Đưa mắt nhìn Thẩm Đường đi vào sân nhà nghỉ, Tiêu Chân mới lưu luyến thu hồi tầm mắt.
Người đi đường lướt ngang qua cũng nhìn sang Trần Nam Kính, có vài du khách nhận ra ông ta nên lấy điện thoại ra chụp lén vài tấm, bắt gặp Trần Nam Kính ở quê của ông ta cũng không phải là chuyện hiếm lạ gì.
Nghe đâu thôn Hải Đường sắp có dự án phát triển du lịch, Trần Nam Kính là một trong những nhà đầu tư lớn.
Tiêu Chân và Trần Nam Kính nhìn nhau nhưng không nói gì.
Hai người đều đeo kính râm, không ai biết người kia đang nhìn gì hay đang nghĩ gì.
Kính râm đúng là một vật có ích, có thể che giấu sự ích kỷ và dối trá của một người vô cùng kín kẽ.
Tiêu Chân vịn cửa xe, mái tóc dài bị gió biển thổi tung.
Sau khi bà và Trần Nam Kính ly hôn thì chỉ gặp nhau mấy lần, trong đó có hai lần đều ở thôn Hải Đường.
Đứng ở nơi con gái mình lớn lên, tất cả ân oán hận thù gì đó đã không còn đáng để nhắc tới.
Kết hôn với Trữ Nhạc Lễ bao nhiêu năm qua, không có ngày nào mà bà không thấy sợ hãi.
Trữ Nhạc Lễ thật sự đối xử với bà rất tốt, tốt đến nỗi bà chỉ muốn xóa sạch đoạn thời gian hoang đường kia của mình.
Thậm chí không tiếc tổn thương Đường Đường.
Những năm qua, bà vô cùng hối hận, hối hận vì sao bà lại tàn nhẫn vứt bỏ con mình như thế.
Nhưng một khi đã bước lên con đường này thì bà không còn cơ hội để quay đầu lại.
Nếu lúc trước ba bà không phản đối, chia rẽ bà và Trần Nam Kính.
Nếu năm đó Trần Nam Kính không ngoại tình.
Nếu sau khi ly hôn, Trần Nam Kính không vội vàng cưới chạy bầu với Phàn Ngọc.
Nếu Trần Nam Kính không xây dựng hình tượng gia đình hạnh phúc trước mặt mọi người.
Nếu bà và ba mình không trở mặt với nhau.
Nếu lúc ấy bà có đủ can đảm để đối mặt với cuộc hôn nhân bị phản bội của mình.
Nếu bà có thể lấy lại tâm trạng để tiếp tục việc học.
Nếu bà có thể điều chỉnh lại cảm xúc, không quan tâm đến những người trong giới thượng lưu cười mình.
Nếu bà đón Đường Đường về lại với mình khi con bé chỉ vừa mới hai, ba tuổi, khi con bé vẫn chưa có ký ức.
Thế thì mọi thứ có phải sẽ khác đi không?
Tiêu Chân nhìn cửa sân nhà nghỉ, tưởng tượng khi con mình còn bé đã từng chơi đùa ở đó ra sao.
“Ông nói xem, năm đó khi ông và Phàn Ngọc xây dựng hình tượng gia đình hạnh phúc trước mặt truyền thông, trong lòng ông rốt cuộc đã nghĩ gì? Ông có từng nghĩ cho Đường Đường hay không?”
Rốt cuộc bà cũng đã có thể hỏi câu hỏi mà mình vẫn luôn giấu trong lòng hơn hai mươi năm qua.
“Hay là ông thật sự không có một chút tình cảm gì với Đường Đường?”
Trần Nam Kính nhìn mặt biển mênh mông ngoài xa, “Tôi nào nghĩ nhiều đến thế, bà cứ coi như tôi bị điên đi.
Lúc ấy tôi chỉ mới hai lăm, hai sáu tuổi, xem tự tôn và hư vinh còn quan trọng hơn cả tính mạng mình.
