Những lá thư không gửi


III
Jérémie
Khi hai đứa về đến cửa nhà của Ernest, cậu rất muốn đặt chồng sách xuống và lịch sự nói: “Mình không thể đi xa hơn.” Nhưng rõ ràng với số sách nhiều thế kia thì một người không thể bê nổi, và cậu thừa đủ lòng tốt để hiểu: người ta không bỏ rơi một đồng loại đang lúc cần giúp đỡ. Tuy nhiên việc vượt quá ranh giới thói quen khiến cậu thấy lạnh hết cả sống lưng. Bà nội không cấm cậu làm điều này, nhưng cậu vẫn cảm thấy kỳ cục thế nào đó. Cậu ngỡ ngàng thấy mình vẫn còn thở khi đi qua khu nhà, và không cảm thấy sấm chớp đổ ập xuống cậu. Cậu chưa bao giờ bị Bà nội phạt; vì cậu chẳng làm điều gì để bị phạt cả.
Ernest đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chỉ cách nhà cậu gần ba trăm mét, nơi cậu sống khép kín trong bốn bức tường từ mười năm nay, thì nào là chó mèo, trẻ em và đủ thứ khác nữa đang nô đùa trong gió và bỗng khiến tâm hồn Ernest chợt rung động. Lần đầu tiên cậu cảm thấy bạo dạn, như một tay đi săn thị thành, một người ưa phiêu lưu khám phá ngay trong khu ở của mình, gần giống như một người anh hùng.
Cậu theo Victoire đi qua một vườn hoa công cộng rồi tới trước cửa khu nhà của cô bé. Khu nhà chạy dọc theo vườn cây xanh rì này. Cậu đặt chồng sách xuống trước cửa và nói: “Đây nhé!” Cái từ “đây nhé” này chứa cả một loạt ý nghĩ diễn ra trong đầu Ernest: “Mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một người hàng xóm, một người bạn học, một người công dân, nghĩa vụ của một con người rồi nhé.” Ernest hiểu thấu cái từ “nghĩa vụ” này.
“Không được, mà…!” Victoire chuyển chồng sách đang bê sang tay Ernest, rồi cúi xuống ôm chồng sách kia lên và đẩy cậu ra trước cửa thang máy. Chồng sách rung rung chứng tỏ Ernest đang sợ. “Mình đi bộ thôi.”
“Cậu điên à? Lên tận tầng bảy cơ mà. Bố mình hay gọi là tầng trời thứ bảy.” Cô bé đẩy Ernest vào trong cái khung bằng sắt thô này và nó từ từ chạy lên. Ernest cảm giác như ngừng thở. “Trẻ con cũng được phép đi thang máy à?”
Victoire dướn một bên lông mày và nheo một mắt lại suy nghĩ. “Tại sao không?”
Ra khỏi thang máy, Ernest cảm giác như có phép lạ vì thấy mình vẫn còn sống. Cậu đặt chồng sách xuống trước cánh cửa duy nhất của chiếu nghỉ và lại nói: “Đây nhé!” Nhưng cậu chưa kịp chạy ra cầu thang bộ thì cánh cửa mở ra, có một anh thanh niên đang bế một em bé trên tay. Em bé cười toét miệng, ngó ngoáy và chìa ta về phía Ernest đang đứng như trời chồng.
“Cậu bế em đi, nó thích cậu đấy, Victoire đề nghị. Đây là Jérémie”.
Jérémie khoái chí đã bám chặt như đỉa trên ngực Ernest. Cậu đang tự hỏi không biết đây có phải trận sấm sét đang đợi cậu không, và bỗng nhiên một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ khiến khuôn mặt cậu thoáng rạng lên nụ cười. Cảm xúc ấy cậu chưa từng được biết đến. Jérémie quàng chặt lấy cậu bằng hai cánh tay mũm mĩm, khiến cậu gần ngạt thở. Trên đời này chưa bao giờ có ai ôm chặt Ernest như thế. Cậu thấy thực sự hạnh phúc.
“Đừng đứng ở đấy! Vào nhà đi!” Người thanh niên nói với cậu.
“Em không thể. Em phải đi đây.” Cậu nói một câu “tạm biệt” rất nhỏ và đi xuống bậc thang.

“Ê… cậu bế em đi theo à?” Victoire hét toáng lên.
“Ôi, xin lỗi! Mình không để ý”, Ernest nói và quay lại.
“Chà, cậu biết đấy, bớt được một tên…”
“Đây! Mình trả lại em bé cho mọi người!” Ernest nói dứt khoát và cố gỡ em bé bướng bỉnh đang bám chặt lấy cậu.
“Em vào nhà đi!” Anh cao lớn nhắc lại.
“Đây là Dan, anh cả mình, anh ấy hai mươi hai tuổi. Còn xin giới thiệu với anh, đây là Ernest, người bạn thân nhất của em.”
Nghe từ “bạn”, Ernest vô cùng xúc động. Cậu theo hai người qua lối vào nhà, nơi có hàng chồng các thùng giấy to tướng, và sau đó vào trong một hành lang dài thật tiện lợi cho hoạt động đang diễn ra ở đó, một cuộc trượt pa-tanh bằng bánh xe luồn giữa các thùng giấy khác. Có ba người trượt pa-tanh đang cãi nhau về một chức danh vô địch tự ứng tác. “Ba tên đấy là Zabulon, Naphtali và Asher, Victoire nói nhỏ với cậu, lũ tinh nghịch!”
Ba tên này sàn sàn tuổi với Ernest và Victoire. Ernest tự hỏi không biết đấy có phải là những cái tên châu Phi không. Cậu nhắc lại mấy cái tên: “Zabulon, Naphtali, Asher?”
“Bố mẹ mình muốn đặt tên cho các con theo chủ đề. Họ đã nghĩ tới các vị vua của Pháp, nhưng không thể gọi tất cả tụi con trai là Louis được. Bố mẹ mình biết là họ muốn có rất nhiều con nên đã tự nhủ với nhau rằng họ sẽ bắt đầu bằng những tên mười hai thị tộc của Israel. Không ngờ hai người lại đẻ ra đủ số con trai dùng hết mười hai cái tên đó.”
“Tên của Kinh Thánh phải không?”
“Ừ, cậu biết à?”
“Nhà mình có một quyển kinh rất cũ, mình có đọc qua nhưng không nhớ hết tất cả các tên.”
Hai đứa đi vào một phòng khách lớn ở giữa có bốn “thị tộc” khác đang tranh nhau cái điều khiển từ xa. Cái ti-vi, đồ vật duy nhất nằm ngoài thùng giấy, đang phát ra âm thanh to tướng và cả bốn đứa cũng vậy.

“Đấy là Gad, Benjamin, Ephraim và Manassé.”
Ernest vẫn đang bế em bé, cậu ngơ ngác cảm thấy một thứ nước lỏng âm ấm từ tay mình chảy xuống đất như thác nước Niagara(3). Vitoire nhìn thấy và cằn nhằn Dan: “Anh không thay tã cho em từ lâu rồi phải không?”
3. Một danh thắng được xếp hạng kỳ quan thiên nhiên thế giới,một nửa nằm trên địa phận của nước Mỹ, một nửa của Canada - ND
“Anh vừa về đến đây. Hỏi Juda xem, đấy là phiên cậu ấy mà.”
“Cho qua đi! Chúng ta sẽ thay tã cho em.”
Victoire bảo Ernest đi theo cô vào căn phòng cô ở chung với Jérémine cuối căn hộ rộng lớn. Căn phòng giống như một vườn thú nhồi bông với các đồ có động cơ, các hộp nhạc và vô số đồ chơi, tất cả vừa được lôi ra từ những thùng các-tông rỗng. Chúng cũng góp phần trang trí thêm cho căn phòng đã quá nhiều thứ. Ernest nghĩ tới căn buồng thầy tu của mình và tự hỏi không biết làm sao Victoire có thể làm việc ở trong đó. Victoire chỉ cho Ernest một tấm ván đầy rêu. Cậu đặt Jérémie lên đó và đứng quan sát những động tác thành thục của người mẹ trẻ con này. Thay tã xong cho Jérémie, cô để em vào giữa đống thú bông khổng lồ, rồi cô lau quần áo cho Ernest, cầm tay cậu và dẫn vào bếp. Căn hộ chia thành nhiều phần của gia đình. Chỗ nào cũng thấy cửa khiến có cảm giác như có tới ngàn lẻ một phòng. Trước một cánh cửa khép hờ, Victoire chỉ cho Ernest một cậu anh khác đang nghiêng người bên bàn làm việc. “Đấy là anh Ruben, suốt ngày học. Chuẩn bị thi tú tài mà! Năm nay anh ấy được miễn không phải trông em.”
Ở nhà bếp có Issachar và Simon đang gọt một đống khoai tây. Ernest không đếm được nhưng cậu cảm giác tầng này chứa cả một trung đoàn. Victoire chìa ra cho cậu một cái khay màu nâu đậm bằng cao su và nói: “Cậu mở miệng ra!” Việc này thì Ernest không nghe theo. “Mình phải về đây. Thật đấy!”
“Cậu phải ăn sô-cô-la đã!”
“Không, xin cảm ơn.”
“Cậu phải giúp mình. Nếu cậu ăn một nửa thanh, mình sẽ có tờ giấy bạc thứ một ngàn cho bộ sưu tập của mình. Cậu nếm thử đi! Đây là loại sô-cô-la có 72 phần trăm ca cao đấy.”
“Mình không ăn đâu, mình có bữa lót dạ ở nhà rồi.” Ernest vừa lùi lại vừa nói: “Tạm biệt bạn.” Cậu nghe thấy tiếng hét của Jérémie bị bỏ một mình. “Em bé khóc kìa”, cậu nói trong bếp.
“Cậu đừng lo, nó thể hiện đấy mà. Ai chẳng từng có lúc như thế” Vitoire đưa cậu ra tận cửa. Có một điều trong vô số điều khác khiến Ernest thắc mắc. Cậu không thể không hỏi Victoire rằng: “Này, bạn có bố mẹ không?”
Cô bé dướn lông mày và nheo một mắt lại. “Hỏi gì lạ thế, có chứ, ai chẳng có bố mẹ! Cậu cũng phải có bố mẹ chứ, đúng không?”

“Không, mình không có”, Ernest vừa quay đi vừa nói.
IV
Bà Précieuse
Ernest ngắm kỹ cái khung sắt của cầu thang máy có khả năng đưa cậu lên tới tầng ba mà không bị toát mồ hôi. Dù cảm giác mệt đến bất chợt, theo thói quen, chân cậu vẫn đi ra cầu thang bộ. Cậu leo hết năm mươi bảy bậc cầu thang, trong khi đầu óc lại nghĩ đến chuyện khác. Cậu như thấy lại em bé, Victoire, một lô các anh con trai, và cậu thắc mắc: “Lẽ nào lại có một người phụ nữ có chừng ấy đứa con, trong khi một người khác lại chết ngay sau khi hạ sinh được duy nhất một đứa con trai tội nghiệp? Mười bốn người con! Có nghĩa là mẹ của Victoire đã mất mười hai năm rưỡi để mang thai, với ít nhất là năm mươi sáu tháng trong tình trạng béo phì khủng khiếp. Nhưng không chỉ có vậy. Ernest nghĩ tới cái thứ chất thảm hai chứa trong tã lót của Jérémine được nhân thành mười bốn lần. Làm cách nào có quần áo mặc cho chừng ấy người, rồi còn nuôi nấng, dạy dỗ họ? Thêm vào đó bố mẹ thậm chí không có mặt ở nhà để giám sát. “Bố mẹ làm việc”, Victoire đã nói với cậu như vậy. Phải làm chứ, dù rõ ràng là họ chỉ có khoai tây để ăn.
Ernest bước vào nhà, để cặp sách vào buồng riêng, đưa mắt nhìn quả táo và món bánh mỳ khô đang nằm im phắc đợi cậu. Cậu vòng qua trước phòng bà. Mọi thứ không có gì thay đổi, có thể bà không để ý tới việc cậu về muộn, song cậu vốn quá thật thà. Cậu thì thầm, không muốn nhỡ làm bà thức dậy: “Bà ơi, cháu về rồi. Cháu về muộn.” Rồi cậu lại vòng một lần nữa – hôm nay đúng là ngày vòng đi vòng lại – trong phòng khách, nơi cất cái hộp đựng lá thư thách thức cậu. Và như có một phát hiện mới, cậu tính: “Bây giờ mình tự nhiên quen tới mười bốn người, đúng ra là mười ba người, có thể giúp mình đọc lá thư.” Lần thứ hai chỉ trong một ngày, cậu bất giác mỉm cười. Cậu ăn hết quả táo một cách ngon lành, say sưa làm hết bài tập rất nhanh. Nhưng, tới giờ nghỉ giải lao như mọi khi, mắt cậu vẫn dán chặt vào cuốn sách, song không thể đọc được dòng nào. Sự say mê khó tả từng biến những biểu tượng trên giấy thành những cảm xúc dâng tràn lên trái tim nay không còn tác dụng nữa. Các từ ngữ không thể chui vào đầu. Các câu chữ thì ứ đọng. Cậu gắng đọc đi rồi đọc lại, nhưng trong đầu cậu chỉ đầy ắp những sự việc diễn ra trong ngày. Chỗ này chỗ kia, một từ trong cuốn sách được gán với một tình huống trong ngày: những chữ như “anh”, “bạn” trước đây chưa từng có ý nghĩa với cậu. Đọc đến chữ “cưỡng ép”, cậu có ý nghĩ rằng Victoire đã cưỡng ép cậu. Chẳng thèm hỏi ý kiến của cậu, cô đã biến cậu thành nô lệ của cô ấy. Đúng là một thủ lĩnh thực sự, một thủ lĩnh của khu phố. Hoặc cậu đi hoặc cậu chết. Và Ernest, không thể đừng được đã lại mỉm cười lần thứ ba. “Thủ lĩnh muôn năm!”
Vào 20 giờ, vẫn chưa thấy bà ra phòng khác. Ernest lo lắng. Liệu có phải cú sét đánh cậu đang đợi không? Thế nhỡ bà chết thì sao? Phải mất vài giây cậu mới đủ dũng cảm gõ cửa phòng bà, và ít nhất phải một phút sau mới dám bước vào. Bà đang ngồi trên giường, chân thõng xuống dưới đất, trông như người mộng du, trên tay cầm một phong bì. Nhìn thấy Ernest, bà như giật mình choàng tỉnh. Động tác đầu tiên của bà là nhét cái phong bì xuống dưới gối giữa cả một tập thư.
“Bà ơi, 20 giờ rồi ạ”
Bà gật đầu, run run đứng dậy và bước đi vẻ khó nhọc. Bà bật đài. Cái đài tuôn ra một lô một lốc tin tức về động đất, cháy rừng, nạn đói và nội chiến. Bà tắt đài và Ernest hâm lại món súp. Lần đầu tiên trong đời cậu muốn kể với bà về những gì diễn ra trong ngày. Bà chẳng bao giờ hỏi cậu cả. Ngày tháng đến rồi đi, nó trôi qua như vốn phải vậy. Người ta làm những việc phải làm. Không hơn. Bỗng Ernest mong muốn hơn thế. Mà thi thoảng cũng phải tạo ra một chút gì đó khác ngày thường chứ.
“Bà ơi”, cậu nói, cảm thấy không biết báo tin cho bà thế nào. Bà nội thấy cậu cháu có vẻ bồn chồn. Món súp dường như không làm cho cậu bình tĩnh. “Mà nó đã lớn rồi. Nó đẹp trai thật, bà nghĩ, và ngày càng giống thằng cha nó.” Bà buông một tiếng thở dài khiến Ernest suýt phải dừng ý định của mình. Cậu không biết nên chọn chuyện gì, trong tất cả những điều cậu muốn hỏi và muốn nói với bà. Cuối cùng cậu chọn một chuyện vô hại nhất, tuy có hơi làm cậu bối rối. Không biết có nên để bà biết những trò ngu ngốc của cậu không, hay cậu cần tránh để bà nghe? Cậu cần nói với bà.
“Bà ơi, hôm nay cháu không về thẳng nhà. Cháu phải giúp một cô bạn học cùng lớp. Và trên đường đi cùng cô ấy về nhà, chúng cháu có đi qua một khu vườn lớn gần ngay đây thôi bà. Bà có biết khu vườn ấy không ạ?”
Bà gật đầu.
“Vườn đẹp lắm ạ. Bà ơi, thi thoảng bà có ra khỏi nhà khi cháu ở trường không?”
Bà cúi xuống và nói rất nhỏ “Không”. Quả thật, Ernest biết rằng bà chẳng bao giờ ra khỏi nhà. Và lúc này cậu cảm thấy hơi hối hận về ý nghĩ của mình. Cậu không chắc chắn rằng ra ngoài đi dạo là cần thiết cho sức khỏe. Cậu cũng không biết Bà nội tuổi đã cao song có khỏe không. Những lúc cảm thấy khó ở, bà thường đi nghỉ và nằm ngủ. Còn khi Ernest bị cúm, đau họng, đau tai, thì bà cho cậu một viên Aspirine. Cậu chưa bao giờ phải nghỉ học. Bà cũng chưa bao giờ cho gọi bác sĩ tới. Các căn bệnh rồi cũng trôi đi… y như ngày tháng vậy.
Cậu lên kế hoạch để đưa bà nội ra ngoài chơi. “Mình đã không làm gì cho bà, cậu nghĩ. Và mình chẳng biết gì về bà cả.”
Hình ảnh bà ngồi bất động trên giường đã khiến cậu bật hỏi: “Bà ơi, bà làm gì suốt cả ngày ạ?”

Bà chăm chú nhìn đứa cháu như vừa bị hóc món gì, hay có gì đó đã phá đi sự đều đặn câm lặng hàng ngày của hai bà cháu. Chắc chắn bởi hai bà cháu không có thói quen nói chuyện nên từ ngữ cứ đầy ắp lên, chất chứa và nghẹn lại nơi miệng bà tới mức như bị niêm phong. Lời nói nếu không tuôn ra liên tục, thì nó đóng băng lại. Ngôn từ là những vị sứ giả của tâm hồn. “Ta làm gì suốt ngày ư? Ta tồn tại. Một cách chủ động.” Song với Ernest thì bà lại nói: “Chẳng làm gì cả. Bà nghỉ ngơi.”
“Nhưng bà ơi, người ta chỉ nghỉ sau khi đã làm một việc gì đó chứ.” Cậu nghĩ tới điều thầy giáo nói, rằng người nào không làm gì sẽ trở nên yếu ớt, đau ốm và phát điên.
“Bà nghỉ ngơi sau cả cuộc đời dài. Bà suy ngẫm.”
“Bà suy nghĩ về chuyện gì hả bà?”
“Về những người thân đã chết của bà.”
Ernest không thích câu trả lời này vì người ta sẽ chết nếu cả đời chỉ sống với những người chết. “Người chết thì đã chết rồi, Bà ạ. Họ không thể sống trở lại được.”
“Nhưng dù sao vẫn không được quên họ.”
“Chúng ta vẫn có thể nhớ về họ trong khi làm những việc khác phải không ạ?”
Bà có lẽ hơi ngạc nhiên vì quan điểm của cậu cháu.
Cậu không muốn tỏ ra hỗn xược. Nhờ có bà cậu mới có được một mái nhà, được ăn, được mặc, có sách vở, song dù không muốn cậu vẫn buột ra: Bà có nghĩ tới cháu không ạ?”
“Người ta thường nghĩ tới những người vắng mặt nhiều hơn. Cháu thì vẫn ở đó, buổi sáng đi học, trưa cháu lại về, cháu làm bài tập và cháu chẳng làm ta buồn khổ gì.”
Ernest cảm thấy hối tiếc tự nhủ: “Và cháu cũng chẳng làm được gì để bà vui.”
Có một câu cậu muốn hỏi vô cùng, nhưng không dám đề cập tới. Bà cậu dường như bừng tỉnh. Bà cảnh giác, thậm chí hơi có cảm giác bị vây đồn, bà chờ đợi một câu hỏi hóc búa. Cậu ngắm nhìn những nếp nhăn thời gian đã ghi dấu trên khuôn mặt bà như thể chúng có khả năng giải đáp cho cậu điều khó hiểu.
“Ernest này, bà muốn dùng thêm một ít súp nữa”, bà nói để kéo dài thêm thời khắc này. Ernest hơi bối rối khi thấy bà ăn ngon miệng hơn bình thường. Cậu đứng dậy, rồi lại ngồi xuống. Cậu đặt khuỷu tay lên bàn, hai tay chống cằm và hỏi:
“Bà ơi, bố cháu chết rồi phải không ạ?”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận