Như Hoa Như Sương Lại Như Gió

Type-er: Recca

Khang Thiếu Đình vừa nhậm chức chưa đầy nửa năm đã vội vàng muốn lập công, cũng chỉ vì muốn cha được mát mặt.

Nhưng gần đây, Uông Tinh Vệ và hội Lý Tông Nhân của Quế hệ lại vứt hết thù cũ, liên thủ với nhau lập ra chính phủ Quốc Dân mới ở Quảng Châu, tuyên bố sẽ Bắc phạt, tấn công lại chính phủ Nam Kinh của Tưởng hệ đang được quân đội miền Bắc chống lưng. Trước đây, cha anh và Uông Tinh Vệ có mối giao tình sâu sắc, nên đương nhiên anh thiên về hướng giúp đỡ ông ta. Nhưng sau này, Uông Tinh Vệ thất thế, Khang Triệu Khanh đành giữ thế trung lập. Năm ngoái, Tưởng Giới Thạch quay lại nắm chính quyền ở Nam Kinh, nhưng luôn canh cánh trong lòng chuyện mấy năm trước, Khang Triệu Khanh cho quân Tứ Xuyên mượn lính. Quân Tứ Xuyên vốn là đội quân nghe lệnh của Lý Tông Nhân, vì chuyện này mà cha anh càng bị Tưởng nhận định là cùng hội cùng thuyền với bọn Quế hệ. Giờ Quế hệ mất địa vị chủ đạo, phía Nam Kinh đương nhiên vừa dụ dỗ vừa uy hiếp hòng khuất phục Khang Triệu Khanh, ngấm ngầm ép ông ta phải chọn một trong hai, hoặc Nam Kinh hoặc Quảng Châu. Kết quả, chuyện này còn chưa ngã ngũ thì Vũ Hán lại gặp trận lụt lịch sử. Đúng là giậu đổ bìm leo! May mà Bộ Tư lệnh đóng ở nơi tương đối cao trên địa bàn Vũ Xương nên nước lũ mới mấp mé ngưỡng cửa, huống hồ tháng trước đơn vị hậu cần đã di dời vật tư quân đội nên tổn thất không đáng kể. Chờ đến khi mực nước chững lại mấy ngày, Khang Thiếu Đình mới rậm rịch đi tuần.

Giang thành ngập trong biển nước khiến cho anh liên tưởng đến thành phố Venice. Khi ấy, Venice cho anh cảm giác như vương quốc nổi trên sóng xanh. Nhưng Vũ Xương trước mắt lại là tòa thành chết ngập tràn tiếng khóc than và thoang thoảng mùi tanh hôi. Một bà lão ngồi ngây người trên xà nhà, đôi chân ngâm trong nước mặc cho lũ ruồi muỗi bu vào đốt, tay ôm lấy đứa cháu mà gào khóc bi thương. Người lái thuyền chầm chậm khua mái chèo tới gần, khuôn mặt già nua ngả màu đồng đên của bà lão không hề biến sắc, bà bình tĩnh nói: “Con trai, con dâu tôi bị lũ cuốn trôi, tôi cũng không khóc đến thế. Mình không chết được, đành phải sống tiếp. Haizz… làm người là phải vậy đó.”

Lời của bà lão khiến Khang Thiếu Đình thấy tội nghiệp. Nhớ lại từ khi tốt nghiệp trường quân sự đến nay, anh chỉ mải lo tạo dựng uy tín trong doanh trại, đã thực sự là được việc gì có lợi cho dân chúng chưa? Đang trù trừ, bỗng nghe thấy tiếng cầu cứu của một bé gái ở bãi đất trống cách đó không xa, anh vội vàng bảo người lái thuyền chèo tớ đó. Thấy hai thanh niên quần áo rách rưới đang thô lỗ kẹp lấy cánh tay của một bé gái, hình như muốn cướp thứ gì đó trong người cô bé, Khang Thiếu Đình xông lên, kéo hai người kia ra và tặng cho mỗi gã một đấm. Hai gã đàn ông ôm đầu rồi lén chuồn mất dạng.

“Họ chạy rồi, không sao đâu.” Thấy bé gái khóc thảm thiết quá, anh vội cúi xuống vỗ về. Nhìn bọc vải cô bé đang ôm chặt trong lòng, anh bất giác hiếu kì, chỉ vào đó và hỏi: “Trong này cất thứ quan trọng gì thế?”

Cô bé run rẩy đôi vai, nước mắt hóa lẫn nước mũi, rấm rứt khóc: “Đó là đồ … hôm nay … hôm nay cháu vừa mới lĩnh về. Còn một túi… một túi nữa đã bị bọn họ cướp mất. Em trai, em gái cháu sắp chết đói đến nơi rồi.” Cô bé mở cái bọc cho anh xem, bên trong là mấy cái màn thầu, vỏ đã chuyển màu vàng vàng.

“Đừng khóc nữa. Cầm lấy tiền mà mua cái khác.” Khang Thiếu Đình móc trong túi ra mấy đồng đại dương.

Cô bé chẳng buồn liếc nhìn, chỉ nói: “Chú đưa tiền cho cháu phỏng có ích gì? Còn nơi nào bán đồ ăn nữa đâu. Cháu chỉ muốn có màn thầu thôi.” Khang Thiếu Đình ngây người, cánh tay chìa đồng bạc bỗng như hóa đá. Từ bao giờ, tiền bạc đã không còn đáng giá bằng mấy chiếc màn thầu vậy? Chỉ có xã hội thượng lưu các anh mới không phải sầu não vì cái đói cái khát. Anh chậm rãi đứng lên, dòng máu nóng cơ hồ trào lên tận đầu, quất thật lực vào lương tri của anh. “Tôi…”

“Chị cho em chiếc bánh của chị này.”

Gần như cùng một lúc, có người chìa tay giúp đỡ cô bé. Khang Thiếu Đình quay đầu lại, phát hiện người đó là một thiếu nữ dung mạo rất mực thanh tú, từ bọc vải cô xác trong tay tỏa ra mùi thơm của màn thầu. Đó mới là thứ cô bé cần.

“Mau về nhà đi. Đi đường nhớ phải cẩn thận đấy.” Cô gái kéo bé gái đang ngồi trên đất dậy, nhẹ nhàng phủi sạch bùn đất dính trên quần áo nó, đồng thời buộc chặt túi vải đưa cho nó ôm chặt vào lòng. Xong đâu đấy, cô gái quay lại nhìn Khang Thiếu Đình, hỏi: “Anh định cho cô bé số tiền này phải không?”

Khang Thiếu Đình gật đầu, cô gái liền không khách khí cầm ngay mấy đồng tiền trong tay anh, nhét vào túi áo của bé gái rồi dặn dò thêm mấy câu và giục cô bé về nhà. Bé gái cảm kích định dập đầu tạ ơn, nhưng hai người cùng ngăn lại. Biết nơi bé gái trú chân, Khang Thiếu Đình vội bảo người lái thuyền đưa cô bé về tận nơi rồi trả thêm cho người lái thuyền chút tiền công.

Cô gái nọ thấy anh tiêu tiền hào phóng thì biết anh là con nhà quyền quý, cố tình trêu chọc: “Đại thiếu gia, giờ không phải lúc ra ngoài dạo chơi, cẩn thận kẻo tính mạng gặp nguy hiểm đấy.”

Khang Thiếu Đình nghe xong mấy lời này thì thấy rất chướng tai, liền hỏi lại: “Cùng là bách tính, sao còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn? Như thế là cô đang tự khinh mình và khinh người đấy!”

“Hì hì… Tôi điếc nên không sợ súng, anh cứ coi lời tôi nói như gió thoảng bên tai là được.” Mắt cô gái lấp lánh ánh cười, vẫn có lòng nhắc nhở. “Lần sau, nếu đến đây, anh nhớ phải chú ý hơn. Bây giờ dân chúng đói kém nên trị an cũng rối loạn, người như anh vừa nhìn biết là con nhà giàu có, tốt nhất nên ít đến đây thì hơn. Tôi khuyên thật chứ không phải dọa anh đâu.”

“Thế sao cô dám đến?” Khang Thiếu Đình cũng rất tò mò muốn biết cô gái lấy đâu ra lá gan ấy.

Cô gái dang hai tay, hỏi ngược lại: “Anh thấy từ đầu đến chân tôi có gì đáng để người ta cướp không?”

Khang Thiếu Đình lắc đầu, đúng là không có thật. Có điều, tuy cách ăn mặc của cô gái rất giản dị nhưng khí chất lại không giống xuất thân từ gia đình bình thường, anh bèn hỏi: “Cô tên gì? Nhà có gần đây không?”

Cô gái lắc đầu, trả lời với giọng hơi buồn: “Làm gì còn nhà nữa, tôi không có nhà từ lâu rồi. Từ nhỏ, tôi lớn lên ở cô nhi viện, hơn mười tuổi được người ta nhận làm con nuôi, may mà cuộc sống cũng không tệ. À, tôi tên là Nhan Khai Thần.”

Nói rồi, cô gái nhặt một que củi khô trên mặt đất, thong thả bước đến bậc thềm còn sót lại, ngồi xuống, lơ đễnh viết tên mình trên đất.

Viết xong, cô ngẩng đầu hỏi: “Nhớ chưa?”

Khang Thiếu Đình chăm chú nhìn ba chữ rất lớn trên mặt đất. Anh mau chóng đưa chúng vào bộ nhớ. Thấy anh không đáp, Nhan Khai Thần cũng không buồn hỏi lại, nói tiếp: “Hồi nước sông Trường Giang dâng cao, cha mẹ nuôi đều bỏ chạy sang Hồng Kông rồi bảo tôi ở lại trông coi cửa hàng gạo. Nhưng trong cửa hàng chỉ còn mấy túi bột bị ẩm, may mà ở nơi cao ráo nên chưa bị ngập nhiều. Tôi bèn mang mấy túi bột mì làm thành màn thầu, phát cho những người không nhà không cửa giống như tôi. Đã đói thì mọi người cùng đói vậy.”

Khang Thiếu Đình không ngờ chiếc màn thầu mà cô gái tặng người ta lúc nãy chính là lương thực cứu mạng của nàng, anh cố kiềm chế nỗi kinh ngạc, hỏi: “Làm thế khác gì khiến mình chết đói trước?”

“Ai bảo chính phủ mãi không phát lương thực cứu tế cho người dân. Anh biết mỗi ngày mở cửa, nhìn thấy bao nhiêu người chết đói nằm la liệt trước công, cảm giác khó chịu đến mức nào không? Dù sao sớm muộn gì tôi cũng sẽ là người kế tiếp.” Thoáng chốc, đôi mắt của Nhan Khai Thần như phủ một màn sương mỏng, lay động theo di chuyển của sóng mắt, khiến người ta phải mủi lòng.