Tôi chỉ muốn để ba bà nhìn thấy tôi không phải là đồ vô dụng, tôi vẫn có năng lực để vợ và con mình sống hạnh phúc.”
Dù hạnh phúc ấy chỉ là giả dối, nhưng ông ta vẫn cố hết sức diễn cho tròn vai.
Khi ấy Tiêu Chân và Trữ Nhạc Lễ đã kết hôn và sinh con, tình cảm bền chặt như keo sơn.
Ông ta lại càng không cam tâm, càng ghen tỵ với Trữ Nhạc Lễ.
Chỉ bởi vì Trữ Nhạc Lễ sinh ra ở nhà họ Trữ mà được ba của Tiêu Chân chấp nhận, có thể cùng Tiêu Chân tổ chức một hôn lễ long trọng, đó là thứ ông ta cầu mà không được.
Cặp sinh đôi long phượng kia vừa chào đời đã được ông Tiêu nâng niu trong lòng bàn tay.
Còn Đường Đường thì sao?
Ông Tiêu cũng chẳng thèm ngó lấy một cái.
Thế là ông càng thêm khát vọng tiền tài và địa vị hơn.
Về sau, ông càng lúc càng chạy xa trên con đường chấp mê bất ngộ này, đến khi ông lên đến đỉnh danh vọng, khi muốn quay đầu lại, thì đã quá muộn rồi.
Ông biết cả đời này Đường Đường sẽ không bao giờ tha thứ cho ông.
Mà tất cả mọi thứ đều do ông gieo gió gặt bão.
Tiêu Chân im lặng hồi lâu không nói tiếp.
Bà biết ba mình là người thế nào, khi xưa ông không những giẫm lòng tự tôn của Trần Nam Kính ở dưới chân, mà còn nghiền nát nó.
Vật đổi sao dời, nhưng nó lại không vì thời gian trôi qua mà rơi vào lãng quên.
Thôn Hải Đường đúng là một nơi thần kỳ, có thể lôi hết những cái xấu xí, ti tiện nhất ở trong lòng bọn họ ra ngoài.
Trần Nam Kính nhìn bọt biển trắng xóa đánh vào bờ, “Mặc kệ Đường Đường có nhận tôi hay không, có tha thứ cho tôi hay không, tôi vẫn sẽ tiếp tục bù đắp cho con bé.”
Dẫu sao thì nửa đời sau của ông ta chỉ có một thân một mình, ông ta có rất nhiều thời gian.
Trần Nam Kính quay đầu nhìn bà, “Nếu tình huống bên bà cho phép, hy vọng bà hãy đến đây một chuyến vào ngày này mỗi năm, chúng ta và Đường Đường cùng đi thăm ba tôi.”
Tiêu Chân hoàn hồn, vào lúc này, quá khứ và oán hận đều đã tan thành mây khói.
“Được.” Bà mở cửa ngồi vào xe.
Nếu như hai mươi sáu năm tiếp theo có thể hâm nóng trái tim của con gái, muốn bà làm gì đều được cả.
Gió biển lồng lộng, chiếc xe của Tiêu Chân dần khuất bóng phía cuối con đường.
Trần Nam Kính đút tay vào túi, đi dọc theo đường ven biển tiến về phía trước.
Ông chợt nhớ đến ba mình.
Nhớ đến Đường Đường khi còn bé.
…
“Đang nghĩ gì thế em?” Tưởng Thành Duật đánh vỡ sự im lặng ngắn ngủi của cô.
Thẩm Đường ghé lên lan can ở sân thượng lầu ba nhìn ra con đường ven biển phía xa xa.
“Em đang nghĩ đến bản thân em.” Cô thu hồi tầm mắt, nhìn sang anh, mỉm cười hỏi, “Anh có tin hiện giờ em là một đứa trẻ ngoan ngoãn không?”
“Không tin lắm.”
Thẩm Đường cười, “Thật hả?”
“Nhìn gương mặt giấu đầu lòi đuôi này của em, anh cũng đâu thể nói dối không chớp mắt được.” Tưởng Thành Duật vặn nắp hộp sữa rồi đưa cho cô, sau đó anh xoay người đi xuống lầu.
