Thời thanh niên.
Xuất thân chính quy, có kinh nghiệm công tác nhất định, từ lúc đi làm chính thức tới nay đã 1 năm lại có thêm 3-4 năm kinh nghiệm trong lúc làm nghiên cứu sinh đã vậy lại còn trẻ, có thể thức đêm vì thế sự nghiệp của Trang Đồ Nam đang bước vào thời kỳ đỉnh cao.
Viện nghiên cứu chỉ định anh đi theo một kiến trúc sư lão làng cùng hoàn thành các hạng mục nên trình độ vẽ bản đồ của anh nhanh chóng được cải thiện.
Lúc trước Trang Đồ Nam do dự giữa việc chỉ làm kỹ thuật và làm quản lý nhưng giáo sư Chu đã chỉ điểm cho anh, “Nếu em tiến vào lĩnh vực quản lý quá sớm thì ít nhiều sẽ phải hy sinh kỹ thuật, đặc biệt là những kỹ thuật mới.
Tài liệu hiện nay ùn ùn ra đời, nếu bỏ lỡ giai đoạn này em sẽ dễ dàng đánh mất năng lực cảm nhận kỹ thuật và trào lưu mới.”
Trang Đồ Nam nghe theo kiến nghị của thầy giáo và hạ quyết tâm nghiêm túc nâng cao kỹ thuật vẽ thiết kế thêm mấy năm.
Thị trường đang có nhu cầu bùng nổ vì thế viện thiết kế tư mà Dư Đào đang làm việc càng thêm bận rộn.
Anh chàng đúng là bận tới độ chân không chạm đất.
—
Viện thiết kế sửa lại cơ chế nên Phùng Ngạn Tổ, Vương Thượng Văn và Trang Đồ Nam đều là công nhân xí nghiệp trong biên chế của viện nghiên cứu kiến trúc đại học Đồng Tế.
Dư Đào công tác ở viện thiết kế tư thì chính là công nhân của xí nghiệp tư.
Lý Nhất Minh từ chỗ bán hàng phi pháp tới lúc trở thành doanh nhân tay cầm hai tờ giấy phép kinh doanh.
Đồng thời anh cũng nắm bắt thời cơ mà vận hành cửa hàng quần áo cùng quầy bán quà vặt đầu hẻm làm ăn rất khá.
Sau khi xưởng tủ lạnh của xưởng trưởng An đóng cửa Tống Hướng Dương thất nghiệp phải chuyển sang nơi khác.
Anh tới làm việc cho một xí nghiệp tư ở Tô Châu và cũng đã được thăng lên làm quản lý.
Hướng Bằng Phi thì vận hành một công ty vận chuyển hành khách nhỏ.
Tống Oánh vì chuyện gia đình mà xin “nghỉ không lương” ở xưởng dệt sau đó tới Quảng Châu kinh doanh cửa hàng ăn uống.
Một đám công nhân viên chức của xưởng dệt đều xin ‘nghỉ không lương’ và rời xưởng quốc doanh ra ngoài tìm cơ hội khác.
Em rể thứ hai của Lâm Võ Phong cùng vợ trở thành chủ doanh nghiệp tư.
Bọn họ cẩn thận kiếm tiền, dẫn dắt cả nhà cùng thoát nghèo vào làm giàu.
…….
Nhà ở cũng đang ở giai đoạn cải cách, từ tài sản nhà nước sang sản phẩm thương mại.
Sinh viên tốt nghiệp trước kia được phân phối nhưng nay cũng đổi thành “Hai bên cùng chọn theo yêu cầu”.
……
Các ngành các nghề và cắc mặt xã hội đều thay đổi theo hướng thị trường bằng các hình thức khác nhau.
Tin tức, tạp chí và truyền thông đều đăng tải những tranh luận về thị trường và kế hoạch thay đổi.
Đầu tháng 3, tờ《nhật báo giải phóng 》đăng “Kế hoạch và thị trường chỉ là hai hình thức và thủ đoạn phân phối lại tài nguyên chứ không phải tiêu chí phân chia chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tư bản có kế hoạch, còn chủ nghĩa xã hội sẽ có thị trường.” Quan điểm long trời lở đất này khiến dư luận ồn ào.《Nhật báo Nhân Dân 》lập tức phát biểu ý kiến bác bỏ.
Mấy tháng tiếp theo hai tờ báo này đại diện cho các báo khác cùng đấu võ mồm, tranh luận gay gắt.
Trong lúc dư luận đang bàn tán sôi nổi thì cải cách mở cửa đã nhanh chóng tràn tới Phổ Đông.
“Một ngày đã có 4-5 mảnh đất được phê duyệt, 15 phút đã hoàn thành hồ sơ xét duyệt của một đám dự án, quá kinh khủng.” Các cơ quan quản lý hành chính của Phổ Đông đều quay chung quanh các hạng mục khai phá và mở rộng.
Các ủy ban và bộ đều cử người đóng chốt ở khu Phổ Đông như thế các hạng mục đầu tư đều sẽ được phê duyệt tại văn phòng ‘một cửa’ này chứ không cần chạy qua các phòng ban lằng nhằng nữa.
Quy trình phê duyệt có hiệu suất cao nên cả khu Phổ Đông sôi trào nhiệt huyết, vận chuyển cực nhanh.
Hơn một ngàn công trường đồng thời khởi công.
Con người xây dựng kế hoạch công trình còn các công trình lại thúc đẩy con người, hai bên cùng nhau tiến về phía trước.
—
Tổ thiết kế của Trang Đồ Nam đang tiến vào giai đoạn thi công nhà cao tầng.
Viện thiết kế cần phải phái kiến trúc sư thường xuyên tới hiện trường phối hợp với đội thi công và các bộ phận khác.
Trang Đồ Nam được cử làm đại diện nên sau khi về phòng thuê anh đã thuận miệng nói tới việc này.
Dư Đào đồng tình nhìn anh một cái sau đó cầm một bộ bao đầu gối đưa cho anh, “Ngày mai ra cửa đeo cái này vào, cậu sẽ cần đó.”
—
Ngày hôm sau Trang Đồ Nam rời giường rửa mặt thì thấy bao đầu gối ở trên ghế.
Anh do dự một chút mới nửa tin nửa ngờ đeo bao gối rồi mới mặc quần dài và xách theo cặp công văn chạy tới Phổ Đông.
Lúc này là thời gian cao điểm nên trạm xe buýt chen đầy người.
Mấy trăm người xếp thành một đội ngũ dài, mỗi khi có xe buýt chạy tới cả đội ngũ sẽ xôn xao chạy về phía trước.
Một con rắn lớn nháy mắt hóa thành rất nhiều con rắn nhỏ chạy như bay.
Khi xe buýt dừng lại ‘con rắn nhỏ’ nào may mắn chạy ngay cạnh cửa sẽ lập tức dùng sức chen vào thùng xe.
Còn những ‘con rắn nhỏ’ đã chạy quá sẽ vội quay đầu tới cửa xe và chen lên.
Sau một phen kéo đẩy, thậm chí đánh nhau, xe buýt đóng cửa, những người còn lại lùi về phía sau tích cóp thể lực để chờ xe tiếp theo.
Trang Đồ Nam phán đoán sai cửa xe nên trơ mắt nhìn ba chiếc xe đi xa.
Khó khăn lắm anh mới chen lên được cái xe thứ tư —— đúng hơn thì anh bị đám người phía sau đẩy lên cái xe thứ tư.
Trong xe không hề có khe hở, trên ghế là mọi người ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi vì mệt, còn những người đứng thì dán vào nhau không nhúc nhích.
Sau 40 phút Trang Đồ Nam cũng tới được bến đò ở Lục Gia Khẩu và tiếp tục phải chờ nửa tiếng mới lên được phà.
Độ chen chúc trên phà còn kinh hơn trên xe buýt.
Nhân viên công tác cố sức đẩy đám người vào khoang thuyền sau đó miễn cưỡng đóng cửa.
Mưa to vần vũ, cửa sổ không có kính thế là gió lạnh thê lương theo các hướng chui vào.
Trang Đồ Nam đứng cách cửa sổ không xa nên trên mặt nhanh chóng bắn đầy nước mưa.
Vài phút sau áo khoác của anh ướt đẫm, cả người lạnh như băng.
—
Trang Đồ Nam bắt đầu phải chạy tới Phổ Đông liên tiếp.
Giao thông hai bên bờ không tiện thế nên trong những năm tháng thanh xuân này anh vừa phải luyện văn vừa phải ôn võ.
Về văn anh nỗ lực nâng cao trình độ vẽ thiết kế, về võ anh nâng cao trình độ chen chúc trên xe buýt với phà.
Vì phải thường xuyên chen chúc trên xe buýt và phà gần hai tiếng thế nên trong cặp công văn của chàng thanh niên Trang Đồ Nam lúc nào cũng có bao đầu gối.
Tổ trưởng hoặc giáo sư vừa ra lệnh một tiếng là anh lập tức xách cặp vào WC đeo bao gối và xuất phát đi Phổ Đông.
—
Cục quy hoạch thành phố đột nhiên thay đổi cán bộ hiện trường.
Trong lúc ấy có cuộc họp giữa cán bộ đóng chốt của các cơ quan khác nhau.
Hội trường rất đơn sơ, cụ thể thì đây là một văn phòng gần công trường.
Trong tiếng máy móc rền vang của công trường mọi người cùng ngồi họp.
Trong phòng có một cái quạt bàn lắc trái lắc phải thổi ít gió nóng đi khắp nơi.
Đại biểu tham dự họp thì cố gắng thò đầu về phía cái quạt để hưởng ít gió.
Trong danh sách tên đại biểu mới Trang Đồ Nam thấy có tên “Thạch Uẩn Ngọc” thì khen, “Tên hay.”
Máy móc trên công trường vẫn rền vang, một kỹ sư kết cấu ngồi bên cạnh anh lập tức hỏi, “Cậu nói gì?”
Anh chàng kia còn chưa đợi Trang Đồ Nam trả lời đã quay đầu sang một bên để đón gió từ quạt bàn.
Đầu và nửa người trên của anh bạn đó lập tức di chuyển theo cái quạt giống hệt hoa hướng dương đuổi theo mặt trời.
Vị cố vấn ở bàn đối diện tham gia câu chuyện, “Thời nhà Thanh có một vị thi nhân là nam cũng có tên là Thạch Uẩn Ngọc.”
Trang Đồ Nam chờ anh chàng kỹ sư kết cấu kia quay đầu lại mới nói, “Đá ngậm ngọc sáng ngời, nước ngậm châu lấp lánh.”
Anh chàng kỹ sư kết cấu phun một câu, “Thối hoắc.”
Anh chàng cũng không nhiều lời mà đứng dậy đổi chỗ cách xa Trang Đồ Nam, “Tôi không nói thơ thối mà là nói cậu ấy, thối hoắc.”
Trang Đồ Nam bất đắc dĩ giải thích, “Trên phà có người nôn lên áo sơ mi của tôi, gột qua nước rồi nhưng vẫn không đỡ mấy.”
Cửa phòng đột nhiên bị đẩy ra, một cô gái trẻ đầu đội mũ bảo hộ tiến vào.
Ngoài vị trí bên cạnh Trang Đồ Nam thì trong phòng không còn chỗ nào trống nữa thế nên cô gái kia lập tức đi tới ngồi xuống bên cạnh anh.
Cô cởi mũ bảo hộ ra sau đó tự nhiên giới thiệu, “Trưởng khoa Thạch đã tiếp nhận hạng mục khác nên tôi tiếp nhận hạng mục này.
Tôi là Lý Giai.”
Lý Giai nghiêng đầu nhìn thoáng qua Trang Đồ Nam thế là anh lập tức làm theo quy củ bất thành văn trên công trường mà mở miệng nhận bạn học, “Lý Giai là lớp trưởng lớp tôi ở đại học.”
Phổ Đông được khai phá nên giới kiến trúc của cả Thượng Hải đều được điều động.
Nhân lực của Đồng Tế và đại học giao thông là nhiều nhất vì thế mọi người cũng đã quen nên không ngạc nhiên lắm mà chỉ gật đầu tỏ vẻ đã biết.
Sau khi Lý Giai tự giới thiệu hội nghị mới bắt đầu.
Các hạng mục xây tường, dựng cọc thép, dựng cột đan chéo vào nhau, ai cũng ghét nhau ra mặt và cảm thấy đối phương làm sai.
Các bên cầm bản vẽ và bảng số liệu cãi nhau hăng say hai tiếng.
Mãi tới giữa trưa cả đám mới chen chúc ra ngoài ăn cơm.
Lý Giai mới đến nên xét từ mọi góc độ Trang Đồ Nam đều phải tiếp đón.
—
Trên con đường gần đó có tiệm ăn vặt và tiệm cơm trong đó bán mì và hoành thánh.
Một đám người vừa nãy cãi cọ ủm tỏi nay chia ra nửa ăn cơm nửa ăn mì thịt bò, cái nào cũng nhiều, đảm bảo no.
Trang Đồ Nam giúp Lý Giai gọi mì thịt bò, “Cậu đến không khéo, hôm nay có khi phải làm tới chạng vạng, nếu ăn hoành thành là không đủ no đâu.”
Lý Giai cười, “Tôi biết.
Tôi ở cục quy hoạch công trình nên phải chạy tới công trường nhiều hơn cậu đó.”
Anh chàng kỹ sư kết cấu ngồi cùng bàn với họ nên thuận miệng hỏi, “Cục quy hoạch chắc là bận lắm nhỉ?”
Lý Giai đáp, “Sau khi Phổ Đông khai phá và mở ra thì số lượng hạng mục tăng lên rất nhiều.
Chỉ mình tôi đã quản lý 15 hạng mục.
Tuy chỉ cần thẩm tra bản vẽ mặt bằng tổng thể và đồ án thi công nhưng hết cái nọ tới cái kia tới tay vì thế cũng mệt chết đi được.”
Kỹ sư kết cấu kinh ngạc, “Tôi còn tưởng đơn vị chính phủ sẽ nhàn hơn các viện thiết kế chứ?”
Lý Giai không cho là đúng, “Sau khi vào cục quy hoạch chúng tôi đảm nhận việc cải tạo khu thành cổ và việc khai phá Phổ Đông vì thế việc cứ gọi là ngập đầu.”
Trang Đồ Nam tò mò hỏi, “Không phải cả cục có vài phòng ban à? Sao không luân phiên làm việc?”
Lý Giai lắc đầu, “Phòng nào cũng bận, hơn nữa tôi cũng không muốn luân phiên.
Công việc hiện tại của tôi không cần sử dụng nhiều kiến thức trước kia, nếu lại đổi tới phòng quy hoạch hoặc tổng hợp thì coi như hoàn toàn làm trái ngành.”
Nhân viên cố vấn ngồi ở bàn bên cạnh cảm thán, “Gần đây thường xuyên gặp sinh viên của Đồng Tế ở công trường, tóm lại khoa của các cậu có bao nhiêu người đang làm việc ở Phổ Đông thế?”
Trang Đồ Nam đáp, “Anh nói là khoa chính quy đúng không? Lớp chúng tôi đa phần đều được quốc gia phân phối, những khóa 88,89,90 bắt đầu áp dụng ‘hai bên cùng chọn’ thì chủ yếu tới Thâm Quyến, năm nay mới bắt đầu chạy qua Phổ Đông.”
Lý Giai khẳng định lời Trang Đồ Nam nói, “Tháng trước tôi mới vừa về Đồng Tế chọn người, năm nay hẳn sẽ có thêm nhiều người tới Phổ Đông làm việc.”
Trang Đồ Nam hơi hoảng hốt nhớ ra mình đã tốt nghiệp đại học nhiều năm như thế.
Lý Giai liếc anh một cái giống như hiểu anh đang nghĩ gì, “Đúng vậy, nhanh thật, chúng ta đã ở vào vị trí có thể về trường tuyển người rồi.”
Nhân viên cố vấn cảnh giác mở miệng, “Cục quy hoạch cần phải phối hợp với các bên, hai người học chung một lớp cũng không thể bất công mà thiên vị đâu đấy nhé.”
—
Sau đó Lý Giai không tới công trường nữa mà chỉ xuất hiện trong một cuộc họp khác.
Sau khi hội nghị kết thúc mọi người lập tức giải tán, Trang Đồ Nam cũng mệt mỏi cực kỳ nhưng anh nghĩ trước nghĩ sau vẫn cầm đồ của mình đi lên lầu định chụp thêm mấy tấm ảnh và ghi thêm mấy chi tiết để mang về viện thiết kế.
Lúc lên tới tầng cao nhất anh vừa bước ra ngoài đã thấy một mình Lý Giai đang ngồi trên bậc cầu thang.
Cô đang ăn kem, bên cạnh có một lon nước có ga ướp lạnh.
Trai đơn gái chiếc thế là Lý Giai cũng hơi ngượng ngùng, “Trang Đồ Nam, trời nóng quá nên tôi lên đây hóng gió.
Cậu uống nước ướp lạnh không?”
Nếu đã tình cờ chạm mặt mà Lý Giai còn chủ động chào hỏi thì Trang Đồ Nam cũng không tiện bỏ đi.
Anh đi tới ngồi bên cạnh cô.
Anh là người ga lăng, lúc ngồi xuống sẽ duy trì khoảng cách nhất định với cô.
Cầu thang này chưa hoàn thành nên chưa có tay vịn vì thế ngồi cách xa vậy khá nguy hiểm.
Lý Giai cười cười và nhích gần vách tường để anh có thêm không gian, “Trang Đồ Nam, an toàn là trên hết.”
Lý Giai hào phóng, hơn nữa lời cô nói cũng có đạo lý nên Trang Đồ Nam cũng biết nghe lời phải mà dịch vào trong một chút.
Khu nhà này đã xây tới tầng 9, coi như một khu nhà cao tầng ở Phổ Đông, đã vậy tường ngoài và cửa sổ chưa được hoàn thiện nên tầm mắt hai người có thể nhìn thấy hết quang cảnh bên ngoài mà không bị chắn.
Chân trời có ánh nắng nhạt cuối ngày nhuộm đỏ bầu trời.
Các công trường xa gần đều vang rền tiếng máy móc với khí thế ngất trời.
Gió từ mặt sông thổi qua công tường mang theo mùi tro bụi và khô nóng đầu hạ lướt qua công trình trống trải.
Quần áo hai người theo gió thổi cũng vang tiếng rào rạt.
Lý Giai đưa lon nước qua còn Trang Đồ Nam ngồi trong cảnh sắc này thì cảm thấy cực kỳ thích ý nên cũng không từ chối mà cảm ơn và đón lấy.
Hoàng hôn nhảy múa trên người họ, cánh chim nhỏ bay lượn nơi xa, cảnh sắc mê hoặc lòng người.
Tiếng chuông đinh tai nhức óc đột nhiên vang lên, giờ tan tầm ở công trường đã tới vì thế Trang Đồ Nam nói, “Chúng ta đi xuống thôi, lúc này thang máy còn chưa ngừng chứ lát nữa nó ngừng rồi là phải cuốc bộ xuống đó.”
Lý Giai cười và lắc đầu sau đó ra hiệu cho anh nhìn xuống dưới.
Trang Đồ Nam không hiểu thế là cũng nhìn xuống mới thấy mấy cái thang máy gần đó đều đang đi xuống nhưng vì số lượng có hạn nên không chở được bao nhiêu người.
Có rất nhiều công nhân cùng nhau đi bộ xuống cho nhanh.
Người từ mấy công trình đều túa ra như dòng thủy triều.
Gần cổng lớn của công trường là dòng người nườm nượp, xe đạp như những dòng suối chảy tới các con phố.
Trên con đường vốn trống vắng nay đột nhiên xuất hiện một đống xe buýt kề vai sát cánh với đội quân xe đạp.
……
Trang Đồ Nam trợn mắt cứng họng nhìn cảnh này.
Mấy trăm người từ các công trình khác nhau tụ tập dưới mặt đất sau đó hợp với dòng người từ nhiều hướng tràn ra các nơi.
Trong thời gian ngắn mấy vạn người tan làm tụ lại rồi tản ra bốn phương tám hướng.
Dòng người chen chúc xô đẩy, mênh mông cuồn cuộn.
Lòng anh chấn động khó nói nên lời.
Lúc anh quay đầu nhìn về phía Lý Giai chỉ thấy cô mỉm cười nói, “Mỗi lần tới công trường mà có thể kịp lúc này tôi sẽ lên lầu cao ngắm mọi người tan làm.
Lần nào nhìn thấy cảnh này tôi đều cảm thấy chấn động, nhiều lúc tôi còn cảm thấy kiến trúc thật…… thật lãng mạn.”
Lời Lý Giai nói mang theo hàm ý sâu xa nhưng Trang Đồ Nam lại hoàn toàn hiểu và yên lặng gật đầu.
—
Thang máy đã ngừng hoạt động nên hai người chỉ có thể theo thang bộ còn dang dở để xuống lầu.
Trang Đồ Nam bỏ vỏ lon nước rỗng vào túi và mang xuống.
Anh vừa đi vừa tiện tay xử lý rác rưởi như mấy cây thép hoặc mấy miếng gạch gì đó rồi đặt vào chỗ an toàn để tránh người khác vướng vào sẽ ngã.
Lý Giai ở bên cạnh yên lặng hỗ trợ.
Trời vẫn còn sáng, ánh hoàng hôn cực kỳ dịu dàng, gió từ mặt sông thổi tới cũng không còn quá khô nóng.
Trang Đồ Nam than thở từ đáy lòng, “Mỗi lần họp xong tôi chỉ muốn nhanh chóng về viện thiết kế thay đổi kế hoạch chứ chưa từng nghĩ quang cảnh lúc tan tầm lại chấn động thế này…….”
Một căn nhà cao tầng ở đối diện đột nhiên sáng ánh đèn.
Trang Đồ Nam bị ánh sáng chói mắt này chiếu vào thì ngạc nhiên, “Công trường đối diện tăng ca à?”
Nhưng anh còn chưa dứt lời thì đèn đường đã đồng loạt bừng sáng.
Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy ánh sáng lộng lẫy lấp lánh tỏa ra thật xa.
Lòng anh như say như mê, “Trước kia tôi chỉ cảm thấy Phổ Đông là một công trường lộn xộn không ngờ cảnh ban đêm ở đây lại đẹp như thế.”
Lý Giai cũng nhìn về phía con đường cái rộng lớn thẳng tắp mới được xây, “Người ta thường nói xây cầu sẽ gấp gáp hơn xây nhà cao tầng.
Tôi có một đồng nghiệp tham gia quy hoạch xây dựng đường ở Phổ Đông.
Anh ấy nói lúc xây đường có khi làm tới nửa đêm 2 giờ, khi đó non nửa đường phố ở Phổ Đông đều sáng ánh đèn.”
Trang Đồ Nam tán thành, “Đúng thế, giao thông luôn phải hoàn thành trước các công trình kiến trúc vì thế tốc độ cần phải nhanh.
Hai đàn anh cùng phòng của tôi đang tham gia dự án xây cầu Nam Phổ.
Lúc mới lên nghiên cứu sinh tôi thường nghe họ nói toà thị chính mở họp nghiên cứu và thảo luận tính khả thi của việc xây cầu bắc qua sông thế mà nháy mắt một cái cầu Nam Phổ đã gần hoàn thành rồi, nhanh thật.”
Nhớ lại chuyện cũ thế là anh không nhịn được cười, “Khi đó bọn họ hình dung công trình cầu Nam Phổ chính là tay không bắt giặc.
Nguyên văn lời các anh ấy nói là ‘không có tiêu chuẩn vẽ thiết kế, không có quy chuẩn thi công, công nghệ gia công chế tạo đều thiếu’.
Một công trình lớn như thế vẫn có thể hoàn thành một cách nhanh chóng trong điều kiện ‘ba không’ thì đúng là thần kỳ.”
Anh chàng kiến trúc sư Trang Đồ Nam lập tức nổi hứng thơ văn, “Đồng ruộng biến thành con đường, đất vàng biến thành nhà cao cửa rộng.”
Lý Giai tránh mấy viên đá rơi rụng từ bên trên và nói, “Ngày đó tôi đi qua cầu Nam Phổ đã thấy người ta dựng trạm thu phí đâu vào đó.
Sao cầu còn chưa xong đã bắt đầu thu phí thế?”
Trang Đồ Nam tiện tay nhặt hòn đá bên chân Lý Giai và đặt ở một khe rỗng giữa các bậc thang để đề phòng nó làm vướng chân người lên xuống cầu thang, “Toà thị chính không có tiền nên phải thu tiền sau đó mới có nguồn chi cho cây cầu tiếp theo nối hai bờ Hoàng Phố.”
Lý Giai không nhịn được nói, “Tôi nhớ rõ vào năm thứ nhất đại học có một ngày cả lớp đi tham quan thành phố vào ban đêm.
Khi ấy chúng ta đứng từ xa nhìn Phổ Đông chỉ thấy toàn là nhà cửa lụp xụp và đồng ruộng, còn bây giờ…… quả thực khó mà tưởng tượng nổi.”
Trang Đồ Nam cũng cảm thán từ đáy lòng, “Phải, khi ấy chẳng có ai trong chúng ta để Phổ Đông vào mắt.
Chẳng ai ngờ được vài năm sau nơi này lại thành một công trường lớn mà chỉ cần ném hòn đá vu vơ cũng có khả năng trúng một tên sinh viên kiến trúc của Đồng Tế.”
Lý Giai bật cười, sau đó vẫn than, “Không thể tưởng tượng được, thật sự là không thể tưởng tượng được.”
Bạn học cũ quả thực có quá nhiều ký ức và cảm xúc chung, chỉ tiện tay nhặt một câu là đã đủ gợi lên bao hồi ức thanh xuân.
Lý Giai lại tiếp tục cảm thán, “Khi đó đi Bình Dao về tôi còn muốn chuyển sang chuyên ngành kiến trúc lịch sử cơ.”
Trang Đồ Nam nói, “Cả đoàn chúng ta có hai người học kiến trúc phục dựng, cậu còn nhớ Vương Đại Chí không? Sau này anh ấy theo giáo sư La làm công tác trùng tu các di tích lịch sử của Thượng Hải.
Năm kia anh ấy ở lại trường làm việc rồi được giáo sư La tiến cử sang Mỹ học tiếp.”
Anh cười nói, “Những người còn lại cơ bản đều được phân về cục quy hoạch hoặc các nơi nòng cốt.”
Lý Giai buồn bã mất mát, “Thời gian trôi qua nhanh thật, chuyến đi Bình Dao đã là chuyện 5-6 năm trước rồi.”
……
Vừa đi vừa nói chuyện, thi thoảng lại xử lý rác rưởi vì thế cả hai người mất nửa tiếng mới đi từ lầu 9 xuống tầng trệt.
Đèn đuốc rực rỡ mới lên, trên đường phố tràn đầy mùi mì thịt bò, mì xào, hoành thánh.
Nhìn đâu cũng là cảnh khói lửa nhân gian.
—
Học kỳ cuối không cần đi học mà chỉ có 2 tuần đi thực tập và làm khóa luận vì thế Lâm Đống Triết xin nghỉ trở về Quảng Châu một lần để tham gia sự kiện giao lưu với sinh viên Quảng Châu.
Anh chuẩn bị mấy chục phần hồ sơ của bản thân và Trang Tiêu Đình rồi rải khắp nơi.
Vốn anh định cùng Trang Tiêu Đình xuống phía nam vì dù sao chuyện công việc hiện tại cũng là bên tuyển dụng và bên ứng tuyển cùng thỏa thuận.
Điều này nghĩa là các đơn vị, xí nghiệp ngoài việc nhận hồ sơ còn nói chuyện trực tiếp với sinh viên, thậm chí làm luôn phỏng vấn để lựa chọn người.
Nhưng muốn ra vào Quảng Châu phải có giấy chứng nhận, cái này anh có chứ Trang Tiêu Đình không có.
Cô đã tới văn phòng trường để nhờ giúp đỡ làm giấy tờ nhưng bị từ chối.
Rơi vào đường cùng Lâm Đống Triết chỉ có thể đi Quảng Châu một mình.
Tống Oánh thường xuyên nói Lâm Đống Triết quả thực luôn gặp vận chó ngáp phải ruồi mỗi khi có việc quan trọng.
Khi còn nhỏ anh gặp được cả nhà Trang Siêu Anh thế nên mới có thể may mắn vào được Nhất Trung.
Trước khi thi đại học Lâm Võ Phong được điều tới Quảng Châu thế là anh lại mạo hiểm qua cửa đại học giao thông.
Hiện tại đi tìm việc Lâm Đống Triết lại lần nữa bày ra vận mệnh ăn may không ai sánh kịp của bản thân.
Một công ty công nghệ vệ sinh muốn thành lập xí nghiệp liên doanh ở Quảng Châu mà nơi này các công ty kiểu như thế không nhiều.
Bọn họ còn đồng thời mở chi nhánh công ty ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Công ty vệ sinh có tiêu chuẩn cao, đa số các vị trí đều yêu cầu sinh viên đại học hoặc nghiên cứu sinh vừa tốt nghiệp.
Lâm Đống Triết có hộ khẩu, có bằng cấp, chuyên ngành cũng đúng, đặc biệt là trong 2 năm cuối tối nào anh cũng học bài với Trang Tiêu Đình nên thành tích cực tốt.
Anh là nam nên có thể chịu khổ, lại có thể dễ dàng qua lại giữa Quảng Châu và Thượng Hải.
Sau khi tổng hợp các loại điều kiện thì có thể nói Lâm Đống Triết chính là nhân tài hiếm có trong số những người ứng cử, tới cuối tháng 5 đã được ký hợp đồng.
Lâm Đống Triết giúp Trang Tiêu Đình đưa lý lịch tới vài nơi sau đó để lại số liên lạc của Lâm Võ Phong.
Ông nhận được liên hệ của mấy xí nghiệp và nhắn cho Trang Tiêu Đình.
Cô thì nghĩ cách gọi điện thoại đường dài liên lạc với đối phương.
Do nhiều vấn đề từ hộ khẩu tới nhân sự mà cô chưa nhận được lời hứa chắc chắn nào nhưng những cuộc điện thoại này cũng đủ cổ vũ cô tiếp tục cố gắng.
Lâm Đống Triết và Trang Tiêu Đình thay nhau tới văn phòng hỏi thăm cách để cô tiến vào đặc khu kinh tế Quảng Châu hoặc Thâm Quyến làm việc.
(Hãy đọc thử truyện Ngôi sao rực rỡ của trang Rừng Hổ Phách) Sinh viên tốt nghiệp xuống phía nam đã thành phong trào vì thế cán bộ của trường đã quen thuộc với các quy trình liên quan.
Bọn họ nói các công ty nước ngoài hoặc xí nghiệp tư nhân trong các đặc khu không quá để ý tới việc nhân công là sinh viên mới ra trường và có hộ khẩu hay không.
Tuy nhiên họ cũng sẽ không giúp nhân viên làm các thủ tục liên quan vì thế những người này trước tiên phải dời hộ khẩu về nguyên quán sau đó về quê xin ”giấy đi lại” rồi mới có thể nghĩ cách khác để hoàn thành một loạt thủ tục nhân thân phức tạp.
Trang Tiêu Đình cũng tham gia hoạt động hướng nghiệp của đại học giao thông.
Nhưng cơ hội cho cô chọn cũng không nhiều.
Có hai công ty ở Tô Châu rất hứng thú tiếp cận cô.
Người phụ trách còn gặp cô nói chuyện trực tiếp nhưng cả hai đều có quy định đó là sau khi ký hợp đồng cô sẽ phải ở lại 3-5 năm và không được từ chức, cũng không được chuyển sang nơi khác.
Nếu vi phạm cô sẽ phải trả một số tiền lớn để bồi thường.
Trang Tiêu Đình nghĩ mãi mới quyết định cô chưa tìm việc vội mà chờ tốt nghiệp xong dời hộ khẩu về Tô Châu sau đó làm giấy đi đường và tới Quảng Châu tìm việc.
—
Trang Siêu Anh là đảng viên nên mỗi cuối tuần ông đều phải tham gia các khóa tập huấn ở trường.
Báo chí dùng lời lẽ làm vũ khí để tranh luận đề tài “Cải cách mở ra là đi theo hướng ”công xã” hay ”tư nhân”.
Trang Siêu Anh càng ngày càng lo lắng, ngay cả trong lúc tập huấn mọi người cũng thảo luận chủ đề “hai trọng tâm” của《 Nhật báo Nhân Dân 》: “Nhân dân cả nước đang có một nhiệm vụ quan trọng là đấu tranh giai cấp và xây dựng toàn diện”.
Sau đó ông hạ quyết tâm.
Trang Siêu Anh nói với vợ về kết luận sau thời gian mấy tháng suy nghĩ cặn kẽ của mình, “Anh không phản đối Tiêu Đình và Đống Triết ở bên nhau nhưng bọn nó cần phải về Tô Châu, không thể tới Quảng Châu được.”
Giống như khi ông mang con trai cả Trang Đồ Nam ngồi tàu suốt đêm tới Thượng Hải hỏi kết quả thi đại học hay lúc ông kiên trì bắt đám nhỏ tới nhà ông bà, lúc này Trang Siêu Anh lại thể hiện năng lực chấp hành mạnh mẽ một khi bản thân đã đưa ra quyết định.
Ông hỏi thăm khắp hệ thống giáo dục ở Tô Châu với ý định tìm một công việc cho Trang Tiêu Đình và Lâm Đống Triết.
Công sức không phụ lòng người, dù sao ông cũng có ít nhiều quen biết ở cục giáo dục nên mọi người hỏi qua lại cuối cùng ông cũng nghe ngóng được đại học Tô Châu đang tuyển phụ đạo viên chuyên trách.
Hộ khẩu và bằng cấp của Trang Tiêu Đình đều phù hợp nên sau khi nhờ vả một phen cuối cùng người ta cũng đồng ý miệng.
Vào một ngày đầu tháng 6 Trang Siêu Anh không có tiết học buổi chiều nên ông bảo vợ xin nghỉ làm chiều để hai người cùng nhau chạy tới Thượng Hải.
Dù sao xưởng dệt cũng không có nhiều việc, đi làm hay không cũng chẳng quan trọng.
------oOo------