Không hiểu sao nhìn thấy nàng như vậy, Khang Thiếu Đình lại thấy xót xa. Vẻ thái bình được tô son trát phấn kia thực ra đã sớm nổi ung nhọt. Bất kể là Tưởng hệ hay Quế hệ, thứ họ muốn là thiên hạ chứ không phải thương xót bách tính. Thiên hạ hưng, bách tích khổ; thiên hạ vong, bách tích vẫn khổ. Trong con mắt của bọn họ, tính mạng con người đáng giá mấy đồng, nó vĩnh viễn không bao giờ địch nổi tham vọng muốn nắm quyền lực trong tay. Trong phút chốc, bao nhiều hùng tâm tráng chí trong huyết quản của anh lập tức bị nước mắt vô cớ kéo đến nhấn chìm không còn tăm tích. Đột nhiên Nhan Khai Thần đứng bật dậy, cố gắng kéo tay anh lùi về phía sau. Khang Thiếu Đình định thần lại, phát hiện trước mặt có mấy gã đô con, hai trong số chúng chính là hai tên vừa bị anh đánh bỏ chạy. Mặt chúng đằng đằng sát khí như thể phen này quyết hạ gục anh mới thôi.

“Còn đứng ngây người ra đấy làm gì? Chạy mau!” Nhan Khai Thần thấy anh đứng im như phỗng, cuống quá liền hét lớn. Khang Thiếu Đình đang buồn bực vì không biết trút lửa giận vào đâu, vừa hay có kẻ đến nộp mạng, làm gì có chuyện anh chịu rút lui trước giờ lâm trận.

Anh vội vàng kéo cô gái ra sau lưng, quay đầu lại thì thầm: “Đợi lúc tôi giao đấu với bọn chúng, cô nhân cơ hội nhanh chân chạy đi nhé! Bất kể thế nào cũng không được quay đầu lại. Cứ chạy về phía trước. Nhớ chưa?”

“Thế… thế có vẻ không được trượng nghĩa cho lắm. Nếu chạy thì cùng chạy, còn nếu đánh…” Nhan Khai Thần nấp sau lưng anh, thò nửa đầu ra ngó đám côn đồ. Nàng không có bản lĩnh đấm đá nên chỉ biết cứng miệng đứng bên cạnh hét to: “Muốn đánh, tôi sẽ đứng đây trợ uy cho anh.”

Khang Thiếu Đình dở khóc dở cười, đành đưa nàng đến một nơi an toàn, sau đó mới xông ra nghênh chiến, anh cố gắng dụ địch đến nơi cách xa chỗ nàng nấp. Nhan Khai Thần co ro đứng sau tường, len lén nhìn cuộc giao đấu. Nàng biết Khang Thiếu Đình tốt nghiệp từ trường quân sự chuyên nghiệp, mấy tay lăng quăng kia tuyệt đối không phải đối thủ của anh, đáng tiếc anh không dám ra tay tàn độc chứ chỉ cần mạnh tay hơn chút nữa thì mấy tên kia chắc hết đường bò dậy. Nếu là nàng, khéo mạng sống cũng chẳng chừa lại cho bọn chúng.

Không lâu sau, trận chiến kết thúc, bọn lâu la đương nhiên bị đánh cho tơi bời khói lửa, chúng vừa lăn vừa bò chạy mất. Nhan Khai Thần đang đứng nhìn với anh mắt lạnh lùng, thấy Khang Thiếu Đình chiến thắng thu binh, vội đổi ngay vẻ mặt khác, tấm tắc khen lấy khen để: “Không nhận ra đấy! Đại thiếu gia như anh mà thân thủ lại tuyệt thế sao? Mới xuất vài chiêu đã khiến bọn khốn nạn kia chạy mất dép!”

“Bọn chúng toàn một lũ ô hợp, chẳng có gì đáng nói.” Khang Thiếu Đình thả tay áo xuống, lại sợ bọn lưu manh quay lại báo thù sẽ liên lụy đến nàng, liền hỏi dò: “Nơi trú chân của cô có gần đây không? Hay tôi đưa cô về nhé?”

Nhan Khai Thần vội gật đầu, chỉ về một hướng rất xa, đáp: “Tôi ở đằng kia!”

Khang Thiếu Đình căng mặt nhìn thay hướng tay nàng chỉ, nhưng liếc mắt thấy nàng hơi cúi đầu cười thầm, anh mới biết mình đã bị trêu đùa. Có điều, không hiểu sao trong khoảnh khắc đó, anh cảm thấy dường như mình đã nhìn thấy gương mặt này ở đâu rồi thì phải, có lẽ trước đây hai người từng có duyên hội hộ giống như trăm ngàn khuôn mặt xa lại khác lướt qua nhau trên phố, nhưng chẳng để lại bao nhiêu ấn tượng sâu sắc.

“Cô nói dối đúng không?” Anh nhướng mày, thoáng ý trách móc.

“Nhà tôi ở đó thật mà. Chỉ có điều anh không thể nhìn thấy thôi.” Nhan Khai Thần cũng rất thẳng thắn, nói xong bật cười khanh khách. Tiếng cười nghe trong trẻo, giòn tan, tuy không vui tai như tiếng cười của Hoài Bích nhưng lại khiến người ta cảm thấy rất thoải mái. Khang Thiếu Đình không phủ nhận anh có cảm tình với cô gái này vì thái độ biết vượt lên nghịch cảnh của nàng. Người hay cười nhất định là người rất yêu đời. Anh thích những người như vậy. Cuối cùng, Khang Thiếu Đình vẫn đưa Nhan Khai Thần về tiệm bán gạo, nhưng hai người chẳng nói lời hẹn gặp lại nào.

Trước mắt, Nhan Khai Thần chỉ cần giữ chắc nhịp điệu này, không cần gấp gáp. Nhưng có một số đối tượng cần phải giải quyết ngay, tuyệt đối không thể trù trừ, nhất là hai tên vô lại đã nhận tiền mà mồm miệng vẫn không chịu yên phận. Bọn chúng cùng nàng diễn kịch, đưa Khang Thiếu Đình vào tròng, giờ vở kịch đã hạ màn, chắc chúng đang cầm theo nắm tiền xanh xanh đỏ đỏ kia ngao du hoàng tuyền, hưởng thụ một phen rồi. Dù sao nàng cũng giữ đúng lời hứa trả thù lao cho chúng, còn chúng có số hưởng không, không phải chuyện của nàng.

Đê Hán Khẩu vỡ đã gần một tháng, một số chỗ đất cao và tô giới của người Nhật được canh phòng cẩn mật vẫn bị nhấn chìm, khu vực nội thành trở thành một hồ nước rộng ngút tầm mắt, hàng ngàn cánh buồm phất phơ xuôi ngược, gạch ngói nát vụn chìm lắng, xác chết nhấp nhô theo sóng.

Nếu mang ra so sánh thì Vũ Xương và Hán Dương vẫn là khu vực may mắn chưa bị nước lũ nhấn chìm. Nhờ thế đa số người dân gặp nạn mất hết nhà cửa có được nơi tá túc. Dọc theo hai bên đường sắt dài tít tắp, vô số người dân lánh nạn từ Hán Khẩu và các thành phố lân cận đổ xô về đây. Vì giao thông tê liệt mà hàng trăm cửa hàng, cửa tiệm phải đóng cửa, nhiều người chẳng còn kế sinh nhai. Vào thời điểm quan trọng này mà lương thực, vật tư phân phát cứu tế của chính phủ Nam Kinh mãi vẫn chưa tới tay nạn dân. Vì chuyện này mà mấy lần Khang Thiếu Đình đã phải lên gặp các quan chức chính phủ thành phố Vũ Hán, nhưng họ luôn lấy lý do vật tư chưa tới, nhất quyết không chịu mang lương thực dự trữ ra phát chẩn trước. Sau đó, qua điều tra ngầm, Khang Thiếu Đình phát hiện số tiền cứu tế mà chính phủ chi cho đã bị các ban bệ từ trên xuống dưới rút ruột, giờ chẳng còn bao nhiêu. Ngay cả số gạo cứu tế vận chuyển tới cũng bị họ mó máy chân tay, đổi gạo mới thành gạo cũ đã tích trong kho không biết bao nhiêu năm. Khang Thiếu Đình phẫn nộ xin ý kiến cha, nhưng cha anh ngoài im lặng ra thì chỉ trưng vẻ mặt đã quen với việc này từ lâu, khuyên con: “Thiếu Đình, đây không phải lúc chúng ta nên ra mặt.”

Giờ không phải lúc! Giờ không phải lúc thì đợi đến khi nào mới phải lúc? Dân chúng vẫn đang mong đợi từng ngày từng giờ từng mảnh lương khô của chính phủ, thế mà những tên hung thủ rẻ rúng mạng người kia vẫn không buồn để tâm đến sự ấm no của bao nhiêu con người cả lớn cả bé đang lênh đênh trên sóng nước. Con cháu của họ thì đáng quý, còn hàng ngàn người dân đang mắc bệnh dịch, đói khát, cảm nắng mà chết ở ven đường thì không phải mạng người hay sao? Đáng hận là các quan chức có liên quan cứ đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, sự tê liệt cảm xúc, bất nhân của họ khiến người ta không khỏi phẫn nộ. Khang Thiếu Đình đã suy nghĩ rất lâu, mới quyết định gí súng vào sau gáy tên Cục trưởng Cục Lương thực quan liêu rồi bảo lính hậu cần nhét cây bút vào bàn tay run lẩy bẩy của hắn, bắt hắn kí vào giấy lĩnh lương thực. Anh đếm số lượng lương thực rồi bảo thuộc hạ đóng vào mấy chiếc xe hàng, đẩy đến một số điểm tập trung của nạn dân. Đồng thời, anh thuê mấy chân chạy thông báo khắp hang cùng ngõ hẻm về việc phân phát lương thực. Về phần mình, anh đi theo một xe lương thực, vội vàng tiến về phía khu vực trọng điểm thiên tai lần trước. Ở đó có người đang cần anh giúp.

Khang Thiếu Đình gõ cửa. Nhan Khai Thần mở cửa, thấy anh, nàng trố mắt ngạc nhiên, trân trân nhìn anh một hồi, sau đó cất giọng với vẻ hối hận vì mình đã nhìn nhầm:“Chà chà… Không ngờ anh là thiếu gia nhà binh cơ đấy. Chả trách chân tay lanh lẹ thế!”

Nàng đi quanh anh một vòng, cuối cùng dừng lại trước mặt anh, dường như vẫn không tin chàng trai anh tuấn, vũ dũng trong trang phục bằng nhung trước mắt lại là chàng công tử bột không hiểu sự đời mà mình vừa gặp mấy hôm trước. “Đúng là không giống!” Nàng lắc đầu với vẻ khó tin.

Khang Thiếu Đình không ngờ trong mắt nàng, hình tượng của mình lại khác biệt đến thế, chỉ biết cười trừ, nói: “Không tin thì thôi. Hôm nay, tôi đến tìm cô vì có chuyện muốn nhờ.”

Nhan Khai Thần nhướng mày, lướt nhìn mấy binh sĩ và một xe chở đầy lương thực phía sau anh, tò mò hỏi: “Bên trong đựng gì thế?”

“Gạo! Cô rất thông thuộc địa bàn này, nên định nhờ cô phát chẩn giúp.”

“Tôi ư?” Nhan Khai Thần chỉ vào mũi mình, ngỡ anh nói đùa. “Anh đánh giá tôi cao quá đấy! Chuyện này toàn do chính phủ cử người đến đảm nhiệm, nào đến lượt hạng vô danh tiểu tốt như tôi.”

“Tôi tin cô là được.”

“Sao anh lại tin tôi?”

“Nhất định phải có lý do đàng hoàng sao?”

Anh thấy tin là đủ rồi, không cần lý do gì nữa sao? Có người chịu tin mình, lẽ nào lại là điều bất hợp lý? Đã bao lâu rồi Nhan Khai Thần không được người ta tin tưởng? Cảm giác được tin cậy khiến nàng chợt thấy không thể thích ứng nổi.

“Anh đúng là quái nhân!” Nàng mỉm cười rồi vỗ vào bao gạo, hào sảng nhận lời. “Anh đã coi trọng thế, tôi nhất định không phụ lòng ủy thác của anh!”

Nhan Khai Thần định dẫn đường thì lại thấy hai binh sĩ phía sau khênh hai túi gạo vào nhà, lúc ấy nàng mới biết Khang Thiếu Đình đã ra lệnh cho thuộc hạ làm như vậy. Anh giải thích đơn giản: “Để lại cho cô dùng. Làm việc thiện cũng phải tự lượng sức mình. Hi vọng lần sau không gặp phải người có cảnh ngộ như cô nữa.”

Nói rồi, anh nhìn nàng, sắc mặt nàng vàng vọt như thể người thiếu máu, nước da trắng xanh cơ hồ có thể nhìn thấy cả những mạch máu li ti chạy ngoằn ngoèo phía dưới. Xuất phát từ sự quan tâm của một người bạn, anh hi vọng nàng có thể tiếp tục sống một cách lạc quan. Chuyện đau khổ trên cõi hồng trần vốn đã quá nhiều, nếu mãi vướng chân vào đám lùng nhùng đó và không chịu tin vào ánh sáng ở cuối con đường thì đêm tối sẽ mãi mãi bủa vây cuộc đời.

Nhờ Nhan Khai Thần dẫn đường, Khang Thiếu Đình đi vào một vài khu ổ chuột mà trước đây anh chưa từng đặt chân tới. Có lẽ ẩn sau ánh sáng của mỗi thành phố đều là những con người bị chính thành phố đó khước từ. Những con người cùng khổ bị khước từ ấy chỉ có thể sống ở những khu ngoại thành hẻo lánh mà người thành phố ít khi qua lại, mấy đời chen chúc nhau trong một túp lều chật chội, diện tích còn hẹp hơn cả phòng ngủ của anh. Mấy bao tải gai ngăn cách không gian thành từng phòng nhỏ, vừa vặn đặt được chiếc chõng tre. Đợt vừa rồi mưa ròng rã cả tháng, chỗ nào trong lều cũng dột, lúc ngủ còn phải đặt xô chậu ở đầu giường hứng nước. Buồn ngủ quá thì đành phải ôm công cụ hứng nước trong lòng cho qua một đêm.

Gặp phải trận hồng thủy này, đàn ông con trai đều mất bát cơm nhưng cả nhà lớn bé lại đang há miệng đợi gạo bỏ vào nồi. Khốn khó như vậy song họ vẫn còn may mắn lắm, vì nếu không ở vùng ngoại ô có địa hình tương đối cao thì e ngay cả chiếc ổ chuột bé xíu này cũng không thể giữ nổi. Bây giờ, những nạn dân trong nội thành và những thành phố lân cận đều lũ lượt đổ về đây, tranh giành nơi lánh nạn chật chội. Người đông, lại đều đói rã ruột nên dễ nảy sinh tranh chấp. Xe lương thực của Khang Thiếu Đình vừa mới đến nới, họ đã lao tới như điên, bao vây lấy chiếc xe, ai cũng muốn chen lên đầu, đồng thời hét gọi đàn bà, người già, trẻ con nhà mình đứng ngoài tiếp ứng. Những ông lão, bà lão lẩy bẩy chống gậy, loạng choạng xúm đến gần, không ngừng giơ cao cánh tay đễ đỡ lấy thức ăn mà con cái vừa tranh cướp được. Người cần cứu trợ quá đông, trong khi đội quân của Khang Thiếu Đình chỉ có bảy, tám người, nên không thể chống đỡ được. Nhan Khai Thần đành phải trèo lên xe rối đứng hét gọi mọi người xếp hàng, đảm bảo ai cũng có phần. Nhưng họ nào chịu nghe, chỉ sợ kẻ đứng đằng sau cướp mất đồ của mình. Đoàn người đổ xô về phía trước như thác lũ, không ai chịu nhường ai, kết quả chưa lấy được gạp, người dân đã đánh chửi nhau loạn xạ. Binh sĩ thấy tình hình không ổn, liền giơ súng lên định bắn vài người hung hăng nhất để thị uy, nhưng Khang Thiếu Đình không đồng ý. Anh nghiêm khắc ra lệnh, trừ phi có chỉ thị của anh, không ai được phép nổ súng. Đúng lúc đó, Nhan Khai Thần trượt chân một cái, chẳng may xô một bao gạo rơi khỏi xe. Bao gạo lăn xuống đất, rách toạc một đường, gạo trắng chảy tràn ra ngoài.

Đám đông đang tranh cướp lập tức dừng tay, cùng đổ xô đến chỗ bao gạo, chẳng cần phân biệt gạo hay đất, cứ thế bốc cả. Đàn bà mang chậu, mang bát, thậm chí mang bô đựng nước tiểu ra hứng gạo. Có nhà nọ đứng gần bao gạo nhất cướp được nhiều nhất, người vợ thấy gạo đã đầy bát, liền chẳng nói chẳng rằng lột ngay mũ của con xuống, ném cho chồng để đựng gạo. Trong nháy mắt, ngay cả lớp bùn đất dưới vỏ bao gạo cũng bị đào sâu mấy tấc. Nhưng nạn dân vẫn chưa thỏa mãn, họ lại xông đến gần xe, bắt đầu màn tranh cướp thứ hai.

“Không được! Cứ thế này chúng ta không thể ngăn được họ đâu.” Một binh sĩ lo lắng xin ý kiến của Khang Thiếu Đình, các binh sĩ khác thấy tình hình không ổn, nhất loạt giơ súng lên. Khang Thiếu Đình rút một thanh gỗ dưới đáy xe lên, ngoảnh đầu lại hét lên với các binh sĩ: “Lấy mấy thùng dầu treo dưới xe lên đây! Nhanh!”

Sau đó, anh chạy đến giật một cái bao tải rách dưới chân một nạn dân, nhanh chóng buộc nó vào thanh gỗ rồi dúi một đầu vào thùng dầu mà một binh sĩ vừa khênh lên. Nhan Khai Thần vội vàng chạy đến giúp anh châm lửa. Lửa vừa bùng lên, Khang Thiếu Đình liền hươ ngọn đuốc về phía đám đông trước mặt, nghiêm giọng quát lớn: “Tất cả nghe tôi nói đây! Nếu mọi người không trật tự xếphàng lĩnh lương thực thì tôi sẽ đốt hết số gạo này!” Tiếp theo, anh ra lệnh cho binh sĩ: “Chuẩn bị dầu xong chưa? Nếu họ dám tiến lên một bước, các cậu châm lửa đốt hết cho tôi! Sau này, họ sống hay chết, chính phủ đều thây kệ! Mà tôi cũng đảm bảo từ giờ trở đi, sẽ không ai dám đến đây phát lương thực nữa! Nếu không tin, cứ việc tiến thêm một bước mà xem!”

Anh giận dữ quát lớn, nộ khí toát ra từ đôi lông mày nhíu chặt khiến đám dân đen đang ầm ĩ tranh cướp lập tức im phăng phắc. Họ bắt đầu chần chừ, rồi nghi ngờ, nhưng ánh mắt vẫn liếc ngang liếc dọc đề phòng người bên cạnh, xem những người đó có gan bước lên không, hay đang đợi thời cơ để tổng tiến công lần nữa.

Mấy gã đàn ông quen thói ngang ngược, thấy đám lính có súng mà không dám bắn, lại ngỡ Khang Thiếu Đình chỉ hù dọa, bèn liều lĩnh xông lên.

“Đốt!” Khang Thiếu Đình hạ lệnh, những thùng dầu lập tức được đổ xuống đất. Lửa vừa bốc lên, đám đông liền náo loạn. Mấy binh sĩ đứng chắn trước xe đồng loạt giơ súng lên chĩa thẳng vào mấy gã đàn ông nọ rồi bật chốt an toàn, cuối cùngcũng trấn áp được họ. Người nhà của những người đàn ông kia vội vàng kéo họ lùi lại rồi cuống quýt van xin:

“Quân gia, xin ngài đừng đốt! Đừng đốt… Chúng tôi không tranh cướp nữa. Đừng đốt mà!”

“Quân gia ơi! Lớn bé cả nhà tôi đang chờ gạo đến cứu mạng! Xin các ông mở lòng từ bi… Đừng đốt!”

“Chúng tôi… chúng tôi đói lắm rồi. Chịu đựng bao ngày nay, giờ mới chờ được lương thực cứu tế, vài người không chịu được đã chết mất rồi. Ngày cứ nhìn mảnh đất hoang phía sau mà xem… Toàn mộ là mộ! Chỉ tại đói hoa cả mắt, chứ chúng tôi cũng không cố ý làm loạn!”

Dân chúng không dám gây náo loạn nữa, lũ lượt quỳ xuống đất, dập đầu cầu xin Khang Thiếu Đình. Đám trẻ con không hiểu gì, bị người lớn dúi xuống, đầu đập vào nền đất kêu bồm bộp.

Họ không phải phản loạn, chỉ tại cả đời họ đều phải chờ đợi, chờ đợi “ông Trời” ở trên cao động lòng nhớ đến họ.

Chẳng bao lâu sau, các binh sĩ đã dập hết lửa. Hiện trường náo loạn ầm ĩ ban đầu cũng yên tĩnh trở lại. Nhan Khai Thần phụ trách chia lương thực, mấy binh sĩ đứng cạnh xe vác gạo ra. Mọi người đều bận tối tăm mặt mũi. Người dân dần dần trở về với bản tính thuần phục thường thấy, từng người một lên nhận gạo, rất ngay ngắn, trật tự.

Khang Thiếu Đình đứng một bên quan sát. Trong mắt anh hiện giờ là những người dân chỉ biết cúi đầu phục tùng chính phủ. Điều đó khiến anh hiểu ra một điều, người dân Trung Quốc rất lương thiện, ôn hòa, nhưng lại mù quáng đến đáng thương. Sống trong chiến tranh loạn lạc liên miên do các triều đại liên tục xưng hùng tranh bá, họ dần dần quen với việc nhẫn nại chịu đựng và quy phục trước thế giới đầy biến động ấy. Chính phủ ra bất cứ quyết định nào, họ cũng phải nghe theo, chưa bao giờ cất tiếng hỏi vì sao. Đột nhiên nhớ đến thời đi du học ở Anh, người nước ngoài cứ nghe nhắc đến người Trung Quốc thì nét mặt lại tỏ vẻ người bề trên nhìn kẻ dưới, ánh mắt đầy vẻ miệt thị và châm biến, thậm chỉ còn hỏi: “Đuôi của người Trung Quốc các cậu đâu?” Bím tóc của người Mãn trở thành trò cười cho thiên hạ, cho người Tây suốt mấy trăm năm! Bây giờ, bím tóc đó không còn nữa, nhưng cốt cách của người Trung Quốc thì vẫn vậy. Đâu phải cạo sạch tóc thì có thể gột sạch hết phiền não. Anh quay lại, nhìn cánh đồng hoang vần vũ trong gió lớn ở đằng xa, những đống xương trắng vẫn đang đợi…

Phân phát hết lương thực thì trời đã bảng lảng sắc hoàng hôn. Khang Thiếu Đình muốn đưa Nhan Khai Thần về tiệm gạo trước khi trời tối hẳn, vì trời tối hẳn sẽ rất khó đi. Nhưng thấy nàng liên tục xoa chân như thể bị đau chỗ nào đó, anh liền hỏi: “Sao vậy? Đau chân à?” Anh muốn nhìn kĩ nhưng không thể tự tiện vén ống quần con gái nhà người ta lên được.

Lần này, Nhan Khai Thần không cố tỏ vẻ anh hùng, nàng chủ động vén ống quần lên, để lộ mắt cá chân sưng vù. “Khi nãy đứng không vững nên bị ngã trẹo chân. Cũng chẳng phải chuyện gì to tát, chỉ có điều hơi đau nên đi lại cũng khó khăn.”

“Làm sao bây giờ?” Khang Thiếu Đình nhìn quanh quất, ngoài mấy binh sĩ dưới quyền và một cái xe chở hàng trống không thì chẳng còn phương tiện nào thích hợp để chở người nữa.

Nhan Khai Thần liền nảy ra một sáng kiến rất hay, chỉ vào chiếc xe kéo thô sơ nói: “Anh nhìn kìa! Chớ thấy nó xấu mà nghĩ nó vô dụng! Người ta gọi nó là xe đại gia của người nghèo đấy. Huống hồ ở đây ngập nước lõm bõm, ngay cả xe sang cũng chẳng có gan lội nước đục như nó đâu. Nhưng phải có người đẩy từ phía sau mới được.”

Nói xong, nàng nhảy tót lên xe rồi ngồi lì trên đó không chịu xuống. Quay lại nhìn Khang Thiếu Đình, nàng thấy mặt anh lộ vẻ do dự, chắc trong lòng đang đắn đo suy nghĩ: “Đường đường là một quân nhân mà lại đẩy chiếc xe kéo vào thành, trên xe lại có một cô gái thì còn gì là uy nghiêm nữa.”

Nhan Khai Thần lắc lư đôi chân, nhìn đông ngó tây rồi lẩm bẩm: “Haiz… Dang tay ôm thiên hạ, nhưng thế nào mới gọi là thiên hạ? Ngàn tòa thành trì, vạn dặm biên cương thiên hạ. Trung Nguyên đất đai bạt ngàn, tường thanh bao quanh là thiên hạ. Lật tay trở thành bá chủ cũng là thiên hạ. Vậy chẳng nhẽ từng tấc đất nơi con ong cái kiến thác sinh lại chẳng phải là thiên hạ?” Dứt lời, nàng ngẩng mặt lên, ánh mắt lộ rõ ý cười, hỏi: “Tướng quân, rốt cuộc anh có đi hay không nào?”

Một người con gái mà có thể thốt ra những đạo lý ấy thì Khang Thiếu Đình còn biết trả lời thế nào đây. Nếu không đích thân đẩy nàng về nhà thì chẳng phải chiếc áo nhung khoác trên người anh chỉ để làm cảnh thôi sao? Lòng đã quyết, anh ra lệnh cho thuộc hạ trở về bộ chỉ huy trước. Khi không còn ai ở đó nữa, anh bèn thoải mái cởi bộ quân phục ra, ném cho Nhan Khai Thần giữ hộ rồi xắn tay áo, đẩy xe đưa nàng vào thành. Đương nhiên anh không muốn bị người quen bắt gặp, nhưng dường như Nhan Khai Thần vẫn chưa hài lòng với độ khó của bài khảo nghiệm này, liền nghĩ cách trêu chọc anh.

Nàng ngắt một bông lau mọc ven đường, vừa phe phẩy vừa hát:

Gió mưa vẫn vũ trời mùa hạ

Hồng thủy nhấn chìm miếu đằng xa

Trong miếu có một vị đạo sĩ

Tu tiên luyện đơn ai biết mà

Chỉ thấy miếu sụp vỗ tay cười

Đẩy xe bán thuốc mặc trêu ngươi

Thuốc gì? Úi trời… thì ra thuốc…

Phấn son hương sắc một kiếp người!

Hát xong, nàng nghiêng đầu nhìn Khang Thiếu Đình lúc này mặt mũi đã đỏ bừng rồi cất tiếng cười giòn tan.

“Thơ con cóc gì mà linh tinh thế! Con gái con đứa mà hát mấy thể loại này à!” Khang Thiếu Đình nghiêm mặt nói hơi nặng lời nhưng khóe miệng lại bất giác nhếch lên. Anh cười không phải vì bài hát chẳng ra vần ra điệu gì mà vì người hát. Những người thú vị luôn khiến lòng ta cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái. Cười xong, Nhan Khai Thần không trêu chọc anh nữa, chỉ nói: “Anh đừng trách! Bài hát này do tôi bịa đại ra thôi. Chẳng qua vì muốn tìm niềm vui trong nỗi khổ, anh đừng để bụng nhé!”

“Không đâu. Sống trên đời nên cười nhiều mới phải. Thực ra tôi rất khâm phục tính cách này của cô.” Anh giữ cho xe thật vững, khi đi qua hố bùn, đầu gối bị ngập trong nước, đôi lúc không cẩn thận bước hụt, suýt chút nữa cả người và xe đều lật nhào. Nhan Khai Thần vội vàng bám chặt vào thành xe, chỉ cho anh một con đường nhỏ khác không có nhiều hố bùn, chỉ có điều nước lại sâu hơn. Nhưng đối với người có vóc dáng cao to như Khang Thiếu Đình thì chuyện đó chẳng có gì đáng ngại.

“Đi về phía kia! Hết khúc ngoặt là đến.”

“Cô định đi đâu?” Anh thắc mắc, nhà nàng đâu phải ở hướng đó.

“Đi tìm đại phu khám chân. Tất cả thần y đều mai danh ẩn tính trong nhân gian mà.” Nàng vỗ ngực đảm bảo. “Phía trước có một túp lều. Đó là lều mà thầy thuốc Lương dựng tạm, chuyên chữa bệnh cho dân nghèo, dân tị nạn chúng tôi mà không lấy tiền. Y đức không còn gì để chê!”

“Thế ông ấy lấy đâu ra thuốc? Có đủ dùng không?”

“Chuyện đó thì tôi không rõ, chắc ông ấy đã cất thuốc cẩn thận trước khi lũ tràn đến, hoặc là vừa mới lên núi hái. Tôi cũng không hỏi.”

Nhan Khai Thần chỉ quan tâm đến cái chân đau, chứ không quan tâm đến chuyện riêng nhà người ta. Nhưng Khang Thiếu Đình lại rất băn khoăn điểm đó. Đột nhiên anh nhận ra chỉ cung cấp lương thực thì không đủ, sự uy hiếp lớn nhất dẫn đến cái chết của bao nạn dân chính là bệnh tật. Thấy túp lều khám bệnh sơ sài, anh càng chắc chắn quan điểm của mình: Chỉ dựa vào nghĩa cử của người dân thì không thể thành đại sự.

Nhan Khai Thần lắc nhẹ cánh tay anh, chu miệng nói: “Anh có nhìn thấy ông lão đang ngồi nấu thuốc kia không? Đó chính là thầy thuốc Lương.”

Khang Thiếu Đình nhìn theo hướng tay nàng chỉ, thấy trong lều đắp hai, ba cái lò đất, khói bốc nghi ngút từ những ấm sắc thuốc, một ông lão tuổi ngoại lục tuần đang ngồi xổm trên mặt đất, phe phẩy quạt. Trong lều vài mảnh chiếu cói, bảy, tám người nằm la liệt trên đó chờ thần y ra tay cứu chữa, cạnh đó còn có mấy túp lều vừa cũ vừa nhỏ, trong đống ngói đổ nát thấp thoáng bóng một người phụ nữ lôi nửa bên vú ra nhét vào miệng một đứa trẻ sơ sinh chưa tròn tuần tuổi. Người phụ nữ nheo mắt, chốc chốc lại kiểm tra lửa dưới bếp lò, đồng thời rút một tay ra lấy thanh gỗ đã vót sạch, liên tục ngoáy cái hũ sành màu đen. Chẳng biết bên trong nấu thứ gì, chỉ thấy mùi bốc lên hơi chua chua, màu sắc xanh xanh vàng vàng. Đến khi người phụ nữ nghển cổ gọi to, người nhà ta chị ta liền bưng bát vỡ chạy đến, người già thì tựa vào bờ tường sụp đổ, giơ tay đón bát canh màu xanh mà một người đàn ông trẻ hơn đưa cho, e dè nhấp từng ngụm nhỏ như thể chỉ sợ uống hết mất. Trẻ con không chịu uống, vừa khóc vừa gào, ban đầu người đàn ông còn quát vài câu, sau đó bưng luôn bát vào trong lều khám bệnh, vừa uống vừa lèm bèm mấy câu với những nạn dân khác.

Khang Thiếu Đình bước đến gần, tán gẫu với mấy người đàn ông đôi câu, cuối cùng anh cũng biết họ đã sống sót bằng cách nào trong khoảng thời gian này. Lúc may mắn, họ đào được ít rau cúc tía sau cơn mưa, nhai nó chẳng khác gì nhai dương xỉ. Lúc đen đủi thì ngay cả cúc tía cũng bị đào hết, chỉ đành giật cả cành lẫn gốc của mấy cây rau dại ăn qua ngày. Hôm nay được ông trời ban cho ân huệ, chính phủ lại phát lương thực cho người dân, nên họ lấy ít rễ rau dại băm nhỏ cho vào nấu thành cháo. Người đàn ông rất hiếu khách, còn bảo: “Nếu anh đói, để tôi bảo con dâu múc cho anh một bát. Hôm nay có cháo rễ cây tươi cơ đấy! Ngon lắm!” Khang Thiếu Đình không từ chối, anh đón lấy bát cháo mà người phụ nữ nọ đưa cho, rồi không ngần ngại đưa lên miệng.

Vị cháo đắng chát vô cùng, còn thoang thoảng mùi tanh của cây dại mọc dưới nước. Anh đặt bát xuống, cảm ơn tấm lòng hiếu khách của người đàn ông: “Cảm ơn, lần sau cháu sẽ mời bác.” Người đàn ông cười tươi, lộ ra hàm răng vàng ệch. Nhan Khai Thần thấy anh còn cười nói với mọi người, liền giục: “Này, về thôi. Muộn rồi.” Chân nàng đã được đắp thuốc rồi xoa bóp vài cái, giờ đã dễ chịu hơn rất nhiều. Sợ trời tối, nàng liền gọi anh mau đi về. Khang Thiếu Đình lễ phép chào tạm biệt gia đình nọ, tiếp tục đẩy xe chở nàng vào thành. Trên đường về, không ngừng nghĩ đến những cảnh tượng đã mắt thấy tay nghe ngày hôm nay, anh ngộ ra chỉ một tấc đất nhỏ bé cũng đủ để cất giấu sinh mệnh của bao nhiêu con người.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui