Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Đôi khi, núi non phải đổi dời để cố nhân được tái ngộ.

Ngày 15 tháng Chín năm 1971, tại thủ đô của nước Bangladesh vừa giải phóng, Tiger (Cọp) Niazi đã đầu hàng ông bạn cố tri Sam Manekshaw. Trong khi tôi, về phần mình, tự nộp mình vào vòng tay một cô gái có cặp mắt tròn xoe, mái tóc đuôi ngựa như một sợi thừng đen bóng, và đôi môi ngày ấy còn chưa có cái dáng bĩu ra đặc trưng của sau này. Hai cuộc tái ngộ này không đến một cách dễ dàng, và để tỏ lòng kính trọng đến tất cả những ai đã biến chúng thành sự thật, tôi sẽ tạm dừng câu chuyện, trong giây lát, nhằm làm rõ những tại sao và những vì đâu.

Vậy thì, hãy cho phép tôi được tuyệt đối minh xác: nếu Yahya Khan và Z.A. Bhutto không đồng mưu thực hiện cuộc chính biến ngày 25 tháng Ba, tôi đã không được mặc thường phục bay tới Dacca. Và, trong mọi tình huống, Tướng Tiger Niazi cũng sẽ không có mặt tại đây vào tháng Mười hai. Để tiếp tục: việc Ấn Độ can thiệp vào xung đột ở Bangladesh cũng là kết quả của sự tương tác giữa những thế lực lớn lao. Có lẽ, nếu mười triệu người không vượt biên sang Ấn Độ, buộc nhà cầm quyền Delhi phải chi phí 200.000.000$ một tháng cho các trại tị nạn - cuộc chiến năm 1965, mà mục đích bí mật là tận diệt gia đình tôi, đã chỉ tiêu tốn của họ 70.000.000$! - các binh sĩ Ấn Độ, dưới sự chỉ huy của Tướng Sam, sẽ chẳng bao giờ vượt qua biên giới theo chiều ngược lại.

Nhưng Ấn Độ đến còn vì nhiều động cơ khác: bởi tôi sắp được biết, từ các ảo thuật gia Cộng sản sinh sống dưới bóng Thánh đường Thứ Sáu ở Delhi, giới sarkar[1] tại Delhi hết sức quan ngại về ảnh hưởng đang suy giảm của Liên đoàn Awami của Mujib cũng như việc phong trào Mukti Bahini ngày càng lan rộng. Sam và con Cọp gặp nhau ở Dacca là để ngăn chặn Bahini gia tăng quyền lực. Vì thế nên, nếu không nhờ Mukti Bahini, có lẽ Parvati-phù-thủy cũng chẳng bao giờ tháp tùng quân Ấn trong chiến dịch “giải phóng” của họ...

Nhưng đấy cũng chưa phải là một lời giải thích đầy đủ. Một nguyên nhân thứ ba buộc Ấn Độ phải can thiệp là do lo sợ tình trạng hỗn loạn ở Bangladesh, nếu không được khống chế kịp thời, sẽ lan rộng qua biên giới sang Tây Bengal. Cho nên Sam và con Cọp, cũng như Parvati và tôi, phải mang ơn, ít ra là một phần, những yếu tố bất ổn của tình hình chính trị Tây Bengal về cuộc hội ngộ của chúng tôi. Thất bại của con Cọp chỉ là sự mở đầu của một chiến dịch chống lại cánh Tả ở Calcutta và căn cứ địa của phe này.

[1] Tiếng Urdu, có nghĩa là người có quyền lực, địa vị.

Dù sao đi nữa, Ấn Độ đã đến, và sự thần tốc của cuộc hành quân này - bởi vì chỉ trong có ba tuần Pakistan đã mất một nửa hải quân, một phần ba lục quân, một phần tư không quân, và cuối cùng, sau khi con Cọp đầu hàng, hơn một nửa dân số của mình - một lần nữa lại có phần công sức của Mukti Bahini; bởi vì, có lẽ do ngây thơ, không nhận ra rằng việc Ấn Độ xuất quân vừa nhằm tấn công lực lượng chiếm đóng của Cánh Tây vừa là một nước cờ chiến thuật chống lại chính họ, quân Bahini đã mách nước cho Tướng Manekshaw về cách hành binh của quân Pakistan, về các điểm mạnh và điểm yếu của con Cọp; và cả đóng góp của Ngài Chu Ân Lai, người đã từ chối (bất chấp sự van nài của Bhutto) cung cấp bất kỳ khoản viện trợ vật chất nào cho Pakistan trong cuộc chiến.

Bị khước từ vũ khí Trung Quốc, Pakistan chiến đấu bằng súng Mỹ, xe tăng và máy bay Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ, một mình trên cả thế giới, quyết tâm “ngả” về phía Pakistan. Trong khi Henry A. Kissinger tranh cãi về trường hợp của Yahya Khan, chính ngài Yahya này đang bí mật thu xếp chuyến thăm nhà nước nổi tiếng của Tổng thống Hoa Kỳ đến Trung Quốc... thế nghĩa là có những thế lực ghê gớm đang vận động chống lại cuộc tái hợp của tôi với Parvati và Sam với con Cọp, nhưng bất chấp ngài Tổng thống ngả nghiêng, chỉ còn vỏn vẹn ba tuần nữa thôi tất cả sẽ kết thúc.

Vào đêm 14 tháng Mười hai, Shaheed Dar và buddha đi vòng quanh khu vực ngoại vi của thành Dacca đang bị vây hãm, nhưng cái mũi của buddha (quý vị chắc vẫn chưa quên) có khả năng đánh hơi vượt trội. Dưới sự chỉ dẫn của cái mũi có thể ngửi thấy an toàn và nguy hiểm, họ tìm được đường xuyên qua vòng vây của quân Ấn và tiến vào thành phố dưới sự yểm trợ của bóng tối. Trong khi họ lẩn lút đi qua những con phố không một bóng người ngoại trừ vài kẻ ăn xin chết đói, con Cọp thề sẽ chiến đấu đến người cuối cùng, nhưng hôm sau, ông ta lại đầu hàng. Điều chẳng ai biết: không rõ người cuối cùng này có cảm cái ơn tha mạng hay lại hậm hực vì lỡ mất cơ hội được vào vườn long não.

Thế là tôi đã trở lại cái thành phố nơi, trong những giờ phút cuối cùng trước những cuộc hội ngộ, Shaheed và tôi đã chứng kiến những điều không phải là thật, không thể là thật, vì các chàng trai của chúng ta không thể nào chẳng thể nào hành động đồi bại đến thế. Chúng tôi nhìn thấy những người đàn ông đeo kính, đầu hình trứng[2] bị bắn trong các ngõ phố. Chúng tôi chứng kiến giới trí thức của thành phổ bị thảm sát hàng trăm người một, nhưng chuyện ấy không có thật bởi vì nó không thể là thật. Con Cọp, nói cho cùng, là một tay quân tử, trong khi các jawan của chúng ta đều đáng mười tên babu, chúng tôi đi giữa ảo cảnh hoang đường này của đêm, nấp sau những ô cửa khi lửa nở bừng như những vườn hoa, làm tôi nhớ lại cái cách con Khỉ Đồng thường châm lửa đốt giày để tìm kiếm sự chú ý, có những người bị cắt cổ và vùi dưới những nấm mồ không bia.

Và Shaheed bắt đầu, “Không, buddha - kinh khủng quá, Allah, em không thế tin vào mắt mình - không, không phải thế, làm sao có thể - buddha, anh nói đi, cái gì đã lọt vào mắt em thế này?”

Và sau cùng buddha lên tiếng, biết rằng Shaheed không nghe được: “Ôi, Shaheeda,” gã nói, thể hiện một sự chán ghét sâu xa, “con người đôi khi phải chọn cái mình thấy và cái mình không thấy; quay mặt đi, quay mặt đi đừng nhìn nữa.”

Nhưng giờ Shaheed đang trân trối nhìn một maidan[3] nơi các nữ bác sĩ bị đâm bằng lưỡi lê trước khi bị hiếp, rồi bị hiếp lần nữa trước khi bị bắn. Trên đầu họ và sau lưng họ, ngọn tháp trắng lạnh củạ một thánh đường mù lòa nhìn xuống cảnh tượng ấy.

[2] Egghead (đầu trứng) là một từ lóng chỉ giới tri thức. Rushdie rất thích dùng chữ này (xem thêm Haroun và Biển truyện, Nhã Nam và NXB Văn học liên kết xuất bản năm 2010).

[3] Tiếng Urdu, nghĩa là quảng trường.

Như thể cự nói với mình, buddha lẩm bẩm, “Cái cần nhất lúc này là tìm cách bảo toàn tính mạng. Chúa mới biết vì sao chúng ta quay lại.” Gã bước qua ngưỡng cửa một ngôi nhà bỏ hoang, lớp vỏ vỡ nát, bong tróc của một kiến trúc đồ sộ từng chứa một quán trà, một một tiệm sửa xe đạp, một nhà chứa và một chiếu nghỉ bé tí chắc hẳn từng là chỗ ngồi của một công chứng viên, vì vẫn còn đó chiếc bàn thấp nơi bác ta đã vứt lại một cặp kính nửa tròng, còn đó những con dấu và xấp tem đã một thời cho phép bác không chỉ là một ông già vô danh - tem và dấu biến bác thành trọng tài phân định cái gì là thật và cái gì không.

Người công chứng viên vắng mặt, vì thế tôi không thể yêu cầu bác chứng thực những gì đã xảy ra, tôi không thể đưa ra một lời khai có tuyên thệ; nhưng trên manh chiếu phía sau cái bàn của bác là một chiếc áo rộng và suôn như một tấm djellabah, và không chần chừ gì nữa tôi trút bỏ quân phục, kể cả phù hiệu chó cái của đội CUTIA, và biến thành một người vô danh, một kẻ đào ngũ, giữa một thành phố mà ngôn ngữ của nó tôi không hề biết.

Shaheed Dar, tuy vậy, vẫn đứng ngoài phố, dưới tia sáng ban mai đầu tiên, gã chứng kiến quân lính lẩn lút rút khỏi những-điều-chưa-hề-xảy-ra, và rồi quả lựu đạn bay đến. Tôi, buddha, vẫn ở trong ngôi nhà trống, nhưng Shaheed thì không có được sự bảo vệ của những bức tường.

Khó mà biết tại sao, thế nào, do ai, nhưng có điều chắc chắn là quả lựu đạn đã được ném ra. Vào khoảnh khắc sau cùng của sinh mệnh chưa-bị-xẻ-đôi của gã, Shaheed đột nhiên không thể cưỡng nổi cơn thôi thúc phải nhìn lên... Sau đó, ở chuồng bồ câu của người muezzin, gã bảo buddha, “Lạ lắm, Allah - quả lựu ấy - trong đầu em, cứ như thế, chưa bao giờ nó to và sáng thế - anh biết đấy, buddha, như một cái bóng đèn - Allah, em biết làm gì, chỉ biết nhìn thôi!” - Và đúng thế, nó đấy, lơ lửng trên đầu gã, quả lựu đạn trong giấc mơ của gã, lơ lửng ngay trên đầu gã, rồi rơi rơi, phát nổ ngang lưng gã, thổi bay đôi chân gã đốn một phần nào đó của thành phố.

Khi tôi chạy đến, Shaheed vẫn còn tỉnh, dù bị cắt đôi người, và chỉ tay, “Đưa em lên đó, buddha, em muốn lên em muốn,” thế nên tôi mang thứ giờ đây chỉ còn là một nửa gã trai (và do vậy khá nhẹ) theo cây cầu thang xoắn ốc hẹp leo lên đỉnh ngọn tháp trắng lạnh, nơi Shaheed lảm nhảm về những bóng đèn trong lúc hai đàn kiến đen và kiến đỏ đánh nhau giành một con gián chết, giao tranh dữ dội dọc theo những rãnh nhỏ trên sàn bê tông trát dối bằng bay.

Bên dưới, giữa những ngôi nhà cháy đen, kính vỡ và khói mù, những con người nhỏ như kiến đang ló ra, chuẩn bị cho hòa bình. Tuy nhiên, bầy kiến, phớt lờ những kẻ-giống-kiến, tiếp tục chiến đấu. Và buddha: gã đứng yên ánh mắt mờ đục nhìn xuống chung quanh, đặt mình vào vị trí giữa nửa người trên của Shaheed và món đồ vật duy nhất trong cái tổ chim này: một cái bàn thấp ở trên đặt một chiếc máy quay đĩa nối với loa phóng thanh.

Buddha, đứng chắn cho người bạn đồng hành còn một nửa khỏi vỡ mộng vì nhìn thấy vị muezzin cơ khí hóa này (chủ nhân của một tiếng gọi cầu nguyện sẽ luôn bị vấp ở những chỗ giống nhau), rút trong vạt áo choàng lùng thùng ra một vật lấp lánh, rồi hướng ánh nhìn mờ đục của gã vào cái ống nhổ bạc. Chìm trong dòng suy tưởng, gã giật mình khi tiếng thét vang lên; ngẩng nhìn và thấy một con gián bị vứt bỏ. (Máu đã rỉ theo những rãnh bê tông; bầy kiến, lần theo vệt sẫm màu sền sệt này, đã tìm đến nguồn chất lỏng đang ứa ra, và Shaheed đã bày tỏ sự phẫn nộ khi trở thành nạn nhân của không chỉ một, mà hai cuộc chiến tranh.)

Chạy đến giải cứu, đôi chân nhảy múa trên bầy kiến, buddha vô tình huých khuỷu tay vào một cái công tắc; hệ thống loa được bật lên, và kể từ đó người dân Dacca sẽ không bao giờ quên chuyện một thánh đường đã rú lên nỗi đau đớn hãi hùng của chiến tranh.

Sau một lúc, im lặng. Đầu Shaheed gục về phía trước. Còn buddha, sợ bị phát hiện, liền giấu cái ống nhổ đi và leo xuống thành phố khi Quân đội Ấn Độ tiến vào; bỏ lại Shaheed, người đã không còn lấy thế làm phiền, để giúp vui cho bữa tiệc hòa giải của loài kiến, tôi hòa mình vào phố phường buổi sớm để chào đón Tướng Sam.

Lúc ở trên tháp, tôi nhìn cái ống nhổ bằng ánh mắt mờ đục, nhưng tâm trí của buddha khi đấy không trống rỗng. Nó chứa đựng ba chữ, mà nửa trên của Shaheed cũng liên tục nhắc lại, cho tới khi bầy kiến: chính ba chữ từng, sặc sụa mùi hành, đã làm tôi nức nở trên vai Ayooba Baloch - cho đến khi con ong, vo ve... “Không công bằng,” buddha nghĩ, và rồi, như một đứa trẻ, nhắc đi nhắc lại, “Không công bằng,” hết lần này đến lần khác.

Shaheed, bằng việc hoàn thành tâm nguyện thiết tha của người cha, cuối cùng đã xứng với tên gã, nhưng buddha thì vẫn không thể nhớ nổi tên mình.

Buddha đã tìm lại tên gã ra sao: Ngày xưa, lâu rồi, vào một ngày độc lập khác, cả thế giới mang màu xanh và nghệ. Sớm nay, ba màu chủ đạo là xanh, đỏ và vàng. Và các thành phố reo vang “Jai Bangla!” Và phụ nữ cất lên tiếng hát “Bengal Hoàng Kim Của Chúng Ta”, làm tim họ mê cuồng một nỗi hân hoan... Tại trung tâm thành phố, trên bục dành cho kẻ chiến bại, tướng Tiger Niazi chờ đợi Tướng Manekshaw. (Lý lịch trích ngang: Sam là người Parsee. Ông ta quê ở Bombay. Dân Bombay hôm ấy được một bữa vui ra trò.) Giữa biển màu xanh và đỏ và vàng, buddha trong tấm áo choàng vô danh lùng thùng bị đám đông xô đẩy, thế rồi, Ấn Độ đến. Ấn Độ, dẫn đầu là Sam.

Đây có phải là ý tưởng của Sam? Thậm chí của Indira?

Né tránh những câu hỏi vô ích này, tôi chỉ ghi nhận rằng, cuộc hành quân của Ấn Độ vào Dacca vượt xa một cuộc diễu binh thuần túy, để xứng đáng với một chiến thắng, nó được tô điểm bằng những màn tạp kỹ. Một chiếc quân vận cơ đặc biệt của I.A.F. đã bay tới Dacca mang theo một trăm lẻ một nghệ nhân tạp kỹ và thuật sĩ xuất sắc nhất mà Ấn Độ có thể sản sinh ra. Từ ghetto lừng danh của giới ảo thuật Delhi họ đã đến đây, nhiều người, nhân dịp này, đã khoác lên bộ đồng phục có sức gợi mạnh mẽ của các fauj Ấn Độ, khiến nhiểu người dân Dacca nảy sinh suy nghĩ thắng lợi của Ấn Độ từ đầu đã là tất yếu, bởi ngay các jawan mặc đồng phục của họ cũng là các pháp sư cao tay ấn nhất.

Các nhà ảo thuật và các nghệ nhân khác diễu hành cạnh đoàn quân, mua vui cho đám đông. Có các diễn viên nhào lộn xếp hình kim tự tháp trên những cỗ xe do bò thiến trắng kéo. Những nữ nghệ sĩ uốn dẻo phi thường có thể nuốt chân mình đến tận đầu gối. Những nghệ sĩ tung hứng biểu diễn vượt khỏi quy luật của trọng lực, khiến đám đông phấn khích mắt chữ o mồm chữ a khi họ tung hứng lựu đạn đồ chơi, và giữ bốn trăm hai mươi quả trên không cùng lúc. Những tay thần bài có thể rút quân bài nữ hoàng của chiriya (chúa tể của muôn chim, vương hậu của chất nhép[4]) ra từ sau tai phụ nữ.

Có vũ công lừng danh Anarkali, cái tên nghĩa là “hoa lựu”, biểu diễn những màn bật nhảy uốn éo xoay vòng trên cỗ xe lừa với chiếc khuyên bạc khổng lồ, kêu leng keng trên lỗ mũi bên phải. Có Đại sư Vikram, nghệ nhân sitar, cây đàn có quyền năng hưởng ứng và phóng đại những cảm xúc mơ hồ nhất trong tim khán giả, đến nỗi có lần (người ta đồn thế) ông từng chơi đàn trước một nhóm khán giả đang rất bực bội, và đã kích thích tâm trạng ức chế ở họ mãnh liệt đến nỗi, nếu người chơi tabla[5] không ngăn khúc raga của ông lại giữa chừng thì súc mạnh từ tiếng đàn của ông hẳn đã xui khiến tất cả rút dao đâm nhau và phá sập cả khán phòng... Hôm nay, tiếng đàn của Đại sư Vikram đã khơi dậy niềm hoan hỉ ăn mừng của người dân tới đỉnh điểm. Nó làm tim họ, ta hãy nói rằng, mê cuồng một nỗi hân hoan.

[4] Ở đây tức là con Q nhép. Ở miền Bắc Ấn Độ, chất nhép tượng trưng cho loài chim (chiriya).

[5] Một loại trống nhỏ trong âm nhạc dân gian Ấn Độ.

Và có cả Picture Singh bằng xương bằng thịt, một người khổng lồ cao trên hai mét và nặng một tạ, nổi tiếng là Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian nhờ thuật mê hoặc rắn độc nhất vô nhị. Tài năng của anh ngay cả những tubriwaliah huyền thoại của Bengal cũng không thể vượt qua. Anh sải bước, giữa đám đông đang rú lên hớn hở, từ đầu đến chân quấn đầy rắn hổ mang, rắn lục, rắn cạp nong chết người, tất cả vẫn còn nguyên túi nọc... Picture Singh, nhân vật sau cùng trong danh sách những người sẵn lòng trở thành cha tôi... và đi ngay sau anh là Parvati-phù-thủy.

Parvati-phù-thùy mua vui cho đáp đông với đạo cụ là một cái giỏ lớn có nắp, đan bằng liễu gai. Những khán giả tình nguyện hớn hở chui vào giỏ, và Parvati làm họ biến mất triệt để đến nỗi họ chỉ có thể quay lại khi cô muốn. Parvati, người được nửa đêm ban tặng ma thuật chân chính, đã sử dụng nó để phục vụ cái nghề nghiệp tầm thường của một ảo thuật gia, đâm ra ai cũng hỏi cô, “Mà em làm thế nào vậy?” Và, “Thôi nào, cô em xinh đẹp, tiết lộ đi, việc gì mà ngại?” - Parvati, tươi cười rạng rỡ lăn lăn cái giỏ ma thuật của cô, tiến về phía tôi cùng đoàn quân giải phóng.

Quân đội Ấn Độ tiến vào thị trấn, những người hùng cùa nó theo chân các ảo thuật gia, trong số đó, về sau tôi được biết, có cả gã chiến thần nọ, tên Thiếu tá mặt chuột với cặp đầu gối sát thủ...

Nhưng lúc này, các ảo thuật gia xuất hiện ngày một nhiều, bởi những thuật sĩ sống sót của thành phố đã chui ra từ chỗ trốn, và bắt đầu một cuộc đua tài tuyệt vời, tìm cách vượt mặt mỗi và mọi màn biểu diễn của các ảo thuật gia phương xa. Nỗi đau của thành phố được gột rửa và nguôi ngoai dưới trận phun trào tươi tắn của ma thuật mà họ đem lại. Thế rồi Parvati-phù-thủy nhìn thấy tôi, và trả lại tên cho tôi.

“Saleem! Ôi trời ơi Saleem, Saleem Sinai, có phải cậu không Saleem?”

Buddha giật mình, ngơ ngác như con rối. Mắt đám đông nhìn chòng chọc. Parvati sấn lại gần gã. “Này, đích thị là cậu rồi!” Đôi mắt tròn xoe tìm kiếm trong vùng xanh mờ đục. “Lạy Chúa, cái mũi này, tớ không có ý gì đâu, nhưng đích thị rồi! Này, tớ đây, Parvati đây! Ôi Saleem, đừng có ngớ ra thế, coi nào coi nào...!”

“Đúng rồi,” buddha nói. “Saleem: đúng rồi.”

“Ôi Chúa ơi, vui quá là vui!”

Cô kêu lên: “Arre baap, Saleem, cậu nhớ không - Lũ Trẻ, yaar, Ôi, hay quá đi mất! Mà sao mặt cậu nghiêm trọng thế, trong khi tớ chỉ muốn ôm cậu đến vỡ vụn ra? Bao nhiêu năm tớ chỉ nhìn thấy cậu ở đây,”

Cô gõ vào trán, “và giờ cậu đứng đây, mặt nghệt ra như cá. Nào, Saleem! Coi kìa, ít nhất cũng chào nhau một câu chứ.”

Ngày 15 tháng Mười hai năm 1971, Tiger Niazi đầu hàng Sam Manekshaw, con Cọp với chín mươi ba nghìn quân Pakistan trở thành tù binh chiến tranh. Tôi, trong khi đó, trở thành tù nhân tự nguyện của các ảo thuật gia Ấn Độ, bởi Parvati đã lôi tuột tôi vào đoàn diễu hành và bảo, “Giờ đã tìm thấy đây rồi thì đừng hòng tớ thả cậu đi.”

Đêm đó, Sam và con Cọp uống bằng chota-peg[6] và hồi tưởng về thời trong Quân đội Anh.

“Nói thật, Cọp ạ,” Sam Mankeshaw nói, “ông đầu hàng như thế rất có phong độ.”

Và con Cọp, “Sam, ông đánh một trận ác chiến đấy.”

Một vầng mây nhỏ lướt qua gương mặt của Tướng Sam, “Nghe này, chiến hữu: có những lời đơm đặt khủng khiếp. Về thảm sát, ông bạn ạ, mộ tập thể, các biệt đội tên là CUTIA hay quái quỷ gì đó, được đào tạo nhằm mục đích nhổ tận gốc những phần tử đối lập... chuyện này không có thật chứ hả?”

Và con Cọp, “Biệt đội Liệp Khuyển chuyên Săn lùng và Hoạt động tình báo? Chưa nghe bao giờ; ông bị lỡm rồi, ông bạn già. Tình báo hai bên làm ăn lởm quá. Không, lố bịch, lố bịch hết sức, nói ông bỏ quá!”

“Đây cũng nghĩ thế,” Tướng Sam đáp, “tôi nói, Cọp ạ, gặp lại ông quá hay, lão quỷ già!”

Và con Cọp “Bao nhiêu năm rồi, nhỉ, Sam? Lâu lắm rồi.”

[6] Một loại ly nhỏ để uống rượu, đặc trưng ở Ấn Độ thời kỳ thuộc địa.

“... Trong khi những người bạn cũ hát “Auld Lang Syne” trong nhà ăn của sĩ quan, tôi thực hiện cuộc đào tẩu khỏi Bangladesh, khỏi những năm tháng Pakistan của tôi.

“Tớ sẽ giúp cậu trốn,” Parvati bảo sau khi tôi giải thích. “Cậu muốn cực kỳ bí mật hả?’

Tôi gật đầu. “Cực kỳ bí mật."

Đâu đó trong thành phố, chín mươi ba nghìn lính Pakistan đang chuẩn bị lên xe đến trại P.O.W.[7], nhưng Parati-phù-thủy bắt tôi trèo vào một cái giỏ liễu gai có nắp đậy khít. Sam Manekshaw buộc phải ra lệnh quản thúc bảo vệ đối với con Cọp.

Nhưng Parvati-phù-thủy trấn an tôi, “Thế này họ sẽ không đời nào tóm được cậu.”

[7] Prisoners of War (tù binh chiến tranh).

Đằng sau một trại lính, nơi các ảo thuật gia đang chờ lên máy bay để quay về Delhi, Picture Singh, Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian, đứng cảnh giới cho tôi, tối hôm đó, trèo vào chiếc giỏ tàng hình. Chúng tôi đứng tha thẩn, hút biris, và đợi đến khi không thấy bóng người lính nào, trong khi Picture Singh kể tôi nghe về tên mình. Hai mươi năm trước, một nhiếp ảnh gia của Eastman-Kodak đã chụp ảnh anh – bức ảnh, ngập trong nụ cười và bầy rắn. Về sau đã xuất hiện trên phân nửa số áp phích quảng cáo và quầy trưng bày của Kodak tại Ấn Độ. Kể từ đó, người dụ rắn đã lấy cái biệt danh hiện tại.

“Chú nghĩ sao hỉ, đội trưởng?” Anh gầm gừ thân thiện. “Tên hay đấy chứ, hỉ? Biết làm sao, đội trưởng, anh chịu chả nhớ nổi cái tên cũ, hồi xưa, tên cha mẹ đặt cho ấy! Đần hỉ, đội trưởng?”

Nhưng Picture Singh không đần, và tài mê hoặc mới chỉ là một phần nhỏ ở anh. Bỗng nhiên, vẻ thân thiện ngái ngủ, suồng sã trong giọng anh biến mất, anh thì thầm, “Mau! Mau, đội trưởng, ek dum, cực nhanh đi!”

Parvati nhấc nắp ra, tôi cắm đầu lao vào cái giỏ bí hiểm của cô. Cái nắp đậy xuống, che khuất nốt chút ánh sáng cuối ngày.

Picture Singh thì thầm, “Ô kê, đội trưởng - ngon rồi!”

Parvati cúi xuống gần tôi, môi cô hẳn là áp sát mặt ngoài cái giỏ. Những gì Parvati-phù-thủy thì thào qua lớp liễu gai:

“Này, Saleem: nghĩ mà xem, anh bạn! Cậu và tớ - những đứa con của nửa đêm, yaar! Oách đấy chứ, hả?”

Oách đấy chứ... Saleem, bị bao trùm trong bóng tối của liễu gai, hồi tưởng về những nửa đêm của nhiều năm trước, về những cuộc vật lộn tuổi thơ với mục đích và ý nghĩa. Lòng tràn ngập nỗi hoài nhớ, tôi vẫn không thể cắt nghĩa nổi cái oách ấy là gì. Rồi Parvati lầm rầm gì đó, và, bên trong chiếc giỏ tàng hình, tôi, Saleem Sinai, cùng tấm áo choàng vô danh lùng thùng, biến mất vào hư không.

“Biến mất? Biến mất thế nào, biến mất là sao?” Đầu Padma giật nảy lên, mắt Padma ngơ ngác nhìn tôi chằm chằm.

Tôi, nhún vai, thản nhiên nhắc lại: Biến mất, thế thôi. Tan biến. Tiêu biến. Như yêu tinh ấy: bụp, xong.

“Thế,” Padma cật vấn tôi, “cô ấy đích thực quả thật là phù thủy à?”

Đích thực quả thật. Tôi ở trong giỏ, nhưng cũng không ở trong giỏ. Picture Singh nhấc nó lên bằng một tay và tống nó lên thùng chiếc xe tải Quân đội chở anh và Parvati và chín mươi chín người khác ra chiếc chuyên cơ đang chờ ngoài sân bay quân sự. Tôi bị ném lên cùng cái giỏ, nhưng cũng không bị ném lên.

Về sau, Picture nói: “Không, đội trưởng, anh không cảm thấy sức nặng của chú”, trong khi tôi cũng chẳng cảm thấy chút thịch uỵch bịch nào.

Một trăm lẻ một nghệ sĩ đã đến đây, bằng quân vận cơ của I.A.F., từ thủ đô của Ấn Độ, một trăm lẻ hai người trở lại, mặc dầu một người trong số họ vừa ở đó vừa không ở đó. Phải, thần chú thỉnh thoảng cũng linh nghiệm. Nhưng cũng có khi không: cha tôi, Ahmed Sinai, chưa một lần thành công trong việc nguyền rủa Sherri, con chó cái lai.

Không hộ chiếu hay giấy phép, tôi quay lại, dưới tấm áo choàng tàng hình, xứ sở nơi tôi sinh ra. Tin hay không tùy quý vị, nhưng ngay cả một người hoài nghi cũng sẽ phải đưa ra một cách giải thích khác cho việc tôi có mặt tại đây. Chẳng phải Caliph Haroun al-Rashid (ở một thiên truyền kỳ ra đời sớm hơn) cũng đã từng lang thang, vô danh vô hình vô tướng, khắp phố phường Baghdad trong lớp áo choàng? Điếu Haroun làm được trên phố phường Baghdad, Parvati-phù-thủy đã biến thành hiện thực với tôi khi chúng tôi bay xuyên những tuyến hàng không của tiểu lục địa. Cô đã làm được, tôi trở nên vô hình, bas. Chấm hết.

Hồi ức về sự vô hình: ở trong giỏ, tôi được biết cảm giác chết là như thế nào, sẽ như thế nào? Tôi có được đặc tính của một bóng ma! Tồn tại, nhưng phi vật chất; hiện hữu, nhưng không có thực thể và trọng lượng... Tôi khám phá ra, từ trong giỏ, cách hồn ma nhìn thế giới. Mập mờ nhòa nhạt mơ hồ... Nó tổn tại quanh tôi, nhưng chỉ hơi thôi. Tôi lơ lửng trong khối cầu của không-hiện-diện, và tại rìa của nó, tôi có thể thấy, như những hình ảnh phản chiếu mờ mờ, bóng ma của lớp liễu gai.

Người chết đi, và dần bị lãng quên, thời gian hàn gắn vết thương, và họ nhạt nhòa đi - nhưng trong cái giỏ của Parvati tôi nhận ra rằng điều ngược lại cũng đúng; rằng cả hồn ma cũng bắt đầu quên; rằng người chết cũng mất dần hồi ức về người sống, và sau cùng, sau khi bị tách khỏi sự sống, họ mờ nhạt đi – rằng sự chết, nói tóm lại, vẫn tiếp diễn một thời gian dài sau cái chết.

Sau này, Parvati bảo, “Tớ không muốn nói với cậu - không ai nên tàng hình lâu như thế - nguy hiểm lắm, nhưng biết làm thế nào được?”

Dưới pháp thuật của Parvati, tôi cảm thấy thế giới trôi tuột khỏi sự nắm bắt của bản thân - và thật dễ dàng, thật bình yên biết mấy, nếu không bao giờ phải trở lại! – Nếu có thể trôi nổi giữa vùng mây mù vô định ấy, phiêu dạt xa hơn xa nữa xa mãi, như một bào tử bị gió thổi bay - Tóm lại, tôi đứng giữa sự sống và cái chết.

Thứ mà tôi bấu víu vào trong không-gian-và-thời-gian ma mị ấy: cái ống nhổ bằng bạc. Thứ, cũng trở thành vô hình như tôi dưới lời thì thầm của Parvati, nhưng vẫn cảnh tỉnh tôi về thế giới bên ngoài... Siết chặt món đồ bạc được gò tinh xảo ấy, thứ vẫn lấp lấnh kể cả trong bóng tối không tên, tôi sống sót. Bất chấp sự tê liệt từ-đầu-đến-chân, tôi được cứu thoát, có lẽ, nhờ ánh lấp lánh phát ra từ kỷ vật quý giá của tôi.

Không - không thuần túy là nhờ ống nhổ. Vì, như chúng ta đều đã biết, nhân vật chính của chúng ta chịu ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc của việc bị giam hãm trong không gian hẹp. Mọi biến đổi đều xảy ra với gã trong bóng tối khép kín. Từ chỗ chỉ là phôi trong không gian bí mật của tử cung (không phải của mẹ gã), chẳng phải gã đã lớn lên thành hiện thân của truyền thuyết mới về ngày 15 tháng Tám, thành đứa trẻ của tiếng tích tắc - chẳng phải gã đã xuất hiện như một Mubarak, Đứa Trẻ được Ban Phước? Trong một phòng tắm chật chội, chẳng phải hai thẻ tên đã bị tráo? Một mình trong chiếc tủ giặt với sợi dải rút thọt lên mũi, gã chẳng phải đã liếc thấy một Trái Xoài Đen và khịt quá mạnh, biến bản thân và quả dưa chuột trên mặt gã thành một đài phát thanh nghiệp dư siêu nhiên?

Bị bác sĩ, y tá và mặt nạ gây mê giữ chặt, chẳng phải gã đã đầu hàng những con số và, sau khi bị hút-kiệt-ở-trên, chuyển sang giai đoạn hai, thời kỳ của triết gia khứu giác và (sau này) cao thủ săn lùng? Bị đè bẹp, trong ngôi nhà bỏ hoang, dưới cái xác của Ayooba Baloch, chẳng phải gã đã nhận thức được ý nghĩa của công-bằng-và-bất-công? À, thế thì - bị giam hãm trong sự nguy hiểm của chiếc giỏ vô hình, tôi được cứu thoát, không chỉ bởi ánh lấp lánh của cái ống nhổ, mà còn nhờ một sự biến đổi khác: trong vòng cương tỏa của nỗi cô đơn thoát ly thể xác kinh khủng ấy, một nỗi cô đơn có mùi nghĩa địa, tôi khám phá ra giận dữ.

Bên trong Saleem, có gì đó đang phai nhạt và có gì đó đang ra đời. Phai nhạt: niềm tự hào cũ vế tấm-hình-em-bé và lá thư lồng khung kính của Nehru. Quyết tâm cũ sẵn sàng nhận lãnh một vai trò lịch sử đã được tiên đoán. Và sự sẵn lòng tha thứ, sẵn lòng thông cảm cho việc cha mẹ hay người lạ có quyền lưu đày hay khinh bỉ gã chỉ vì gã xấu. Ngón tay cụt và đầu sư cọ xem ra không còn là những lý do đủ thuyết phục cho cách mọi người đối xử với gã, với tôi.

Đối tượng của sự phẫn nộ trong tôi, trên thực tế, là tất cả những gì tôi đã, cho tới lúc đó, chấp nhận một cách mù quáng: việc cha mẹ mong mỏi tôi sẽ đền đáp sự đầu tư của họ vào tôi, bằng cách trở nên vĩ đại; thiên-tài-rủ-xuống-tựa-khăn-san; và chính các chế độ liên kết đã khơi dậy trong tôi một cơn giận đột ngột, mù quáng.

Sao lại là tôi? Tại sao, vì những sự ngẫu nhiên của lời tiên đoán lúc chào đời và vân vân, tôi lại phải chịu trách nhiệm về những vụ bạo loạn ngôn ngữ và người-kế- tục-Nehru, về cách mạng của lọ gia vị, và về những quả bom đã tiêu diệt gia đình tôi? Tại sao, tôi, Saleem Thò Lò, Cả Khịt, Mặt Bản Đồ, Mảnh Trăng, lại bị quy kết về những gì quân lính Pakistan không-gây-ra tại Dacca?... Tại sao, duy nhất trong tất cả hơn-năm-trăm-triệu-con-người, mình tôi phải mang gánh nặng của lịch sử?

Cảm xúc được khám phá của tôi về sự bất công (có mùi hành) đã khởi đầu, cơn giận vô hình của tôi đã hoàn thiện. Phẫn nộ giúp tôi sống sót trước sự quyến rũ êm ái mê mị của sự tàng hình; giận dữ làm tôi quyết tâm (sau khi được giải phóng khỏi tình trạng tiêu biến, dưới bóng một Thánh đường Thứ Sáu) bắt đầu, kể từ giây phút ấy, tự chọn cho mình một tương lai riêng, phi-tiền-định. Và ở đó, trong sự tĩnh lặng của cảm giác biệt lập sực mùi nghĩa địa, tôi nghe thấy giọng hát xa xưa của cô Mary Pereira đồng trinh:

Bất cứ gì con muốn thành, con sễ[8] được,

Con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn.

[8] Mary phát âm không chuẩn, đọc chữ you can be (con có thể) thành you kin be.

Đêm nay, hồi tưởng về cơn giận cũ, tôi vẫn hoàn toàn bình thản, mụ Góa phụ đã hút kiệt giận dữ khỏi tôi cùng với mọi thứ khác. Nhớ lại cuộc nổi loạn phát sinh trong giỏ, cưỡng lại vận mệnh, tôi thậm chí tự cho phép mình nở một nụ cười giễu cợt, thấu hiểu. “Con trai,” tôi lẩm bẩm một cách độ lượng xuyên qua năm tháng tới Saleem-ở-tuổi-hai-tư, “sẽ mãi là con trai.”

Tại Quán trọ Góa phụ, tôi đã nhận được bài học khắc nghiệt và nhớ đời của sự Không Thể Thoát. Giờ đây, gò lưng trên giấy dưới quầng sáng Anglepoise, tôi không còn muốn là gì khác ngoài chính bản thân mình.

Tôi là ai, cái gì? Trả lời: tôi là tổng hợp mọi thứ diễn ra trước tôi, mọi thứ tôi đã là đã thấy đã làm, mọi thứ được-làm-với-tôi. Tôi là tất cả mọi người mọi vật mà sự-tồn-tại-trên-thế-giới-này tác động đến tôi bị tôi tác động, tôi là bất kỳ thứ gì xảy ra sau khi tôi ra đi nhưng sẽ không xảy ra nếu tôi không xuất hiện. Tôi cũng không phải là ngoại lệ cá biệt trong vấn đề này; mỗi một “Tôi”, mỗi cá nhân trong số này-là-hơn-sáu-trăm-triệu-con-người chúng ta, đều chứa đựng một sự đa dạng tương tự. Tôi nhắc lại lần cuối: để hiểu tôi, quý vị sẽ phải nuốt cả thế giới.

Mặc dù lúc này, khi quá-trình-trào-ra của những-gì-ở-trong-tôi đã gần tới hồi kết; khi những vết nứt đang toác ra từ bên trong - tôi có thể nghe và cảm thấy tiếng nhay xé gặm - tôi bắt đầu mỏng dần đi, gần như trong mờ; chẳng còn bao nhiêu tôi nữa, và không bao lâu nữa sẽ chẳng còn gì. Sáu trăm triệu hạt bụi, tất cả trong suốt, vô hình như thủy tinh...

Nhưng lúc ấy tôi rất giận dữ. Hiện tượng cường vận động nội tiết trong cái bình liễu gai hai quai: mồ hôi và mùi hôi trào ra từ tuyến eccrine và apocrine, như thể tôi đang cố gắng bài tiết số phận qua các lỗ chân lông. Và, để công bằng với cơn phẫn nộ của mình, tôi phải ghi nhận rằng, nó đã giành được một thành tựu tức thời - rằng khi từ giỏ tàng hình lăn ra dưới bóng thánh đường, tôi đã được, nhờ có cuộc nổi dậy, giải thoát khỏi tình trạng trầm mê của sự tê liệt. Khi bổ nhào xuống nền đất khu ghetto của giới ảo thuật, tay khư khư cái ống nhổ bạc, tôi nhận ra mình đã bắt đầu, một lần nữa, có cảm giác.

Có những nỗi đau, ít ra, vẫn có khả năng bị chế ngự.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui