Mợ không hiểu thì còn ai hiểu? Mợ đẻ ra cái trò đó cơ mà? Trước mợ trông gánh bún cho bu, tiền lẻ nhiều như lá rụng mùa thu, nhưng cứ phải tìm tiền chẵn để mang sang mua chổi, cố ý câu giờ để được lảng vảng quanh cậu nhiều hơn. Chẳng biết cậu có khôn lỏi như mợ không? Hay do mợ đẹp quá nên lòng cậu bối rối, chân tay luống cuống?
-"Thế chắc khi xưa cậu hai cũng mê mê tui ý cô nhỉ?"
Mợ thẹn thẹn hỏi, cô đùa.
-"Ai mà biết được?"
-"Cậu khen tui đẹp hơn cô đó, cô tin không?"
Cô mỉm cười đồng tình, bu Trinh bên ngoài nghe giọng mợ lanh lảnh lắc đầu cười khổ, con gái con lứa, cái duyên nó ném đằng nào rồi? May mà vớ được cậu hai hiền chứ cứ tật nghĩ gì nói nấy như thế lấy phải thằng khác chả nhừ đòn. Đợi lúc chiều muộn bu liền kéo mợ về nhà khuyên nhủ.
-"Mợ đừng có hạnh hoẹ ganh tỵ với cô Hoàng Anh hiểu chửa? Suốt ngày đố kỵ rồi nguyền rủa cô ấy là dần dần mợ thành chua loét luôn, mợ chúc phúc cho người khác chính là tích phúc cho mình đó, tâm mợ ngọt rồi đời mợ sẽ an yên."
Ôi bu dặn hoài à, mợ thừa nhận xưa thấy cô hay lảng vảng quanh cậu hai mợ cũng ghen ghen đó, còn bêu riếu cô trước mặt cậu cơ. Nhưng khi đó mợ còn nhỏ, mợ chưa hiểu chuyện, nghĩ lại thấy xấu hổ ghê. Giờ mợ có chồng đàng hoàng hoàng rồi, lo đi làm, lo nhớ cậu, lo cho chuyện thi cử của cậu cũng đủ bận rộn cả ngày, thời gian đâu mà xỉa xói móc mỉa người khác?
Có rảnh mợ cũng không làm vậy, mợ đâu muốn tự biến mình thành loại đàn bà nhỏ nhen tầm thường? Mợ thích trong mắt cậu, mợ đẹp cả trong lẫn ngoài, và cậu, sẽ mãi thương mợ như thế, mãi quan tâm mợ như cái cách cậu gửi tiền dặn bu lo cho mợ. Bu nhận đại cho cậu an tâm thôi chứ sau bu cũng đưa mợ tất, lúc nghe bu tâm sự, mắt mợ như nhoè đi, xót cậu, thương cậu, nhớ cậu.
Nhưng thôi, có tiền cũng tốt, có tiền sẽ chuộc được vòng. Mợ khẽ chạm tới cổ tay trống không của mình, mợ nhớ đợt đó cậu cũng từng mân mê tay mợ rất lâu, cậu biết mà, tại là vật đính ước cậu trao mợ, lại còn một màu đỏ rực rỡ vô cùng nổi bật, chỉ là, cậu không tra khảo nhiều, cũng chẳng trách mợ.
Mợ nghĩ rồi sẽ chuộc được thôi, suốt một năm liền mợ vẫn cứ nghĩ sự việc đơn giản cho tới những ngày hè lúa chín vàng ruộm khắp cánh đồng, mợ háo hức nắm xôi nắm ruốc khăn gói xuống phố huyện.
Cả tuần liền mợ cứ loanh quanh trước cửa tiệm cầm đồ từ sáng sớm tới tối mịt mà chẳng thấy bóng dáng tiểu thư Minh Châu, sau may gặp được vợ chồng con Phụng, đêm nó cho ngủ nhờ đỡ tốn kém, ngược lại mợ Trâm dạy tụi nó bỏ hoa cúc vào trà cho thơm, rồi nấu thêm nước nhân trần, nước vối, rang ít lạc húng lìu và hạt dưa hạt bí ăn kèm dần dà đắt khách lắm.
Vợ chồng con Phụng cười phớ lớ cả ngày, hàng nước chè ở khá gần địa điểm khi xưa mợ đổi vòng nên chốc chốc mợ lại liếc sang, mợ còn cẩn thận dặn ông chủ tiệm nếu có tiểu thư nào ghé nhớ chạy qua gọi mợ cơ. Tiếc rằng, mợ vật vờ suốt một tháng trời cũng không tìm được người quen.
Ở nhà bu Phúc bu Trinh một bên không có dâu nấu cơm sống khổ sống sở, một bên sốt ruột con gái nên cứ có ai xuống phố huyện liền nhắn họ nhắc mợ mau về. Thì mợ cũng phải về thôi, đâu có ăn nhờ ở đậu nhà người ta mãi được đâu, huống chi vợ chồng chúng nó đang còn son?
Lòng mợ buồn lắm, cứ nghĩ tới chiếc vòng mợ lại tiếc hùi hụi, lại nẫu nề thở dài thườn thượt. Nếu cậu ở nhà, mỗi khi đêm đến mợ tủi thân, cậu dù ngủ riêng cũng nhảy sang giường mợ, ôm mợ, vỗ về mợ, thi thoảng còn gạt tóc mợ rồi nhẹ nhàng hôn đằng sau gáy. Những lúc ấy, có khi mợ sẽ càng khóc tợn, khóc để ăn vạ cậu, nức nở sụt sịt đến khi nào được cậu dỗ chán mới thôi. Còn bây giờ, khóc, chỉ đờn giản là vì, mong cậu.
Mấy bữa trước ở nơi phố xá nhộn nhịn, nghe người ta đồn năm nay thi Hội khó, chẳng rõ cậu làm bài như nào nữa? Cái hôm mợ mới về làng mợ Chi chạy sang phàn nàn cậu cả mặc dù được mợ đào tạo bài bản lắm mà thi võ vẫn không lọt vòng ba, thi văn thì đề trừu tượng quá, chả biết thế nào. Cậu lần này dự thi đâu phải cho riêng mình cậu, là chiến đấu vì bộ mặt cả làng, cả thôn, cả xã, đâm ra cũng áp lực.
Người ta mong kết quả không khéo còn hơn phú ông phú bà. Từ họp các trưởng thôn, họp các bô lão tới họp chợ buôn dưa các nơi, đâu đâu cũng duy nhất một chủ đề, cậu cả dự thi Hội.
-"Năm nay tuổi cậu không đẹp, chỉ sợ lành ít dữ nhiều, mà nghe đồn đề khó."
-"Ôi dào, chẳng biết cái gì thì thôi, cậu đỗ Hội nguyên môn võ rồi nhé!"
-"Bà mới là không biết cái gì ấy, thi võ trượt thẳng cẳng từ vòng hai rồi lấy đâu Hội nguyên, vớ va vớ vẩn!"
Bà Lan bán nước vối oang oang phản bác, cô Nhung ngơ ngác đáp.
-"Thật hử? Ai biết đâu đấy, thấy đồn thế tưởng thế thật! Vậy còn mỗi thi văn thôi hả? Ông ngoại cậu khi xưa thi Đình đỗ Bảng Nhãn cơ mà, con nhà tông ít cũng phải giống tý lông chứ, kể cả cậu không lọt tam bảng thì chắc vẫn sẽ được vào danh sách dự thi Đình thôi."
-"Công nhận, chả bù cho cái cậu hai. Ôi chao nghe đâu năm ngoái cũng xí xớn đăng ký đó, mà bỏ thi văn, gớm thi sao được, có biết chữ đâu mà thi? Chữ nghĩa tưởng nó tự rơi vào đầu á? Quên đi, phải mời thầy về dạy đàng hoàng đó, nhà cậu hai nghèo rớt lấy đâu ra. Thi võ thì xong vòng một xỉu mất, kiểu kể cậu biết thân biết phận thì tốt, đằng này đã yếu lại còn thích ra gió, ở cùng thôn với cậu mà tôi thấy mất mặt thay."
-"Ừ, cũng xấu hổ thật. Mà cậu làm xưởng mộc gì mà mãi chẳng thấy về nhỉ? Hay bỏ quê đi luôn rồi? Gớm ôi bỏ cũng đúng, lấy phải con vợ xấu tính chuyên đi ăn cắp vặt thế chịu sao nổi, tôi nói bà nghe ngày xưa nhà tôi còn nửa sào ruộng chưa gặt, con mợ hai nó sang nó cuỗm sạch."
Vợ ông Tứ thao thao bất tuyệt, cu Trí ức điên người, có mỗi cái vụ xưa như trái đất, rõ ràng là Trâm chỉ mót lúa sót, vậy mà năm nào mụ cũng đay đi nghiến lại rõ ghét. Mà không lẽ mấy bà thím đang thì thụt với nhau nó nhảy vào làm ầm ĩ, mấy mụ chả chối bay chối biến.
Giờ chỉ ước cậu hai đỗ cao thật cao thôi, cậu làm quan sớm ngày nào nó chuộc con Dung về sớm ngày đó. Tại đợi đến lúc nó đủ tuổi dự thi cũng còn xa, tội nghiệp con bé. Thế cho nên Trí cũng nôn nóng chẳng kém, ngày nào cũng chạy ra cổng đình ngóng kết quả.
Ngày quan về làng, không khí bi thương bao trùm cả thôn. Cậu cả trượt, làng trên xóm dưới ruột gan nẫu nề. Những khuôn mặt thiu thỉu như đưa đám, đếch ai thèm nói với ai điều gì. Hơn thế nữa, kết quả của cậu hai chẳng hề được báo về khiến mợ Trâm nóng ruột vô cùng. Không lẽ có chuyện gì xảy ra? Không lẽ cậu xui xẻo bị ốm nên không dự thi được?
Mợ nôn nao chạy đi tìm mợ cả, lúc rẽ ngang qua nhà chính, mợ nghe tiếng bà Yến khóc lóc ai oán. Mợ nghe lính của quan nhắc hội thi năm nay có người tên Lâm họ Phạm, mợ vội rón rén nép vào sau gốc chuối nghe lỏm, hồi hộp tưởng chừng ngạt thở.
-"Người này thi ở dưới kinh thành, khác cụm với cậu cả nhưng tôi nhìn qua là ấn tượng liền, tại tuy là cao lớn vạm vỡ hơn nhưng gương mặt cũng có vài nét giống phú ông. Da dẻ màu đồng nom rất khoẻ khoắn, được quan Thái phó ưu ái ghê lắm, thi võ xong quan còn đích thân mang trà của quan ra cho uống mà, nổi bật cả trường thi."