Lâu rồi không quay lại chuyên mục văn chương, vì mình bận, với lại mình cũng chẳng đọc hay xem gì được nhiều. Mấy hôm nay được nghỉ nên có hứng đi xem phim, xem Long thành cầm giả ca, vì tự dưng đọc lại được bài review phim Kiểu share từ trước.
Long thành cầm giả ca kể về cuộc gặp gỡ của Nguyễn Du và một cô gái là ca nữ trong phủ Chúa, trong một thời kỳ đầy biến động của lịch sử đất nước. Phim có màu ổn, cốt truyện đậm tính lịch sử, có tứ, diễn viên, diễn xuất khá tốt, mạch phim vừa phải. Có lẽ tiếc nuối của mình đối với phim này là nó hơi thiếu điểm nhấn, cảm giác nó cứ trôi đi tằng tằng. Với cả mình không thích lắm cái cách xây dựng mối quan hệ giữa Nguyễn Du và người ca nữ Cầm lắm, mình thấy nó chưa nghệ, chưa toát ra được cái chất cảm mến nhau vì tài nghệ, nếu không muốn nói một vài phân đoạn bị nhạt và thô.
Mình đã lâu lắm rồi không phân tích Kiều, cho đến mấy hôm trước khi mình phải giúp em mình viết bài phân tích cho "Đọc Tiểu Thanh kí". Nguyễn Du là một trong những thi hào kiệt xuất của nền văn học, cái đó không phải nói nhiều. Nhưng cái khiến Nguyễn Du khác, nổi bật và nếu không muốn nói là xuất sắc chính là cái cách ông nhìn nhận về thân phận con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Một người có xuất thân quý tộc như ông, sống trong thời đại mà "Đàn bà thì chớ nên tham dự việc lớn", mà phản ánh được thời đại qua thân phận người nữ thì quả thật là có một không hai. Qua Kiều, ta thấy được một thời đại có nhiều những biến động ngầm, một thời đại nơi người hiền lành bị bắt bớ, bị bán đi như một món hàng, bị người đời dày xéo qua lại, qua bài khóc nàng Dương Qúy Phi, ta có thể biết được sự thối nát của cả một triều đại, mà sự sụp đổ của nó bị đổ dồn lên vai một người đàn bà, và qua Long thành cầm giả ca, ta có thể thấy được sự xoay chuyển của càn khôn khi đất nước bị chia làm hai nửa. Những số kiếp long đong lận đận ấy có lẽ là kết tinh của ngần ấy năm lang bạt và đau đáu trong những nỗi lòng khi "tài tình chi lắm cho trời đất ghen".
Nhưng cũng thật buồn hơn nữa khi ngày nay, người ta đọc Kiều, học Kiều nhưng chẳng hiểu Kiều. Người ta gán cho Kiều những biệt danh thật khó nghe, người ta đặt Kiều vào những vai vế không giống với thời điểm đó, biến tướng khuôn mặt bình thường của nàng thành một thứ gì đó xấu xa không đáng được cảm thông. Biết làm sao được, đâu phải ai cũng đủ trải đời, đủ sâu sắc để hiểu được những con chữ trong những năm tháng phải ở lại nơi đất khách quê người của một người vốn đã có nhiều sự đa sầu đa cảm đối với số phận.
Long thành cầm giả ca, khúc hát của người ca nữ, kể lại những chuyện xưa nơi kinh thành cố sự, khi còn vàng son cho tới lúc nó trở thành tro bụi. Đâu ai để ý đến một số phận như thế, người ta còn mải kể những cái tên lớn, về những người anh hùng như Nguyễn Huệ, hay bậc cửu ngũ chí tôn như Nguyễn Ánh, hoặc những người sĩ phu Bắc hà không thể theo chúa thượng cũng không phò Tây Sơn mà tự mình kết liễu đời mình để giữ vẹn chữ trung. Vậy mà Nguyễn Du viết về nàng, về một người ca nữ không tên, gảy đàn xuyên suốt khoảng thời gian nhập nhoạng "quạ đậu đầy vườn" ấy. Thật kỳ lạ phải không, nhưng với một tấm lòng như Nguyễn Du, có lẽ viết về ai đó khác thì lại không hay nữa, không còn ý nghĩa nữa. Cũng vì, người ca nữ ấy có một số phận giống ông, cũng vì, chỉ có qua tiếng đàn, qua nghệ thuật, người ta mới có thể tìm được tiếng nói đồng cảm, tiếng nói tri âm.
Chẳng dám nói gì nhiều về Nguyễn Du, vì thực ra mình nghĩ mình chưa đủ trình, tấm lòng chưa đủ rộng đế thấu cảm cho những thân phận như thế.
"Ba trăm năm nữa, thiên hạ còn ai khóc Tố Như?"
Mình nghĩ là có, rồi sẽ có, bao giờ cũng có, không chỉ ba trăm năm, mà có khi năm trăm nữa cũng có. Tri kỷ ở đời không dễ tìm, nhưng không phải là không có. Chỉ là, hẳn nó sẽ ít đi rất nhiều về số lượng nếu như người ta còn nhìn Kiều, nhìn Nguyễn Du với con mắt hạn hẹp như bây giờ.