Vào những ngày đầu tháng mười năm 1815, khoảng một giờ trước khi mặt trời lặn, một người đàn ông đi bộ vào thành phố D...!Người đàn ông đó mập mạp và khỏe mạnh, tuổi khoảng từ bốn mươi sáu tới bốn mươi tám, một chiếc mũ lưỡi trai che một phần khuôn mặt sạm nắng, ông mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải thô màu vàng, một chiếc ca vát xốc xếch nơi cổ, một chiếc quần dài đã sờn, một chiếc áo bờ lu vá nơi khuỷu tay, vác trên vai một cái túi lính thật nặng, tay cầm một cây gậy to tướng có nhiều mắt, chân không vớ đi giày đế sắt, tóc cắt ngắn và râu dài.
Tại thành phố...!bấy giờ có một quán trọ xinh xắn mang bảng hiệu Croix-de-colbas là quán nổi tiếng nhất tại địa phương.
Người đàn ông bước về phía đó.
Tất cả các lò đều đỏ lửa.
Ông chủ đang đi từ lò lửa tới đám xoong chảo, canh chừng bữa ăn tối tuyệt hảo của những người đánh xe đang nói cười râm ran nơi phòng bên.
Ông ta ngẩng đầu lên khi người khách lạ bước vào quán và ngạo nghễ nhìn ông với vẻ dè chừng.
- Ông muốn gì? - Ông ta hỏi giọng xấc xược.
- Ăn và ngủ...!-Người đàn ông vừa nói vừa móc ra bọc tiền to từ áo bờ lu của mình - Tôi có tiền đây.
Ông chủ lưỡng lự một hồi.
Rồi ông ta tiếp lại, giọng gay gắt hơn.
- Tất cả các phòng đều đã có người mướn và tôi không có gì cho ông ăn cả.
Tất cả đều được dặn trước.
Ông hãy đi khỏi nơi đây!
Giọng của ông ta khiến người đi đường rùng mình.
Người đàn ông mở miệng để đáp lại, rồi ông cúi đầu nhặt lên cái túi mà ông đã đặt xuống đất và bước đi.
Ông ra đường lớn.
Ông đi tới một cách lo âu, lướt sát qua các ngôi nhà.
Nếu quay đầu lại, chắc ông đã trông thấy ông chủ quán trọ Croix-de colbas đứng nơi ngưỡng cửa, vây quanh bởi tất cả những người khách trong quán ông và tất cả những người đi đường, đang vừa nói một cách sôi nổi vừa dùng ngón tay chỉ về phía ông.
Trong những cái nhìn dè chừng và sợ sệt của đám người, hẳn ông đoán biết việc ông tới sẽ sớm trở thành một biến cố của toàn thành phố.
Nhưng ông không quay đầu lại, ông không thấy gì về tất cả hiện tượng, những người trĩu xuống dưới sức nặng thường không nhìn phía sau họ.
Đêm dần về, ông tìm một chỗ trú khác.
Quán trọ xinh đẹp đã không tiếp ông, ông bắt đầu tìm kiếm một quán rượu thật khiêm nhường.
Ông vào quán đầu tiên ông gặp.
Nhưng trong số những người khách ngồi vào bàn, có một người bán cá trước khi vào đây đã cho ngựa vào chuồng tại quán trọ Croix-de-colbas.
Từ chỗ ngồi của mình hắn kín đáo ra hiệu cho chủ quán và rỉ vào tai ông ta mấy tiếng.
- Ông muốn gì đây? - Chủ quán xẵng giọng hỏi người đàn ông cầm gậy và không đợi người này có thì giờ trả lời, ông ta tiếp lời ngay: - Ông hãy rời khỏi nơi đây!
- Ông muốn tôi đi đâu?
- Chỗ khác!
Người đàn ông cầm lên cây gậy và cái túi, rồi ông bước đi qua trước nhà tù.
Nơi cửa treo một dây xích sắt buộc vào một cái chuông.
Ông rung chuông.
Một cánh cửa con mở ra.
- Ông giữ cửa - Người đàn ông vừa nói vừa kính cẩn giỡ mũ lưỡi trai - Ông có vui lòng cho tôi trú đỡ đêm nay không?
- Một nhà tù đâu phải một nhà trọ - Người giữ cửa nói giọng khô khốc.
Ông hãy làm gì để bị bắt đi.
Người ta sẽ mở cửa cho ông.
Và cánh cửa con đóng lại.
Đêm tiếp tục ập xuống, gió lạnh từ dãy núi Alpes thổi tới.
Trong ánh sáng yếu ớt của ngày đang tắt, người đàn ông trông thấy trong một khu vườn nằm dọc theo con đường ông vừa bước tới, một cái chòi gỗ cửa thấp có vẻ là nơi ở của một người thợ sửa đường.
Ông dừng bước, thở dài nhẹ nhõm.
- Mình ở đây được đấy - Ông lầm bầm.
Nhưng trong lúc ông cúi xuống để bước vào trong cái chòi, ông nghe một tiếng gầm gừ dữ dằn.
Ông ngước mắt nhìn lên.
Đầu một con chó gộc khổng lồ hiện ra trong bóng tối.
Đây là cái cũi của một con chó.
- Chỗ này cũng không! - Người đàn ông kêu lên cay đắng.
Ông đã phải dùng tới cây gậy mới ra khỏi ra khu vườn bởi con chó nhào tới ông với những tiếng sủa điên cuồng, và ông lại bước đi một cách âu sầu qua các con đường, gõ vào vài cánh cửa và lặng lẽ lánh xa mỗi lần bị từ chối.
Ông đến quảng trường Nhà Thờ, ông đưa nắm tay ra trước nhà thờ, rồi bởi kiệt sức vì mệt và không còn hi vọng gì nữa, ông nằm trên một chiếc ghế đá dài cạnh đó.
Bấy giờ một bà lão từ nhà thờ bước ra.
Bà trông thấy người đàn ông nằm dài trong bóng tối.
- Đây là một cái giường rất tệ, ông bạn ạ - bà nói.
- Trong suốt mười chín năm tôi có một cái nệm gỗ, người đàn ông nói giọng căm giận, hôm nay tôi có một cái nệm đá.
- Ông không thể qua đêm như thế này được đâu; dĩ nhiên ông đang lạnh và đói.
Người ta có thể cho ông tạm trú vì lòng từ thiện.
- Khắp nơi người ta đã xua đuổi tôi.
- Ông đã gõ mọi cánh cửa rồi à? Bà lão vừa hỏi vừa chạm vào cánh tay người đàn ông và chỉ bên kia quảng trường, một ngôi nhà nhỏ và thấp bên cạnh tòa giám mục.
Nhưng ông đã gõ cánh cửa đó chưa?
- Chưa.
- Hãy gõ vào đó!
Bà lão rời bước, người đàn ông vừa nhổm dậy vừa càu nhàu và tiến đến cánh cửa mà bà lão đã chỉ cho ông.
Ông gõ cửa.
- Vào đi! - một giọng đàn ông thốt lên, dịu dàng và trầm trọng.
Người đàn ông đẩy cánh cửa mở toang và bước vào với cái túi trên vai, cây gậy trong tay, người đàn ông có một vẻ thô tháp, táo tợn, mệt mỏi và dữ dội trong đôi mắt.
Ánh lửa từ lò sưởi hắt thẳng vào mặt ông và trông ông dễ sợ như ma quỉ hiện hình.
Trong ba người có mặt trong phòng, một giáo sĩ và hai ngưỜi đàn bà luống tuổi, chỉ có hai người đàn bà khẽ rùng mình.
Vị giáo sĩ nhìn đăm đăm vào người đàn ông bằng đôi mắt lặng lẽ.
- Thế này đây.
Bấy giờ người đàn ông lên tiếng bằng một giọng khàn đục và không đợi người ta nói với mình: tôi tên là Jean Valjean, tôi đã trải qua mười chín năm trong tù.
Tôi được trả tự do từ bốn ngày nay và đang trên đường tới Pontarlier.
Tôi đi bộ từ Toulon đã bốn hôm rồi.
Hôm nay tôi đã đi hết mười hai dặm đường.
Chiều hôm nay tôi đã vào một quán trọ rồi một quán khác, người ta đã xua đuổi tôi.
Tôi đã vào trong cái cũi của một con chó, con chó đã cắn tôi và đã đuổi tôi.
Tôi đã nằm trên một cái ghế đá.
Đêm không sao và tôi nghĩ trời sẽ mưa và không có phép thánh nào cản được mưa cả.
Một người đàn bà đã chỉ nhà ông cho tôi và nói:
- "Hãy gõ vào đó?" - Tôi đã gõ - Đây là đâu vậy? Một quán trọ à? Tôi có tiền, tôi sẽ trả.
Một trăm lẻ chín đồng mười lăm xu mà tôi kiếm được trong nhà tù bằng sức lao động của tôi trong mười chín năm.
Tôi mệt lắm, mười hai dặm đường đi bộ.
Tôi rất đói.
Ông có muốn tôi ở lại không?
- Bà Magloire, - Vị giáo sĩ vừa nói vừa quay sang một trong hai người đàn bà đội một cái mũ bông có nếp ống viền quanh khuôn mặt tròn trịa - Bà hãy dọn thêm một bộ đồ ăn!
Người đàn ông bước ba bước đến gần cây đèn trên bàn.
Một vẻ sửng sốt bộc lộ trong cái nhìn của ông.
- Ông có nghe không? - Ông nói nhỏ giọng lại.
Tôi là một tên tù khổ sai, tôi từ cảnh tù đày về đây.
Giấy thông hành của tôi đây.
Màu vàng, như ông thấy đấy.
Nó khiến tôi bị xua đuổi ở bất luận nơi nào tôi đặt bước tới.
Ông hãy xem đây, những gì người ta ghi lên giấy thông hành của tôi, để tôi đọc cho ông nghe bởi tôi biết đọc mà, tôi đã học trong tù.
"Jean Valjean, tù khổ sai, được trả tự do, sinh trưởng tại Pontarlier, đã ở trong nhà tù mười chín năm.
Năm năm về tội phá hoại.
Mười bốn năm về tội toan vượt ngục bốn lần.
Con người này rất nguy hiểm".
- Thế đấy.
Mọi người đã ném tôi ra ngoài.
Còn ông, ông tính cho tôi ăn uống và ngủ nghỉ hay sao? Ông có một chuồng ngựa không?
- Bà Magloire,- Vị giáo sĩ nói, vẫn nói giọng dịu dàng, bà hãy trải những tấm ga trắng lên chiếc giường trong buồng! - Đoạn quay sang người đàn ông - Mời ông ngồi và sưởi cho ấm, trong chốc lát chúng ta sẽ ăn bữa khuya.
Trong lúc có người làm giường cho ông.
Khuôn mặt người đàn ông toát ra vẻ nghi hoặc và sửng sốt lạ thường.
- Ông giữ tôi lại! - Ông ấp úng.
Ông gọi tôi bằng tiếng "ông".
Ông không bảo tôi:"Đi đi đồ chó!".
Tôi lại được ăn bữa khuya.
Được một cái giường và nệm và những tấm ga như mọi người.
Ông là ai? Tôi sẽ trả tiền cho ông.
Ông là chủ quán này phải không?
- Không, tôi là một thầy tu đang ở đây.
Ông hãy giữ tiền của ông, ông hãy đến gần lửa.
Gió đêm rất lạnh từ trong vùng núi Alpes.
Bà Magloire, cây đèn này mờ quá.
Người giúp việc già cỗi biết ý chủ.
Bà đi tìm hai cây đèn bằng bạc chạm trổ chỉ dùng khi có khách mời, và bà mang chúng tới khi đã thắp sáng.
Trên lớp khăn trải bàn, bà dọn ra bốn bộ đồ ăn, vẻ đỏm đáng độc nhất trong ngôi nhà rất đỗi giản dị này.
- Ông thầy tu, - Người đàn ông nói giọng run run, ông tốt lắm.
Ông đón nhận tôi, ông đốt những cây nến của ông vì tôi.
Thế nhưng tôi đã không dối ông là tôi từ đâu đến.
Vị giáo sĩ chạm nhẹ vào bàn tay ông.
- Cánh cửa này không hỏi người nào bước vào đây có tên hay không, bởi nhà này là nhà của Jésus-Christ.
Tôi biết điều đó trước khi ông nói.
Người đàn ông mở mắt kinh ngạc.
- Đúng thế sao? Ông biết tên tôi à? - Ông kêu lên.
- Đúng, ông tên là người anh em của tôi.
Trong lúc đó bà Magloire đã dọn ra bữa ăn, một món súp có dầu và mỡ, một miếng thịt, những trái vả, một miếng phô mát tươi, một ổ bánh mì to bằng lúa mạch.
Tự tay bà còn lấy ra thêm, theo lệ thường của chủ, một chai rượu lâu năm của vùng Mauves.
Vị giáo sĩ đọc kinh trước bữa ăn.
Ông mời người đàn ông ngồi bên phải của mình, còn người đàn bà thì ngồi đối diện với ông, trong suốt cảnh này bà vẫn không nói gì và vẫn giữ một vẻ mặt bình lặng và dịu dàng nơi người ta bắt gặp những đường nét cùng những biểu lộ của khuôn mặt vị giáo sĩ.
Người đàn ông bắt đầu ăn ngon lành.
Vị giáo sĩ và bà giúp việc nhìn ông một cách nhân từ nhưng không có chút tò mò gây khó chịu.
Những người đánh xe ăn sang hơn ông, ông linh mục à - người đàn ông nói, miệng đầy thức ăn.
- Họ có nhiều nỗi nhọc nhằn hơn tôi - Vị giáo sĩ ôn tồn nói - Nhưng ông đã nói là ông đi Pontarlier.
ở đó họ có một ngành công nghệ mang tính gia trưởng với những xưởng phô mát...
Trong suốt bữa ăn câu chuyện xoay quanh ngành công nghệ đó của Pontarlier.
Vị giáo sĩ thấy có nhiệm vụ là không thốt lên một từ nào có vẻ thuyết giáo, trái lại ông tìm cách khuây khỏa Jean Valjean trong nỗi khốn cùng của ông, làm cho ông tin rằng ông cũng là một con người như bao con người khác.