“Anh đi đâu đấy?” Thẩm Đường uống sữa, nhìn bờ vai “thái bình dương” của anh, hỏi với theo.
“Vào phòng em lấy đồ, anh lên ngay.” Anh vừa nói chuyện vừa bước xuống cầu thang lầu hai.
Tưởng Thành Duật không ở đây, sân thượng chỉ rộng vài mét vuông bỗng chốc trở nên vắng vẻ.
Tiếng cười đùa ngoài bờ biển liên tục vang vọng đến đây, Thẩm Đường lại nhìn về phía bên kia.
Hôm nay tuy thời tiết không đẹp mấy, nhưng không hề ảnh hưởng đến tâm trạng của các du khách.
Mùa hè nhiều mây lại càng thích hợp để chơi ngoài biển.
Trên bờ cát đa số là các cặp đôi hoặc gia đình đến chơi.
Những tràng cười rổn rảng vô tư không gì hơn khi được chơi đùa hết mình cùng bạn bè.
Tuy nhiên cũng không thiếu những bóng người cô đơn, nhưng vì cách khá xa nên không nhận ra ai là ai.
Sau lưng vang lên tiếng bước chân, Thẩm Đường quay đầu, nhìn thấy Tưởng Thành Duật cầm gạch yoga của mình đi tới.
“Em vừa mới ăn xong, không tập đâu.”
“Không phải để em tập yoga.”
Tưởng Thành Duật xoay người đặt gạch yoga xuống, rồi kéo cô đi đến trước mặt mình.
Anh tựa lưng lên lan can của sân thượng, để cô nhìn ra ngoài biển, “Em giẫm lên gạch yoga đi, thế thì anh sẽ không còn cản tầm nhìn của em nữa.”
Thẩm Đường cởi giày ra, giẫm lên miếng gạch yoga, khoảng cách chênh lệch chiều cao giữa anh và cô đã được rút ngắn lại, cô tỳ cằm lên bờ vai Tưởng Thành Duật, lười nhác dán lên người anh ngắm ra biển.
Tưởng Thành Duật dịu dàng đỡ lấy eo cô, ôm cô vào lòng.
“Anh vẫn chưa kịp cám ơn em.” Tưởng Thành Duật vén mái tóc dài của cô ra phía sau lưng.
Thẩm Đường, “Cám ơn em chuyện gì?”
“Album ảnh.” Anh đã nhận được một món quà quý giá nhất.
“Em chỉ mượn hoa hiến Phật thôi, anh thích thì tốt rồi.” Thẩm Đường nhắc đến giấy gói quà, “Cái đó không phải tặng cho anh, là em giữ lại.”
Đó là giấy gói quà Trữ Tiêu Duyệt đã chọn, cô nhóc chọn hình đu quay mà cô thích nhất.
Trước đây cô đã từng nhắc đến trên show truyền hình rằng cô rất thích đu quay.
Bọn họ cứ ôm nhau như thế một lúc lâu, đến trưa, anh Thẩm gọi bọn họ xuống ăn cơm.
Sau trưa, Tưởng Thành Duật định tắm rồi ngủ trưa một giấc, nhưng Thẩm Đường lại không buồn ngủ, cô vừa nhận được một đoạn dài khoảng mấy chục ngàn chữ của kịch bản bad boy mà Ôn Địch vừa gửi sang.
“Anh ngủ đi, em đọc kịch bản.”
Nhiệt độ trong phòng thấp, Tưởng Thành Duật sợ cô đọc một lát rồi ngủ quên, anh đi lấy một tấm chăn mỏng khoác lên cho cô, để cô tựa vào gối ôm.
“Không được xem lâu quá, sẽ đau mắt đấy.”
Ánh mắt Thẩm Đường không hề rời khỏi màn hình điện thoại, chỉ lơ đãng đáp lại, “Vâng.”
Tưởng Thành Duật lấy một tấm chăn mới từ phòng thay đồ ra, quay lại giường.
Một đoạn văn dài chỉ mấy chục nghìn chữ mà Thẩm Đường phải đọc đến tận hai lần, chỉ tiếc là ít quá, xem không đã.
Cô nhắn tin cho Ôn Địch, [Nếu cậu muốn quay phim này thì mình sẽ đầu tư.]
Đặt điện thoại xuống, Thẩm Đường nhìn Tưởng Thành Duật đang nằm ngủ say ở trên giường.
Cô xoay người, nằm sấp trên ghế sofa ngắm nhìn anh.
Bọn họ cách nhau rất gần, dù là thể xác hay là tinh thần.
Cô xốc chăn lên, rón rén rời khỏi phòng.
Dưới phòng khách của nhà nghỉ, anh Thẩm đang cho con trai làm bài tập.
Thằng nhóc cúi đầu, mặt mày ủ rủ giống hệt mấy chiếc lá dưa chuột héo quắt héo queo dưới ánh mặt trời.
Kỳ nghỉ hè đã gần kết thúc, nhưng bài tập hè của thằng nhóc này vẫn chưa có chữ nào.
Hồi đó, Thẩm Đường vẫn luôn mong ngóng có thể được ba mẹ làm bài tập cùng mình giống như những đứa trẻ khác, thế nên cô không hề thấy thông cảm với thằng nhóc đang ghét bỏ anh Thẩm ngồi bên cạnh canh chừng.
Cô hỏi mượn đứa cháu một cây bút chì, một cục tẩy và một tờ giấy trắng.
Trở về phòng, Thẩm Đường đặt tờ giấy lên bàn trà, cầm cây bút chì khều qua khều lại dưới cằm, ngắm Tưởng Thành Duật ngủ một lúc lâu.
Lúc dùng bút phát họa cảnh tượng trước mắt ở trong đầu thì rất dễ.
Tuy nhiên, đến khi cầm được cây bút trong tay thì lại không hề đơn giản chút nào.
Vẽ rồi bôi, bôi rồi vẽ.
Cô nhìn thế nào cũng không thấy giống Tưởng Thành Duật.
Tờ giấy trắng bị cô tẩy đến nhăm nhúm, trên bàn trà đều là vụn tẩy.
Nửa tiếng sau, Thẩm Đường từ bỏ thử thách có độ khó cao này.
Hành xác cả nửa ngày mà không gặt hái được thành quả, cô quyết định dùng thủ pháp vẽ tranh mà mình am hiểu nhất, phát họa ra một người đơn giản chỉ bằng mấy nét vẽ.
Sau đó, cô viết thêm vài dòng bên dưới góc phải tờ giấy.
“Tiểu Tưởng đang ngủ trưa” – By họa sĩ trường phái trừu tượng Thẩm Đường.
Tại thôn Hải Đường.
1 giờ 35 phút chiều.
Thẩm Đường đặt bức tranh dưới điện thoại của Tưởng Thành Duật, sau đó bò lên giường, nằm xuống bên cạnh anh.
Sợ đánh thức Tưởng Thành Duật nên cô không kéo chăn của anh sang.
Dường như có cảm ứng, Tưởng Thành Duật mơ màng kéo cô sang, bung chăn ra đắp cho cô.
Thẩm Đường nằm trong lòng anh, lắng nghe tiếng anh hít thở, cảm nhận hơi thở của anh.
Bất tri bất giác, cô cũng dần an tâm chìm vào giấc ngủ.
…
Ở lại thôn Hải Đường ba ngày, đến thứ Sáu, Tưởng Thành Duật và Thẩm Đường lên đường đến đảo nhỏ.
Bọn họ bay sang Manhattan trước, sau đó ngồi trực thăng của Tạ Quân Trình, rồi lại đổi sang du thuyền, sau hai mươi mốt tiếng mới đặt chân xuống hòn đảo nhỏ mà mình ngày nhớ đêm mong.
Loa phát thanh trên đảo vẫn phát bài hát mà Tạ Quân Trình yêu thích – Beautiful night.
Gió biển lồng lộng, trong không khí còn mang theo mùi hải sản nướng.
Mới nửa năm không đến mà hòn đảo này đã thay đổi rất nhiều.
Trên đảo xuất hiện thêm vài tòa biệt thự nghỉ dưỡng bằng gỗ, thảm thực vật cũng được mở rộng, còn đám bắp cô trồng khuất sau phía biệt thự.
Tạ Quân Trình đang nướng hải sản với bác Trương, Thẩm Đường đến đảo mấy lần, lần nào cũng đều do bác Trương phụ trách cơm nước, nên cũng đã thân quen.
“Bác Trương, lầu rồi không gặp.”
“Chứ gì nữa, ngày nào bác cũng trông mấy đứa đến đây chơi.” Bác Trương cười đáp, “Đám bắp của con nếu còn không chịu hái nữa là nó chín rục luôn đấy.”
Chào hỏi xong, Thẩm Đường đi về phía ruộng bắp phía sau.
Tưởng Thành Duật nán lại trước lò nướng nửa phút, khẽ hỏi Tạ Quân Trình, “Bọn họ đâu?”
Tạ Quân Trình hất cằm về khu biệt thự đối diện, “Đang đánh bài trên lầu.”
Tưởng Thành Duật gật đầu, cất bước đi tìm Thẩm Đường.
Đến ruộng bắp, Thẩm Đường bật cười.
Cuối cùng cô cũng hiểu vì sao Tạ Quân Trình lại bảo rằng anh không dám nhìn ruộng bắp của cô rồi.
Một ruộng bắp to là thế, nhưng chỉ có mười mấy cây bắp thưa thớt, hơn nữa cứ cách ba bốn mét là xuất hiện một cặp bắp.
Đúng vậy, từng cặp từng cặp, giống hệt như song sinh.
Mỗi một cặp bắp đều dựa sát vào nhau, lá bắp chen chúc, từ xa nhìn lại trông như đôi tình nhân đang ôm lấy nhau.
Thẩm Đường quay sang hỏi anh, “Lúc ấy em trồng từng cây từng cây mà, sao lại thành ra thế này?”
Tưởng Thành Duật đáp, “Nửa đêm hôm đó anh đã đào mấy hạt giống dư ra, mỗi hàng chỉ để lại ba cây, sau đó lại chôn thêm một hạt giống bên cạnh hạt của em.” Lúc gần đi, anh đã nhờ bác Trương bón phân, tưới nước, chăm sóc dùm mình.
Nhờ thế mới có được ruộng bắp như hôm nay.
Thẩm Đường được hời còn làm bộ làm tịch, “Sao Tưởng tổng lại vô vị thế hả?”
Nhân lúc trời chưa tối, vừa lúc vẫn còn ánh ráng chiều, Tưởng Thành Duật nắm tay cô đi dạo dọc theo bờ biển, “Hôm ấy vì màn cầu xin em quay lại thất bại, nên anh muốn đổi sang cách khác để dỗ em vui.”
Bọn họ dạo một vòng quay bờ biển.
Thẩm Đường nhìn quần tây áo sơ mi trên người anh, dưới chân còn mang giày da, không tiện để nghịch cát, “Anh đi thay đồ đi.”
Tưởng Thành Duật, “Từ từ, đợi ngắm hoàng hôn cùng em trước đã, trời tối rồi thì không còn nữa.”
Ánh hoàng hôn chói lọi bao trùm cả bầu trời, tựa như có ai đó sẩy tay làm đổ bảng màu.
Mọi thứ trên đời dường như đã bị phai sắc khi đứng trước bức tranh sơn dầu khổng lồ tự nhiên này.
Hai người đi dạo dọc theo bãi cát, Thẩm Đường chợt hoảng hốt, có đôi lúc cô cảm giác nơi đây chính là bờ biển ở thôn Hải Đường.
Tưởng Thành Duật bước lên trước một bước, quay lại đối mặt với cô, còn anh thì đi lùi.
Thẩm Đường đan tay mình vào tay anh, cô đi chân đất, nghịch ngợm vẩy cát lên người anh.
Trong giày da Tưởng Thành Duật toàn là cát, nhưng anh vẫn để mặc cho cô nghịch.
Đúng lúc này, bản nhạc Beautiful night chợt đổi sang một bài mà gần như cô đều phải nghe mỗi ngày – Bởi vì tình yêu, hơn nữa đây còn chính là phiên bản do cô và Tưởng Thành Duật cùng song ca.
Thẩm Đường dừng bước, chăm chú lắng nghe.
Tưởng Thành Duật lùi về sau nửa bước, khuỵu một chân xuống nền cát.
Thẩm Đường ngẩn ngơ, người đàn ông kiêu ngạo như anh lại quỳ một gối, nhìn cô với ánh mắt đầy chân thành và dịu dàng, chợt, trên tay anh bỗng xuất hiện một chiếc nhẫn kim cương.
Anh nắm lấy tay trái cô, “Có phải em từng hỏi anh có chuyện gì khiến anh hối hận không?”
Thần hồn của Thẩm Đường vẫn đang phiêu diêu chốn nào, cô chỉ “ừm” một tiếng.
“Đúng là từng có một chuyện.
Chính là cái đêm chúng ta chia tay nhau, anh đi ra không phải để tiễn em mà là muốn ôm em trở về.” Nhưng cuối cùng anh vẫn sĩ diện thế đấy.
Anh nhìn cô, “Để chuẩn bị cho thời khắc này, anh đã phải xóa rồi gõ một bản nháp hơn ngàn chữ, vắt hết óc nghĩ ra rất nhiều lời tỏ tình, nhưng chính anh cũng chẳng thấy chân thành.
Cuộc đời còn rất dài, anh cũng chỉ nói những lời âu yếm với một mình em, sau này sẽ từ từ nói nữa.
Nếu bây giờ anh bảo, anh yêu em, yêu em hết cuộc đời, thật sự nghe khá kịch.
Nhưng anh hứa với em, chờ đến khi chúng ta ở bên nhau tròn năm mươi năm, tới lúc đó anh sẽ nói với em rằng, Thẩm Đường, anh yêu em suốt cuộc đời này.”
Thẩm Đường cố ngăn mình chớp mắt nhưng không thành, nước mắt lăn dài trên má.
Tưởng Thành Duật buông tay cô ra, “Đường Đường, lấy anh nhé.
Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một gia đình, để mỗi khi anh về tới nhà đều có thể nhìn thấy em.
Và nếu em về muộn thì vẫn có anh đang chờ.”
Thẩm Đường lau nước mắt, “Anh trả lời em trước đi đã, tranh em vẽ có đẹp không?”
Tưởng Thành Duật đáp, “Chỉ cần là em vẽ anh, anh đều thấy đẹp.”
Nước mắt trên mặt Thẩm Đường chưa kịp khô thì cô đã bật cười, cô vươn tay về phía anh.
Tưởng Thành Duật cầm tay trái của cô, cẩn thận đeo nhẫn vào.
Đúng lúc này, đoạn nhạc bỗng dừng lại, trong biệt thự vang lên tiếng hoan hô náo nhiệt.
Tưởng Thành Duật đã mời hội bạn nối khố của mình và bạn của Thẩm Đường như Ôn Địch, Viên Viên và cả chị Lỵ cùng đến.
Trên mái của ngôi biệt thự treo một tấm banner rất bắt mắt, dòng chữ trên đó vô cùng phô trương, “Thẩm Hải Vương cưới anh nhé!”
Tưởng Thành Duật, “…”
Anh đứng dậy hét to về phía biệt thự, “Ai làm cái banner này!”
Trong biệt thự, những tràng cười khoái trá vang vọng khắp nơi.
Thẩm Đường cũng bật cười, cô ôm lấy Tưởng Thành Duật, “Em không giận đâu.”
Rồi sau đó, cô nhón chân hôn lên môi anh.
Tưởng Thành Duật ôm lấy cô, hai người trao nhau một nụ hôn ngọt ngào.
Mùa hè năm nay, cơn gió thoảng qua đã thổi bay quá khứ, mang một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đến với cô.
***
Hoàn chính văn.