Những Vụ Án Trên Thế Giới

Do quy định về hiệu lực điều tra vụ án đã kết thúc, hồ sơ của án giết người này đã bị đóng lại và trở thành một trong những vụ án ám ảnh và gây xúc động mạnh mẽ bậc nhất trong dư luận Hàn Quốc.

Ngày 26/3/1991, vùng quê núi Waryong, tỉnh Daegu thức dậy trong yên bình. Đó là một ngày trời Xuân nắng nhạt, các trường học đều cho học sinh nghỉ do một cuộc tuyển cử được tổ chức tại địa phương.

Hôm đó, nhóm 5 cậu bé học sinh tiểu học, tuổi từ 9 đến 13 là Woo Cheolwon (13 tuổi), Jo Hoyeon (12 tuổi), Kim Yeonggyu (11 tuổi), Park Chanin (10 tuổi) và Kim Jongsik (9 tuổi) rủ nhau ra sau núi bắt ếch. Cả 5 em đều học tại trường Tiểu học Seongseo, thành phố Daegu và đều sống quanh khu vực núi khoảng 3,5 km.

Cha mẹ các em, dù là trong tưởng tượng cũng không bao giờ nghĩ được rằng đó là lần cuối cùng họ được cất tiếng giục giã những cậu con trai mình thức giấc. Đến chiều tối muộn hôm ấy, họ ở nhà đợi cơm nhưng vẫn không thấy 5 cậu bé quay về. Mặt Trời xuống núi, và từ đó, chuỗi ngày đen tối sống trong tuyệt vọng của gia đình 5 học sinh bắt đầu.

28 năm trôi qua, 5 cậu bé vẫn chưa trở về nhà.

1. Cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng

Nghĩ rằng con mình mất tích, gia đình các em lập tức tới sở cảnh sát địa phương để trình báo. Một cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn, với sự tham gia của dân làng cùng phụ huynh. Họ xới tung từng tấc đất nơi ngọn núi cạnh đó, dò tìm từng ngõ ngách nơi khu vực xung quanh nhưng vẫn không một manh mối nào được phát hiện.

Người nhà một số gia đình nạn nhân quyết định bỏ hẳn công việc để dành toàn thời gian của mình cho việc tìm kiếm con em. Chính quyền địa phương mở chiến dịch tìm kiếm. Tất cả bao bì sữa đều in hình 5 đứa trẻ với hy vọng tìm ra tung tích của các bé.

Sau vài tháng lần tìm trong vô vọng, vụ mất tích bắt đầu được truyền thông để ý. Họ gọi 5 cậu bé tội nghiệp với cái tên "Những cậu bé bắt ếch" và nhắc tới các em nhiều hơn trên mặt báo, đăng tải bất cứ thông tin nào về cuộc truy tìm cũng như những suy đoán xung quanh vụ bốc hơi kỳ lạ này. Sự châm ngòi của báo giới đã khiến cuộc tìm kiếm ngày một lan rộng.

Năm 1992, vụ án nổi tiếng đến mức được dựng thành phim với tựa đề “Frog Boy” nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Nếu những đứa trẻ còn sống và xem được bộ phim sẽ biết được mọi người đang nỗ lực tìm kiếm và mong chúng sớm quay trở về với gia đình. Cả đất nước khi ấy đều cầu nguyện cho các em được trở về bình an.

Sau đó, chính phủ cũng vào cuộc, cựu Tổng thống Roh Tae-woo đã điều động hơn 300.000 cảnh sát và quân đội tìm kiếm khắp mọi nơi, từ trên núi, sông, hồ chứa, trạm xe buýt đến xe lửa trên toàn quốc.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân quyên tặng số tiền lên tới 42 triệu won (khoảng 35 ngàn USD) làm phần thưởng cho những ai tìm ra manh mối 5 đứa trẻ. Rất nhiều cuộc gọi báo tin xuất hiện vì khoản tiền thưởng béo bở trên, nhưng tất cả đều là tin giả.

Các cuộc gọi báo tin giả ngày một nhiều, có lần cảnh sát còn nhận được một cuộc gọi nặc danh của một gã đàn ông nói rằng: "Tôi đã bắt cóc bọn trẻ để lấy tiền chuộc nhưng chúng đã chết vì suy nhược hết cả rồi".

2. Hiện trường đau lòng

Mọi thứ tưởng chừng như rơi vào bế tắc. 11 năm cứ thế trôi qua, 5 gia đình vẫn ngày ngày trông ngóng tin tức về những đứa trẻ và ôm ấp niềm hy vọng mong manh rằng các em vẫn còn sống ở đâu đó.

Tháng 9 năm 2002, có một cuộc điện thoại nặc danh gọi đến cảnh sát cho biết: "Các người sẽ tìm được xác bọn trẻ tại núi Waryong", nhưng lúc ấy cảnh sát chỉ nghĩ là một cuộc gọi đùa giỡn, giả danh như tất cả những cuộc gọi trước đây.

Đáng sợ là chỉ vài ngày sau, vào ngày 26/9/2002, một người đàn ông có tên Choi Hwan-tae, 55 tuổi, khi đang nhặt quả thông thì tình cờ phát hiện ra những mảnh xương và quần áo phát lộ ở độ cao 400m trên núi Waryong.

Lực lượng cảnh sát sau đó được huy động đến và tìm được đúng 5 cái xác quấn tròn lấy nhau. Dưới nền đất lạnh lẽo, những đứa trẻ dùng quần áo quấn lên đầu và không hề mặc trên người.

“Những thi thể này chắc chắn là của 5 đứa trẻ mất tích. Chúng tôi phát hiện một đứa trẻ niềng răng, đó là Jo Hoyeon”, cảnh sát trưởng Kim Suhwan, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm cho biết. Tuy nhiên sau một thời gian điều tra, cảnh sát kết luận chúng chết vì hạ thân nhiệt.

Phía gia đình các nạn nhân không chấp nhận kết luận của cảnh sát vì không thuyết phục. Ngọn núi rất gần với ngôi làng, từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy ánh sáng phát ra từ làng, vậy nên những đứa trẻ này không thể đi lạc.

Không chỉ vậy, chúng đều là những đứa bé tinh khôn, khỏe mạnh và rất thông thạo khu vực, tại sao chỉ cách nhà khoảng 3 cây số mà không thể tìm được đường về? Hơn thế nữa, lúc xảy ra vụ án là vào mùa mưa, nếu các em đang bị lạnh, tại sao lại cởi quần áo quấn lên đầu để làm gì?

Nhận thấy nhiều điểm mâu thuẫn, cảnh sát tiến hành khám nghiệm kĩ 5 bộ hài cốt của các em để rồi nhận ra đã phán đoán quá chủ quan. Họ nhận thấy trên sọ của 3 bộ hài cốt có dấu vết nghi do vật cứng đánh mạnh vào. Vết máu được tìm thấy trên 2 hộp sọ cùng 2 lỗ đạn trên những hộp sọ còn lại.

Quanh hiện trường, cảnh sát còn phát hiện vài đầu đạn lẫn vỏ đạn. Tuy nhiên, nơi đây có đặt một bãi tập bắn nên không thể quy trách nhiệm cụ thể vào đơn vị, cá nhân nào.

Giáo sư tại ​Đại học Y Kyungbok giải thích về lỗ thủng trên hộp sọ của 1 trong 5 nạn nhân. Có vẻ như các em đã bị đánh đập và bị bắn, dẫn tới cái chết. Phần hộp sọ của các em được hiến cho đại học này nhằm phục vụ các nghiên cứu y khoa.

Vụ “Những cậu bé bắt ếch” nay không còn là vụ mất tích nữa mà đã trở thành một vụ sát hại trẻ em vô cùng dã man. Kể từ ngày phát hiện thấy hài cốt của các em, cảnh sát không thể tìm thêm manh mối nào nữa. 

Tới ngày 25/3/2004, tức là tròn 13 năm sau khi các chú bé biến mất, gia đình các em mới hoàn thành nghi lễ chôn cất các con mình.

3. Những giả thuyết đưa ra

Thời gian chưa tìm thấy thi thể của 5 đứa trẻ, hàng loạt lời đồn và giả thuyết được đặt ra. Tháng 8/1992, giả thuyết về một người đàn ông bị phong cùi. Người này đã bắt cóc và giết 5 đứa trẻ vì nghĩ rằng hành động này có thể chữa lành căn bệnh quái ác. Sau đó cảnh sát đã điều tra khu vực sống của các bệnh nhân bị phong nhưng không thu được manh mối nào.

Tiếp đó vào tháng 1/1996, một người dẫn chương trình địa phương đã khẳng định thủ phạm giết các cậu bé là cha của Kim Jongsik. Tuy nhiên, người này không đưa ra được bằng chứng cụ thể.

Rất lâu sau đó, vào những năm 2002, một người báo với cảnh sát rằng, một người đàn ông khác đã khoe khoang rằng ông ta đang tập bắn súng sau núi vô tình bắn trúng 2 đứa trẻ. Để che giấu tội ác, ông ta đã giết chết những đứa bé còn lại bằng cách bóp cổ, sau đó chôn chúng vào lòng đất. Thế nhưng, cảnh sát lại thất bại trong việc tìm đủ bằng chứng xác thực cho giả thiết này.

Năm 2006, thời hạn 15 năm điều tra vụ án đã hết hiệu lực, hồ sơ án mạng "Những cậu bé bắt ếch" bị khép lại không có lời giải đáp. Sự việc này lại một lần nữa đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Hàn Quốc cũng như thúc đẩy quá trình điều tra lần nữa. Mãi đến tháng 7/2015, hiệu lực vụ án được mở ra lần nữa, tạo cơ hội đòi lại được công lý cho gia đình và nạn nhân, dù cho tất cả đều rất mong manh.

Năm 2011, dựa trên tình tiết bí ẩn của vụ án, các nhà làm phim đã sản xuất một bộ phim điện ảnh mang tên Children, do Lee Kyu Man làm đạo diễn. Bộ phim kể về hành trình điều tra vụ án của một nhà sản xuất chương trình truyền hình với sự giúp đỡ của một giáo sư tâm lý. Phim đưa ra một giả thuyết rằng hung thủ chính là phụ huynh của một trong những đứa trẻ mất tích nhưng cuối cùng bị bác bỏ.

Sau màn đấu trí và đuổi bắt căng thẳng, cuối cùng cảnh sát cũng bắt được kẻ thủ ác cũng là một người trong làng. Đáng tiếc kết thúc này chỉ là trong phim. Hung thủ thực sự sát hại 5 đứa trẻ cho đến nay vẫn chưa một lần được đưa ra ánh sáng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui