Những lá thư không gửi


XI
Benjamin
Ernest và bà Précieuse quen rất nhanh với sự ào ào chớp nhoáng của Henriette và tất cả những điều thú vị cô mang tới, dù lúc đầu có hơi “sốc”. Ernest biết rằng cuộc đời có thể ban tặng những điều bất ngờ và mỗi ngày có thể có bất ngờ riêng của nó. Victoire là bất ngờ lớn nhất, kèm theo đó là cả một gói những điều bất ngờ nhỏ hơn, bình thường và to lớn. Mỗi ngày thức dậy, Ernest lại cảm thấy thèm ăn hơn và tò mò hơn với những thú vị mới. Như thể cái lần đầu tiên cậu được sinh ra đời không phải là lần may mắn; mẹ cậu mất, cha cậu thì mất tích, bà nội hốt hoảng, Germaine rụng rời và cậu thì lì xì, một Hoàng tử ngủ trong Rừng chỉ đợi có Nàng công chúa xuất hiện để cho cậu được sinh ra lần thứ hai.
Trước khi đi học, cậu cứ đợi Henriette mãi. Cậu đợi cho tới phút chót và cố tập trung để mong nghe thấy tiếng đôi guốc cao gót của cô gõ cồm cộp trên cầu thang. Nhưng cậu phải đi học mà không được nói lời nào với chị ấy. Và hết giờ học trở về nhà, cậu chẳng thấy có gì mới reo reo trên bếp lửa. Ernest đành phải ăn những thức ăn còn lại và làm bạn với một người bà ít nói. Victoire không đến trường và Ernest cũng không muốn nói chuyện nữa, trừ phi để nhận thấy rằng cuộc sống cho ta những điều thú vị rồi lại lấy đi, và rằng ngày tháng đôi khi cũng chứa đựng những điều bất ngờ tồi tệ. Cậu đành nói thế này về Henriette: “Chắc chị ấy có việc bận đột xuất.”
Chính Benjamin nhà Montardent, mười lăm tuổi, đã tới báo tin cho hai bà cháu là Henriette bị cảm cúm.Victoire, Jabulon, Jérémie cũng bị cúm. Henriette không đến vì sợ làm lây bệnh sang hai bà cháu.
Khi Henriette, trông như còn gầy và cao ngẳng hơn, trở lại ngôi nhà và căn bếp của nhà Morlaisse bị bỏ quên, cô liên tục cằn nhằn:”Hai bà cháu không thấy à, thật không thể chịu được! Đọc cho tôi trên báo xem hôm nay là ngày bao nhiêu! Chúng ta đang ở vào thế kỷ XX, và sắp bước sang thế kỷ XXI. Mọi người đều đồng ý thế phải không? Vậy mà ở đây, trong ngôi nhà này, cứ như mọi người còn đang sống ở thế kỷ XIX, hoặc thậm chí từ thời tiền sử. Tôi thề với hai bà cháu đấy, tôi sẽ không làm việc ở đây nữa nếu không có điện thoại! Thật không thể chịu đựng nổi. Không có điện thoại thành ra tôi phải báo tin cho những người chủ của mẹ tôi, họ phải sắp xếp để tới tận đây. Nhỡ có việc khẩn cấp thì sao? Thể nào chả có lúc hai bà cháu muốn gọi điện cho cái con bé Henriette đáng thương sắp chết vì lo lắng cho sức khỏe của nó, và để nói: Henriette yêu quý, cố giữ gìn sức khỏe và sớm quay lại nhé. Đúng thế không?”
Ernest chưa bao giờ chứng kiến cảnh có ai làm ầm ỹ như thế. Cậu không biết bà sẽ phản ứng thế nào. Cậu sợ bà sẽ đẩy cô gái cuồng nhiệt đồng bóng này ra khỏi nhà. Nhưng bà nội cậu là chấp nhận đòi hỏi “điên rồ” của Henrriette một cách giản dị:”Chúng ta sẽ làm điều cần thiết.”
Và thế là, nhờ Henriette lo các khâu thủ tục, một chiếc điện thoại màu ghi sáng đã được đặt lên trên chiếc tủ ly của phòng khách, cũng là cái tỷ ly chứa bức thư bị bỏ rơi. Henriette ghi vào cuốn sổ nhỏ một danh sách dài gồm 3 số điện thoại: số của chị ấy, số của nhà Montardent, và số Cấp cứu bệnh viện. Ernest rất thích nhấc máy lên dù chỉ để nghe tiếng chuông kêu tút tít. Cậu vuốt ve cái máy điện thoại để động viên cho nó nói. Phía đầu dây bên kia, ở nơi nào đó trên thế giới, có một thuê bao, một người đối thoại… một người cha.
Henriette dạy vắn tắt cho cậu cách gọi điện, và Ernest thực hành nó bằng cách bấm máy nhà Victoire. Qua tai nghe, giọng nói bị ngắt quãng bởi một trận ho sù sụ, không giống giọng Victoire.
“Có phải Victoire de Montardent đấy không?”
“Hay những gì còn lại của nó…”
“Bạn bị làm sao thế?”
“Mình bị nhiễm vi rút gây độc và gây bệnh cho vùng ho hấp trên và lũ vi rút đang phát triển lên hệ thần kinh. Mình bị sốt, tàn tật và dịch hạch!”
“Có nặng không?”
“Không! Chừng nào mình vẫn có thể ăn sô-cô-la. Đó là cách chữa trị hay nhất. Nửa số người trong gia đình mình bị nhiễm. Nhà mình thành cái bệnh viện mất rồi.”
“Mình có thể làm gì giúp các bạn?”
“Mà này, mình vừa mới nhận ra là cậu đang Gọi Điện cho mình! Cậu gọi từ cabin điện thoại đấy à?”
“Mình ở nhà. Nhà mình đã lắp điện thoại.”
“Không thể tin được!”
“Nhờ Henriette đấy.”
“Ernest, mình sợ là cậu hiện đại quá, và cậu sẽ trở thành như tất cả mọi người khác.”
“Chẳng ai giống như tất cả mọi người cả!”
“Ai cũng như ai!”
“Hai sự thực đều đúng.”
“Cho mình số điện thoại nhà cậu, mình vẫn chưa tin… mình muốn kiểm tra, mình sẽ gọi lại.”
Khi Victoire gọi, ai nấy giật bắn mình vì tiếng chuông đanh lảnh lót kêu từng hồi. Hai bà cháu đờ ra sợ tới mức phải sau mười lăm hồi chuông kêu như còi báo động mới nhấc máy trả lời.
Đầu dây bên kia, Victoire nói với giọng dạy bảo:”Khi điện thoại kêu thì phải trả lời chứ.”
Từ lúc có điện thoại, nó chiếm nhiều chỗ hơn 20cm vuông thực sự của nó vì Ernest lúc nào cũng thấp thỏm như bà mẹ của một đứa bé ốm, rình từng phút những tiếng kêu bất ngờ của nó. Đó là một sự hiện diện thực sự, tăng tiềm năng gây bất ngờ cho mỗi ngày. Buổi tối, Ernest và bà Précieuse ngồi bên chiếc điện thoại như những người khác ngồi bên lò sưởi hay trước ti-vi, và Ernest cầu vị Chúa hình như hơi nặng tai hãy ban tặng cho cậu vài tiếng chuông điện thoại reo, nhưng thế giới của hai bà cháu quá nhỏ bé, và Victoire thì đang quá yếu nên không thể gọi điện liên tục được.
Buổi sáng, Ernest đi qua chiếc điện thoại và làm động tác từ biệt buồn rầu, và, buổi chiều về, cậu lại tới thăm nó ngay khi bước qua cửa. Chẳng mấy chốc, cậu bắt đầu tìm họ Morlaisse trong quyển danh bạ mà người ta đã đưa cho hai bà cháu kèm theo máy điện thoại, và cậu tìm thấy ngay tên Gaspard Morlaisse ở một quận khác, và điều không thể tưởng tượng được là người đó lại ở gần hai bà cháu đến mức thấy lo lo. Cậu thuộc lòng số điện thoại và cố cưỡng lại cái cám dỗ là bấm số gọi. Mỗi lần cậu vuợt qua được uớc mong gọi cho Gaspard, cậu lại tự thưởng cho mình một cú gọi điện cho Victoire. Và mỗi lần như vậy, lại là Benjamin nhấc máy trả lời. Benjamin nói với Ernest như với một người bạn thân. Cậu hỏi Ernest “khỏe chứ?” với giọng rất nồng nhiệt. Ernest thường chả biết nói gì sau khi đã trả lời “Em khỏe, thế còn anh?”. Benjamin thì chẳng bao giờ thiếu chuyện, đủ cả trên trời dưới bể. Cậu kể chuyện gia đình, hàng xóm của căn hộ và những tin tức trên ti-vi. Thỉnh thỏang, cậu cũng kể cho Ernest những thứ cậu mới kiếm được cho bộ sưu tập tem. Mặc dù Ernest không biết gì về tem, nhưng cậu vẩn thích chia sẻ đam mê của Benjamin.
Con nhà Montardent mỗi người một vẻ, người thì mang đôi mắt xanh của cha, người thì có đôi mắt màu hạt dẻ giống mẹ, đứa này tóc nâu, đứa kia lại tóc hạt dẻ, nhưng ở Benjamin thì mọi gien di truyền xem ra đều lộn xộn hết. Cậu là đứa con duy nhất có tóc hung như đèn đỏ và đôi mắt màu xanh lá cây như đèn xanh ở ngã tư và bản chất lành hiền như một lá cờ trắng. Cậu có thể ngồi hàng giờ ở bàn học để mân mê mấy cái tem của mình, nhưng cũng luôn là cậu chạy ù ra nhấc điện thoại để tặng những câu chào nồng nhiệt cho mọi người. Trong đám con trai nhà Montardent, duy nhất có Benjamin không phải là học sinh xuất sắc ở trường. Cậu học đọc với những chiếc tem, học địa lý qua những con tem, và cậu quan tâm tới lịch sử, thiên nhiên và văn học qua những chủ đề của con tem. Và cậu say mê sắp xếp những hình ảnh bé xíu này vào khuôn thuộc về chúng trong những quyển album đuợc mọi người tặng nhân dịp gì đó.
Gặp ai Benjamin cũng xin tem, ngay cả với Ernest: “Lúc nào nhận được phong bì hay hay thì nhớ cho anh xem đấy nhé.”
“Tiếc quá, anh biết đấy, người đưa thư chưa bao giờ có gì giao cho em. Những ngày đình công của bưu điện chẳng ảnh hưởng gì đến em hết.”
Tuy vậy, Ernest cũng đã có thói quen nhìn vào hòm thư từ hôm chính cậu đã … ít nhiều… gửi một lá thư. Hai ngày sau, cậu thấy trong cái tổ bằng gỗ này một phong bì hình chữ nhật đề tên người nhận là Cậu Ernest Morlaisse và dán một con tem bình thường có chữ Nước Cộng Hòa Pháp. Tim cậu bắt đầu đập mạnh vào lồng ngực trong khi mồ hôi túa ra trên trán. Cậu không dám mở lá thư. Cậu chạy vội lên phòng, tháo cà-vạt dính thường xuyên trên chiếc áo sơ mi của cậu và ngồi xuống giường. Cậu cẩn thận bóc nắp lá thư, đợi cho xúc động qua đi. Cậu đọc:
Ernest thân mến,
Xin chào! Chúc mừng sinh nhật. Chúc mừng năm mới. Chúc Noel vui vẻ. Chúc may mắn. Chúc lên đường bình an. Chúc sức khỏe. Mừng sinh nhật. Mừng Lễ Phục Sinh vui vẻ. Xin chúc mừng. Và nhiều hạnh phúc trong mọi điều em làm. Chúc một ngày tốt đẹp!
Ernest Morlaisse thân mến, mong em hãy nhận ở anh những tình cảm tốt đẹp nhất.
Bạn của em, Benjamin
T.B: Em nói với anh là cả đời em chưa bao giờ nhận được thư. Giờ thì em có thư rồi nhé!
XII
Elodie
Đến trường, cậu thấy một lá thư trên bàn học. Cả một cơn mưa thư! “Mời các bạn tới dự bữa tiệc nhẹ mừng sinh nhật tớ.” Trên tấm bìa bưu thiếp có hình vẽ một chiếc bánh ga-tô, bóng bay và giấy hoa dùng để ném trong những ngày hội. Trên thư có đề cả địa chỉ, giờ và một tin nhắn phía dưới: “Bạn đừng quên là bạn đã hứa với mình là sẽ đến đấy, Elodie.”
Ernest nhớ là Elodie đã mời cậu và Victoire, nhưng cậu không nhớ là mình đã nhận lời. Đấy không phải là thói quen của cậu, mặc dù cậu đã tự hứa là từ nay trở đi sẽ xuôi theo dòng sông đời. Nếu được mời cậu sẽ đi. Nếu có dịp gặp gỡ thì phải tận dụng, bởi vì trên đời này còn có gì tuyệt vời hơn, vĩ đại hơn, phi thuờng hơn là con người? Trong mười năm đầu tiên của cuộc đời mình, Ernest không đuợc quen biết nhiều người. Cậu có ý định là sẽ bù đắp lại sự muộn màng của mình. Hơn nữa, sẽ có cả Victoire đi cùng.
Victoire bị ốm từ hơn một tuần nay, nên ở lớp Ernest thấy mình chỉ còn có một nửa khi vắng mặt cô bé. Cậu không vượt qua cái biên giới hình như ngăn cách cậu với nửa kia cái bàn học của hai đứa, dù chỉ là thò sang một khuỷu tay, chỉ sợ đè phải cái bóng tưởng tượng của Victore. Sự vắng mặt của cô bé hóa ra càng khiến sự hiện diện của cô càng lớn hơn trong Ernest, như là một cái hố mà người ta phải đi vòng để không bị ngã, song người ta nghĩ tới cái hố đó nhiều tới mức người ta vẫn bị ngã xuống đó. Cậu có tới hàng ngàn điều để nói với cô bé và cũng có hàng ngàn điều và động tác của cô bé khiến cậu cảm thấy nhớ nhung. Cái hố là thế đấy, một sự thiếu vắng vô cùng. Truờng học trở thành một cái hang động, vắng tanh vắng ngắt. Người ta nói rằng không có ai là không thể thay thế. “Sai toét”, Ernest nghĩ, “mỗi người đều quan trọng và không thể thay thế, ít nhất là với cha mẹ mình!” Cậu không biết sao những suy ngẫm của cậu lại dẫn tới cha mẹ, vì cậu làm gì có cha mẹ. Đôi khi, cậu không muốn cứ suy nghĩ miên man mãi.
Từ hôm vắng mặt Victoire, và thậm chí cả trước đó, Elodie đã bám quanh cậu. Cô nàng tiếp tục mang đến cho cậu bánh ga-tô và những món quá nhỏ: một miếng tẩy hình trái tim, một hòn bi có hình mặt cười, một cành cây làm thành bút chì. Ernest cảm thấy ngại quá đi mất. Từ chối có nghĩa là xúc phạm cô bé, nhưng cậu cảm thấy cô nàng thích cậu hơn là cậu thích cô ấy. Cô nàng tính tình dễ chịu, rất ân cần. Cô nàng muốn bằng mọi giá là bạn gái của cậu, muốn được cậu yêu, nhưng cậu thì không thể mang đến cho cô ấy tình yêu của mình. Người ta không thể cố gắng trong tình cảm. Hoặc là có, hoặc là không. Và khi tình cảm tới gõ cửa con tim, thì đó là một điều kỳ diệu.
Cậu không thích cái kiểu cô bé bày trò để xin với thầy giáo được chuyển chỗ khi nói rằng Christophe làm phiền cô. Cậu không thích việc cô ấy đã xin ngồi bên cạnh cậu. Với Ernest, để một cô bé khác ngồi thế vào chỗ của Victoire là một điều xúc phạm không thể chịu đựng nổi. Cậu phẫn nộ và cố hết sức thu mình cho nhỏ tới mức cô bé thậm chí không thể chạm vào người cậu được.
Cô nàng kiếm được điện thoại của cậu và tối nào cũng gọi điện đến để nhắc cậu rằng thứ bảy là sinh nhật cô. Cậu không biết làm thế nào để nuốt lời và, tuy là cậu không thích cô bé này, nhưng dù sao nó cũng là một con người với đầy sự nhạy cảm và yếu đuối của mình.
Còn Victoire thì vẫn ốm. Cô cấm cậu không được đến thăm: “Cẩn thận đấy! Nhà mình là cả một ổ vi khuẩn đấy. Nhưng mẹ có nói là nếu cuối tuần này mà không bị sốt, thì thứ hai tớ có thể đi học được. Cậu sẽ có khối việc với cô bạn rùa của cậu đấy.”
“Chẳng có gì phải vội vàng, cứ bình tĩnh mà tiến lên.”
“Ernest La Fontaine, cậu là chàng trai mười tuổi có văn hóa nhất nước Pháp.”
“Mình là người miễn cưỡng nhất trong buổi lễ bắt buộc này.”
“Cậu mua quà gì tặng cô nàng đấy?”
“Mua ư? Mua quà ư?”
“Ừ, đi sinh nhật phải mang quà gì đó chứ.”Ernest chưa bao giờ được nhận quà sinh nhật.
“Mình chẳng nghĩ tới.” Cậu chỉ có ý nghĩ duy nhất, đó là một quyển sách. “Một quyển sách được không?”
“Elodie có đọc sách bao giờ đâu.”
Thế nhỡ cô ấy chưa bao giờ có sách hay thì sao.”
“Cậu có thể đem kẹo đến cho cô ấy. Cô ấy lúc nào cũng nhai kẹo. Hay tốt hơn hết là ngày mai mình sẽ chuẩn bị cho cậu món sô-cô-la hình sò. Mình sẽ nhờ một ông anh tới đưa cho cậu.”
“Bạn đừng bận tâm. Mình sẽ tìm được quà gì đó.”
“Cậu khỏi lo. Nhờ chuẩn bị quà cho cậu mà mình sẽ có thêm ba tờ giấy bạc cho bộ sưu tập của mình.”
Ernest đến gần nơi diễn ra bữa tiệc với sự tin tưởng. “Đó là một thế giới văn minh, cậu tự nhủ, họ sẽ không ăn thịt mình đâu.” Bà của cậu hoàn toàn không thích thấy cháu mình bắt đầu đi chơi như thế, song bà chẳng nói gì ngoài câu:”Cháu lớn rồi.” Bà nhắc đi nhắc lời điều đó cứ như thể nó là một lời nguyền vậy. Ông thân sinh ra bà đã lớn lên để đi ra chiến trường, chồng bà cũng vậy. Họ đã không trở về. Con trai bà đã lớn để ra đi. Trưởng thành có nghĩa là ra đi, có nghĩa là biến mất. Liệu các vị khách mời của bữa tiệc có hút mất cháu bà không?
Cậu bấm chuông và chìa gói bánh sô-cô-la, phần góp của Victoire.
“Cám ơn bạn”, Elodie nói mà không mở gói quà.
Không có bóng bay đủ mọi màu sắc, không có bóng đèn nhấp nháy và những hoa giấy bắng tung lên như trong giấy mời… chỉ có một căn phòng khách rộng thênh thang sang trọng trống rỗng chả có đồ đạc gì. Chỉ có mỗi Elodie được trang hoàng, đánh phấn và ăn mặc như một mệnh phụ. Cô bé còn đi giầy cao gót, không cao tới mức như giầy của Henriette, nhưng cao hơn những đôi giày bằng. Cậu tự hỏi có phải cô bé đã dự tính một buổi vũ hội hóa trang không.
Ernest không biết gì về thú ăn chơi của giới thượng lưu, nhưng cậu cũng đủ hiểu đời để nhận thấy cậu là tên ngốc đầu tiên thò mặt đến bữa tiệc.
“Cậu ngồi xuống đi”, cô nàng chủ nhà nói với cậu. Cậu tự nhủ không biết có phải Elodie cũng không có cha mẹ như cậu không, nhưng cậu chẳng dám hỏi. Dường như cô bé sống một mình trong cái căn hộ rộng thênh thang này.
“Cậu muốn dùng đồ uống gì? Rượu whisky, pastis, hay porto?”
Ernest, nhờ quan hệ giao tiếp với Victoire, đã bắt đầu biết đùa. “ Không, cảm ơn. Mình không khát.”
“Chỉ một chút thôi mà.” Cô bé mở một cách tủ đựng đầy chai lọ và rót một thứ nước lỏng màu hổ phách vào hai cái ly. Hóa ra cô nàng không đùa. Cô nàng cụng ly với Ernest còn đang lưỡng lự nâng ly và cô hét lên “Chúc sức khỏe!”
Để tỏ ra lịch sự, cậu nếm thử và biết là sẽ không bao giờ có thể nuốt được. Còn cô nàng thì trái lại nhấp từng ngụm nhỏ. Cậu chẳng có gì để nói, cố gắng tập trung đợi quân cứu viện. Cô ta mở đầu cuộc nói chuyện với một câu: “Có gì mới không?”
Có biết bao sự việc mới mẻ xảy ra trong cuộc sống của cậu mà những từ ngữ cứ tắc nghẽn khiến cậu chẳng thể nói gì hơn ngoài một lời: “ở đây xinh xắn thật”, nhưng từ “đẹp” thì lại hơi quá và cậu thì không có cả kho tính từ để mô tả trang trí nội thất.
“Cứ hai tháng mẹ mình lại thay đổi phòng khách một lần. Thời gian này, bà thích để trống. Cậu dùng đào lạc nhé?”
“Không, cảm ơn cậu”. Ernest nói và nhìn ra cửa. “Chắc là mình đến sớm quá.”
“Không, cậu đến rất đúng giờ.”
“Thế mọi người đâu?”
“Mình không thích những lễ hội ầm ĩ, mình chỉ thích ngồi riêng với một người thôi.”
“Nhưng cậu đã mời Victoire và cả lớp cơ mà?”
“Khi biết Victoire bị ốm, mình đã báo lại với những người khác là hủy tiệc. Đây là dịp lý tưởng để bọn mình làm quen.”
“Bọn mình quen nhau rồi mà. Ngày nào chẳng gặp nhau.”
“Nhưng chưa bao giờ được ngồi riêng với nhau.”
Để phá tan bầu không khí im lặng tiếp theo đó, Ernest nói:”Món sô-cô-la hình sò mình mang tới đây là do Victoire làm đấy.”
“Thế à, Victoire! Cậu không thấy nó mặc quần đùi à?”
“Mặc… quần… đùi ư?”
“Phải, nghĩa là táo tợn ấy mà.”
“May quá! Giá mà cô ấy có thể cho mình một chút… Cô ấy thật tự nhiên. Cô ấy thật đầy sức sống. Cô ấy tồn tại!”
“Đó là một con bé đểu cáng!”
Đối với Ernest, câu nói này quả là một cú giáng vào sống mũi. Cảm thấy bị tổn thương, cậu nhìn chằm chằm vào Elodie. Đôi mắt của cậu có ý đòi hỏi giải thích.
“Cậu biết đấy, nó chỉ chăm bẵm cậu vì thương hại thôi. Nó vẫn nhai đi nhai lại suốt là: “Tội nghiệp Ernest, cậu ấy không có cha mẹ, không có anh chị em và phải sống trong một nấm mò.”
“Vậy là cậu đã biết hết mọi chuyện.”
“Nếu Victoire mà biết thì ai chẳng biết. Nếu cậu muốn biết hết về bản thân mình, thì hãy hỏi cả lớp ấy.”
“Nếu cậu đã biết hết rồi, thì chẳng cần phải tiếp tục cuộc đối đầu này nữa.”
“Nhưng cậu vẫn chưa biết gì về mình cả…”
“Mình nghĩ mình đã biết tất cả những điều mình muốn biết. Chào cậu.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui