21. Về quê.
Dương vừa đi vừa lẩm bẩm mắng chửi Hòa, mắng đã rồi cô lại mắng nợ đào hoa của anh, lần sau có ai đó tìm cô như thế có khi cô sẽ trực tiếp chỉnh chết Hòa. Dương mang tâm trạng buồn bực như vậy trở về kí túc, không ăn cả cơm trưa leo lên giường định ngủ, vừa vặn nhìn thấy Hạ Thanh xếp quần áo vào ba lô:
- Cậu đang làm gì vậy?
- Xếp đồ về quê.
- Chiều nay về hả? Quê cậu thời gian này có gì vui không? Mình nhớ học hết ngày mai trường mới cho nghỉ mà.
- Haiz, mình trốn học cả tuần nay còn gì, chiều nay về.
- Đi bằng gì? Mấy giờ đi?
- Đi tàu, mình say xe mà, 3 giờ tàu chạy – Thanh nhìn thứ ánh sáng trong mắt Dương mà trả lời một cách đầy nghi hoặc. Giống như khẳng định sự nghi hoặc của cô, Dương trực tiếp nhảy từ tầng hai xuống, lôi sách vở từ ba lô của mình vứt lên giường, lấy đồ từ giá treo rồi nhét vào ba lô, kèm theo vài vật dụng cá nhân thiết yếu.
- Cho mình đi nữa.
- Này, nhưng cậu đâu có vé tàu, sao đi.
- Thì ra ga mua, không thì đi tàu chui.
- Nhưng mình đi giường nằm, cậu chui bằng niềm tin sao?
Dương ngẩn người, bàn tay đang nhét đồ vào ba lô dừng lại, suy nghĩ một chút rồi hỏi:
- Hôm nay là ngày bao nhiêu?
- Ngày 27.
- 27, không sao, hôm nay cũng không phải tết âm, tàu không đông, cùng lắm là mình với cậu nằm khác toa, nhưng quan trọng là mình muốn đi, mà quê cậu có gì vui không đó? Hay nhạt nhẽo giống cậu.
- Này này, cậu hiếp người quá đáng, mùa này hả? Chắc về lội lụt quá.
Có đoạn đối thoại đó nên hai con người này không kịp chào tạm biệt với những người trong phòng thì lên đường, và giờ đang thảnh thơi trong toa tàu máy lạnh.
Vật vã trên tàu gần một ngày trời cuối cùng cũng đến nơi. Thanh xuống tàu kéo Dương đi xe buýt về nhà, nhưng đến trạm lại phải đi bộ thêm 500m nữa vì nhà Thanh nằm sâu trong một con đường quanh co, gần biển.
Thanh xốc lại ba lô phía sau lưng, giật khẩu trang khỏi mặt rồi hít hít mùi bùn ngai ngái sau vụ mùa ở hai bên đường, có vẻ như một trận lụt cũng vừa đi qua đây, dưới chân những hàng rào hai bên con đường trải nhựa cong cong vẫn còn lại dấu vết đọng nước lụt. Đã lập đông nhưng khí trời hôm nay vô cùng tốt, không nắng, bầu trời đục màu trắng sữa, phía xa xa lại chen một cụm mây trắng đang nghiêng mình bắt chút nắng hiếm hoi của ánh mặt trời, gió nhẹ nhẹ thổi không phải mang theo cái lạnh khô mà mát một cách dễ chịu, có lúc còn nghe được cả mùi muối mặn và mùi tanh của cá.
Đi hết con đường trải nhựa, vượt qua thêm một con đường sỏi nhỏ bên cạnh là một cái chợ cóc con con, Hạ Thanh gặp rất nhiều người quen cùng lời chào hỏi, cô vốn đã quen với cảnh tượng như thế này rồi, quen tới mức đã tạo thành thói, lúc về quê mà không đi ngang qua chợ để chào hỏi người quen thì lại nhớ. Dấu ấn tuổi thơ luôn in sâu những gì gần gũi thân quen nhất, từ lúc cô biết nhớ thì cái chợ con này đã nằm sâu trong ý thức. Lâm Dương đi phía sau cũng gật đầu tươi cười chào những người mà Hạ Thanh chào, họ đều rất chất phác, tay chân có thể lấm lem, mồ hôi nhỏ giọt trên má nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh ý cười.
Đi qua cái chợ cóc khoảng 100m thì tới nhà Thanh, đó là một ngôi nhà ba gian kiểu cổ, 2/3 được làm từ gỗ, đường dẫn vào nhà là hai hàng cau xanh mướt đang trổ hoa, trước nhà là một giàn gấc, có vài quả lủng lẳng chuyển vàng và đang dần chín. Hạ Thanh nói, nếu bỏ qua nhà cô đi thêm một đoạn rồi rẽ phải, cứ đi thẳng sẽ gặp biển, Lâm Dương háo hức rồi quan sát kĩ thêm ngôi nhà, sân sạch sẽ có vài con ngỗng đang đứng rỉa lông dưới gốc đào xanh, bên cạnh được khoanh lưới trồng một vùng rau xanh tốt, cô phóng tầm mắt ra xa, một dãy núi thấp đang chạy dài, lọt thỏm trong ánh nắng chiều, mặt trời đang dừng chân tại nơi cao nhất trên dãy núi. A, thật là cảnh đẹp nha.
Thanh nhìn theo tầm mắt Dương, cô lấy tay che đi ánh mặt trời yếu ớt, kéo tay cô bạn trở vào, đám con nít đang chơi trước sân nhìn thấy Thanh bước vào thì bỏ mọi trò chơi chạy lại bu xung quanh Thanh, miệng cười tươi và gọi chị liên tục. Thanh chưa kịp nói gì, một đứa trong bọn chúng đã la to lên:
- Ông Năm ơi ông Năm, chị Thanh về nè ông ơi.
Sau tiếng la hét đó, một ông cụ, nói là ông cụ chứ khuôn mặt ông vẫn còn nét trẻ trung cương nghị, chỉ có tóc là đã bạc gần hết xuất hiện, ông bước đi khập khiễng nhưng nhìn thấy Thanh lập tức vứt cái ô đựng thóc đang cầm trên tay xuống đất rồi như một đứa trẻ chạy về phía cô, không thêm kiêng dè cứ như vậy xoa xoa đầu Thanh.
Dương đứng cạnh Thanh nhìn hành động của hai ông cháu rồi nhìn vài con gà đang mổ ô thóc vừa bị vứt xuống rồi cười rộ lên, tiếng cười của cô làm ông Năm bỏ mái tóc cháu mình rồi nhìn sang, đôi mắt ông vừa toát lên ý hỏi đã nghe Dương lên tiếng:
- Con chào ông, con là Lâm Dương bạn của Thanh, hôm nay về xin ông cho ở lại ăn cơm ké mấy hôm ạ.
- Ha ha.
Ông Năm bật cười hai tiếng, có vẻ khá hài lòng với cô bạn Hạ Thanh mang về, biết cả ý người già, tốt. Đã chiều, nhìn Thanh và Dương mệt mỏi sau chuyến đi dài, ông Năm nấu một ấm bồ kết rồi lại thêm một nồi nước mùi gai để hai cô gái tắm.
Tắm rửa xong thì cơn mệt mỏi cũng trôi nhanh, vả lại khí trời và môi trường khá tốt khiến trong người vô cùng khoan khoái, Dương đứng bên ảng nước chòng ghẹo Thanh rồi nhìn thấy những dãy xanh xanh phía xa mà ngạc nhiên hỏi:
- Trồng gì đằng kia vậy Thanh?
- À, ông nội hằng năm vẫn thuê người trồng hoa để Tết bán, năm nào cũng lỗ mang về tặng hàng xóm mà ông vẫn kiên trì trồng.
- Thật sao? Ông cậu chính là muốn làm cho khỏi nhớ con cháu, có niềm vui tuổi già mà, ai bảo gia đình cậu không ai ở gần ông chi, mà ba cậu là con một hả?
- Aiza, cậu thật hiểu ông nội mình nha. Không phải, dưới ba mình còn có một cô, nhưng không hiểu sao từ lúc mình sinh ra đã không thấy cô đâu rồi, ảnh thờ cũng không có, hình như cô bất mãn với ông rồi bỏ nhà đi. Suỵt, trước mặt ông mình đừng nhắc tới chuyện này nha.
- Ừ, mình nhớ rồi, mà cậu nhanh chút coi, ra bếp xem ông nội cậu đang làm gì.
Hạ Thanh lau tay ướt vào ống quần mình rồi theo chân Dương ra sau bếp, ông nội cô đang vặt lông một con gà mái tơ, da của nó vàng óng, trong chút khói trắng còn sót lại của vệt nước sôi, màu vàng của nó thật khiến người ta đói bụng. Bụng Thanh rất hợp thời kêu lên một tiếng, cô xấu hổ che bụng mình tránh đi tiếng cười của Dương và ông nội, Dương ngồi xuống cạnh ông, cô bảo ông rửa tay nghỉ đi để mình làm, ông nhìn cô nghi ngờ một chút, cô chỉ cười: “Ông yên tâm đi, không ngon nhưng ăn được mà, he he”.
Ông rửa tay nhưng không rời đi, mà đứng yên đó thích thú nhìn lấy hai cô gái, nhìn động tác thuần thục nhổ lông, cắt chân, cắt phau cau rồi lại mổ bụng con gà, ông lắc đầu với cháu gái mình, aiza, những lần trước nó về đều là ông nấu nó ăn, đến cả luộc trứng nó cũng luộc không chín…
Hạ Thanh đổ nước giúp Dương rửa gà, nhìn cái lắc đầu ái muội của ông nội, cô nhõng nhẽo:
- Ông nội à, đừng so sánh con với bạn ấy, đó là quái vật chứ không phải người, đâu phải con không làm được, là do con cố gắng hết sức mà những thứ này sống chết không hợp tác với con. Nấu ăn, con biết một nửa là được rồi.
- Hừ, con mà biết một nửa ông nội cũng mừng.
- Thì con biết ăn rồi còn gì, không phải một nửa sao.
- Ha ha – Cả ông nội lẫn Dương đều bật cười.
- Thôi, ông lên nhà trên uống trà đi, để dưới bếp cho bọn con, mấy ngày nay ông nội sẽ được nghỉ phép. He he – Vừa nói vừa dùng tay đẩy nhẹ ông.
- Đây đây, ông đi lên, đuổi quá.
Dương nhìn dáng đi khập khiễng của ông, lại nhớ đến mớ huy chương được đặt trang trọng nơi tủ kính, hỏi:
- Ông nội trước kia có đi lính sao?
- A, nói cậu quái vật quả không sai mà, ừ, đừng nhìn ông vậy mà lầm, cũng lên đến đại tá hẳn hoi, thuộc dạng cựu chiến binh ở ẩn sớm.
Lâm Dương chặt đôi con gà, lại chặt thành từng miếng rất đẹp xếp gọn gàng thành hai phần, vừa làm vừa âm thầm cảm thán, thân với nhau lâu như vậy, cả hai đều rất hợp nhau đều không đả động gì đến gia đình thân thích, vậy mà đùng một phát đến lúc biết thì thật khiến người ta tá hỏa. Lâm Dương mím môi cười cười, bản thân cô rất rõ, tình bạn giữa nữ giới không dễ gì kết, cũng dễ dàng đứt nhưng nếu đã dính sẽ trở thành máu thịt. Cô và Thanh chính là như vậy, đã thành máu thịt, trong trẻo như chị em ruột thịt gắn bó yêu thương nhau.
Dương đem hai phần gà xếp gọn đi ướp kĩ, sau đó chọn phần nhiều xương mang đi hầm canh, phần còn lại kho xả. Cô cắm xong điện nồi cơm rồi theo Thanh ra vườn, hơn 5 giờ chiều, xung quanh vang lên tiếng trẻ con nô đùa, tiếng khóc và cả tiếng gọi con của những người mẹ trong xóm, mùi cá kho mặn mặn theo gió đưa vào mũi, Thanh chun mũi hít hít mùi mắm mặn này còn Dương đưa tay bịt miệng hắc xì, ai biểu mũi cô vốn nhạy cảm cơ chứ.
Cả Thanh và Dương đều ngạc nhiên nhìn mảnh rau trước mắt, không lớn nhưng xả, gừng, nghệ, rau lang, rau muống, mồng tơi, hành, hẹ rồi cả một dây dưa leo đang trổ hoa vàng xinh, ông nội thật chăm chỉ và công phu chăm sóc, Thanh hiểu, có lẽ đây là niềm vui của ông. Dương nhổ vài bụi xả, ngắt vài cọng hành và một nắm rau muống rồi quay vào, cô hướng dẫn Thanh nhặt rau rồi mở tủ lạnh, cô lôi từ đó ra mấy tai nấm cùng một củ hành tây để nấu canh gà
6 giờ 30, trời thật sự rất tối, gió mùa đông bắc đầu mùa được dịp thổi mạnh làm vài bụi tre phía sau nhà cọ vào nhau vang lên những tiếng rít rất khẽ, xung quanh nhà vang lên vài tiếng kêu của côn trùng, cả tiếng meo meo của con mèo và tiếng chó sủa xa xa. Ông Năm nhìn bàn cơm với mấy dĩa thức ăn và nồi cơm đang bốc khói mà cười vui vẻ, ăn miếng cơm cùng thức ăn, mắt ông sáng lên, nhìn Dương gật gù:
- Vậy mà nói với ông là ăn được, ai dạy con nấu ăn?
- Dạ mẹ con dạy với con tự học.
Ông Năm ăn thêm vài miếng nữa rồi đột nhiên nhìn Thanh thở dài:
- Haiz, sao ông không có được đứa cháu như con chứ?
Hạ Thanh nhìn ông nội mình mà cười, biểu cảm trên mặt ông cũng thật đáng thương, ông nội vẫn thích chọc ghẹo cô như hồi nhỏ. Dương nhìn ý cười trên mặt Thanh, cô cũng cười khẽ:
- Không phải con vẫn gọi ông là ông nội đấy thôi.
- A, được, con bé này được, hiểu ý ông, ông lại có thêm một đứa cháu nấu ăn ngon. Ha ha – mái tóc bạc trong ánh đèn neon sáng lên lấp lánh, đáy mắt ông vẫn không tắt được ý cười hiền lành đến hết bữa ăn.
Ăn xong cũng đã qua 8 giờ, Hạ Thanh kêu chán, chương trình ti vi cũng nhạt phèo, vì vậy cô cũng Dương quay qua dụ dỗ ông nội kể chuyện xưa. Nhìn hai đôi mắt háo hức, ông Năm bắt Thanh pha ấm nước trà rồi cũng kể chuyện xưa, ngay cả chuyện ông yêu bà nội ra sao, nghe không biết bao nhiêu lần từ nhỏ đến giờ, Hạ Thanh vẫn bắt ông kể ra cho cô nghe lại, cô vẫn cứ cười tít mắt nói với ông nội sau này sẽ kể lại cho con mình nghe…
Những ngày thảnh thơi vô lo cứ như vậy trôi qua trong tiếng cười vui vẻ của ba ông cháu, buổi sáng Hạ Thanh và Dương còn thức dậy sớm theo ông tập mấy động tác dưỡng sinh, buổi trưa lại nằm đung đưa trên võng dưới tán hai cây vú sữa bự sau nhà, buổi tối vừa ăn chè vừa nghe chuyện xưa… Hai ngày nhanh chóng trôi qua, đã là 30 tháng 12, cái xóm nhỏ có một thông lệ đó là cứ đến tết thì sẽ dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài, từ tết dương lịch cho đến tết trung thu, đều dọn dẹp. Bình thường ở nhà một mình, ông nội hay gọi mấy đứa trẻ hàng xóm đến giúp rồi phát quà cho bọn nó, nhưng hôm nay có Dương và Thanh giúp, ông thong thả dọn dẹp, vừa dọn vừa kể lại vài mẩu chuyện lính hài hước của ông ngày xưa. Dương và Thanh vừa lúi húi giúp ông cắt tỉa bờ rào dâm bụt vừa cười, tiếng cười trong trẻo hòa cùng tiếng chổi sàn sạt bên hàng xóm tạo thành một chuỗi âm vang rất vui tươi. Hàng rào dâm bụt mùa nào cũng nở hoa, hoa sáng nay đơm đỏ cả một mảnh sân, có ánh nắng vàng rực chiếu vào vài con bướm đang tung tăng trên đó, giấu sau những khóm hoa đỏ là hai thiếu nữ xinh đẹp đang vui vẻ cười, vài ngôi nhà bên cạnh đều vô thức nhìn về nhà ông Năm mà nhoẻn miệng. Những đứa trẻ hàng xóm sáng nay không cần ông gọi đều chạy qua thật sớm, thật ra chúng qua giúp ông dọn dẹp thì ít mà muốn chơi với chị Thanh thì nhiều.
Ông Năm cầm kéo nhẹ nhàng cắt tỉa, hàng rào dần dần thấp xuống, ông nhìn ra con đường trước mặt rồi lại cười, nhà ông ở giữa xóm, người đi qua lại cũng đông nhưng nhiều thanh niên trẻ thế này chạy ngang qua rồi thỉnh thoảng đưa mắt liếc vào nhà, riết rồi cũng thành thói quen mỗi khi cháu cưng của ông về nhà, huống chi lần này đến hai cô gái đẹp.
Dương dùng chổi nhóm lại đống là cây cho Thanh mang đi đổ thì tiếng đám con nít vang lên, chúng nó vừa đứng trong sân giờ đang từ phía chợ chạy về, một đám lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất có 3 tuổi vừa chạy vừa la, tiếng la hòa lẫn vào nhau đến một lát sau Thanh mới nghe ra:
- Chị Thanh ơi, có hai anh đẹp trai đến tìm chị….
22. Cháu ngoại
Tiếng la của lũ trẻ chẳng những làm Dương và Thanh ngước đầu lên mà còn làm cho ông Năm dừng động tác, theo sau hai cô cháu gái đi ra ngoài cổng, sau lũ trẻ nháo nhào là hai chàng trai trẻ mặc tây trang, giữa con đường sỏi, ở cái xóm nhỏ, trong cái nắng sớm ấm ấm, bộ tây trang lại càng làm hai người đàn ông trở nên nổi bật, cũng trở thành tâm điểm chú ý của hàng xóm khi lũ trẻ vẫn cứ la lối như vậy. Dương và Thanh mỗi người phụ một tay xách dùm cặp táp cho hai người đàn ông vì trên tay họ đang ôm một cái thùng giấy khá lớn. Hai con người nổi bật này không ai khác chính là Lâm Minh với Hòa, trên mặt họ nhuốm vẻ mệt mỏi, cằm lún phún râu nhưng sâu trong đôi mắt lại ngập ý cười, cả miệng cũng không khép lại, họ ngoan ngoãn cúi đầu chào ông cụ đi sau hai cô gái:
- Con chào ông ạ.
- Được rồi, được rồi, giới thiệu một chút cho ông nghe.
- Dạ, giới thiệu với ông, đây là Lâm Minh, anh trai ruột thịt của con, còn đây là Hòa bạn anh Minh – Dương thân thiết ôm tay ông, không quên trừng mắt với Hòa
- À, nhà mình năm nay vui nha, vào nhà, vào nhà thôi.
Hạ Thanh đi phía sau quay qua hỏi Minh:
- Anh đi bằng gì xuống?
- Lái xe xuống.
- Anh đã xong việc chưa? Sao mang cả anh Hòa xuống, thứ gì trong này vậy?
- Ừ, xong rồi, Hòa xuống tìm Dương đó, thấy nó bơ phờ tội nghiệp quá, đi nhanh nào, anh mỏi chân quá.
- Sao không báo trước cho em chứ - Thanh bĩu môi.
- Nhớ em mà.
Lâm Minh nói rất tự nhiên giống như một điều quá hiển nhiên vây, Hạ Thanh thành công cúi đầu xấu hổ, nhưng mà trong thâm tâm lại dâng lên một niềm vui sướng khó hiểu.
Minh vừa đi vừa nhìn cô đang cúi đầu một bên, khóe miệng dâng lên một nụ cười hạnh phúc, sự xấu hổ này của cô dễ dàng xóa đi mệt mỏi cùng lo lắng của anh mấy ngày qua.
Hình ảnh ái muội xinh đẹp đó đã lọt vào trong đôi mắt mờ ám của một con người đang đi trước họ vô tình quay đầu tìm kiếm cháu gái cưng…
Tiếng ho của ông nội vang lên phía trước làm Hạ Thanh giật mình chạy lại phía ông, đầu không kịp ngẩng nên cũng không kịp nhìn thấy nụ cười của Minh và ánh mắt đầy ẩn ý mà ông nội dành cho anh.
Minh và Hòa đặt hai thùng giấy mà mình đem xuống rồi gọi bọn trẻ hàng xóm xếp hàng trước mặt, anh lần lượt lôi từ trong đó ra không bánh kẹo cũng truyện tranh, cả những đồ chơi điện tử dùng bằng pin giao cho hai cô gái phát cho những đứa trẻ. Chỉ bằng hành động này của mình anh đã mua đứt lũ trẻ hàng xóm, và cũng không biết rằng ông Năm nhìn anh nghiền ngẫm nhưng cười hài lòng, rất hài lòng.
Để cho hai anh đẹp trai nghỉ ngơi, Dương và Thanh theo phân công của ông nội xách túi đi chợ nhưng đi chợ về Dương sống chết cũng không chịu nấu ăn, ông nội hỏi lí do, Lâm Dương nhìn Hòa rồi nói: “ở đây có người con ghét nên con không nấu đâu”. Nhìn theo ánh mắt của Dương ông nội trừng mắt nhìn Hòa, giọng đầy bực bội: “Thằng nào chọc giận cháu ông thì dỗ nó đi, trưa nay không có cơm ăn hai thằng bây đừng hòng có chỗ ngủ”.
Thanh và Minh nhìn nhau che miệng cười trộm, ông nội la thì la thế nhưng tránh ánh mắt của bọn trẻ thì ông lại che miệng cười. Vậy là, nhờ câu la của ông nội, người trong nhà lại được chứng kiến một màn thú vị, chỉ cần chỗ nào có Dương, đếm 2 giây sau sẽ thấy Hòa xuất hiện, Dương cười Hòa cũng cười… Cuối cùng, ông nội chịu không nổi phải tính kế dụ Dương ra chỗ trồng hoa rồi bỏ trốn cho hai đứa trẻ nói chuyện, Thanh buồn cười muốn đi theo để giấu giếm xem cũng bị ông nội thẳng thừng đuổi vô, cô phụng phịu nhăn mặt nhưng cũng đành phải đi. Không biết Hòa làm cách gì nhưng lúc trở vô, môi anh in đậm một vết răng rướm máu, áo sơ mi chưa kịp thay cũng bị xé rách một mảng nhưng trên khuôn mặt lại rạng rõ nụ cười hạnh phúc, nụ cười giống như một đứa trẻ thỏa mãn. Thanh len lén nhìn Dương, tóc rối, vạt áo trước nhàu, khuôn mặt hằm hằm nhưng trên mắt lại lấp lánh ý cười, rồi Dương cũng chịu nấu cơm.
Lâm Minh, Thanh và ông Năm lại nhìn nhau cười, không cần nói ra cũng biết Hòa đã làm gì Dương…
Cơm trưa dọn ra, Dương cắm cúi ăn, thỉnh thoảng ngước lên lại trừng mắt với Hòa nhưng anh vẫn nhìn cô bằng cái nhìn đó, bao dung và hạnh phúc, vẻ mặt Dương đã hòa hoãn đi rất nhiều bởi vì anh đã nói: “Sau này, có chuyện gì cũng phải kể với anh đừng để mình bực bội, cuộc sống trước kia của anh không có em nhưng anh hi vọng hiện tại và tương lai có em hiện diện, không cần em tin tưởng anh tuyệt đối chỉ cần tin trong tim anh chỉ có một mình em là được rồi.”
Ăn cơm xong cũng đã qua một giờ chiều, Minh và Hòa đi tắm, ví được lôi ra để trên đầu tủ lạnh. Dương nhìn hai cái ví màu đen nằm cạnh nhau bỗng nảy ra ý đồ xấu, Dương cầm ví rồi kéo Thanh ra trước hiên tráo đồ từ ví này sang ví kia, cô mở ví Hòa, đằng sau CMND lại lôi ra được một tấm hình. Một tấm hình cũ chụp cả nhà ba người đang cười rất tươi, trong bức ảnh Hòa có lẽ cũng chỉ hơn 10 tuổi, một cậu bé con đầu đinh không khác mấy so với bây giờ.
- Hai đứa đang làm gì đó? – Là ông nội, cũng không biết ông ra từ bao giờ.
- Dạ đang xem hình.
- Đâu? Hình gì thế? Cho ông nội xem với.
- Dạ hình gia đình anh Hòa, đây ông xem đi.
Lâm Dương đưa tấm hình trên tay cho ông xem.
10 giây, 20 giây hay 1 phút cũng không biết, Hạ Thanh nhìn thấy nụ cười trên mặt ông biến mất thay vào đó là sự xúc động kiềm nén giống như muốn khóc, ông thả rơi tấm hình rồi ôm lấy ngực, sự đau đớn làm ông co người, khuôn mặt cũng mất đi vẻ hồng hào thường ngày mà được thay bằng sự trắng bệch khó thở. Thanh sợ đến nỗi la toáng lên gọi ông nội, nước mắt cũng chảy ra, chân tay luống cuống, Lâm Dương cũng hoảng sợ, cô gọi to Minh, rất nhanh anh đã ra đến hiên. Nhìn tình huống xảy ra trước mắt, Lâm Minh nhanh chóng ôm lấy ông nội rồi bảo:
- Thanh, em đi với anh, em biết đường đến bệnh viện tỉnh luôn, Dương và Hòa ở nhà rồi đến sau.
Dương chạy vào nhà lấy chìa khóa xe, nhặt lấy ví của anh bị Thanh vứt ở hè, đưa cho Thanh rồi giục cô nhanh chân theo Minh, Minh sải những bước chân dài đi qua khỏi chợ để đến chiếc xe để ngoài đường nhựa, Thanh theo sau, vừa chạy vừa khóc. Tình cảnh của bọn họ thật khiến người ta ngoái nhìn. Minh dùng tốc độ nhanh nhất theo hướng dẫn của Thanh đến bệnh viện…
Nguy hiểm qua đi, bác sĩ chẩn đoán ông nội bị tăng huyết áp do xúc động dẫn đến nhồi máu cơ tim đột ngột, rất may là nhẹ và cấp cứu kịp thời nên giờ không sao. Hạ Thanh vẫn còn thút thít khóc, mọi thủ tục, viện phí đều do Minh sắp xếp, anh chuyển ông nội đến phòng đơn có đầy đủ tiện nghi rồi lại an ủi Thanh, cô gục đầu trong lòng anh, không còn khóc nhưng vẫn nấc lên từng hồi, những chuyện như thế này cô không có kinh nghiệm. Cơn xúc động lo lắng qua đi, Hạ Thanh nhớ ra chuyện gọi điện cho Dương và Hòa.
Lúc Dương và Hòa theo hướng dẫn của Thanh đến bệnh viện đã gần 4 giờ chiều, phòng 403, đúng là phòng Thanh nói nhưng không thấy Minh và Thanh đâu, Hòa nhìn Dương khó hiểu, trong phòng bệnh màu xanh lá cây đậm và nhạt đứng cạnh nhau, ngoài cửa một đống lố nhố màu xanh đứng chen chúc như muốn đi vào, cửa phòng bệnh vẫn đóng, dù cố cách mấy Dương và Hòa cũng không thể chen vào trong. Dương gọi cho Thanh:
- A lô, Dương hả? Cậu đến chưa?
- Đứng trước cửa mà không cách nào vào được. Sao mà toàn người trong quân đội không vậy?
- Tớ cũng bị nhốt trong phòng rồi, anh Minh đi đâu không biết, họ là người của huyện đội đóng quân gần nhà mình cũng là cấp dưới của ông nội, biết ông nội nằm viện nên đến thăm, chỉ là không ngờ lại đến đông vậy.
- Được rồi, cậu ở đó, mình tìm cách vào.
Dương nhìn những con người đứng trước cửa, toàn bộ đều cao hơn cô, đứng đặc hành lang nhưng không hiểu sao cả bác sĩ cũng không ai nói tiếng nào, Dương để Hòa cố gắng chen qua lần nữa nhưng không được.
Hết cách, Hạ Thanh đành xuống căng tin bệnh viện. Hơn 5 phút sau, cô bưng lên một thau nước sôi bốc khói nghi ngút, Hòa nhìn hành động của Dương mà há hốc miệng, thật đúng là khiến người ta ngạc nhiên. Dương bưng thau nước tiến về chỗ đông người, đụng nhẹ vào người đứng sau cùng, anh ta quay lại nhìn hành động của cô gái, nhìn thau nước trên tay cô mà nhăn mặt, đứng tách ra, Dương nhìn anh ta, nhe răng cười rồi hô to, giọng dõng dạc:
- Nước sôi, nghiêm!
“Khẩu lệnh” được la to như vậy, tất nhiên sẽ thu hút sự chú ý, ít nhất được ½, nhìn thau nước rồi nhìn cô gái, tất cả đều tự động tản ra nhường đường, Dương cười cười, Hòa đi sau Dương cũng cười.
Dương đem thau nước đổ vào phòng vệ sinh rồi ngồi xuống cạnh Thanh, ông nội đã tỉnh, cô nhìn ông nội, cười rồi nói:
- Ông nội, bị phạt vì tội hù con cháu, hại con lo lắng hóa ra ông được rất nhiều người quan tâm, vừa tỉnh đã có nhiều người đến thăm như vậy, mà con nói ông nghe, con vừa gặp bác sĩ, ông ấy nói bệnh nhân bị tăng huyết áp không nên gặp nhiều người trong cùng một lúc, nếu không sẽ thấy khó chịu và lâu khỏe, vẫn là ông khỏe hơn thì gặp cũng không muộn.
Những vị tai to mặt lớn của tỉnh đang đứng trong phòng nhìn cô gái đang cắt cam trên đầu giường ông Năm, nhìn nhau rồi tự giác đi ra khỏi phòng, họ hẹn ông Năm khỏe hơn sẽ đến.
Đám lính vừa rút đi, ông nội nằm trên giường không ngăn được bật cười:
- Cái con bé này, một chút mặt mũi cũng không cho người ta, đuổi thẳng thừng gớm.
- Sao la con chứ, mặt mũi ông nội vẫn quan trong hơn mà. He he, mà ông nội đã thấy khỏe hơn chưa?
Ông Năm nhìn Hòa đang đứng ở chân giường, cười rồi bảo:
- Ông thấy khỏe hơn nhiều rồi, Dương và Thanh ra ngoài một lát, Hòa ở lại ông có chuyện muốn nói với con.
Dương nhìn ông, nhìn Hòa rồi đặt con dao vừa lau sạch lên tủ rồi đứng lên cùng Thanh ra ngoài, đóng cửa lại.
Trong phòng bệnh, Hòa lúng túng đứng ở chân giường nhìn ông.
- Con đừng đứng, lại đây, lại ngồi gần ông.
Hòa làm theo lời ông.
- Có chuyện gì vậy ông?
- Ba mẹ con tên gì?
- Ba con tên Bàng, mẹ con tên Ngân – Có chút khó hiểu nhưng người bệnh lại là người già, Hòa ngoan ngoãn.
- Vậy hiện giờ hai người họ sống ở đâu?
- Dạ họ mất hết rồi ạ.
Ông Năm nghẹn ngào, đưa tay vuốt vuốt mái tóc Hòa, đây là cháu ông, cháu ngoại của ông, vì một lỗi lầm năm xưa ông ngăn không cho ba mẹ nó đến với nhau, giờ nó phải chịu khổ, ông đã nghe Dương kể về cuộc đời của Hòa.
Hòa nhìn giọt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo của ông, giọt nước mắt thống khổ đau đớn, anh cảm thấy vô cùng khó chịu, một sự khó chịu không thể lí giải.
- Có chuyện gì vậy ông, ông đừng xúc động, không tốt cho sức khỏe.
Ông Năm hạ tay xuống rồi nhắm mắt lại, Hòa nghe tiếng nói rất nhỏ của ông vang lên, nhưng lại dội vào trái tim anh một tiếng thật mạnh, ông nói: “Ta là ông ngoại của con”. Ông ngoại, ông ngoại, hai tiếng cũng thật hay quá, anh từ nhỏ đều chỉ có ba mẹ, không ông bà, không bà con thân thích, giờ bỗng dưng nhận ông ngoại, anh bất ngờ, cảm giác trong tim bỗng dưng ầm ầm đập mạnh.
Hòa cũng không hỏi gì nhiều, chuyện nhận ông nhận cháu cứ thản nhiên xảy ra, một người là người mang sự hối tiếc, một người là kẻ vốn thiếu thốn tình thương, cuộc đời của họ cũng trải qua quá nhiều biến cố, theo lẽ thường chuyện nhận nhau như vậy thật khó chấp nhận dễ dàng, nhưng với cả Hòa và ông Năm – những người đã từng nhào lộn trước cái chết thì quá khứ hay lỗi lầm đều không quan trọng bằng tình yêu ở hiện tại, huống chi đây là máu mủ ruột thịt nhận nhau. Tình cảm gia đình đến tột cùng vẫn là thứ thiêng liêng nhất, dễ chấp nhận và tha thứ nhất, nhưng nếu trái tim không đủ ấm thì nguyên nhân và kết quả sẽ trở nên lẫn lộn, có thể sẽ tạo nên hận thù. Hòa cũng vậy, đến cuối cùng anh hiểu rằng những thứ anh từng trải qua đều do một sai lầm của ông ngoại tạo nên, nhưng kết quả anh lại gặp được những con người như Minh, như Dương rồi nhận lại ông ngoại, ông ngoại cũng đã dằn vặt vì lỗi lầm của mình lâu như vậy, thân làm cháu, anh chẳng lẽ không chút hiếu thảo mà tha thứ sao. Có lẽ ba mẹ anh cũng mong muốn được nhìn thấy một kết quả như thế, nếu không cái đêm ba chết đi cũng không để anh gặp được Minh. Nguyên nhân hay mục đích đến cuối cùng vẫn không quan trọng bằng quá trình và kết quả khi đặt trong tình cảm gia đình, và Hòa chỉ quan tâm đến kết quả…