Những Người Khốn Khổ


Đêm đã ập xuống.

Trong bầu trời lạnh lẽo của mùa thu, những vì sao lấp lánh và trong ý thức con người đang mơ màng, những tia sáng chói lọi cũng rực lên như những vì sao.

Hiện tại.

Quá khứ.

Những chặng đường khác nhau đó của một đời người đang sống lại trong trí nhớ đau thương kia.

Ngục tù, những năm tháng khốn khổ và phẫn nộ giữa những tên cai ngục tàn bạo và những người bạn tù nhục nhã, rồi chuyến đi dài băng qua nước Pháp như một con vật bị xua đuổi, gần như bị truy nã, những lời lẽ của một vị giám mục già làm thay đổi một tâm hồn; cuối cùng là thành phố M..., nơi ông đã tới, sự khôn khéo trong công việc làm ăn ngày phát đạt, cuộc sống yên bình chỉ bị ám ảnh bởi hai ý tưởng: che giấu tên mình và thánh hóa cuộc sống của mình, hai ý tưởng đó đã biến ông thành con người nhân từ và tốt bụng làm sao, đã hướng ông về phía bóng tối và khuyên ông những điều giống nhau.

Ông Madeliene, hay đúng hơn người cựu tù khổ sai Jean Valjean, đang bám lấy hai ý tưởng đó trong sự bối rối khổ sở - khiến tâm hồn ông chao đảo.

Nghe Javert nói trước tiên ông chỉ muốn chạy đi tự thú, kéo Champmathieu ra khỏi nhà tù, nộp mình thay cho ông ta.

Nhưng ngay sau đó ông đã kịp ngăn chặn ý đồ cao cả đó.

Ông đã lùi bước trước thái độ anh hùng.

Và giờ đây ông xem xét tình huống và thấy nó xa lạ quá.

Ông đã đứng dậy, đóng và khóa lại cửa như để chế ngự trước nguy hiểm có thể xảy tới, ông đã thổi tắt ngọn đèn, ánh sáng của nó khiến ông khó chịu, dường như người ta có thể trông thấy ông.

Người ta là ai đây?

Đó là lương tâm của ông.

Ông ngẫm nghĩ trong bóng tối.

Một loạt những câu hỏi lướt qua trong đầu ông.

Và ông ôm trán trong hai bàn tay để ngăn chặn chúng lại.

Tất cả những gì tôi đã làm cho tới ngày hôm nay, ông thì thầm, không là gì khác ngoài một cái lỗ tôi đào để chôn vùi cái tên của tôi trong đó.

Và cái tên đó vừa vang dội bên tai tôi! Tôi đang trên bờ một vực thẳm, và ở đó có con người lạ mặt kia mà định mệnh ngỡ là tôi và đẩy xuống vực thay cho tôi.

Nếu tôi để yên mọi việc, tôi sẽ không có gì để lo sợ bởi tôi cùng lúc có mặt trong nhà tù trong con người lão Champmathieu đó và có mặt trong xã hội dưới cái tên ông Madeleine.

Ông bật ra một tiếng cười khẩy đau đớn nghe như một tiếng nức nở, và ông bất ngờ đốt lại cây nến.

Tôi sợ gì chứ? Ông tiếp tục thì thầm trong cơn rùng mình; bởi tôi đã thoát nạn và mọi việc đã kết thúc, còn tên Javert kia, con chó săn dễ sợ vẫn ngây người trước tôi, đã hoàn toàn mất dấu.

Hắn lo bắt Jean Valjean, và tôi chẳng can hệ gì trong chuyện đó! Chính trời đã làm hết mọi việc.

Chính Thượng đế muốn tôi phải tiếp tục những việc tôi đã khởi đầu, tôi phải làm điều thiện, tôi phải là bạn của người nghèo khổ và kẻ bất hạnh..., một tấm gương đáng khích lệ.

Vả chăng tôi không có một nhiệm vụ cấp bách là gì?

Tôi đã không hứa với người phụ nữ bất hạnh đó, người nữ công nhân có thể đang chết dần vì đói nghèo và bịnh tật đó mà tôi đã yêu cầu người ta nhận vào bịnh viện, hứa đi trời.

Trong khi nếu tôi nộp mình, nếu vì bổn phận mà tôi trở lại là tên tù khổ sai Jean Valjean, đích thực đó là tôi hoàn tất cuộc hồi sinh của mình, tôi vĩnh viễn đóng chặt cửa địa ngục từ đó tôi đã bước ra.

Nếu tôi không làm thế, thì trọn cuộc đời hiện tại của tôi sẽ vô ích, trọn sự sám hối của tôi cũng vất đi.

Và ông giám mục sẽ nói gì đây, ông vốn đã trông thấy tâm hồn tôi, bộ mặt thật của tôi trong khi mọi người chỉ trông thấy mặt nạ của tôi?

Ông ngồi trở lại, sắp xếp lại mấy quyển sách, ném vào lửa một xấp giấy nợ của những người buôn bán nhỏ túng thiếu.

Tiếp theo ông viết cho ông chủ nhà băng của mình một bức thư mà ông niêm lại và cho vào túi.


Thỉnh thoảng, ông ngẩng đầu lên, chừng như lắng nghe một giọng nói, một giọng nói nghiêm khắc và đầy thuyết phục mà mỗi con người đều cưu mang nơi bản thân mình, như một quan tòa.

Và trán ông đầm đìa mồ hôi.

- Rời khỏi gian phòng bình yên này? - Ông nhủ thầm - Không dạo bước nữa trên ruộng đồng! Không nghe nữa tiếng chim vào tháng năm! Không cho quà các cháu nhỏ nữa? Tôi sẽ không đọc, không viết nữa trên cái bàn này!

Chúa ơi, thay vào tất cả những điều đó, là nhà tù, xiềng xích, áo vét đỏ, ngục tối, roi vọt của lính coi tù, đào bới! ôi, khốn khổ làm sao!

Ông gục đầu vào ngực.

Những tiếng khóc nức nở nghẽn tắt và não lòng làm tan nát lòng ông.

Ông lại quay quắt trước sự chọn lựa đau lòng: ở lại thiên đường và trở thành quỷ dữ ở đó, hoặc trở về với địa ngục và trở thành thiên thần.

Cứ thế mà tâm hồn khốn khổ đó giãy giụa trong lo lắng, muộn phiền.

Ông ngủ giấc ngủ nặng trĩu.

Khi ông thức giấc, một buổi bình minh, mờ đục và giá lạnh, đã nhen lên yếu ớt.

Ông đứng dậy, ông cảm thấy đầu óc trống rỗng, không một ý tưởng.

Gần như máy móc, ông khoác chiếc rây đanh gột, cầm lên chiếc áo rộng, chiếc mũ rộng vành và bước ra khỏi phòng, rồi bước ra khỏi nhà, lặng lẽ như một cái bóng.

Ông đi đâu? Đến Arras.

Để làm gì? Ông không biết nữa.

Ông tự nhủ, tôi tự mình phê phán sự vật.

Hai tiếng đồng hồ sau, ông ngồi trên chiếc xe ngựa chở thư chạy nhanh trên đường về hướng Bắc.

Ông nghĩ gì về trên trọn quãng đường đó? Ông nhìn những hàng cây, những mái tranh, những cánh đồng được trồng trọt lướt qua trong một sự chiêm ngưỡng mơ hồ.

Bóng đen của những cái cối xay phủ vải đầu càng bổ sung cho tâm hồn nặng trĩu của ông vẻ buồn thảm, tiêu điều.

Những lần dừng xe, những lần thay ngựa không gây cho ông chút cảm giác nào.

Người đánh xe, sau những lần thử bắt chuyện, đã thấy mệt mỏi với sự im lặng đó và chỉ nhìn người khách quá trầm tư kia bằng một con mắt nham hiểm.

- Tại sao ông Madeleine lại đi Arras? - anh ta tự hỏi.

Khi xe thư chạy vào dưới cửa xe ra vào của tòa nhà bưu điện tại Anas thì đã gần tám giờ rưỡi.

Trước khi đến tòa án, ông hỏi thăm xem có cách nào trở về thành phố M...!ngay đêm nay không.

Ông giữ chỗ và trả tiền.

Xong đâu đó, ông rời khỏi khách sạn và đi về phía tòa án.

Khi tới đó, ông chạm mặt một nhóm luật sư đang bàn về phán quyết và việc kết án.

- Đến đâu rồi, thưa ông? - ông hỏi một người trong bọn họ.

- Xong rồi.

- Xong rồi à?

Ông nhấn giọng khi lập lại từ đó khiến ông luật sư kinh ngạc.

- Chắc ông là một người thân? - ông ta nói.


Ông mong điều gì chứ, người đàn bà đó đã giết người; việc kết án bà ta là điều chắc chắn...

- Nhưng mà..., ông Madeleine tiếp lời một cách rụt rè.

Vụ kia sao?

- Kìa, ông không thấy các cửa sổ sáng đèn kia sao? Vụ đó đang được xét xử.

Ông Madeleine buông một tiếng thở dài, chỉ trong mấy khoảng khắc ông cảm nhận gần như tất cả những xúc động có thể có.

Vụ việc chưa xong, ông không thể nói mình đang hài lòng hay buồn đau nữa.

Ông thấy cửa phòng xử án đang đóng.

Nhưng khi biết ông thị trưởng thành phố M...!muốn dự phiên toà, ông chánh án tòa đại hình cho mời ông vào ngay một cách trân trọng.

Người ta mời ông ngồi trong nhóm luật sư.

Ông như không nhận ra những sự chào hỏi người ta dành cho mình, bởi ông đang chìm đắm trong một thứ ảo giác.

Ông đưa mắt nhìn quanh.

Những ông thẩm phán, một viên lục sự, những viên sen đầm, những bộ mặt hiếu kỳ một cách tàn nhẫn, ông đã từng trông thấy cảnh tượng này xưa kia.

Ông thấy xuất hiện trở lại những dáng vẻ gớm ghiếc của quá khứ ông.

Và do một trò chơi bi đát của định mệnh mà người đàn ông người ta đang xét xử kia, mọi người đều gọi cho ông ta là Jean Valjean.

Lúc ông bước vào, luật sư bị cáo vùa kết thúc phần biện hộ của mình.

Sự chú ý của mọi người được kích thích tới cao điểm.

Từ ba tiếng đồng hồ rồi, đám đông đã chứng kiến một con người khốn khổ cực kỳ ngây ngô trĩu xuống dưới sức nặng của một vẻ chân thực khủng khiếp, hoặc con người đó cực kỳ khôn khéo chỉ có cách chống đỡ là chối bay tất cả, tội trộm cũng như tư cách tù khổ sai.

Luật sư biện hộ đã bênh vực khá tốt, bằng lời lẽ hoa mỹ.

Nhưng trước sự đồng thanh của những lời thừa nhận, ông không dám tranh luận về lý lịch của thân chủ và ông giới hạn trong việc yêu cầu bồi thẩm đoàn tòa án không nên tỏ ra thiếu tình cảm thương hại đối với người tù khổ sai tái phạm.

Ông chưởng lý đáp lại người biện hộ.

Ông tỏ ra mãnh liệt và đầy văn vẻ như các ông chưởng lý thường khi vẫn tỏ ra.

Và ông đòi một bản án nghiêm khắc, nghĩa là chung thân khổ sai chủ yếu dựa trên tội phạm cũ tại nhà ông giám mục địa phận D...!hơn là việc bẻ cành táo đã khiến cho bị cáo bị bắt.

Đã tới lúc khép lại các cuộc tranh luận.

Ông chánh án đặt câu hỏi theo thông lệ: Anh có điều gì cần nói thêm để biện hộ cho mình không? "

Champmathieu đưa mắt nhìn quanh vẻ mặt ngây dại.

Ông ta cuộn tròn một chiếc mũ vải bẩn thỉu trong hai bàn tay.

- Tôi phải nói điều này, ông ta nói giọng khàn đục.

Tôi là thợ đóng xe ngựa tại Paris, ngay tại nhà ông Baloup.

Nếu người ta không tìm ra ông ấy được nữa, điều đó chẳng phải lỗi tại tôi chút nào.

Tôi đã năm mươi ba tuổi rồi.


Đã vậy tôi còn có đứa con gái làm thợ giặt ủi và chỉ kiếm được ít tiền.

Chồng nó đánh đập nó.

Nó chết.

Các ông gọi tôi là Jean Valjean, Jean Mathieu à? Và còn chuyện gì lôi thôi nữa.

Các ông hỏi tôi sinh trưởng tại đâu, tôi chẳng biết gì cả.

Khi tôi còn là đứa trẻ người ta gọi tôi là "cậu bé", bây giờ người ta gọi tôi là lão già.

Đó là những tên thánh của tôi.

Hãy cứ cho là vậy đi nếu các ông thích.

Tôi đã ở Auvergne, tôi đã ở Faverolles - Pardi.

Bộ người ta không thể ở Faverolles mà không đi tù được sao? Tôi đã nói với các ông là tôi không có ăn trộm và tôi là lão già Champmathieu.

Tại sao người ta cứ truy đuổi tôi mãi thế?

- Bị cáo, - Ông chưởng lý nói giọng nghiêm khắc - coi chừng đấy, những lời cãi chối của anh chỉ là một thủ đoạn tệ hại thôi.

Những người bạn tù cũ của anh, Brevet, Chenildieu, Cochepaille, đều đã nhận ra anh, ông vừa dứt lời vừa đưa tay chỉ ba người tù khổ sai mặc áo tơi đỏ đội mũ vải xanh đang ngồi nơi chiếc ghế dài dành cho nhân chứng giữa hai viên sen đầm.

Đừng chối nữa.

Ông không thuyết phục được ai đâu.

- À! Thế đấy! - Champmathieu vừa nói vừa nhìn đám người chứng buộc tội với vẻ mặt ngốc nghếch.

- Lạ kỳ thật!

Ông chánh án hỏi ông ta:

- Bị cáo, anh nghe rồi chứ? Anh còn gì để nói không?

Tôi nói: hay thật! Champmathieu lập lại giọng lầm bầm.

Tiếng xôn xao nổi lên từ phía công chúng và gần như vọng tới bồi thẩm đoàn.

Đương nhiên là lão già đã thất bại.

- Thừa phát lại, - Ông chánh án nói- hãy bảo mọi người im lặng.

Tôi sẽ kết thúc mọi cuộc tranh biện.

Bấy giờ một giọng nói buồn thảm và ghê rợn vang lên - Brevet, Chenildieu, Cochepaille! Hãy nhìn về phía này.

Mọi con mắt đều hướng về điểm xuất phát của giọng nói.

Một người đàn ông vừa đứng dậy trong nhóm luật sư.

Ông cầm chiếc mũ trong bàn tay, chiếc áo rây đanh gột của ông gài nút tươm tất.

Ông nhợt nhạt và hơi run.

Mái tóc của ông hãy còn muối tiêu lúc ông tới Anas đã trở nên bạc trắng, chỉ trong một tiếng đồng hồ.

Hai mươi người nhận ra ông và đồng thanh kêu lên.

- Ông Madeleine!

Còn ông thì tiến bước về phía ba người tù khổ sai.

- Các anh không nhận ra tôi hay sao? Ông nói.

Kìa, tôi thì nhận ra các anh cơ mà! Brevet, anh còn nhớ không.

Ông ngừng nói, lưỡng lự một hồi và hỏi tiếp lời - Anh còn nhớ những cái vải đeo quần bằng vải dan kẻ ô mà anh có được trong tù không? Còn cậu, Chenildieu, tự đặt biệt danh là "Je-ni-dieu", cậu có vai trái phỏng nặng bởi ngày nọ cậu đã nằm trên một cái lò đầy than hồng để xóa đi ba chữ: I.F.P.


- Đúng thế.

Chenildieu nói.

- Còn cậu, Cochepaille, cậu có ở khuỷu tay trái của cậu ngày hoàng đế đến Channes: một tháng ba 1815.

Hãy kéo tay áo lên xem!

Cochepaille kéo tay áo lên.

Một viên sen đầm mang một cây đèn tới.

Đúng là có ghi ngày đó.

Ông Madeleine quay về phía cử tọa và các thẩm phán với một nụ cười vừa đắc thắng vừa tuyệt vọng.

- Mọi người đều thấy tôi chính là Jean Valjean - Ông nói - Ông chánh án và ông chưởng lý, tôi biết các ông nghĩ gì.

Mới đây các ông đã nghĩ rằng tôi điên.

Không, tôi là một con người cực kỳ bất hạnh.

Tôi đã làm hết sức mình, tôi đã lẩn tránh trong một cái tên.

Tôi đã trở nên giàu có.

Tôi đã trở thành thị trưởng.

Tôi muốn trở về với những con người lương thiện.

Dường như điều đó không được.

Tôi đã trộm nhà đức giám mục, đúng thế.

Lòng tốt của ông ấy đã cứu tôi cũng như sự nghiêm khắc đã làm hỏng tôi.

Nhưng các ông không thể nào hiểu được tôi luôn nói gì đâu.

Javert, ông ấy đã nhận ra tôi.

Tôi không muốn quấy rầy cử tọa thêm nữa.

Tôi đi đây bởi người ta không bắt tôi.

Tôi có nhiều việc phải làm.

Các ông biết tôi là ai, tôi đi đâu.

Ông chưởng lý, tôi vẫn thuộc quyền quyết định của ông.

Ông đi về phía cửa.

Không một giọng nói cất lên, không một cánh tay đưa ra để cản ông.

Mọi người đều ngẩn ra.

Trong cái nhìn của ông có vẻ gì siêu phàm khiến muôn người phải lùi lại và đứng về một bên trước một con người.

Đến cửa ông quay lại.

- Tất cả các người ở đây, các người thấy tôi đáng thương xót chứ? Chúa ơi, khi nghĩ tới điều tôi sắp sửa làm, tôi thấy mình đáng đố kỵ.

Tuy nhiên, tốt hơn có lẽ tôi nên mong rằng tất cả chuyện này đừng xảy ra.

Ông bước ra ngoài.

Không đầy một tiếng đồng hồ sau, phán quyết của tòa án minh giải cho bị cáo Champmathieu khỏi mọi lời buộc tội, và ông này được trả tự do tức khắc.

Ông ta bước đi trong sững sờ, ông ta nghĩ mọi người đều điên cả rồi và ông chẳng hiểu ra làm sao cả.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận