Những Nhà Nơi Hẻm Nhỏ FULL


Hẻm nhỏ ở Giang Nam.
Xưởng dệt cải tạo một cái hẻm nhỏ và lên kế hoạch phân phối cấp cho công nhân viên chức ở.
Danh sách phân phòng còn chưa có mà xưởng dệt đã nổ tung nồi vì một tin đồn —— nửa đêm hoa khôi của phân xưởng số 2 mang theo con trai tới gõ cửa nhà bí thư, hàng xóm bị đánh thức thì mơ hồ nghe được một câu, “…… Trong nhà không ở nổi nữa rồi, nếu ông không cho tôi phòng ở thì tôi bỏ thằng con trai này ở nhà ông đó.”
Một truyền mười, mười truyền trăm, tin đồn kia vui vẻ chạy như điên khắp các hướng.

Tiếp theo lại có sự tình bất ngờ, tin đồn vốn màu hồng nay biến thành vở kịch tâm lý gia đình đầy máu chó.
Sau khi bí thư tan làm lại thấy hoa khôi kia và con trai bình thản ngồi trên ghế nhà mình chờ ăn cơm chiều thế là ông ấy giận sôi máu đá cái ghế.
Ghế kia đổ, thằng nhóc con ngã trên mặt đất và khóc váng lên, “Ông đá tôi……., ông bảo ba tôi làm cái tủ lạnh cho xưởng thế mà ông không cho mẹ tôi nhà, ông còn dám đá tôi.”
Thằng nhóc kia gào thật là thống thiết, giọng truyền khắp ngàn dặm, mấy nhà chung quanh đều nghe thấy và lập tức lấy tốc độ sét đánh mà trả lại trong sạch cho bí thư.
Trong lúc hàng xóm đang tán thưởng bí thư đúng là một lòng vì mọi người thì lại nghe thằng nhóc kia gào, “Đêm qua vợ ông hỏi vì sao ông không làm một cái tủ lạnh cho nhà mình ông còn nói không dám để mẹ đẻ biết mình có tiền riêng, sợ bà ấy sẽ lấy mất.

Này ông chú kia, ba tôi quả thực không làm thêm được cái tủ lạnh nào nữa đâu!”
Đêm đó nhà bí thư đúng là gà bay chó sủa, trong tiếng khóc lóc kinh người của thằng nhóc con, mẹ bí thư và vợ ông ta đánh nhau rồi.
Hai bên thế lực ngang ngửa, đánh thành một cục khó mà hòa giải.

Ngày hôm sau mẹ bí thư tới bệnh viện của xưởng xin thuốc cao huyết áp.

Bà ấy mang hộ khẩu nông thôn, không có phúc lợi chữa bệnh vì thế bí thư đành mang tiền vất vả tích cóp ra để trả tiền thuốc men.
Vợ ông ấy mạnh lẽ lên án mẹ chồng mình giả vờ ốm và nổi giận đùng đùng khăn gói về nhà mẹ đẻ.

Công nhân viên chức cả xưởng dùng mọi thủ đoạn, kéo các mối quan hệ đồng thời lôi ra các loại ám chiêu, thậm chí vận dụng cả vũ lực, cuối cùng tới cuối tháng 10 lãnh đạo xưởng cũng chốt xong phương án phân nhà.

Phương án được dán lên bảng thông báo trước phân xưởng.
Hoàng Linh đứng trước bảng thông báo mà vừa mừng vừa lo, mừng vì cô được phân hai gian phòng ngủ, nhưng lo chính là nhà cô và hoa khôi phân xưởng ở chung một chỗ, hai hộ dùng chung một cái bếp.
Lúc này một nhà bốn người chỉ có một gian phòng, bọn nhỏ đã ngủ rồi, đèn cũng tắt nhưng Hoàng Linh và chồng mình là Trang Siêu Anh vẫn khó mà nén hưng phấn trong lòng.

Cả hai sờ soạng ngồi cạnh cái bàn nhỏ khe khẽ thảo luận.
Khu nhà tập thể này cách âm không tốt, tiếng bước chân đi đường, tiếng ngáy của người nhà bên cạnh đều vang lên rõ ràng.

Hai vợ chồng ngồi trong ánh trăng mông lung mà vẫn thấy tươi cười cố nén trên khuôn mặt của đối phương.
Trang Siêu Anh dặn dò vợ, “Cả tầng này chỉ có mỗi nhà chúng ta được phân nhà vì thế mấy ngày nay phải khiêm tốn, nhất định không được khoe khoang.”
Hoàng Linh sợ đánh thức con nên không dám cười, nhưng khóe miệng cô vẫn cong lên, “Còn đợi anh phải nhắc sao? Em đã dặn bọn nhỏ rồi, ở trường cũng không được lắm miệng.”
Trang Siêu Anh nói, “Giấu cũng không giấu được, chẳng qua đừng khoe khoang quá khiến người ta hận.”
Hoàng Linh nói nhỏ, “Thật không ngờ……”
Hoàng Linh không nói tỉ mỉ nhưng Trang Siêu Anh hoàn toàn hiểu ý vợ mình là gì, “Em là người có thâm niên, mỗi năm đều được khen thưởng, nói đến tuổi nghề và chức danh thì trong xưởng phân nhà cho em cũng là nêu gương điển hình.”
Hoàng Linh gật gật đầu.
Trang Siêu Anh nói, “Đúng rồi, một nhà phân cho hai hộ, vậy hàng xóm của chúng ta là ai thế?”
Hoàng Linh muốn nói lại thôi, nghĩ nghĩ một lúc cô mới trả lời, “Là Tống Oánh.

Em và cô ấy không cùng một phân xưởng nên cũng không quen biết.



Trang Siêu Anh lập tức nhận ra ẩn ý trong lời của vợ, “Không tốt à?”
Hoàng Linh nói, “Lúc còn trẻ cô ấy là hoa khôi nổi danh của xưởng, bộ dạng thực sự xinh đẹp lại thời thượng.

Nghe nói cô ấy còn rất đanh đá, con trai nhà ấy học cùng lớp với Tiêu Đình.

Con bé nói thằng nhóc kia rất bướng bỉnh, thường xuyên bị thầy cô phê bình.”
Trên giường lớn Trang Tiêu Đình trở mình giống như bị đánh thức thế là hai vợ chồng lập tức nín thở.
Trang Tiêu Đình lại trở mình và rơi vào giấc ngủ nặng nề.
Hoàng Linh đè thấp giọng hơn cả lúc nãy, “Chính là cái người ném con trai ở nhà bí thư đó……”
Chuyện hoa khôi của xưởng ném con trai ở nhà bí thư chẳng có ai trong xưởng không biết, và ai cũng hiểu thế nên Trang Siêu Anh lập tức “A” một tiếng tỏ vẻ đã biết.
Nhà họ ở tầng 2 nên có thể mơ hồ nghe thấy tiếng côn trùng kêu vang trong bụi cỏ dưới lầu.

Trong chốc lát Trang Siêu Anh thất thần, “Em cảm thấy chuyện nhà chúng ta được phân nhà ở, có thể, có lẽ nào…… lại liên quan tới việc quốc gia khôi phục thi đại học không?”
Hoàng Linh mờ mịt lắc lắc đầu.
Trang Siêu Anh nói, “Trước kia học sinh cấp ba đều là học cho có, thầy cô không có tinh thần mà học sinh càng không muốn cố gắng.

Nhưng từ sau khi báo chí thông báo cuối tháng 12 sẽ tổ chức thi đại học thì lãnh đạo sở giáo dục có vẻ coi trọng cấp ba hơn.”
Hoàng Linh đáp, “Đúng vậy, hiện tại tối rồi còn có người tìm anh hỏi bài tập, ồn tới độ hai đứa nhỏ nhà mình cũng không có chỗ làm bài.”

Đã 10 năm quốc gia không tổ chức thi đại học thế nên trên thị trường cũng không có sách tham khảo vì thế đa số mọi người đều không biết phải báo danh, điền nguyện vọng như thế nào.

Trang Siêu Anh là thầy dạy toán cấp ba ở trường phụ thuộc của xưởng dệt thế nên anh lập tức trở thành trung tâm chú ý và được mọi người hỏi ý kiến.
Trong hai tháng lúc nào cũng có người tấp nập tới hỏi han, đa phần còn lại là đến chép giáo án.
Cả nhà họ chỉ có một gian phòng thế nên cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hoàng Linh ít nhiều cũng có ý kiến nhưng liên quan tới tiền đồ cả đời của mọi người, hơn nữa đều là con cái của đồng nghiệp nên cô cũng chỉ có thể cố gắng thuyết phục bản thân mình, “Nhẫn nhịn một chút, chuẩn bị thi đại học rồi, dù sao cũng chỉ có hai tháng.”
Tới cuối tháng 12 cả nước có 570 vạn thí sinh từ 14 đến 32 tuổi vào trường thi.
Trang Siêu Anh làm việc quần quật ở nhà và trường học hai tháng, tới khi thi đáy lòng anh cũng thở nhẹ một hơi và cho rằng bản thân có thể nghỉ ngơi một chút.
Nhưng mới vừa thư thái chưa được bao lâu anh đã nhận được thư của ủy ban giáo dục thông báo mình được lựa chọn tham dự công tác chấm thi tại địa phương.

Đó là vì anh làm giáo viên cấp ba đã nhiều năm, xuất thân gia đình tốt lại là đảng viên.

Và người tham gia chấm thi sẽ bị cách ly tập trung.

Trang Siêu Anh nhận được thông báo thì không thể tin được, đầu váng mắt hoa.

Anh không ngờ bản thân cũng có tư cách làm thầy giáo chấm thi đại học.
Anh chỉ có bằng trung học chuyên nghiệp, tự bản thân cũng không hề trải qua thi đại học vì thế luôn có một nỗi kính sợ bản năng với mấy chữ “thi đại học”.

Trước khi hiệu trưởng giao cho anh thư của cục giáo dục thì bản thân anh cũng không biết bản thân mình còn có liên hệ trực tiếp với việc thi đại học.
Hiệu trưởng nói, “Mười năm không thi đại học nên công việc hơi loạn.


Cụ thể phải chấm thế nào mọi người cũng không rõ lắm.

Chấm thi là phải cách ly tập trung, không biết phải chấm bao nhiêu bài, chấm trong bao lâu.

Cậu thương lượng với người nhà đi rồi trả lời tôi, nếu gia đình có khó khăn thì không đi cũng được.”
Trang Siêu Anh cầm chặt công văn, lòng bàn tay thấm mồ hôi sau đó anh kiên định nói, “Đi, tôi sẽ đi.”

Trang Siêu Anh vội vàng về nhà nói cho Hoàng Linh việc này và bắt đầu sắp xếp đồ đạc.
Hai vợ chồng đều choáng váng, Hoàng Linh hoảng loạn ôm chăn đệm từ trong tủ ra và dùng dây ni lông buộc lại, “Ngoài chăn và quần áo có cần mang theo cái gì không?”
Trang Siêu Anh cũng rất mờ mịt, “Bọn họ chỉ nói là cần chăn đệm, quần áo và đồ cá nhân.”
Hoàng Linh cầm cái cốc tráng men ở trên bàn và nói, “Cốc, khăn mặt là phải mang rồi, anh đi lấy kem đánh răng và bàn chải đi, em tìm khăn.”
Trang Siêu Anh đi lấy kem và bàn chải đánh răng, Hoàng Linh thì mở tủ năm ngăn để lấy khăn mặt mới.

Trong lúc vô tình cô nhìn thấy mấy lọ thuốc nhỏ trong đó và nhớ ra dạ dày chồng mình không tốt thế là vội vàng tìm thuốc dạ dày và thuốc trị cảm linh tinh cuốn vào trong khăn mặt và nhét vào trong cốc tráng men.
Sau một lúc bận rộn chăn đệm cũng đã được bó xong, quần áo và đồ dùng cá nhân được bỏ trong một cái túi da.

Chậu rửa mặt, phích nước nóng được cất vào túi lưới.

Lúc này Trang Siêu Anh chuẩn bị ra cửa.
Hoàng Linh chần chờ hỏi, “Có cần nói cho Đồ Nam và Tiêu Đình không?”
Trang Siêu Anh nghĩ nghĩ, “Anh cũng không biết có được nói ra ngoài hay không, để phòng ngừa thì em đừng nói với ai, bọn nhỏ mau miệng nên cứ nói anh đi công tác là được.”
Hoàng Linh khẽ run run, Trang Siêu Anh biết vợ lo lắng sợ hãi thì an ủi, “Chỉ là chấm thi thôi, sửa xong bài thi anh sẽ về.”
Trang Siêu Anh lấy đòn gánh từ gầm giường sau đó bỏ đồ vào hai đầu đòn gánh rồi đi xuống dưới.

Hoàng Linh yên lặng đi theo phía sau.
Trên bãi đất trống của khu nhà đám trẻ con đang chơi đùa.

Con cả nhà họ là Trang Đồ Nam và con gái út Trang Tiêu Đình cũng ở trong đó.

Trang Siêu Anh cười ha hả mà dặn dò hai đứa con là mình phải đi công tác mấy ngày.
Trang Tiêu Đình tò mò hỏi, “Ba ba đi công tác ở đâu đó?”
Trang Siêu Anh sửng sốt một chút mới mơ hồ đáp, “Không xa lắm.”
Trang Đồ Nam lớn hơn một chút nên cảm thấy không đúng lắm và buồn bực hỏi, “Sao ba đi công tác còn phải mang chăn? Ba tới trường học ở nông thôn ư?”
Hoàng Linh ngăn con trai hỏi tiếp rồi mang theo hai đứa tiễn chồng tới trạm xe buýt.

Trang Siêu Anh gánh đòn gánh chạy lên xe buýt, trên đường còn phải chuyển một xe khác rồi đi bộ mười phút mới tới địa điểm cách ly chấm bài, là cơ sở của cục đường sắt thành phố.
Bên trong đó có một nhà khách và một tòa công vụ.

Nhà khách lúc này không mở cửa buôn bán với bên ngoài, sau cánh cổng là cảnh vệ ba tầng trong ba tầng ngoài cực kỳ nghiêm ngặt.


Trang Siêu Anh được cảnh vệ dẫn dắt tới bên trong nhà khách để nghỉ ngơi chỉnh đốn sau đó được mang vào tòa công vụ.
Toàn bộ bàn trong văn phòng được ghép lại thành một cái bàn lớn, ở giữa có một chồng bài thi, bên cạnh là vài giáo viên tay cầm bút đang cúi đầu viết cái gì đó.

Bọn họ thấy Trang Siêu Anh thì sôi nổi dừng bút và đứng lên tự giới thiệu.
Sau một hồi hàn huyên ngắn gọn mội giáo viên già lời ít mà ý nhiều giới thiệu tình huống, “Lần này thi đại học gấp gáp quá, từ khi thông báo tới khi chính thức thi chỉ có hai tháng nên ngay cả cơ quan giáo dục tỉnh cũng không có đáp án chính xác.

Chúng tôi đã thương lượng và thống nhất các thầy sẽ làm bài một lần sau đó tìm kiếm mấy bài thi có điểm cao để tham khảo cách giải đề của học sinh, cuối cùng mọi người tổng kết và tìm ra một đáp án tiêu chuẩn cho việc chấm thi.”
Một thầy giáo khác nói trắng ra, “Kiến thức cơ sở của chúng ta cũng…… không phải quá tốt, dù sao mọi người cũng bỏ nhiều năm như thế nên phương pháp giải đề của học trò có thể giúp chúng ta mở rộng ý nghĩ.

Như thế hiệu suất chấm bài cũng sẽ được nâng cao hơn.”
Người giáo viên già kia tùy tiện rút một bài thi đưa cho Trang Siêu Anh.
Trang Siêu Anh cúi đầu thì thấy bài này đúng là hỏi một đằng trả lời một nẻo.

Trong bài thi toán mà thí sinh lại viết chính tả nửa đầu của bài《 thấm viên xuân tuyết 》, đã thế còn sai mất hai hàng.
Giáo viên già giải thích, “Đa số học sinh đều có cơ sở cực kém, không trả lời được sẽ viết loạn vào đó.

Bài thi đáp chuẩn rất ít, nếu có một bài có độ chính xác cao thì mọi người cho các giáo viên khác cùng xem.”

Trang Siêu Anh bắt đầu cuộc sống cách ly chấm thi.
Trong lúc ấy giáo viên không được tiếp xúc với bên ngoài, trước khi việc chấm thi kết thúc bọn họ cũng không được tự tiện rời khỏi nơi đó.
Hơn trăm giáo viên chấm thi đều ở trong mấy chục căn phòng ở khu nhà khách hai tầng.

Mỗi buổi sáng bọn họ ăn cơm sáng trong nhà ăn của nhà khách, sau đó tới khu nhà công vụ chấm thi, buổi tối lại cùng nhau trở về phòng mình.
Điều kiện ở nhà khách gian khổ, không có bếp lò.

Trang Siêu Anh thấy may mắn vì Hoàng Linh kiên quyết đưa phần chăn đệm dày nhất trong nhà cho anh như thế nửa đêm cũng không bị lạnh tỉnh.

Nước ấm nơi này cũng chỉ có hạn định, mỗi phòng một ngày chỉ có một ấm nước nên Trang Siêu Anh và một thầy giáo cùng phòng phải dùng tiết kiệm.

Đồ dùng sinh hoạt ở đây càng thiếu thốn, bọn họ lại chẳng thể ra ngoài mua sắm vì thế cả đám chỉ có thể dùng chung kem đánh răng, thuốc trị cảm linh tinh.
Hoàng Linh không biết chuyện Trang Siêu Anh tham dự việc chấm thi đại học có cần bảo mật hay không nhưng xuất phát từ tính kỷ luật nên cô vẫn lựa chọn giữ kín như bưng.
Đồng nghiệp và hàng xóm lục tục phát hiện Trang Siêu Anh mất tích.

Anh là người địa phương, cha mẹ ở Tô Châu vì thế Hoàng Linh cũng chẳng thể nói dối nhà chồng có việc mà chỉ có thể mơ hồ đáp “Công việc yêu cầu”.
Hai đứa con nhà họ cũng chỉ có thể giả vờ trấn định với lời giải thích mơ hồ của mẹ.

Trang Siêu Anh còn chưa về nhà thì bộ phận quản lý bất động sản đã chính thức phát chìa khóa, đám công nhân viên chức được phân nhà có thể chuyển.
Trang Đồ Nam là học sinh lớp 5, cũng là thiếu niên choai choai và được coi là lao động chính.

Cậu giúp mẹ tháo dỡ lò sắt, dọn gia cụ, bánh than lên cái xe bánh.

Trang Tiêu Đình mới vừa lên lớp một nên sức còn yếu nhưng cũng hỗ trợ thu dọn quần áo và làm những việc khả năng cho phép.
Một nhà ba người bận rộn nửa ngày mới dùng xe ba bánh chuyển chuyến đầu tiên.
Hoàng Linh nắm tay Trang Tiêu Đình đi bộ, Trang Đồ Nam thì lái xe, ba người song hành đi vào ngõ nhỏ, theo số nhà trên chìa khóa mà tìm nhà mình.
Ngõ nhỏ rất sâu, Hoàng Linh càng đi tâm tình càng sa sút.

Vòi nước công cộng và nhà vệ sinh đều ở đầu hẻm, nếu nhà càng xa thì sinh hoạt càng không tiện.
Mà sợ cái gì thì cái ấy tới, nhà bọn họ được phân chính là nhà cuối hẻm, vị trí tệ ơi là tệ.
Trong sân là nhà hàng xóm cũng vừa chuyển tới.


Tống Oánh thật là thời thượng, dù đang chuyển nhà cô vẫn mặc một bộ quần áo cực kỳ xuất sắc: áo khoác màu xanh nước biển, áo len cao cổ màu vàng nghệ, thoạt nhìn cả người cô cực kỳ ngăn nắp và lưu loát.
Đối lập mãnh liệt là ông chồng ăn mặc quê mùa của cô và thằng nhóc con lôi thôi lếch thếch đang nghịch than đá.
Tống Oánh cực kỳ nhanh nhẹn chào hỏi: “Chị Linh đúng không? Lâm Võ Phong, đây là chị Linh, sau này sẽ là hàng xóm nhà chúng ta.

Đống Triết, gọi cô đi.”
Lâm Võ Phong vội vàng buông bình nước trong tay và vươn tay với Hoàng Linh, “Chị Linh, rất vui được gặp chị.”
Thằng bé con thấy mẹ nói thì ngẩng đầu cười xán lạn với Hoàng Linh.

Bộ dạng cậu rất giống Tống Oánh, mi mắt thanh tú, cực kỳ đáng yêu.

Lâm Đống Triết đang muốn mở miệng gọi cô thì đột nhiên nghe thấy tiếng nói chuyện của anh em Trang Đồ Nam và Trang Tiêu Đình ở ngoài cửa thế là cậu lập tức chạy tới cửa thò đầu ngó ra ngoài.
Lâm Đống Triết vừa quay người chạy đi Hoàng Linh đã không thể không chú ý tới quần thằng bé, ở chỗ mông có một cái lỗ lớn lộ cả quần lót, trên quần lót mơ hồ còn có một chữ ‘u rê’, chắc là dùng bao vải đựng phân u rê sửa lại thành quần lót.
Một người mẹ hiền vợ đảm như Hoàng Linh lập tức cáu tiết với Tống Oánh.

Bản thân mình ăn mặc hoa hòe lộng lẫy thế mà chồng con thì để lôi thôi lếch thếch.

Cô cố nén phản cảm trong lòng và hàn huyên vài câu với Tống Oánh.

Căn nhà nhỏ này có bố cục ba gian thường thấy: phòng giữa là nhà chính, hai bên là hai căn phòng phụ.

Xưởng dệt xây một bức tường ở nhà chính ngăn nó thành hai căn phòng nhỏ.

Lúc này ba gian phòng biến thành bốn gian phòng ngủ phân cho hai nhà.
Hoàng Linh được phân hai phòng phía đông thế là cô cùng Trang Đồ Nam khiêng gia cụ và đồ đạc vào căn phòng phụ ở đó.
Lâm Võ Phong chủ động tới hỗ trợ, cứ thế lặng lẽ khiêng mấy món đồ nặng đi vào.

Dưới sự hỗ trợ của anh một xe gia cụ kia nhanh chóng dọn xong.
Hoàng Linh quyết định chạy về nhà cũ chuyển một chuyến nữa.
Nhưng người một nhà vừa ra ngoài sân đã thấy tiếng rống tức tối của Tống Oánh truyền ra từ trong bếp, “Đống Triết, bánh than đều nát hết rồi, con phá vừa phải thôi chứ?”
Hoàng Linh rất ít khi đánh chửi con vì thế trong lòng lại lặng yên phê bình Tống Oánh vài phần.
Trang Đồ Nam ngồi trên ghế điều khiển còn hai mẹ con Hoàng Linh thì ngồi vào thùng xe sau đó cả chiếc xe chạy ra ngoài hẻm.
Trang Đồ Nam lái rất nhanh, gió lạnh quét qua mặt, Hoàng Linh vừa đánh giá bốn phía hẻm nhỏ vừa phát sầu không biết tương lai phải ở chung với Tống Oánh như thế nào.
Nơi xa truyền đến tiếng pháo thưa thớt, Trang Đồ Nam cao giọng hét để át tiếng gió, “Mẹ, ngày kia là tết dương rồi, có phải chúng ta sẽ ăn tết ở nhà mới không?”
Hoàng Linh hoàn hồn và cười đáp, “Đúng thế.”
Trang Đồ Nam tiếp tục hét lớn, “Vừa rồi chú hàng xóm tặng cho con một cuốn lịch năm 1978, tí nữa còn sẽ dán nó lên tường.”
Hoàng Linh kinh ngạc hỏi, “Chuyện khi nào thế, sao mẹ không biết?”
Một chiếc xe ba bánh khác lướt qua bọn họ, Trang Đồ Nam vẫn còn thiếu niên nên hiếu thắng đạp chân ga đuổi theo.
Hai chiếc xe ba bánh đuổi theo nhau, một trước một sau chạy ra hẻm nhỏ.
Trước mắt bỗng nhiên trống trải, một con đường nhựa chạy thẳng về phía trước.

Lúc này Trang Đồ Nam mới đi chậm lại, tay bấm còi để báo cho người đi đường biết mà tránh.
Ánh mặt trời chói lòa, không khí mát lạnh, tiếng còi vang xa, Trang Đồ Nam chỉ cảm thấy trong lòng tự do vui sướng và thoải mái bật cười.
Hoàng Linh nghe thấy tiếng cười vui vẻ của con trai thì cũng không nhịn được khẽ cười.
 
------oOo------
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận