"Văn học và điện ảnh, về Tùng Liên trong bộ phim "Đèn lồng đỏ treo cao" và Mị trong "Vợ chồng A Phủ"
" Hoa chẳng là hoa và người chẳng nhất thiết là người; hoa là người mà người lại là hoa; một nguyên lý giản dị vậy mà không biết à?" Đó là những lời mà Tùng Liên đã nói với Phi Phú khi Phi Phú hỏi rằng tại sao nàng lại biết mình thích hoa cúc càng cua."
(trích "Thê thiếp thành quần – Tô Đồng).
Hoa là người mà mệnh người cũng chỉ như hoa, có lẽ đó là số phận chung của những người phụ nữ sống cái kiếp làm dâu nhà giàu, chỉ như một món hàng trưng bày không hơn không kém, khi hoa héo rồi còn có ai tiếc thương cho vẻ đẹp lúc còn kiêu sa? Những kiếp "hoa" như thế cứ sống mòn mỏi trong khổ sở và cay đắng, ở đây là Tùng Liên trong "Đèn lồng đỏ treo cao", và ở đâu đó là cô Mị trong "Vợ chồng A Phủ". Họ đều là những con người có chung số phận, cùng ngưỡng vọng tiếng sáo trong trẻo của một thời thanh xuân xa xăm đầy ước vọng.
Cả Tùng Liên và Mị đều bước chân vào hai nhà giàu có để làm dâu với một sự tuyệt vọng đến vô cùng, khi số phận đã đẩy họ tới với con người họ chưa bao giờ được nhìn mặt, và chắc chắn, chẳng bao giờ yêu. Hai người con gái đáng thương không có quyền tự quyết định cho riêng mình về điều mà mình muốn, họ đã mắc kẹt trong những gông cùm của xã hội cường quyền và thần quyền, không thể chống trả. Và để rồi họ chấp nhận điều đấy như một phần của cuộc sống, Tùng Liên bắt đầu lao vào vòng xoáy tranh giành quyền sủng ái của lão gia với các bà vợ khác, còn Mị chỉ biết làm việc, sống lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó, chờ đến ngày chết gục. Có lẽ tâm hồn hai người đã quá khô héo và mệt mỏi để thiết tha lấy cái thứ gọi là khát vọng, bởi trong bốn bức tường nhà Trần gia và Thống lí Pá Tra thì thật khó khăn để họ có thể tìm thấy thứ mà mình muốn. Thứ tình yêu thời con gái đáng mơ ước liệu có phải đã ''chết'' khi đèn lồng được treo lên trước cửa buồng Tùng Liên và ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa?
Những tưởng những rung cảm đẹp đẽ, những khát vọng thương yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ đã tắt trong lòng cả hai, thế nhưng có một âm thanh quen thuộc đã đánh thức tâm hồn người con gái, khiến họ sống dậy và bắt đầu biết ước mơ. Tiếng sáo ca vút, trong trẻo và văng vẳng như một thứ ma thuật đầy mê hoặc, Tùng Liên và Mị như ngỡ ngàng trước tiếng sáo ấy, như ngỡ ngàng nhận ra tuổi xuân của mình vẫn ở đây chưa hề thay đổi, khao khát vẫn mạnh mẽ bập bùng cháy trong tim. Hai người đưa mình theo tiếng sáo như kiếm tìm thứ hạnh phúc đáng nhẽ thuộc về mình mà hình như mình chưa được nhìn thấy, chưa được trải nghiệm. Tiếng sáo cứ xa mãi, ngân mãi, lửng lơ bay ngoài đường và trên những tầng cao, họ ngước nhìn theo và cứ như vậy, ngưỡng vọng mãi không thôi....Hai tiếng sáo mang màu sắc và âm điệu khác nhau nhưng lại ngân lên cùng một tâm trạng, ở Mị và cả Tùng Liên đều có bài ca ấy:
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi
Em yêu người nào, em bắt pao nào....
Chỉ tiếc rằng khi nghe tiếng sáo ấy hai người đều không chỉ thấy hạnh phúc, mà còn ý thức rõ ràng hơn hoàn cảnh của chính mình. Họ cứ nghe nghe mãi cho đến lúc nước mắt lại trực trào khi nhận ra tiếng sáo chỉ văng vẳng như thế thôi, còn họ ở đây, một người lang thang trên tầng cao của mê cùng nhà Trần gia, một người bị trói vào cột thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Lấn đâu tiên ta nghe thấy tiếng sáo trong "Đèn lồng đỏ treo cao" là khi Tùng Liên đi trên nóc nhà và bắt gặp con trai trưởng nhà họ Trần. Còn Mị, là lúc ngoài đầu núi lấp ló tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Tiếng sao nghe sao mà quen tai đến vậy, như tiếng gọi rất xa của một miền hồi ức, tiếng sáo ấy được thổi bằng tâm tình của những chàng trai cùng tuổi, những người "Ta không có con trai con gái. Ta đi tìm người yêu." và Phi Phú. Mị thiết tha bổi hổi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi, biết rằng đêm tình mùa xuân đang tới, tiếng sáo của đêm tình mùa xuân năm nào cũng đến, trở đi trở lại như một niềm đau không hồi kết. Nghe đấy và yêu đấy, nhưng chẳng thể nào thoát được số kiếp con rùa nhà thống lí thì có bao nhiêu vẫn là vô ích. Ở "Đèn lồng đỏ treo cao", tiếng sáo ấy lại đem lại sự ngạc nhiên đến vô cùng của Tùng Liên, bởi nàng tưởng rằng một khi bước chân vào nơi này sẽ chẳng còn bao giờ được nghe tiếng sáo nữa, nhưng khi nhìn thấy Phi Phú có lẽ trong nàng đã trào lên chút thất vọng. Đó là con trai của Trần lão gia, người bằng tuổi mình nhưng lại gọi mình bằng một tiếng "Dì". Nghe đấy và mong mỏi đấy, nhưng chẳng thể nào thoát ra khỏi cái màu đỏ rực rỡ của những chiếc đèn lồng thì có bao nhiêu cũng là vô ích.
Mùa xuân này , Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Nếu như không ai thổi sáo cho Mị như ngày xưa, thì Mị sẽ tự thổi cho chính mình, thổi cho những khát khao cháy bỏng trong lòng mình. Mị đang từng chút một sống lại cái con người của ngày trước, con người có bao nhiêu người mê và thổi sáo đi theo Mị. Bữa rượu đã vãn thế nhưng Mị vẫn nương theo tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường. Ấy là Mị còn có thể tự thổi sáo, còn cây sáo của Tùng Liên đã bị đốt mất rồi, nàng chẳng thể tự tạo ra ước mơ cho bản thân được nữa. Đó đâu chỉ là tiếng sáo yêu đương của bạn học, đó còn là cây sáo kỉ vật của cha nàng – người mà nàng hết mực yêu thương. Tiếng sáo văng vẳng bên tai như làm nàng chết lặng khi nghe cái tin dữ ấy, rằng chồng nàng đã đốt nó, chỉ vì nghi ngờ đó là của một đứa con trai. Tùng Liên không còn đủ bình tĩnh để nghe thêm bất cứ điều gì, khi biết rằng Trần lão gia không chỉ phá hủy cây sáo, mà còn không hề trân trọng nó. "Ta sẽ mua cho nàng một cây khác." kỉ vật của cha nàng đối với lão gia cũng chỉ là một món đồ không hơn không kém. Tiếng sáo bạn học tắt rồi, cả tiếng sáo của cha nàng nữa...
Lần cuối cùng tiếng sáo còn vang lên trong đầu Mị là khi Mị muốn đi chơi mà lại bị A Sử trói vào cột nhà, Hơi rượu nồng nàn làm Mị say trong những cuộc chơi, rong ruổi cùng tiếng sáo, nhưng toan bước chân đi lại bị đau không cựa được. Mị cứ say rồi lại tỉnh, say rượu và tiếng sáo rồi tỉnh vì dây trói thít lại đau cắt từng thớ thịt. Tiếng sáo mị hoặc say và dứt theo từng cơn đau, để rồi lặng dần cùng tiếng cho sủa xa xa. Mị nghĩ về kiếp mình không bằng con trâu con ngựa, cuộc chơi đã kết thúc, tiếng sáo tắt rồi, còn lại gì cho ngày mai nữa? Qủa pao rơi rồi, có muốn em cũng chẳng bắt được. Mị không thể bắt được quả pao nào nữa, còn Tùng Liên cũng chẳng thể thấy lại được món quà từ Vân Nam của Phi Phú. Sinh nhật lần thứ 20 của Tùng Liên chỉ có một mình nàng ngồi uống rượu cho đến khi đại thiếu gia nhà họ Trần tới. Tiếng sáo lanh lảnh ấy lại vang lên làm tim nàng đau đớn, bởi Phi Phú làm nàng thêm khát khao tuổi thanh xuân của chính mình, khát khao tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Nếu không phải do số phận đắng cay thì biết đâu Tùng Liên sẽ gặp được một người như Phi Phú, vậy mà giờ họ ở đây, trong vai vế và một tình thế vừa khó xử, vừa là một nghịch lý, cái nghịch lý được tạo lập bởi xã hội phong kiến. Món quà từ Vân Nam, món quà từ một người con gái gửi cho Phi Phú làm nàng cảm thấy khó chịu, bởi một Tứ phu nhân như nàng chẳng thể nào đưa được món quà ấy cho người mà nàng đáng nhẽ ra được lựa chọn. Tùng Liên bảo Phi Phú hãy đi đi, đừng để nàng lại tiếp tục thấy hối tiếc, đừng để nàng tiếp tục nhìn thấy hiện thực khổ đau. Ấy vậy mà khi Phi Phú đứng lên, Tùng Liên lại không đành lòng để con người ấy bước ra khỏi cửa, như thể không đành lòng quay lưng lại với những gì thuộc về tuổi thanh xuân của mình. Tiếng sáo vang lên đầy chua xót và kết thúc khi đại thiếu gia rời khỏi phòng của Tứ phu nhân, để lại nơi ấy một cô gái với tâm hồn đã chết, không còn tiếng sáo, không còn hồi ức và cũng chẳng con ước mơ. Người con gái với ánh mắt đau khổ đầy thiết tha đã không thể níu kéo tiếng sáo ở lại bên nàng, để rồi say, cười rồi lại khóc, và gián tiếp gây ra cái chết cho Tam phu nhân. Tiếng sáo dứt đi chỉ khiến Mị bàng hoàng về thực tại, còn với Tùng Liên, đó lại là sự chấm dứt cho chuỗi ngày thanh xuân của nàng trước khi hóa điên. Mị sẽ tìm được hạnh phúc của mình về sau, tiếng sáo lòng rồi sẽ vang lên một lần nữa, thế nhưng Tứ phu nhân lại không được như vậy, nàng sẽ mãi lang thang trong cái khu nhà biệt lập ấy, dưới bóng những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Không chỉ là Mị, không chỉ là Tùng Liên, những kiếp "hoa" người vẫn cứ luôn tồn tại với những tấn bi kịch không hồi kết, có những con người sẽ chết bởi sự vô tâm và thứ luật lệ hà khắc (Tam phu nhân, những người phụ nữ bị chồng trói đến chết), có những người sẽ mãi là bóng ma vật vờ trong nhà quyền quý (Đại phu nhân, người chị dâu không già nhưng lưng đã còng vì khổ). Giá như tiếng sáo cứ vi vu mãi cho những con người khốn khổ ấy tiếp tục ước mơ, giá như họ được là những người con gái với tâm hồn trong ngần và tinh yêu đẹp đẽ thì số kiếp con người có lẽ đã không khổ đau và bạc bẽo đến như vậy.
"Cây sáo có bảy lỗ, mỗi lỗ là một tình, thất khổng, thất tình. Khi ta hòa điệu bảy cái tình đó vào bằng hết tâm hồn mình thì sáo sẽ ngân vang những tâm sự thầm kín nhất. Trong các tình, quan trọng nhất là tình sầu. Nói xong chàng nhấc sáo lên và bắt đầu thổi. Tiếng tiêu trầm bổng, vi vu, lúc buồn man mác, lúc thiết tha, rộn ràng."
(Thê thiếp thành quần – Tô Đồng)
***
Một bài viết xa lắc xa lơ từ thưở học chuyên văn :))) vừa tìm thấy nên muốn đăng lại, mình nhớ chữ mình của năm lớp 12 ghê...