Me yêu quý !
Con trả lời lá thư mới nhất của me đây, me yên tâm con đã viết me hàng chục lần rồi là con không sao cả, con ăn và lớn như thổi đấy me ạ. Hai bác Khanh vẫn thương con, cả anh Khải, anh Hoàng và chị Hân nữa.
Đà Lạt tháng này không lạnh bao nhiêu, vâng, thưa me, con dạo này hơi bận rộn vì phải sửa soạn thi đệ nhị lục cá nguyệt. Thi xong là tha hồ mà rảnh rỗi. Như thế là không còn mấy tháng nữa con sẽ về rồi me ơi. Chị Hân với anh Hoàng thì lại mới về Saigon được vài ngày nay. Chị có rủ con đi mà con từ chối, sắp thi rồi, vả lại theo chị Hân đi chơi hoài con thấy ngượng ngùng, có phải thế không hở me. Bây giờ chỉ có anh Khải và con ở nhà thôi, nhớ me ơi là nhớ, nhớ cả em Vũ nữa. Em dạo này còn khóc nữa không me. Me ơi, con có nhiều quà cho em Vũ lắm, làm bằng mấy trái thông khô ấy mà mẹ. Mỗi lần đi chơi đồi con lại nhặt một ít về, anh Khải dạy con làm mấy con thú bằng thông xinh lắm cơ me ạ.
Tối hôm qua ngủ một mình con sợ ma quá chừng, đến khuya vẫn còn nghe anh Khải thổi sáo buồn kinh khủng, sao mà anh ấy thổi sáo buồn thế không biết. Con nghe me nói thổi sáo thì có ma làm con sợ thêm. Nhưng mà sợ thì sợ con cũng thích nghe anh Khải thổi sáo lắm, nhất là thổi bài Khối tình Trương Chi thì thật là tuyệt diệu. Con muốn học thổi sáo về thổi e nghe mà chắc là học không được đâu. Con thì bận học mà anh Khải cũng bận đi dạy, soạn bài chấm bài hoài. Con cũng thích học đánh đàn me ạ, chị Hân đang đòi học piano. Nhà bác Khanh giàu sướng me nhỉ. Con chả dám đi chơi, chả dám nghĩ vơ vẩn chỉ sợ học tuột đi thì me buồn.
Ở nhà bác Khanh thì đầy đủ thật đấy, nhưng mà nhiều khi nhớ me kinh khủng. Con thèm về ăn cháo hoa me nấu với củ cải muối, thèm cá kho mặn với rau luộc. Nhớ thật nhiều vậy đó me. Hôm nào con về me nấu cơm cho con ăn nghe me, me nấu canh rau đay với mướp và cà muối chua nghe me. Trời ơi, sao con muốn chạy ngay về nhà ghê me ạ. Về chui vào lòng me, ngửi mùi thơm thơm của tóc me, của người me. Ở đây chả có ai hỏi han săn sóc con hết, ai cũng tốt nhưng không ai cho con những âu yếm của me, me ạ. Thôi con không thèm than thở nữa, để me nghe me sốt ruột chết. Con sắp về với me rồi mà, ba tháng nữa thôi me, tha hồ mà làm nũng với me, me chịu không ?
Học có anh Khải chỉ dạy khá lắm me, có gì không hiểu con lại mang đến nhờ giảng. Nhà chỉ có anh Khải là điềm đạm và hiểu con hơn hết. Anh Hoàng thì không nói gì, chị Hân cứ hay kêu con sao cứ chui đầu vào mấy quyển vở hoài thế, chị nói học lắm chỉ già người, chị vừa học vừa chơi. Nhưng mà me à, con không thích đi chơi thì làm sao. Mỗi lần chị Hân gọi đi chơi mà con không đi thì chị bảo có phải năm thi đâu mà Khánh học lắm thế. Học thong thả qua năm sẽ gạo sau cũng được. Thực tình thì con không thích đi chơi thật me ạ, ở nhà lại buồn, chỉ có học và đọc sách là thú thôi. Me xem con gái me có ngoan không.
Con định viết thật dài me ạ, nhưng bây giờ thì con quên tịt hết mọi chuyện định kể với me rồi, tệ quá. Chắc lần sau con phải thảo một bản chi tiết trước khi viết thư e thì mới nhớ hết được, phải thế không hở me.
Thôi, vì bây giờ con quên hết rồi, me chịu khó chờ lần sau nhé, rồi thì con sẽ viết thật dài e khỏi kêu sao Khánh lười thế, viết thư nào cũng ngắn ngủn như đuôi con vịt, nhé me. Tuần sau …
Có tiếng gõ cửa phòng nhẹ nhàng, em ngừng viết ngẩng lên nhìn, giọng anh Khải dịu dàng vọng vào :
- Khánh.
- Dạ.
Em vừa đáp vừa buông viết đứng lên mở cửa, anh Khải bước vào với một nụ cười :
- Khánh làm gì đó, lại học phải không ?
- Dạ không.
Anh Khải đưa mắt nhìn một vòng bàn học của em, môi thoáng nét cười :
- Viết thư ?
Em cũng mỉm cười theo :
- Dạ.
Anh Khải tiến lên mấy bước nữa, anh nói :
- Cô thì lúc nào cũng thế, chỉ thấy ngồi ở bàn học cả ngày.
Anh giơ tay ra cho em xem :
- Đây, anh cho Khánh đóa hoa, Khánh thích cắm hoa lắm phải không ?
Đóa hoa thật lạ, em chưa từng thấy bao giờ, cánh hoa dài mướt thon nhỏ như một que tăm gỗ chuốt mỏng. Cánh tua ra đều ngoài một vòng nhụy hơi hồng. Trông nó mỏng manh và yếu ớt lạ thường. Hoa có màu cam nhạt, một màu rất dịu và thanh hiếm thấy. Cái cuống, có lẽ dài đến nửa thước, thẳng tắp không một chiếc lá. Trông hoa có vẻ quý phái và dễ vỡ lạ lùng. Em ngẩn người nhìn bông hoa và buột miệng kêu :
- Hoa đẹp dễ sợ, anh Khải tìm ở đâu ra thế ?
Mắt anh có những tia hài lòng, anh cười :
- Anh nghĩ là thế nào Khánh cũng chịu mà, anh mới xin ở nhà người bạn đấy.
- Sao anh không giữ lấy cắm ở phòng mình ?
- Thật à ? Nhưng anh nghĩ nó thích hợp với Khánh hơn chứ, cho Khánh đấy.
Em đỡ lấy đóa hoa một cách thận trọng, cánh hoa tưởng chừng như sắp vỡ ra, gãy xuống. Anh Khải ngó chiếc ly cắm hoa của em lắc đầu :
- Không được, phải cắm bằng loại lọ nhỏ, trong và cao hơn mới đẹp.
Em hơi ngơ ngác nhìn anh :
- Nhưng em làm gì có chiếc lọ nào như thế.
- Anh có, để chút nữa anh mang cho Khánh.
Em cắm tạm bông hoa vào cốc thủy tinh trước mặt, cuống hoa dài quá vượt hẳn lên trên mấy bông hồng nhỏ, trông ngạo nghễ như một bà hoàng. Cả hai anh em cùng lui ra xa ngắm nghía, anh Khải nói :
- Đặc điểm của hoa là thay màu hoài, lúc chớm ở thì trắng phớt, bây giờ màu cam nhạt chừng nở hoàn toàn và để càng lâu thì nó càng có màu hồng rất xinh.
- Màu hồng phấn ?
Anh Khải gật đầu :
- Phải rồi, hồng phấn, hoa hồng phấn rất hiếm thấy trong các loại hoa, Khánh có thấy thế không ?
Em ngắm những cánh hoa thuôn dài, nhọn như đầu lá thông, hỏi anh :
- Nó tên là gì hở anh Khải ?
Anh lắc đầu :
- Anh cũng không biết nữa, Khánh thử đặt cho nó một cái tên xem sao.
Em cười khẽ vuốt nhẹ cuống hoa, màu hoa thật đẹp, hoa cũng lạ nữa nhưng chẳng thơm gì cả. Em cúi đầu nói với một nụ cười :
- Hoa chỉ có sắc mà không hương.
- Chứ vừa sắc vừa hương thì thiên hạ chết cả còn gì.
Em ngó anh Khải một lúc rồi cười cười đề nghị :
- Gọi nó là hoa Hữu Dung Vô Hạnh đi.
Anh Khải bật cười :
- Có vẻ hay nhưng hơi tàn nhẫn, mình bớt đi hai chữ, gọi là hoa Hữu Dung thôi.
- Hai chữ sau hiểu ngầm.
- Nên hiểu ngầm, cái tên có vẻ hay lắm.
Hai anh em cùng yên lặng một chút, anh Khải trầm ngâm cúi đầu xuống, những ngón tay đan vào nhau với vẻ lơ đãng.
- Khánh ở đây nhớ nhà không ?
- Dạ nhớ.
- Có buồn không ?
Em giấu vẻ xúc động trả lời nho nhỏ :
- Dạ, không phải lúc nào em cũng buồn hết.
- Anh thấy Khánh có vẻ học chăm lắm.
- Em chỉ cố gắng hết sức em thôi.
- Khánh đáng khen lắm, me Khánh sau này sẽ hãnh diện vì cô con gái của mình.
Em cắn cắn ngón tay út, ngập ngừng :
- Em thương me.
- Anh biết.
Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi thêm :
- Khánh có cần gì không, anh sẽ dạy thêm, hay Khánh muốn học thêm cours ngoài cũng được.
Em nhìn anh Khải biết ơn, em đáp :
- Cám ơn anh, em không dám để hai bác phiền vì em nhiều quá. Nếu em không hiểu bài em sẽ nhờ anh giảng cũng được.
Giọng anh Khải nghiêm nghị :
- Khánh, em không nên nghĩ như thế, ở đây ai cũng xem em là em ruột trong nhà. Em chăm học ngoan ngoãn như thế anh không phiền điều gì được cả. Em nên bỏ cái mặc cảm ăn nhờ ở đậu của em đi.
Em lặng im, em biết là gia đình bác Khanh đối xử với em tử tế không khác gì con ruột nhưng em tự thấy mình không có quyền lạm dụng sự thương yêu quá đáng. Me gửi em lên đây coi như ký thác luôn cho hai bác nuôi, me biết là me không trả nổi bác công nuôi em ăn học, không thể nào trả nổi hết. Và dù me có gắng xoay xở đi nữa thì hai bác cũng không đời nào chịu nhận. Trên đời này những người có lòng tốt với họ hàng nghèo như gia đình bác Khanh là điều hiếm hoi. Trong thâm tâm em thấy mình mắc một món nợ lớn. Khó thể trả nổi lòng tốt hôm nay của hai bác và các anh chị, chỉ có một cách là em phải gắng học cho đàng hoàng để khỏi mất mặt me và cho hai bác đừng phiền trách.
Anh Khải nói tiếp, giọng thong thả, khoan dung :
- Anh hiểu những ý nghĩ của Khánh, Khánh luôn luôn mặc cảm tự ti, tự coi mình là người ngoài gia đình anh. Anh thấy Khánh từ chối những lần Hân nó rủ đi chơi và anh biết Khánh phải can đảm để làm điều đó. Khánh còn nhỏ để có thể cương quyết như thế. Anh đọc thấy vẻ ao ước muốn chạy nhảy vô tư trong lòng Khánh. Khánh tự kiềm chế mình để chuyên chú vào việc học. Anh không khuyên Khánh xao lãng học hành nhưng Khánh đừng đặt nó lên tầm quan trọng quá như thế. Ép mình quá Khánh sẽ lớn trước tuổi, sẽ mất những ngày vô tư của Khánh đi.
- Em biết anh Khải thương em như em ruột, nhưng em không thể quên địa vị của em trong nhà này, em …
- Em nói nhảm, Khánh, em cứ xem như đây là gia đình em. Ba má anh có thể nuôi em ăn học thong thả đến hết Đại học. Em còn gì để lo nghĩ nữa chứ.
- Em nghĩ rằng em đã xen vào gia đình và đã làm hai bác tốn kém vì em.
Anh Khải ngước nhìn thẳng vào mặt em, nghiêm nghị :
- Khánh, anh không muốn em nghĩ như thế, đó là việc ba má anh phải nghĩ đến, em đừng quên ba em là em ruột của ba anh.
Em làm thinh không nói, ở địa vị của anh Khải thì anh ấy có quyền nói thế và nghĩ thế, em phải nhận là em may mắn hơn những người bạn khác. Em biết có những cô bạn em lên Đà Lạt trọ học như em ở nhà họ hàng vừa phải trả tiền vừa phải làm việc nhà mệt nhọc chứ đâu rảnh rỗi như em, đã được học đàng hoàng lại còn được đưa đi chơi đủ thứ. Tuy nhiên chừng đó điều không làm lấp được nỗi bứt rứt của em. Cứ nghĩ rằng mình ở đâu đến làm rầy rà người khác là em đã áy náy. Anh Khải nói đúng, em nhiều khi không phải là không thích đi chơi. Nhưng mỗi lần đi như thế em cảm thấy như đã vương thêm một chút nợ nần với hai bác. Me chỉ có thể gửi chút ít tiền cho em đủ chi dụng cần thiết mà chị Hân mỗi lần lôi em đi phố là cứ khen cái này khen cái kia rủ em mua và trả tiền tất cả. Em ngượng vô cùng vì mình cứ nhận quà của chị hoài. Lúc đầu em còn nể chị Hân nên đi, về sau em viện cớ học từ chối, chị có vẻ giận lắm. Thực ra, em cũng như chị, thích được mặc những hàng áo đẹp, thích được chọn những quyển sách hay mà không phải e dè nghĩ đến số tiền phải trả, thích có những gì mà các cô con gái nhỏ cùng tuổi với em ưa thích. Nhưng em không là chị Hân nên em phải từ chối, thế thôi. Em không thể quên được em chỉ là một đứa con của một gia đình nghèo nàn, với người mẹ ngày hai buổi đến công sở trong những chiếc áo dài cũ kỹ, với đứa em nhỏ tội nghiệp chỉ thèm muốn mà chẳng bao giờ giữ được các thứ ao ước bao giờ. Và những khi em nghĩ đến me em như thế em cảm thấy việc em ở với bác, ăn ngon mặc đẹp tha hồ là điều lầm lỗi, lòng em lại bứt rứt không thôi.
Anh Khải gỡ cây đàn của chị Hân treo trên tường xuống. Nhà có ba người là ba cây đàn. Cây của chị Hân mới nhất, đẹp nhất trái với cây đàn phong trần đầy dấu khắc tên và hình quái gở của anh Khải và các bạn anh. Mọi khi anh Khải anh Hoàng thường chê đàn của chị Hân thiếu tính chất nghệ sĩ vì nó sạch sẽ không dấu vết gì cả. Em ngồi nhìn năm ngón tay anh Khải nhẹ nhàng lướt trên các phím đàn. Những tiếng nhạc rơi thanh thót mà thật buồn. Tiếng đàn của anh Khải không bao giờ vui nổi, nó cũng như vẻ mặt lặng lẽ và tính tình trầm mặc ít nói của anh.
Anh đàn đi đàn lại mấy lần một khúc độc tấu thật buồn đó rồi thôi. Năm ngón tay lơ đãng đặt trên thùng đàn. Bàn tay anh Khải có ngón vô danh thật dài, cao gần bằng ngón giữa. Ngón vô danh của nghệ sĩ tính. Em hỏi anh khi chờ hoài không thấy anh đàn nữa :
- Sao anh Khải lại thôi ?
Anh mỉm cười, nụ cười phảng phất vẻ buồn bã :
- Khánh thích lắm sao ?
Em gật đầu :
- Dạ, khúc nhạc anh vừa đánh xong là bài gì vậy ?
Anh Khải đáp khẽ :
- Romance.
Em ngập ngừng nhìn anh một lát rồi chỉ thở dài :
- Anh Khải đánh đàn buồn quá.
- Khánh thích học không ?
Em toan đáp là muốn nhưng rồi em cắn môi lắc đầu.
- Không, em bận học. Nhưng em thích nghe anh đàn lắm.
Anh Khải nhìn em lắc đầu nhè nhẹ, anh trả cây đàn trở lại chỗ cũ :
- Anh đi lấy cho Khánh lọ thủy tinh cắm hoa.
Em đứng lên đi theo anh :
- Để em đến lấy khỏi mất công anh trở lại.
- Cũng được.
Hai anh em lững thững xuyên hành lang qua phòng khách. Phòng riêng của anh Khải nằm gần như biệt lập ngó ra một góc sân đầy hoa, rất hợp với bản tính yên lặng của anh. Đứng ở phòng khách nhìn ra mặt đường uốn theo một chiều vòng cung đi dần xuống bờ hồ. Con dốc thoai thoải làm mỏi chân những người khách đến thăm và cũng rất dễ dàng cho chủ nhân nhìn thấy họ từ đầu mút cuối đường của dốc. Em nhìn thấy màu xanh lá cây đậm bóng quen thuộc của chiếc xe anh Hoàng đang từ từ bò lên. Em đứng dừng lại, reo khẽ :
- A, xe anh Hoàng về anh Khải ơi.
Anh Khải điềm đạm nhìn về hướng con dốc :
- Thế à, sao chúng nó về sớm thế nhỉ ?
Chiếc xe chỉ trong một thoáng đã lên đến đầu dốc chạy vòng vào sân. Trong xe lố nhố nhiều bóng người, anh Khải nói bình thản :
- Thằng Hoàng lại khều được mấy đứa bạn của nó lên rồi.
Những cánh cửa xe bật mở, anh Hoàng ra trước tiên, một người con trai lạ mặt bận áo xanh nhạt cùng đi với chị Hân. Và cuối cùng là … Hùng. Trái tim em bỗng đập rộn rã trong lồng ngực, em thấy thẹn, bất giác em lính quýnh thụt lùi ra sau lưng anh Khải. Anh không chú ý đến nỗi bối rối của em. Nắm tay em, anh Khải vừa đi vừa nói :
- Đi Khánh, mình xem có quà gì hay không chứ.
Em bước những bước chân ngượng ngùng, thực sự lòng em chỉ muốn chạy biến ngay về phòng riêng mà thôi. Chị Hân là người lên tiếng trước nhất, chị nói như la lên :
- Khánh, uổng ghê chưa, bảo Khánh cùng đi mà Khánh không đi, vui quá chừng Khánh ơi.
Hai má em nóng lên trước cái nhìn của hai người con trai mới đến, em mỉm cười bẽn lẽn. Người con trai mặc áo xanh nhạt vui vẻ nắm tay anh Khải :
- Anh vẫn không thay đổi chút nào.
Anh Hoàng nói mà mắt nhìn chị Hân chế nhạo :
- Lôi được thằng Huy lên đây là nhờ công trình của “người ta” đấy anh Khải ạ.
Huy. Em ngẩng nhìn người con trai, hai má chị Hân bỗng hồng thêm một chút. Anh Khải lắc đầu :
- Tốn bao nhiêu nước mắt hả, Ngọc Hân ?
Không đợi chị Hân trả lời anh quay sang em :
- Huy, em rể tương lai của anh đó Khánh.
Anh Huy mỉm cười :
- Cô Khánh mà Hân hay nhắc đó phải không ?
Em luống cuống nép sau anh Khải không biết trả lời sao, chị Hân đỡ :
- Khánh đó, anh thấy dễ thương không ?
Anh Huy cười và gật gật đầu làm em muốn chui xuống đất. Em chỉ cúi gầm đầu xuống di di chân, em nghe thấy tiếng Hùng trầm trầm vang lên :
- Ơ hay, vào nhà thôi chứ, tiếp khách gì mà kỳ thế.
- Ừ nhỉ.
Chị Hân vừa reo vừa nhảy chân sáo vào nhà :
- Mời quý vị vào thôi, vào thăm bàn ghế rồi sẽ tính.
- Chỉ có bàn ghế thôi à ?
- Tủ lạnh hay bếp nữa, nếu quý vị muốn.
Mọi người bật cười vui vẻ rồi cùng bước vào nhà, anh Khải hỏi :
- Hùng cũng rảnh rỗi đi theo thằng Hoàng nữa à ?
Hùng cười nhỏ :
- Không rảnh cũng phải đi.
- Lý do ?
Anh Hoàng cười bí mật :
- Chưa thể tiết lộ.
Anh Khải nhún vai se sẽ như không lưu ý, em để mặc mọi người vui đùa âm thầm rút về phòng mình. Đứng phân vân trước tủ sách em nhìn một loạt bìa mạ chữ vàng rực rỡ sáng. Nhìn để mà nhìn thôi chứ em không biết sẽ phải lấy quyển gì và làm sao. Đầu óc lơ đãng em cho tay lướt qua những gáy sách cứng. Em thấy nao nao, buồn buồn và cũng thấy hình như có một chút gì vui len vào lòng xao xuyến. Em không diễn tả được lòng em.