Những lá thư không gửi


Dành tặng Philippe Silvy
I
Ernest
Cậu bước đi chậm rãi về phía tòa nhà. Mắt không hề nhìn ngó xung quanh.
Vẫn con đường ấy. Vẫn bên vỉa hè ấy. Cậu đi thẳng một mạch từ nhà đến trường, rồi lại từ trường về nhà, chẳng bao giờ phát kiến ra con đường nào khác.
Cậu nặng nề leo hết năm mươi bảy bậc cầu thang lên tới gác ba. Cậu không nhảy chân sáo mà cứ từ từ leo từng bậc một. Ernest không vội. Mười năm trôi qua trong cuộc đời cậu không có gì gấp gáp. Cậu bé sống như một ông cụ non.
Ernest cất cặp vào phòng riêng; căn phòng ít đồ đạc nhất nhà vì là phòng nhỏ nhất. Căn phòng khiến người ta liên tưởng tới một cái tủ hốc tường hay phòng giam trong nhà tù xưa: một chiếc giường cá nhân, một cái bàn, một cái ghế, một cái tủ, mọi thứ được xếp ngăn nắp không chê vào đâu được. Cậu lôi sẵn sách vở bài tập ra khỏi cặp rồi mới đi vào bếp ăn lót dạ.
Một quả táo xanh to và một miếng bánh mì nướng đã nằm sẵn ở đó chờ cậu từ buổi trưa. Ngày nào cũng vậy, sau khi dọn sạch bàn ăn bữa trưa, bà quản gia phần sẵn đồ ăn cho cậu trên bàn. Thực đơn bữa lót dạ ít khi thay đổi.
Ăn được vài miếng, món táo làm cậu phát ớn, nhưng cậu vẫn ăn hết. Sau đó, cậu bắt tay vào làm bài tập rất chăm chú và theo trình tự. Cậu biết làm xong bài càng nhanh thì cậu có thể lục bới cái tủ duy nhất không khóa.
Khi bà nội nghe thấy tiếng kẹt cửa của tủ sách và tiếng cửa kính lách cách bà mới từ phòng riêng bước ra và đến ngồi trong phòng khách cùng Ernest.
“Cháu chào Bà ạ” Ernest vừa nói vừa ngồi xuống chiếc tràng kỷ bằng nhung đã cũ mèm. Chưa bao giờ có ai gọi Bà nội bằng tên: Précieuse(1). Thật khó tưởng tượng có ai đó lại xưng hô với bà như vậy.
1. Tiếng Pháp nghĩa là Quý – ND.
Bà gật đầu chào cháu. Hiếm khi thấy bà nói, mà nếu có thì cũng chỉ đôi ba lời. Ernest cảm giác nếu bà cử động thêm nữa thì không khéo bà tan biến mất. Bà nội cậu tám mươi tuổi, song trông bà già nua hệt như những người bà trong chuyện cổ tích. Da bà nhăn nheo và khô tới mức Ernest sợ nếu chẳng may bà cười thì nó sẽ tan thành bụi mất. Nhưng Bà nội không bao giờ cười. Bà đi lại khó nhọc, ăn uống không ngon miệng, và bà trông nom cậu cháu bởi nghĩa vụ. Vì ngoài bà ra không còn ai khác.
Bà đã nuôi Ernest khi cậu vừa mới lọt lòng, sau ngày mẹ cậu mất. Người nhà Morlaisse thường chết vì tai nạn, những tai nạn do lịch sử gậy ra: Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã cướp đi cụ nội của cậu, còn người cha đẻ của cậu thì biến mất một cách khó hiểu sau đám tang mẹ cậu, khi Ernest mới sinh được một ngày.
Chẳng thế bà nội cậu đã mất cha khi mới năm tuổi, mất chồng vào năm ba mươi tuổi, và mất con vào năm bảy mươi tuổi, cùng lúc được thừa hưởng một đứa trẻ sơ sinh mà bà chẳng còn sức lực hay tinh thần để nuôi nấng nữa.
Song bà đã làm điều phải làm.
Bà mướn ngay một người phụ nữ cũng gần bằng tuổi bà để chăm sóc ăn uống và vệ sinh cho đứa nhỏ. Đó là Germaine. Lúc ấy bà cũng vừa mất chồng, lại không có con. Germaine nhận công việc này để trốn nỗi cô đơn hơn là cần kiếm tiền. Hai người đàn bà rất hợp nhau vì họ có cùng nguyên tắc… rất nhiều nguyên tắc. Hai người sống bên nhau, như hai đường thẳng song song. Trong số rất nhiều phòng của tòa nhà, bà nội của Ernest dành cho bà Germaine một phòng riêng, nhưng Germaine không thích ở lại qua đêm, trừ thời gian đầu khi Ernest vẫn hay thức đêm, và thi thoảng những khi xấu trời.
Vậy là bà Germaine cũng đã cao tuổi. Bà che giấu tuổi già của mình bằng một lớp trang điểm rất hiện đại. Đồ phấn son của bà Germaine có lẽ là chút hiện đại duy nhất trong ngôi nhà không hề có thiết bị máy móc và ti vi này. Lúc đầu bà Germaine còn hăng hái nhổ tóc trắng, cố gắng làm mờ những vết nhăn và hay làm giảm bớt những lượng mỡ thừa, nhưng rồi bà đã đầu hàng và rơi vào trầm uất. Những năm đầu, bà ân cần chăm sóc Ernest và nói với cậu những lời duy nhất cậu có thể nghe được, song ngay khi cậu đi học, Germaine cũng bắt đầu trầm mặc như bà chủ của mình. Lời nói qua lại chỉ dành cho những trao đổi cực kỳ cần thiết, và thậm chí việc trao đổi này cũng không hẳn nhất thiết, vì mọi việc trong nhà tự nó vẫn trôi theo thời gian, theo thói quen, bởi chán nản, chỉ phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu.
Bà Germaine lo chợ búa và nấu ăn. Đáng nhẽ bà có thể gọi điện đặt mua hàng nhưng nhà không có điện thoại. Một người phụ nữ khác cũng đã già là bạn của Germaine thì dọn dẹp nhà cửa. Còn quần áo bẩn được mang ra hàng giặt là.
Bà Mornaisse ngồi im như tượng, dáng vẻ ủ ê. Khi trước bà vẫn thường đọc sách bên cạnh Ernest. Nhưng giờ mắt bà mỏi rất nhanh. Thường khi Ernest ngẩng đầu khỏi cuốn sách, cậu đã thấy bà ngồi ngủ gật thẳng đờ trong ghế bành. Thậm chí bà còn ngáy khiến cho căn phòng có thêm chút âm thanh sống động ngoài tiếng tích tắc đều đặn của những chiếc đồng hồ treo tường. Ernest biết Bà nội chắc không thích biết mình ngáy nên cậu chẳng bao giờ để bà nhận thấy điều này.
Dù ngủ sâu đến mấy thì cứ tới 20 giờ bà lại bật dậy nghe tin tức. Chiếc đài là một trong những kiểu mẫu được sản xuất đời đầu. Bắt được sóng của đài France Inter cũng khó như hồi chiến tranh dò nghe tin tức của đài phát thanh Luân Đôn. Âm thanh nghe cứ xa vời vợi, lại còn nhiễu nữa. Bà Mornaisse nghe không rõ nữa, còn người phóng viên không hề nghĩ phải nhắc lại mỗi tin tức ba lần. Điều đó không quan trọng, vì bà Mornaisse không quá tò mò về thế giới. Thi thoảng mới có một từ, một cái tên, một đất nước khiến bà có phản ứng. Nếu tình cờ người phóng viên nói tới “nước Đức”, thì bà lại thở dài nhắc lại “nước Đức”. Việc quan trọng với bà là bật đài vào lúc 20 giờ, như bà vẫn thường làm.
Còn Ernest thì chăm chú nghe từ đầu đến cuối, như thể người ta sẽ cho cậu lời giải đáp về điều cậu đang tìm. Vấn đề chính trị, bầu cử, các chính trị gia không làm cậu quan tâm. Cậu kiên nhẫn ngồi trên chiếc tràng kỷ và chờ đợi cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ ba nổ ra, mà chắc chắn nó lại cuốn theo một người nữa trong nhà Mornaisse, giống như những cuộc chiến trước đó.
Hai mươi giờ ba mươi phút, nhà Mornaisse mới dùng bữa tối. Thực đơn ngày nào cũng như ngày nào: món súp. Súp dễ tiêu hóa, giúp chóng lớn và ban đêm ngủ ngon, với điều kiện là không cho muối và hạt tiêu. Buổi tối bà Germaine không đến. Ernest hâm nóng lại món súp và xếp bát đĩa vào bồn rửa bát. Sau đó cậu ngoan ngoãn đi ngủ, không nài nỉ gì thêm. Trẻ con cần phải ngủ mà. Trước khi làm vệ sinh cá nhân, cậu nói: “Cháu chúc Bà ngủ ngon.” Và bà nháy mắt đáp lại.
Như vậy, các ngày trong tuần, Ernest ngoan ngoãn thức dậy dù không có gì phấn chấn, ăn hai miếng bánh mỳ nướng quết mứt cam đắng do người em họ của bà Germaine ở miền Nam làm, uống một cốc sữa ấm, thắt cà-vạt, xếp sách vở vào cặp và đi tới trường. Trưa nào cậu cũng về nhà, vì cả Germaine và Bà nội đều không tin tưởng đồ ăn ở căng-tin trường. Ở nhà Mornaisse, mọi người không ăn đồ hộp và đồ đông lạnh. Cá còn tươi nguyên đầu, khoai tây thì mới đào khỏi đất chưa hề qua chế biến ở nhà máy. Bà Mornaisse sợ đồ ăn ở trường có quá nhiều muối, đường và nhiều ảnh hưởng xấu. Germaine thì ngại những thứ dầu ăn không đảm bảo, đồ chiên rán, thịt ôi và môi trường quá ầm ĩ.
Ernest không có đồ Jean và cũng chẳng có đồ thể thao. Mỗi năm hai lần có người thợ may tới nhà đo và cắt may cho cậu một bộ quần áo không thuộc mốt thế kỷ trước và cũng chẳng phải mốt thế kỷ này. Trông nó giống bộ đồng phục của học sinh nội trú kiểu Anh quốc thì đúng hơn. Người thợ may cung cấp luôn cả áo sơ-mi, cà-vạt, khăn tay, đồ lót, tất và một chiếc áo măng-tô cho cậu.
Cách ăn mặc này khiến cho Ernest khó tiếp xúc với những đứa trẻ khác; nói đúng ra thì cậu né tránh không phải vì đó là sở thích mà bởi tính cẩn trọng. Mọi người không chế giễu cậu. Họ quen rồi. Ernest là học sinh giỏi nhất lớp, trừ môn viết luận khi thầy giáo bắt phải thuật lại một chương trình ti-vi, kỳ nghỉ hè vừa qua, hay kể về hoạt động ngày chủ nhật.
Ngày chủ nhật, Ernest còn ít hoạt động hơn những ngày thường. Thời gian trôi nhỏ giọt như trong một chiếc đồng hồ cát bị ẩm. Bà Germaine chỉ rẽ qua để chuẩn bị và phục vụ bữa trưa, một bữa ăn chủ nhật có thịt và ba loại rau, kèm món tráng miệng là mứt.
Sau giờ nghỉ trưa, bà Mornaisse gọi Ernest ra phòng khách. Bà rút ra từ bộ ngực nhăn nheo một chiếc chìa khóa, mở cánh cửa bằng gỗ dát, lấy ra một chiếc hộp bằng sứ mỏng tang trong có để lá thư. Hai bà cháu ngồi quanh chiếc bàn có chân đẽo hình sư tử mạ vàng.
“Bà đọc thư ạ?” Ernest hỏi.
Bà Mornaisse rút lá thư khỏi phong bì, cẩn thận giở nhẹ nhàng và nhìn đăm đắm như thể lá thư có những giải pháp cho tất cả trò chơi ghép hình trên đời này. Song chữ trong lá thư không đọc được. Ernest biết điều này, nhưng mỗi chủ nhật cậu lại thêm hy vọng. Ngay đến cậu, tuy học giỏi nhất lớp, cũng không thể hiểu được dù là một ký hiệu nhỏ nhất. Chẳng phải là chữ A, chữ B, hay chữ Z, mà chỉ toàn những thứ loằng ngoằng câm lặng. Bức thư này do cụ nội của cậu gửi về từ một ngôi làng gần mặt trận. Trong số những bí mật của ngôi nhà này thì đây là điều bí mật lớn nhất, hoặc có thể là điều bí mật lớn thứ hai. Ernest nghĩ nếu cậu tiếp tục là học sinh xuất sắc, thì một ngày nào đó, cậu sẽ khám phá ra mọi bí mật.
II
Victorie
Ernest không cười. Ở trường, cậu chỉ tham gia thảo luận khi thầy giáo gọi đích danh tên cậu. Các câu trả lời của cậu bao giờ cũng chính xác, cân nhắc kỹ và hiệu quả, còn nhận xét của cậu thì rất tinh và đúng mực. Ernest yêu mến ngôi trường bởi âm thanh giọng nói làm dịu nỗi cô đơn của cậu, và ngôi trường giúp cậu nuôi hy vọng một ngày nào đó có thể đọc được điều bí mật ẩn sau vết mực nhem nhuốc trên bức thư nhàu nát.
Tụi con trai để Ernest yên trong sự đơn độc của cậu.
Trái lại, các cô bạn gái thì cố làm mọi cách cho cậu để mắt tới, cố len vào thế giới của cậu, và ra sức hút cậu vào vòng vây của các nàng. Một điều không thể che dấu, đó là vẻ đẹp của cậu. Tất cả các cô gái đều mơ ước được chạm vào người cậu, được nắm bắt lấy cậu. Hay chí ít cũng mong nhận được một cái nhìn từ đôi mắt đen láy của cậu, đôi mắt vốn chỉ nhìn xuống đất, hướng lên trời hay chăm chú vào các trang sách.
Các nàng mang bánh ga-tô đặt lên chỗ bàn của cậu, nhưng nó vẫn nằm nguyên ở đó cho tới khi người dọn dẹp đi qua. Ernest không phải bất lịch sự, chỉ có điều cậu chưa bao giờ ăn bánh ga-tô nên nó khiến cậu sợ. Germaine và bà nội cũng không ăn. Thi thoảng cậu thấy trên bàn có một hộp mứt kẹo rất hấp dẫn hay như một loại quả lạ, song cậu biết có những nguyên tắc và không được ăn vặt giữa các bữa ăn.
Các cô nàng thường xuyên gửi thư cho cậu. Cậu không hề có ý nghĩ mở những lá thư ra đọc. Cho nên cậu không biết có những lời nhắn: “Ernest, mình yêu cậu.” “Cậu đẹp trai lắm, cậu ăn bánh ga-tô của mình đi.” “Thứ tư tới mời cậu tới cuộc vui của mình.” Những lời tỏ tình tràn đầy niềm hy vọng vô hiệu.
Giờ ra chơi, cậu thường ngồi đọc sách trên chiếc ghế băng hoặc dưới mái hiên sân trường. Tan học, cậu đi thẳng về nhà. Không hề ngó nghiêng ra xung quanh. Vài cô bé đi theo cậu với hy vọng cậu sẽ nói với các cô vài lời. Các cô biết nhà cậu, nôn nóng chờ cậu ra khỏi nhà, và mong chờ cậu nói một lời chào.
Cuộc sống của Ernest không có những bất ngờ. Hàng ngày nó cứ lặp lại theo đúng một kiểu. Không có gì ngạc nhiên… cho tới một ngày thứ hai đầu tháng mười một. Bà hiệu trưởng bất ngờ xuất hiện trong lớp học, bà đẩy ra trước mặt cô học trò mới. “Tôi giới thiệu với các em đây là bạn Victoire de Montardent. Từ nay bạn sẽ học lớp các em.”
Ernest hơi bất ngờ. Cái cô Victoire này trông khác với đám con gái kia, cô ăn mặc gần giống Ernest, áo vét màu xanh nước biển, váy xếp ly, áo sơ-mi nghiêm chỉnh. Một dải khăn màu đen cuốn bộ tóc dài màu đen. Và vì chỉ còn chỗ bên cạnh cậu là còn trống, thầy giáo xếp cô bé vào đó. Cô bé vừa ngồi xuống vừa chào Ernest với giọng rất tự nhiên không kiểu cách. Ernest chẳng còn cách nào khác là phải chào đáp lại.
Lúc thầy giáo đưa một quyển sách cho cô bạn ngồi bên, Ernest chỉ số trang cho cô. Cậu bắt buộc phải làm thế. Mỗi khi thầy nói: “Ernest, thầy giao cho con nhiệm vụ giải thích bài cho bạn mới nhé”, Ernest làm theo lời thầy như một cái máy, không hề nhìn cô bạn, song không quên kiểm tra chắc chắn xem cô đã hiểu bài chưa chỉ bằng một câu: “Đúng không nào?”
Và cô thưởng cho cậu một câu trả lời cương quyết: “Đồng ý!”
Giờ ra chơi, thay vì ra chỗ tụi con gái, Victoire lại theo Ernest tới ngồi trên chiếc ghế băng và cậu làm gì thì cô làm theo, có nghĩa là đọc một quyển sách, có điều là cô chẳng có cuốn nào. Thế là cô ngồi sát vào cậu cùng đọc một cuốn sách, cố đưa mắt theo nhịp đọc của cậu và sẵn sàng mỗi khi cậu giở sang trang khác.
Cuối giờ ra chơi, Ernest gấp sách lại và quay vào lớp, theo đuôi là Victoire. Đến giờ ăn trưa ở căng-tin trường học, Ernest khoác áo măng-tô về nhà, vẫn có Victoire bám theo đuôi suốt dọc đường. Lúc cậu mở cửa vào nhà, cô kêu to lên với cậu: “Nhà tớ cách đây một chút thôi. Lát nữa tớ sẽ qua đón cậu nhé. Chúc cậu ăn ngon!”
Khi cậu ra khỏi nhà cô bé đã đứng đợi cậu. Ernest bước đi dứt khoát như không có Victoire bên cạnh. Và để cho cậu cảm nhận rõ sự hiện diện của mình, cô khoác lấy tay cậu và hỏi: “Cậu sống ở đây lâu chưa?” Ernest gật đầu. “Cậu không bao giờ ăn ở căng-tin trường à?” Cậu lại lắc đầu. “Cậu có anh chị em gì không?” Cậu đưa đầu từ trái qua phải. “Cha mẹ cậu có nghiêm khắc không?” Victoire chẳng mấy quan tâm Ernest có trả lời các câu hỏi của cô hay không, một mình cô nói thừa đủ cho cả hai. “Cha mẹ mình rất nghiêm khắc: ở nhà mình chưa làm xong bài tập thì còn lâu mới được xem ti-vi. Cậu thích chương trình nào nhất? Cậu thích ăn món gì nhất? Thứ tư được nghỉ cậu làm gì? Còn tớ thì chơi đàn piano và đi bơi. Nhà cậu đi nghỉ hè ở đâu? Cậu có sưu tầm gì không? Mình thì chuyên sưu tầm giấy bạc bọc các thanh kẹo sô-cô-la. Cậu đã du lịch nước ngoài bao giờ chưa? Cha mẹ cậu có cho cậu tới hội hè không?”
Ernest, một học sinh giỏi như thế, bỗng nhiên lại tỏ ra ngớ ngẩn; cậu không thể trả lời nổi một câu hỏi nào. Cậu không biết tên một ca sĩ nào, không biết một chương trình truyền hình nào. Còn món ăn ưa thích nhất của cậu ư? Ở nhà cậu ăn những gì người ta phục vụ. Món súp thường xuyên có trong bát của cậu chắc phải đưa lên đầu danh sách. Nhưng cậu lại không đặc biệt thích món súp. Còn bộ sưu tập ư, điều duy nhất cậu nghĩ tới, đó là năm mươi bảy bậc cầu thang trong tòa nhà cậu ở, hoặc những bước đi tới trường (cậu thường xuyên đếm chúng), hoặc từng giây phút ăn mòn một ngày thậm chí không cần biết người ta có nhận ra, hay những phút giây khác trôi qua nặng trịch.
“Mình hỏi cậu đến giờ khá nhiều rồi. Chẳng lẽ cậu không có gì hỏi mình à?”
Ernest lo lắng. Chưa bao giờ có ai hỏi cậu điều gì và cậu cũng không học được cách đặt câu hỏi. Hơn nữa, ở cậu không có tính quá tò mò muốn biết về những người cậu gặp gỡ. Tuy nhiên cậu vẫn tìm câu hỏi. Cậu bắt cái phần trong bộ óc của mình cho tới giờ chưa được dùng đến phải làm việc để cố lôi ra một điểm thắc mắc nhỏ nhất. Song miệng cậu không thốt ra được lời nào. Nhưng cậu lại muốn tỏ ta tử tế với cô bạn. Như hiểu được sự bối rối của cậu, Victoire hỏi: “Không sao đâu Ernest. Cậu đẹp trai lắm nên chẳng cần nói cũng đủ hấp dẫn rồi.” Cô còn nắm lấy cánh tay cậu thật chặt. Ernest không tin ở tai mình. Cậu ư? Đẹp trai? Một tin đầu tiên.
Một câu hỏi…một câu hỏi. Người ta không hỏi nếu không muốn biết câu trả lời. Cậu đưa mắt nhìn cô bất thình lình và lắp bắp: “V-V-V-Victoire! Cậu trịnh trọng nói. Sao bạn lại có tên là Victoire(2)?” Cậu chờ đợi câu trả lời là để kỷ niệm một chiến thắng lịch sử nào đó.
2. Tiếng Pháp nghĩa là Chiến Công – ND
“Bởi vì mình được sinh ra sau mười hai người anh trai. Bố mẹ mình thèm một cô con gái tới mức đã cố sinh tới lần thứ mười ba. Và mình là Chiến công của bố mẹ!”
Ernest tự hỏi không biết người anh trai thứ mười hai của Victoire có tên là Bại trận không. Cậu thì thào: “Mười hai anh trai?!”
“Bây giờ nhà mình có mười ba cơ. Mẹ mình muốn thử nốt một lần cuối xem có thêm được cô con gái nữa không. Nhưng hỏng rồi. Lại một đứa con trai. Nó được sáu tháng.”
“Đúng là cả một tiểu đội”, Ernest nghĩ. Suốt buổi chiều, cậu không ngừng tưởng tượng ra cảnh Victoire giữa mười ba cậu con trai. Điều đó làm cậu không tập trung, nhưng vì cậu vốn quá chỉn chu ở trường nên mọi việc vẫn trôi qua suôn sẻ. Victoire vẫn theo cậu suốt. Giờ ra chơi cô vẫn ngồi đọc sách qua vai của Ernest. Những cô bạn gái khác trong lớp im lặng càu nhàu xung quanh hai người, nhưng “cặp đôi” vẫn điềm nhiên, không hề để ý tới.
Vào cuối ngày, khi thầy giáo tới đặt vào tay Victoire một chồng sách chất ngất và nói cô bé phải đọc hết để chuẩn bị cho buổi học ngày mai, cô bé đặt một nửa chồng sách vào tay Ernest, và ra lệnh: “Cậu đi cùng mình!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui