, lão quay về thôn Thạch Loan.

Ai ngờ ít lâu sau, tin Trần Hi Lượng đỗ tiến sĩ truyền đến. Trần lão đại vốn đã vô cùng hối hận giờ chỉ biết trút giận lên Hầu thị. Hầu thị cũng không vừa, hai người suốt ngày đánh lộn, thậm chí đã kinh động đến cả Đại Lang đang học ở bên ngoài. Về nhà thấy nhà cửa tan hoang bừa bãi, anh ta cau có nói:
• - Có đánh nhau xảy ra án mạng thì người còn sống cũng phải ngồi nhà lao, không sống được với nhau nữa thì ra quan phủ bỏ nhau đi.

Mặc dù hiện tượng ly hôn không hiếm gặp ở đời Tống nhưng nhiều tuổi như Hầu thị thì không thể đồng ý ly hôn được. Nhưng hai người oán hận càng ngày càng sâu đậm, đã đến mức không thể hòa giải được nữa, chỉ có thể dày vò nhau cả đời mà thôi.

…….

Về phần tửu lầu Lai Phúc của Truyền Phúc, lợi nhuận tăng trưởng không đáng kể, vẫn ở mức bảy trăm ngàn tiền. Cũng đành chịu vậy, ở cái huyện Thanh Thần nhỏ bé này, cả những tửu lầu cao cấp hơn cũng gặp phải cảnh tương tự. Mặt khác, những bậc quyền quý ở Thành Đô cứ một mực nhiệt tình mời Truyền Phúc đến mở khách sạn lớn ở Thành Đô, đối với người luôn mơ tưởng sẽ trở thành đầu bếp bậc nhất thiên hạ là Truyền Phúc thì điều này quả là sự mê hoặc không thể cự tuyệt.

Tuy Truyền Phúc sớm đã lột xác thành ông chủ quán rượu thành đạt, nhưng khi gặp phải chuyện lớn y vẫn có thói quen mời sư phụ giúp đỡ đưa ra quyết định.

Thế là nhân lúc Trần Khác nghỉ ở nhà, y mang đồ ăn tìm đến, nấu vài món sở trường rồi hai thầy trò ngồi vào bàn, hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ khi xưa, lòng rất xúc động.

- Sư phụ.
Truyền Phúc nhếch chòm ria cắt tỉa gọn gàng, ánh mắt cũng đã trấn tĩnh lại nhiều, y vừa châm rượu cho Trần Khác, vừa nói:
- Sư phụ, chúng ta biết nhau mấy năm rồi nhỉ?

- Năm năm rồi.
Trần Khác cảm thán nói:
- Nhanh thật….

Đất Thục rất hiếm khi có tuyết rơi. Tuyết lặng lẽ rơi ngoài cửa, phủ kín những dấu ấn thời gian…


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui