Những kẻ điên rồ phải chết

Chương 51
Tôi không có lịch sử. Đó là điều Janelle không bao giờ hiểu. Rằng tôi “tự khởi động” vào đời, thân lập thân, hoàn toàn không nhờ vả được ai, bởi chẳng hề biết đến ông bà, cha mẹ chú bác, cô dì hoặc bạn bè của gia đình hay ngay cả một người họ hàng xa loại “bắn ba lần ca-nông chưa tới” cũng không nốt.
Tôi chẳng hề có một kỉ niệm thuở ấu thơ nào về một căn nhà riêng biệt hay một nhà bếp của gia đình mình.
Rằng tôi bắt đầu lịch sử đời mình với chính mình và anh Arthur của mình. Và rằng khi tôi “triển khai tự ngã,” hay nói cách khác, tôi “nới rộng hiện hữu tự thân,” với Vallie và lũ nhóc và gia đình nàng và sống với nàng trong một ngôi nhà ở thành phố, khi tôi trở nên một ông bố một người chồng, họ trở thành thực thể của tôi, sự cứu chuộc của tôi? Nhưng tôi không phải lo lắng về Janelle nữa. Tôi đã không gặp nàng từ hơn hai năm rồi và ba năm đã trôi qua kể từ khi Osano mất.
Tôi không chịu nổi việc hồi tưởng những kỉ niệm với anh Artie và khi chỉ mới nghĩ tới tên anh thôi, những dòng lệ từ đâu đã kéo tới làm nhòe đôi mắt tôi, nhưng anh là người duy nhất trên đời này mà tôi từng khóc khi nghĩ đến.
Trong hai năm qua, tôi đã ẩn mình trong thư phòng nhà mình, đọc, viết và làm một ông bố khả kính, một người chồng mẫu mực. Đôi khi tôi đi ăn tối với bạn bè, nhưng tôi thích nghĩ rằng cuối cùng đã trở nên nghiêm túc và tận tụy. Rằng từ nay tôi sẽ sống cuộc đời của một học giả. Rằng những cuộc phiêu lưu của tôi đã qua. Nói tóm lại là, tôi đang cầu mong rằng đời mình sẽ không còn những bất ngờ nữa. An toàn trong căn phòng này, vây bọc bởi những quyển sách tôi mê thích, Austen, Diekens, Dostoievsky, Joyce, Hemingway, Dreiser và cuối cùng là Osano, tôi cảm thấy sự kiệt lực của một con thú đã nhiều lần thoát khỏi sự săn bắt trước khi về lại được hang ổ của mình.
Bên dưới tôi, nơi căn nhà giờ đây là lịch sử của tôi, tôi biết vợ tôi đang bận bịu trong nhà bếp chuẩn bị bữa ăn tối chủ nhật. Các con tôi đang xem ti vi và chơi bài trong tầng nhà hầm và bởi vì tôi biết chúng ở đó, nên sự buồn bã nơi phòng này hoàn toàn chịu được.

Tôi đọc lại mọi tác phẩm của Osano và quả thật lúc khởi đầu ông là một nhà văn lớn. Tôi cố gắng phân tích sự thất bại của ông trong quãng đời về sau, sự bất lực của ông để hoàn tất quyển tiểu thuyết vĩ đại mà ông hoài bão trong bao nlnêu năm. Ông bắt đầu choáng mắt bởi sự kì diệu của thế giới quanh mình và những con người trong đó. Ông kết thúc bằng cách viết về sự kì diệu của chính mình. Mối bận tâm số một của ông, như người ta có thể thấy, là biến chính cuộc đời mình thành một huyền thoại. Ông viết cho thế giới hơn là cho chính mình. Trong mỗi dòng chữ viết ra, ông kêu gào sự chú ý đến con người Osano hơn là nghệ thuật của Osano. Ông muốn cả và thiên hạ đều biết rằng ông khôn ngoan như thế nào, xuất sắc như thế nào. Ngay cả ông muốn chắc rằng những nhân vật ông tạo ra sẽ không che lấp mất hào quang của ông. Ông giống như một nghệ sĩ nói tiếng bụng lại đâm ra ganh tị với những tiếng cười mà con rối của mình gây ra cho khán giả. Thật là xấu hổ. Tuy thế tôi vẫn nghĩ về ông như một con người vĩ đại. Tính nhân văn mãnh liệt nơi ông, tình yêu cuộc sống dữ dội nơi ông, tài năng xuất chúng của ông và sống bên ông, tuy hay gặp rắc rối, nhưng cũng được lắm trận cười.
Làm sao tôi có thể nói rằng ông là một nghệ sĩ thất bại khi những thành tựu của ông, dầu có những khiếm khuyết hình như vẫn vĩ đại hơn của tôi nhiều.
Ông đã viết ra những dòng văn xuôi đẹp nhất, tạo ra những ý tưởng mãnh liệt nhất trong thế hệ của ông, nhưng ông lại thích thú muốn làm một kẻ vô luân.
Tôi đọc tất cả các ghi chú của ông, tất cả hơn năm trăm trang trên giấy màu vàng. Đó là những ghi chú rất hay. Nhưng những ghi chú thì có là gì đâu. Người ta đâu có thể in một cuốn sách toàn những ghi chú.
Nhận thức ra điều này khiến tôi suy nghĩ về bản thân. Rằng tôi đã viết những quyển sách mang số phận tử vong. Nhưng bất hạnh hơn Osano, tôi đã cố sống không ảo tưởng và cố tránh né nguy cơ. Rằng tôi không có được tình yêu cuộc sống dữ dội như ông và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống như ông.
Tôi nghĩ về Osano từng nói rằng đời sống vẫn luôn cố đẩy bạn vào đó. Và có lẽ đó là lí do tại sao ông sống hoang dại như vậy và chiến đấu khổ nhọc đến thế để chống lại những vùi dập đọa đày của bao thăng trầm hưng phế.
Trước đây đã lâu, Jordan đã kéo cò súng chĩa vào đầu mình. Osano đã sống đầy đủ cuộc đời và chấm dứt cuộc đời ấy khi không còn chọn lựa nào khác.

Còn tôi, tôi đã cố gắng thoát khỏi việc đội cái mũ ma thuật hình chóp. Tôi nghĩ về một điều khác mà Osano từng nói “Đời sống vẫn luôn đi vào quỹ đạo” và tôi biết ông muốn nói gì. Thế giới đối với một nhà văn giống như một trong những bóng ma nhợt nhạt kia, càng phai nhạt dần theo tuổi tác và có lẽ đó là lí do Osano bỏ viết.
Tuyết đang rơi dày xuống bên ngoài các cánh cửa sổ phòng làm việc của tôi. Một màn trắng bao phủ các cành cây trơ trụi xám xịt, các bồn cỏ úa vàng xơ xác trong mùa đông. Nếu tôi là người đa cảm và có thiên hướng, sẽ dễ dàng gợi lên các khuôn mặt của Osano và Artie đang trôi dạt tươi cười qua những bông tuyết cuộn xoáy đó. Nhưng tôi từ chối làm điều này. Tôi không quá đa cảm, cũng không quá dễ dãi với chính mình cũng không quá tự trắc ẩn đến thế?
Tôi có thể sống không có họ. Cái chết của họ không làm giảm thiểu tôi chút nào như có lẽ họ từng nghĩ
Không, tôi đang an toàn nơi đây, trong phòng làm việc của tôi. Ấm áp như ổ bánh mì mới ra lò. An toàn, chẳng sợ gì cơn cuồng phong đang quét những bông tuyết đập vào cửa kính phòng tôi. Tôi sẽ không rời căn phòng trong mùa đông này.
Bên ngoài, mọi đường xá đều đóng băng, xe của tôi có thể bị trượt, lật nhào và cái chết có thể chợp mắt và nghiền nát tôi. Cái lạnh độc địa có thể làm nhiễm trùng buồng phổi tôi máu tủy tôi. Ôi ngoài cái chết, còn vô khối nguy cơ rình rập để ám hại ta.
Vô số những tên gián điệp của tử thần có thể len lỏi vào trong nhà ta và ngay cả vào trong tim óc ta. Tôi phải mở cuộc phòng vệ chống lại chúng.
Tôi có những biểu đồ treo quanh các bức tường của phòng làm việc. Những biểu đồ cho công việc, cho sự phòng vệ và sự cứu rỗi của tôi. Tôi đã phác thảo một tiểu thuyết về Đế quốc La mã để rút lui vào quá khứ. Tôi đã phác thảo một tiểu thuyết về thế kỉ thứ hai mươi lăm nếu tôi muốn trú ẩn vào tương lai.

Hàng trăm quyển sách chồng lên để đọc, để vây quanh đầu óc tôi. Tôi kéo một chiếc ghế bành mềm đến bên cửa sổ để có thể ngồi thoải mái nhìn tuyết rơi. Chuông từ nhà bếp reo lên. Bữa ăn đã sẵn sàng. Cả gia đình đang chờ tôi. Tôi đang ngắm tuyết rơi, một trận bão tuyết.
Thế giới bên ngoài trắng xóa một màu. Chuông lại réo lên, thôi thúc, kéo dài. Tôi khóa cửa lại, xuống nhà đi vào phòng ăn. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Cả nhà đã tụ tập nơi đó. Lũ nhỏ sắp trưởng thành và sẵn sàng để ra đi tự lập. Vallie xinh xắn trong chiếc áo nội trợ với tấm tạp dề trước ngực và mái tóc nâu xinh xắn của nàng buộc gọn ra sau. Mặt nàng đỏ hồng lên, có lẽ vì sức nóng của nhà bếp, hay có lẽ vì sau bữa ăn tối nàng sẽ đi ra ngoài hẹn hò với gã tình nhân nào đó. Có thể như thế chăng? Chuyện đó có thể hay không thể? Tôi chẳng có cách nào biết được.
Cho dù thế, đời sống chẳng đáng giá để trân trọng gìn giữ hay sao?
Tôi ngồi xuống đầu bàn. Nói đùa với đám con. Ăn uống. Cười nịnh bà xã và khen tài nấu nướng của nội tướng. Sau bữa ăn tối, tôi sẽ quay về thư phòng, đọc viết và cảm nhận trọn vẹn mình đang song.
Osano, Malomar, Artie, Jordan, tôi nhớ các anh.
Nhưng các anh sẽ không lôi kéo tôi theo được. Nhưng tất cả những người tôi yêu dấu quanh chiếc bàn này có thể, một ngày nào đó, tôi phải lo lắng điều đó.
Trong bữa ăn, tôi nhận được cuộc gọi từ Culli dặn tôi đến gặp anh ở phi trường vào ngày hôm sau.

Anh sắp đến New York vì công việc. Sau hơn một năm, đây là lần đầu tôi được điện thoại của Culli và qua giọng nói của anh tôi biết anh đang bối rối.
Tôi đến phi trường sớm so với chuyến bay đến của Culli, vì thế tôi mua vài tờ tạp chí để đọc trong khi nhâm nhi li cà phê và dùng miếng sandwich. Khi tôi nghe thông báo chuyến bay anh đang hạ cánh, tôi bèn đi xuống khu hành lí nơi tôi vẫn thường đứng chờ anh. Như thường lệ, ở New York phải mất khoảng hai mươi phút để hành lí xuống đến nơi. Vào lúc đó phần lớn hành khách đang tụ tập quanh băng chuyền hành lí nhưng tôi vẫn chưa thấy Culli. Tôi tiếp tục tìm kiếm anh. Đám đông thưa dần và sau một lát chỉ còn một vài chiếc vali trên băng chuyền.
Tôi gọi điện thoại về nhà và hỏi Vallie có nghe Culli gọi đến không và nàng bảo không. Rồi tôi gọi đài thông báo chuyến bay của hãng hàng không TWA và hỏi Culli Cross có lên chuyến bay không. Họ bảo tôi rằng anh có giữ chỗ nhưng không thấy anh xuất hiện. Tôi gọi đến Xanadu Hotel ở Vegas và gặp cô thư kí của Culli. Cô nói vâng, theo như cô biết, Culli đã bay đi New York. Cô biết anh hiện không ở Vegas và sẽ không quay lại trong vòng vài ngày tới. Tôi không lo lắng lắm. Tôi nghĩ rằng có công việc khẩn bất ngờ. Culli vẫn hay bay đi khắp nơi ở Mỹ và cả trên thế giới vì công việc của khách sạn. Chắc là có việc khẩn cấp nào đó vào phút chót khiến anh phải thay đổi hành trình và chắc anh sẽ liên lạc với tôi.
Nhưng từ trong sâu thẳm hồn tôi, có một ý thức day dứt rằng trước đây chưa bao giờ anh cho tôi “leo cây” như thế này, rằng anh vẫn luôn cho tôi biết về sự thay đổi trong kế hoạch của anh và rằng, theo như cách xử sự rất chu đáo của anh thì khó có chuyện anh để tôi lên phi trường đợi đón hàng giờ khi anh không đến.
Tuy thế, tôi cũng chờ cả tuần khi không nghe anh gọi và không biết anh ở đâu, tôi mới gọi cho Gronevelt.
Gronevelt vui mừng khi nghe tôi gọi ông. Giọng ông nghe mạnh mẽ, đầy khí lực. Tôi kể cho ông nghe đầu đuôi câu chuyện và hỏi ông Culli có thể ở đâu và nói rằng trong bất kì trường hợp nào tôi nghĩ tôi phải thông báo cho ông.
- Đó không phải là chuyện có thể nói qua điện thoại, - Gronevelt nói. - Nhưng tại sao anh không đến làm khách của tôi mấy ngày ở đây để đàm đạo với nhau cho vui?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận