Như Nước Với Lửa

Tác giả: Superpanda

Dịch: Mặc Thủy

Chương 66

Giang hồ hiểm ác (1)

Vài ngày sau buổi họp mặt cuối năm, tình hình bên ngoài đột ngột thay đổi đáng kể.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lại leo thang, các cuộc đàm phán thuế quan giữa hai bên đi vào bế tắc. Đồng thời, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố rằng một số ứng dụng di động của Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ vì chúng sở hữu một lượng lớn dữ liệu, sau 45 ngày nữa sẽ cấm bất kỳ cá nhân và tổ chức nào của Mỹ giao dịch với Phiếm Hải và một số công ty khác. Sắc lệnh nêu rõ các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Mỗi công ty có một bản sắc lệnh riêng, trong đó tất nhiên có Phiếm Hải và Thanh Huy.

Về cách định nghĩa "giao dịch", bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ làm rõ trong vòng 45 ngày.

Ngoài ra, do một mạng xã hội nào đó do Phiếm Hải điều hành bên ngoài Trung Quốc là mua lại từ công ty khác, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) sẽ xem xét lại giao dịch để "xác định không có vấn đề gì về bảo mật".

Các nhà phân tích từ tất cả các bên tin rằng sắc lệnh này có thể dẫn đến việc các sản phẩm này bị loại trừ khỏi mạng Internet.

Tin tức này cũng gây xôn xao dư luận từ mọi phía. Rõ ràng, động thái này nhằm mục đích buộc các công ty như Phiếm Hải và Thanh Huy phải bán doanh nghiệp liên quan đến Mỹ lại cho các công ty Mỹ.

Sau khi "lệnh cấm" được đưa ra, nhiều công ty công nghệ thông tin khổng lồ của Mỹ như Microsoft, Oracle ngay lập tức tỏ ra quan tâm, nhanh chóng liên hệ với Phiếm Hải và Thanh Huy, muốn bàn việc bán doanh nghiệp Mỹ của hai tập đoàn này.

Trong quá trình này, Kinh Hồng và Chu Sưởng bộc lộ tính cách ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau.

Kinh Hồng từ chối tất cả người mua mà không suy nghĩ nhiều, nói rằng Phiếm Hải sẽ không xem xét việc bán các công ty tại Bắc Mỹ của mình vào thời điểm hiện tại.

Phiếm Hải đưa ra tuyên bố: [không thể đồng ý với quyết định của bộ Thương mại Mỹ, cảm thấy hết sức băn khoăn và thất vọng vì quyết định chặn tải xuống ứng dụng mới, đồng thời cấm Phiếm Hải và người dùng giao dịch bình thường ở Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày x tháng x của bộ Thương mại, Phiếm Hải sẽ thách thức mệnh lệnh hành pháp bất công.]

Cùng ngày, Phiếm Hải đâm đơn kiện chính phủ Mỹ lên một tòa án ở Mỹ. Phiếm Hải còn tổ chức một liên minh người tiêu dùng của ứng dụng của Phiếm Hải, sau đó liên minh cũng khởi kiện.

Chu Sưởng lại đi một con đường hoàn toàn khác.

Hắn bắt đầu thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng ở Mỹ, nhưng tiếp xúc thì có tiếp xúc vậy thôi, Thanh Huy cứ nhảy qua nhảy lại, cái này không được cái kia không được, lúc thì đi đàm phán với bên này, lúc thì sang đàm phán với bên kia, một lát nữa thì quay lại với bên thứ nhất, một thời gian sau lại chạy sang bên thứ hai, áp dụng nhuần nhuyễn bí kíp trì hoãn.


Trong tuyên bố của Thanh Huy nói rằng, Thanh Huy "cảm thấy rất đáng tiếc" vì mệnh lệnh này, nhưng Thanh Huy "sẽ tiếp tục thảo luận các giải pháp lâu dài với các quan chức Mỹ và các bên liên quan khác".

Chu Sưởng nói với Kinh Hồng: "Cầm chân trước đã. Để trông có vẻ như Thanh Huy đang đàm phán với người mua. Trong trường hợp này, chính phủ Mỹ không thể thực sự áp dụng sắc lệnh kia, vì nếu đồng loạt xuống kệ, giá trị sản phẩm sẽ bị sụt giảm, các công ty Mỹ không hề ngu ngốc, rất có thể sẽ không còn muốn mua nữa, chính phủ Mỹ cũng chẳng thể nào nào ép họ mua được, phải không? Vậy thì chính phủ Mỹ chỉ có thể trì hoãn sắc lệnh đó. Cứ thế, trì hoãn hết lần này đến lần khác, đến cuối cùng chẳng còn gì nữa."

Kinh Hồng: "...Ừm."

Đến cuối cùng chẳng còn gì nữa, Kinh Hồng nghĩ: thật sự có thể thuận lợi vậy sao?

Theo cách làm của Chu Sưởng, có lẽ hắn muốn trì hoãn việc này đến cuộc bầu cử tổng thống năm sau, để vị kia không còn thời gian lo chuyện này nữa.

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là liệu mọi chuyện có thực sự diễn ra suôn sẻ như vậy không?

Tóm lại, Phiếm Hải đã thể hiện một cốt cách cao sang quyền quý, công ty Trung Quốc "cứng rắn" một phen. Còn Thanh Huy cực kỳ khéo léo, Kinh Hồng cảm thấy Thanh Huy như đang chơi trò: "Tôi khuất phục rồi... Tôi không khuất phục... Tôi lại khuất phục rồi... Tôi lại không khuất phục... Tôi lại lại khuất phục rồi... Tôi lại lại không khuất phục... Tôi lại lại lại khuất phục rồi... Tôi lại lại lại không khuất phục..."

Kinh Hồng nghĩ: Trước đây Chu Sưởng còn nói rằng cô sinh viên mới tốt nghiệp kia dám nhảy nhót trêu chọc Big Four kia thật là "ghê gớm", bản thân anh ấy bây giờ còn táo bạo hơn, nhảy còn vui vẻ hơn, muốn thể hiện khả năng diễn xuất của mình trước mặt tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, đòi giành được giải Oscar.

Có lẽ dù sau này sắc lệnh hành pháp kia có thực sự bị hoãn lại, đối với Chu Sưởng cũng sẽ giống như câu nói nổi tiếng trên Internet: "Tấu nhạc lên rồi nhảy tiếp đi".

Trước tình trạng này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Khi chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, Hoa Kỳ khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực nhà nước, đàn áp một cách vô lý các công ty không phải của Hoa Kỳ đặc biệt. Điều này vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử của WTO... Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này."

Trên thực tế, sắc lệnh này cũng đang gây khá nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Một số nhà lập pháp công khai ủng hộ nó, nhưng cũng có một số tổ chức tin rằng "lệnh cấm hạn chế khả năng giao lưu và giao dịch của người Mỹ trên các nền tảng xã hội này, vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, vi phạm các quyền của người Mỹ".

Thế là các bên cãi nhau loạn cào cào.

Hai công ty sở hữu nền tảng tải xuống ứng dụng là Apple và Google đều không nói gì, cứ như tàng hình, có lẽ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Gần như cùng lúc đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật loại công ty khỏi danh sách giao dịch công khai nếu cơ quan quản lý Hoa Kỳ không thể thu thập được tất cả thông tin tài chính của công ty trong vòng ba năm.

Nói cách khác, theo quy định mới nhất, các công ty Trung Quốc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, Nasdaq cần phải nộp giấy tờ kiểm toán.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào năm 2013: Để đảm bảo an ninh quốc gia, cổ phiếu khái niệm Trung Quốc sẽ không nộp 100% thông tin kiểm toán.


Theo thỏa thuận năm 2013, một số thông tin tài chính của các công ty Trung Quốc không cần phải nộp lên cơ quan quản lý, nhưng sẽ được kiểm toán và giám sát bởi các công ty kiểm toán đa quốc gia. SEC luôn muốn thay đổi thỏa thuận này, nhưng phố Wall lại kịch liệt phản đối việc "trục xuất" các công ty niêm yết của Trung Quốc, nên cứ bị gác lại. Lần này dự luật có thể liên quan đến vấn đề tài chính vừa lộ ra của một công ty cà phê nào đó, điểm mù quy định này đã bị vạch trần giữa ban ngày.

Trong khoảnh khắc, mọi thứ đã thay đổi.

Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh: Hơn 50 quốc gia trên thế giới có thể gửi thông tin và giấy tờ kiểm toán đầy đủ, tại sao Trung Quốc lại không?

Thế là ngày hôm nay, Kinh Hồng được gọi đi "tán gẫu" với cơ quan chức năng.

"Kinh Hồng..." Nói chuyện hồi lâu, cuối cùng, bên kia nói: "Nói tóm lại, chúng tôi đang đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề kiểm toán này, muốn nỗ lực hết sức để giúp các công ty Trung Quốc ở lại Mỹ. Mặc dù gặp phải nhiều bất đồng, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng giải quyết vấn đề, tôi tin rằng bên kia vẫn muốn giữ lại các công ty Trung Quốc chúng ta, cũng sẵn sàng giải quyết vấn đề, điều này có lợi cho nhà đầu tư, có lợi cho công ty niêm yết, và có lợi cho cả hai quốc gia."

Kinh Hồng gật đầu: "Cảm ơn, rất cảm ơn."

"Tuy nhiên..." Bên kia lại đổi giọng: "Nếu không thể đạt được thỏa thuận, ngày Phiếm Hải hủy niêm yết có thể thực sự bắt đầu đếm ngược. Chúng tôi cũng hoan nghênh Phiếm Hải trở về niêm yết tại Đại lục, hoặc niêm yết tại Hồng Kông, hoặc niêm yết A+H* cùng lúc. Nhưng đừng lo lắng quá, thực ra chúng tôi khá lạc quan về kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán."

* A+H lần lượt là tên viết tắt của cổ phiếu A và cổ phiếu H. Cổ phiếu A+H là cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải hoặc Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến dưới dạng cổ phiếu A và cổ phiếu H trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Thường có sự chênh lệch giá giữa cổ phiếu A và cổ phiếu H. Nếu giá cổ phiếu A thấp hơn giá cổ phiếu H thì cổ phiếu A có lợi thế về định giá. Nếu giá cổ phiếu A cao hơn giá cổ phiếu H thì giá trị cổ phiếu A bị nghi ngờ là cao hơn.

Kinh Hồng gật đầu: "Tôi hiểu rồi. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho kết quả xấu nhất."

Kinh Hồng nghĩ: Về Đại lục hay đi Hồng Kông sao?

Tuy nhiên, quy mô tài chính của Hồng Kông chỉ bằng một phần mười so với Mỹ.

Phố Wall mới thực sự là đỉnh cao của nơi "ước mơ không bao giờ chết và tiền không bao giờ ngủ".

...

Sau khi trở lại văn phòng ở Phiếm Hải, Kinh Hồng không tiếp tục làm việc.

Anh bước đến trước cửa kính chạm sàn, khoanh tay lại, lặng lẽ ngắm nhìn thành phố "Bắc Kinh" này.

Anh nghĩ đến nhiều thứ.


Ví dụ như sắc lệnh hành pháp trong mấy ngày nay.

Trên thực tế, phiên bản quốc tế và phiên bản tiếng Trung của các sản phẩm thuộc tập đoàn Phiếm Hải hoàn toàn tách biệt, thậm chí có tên gọi khác nhau. Thanh Huy cũng vậy. Nhóm bên Mỹ vận hành các sản phẩm của Mỹ một cách độc lập, nội dung nền tảng mà người dùng Trung Quốc và Mỹ có thể thấy là hoàn toàn khác nhau. Bản quốc tế không xem được nội dung bản tiếng Trung, bản tiếng Trung không xem được nội dung bản quốc tế. Thậm chí, vì sợ bị tố là "có vấn đề bảo mật", phiên bản quốc tế thậm chí còn xây dựng trung tâm dữ liệu ở bên đó, dữ liệu không được lưu trữ chung.

Thế nhưng vẫn chưa được.

Điều này thực tế lại trái ngược với tình hình của nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Trước đây, nhiều máy chủ của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc được đặt bên ngoài Trung Quốc, tất nhiên một lượng lớn dữ liệu họ nắm trong tay cũng lưu trữ ở nước ngoài. Nói cách khác, dữ liệu Trung Quốc do các công ty nước ngoài ở Trung Quốc nắm giữ không thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc, bên kia có toàn quyền sở hữu.

Tuy nhiên, hai hoặc ba năm trước, chính phủ Trung Quốc cũng đã thông qua một đạo luật, tức Luật An ninh mạng, trong đó có quy định đối với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng như giao thông vận tải và năng lượng. Dữ liệu quan trọng được thu thập ở Trung Quốc phải lưu trữ ở Trung Quốc, không được đưa ra khỏi Trung Quốc, hoặc là phải xây dựng một trung tâm dữ liệu độc lập ở Trung Quốc, hoặc do một công ty Trung Quốc quản lý, trừ khi nộp đơn xin miễn trừ. Về cơ bản là liên quan đến dịch vụ đám mây.

Để đạt được mục tiêu này, do nằm trong "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" nên Apple sẽ hợp tác với một công ty Trung Quốc, sẽ lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc trên máy chủ của công ty đó, hai bên đang hợp tác xây dựng trung tâm dữ liệu. Apple kiểm soát khóa kỹ thuật số, và vẫn có toàn quyền sở hữu.

Nhưng đối với các công ty Trung Quốc như Phiếm Hải và Thanh Huy, họ chắc chắn không thể sở hữu "toàn quyền sở hữu" dữ liệu nắm giữ từ các quốc gia khác, thậm chí người ta còn cho rằng họ không có bất kỳ quyền nào, vì lý do này, họ buộc phải nhượng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh quốc tế của mình.

Trong trò chơi giữa các cường quốc, các cá nhân và công ty cũng bị cuốn vào dòng nước lũ.

Nhiều câu chuyện rối bời tràn vào tâm trí Kinh Hồng.

Ví dụ, khi một nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Mỹ được hỏi "trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là gì", bất ngờ thay, câu trả lời là "cạnh tranh quốc gia".

Một ví dụ khác, cách đây vài tháng, một giáo sư mà anh biết trong Kế hoạch Ngàn Người tài đã bị FBI bắt giữ vì nghi ngờ "có vấn đề an ninh", lần này là do công nghệ.

Vài năm trước, để thu hút một số nhân tài ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã phát động Kế hoạch Ngàn Người tài một cách rầm rộ, kêu gọi các học giả nước ngoài đến làm việc trong các trường đại học Trung Quốc. Lúc đó Kinh Hồng đã mơ hồ linh cảm có điều gì đó không ổn, quả nhiên vài năm sau, rất nhiều giáo sư và nhà khoa học tham gia Kế hoạch Ngàn Người tài đã lần lượt bị FBI bắt vì "vấn đề kinh tế", ví dụ như "sử dụng hóa đơn giả để nhận thanh toán chi phí du lịch và các chi phí khác từ trường và Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE)", hay là "nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu khoa học nhưng không sử dụng số tiền đó trong nhà trường". Rõ ràng là giết gà dọa khỉ, nhiều trường đại học Mỹ cũng đã được lệnh điều tra nghiêm ngặt việc "làm thêm" của các giáo sư Trung Quốc, họ có thể bị sa thải nếu bị phát hiện.

Một ví dụ khác, do "áp đặt thuế quan" gần đây, các CEO mà anh quen biết đã rất lo lắng.

Kinh Hồng làm trong ngành công nghệ thông tin nên lúc đó anh đang nghĩ đến chip của Nhật, anh biết sức mạnh to lớn của thứ này, cũng hiểu được mối quan tâm rất lớn của các CEO.

Những năm 1960, nguồn nhân lực ở Mỹ trở nên đắt đỏ, Nhật Bản đã nắm bắt làn sóng đồ điện để phát triển mạnh mẽ ngành thiết bị điện gia dụng, sinh ra hàng loạt gã khổng lồ về thiết bị điện gia dụng như Sony. Sự phát triển nhanh chóng của ngành thiết bị điện gia dụng đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu thị trường về chất bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã dịch chuyển, từ Mỹ sang Nhật, Nhật Bản từng chiếm hơn 50% thị phần.

Vậy tiếp theo thì sao?

Thông qua hai lần đặt bẫy, Mỹ đã bắt giữ hai kỹ sư Nhật Bản của tập đoàn Hitachi và Mitsubishi bị tình nghi đánh cắp bí mật thương mại, lấy lý do này, Mỹ cử người đến hai công ty Nhật Bản với vai trò quản lý cấp cao, để tiến hành giám sát.

Sau đó, đầu năm 1986, Mỹ ra phán quyết chip Nhật Bản bán phá giá, áp thuế chống bán phá giá 100% đối với Nhật Bản và ký Hiệp định bán dẫn Nhật-Mỹ cực kỳ khắc nghiệt. Đồng thời, thuế đối với các sản phẩm liên quan từ Hàn Quốc chỉ dưới 1%, khoảng 0,75%, điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho Hàn Quốc. Kết quả là, một năm sau khi Hiệp định bán dẫn Nhật-Mỹ được ký kết, mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung Hàn Quốc lần đầu tiên có lãi.

Cùng với Thỏa ước Plaza chết người năm 1985, sự tăng giá mạnh của đồng Yên so với đô la Mỹ, ngành bán dẫn của Nhật Bản nhanh chóng mất đi khả năng cạnh tranh và suy thoái.


Tất nhiên, Nhật Bản không ngồi yên chờ chết, họ bắt đầu "đầu tư nước ngoài", đầu tư 170 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm để hỗ trợ chất bán dẫn ở Malaysia và Singapore, các linh kiện công nghiệp như tụ điện ở Philippines, xe hơi và ổ cứng ở Thái Lan, đầu tư ra "Bốn con hổ nhỏ của châu Á".

Bây giờ thì sao? Nhiều thứ giống hệt như trước.

Các công ty bình thường thì lo lắng về việc bị đánh thuế bổ sung, nhưng các công ty công nghệ như họ tham gia vào các lĩnh vực ngày càng rộng hơn, chẳng hạn như công nghệ và dữ liệu, nên họ còn nhiều điều phải lo lắng hơn.

Tính từ khi phần mềm Trung Quốc đầu tiên có tầm ảnh hưởng quốc tế là FlashGet cách đây mười năm, họ đã đi từng bước theo từng năm, các nền tảng và ứng dụng video ngắn, một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới... Số lượt tải xuống ở nước ngoài ngày càng cao, sức ảnh hưởng ngày càng lớn, nên cuối cùng, họ đã đi đến một thời điểm quan trọng khi xung đột nổ ra.

Nói không hiểu thì cũng không hẳn là vậy, thực ra nó rất dễ hiểu.

Thậm chí còn chẳng phải suy nghĩ quá nhiều.

Kinh Hồng chợt nhớ tới câu chuyện được một người bạn cùng phòng sùng đạo Thiên Chúa kể hồi còn học ở Stanford.

Chuyện về Tháp Babel.

Đó là một câu chuyện trong Cựu Ước của Kinh Thánh.

Con người đoàn kết xây dựng một tòa tháp cao có thể dẫn tới thiên đường gần Babylon cổ đại. Để cản trở kế hoạch của loài người, Đức Chúa Trời đã cho tất cả mọi người nói những ngôn ngữ khác nhau, khiến loài người không thể hiểu nhau, không thể bày tỏ ý tưởng, không thể giao tiếp, không thể hợp tác, kết quả là Tháp Babel thất bại.

Bây giờ, hàng tỷ năm đã trôi qua.

Nhưng trong lòng một số người, giấc mơ về Tháp Babel vẫn tồn tại.

Ngày xưa vật liệu là gạch, bây giờ là công nghệ.

Họ vẫn muốn đoàn kết, sử dụng trí tuệ và công nghệ của con người để xây dựng nên một tòa tháp nhìn không thấy, sờ không ra. Họ ảo tưởng, hay mơ mộng hão huyền rằng sau khi Tháp Babel được xây dựng, con người sẽ có khả năng vươn tới bầu trời, nhìn xuống thế giới từ một nơi nào đó trên cao, để hiểu rõ bản thân, hiểu rõ thế giới, hiểu rõ mọi thứ, để họ không còn yếu đuối, không còn bất lực, không còn bị đùa giỡn bởi những điều chưa biết, và từ đó thay đổi số phận mà con người chỉ có thể đầu hàng.

Nhưng hàng trăm triệu năm đã trôi qua, ngôn ngữ không còn là rào cản, mà con người vẫn không thể xây dựng được Tháp Babel.

Nhân loại sẽ không bao giờ có thể xây dựng được Tháp Babel.

- --

Đọc chương này mới thấy rõ những áp lực mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc trong giai đoạn chiến tranh thương mại đó, nghĩ đi nghĩ lại thì cũng tội cho doanh nghiệp với người dân bình thường. Nhưng cũng phải nói, hồi đó cứ đến tối bật Thời sự lên hóng chuyện anh Trump với anh Tập đấm nhau vui lắm.

Đoạn cuối thật sự chạnh lòng, nói hơi bi quan nhưng quả thật là nơi nào có con người, nơi đó còn tranh đấu, chung sống hòa bình đã là điều xa xỉ, chứ nói gì đến hợp tác vì những mục đích cao cả hơn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận